Tạp chí Sông Hương - Số 265 (tháng 3)
Thầy Hiến dịch và giảng thơ Mai-a
15:27 | 28/03/2011
MAI VĂN HOANThời còn là sinh viên khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh (1967 - 1971), chúng tôi thường gọi thầy Hoàng Ngọc Hiến là thầy Hiến. Đó là cách gọi thân mật của những học sinh vùng quê miền Trung đối với những thầy giáo trường làng. Lên đại học chúng tôi vẫn giữ nguyên thói quen ấy.
Thầy Hiến dịch và giảng thơ Mai-a
Thầy Hoàng Ngọc Hiến - Ảnh: laodong
Vào năm học thứ nhất, chúng tôi đã nghe danh thầy. Nếu tôi nhớ không nhầm thì khoa Văn trường Vinh thời ấy chỉ duy nhất thầy là Phó tiến sĩ. Chúng tôi chờ đến dài cổ, mãi đến năm thứ ba mới được nghe thầy giảng Văn học Nga Xô-viết và thơ Mai-a (Mai-a-cốp-xki).

Vốn là người yêu thơ và say mê thơ từ nhỏ, nên nghe thầy Hoàng Ngọc Hiến giảng thơ Mai-a tôi như nuốt lấy từng lời. Không sôi nổi như thầy Nguyễn Khắc Phi, không đĩnh đạc như thầy Phùng Văn Tửu, không nhỏ nhẹ cuốn hút như thầy Hoàng Tiến Tựu, không hùng hồn như thầy Trần Duy Châu… thầy Hiến giảng chậm rãi, giọng hơi khàn nhưng mỗi từ ngữ, mỗi câu thầy mà nói ra tôi có cảm tưởng là đã được thầy nghiền ngẫm khá kĩ lưỡng. Dịch và giảng thơ Mai-a không dễ. Thầy Hoàng Ngọc Hiến là người Việt Nam đầu tiên dịch tương đối trọn vẹn những tác phẩm chính của nhà thơ Mai-a từ nguyên bản tiếng Nga ra tiếng Việt. Sau này, đọc những dòng tâm sự của thầy, tôi mới biết thầy bắt tay vào việc dịch thơ Mai-a ngay từ khi đang học ở Liên-xô (cũ). Theo thầy, Mai-a dùng nhiều ước lệ và những luật chơi của nghệ thuật thơ ca nên dịch rất khó. Thầy phải nhờ những người bạn Nga tận tình giúp đỡ mới dịch được một cách tương đối thanh thoát. Khi giảng cho chúng tôi, thầy chủ yếu trích dẫn những bài thơ thầy dịch. Ấn tượng nhất là tiết giảng về Trường ca Lê-nin. Lê-nin từng nói là không thích thơ Mai-a. Mai-a cũng biết điều đó nhưng khi Lê-nin mất không có nhà thơ nào viết về Lê-nin xúc động như Mai-a. Nhà thơ mở đầu bản trường ca:

Thời gian!/ Tôi bắt đầu kể chuyện Lê-nin

Và thầy giảng giải: Sở dĩ Mai-a chọn thời gian để kể chuyện Lê-nin vì thời gian là vĩnh cửu. Chuyện của người bất tử chỉ có thời gian là người lưu giữ lâu dài nhất, bảo đảm nhất, chắc chắn nhất. Rồi thầy đột ngột liên hệ trường ca Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu vừa mới đăng trên báo Văn nghệ năm ấy (1970). Trong bản trường ca Theo chân Bác, Tố Hữu cũng mở đầu:

Tháng năm ơi, có thể nào quên./ Hàng bóng cờ tang thắt dải đen…

Tố Hữu cũng đang kể chuyện Bác Hồ với thời gian. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên của hai nhà thơ lớn. Cả hai nhà thơ đều ca ngợi tầm nhìn xa rộng của hai vị lãnh tụ:

Người nhìn bao trùm lên toàn trái đất
Thấy nhiều điều sau lớp lớp thời gian
                                                (Mai-a)

Ai hay ngọn lửa trong hang núi
Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau!
                                                (Tố Hữu)

Nhưng Tố Hữu không thể viết như Mai-a: Những kẻ nào thần thánh hóa Lê-nin thì “trên nóc Kremlinh tôi ném bom đả đảo”. Bởi vì “kỷ nguyên bước vào, đi qua khung cửa/ bình thường thôi, đầu không chạm xà trên”“nhược điểm thường tình tôi vẫn thấy ở Người”... Đó là chỗ khác nhau cơ bản của hai nhà thơ. Nhận xét này của thầy khiến tôi nhớ mãi. Khi giảng về đoạn Mai-a tả đám tang Lê-nin, thầy chỉ xoay quanh phân tích “môi- trường- nước”. Đó là nước mắt của các cụ già. Đó là cảnh tuyết rơi dày đặc… Và thầy liên hệ “môi- trường- nước” trong bài thơ Bác ơi của Tố Hữu:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Giảng tổng quan về Mai-a, thầy Hoàng Ngọc Hiến nhấn mạnh cho chúng tôi tính chiến đấu và ý nghĩa xã hội vô cùng sắc bén của thơ ông. Thầy đơn cử hai bài mà thầy hết sức tâm đắc. Hai bài đó là Tài liệu phổ thông cho những người học nịnhNhững người loạn họp. Với Những người loạn họp, thầy đã chuyển hóa khá tài tình chất hóm hỉnh của Mai-a sang thơ Việt, khiến cho chúng tôi khi nghe thầy đọc không nhịn được cười. Đặc biệt là đoạn cuối:

Tôi xông đến hội trường/ Và tôi thấy/ Toàn nửa người ngồi đấy/ Những nửa người kia đâu?/ Ôi ma quái!/ “Chém người!”/ “Giết người!”/ Tôi hô hoán cuống cuồng/ Tôi rụng rời trước cảnh tượng kinh hồn/ Nhưng tiếng ai/ Nghe vô cùng bình thản: “Một ngày/ Chúng tôi/ Họp hai chục bận/ Họ phải đi hai cuộc họp một lần/ Biết tính sao đành cắt đôi thân/ Ở đây một nửa tới ngang hông/ Còn nửa kia/ Đi họp hành nơi khác

Trong đời đi dạy, tôi từng tham dự đủ các cuộc họp: họp hội đồng, họp tổ chuyên môn, họp công đoàn, họp chi đoàn, họp phụ huynh, họp hội Chữ thập đỏ… trong đó có không ít cuộc họp vô bổ. Cách đây vài năm, trong chuyến đi thực tế ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, đã 8 giờ đêm, tôi với hai nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và Hải Kỳ tìm thăm một người bạn. Đến nơi thì anh ta thông cảm là đang bận họp. Hiện nay, cái bệnh loạn họp có phần đỡ hơn. Nhưng hễ có những cuộc họp vô bổ trùng nhau là tôi lại nhớ thơ Mai-a: “biết tính sao, đành cắt đôi thân, ở đây một nửa tới ngang hông, còn nửa kia đi họp hành nơi khác…”.

Mặc dù đề cao thơ tuyên truyền chính trị của Mai-a nhưng ngay thời ấy thầy Hoàng Ngọc Hiến khẳng định với chúng tôi: Mảng thơ tình của Mai-a là mảng thơ vô cùng quan trọng không thể bỏ qua. Mai-a định nghĩa về tình yêu không giống bất kỳ ai: “Yêu nghĩa là chạy thốc vào sân/ Vung búa rìu, giang tay bổ củi…”.

Mai-a “tự kiêu” cũng hết sức đáng yêu:

Ở nước Nga, tôi vào loại trứ danh/ Tôi đã thấy những cô nàng khá xinh/ Tôi đã gặp những cô nàng kiều diễm/ Với nhà thơ con gái dễ cảm tình/ Tôi lại láu, giọng của tôi khá tốt/ Tôi mà bỏ bùa thì theo tôi tuốt!

Cánh làm thơ bạn tôi: Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng… rất khoái những câu thơ này của Mai-a.

Một hôm, lớp chúng tôi ngồi chờ thầy đã hơn 15 phút nhưng không thấy thầy Hiến tới. Cả lớp đoán non, đoán già: Chắc là thầy bị ốm? Thế là lớp trưởng tìm đến nhà trọ của thầy xem thực hư. Hóa ra là thầy đi lạc! Hồi đó sơ tán, lớp nằm rải rác trong xóm, xóm rất nhiều ngõ, ngõ nào cũng hao hao giống nhau mà thầy lại nổi tiếng đãng trí. Năm thứ tư, chúng tôi được ưu tiên ăn chung một “bếp” với các thầy. Thầy Hiến đùa vui: “Thầy trò mình đều là những người cùng khổ”. Ý thầy nói thầy trò cùng chung những bữa ăn đạm bạc trong thời buổi kinh tế khó khăn. Hồi đó, thầy hay mặc chiếc áo măng-tô-san màu “cháo lòng” nhưng phong thái hết sức ung dung, đĩnh đạc.

Cách đây mấy năm, tôi có gặp lại thầy ở thành phố Đà Nẵng, dịp thầy vào dự hội thảo Đổi mới giảng dạy Văn học hiện đại Việt Nam. Biết tôi ở Huế, thầy hỏi bệnh tình của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi kể chuyện nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đang được một một bà lang khá đẹp ở Khe Sanh, chữa trị bằng nghệ thuật xoa bóp. Thầy cười: “Nếu được người đẹp xoa bóp thì mình cũng muốn ngả bệnh như Hoàng Phủ”.

Đã mấy chục năm nay, chúng tôi - những cựu sinh viên khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Vinh, luôn dõi theo hành trình của thầy Hoàng Ngọc Hiến. Chúng tôi rất khâm phục và tự hào về thầy, về những đóng góp hết sức quan trọng của thầy trong việc thúc đẩy sự phát triển, đổi mới văn học, trong việc phát hiện và đào tạo những tài năng trẻ, trong việc tìm tòi nghiên cứu về minh triết và minh triết Việt. Thầy mất đi là một tổn thất lớn cho nền văn học và minh triết nước nhà.

M.V.H
(265/3-11)






Các bài mới
Nắng Ang co (18/04/2011)
Các bài đã đăng