Tạp chí Sông Hương - Số 265 (tháng 3)
Anh Nga với Nhật nguyệt dấu yêu
08:41 | 05/04/2011
ĐẶNG TIẾNNhật nguyệt dấu yêu là một mùa hoa trái trễ tràng, tập thơ đầu tay được tác giả gửi đến người đọc như một ủy thác, sau khi đã trải nghiệm cuộc đời, thực tế và văn học.
Anh Nga với Nhật nguyệt dấu yêu
Phạm Thị Anh Nga là nhà giáo chuyên về ngữ học, nắm vững quy luật ngôn ngữ và văn học, khi cho ấn hành tác phẩm muộn màng, ắt cũng đã so đo:

Chẳng phải thơ đâu anh
chỉ là những cảm xúc
tức bờ
vỡ nhòa lên giấy

Lời tâm sự chân tình, từ tốn, chứng tỏ tác giả nắm vững kỹ thuật ngôn ngữ thơ hiện đại, cả ba mặt từ pháp, bút pháp và âm pháp.

Tập thơ ngắn nhưng mang quá trình một con sông dài, dài suýt soát với cuộc sống: “khởi hành từ những vần điệu đầu tiên, mới mẻ nhưng vẫn còn trong phạm trù thơ quen thuộc: Ngọn gió đi qua/ làm rớt cái hôn mà không biết/ em nhặt về/ gói ghém/ gởi cho ai” (Bé bỏng, 1988).

Hình ảnh, điệu thơ tình tứ, nghịch ngợm, trẻ trung. Bài thứ hai, tiếp theo, thiết tha hơn, nhưng vẫn cùng một phong cách: “Nước mắt/ là cái thước đo hờn dỗi/ mỗi lúc giận anh” (Em khóc, 1988).

Một bài thơ khác, tài hoa, tân kỳ, dặt dìu nữ tính:

ai tung bụi nắng
vào cỏ non xưa
em thiếu nữ

em nhặt nhạnh đến một đời
chưa tài nào gom đủ
dấu thu phai

ai gieo hò hẹn
vào thơ ngây
em một thuở

và mù tăm
mù tăm
mù tăm
            (Dấu lặng)

Thơ Anh Nga khơi dòng bằng những dạo khúc trong sáng, thắm tươi như tiếng chim chào đón bình minh; rồi có lúc quặn thắt buồn đau:

Ngôi nhà phế tích
chôn kín một góc hồn một góc tim một góc đời
khóa trái đến nghìn sau
những mùa xa xăm đã khép
có phải không gian vẫn đây mà thời gian thì đã vùi bụi cát
ôi ngôi nhà ký ức
rồi em sẽ ghé về thăm
thu dọn những ngóc ngách bộn bề
nhẩm ôn những mảnh đời vụn vỡ
rưng rưng một nỗi niềm xưa
                        (Ngôi nhà không ngõ phố)

Thơ Anh Nga thường là tỉnh táo. Nhưng thỉnh thoảng cũng lảo đảo đắm say, như bài thơ làm tựa đề cho cả thi phẩm Nhật nguyệt dấu yêu:

Trong nhiệm mầu tiết xuân
trời đất giao hoan
không gian thời gian quấn quýt
chìm lĩm trong nhau
(...)
nhẹ nhàng nhưng hút sâu
ngọt ngào mà xoáy xoay vũ bão
tình dại tê trong đắm say huyền thoại
vẫn đời thường mà quá đỗi diệu kỳ
ta tan ra trong nhau
tỉnh tỉnh mê mê
còn đâu bến bờ hư thực

Lời thơ cuồng nhiệt chứng tỏ Anh Nga có khả năng sử dụng ngôn ngữ thơ trên nhiều cung bậc. Nói rộng ra, là chị có tâm hồn thơ, tư duy thơ, có xúc cảm nghệ thuật và sử dụng thi pháp nhuần nhuyễn theo phong cách hiện đại.

Tuy nhiên đến một lúc nào đó, Anh Nga không còn xem thơ như một nghệ thuật, một ngôn ngữ điệu nghệ - dù rằng mình đủ “tay nghề”. Thói thường, người đời vẫn xem thơ như lời nói khéo, giàu âm điệu. Một giọt ngọt ngào nhểu vào cuộc sống. Anh Nga, đến giai đoạn nào đó, không còn vui với trò chơi, dù là trò chơi nghệ thuật được xã hội đề cao. Anh Nga hết ham “làm thơ” mà muốn “sống thơ” - đưa cuộc sống vào thơ, thay vì đem thơ vào đời sống, làm một thứ vỗ về, tô điểm.

Đã làm thơ thì ai cũng muốn làm nên câu thơ hay, nghĩa là sắp xếp, lắp ghép lời nói thành vần điệu, càng hay càng tốt. Nhưng hay là hay với người khác, còn với chính bản thân mình thì sao? Trong bài Giải trình ở cuối sách, Anh Nga đã bộc bạch:

“Có lẽ những gì tôi viết (…) chỉ là những mẩu đối thoại của tôi với chính bản thân mình. Để ghi nhận, tự nhắn nhủ và nhắc với chính mình những lay động, cảm xúc đã sống, vào một lúc, một nơi…”.

Lối độc thoại bắt đầu rõ âm vực với những bài Không tên, những lời nói với con, với người anh xa xứ, với người bạn quá cố. Đặc biệt là với người em trai đột ngột qua đời khi tuổi còn rất trẻ:

Có lẽ suốt đời em đắm say toán học
nên khi lìa bỏ dương gian em dứt khoát rạch ròi
chóng vánh đến không kịp một lời trăng trối
                                                (Minh ơi, 2004)

Hay với người cha, nhân ngày giỗ:

Mười lăm năm Ba nằm dưới huyệt lạnh
(…)
Rồi năm tháng tiếp liền năm tháng
những cái tang khác liên tục dội xuống những mảnh đời bất hạnh của chúng con
bất ngờ và nghiệt ngã
nước mắt đến cạn kiệt héo khô
trong đớn đau khôn cùng
dường như vọng từ cõi âm lời hóa giải cho những oán giận thù hằn dương thế…
                                                (Mười lăm năm, 2009)

Đây là những chuyện thật trong đời tác giả, những chấn thương sâu sắc, được giãi bày bằng lối tự sự chân thành và thô tháp so với những trường phái thơ đang thịnh hành, và ngay với những bài thơ trước của tác giả. Vậy nó có giá trị gì về mặt văn học và nằm ở vị trí nào trong lý thuyết thi ca?

Anh Nga là người uyên bác về văn học và ngữ học, là người sáng suốt, trầm tĩnh, đắn đo nhiều trước khi xuất bản một thi tập muộn màng. Văn bản trần trụi đầy xúc cảm buộc chúng ta phải đặt lại vấn đề: cái gì là thơ? Phải chăng thơ là những mảnh đời được cảm nhận là thơ? Khi ta cảm nhận một văn bản, hay một mảnh sống, là thơ, thì nó là bài thơ? Thi tập Nhật nguyệt dấu yêu làm cơ sở cho lý thuyết mới?

Những bài thơ đầu tập, rất bài bản, khác hẳn với những văn bản cuối tập, thô tháp, prosaique, nhưng không mâu thuẫn trong ý thức của tác giả:

“tôi chỉ dám mượn vần điệu của thơ, ngôn ngữ thơ để gửi gắm lên giấy những cảm xúc trong từng khoảnh khắc sống của mình. Những cảm xúc vụt lóe lên một tích tắc nào đó, có khi đậm nét, sáng rõ, có lúc nhập nhòe, lẫn lộn, (…) ẩn hiện chập chờn. Những cảm xúc không kết thành một khối, mà như những mảnh vụn, là mùn cưa, dăm bào, lấm tấm, rải rác, đậm nhạt không đều, vô cùng rối rắm”.

Lời cuối bài Giải trình cuối sách, tác giả đã từ tốn, dè dặt: “những gì tôi viết, dù có là thơ hay không là thơ…”.

Chúng ta có thể trả lời chị, bình thản và dứt khoát: nó là thơ. Thơ xê dịch từ diễn ngôn cách điệu đến những mảng sống, mảnh tâm sự nguyên chất. Chất men gắn bó những viên gạch rời ấy là lòng chân thành của Anh Nga. Chân thành với văn học và với bản thân.

Người đọc có thể xem Nhật nguyệt dấu yêu, như lời người xưa, là của tin gọi một chút này làm ghi.

Orleans, 11-11-2010
Đ.T
(265/3-11)






Các bài mới
Nắng Ang co (18/04/2011)
Các bài đã đăng