Tạp chí Sông Hương - Số 267 (tháng 5)
Thuở ấy thơ cũng như người
16:20 | 01/06/2011
ĐÔNG HÀHuế không phải là đất ở để thương mà chỉ là đất đi để nhớ. Nhiều thế hệ học sinh sinh viên đã đến, ở lại nơi này và rồi sau đó lại khăn gói ra đi. Nhưng đi không đành, nên thường để lại bằng những nỗi lòng trải dài theo khói sương bãng lãng của đất trời cố đô. Thành thử có một thời, Huế nên thơ trong mỗi áng văn chương của những người trẻ tuổi là vì vậy.
Thuở ấy thơ cũng như người
Nhà thơ Đông Hà - Ảnh do tác giả cung cấp
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Từ rất lâu, những nhóm bạn văn chương chẳng hiểu sao lại cứ tự hình thành nên đâu đó trong lòng Huế. Những năm tháng đấu tranh xuống đường, đêm đêm trong một ngôi nhà đẫm tình hương, một thế hệ các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng thuộc bậc “tiền bối” đã hào sảng cất lên những câu thơ yêu đời sống, yêu quê hương thiết tha. Từ bấy đến nay, nổi trôi qua nhiều thời vận, nhưng lúc nào trong sâu thẳm những đêm Huế, chất hào sảng của thi ca vẫn đi về đâu đó trên những con phố quen.

Và chúng tôi cũng đã từng có một thời như thế. Không thể so sánh với những bậc tiền bối trước đây, nhưng đã có một thời, nhóm bạn trẻ yêu văn chương chúng tôi đã sống hết mình với tình yêu chữ nghĩa không so đo tính toán.

Khởi đầu từ Câu lạc bộ Văn học trẻ của Nhà văn hóa Thanh niên Huế, những gương mặt non nớt bỡ ngỡ từ các trường cấp ba, đại học và một số thành viên lớn tuổi nhưng còn vương vấn tuổi hoa niên đã cùng nhau ngồi lại trong quán cà phê Áo Trắng ven bờ sông Hương thơ mộng. Chính tình yêu văn chương đã gắn kết những tâm hồn lại với nhau. Khi nhà văn Đoàn Thạch Biền, chủ biên tập san Áo Trắng lặn lội từ Sài gòn ra tìm gặp những cây viết mới manh nha trên từng trang viết đâu đó ở các tập san dành cho tuổi mới lớn của những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tất cả chúng tôi mới được tập hợp nhau thật trọn vẹn.

Từ đó bắt đầu những cuộc chơi. Trưởng nhóm Gia đình Áo Trắng bấy giờ là nhà thơ Phạm Nguyên Tường, lúc đó mới chỉ là cậu sinh viên Y khoa năm thứ hai. Cùng với ba thành viên khác là Nguyễn Tuất, Phan Gia Vỹ và Đặng Như Phồn, trong vai trò Trưởng GĐAT, Phạm Nguyên Tường đã “lùng sục” hết tất cả những sân trường áo trắng, nơi nào có gương mặt vừa xuất hiện trên một trang báo nào cũng đều được các anh tìm đến. Sau nụ cười làm quen, chỉ cần gọi đúng tên bút danh là đã quá đủ cho một lời chào hỏi. Mọi người họ cứ thế mà đến với nhau một cách hồn nhiên không ngần ngại.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Gia đình Áo Trắng Huế những năm 96 -99. Hàng trước (từ trái sang): Lê Tấn Quỳnh, Lê Vĩnh Thái, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Bảo Trực, Đông Hà, Hoa Lý, Lê Minh Khôi; Hàng sau: Lê Trọng Nghĩa, Ngàn Thương, Phạm Nguyên Tường.


Những năm tháng đó, sáp nhập từ CLB Văn học trẻ vào GĐAT, chúng tôi càng gắn bó với nhau hơn. Những cuộc chơi vì thế cũng nồng nàn máu lửa hơn. Hàng tháng với những buổi sinh hoạt định kỳ, các thành viên ngày một hiểu và gắn bó với nhau hơn. Ở đó, có thể điểm mặt chỉ tên các gương mặt đã một thời tung hoành trên các trang báo như Phạm Nguyên Tường, Nguyễn Tuất, Phan Gia Vỹ, Đặng Như Phồn, Lê Tấn Quỳnh, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Thanh Thảo, Huỳnh Diễm Diễm, Nguyễn Phan Hoài Niệm, Phan Bùi Bảo Thy, Đông Hà, Lê Vĩnh Thái… Những cái tên với những sáng tác đã phần nào làm rạng danh văn chương lứa tuổi học đường với bạn bè khắp cả nước.

Làm sao quên được những buổi gặp gỡ bạn bè phương xa. Các cuộc giao lưu với bút nhóm Biển Xanh (GĐAT Quy Nhơn), GĐAT Cần Thơ, GĐAT Hà Nội… Đi đến đâu, chỉ cần xưng tên cùng với địa danh nơi mình ở, bạn bè chưa một lần gặp gỡ bỗng trở nên thân thiết lạ kỳ. Những ngày tháng đó, những cuộc rong chơi qua các miền đất lạ đã để lại cho mỗi chúng tôi một mảnh ký ức mà sau này lớn lên không tìm đâu ra được. Hiểu biết về vị trí địa lý có thể không nhiều, những trang sử hào hùng của từng vùng đất có thể được tích lũy trong suốt một đời người, nhưng ký ức non xanh của những ngày tháng ấy thì không bao giờ có thể gặp lại. Chúng tôi gọi buổi ấy có những mối tình kỳ lạ được đặt tên Tình - Thì - Là. Chỉ thì là… mà thôi, chưa thành nổi một cái tên để xếp lại một quá khứ quá nhiều ước ao và khát vọng.

Mười lăm năm, hai mươi năm chưa phải là cột mốc ghê gớm của một thời đại, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng với những ai đã từng một thời gắn bó với những bút nhóm làm nên tình yêu gắn bó cùng văn chương. Nói như nhà văn Đoàn Thạch Biền trong một lần gặp lại gần đây, rằng nhà văn mừng vô cùng khi những tâm hồn bé con yêu văn chương thời ấy, giờ vẫn còn tiếp nối trên con đường chữ nghĩa. Nhà thơ Phạm Nguyên Tường từ Trưởng GĐAT Huế giờ đã trở thành chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam dù bên anh lúc nào cũng canh cánh nỗi lo của một vị Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bênh viện Trung ương Huế. Bác sĩ Đặng Như Phồn cũng còn nặng nợ với thi ca. Lê Tấn Quỳnh ngày càng chín hơn trong những sáng tác của mình. Đông Hà trở thành cô giáo dạy văn và tất nhiên vẫn đồng hành cùng chữ nghĩa, Lê Vĩnh Thái giờ đang là biên tập viên Tạp chí Sông Hương… Tất cả đang góp phần vào sự phát triển văn chương của một vùng đất được mệnh danh là chốn kinh kỳ của thi ca nhạc họa.

Không có ý định làm phép so sánh với các thế hệ nhà thơ nhà văn tiền bối bởi sự so sánh nào cũng khập khiễng. Nhưng chúng tôi, những người xưa trẻ tuổi vẫn tự hào mình đã sống hết mình, đã cháy hết mình cho ngọn lửa đam mê văn chương. Tài năng có thể không nhiều, độ tinh cất có thể còn chưa tới. Thì hề chi, trái tim tha thiết với văn chương đã giúp một thế hệ chúng tôi sống đẹp với xứ sở hoa mộng này, để mỗi lần bè bạn phương xa ghé lại, đều thấy ở đây còn người sống với thơ, như thơ.

Đ.H
(267/5-11)





Các bài mới
Định mệnh (01/07/2011)
VILI là ai? (28/06/2011)
Các bài đã đăng