Tạp chí Sông Hương - Số 15 (T.10-1985)
Cổng thường trực
14:56 | 13/05/2011
DƯƠNG PHƯỚC THUNgôi nhà lợp phi-brô xi-măng rộng chừng ba chục thước vuông, nằm sát cổng ra vào xí nghiệp dệt, biệt lập ngoài khu sản xuất, núp dưới tán lá cây bàng, được xây từ ngày xí nghiệp xảy ra các vụ mất cắp vật tư.
Cổng thường trực
Ảnh: Internet
Ngôi nhà chia làm hai phần. Bên trong kê một giường cá nhân, một tủ nhỏ dùng cho người trực. Bên ngoài đặt chiếc ghế đẩu trước cái bàn lớn, nhìn ra cửa không song, có sợi dây thừng dài luồn qua ròng rọc kéo cần chắn cổng. Cổng xí nghiệp chia làm ba cửa. Hai cửa hông nhỏ để mở ra vào. Cửa giữa rộng chừng tám mét, dành cho ô tô, khi có xe mới mở. Gác cổng là một ông công nhân già, gầy, mái tóc rụng gần hết phô cái trán dô nhăn nheo chịu trận.

Hàng ngày người gác cổng - ông Tiếp, có bổn phận kiểm tra tất cả những ai ra vào làm việc với xí nghiệp. Người ngoài vào, ông Tiếp xem giấy tờ, ghi vào sổ trực, rồi hướng dẫn cho khách. Người trong ra ông Tiếp phải cẩn thận hơn - ai ra? Mang gì? Chở gì? Nếu có giấy tờ ban giám đốc, hóa đơn xuất hàng, cửa chính rộng mở, bằng không vẫn đóng kín. Cổng thường trực nhận được “lệnh” của giám đốc sẽ “khám” bất cứ ai nếu cần thiết, và được xử lý ngay.

Ai giấy tờ không rõ ràng, ông Tiếp giữ lại, chỉ vào “bảng nội quy” kẻ chữ trắng trên tấm tôn sơn đen rộng chừng thước vuông treo ngay ở cổng ra vào.

- Mời anh đọc nội qui? Ông nói cộc lốc rồi quay vào ghế ngồi, mặc ai to nhỏ ngọt bùi.

Dứt khoát là dứt khoát, không được là không được, bất cứ một ai. Yêu cầu mọi sự rõ ràng, xí nghiệp không bị mất mát tổn hại là được.

Mấy năm đầu xí nghiệp ra vào tự do, sự “tự do” trở thành thói quen, bây giờ rụp một cái mọc lên “cổng thường trực”. Người tốt cho hợp lý, kẻ xấu tức anh ách.

Có người nhận xét: ông Tiếp cứng nhắc như cái máy là do những năm ở rừng ít tiếp xúc, rồi gian khổ hai cuộc chiến xây nên bản chất. Họ muốn nói gì thì nói ông coi như điếc. Xuất thân từ anh lính trinh sát, bị thương chuyển về làm thợ quân giới, năm 60 xuất ngũ về nhà máy dệt Nam Định. Năm năm sau ông đi B. Ngày giải phóng ông làm một trong những người thợ đầu tiên về tiếp quản nhà máy cho đến tận bây giờ. Công lao có, nhiệt tình thừa, nhưng văn hoá chưa hết lớp “nhất” nên ông chả tiến lên được quá chức tổ trưởng tổ thợ. Ông chấp nhận một cách vô tư, không hề tỏ thái độ. Giám đốc bố trí việc gì ông cũng hoàn thành. Đã đến lúc nghỉ hưu nhưng xí nghiệp yêu cầu, ông sẵn sàng ở lại.

- Ở đâu cách mạng cần tôi có mặt.

Làm cái chân thường trực cổng không nặng như làm thợ nhưng mà mệt, va vấp đủ loại người… Nói đâu cho xa, vừa rồi ông thấy nghi nghi, ra cửa “khám” hai cậu công nhân, thu lại được chục thước vải dấu dưới làn áo thợ. Từ bữa ấy ông Tiếp càng tăng sự chú ý, nghề nghiệp “trinh sát” lâu nay, có dịp trổ tài. Ngày thường trực, đêm đi tuần không quản mưa to gió lớn. Bọn trộm đêm cũng ngán ngẩm, giảm bớt hoạt động. Ấy thế mà thỉnh thoảng vẫn một vài vụ “bớt xén” sản phẩm đưa ra chợ đen - thậm chí hàng mới sản xuất xí nghiệp chưa nhập cho thương nghiệp, thị trường đã treo mẫu bán.

Các biện pháp “bảo vệ” tăng cường, nên mất mát càng ngày càng giảm. Thái độ ông Tiếp cũng thay đổi mà công nhân xí nghiệp cho là hiếm có ở con người “khô như đá” này. Ông mừng bởi vì chính công việc ông làm có phần tác dụng thiết thực tới hiệu quả của xí nghiệp.

Ban đầu công nhân dần dần đến các phòng ban phản ứng. Đến ngay ông Tú phó giám đốc phụ trách tổ chức cũng có ý kiến - Chẳng qua họ không lọt khỏi mắt ông Tiếp, đưa gì ra phải kiểm tra. Họ cho như vậy là “cấp dưới dám làm trội cấp trên”. Nhưng cũng đành chịu thôi - Vì đó là “Nội qui xí nghiệp”.

Công việc bận rộn, ít có dịp về thăm nhà, con cái đi hết chả biết bà vợ sống ra sao một mình ở ngôi nhà tranh tại làng quê cách xí nghiệp trên trăm cây số. Lâu lâu ai đi công tác, ông lại gói ghém ít quà xứ Huế gửi cho bà. Thương vợ nhớ con nhưng công việc không bao giờ lơi lỏng.

Hôm tổ chức sơ kết sáu tháng đầu năm, khách đến dự đông đủ, nào von ga, la đa v.v… có đến chục chiếc. Đang hội nghị một chiếc xe u oát chạy vọt ra cửa, trước lúc mở cổng ông liếc mắt vào trong thấy xe có chở hàng, ông giữ lại ngay.

- Này chú tài, chở chi trên xe rứa? Ông hỏi người lái xe.

- Có gì đâu bác. Ít quà xí nghiệp biếu mà.

- Biếu chi cả kiện rứa. Có giấy tờ không? Thật là lôi thôi to. Tay thủ kho mánh mung thế nào với tay lái xe định đẩy đi kiện hàng mới gắn xi xong, sự thể không ngờ lại nhanh thế, biên bản được lập ngay. Định mời công an tới nhưng ông Tú phó giám đốc gạt đi.

- Thôi ta làm cũng được, vì đây là xe của anh phó Chủ tịch. Anh lái xe ta sẽ báo họ xử lý.

Ông Tiếp cũng tin là thật nhưng rồi kiện hàng buổi chiều lại lọt cửa, ông đâm ra ngờ có gì đây? Thế là hôm sau chiếc xe jep của xí nghiệp đưa ông Tú ra cửa, ông Tiếp quyết làm ra nhẽ khi giữ lại cái túi hàng đóng sẵn trong bao ni lông “2 áo may ô, hai mét vải bò, một đôi khăn mặt”. Danh sách biếu thì có, hóa đơn thì không. Ông làm, sợ bọn họ lợi dụng “đục nước béo cò” mang tiếng nhiều người.

Trong thời gian đó giám đốc Lê đi vắng, vừa đặt chân về cơ quan đã nghe tường trình đầy đủ sự việc về ông Tiếp do phó giám đốc Tú cung cấp.

- Nếu để ông Tiếp trực mãi có ngày mất mặt cả xí nghiệp.

- Cái đó do mình chứ đừng trách.

- Thế nhưng cả việc vừa rồi theo “ý anh” mà ông ta cũng căng luôn.

- Thôi được, anh cứ yên tâm.

Ông Tú vừa rời phòng, ông Lê đột ngột cho gọi ông Tiếp lên gặp ngay.

- Cô Mai ơi! Ông với sang phòng bên - cô gọi ông Tiếp thường trực cho tôi nhé.

Cô văn thư rời khỏi chiếc máy chữ đi về phía cổng thường trực. Ông Lê phải chờ đợi một người cấp dưới là bất đắc dĩ, xưa nay hiếm. Trong khoảng thời gian ấy ông đi lại xung quanh bàn làm việc, rít liên tục điếu “Đà lạt” như sợ nó sắp tắt. Đẩy cánh cửa sổ toang ra, trông về phía sân phơi sấy sợi, mùi hăng hắc của hóa chất như gây thêm bực bội cho ông.

Quả đấm xoay nhẹ, cửa phòng giám đốc mở rộng. Tiếng máy nổ ngăn cách bởi nhiều bức tường xây nghe như xa vời vọng lại. Ông Tiếp có mặt.

- Anh cho gọi tôi.

- Không phải là gọi, ông Lê chữa ngay - Mà tôi mời anh lên để nghe cho thật mấy việc vừa rồi. Giám đốc trở về vị trí của mình, chỉ cái ghế trước mặt.

- Mời anh ngồi. Ông Tiếp buông mình xuống ghế, nhìn bâng quơ căn phòng giám đốc, chờ đợi. Ông Lê đặt cốc nước, đẩy gói thuốc lá về phía ông Tiếp, mở đầu.

- Anh Tiếp này, kể từ ngày chuyển anh về cổng trực, tôi an tâm lắm. Thái độ ban đầu tưởng chừng như vênh nhau. Nhưng kinh nghiệm lãnh đạo đã dạy ông Lê phải hạ mình đôi chút với cấp dưới quyền, mà trường hợp này lại chính ông Tiếp, con người nổi tiếng một thời trong xí nghiệp về đức tính cần cù và bản chất cách mạng. Dần dần công việc trực cổng làm ông bình thường trước con mắt mọi người.

Im lặng, hai bàn tay đan vào nhau khoanh trên mặt bàn, ông Lê tiếp:

- Vừa rồi tôi đi vắng khá lâu, có lẽ hơn một tháng, vào tận các tỉnh phía nam học hỏi cách làm ăn, mọi chuyện ban đầu thì tốt đẹp, bây giờ về nghe nó ngao ngán - Vừa nói ông Lê vừa lắc đầu quầy quậy, giọng trầm xuống, âm nhạc chả có nốt nào trầm hơn. Ông Tiếp vẫn ngồi yên, ông chưa hiểu giám đốc ý định nói gì? Về ông hay là chung?

- Thưa anh! Mọi chuyện có gì đáng để anh lo đâu?

- Có đấy. Không cần úp mở giám đốc bung ra luôn. Hôm vừa rồi anh đã làm ầm lên: “Ban giám đốc chở hàng đi đâu không giấy tờ”?. Tôi nghĩ quá sức anh đấy. Giám đốc liếc nhìn xem thái độ của ông Tiếp, nhưng không thấy ông Tiếp phản ứng gì.

- Thời buổi làm ăn bây giờ phức tạp lắm, mình muốn đàng hoàng nhưng anh khác bắt mình phải chạy theo, nhất là mấy anh nắm vật tư trong tay. Ông Tiếp cắt ngang:

- Có nghĩa là ai nắm vật tư Nhà nước người đó muốn làm gì thì làm?

- Không phải muốn làm gì thì làm. Nhưng do thiếu vật tư mà anh cần lại nhiều, vì vậy phải tranh thủ ai nhanh người ấy được. Mà muốn được việc đôi lúc ta phải bấm bụng làm liều. Chẳng hạn, số quà hôm trước anh bắt phải hợp lý thì e rằng anh đã cảnh cáo Ban giám đốc tội hối lộ… Sự thể đã rõ, giám đốc muốn chuyện hôm nọ, đoán chắc có kẻ nào thóc mách, nên ông Tiếp quyết định đã nói thì nói cho ra nhẽ bằng không thì thôi.

- Anh cho tôi nói. Ông Tiếp không chịu được nữa, ông bắt đầu mất tự chủ, hai tay run run, môi hơi bậm lại, những giọt mồ hôi vã ra, - Nội quy đề ra, anh là người ký, tôi là “cái thằng” cứ chiếu theo đó mà làm. Tôi không biết “các anh ấy” là ai, như bữa trước anh Tú giải thích “đây là những mặt hàng ta mới sản xuất mẻ đầu, xí nghiệp biếu các anh ấy dùng thử xem chất lượng ra sao, và để tranh thủ luôn…”. Nhưng sản phẩm ra khỏi cổng xí nghiệp đều phải hợp lệ. Tôi làm đúng, đứa nào lên xúi bậy anh?

- Thế anh cho chủ trương của xí nghiệp là không hợp lệ à?

- Tôi không biết. Nhưng có đi nữa thì phải có giấy tờ xuất kho đàng hoàng, cấp cho ai? Đây là ý kiến của anh trước kia đã được nội quy ghi rõ, đã làm thì làm nghiêm túc, của Nhà nước không thể cho cá nhân nào xài chắc được.

- Nhưng anh phải biết “chút đỉnh” có đáng là bao? Ta cần việc khác… giám đốc hạ giọng - anh làm như vậy xí nghiệp mở mặt không ra.

- Anh là giám đốc, là thủ trưởng, tôi nói thật, ông Tiếp kiên quyết bảo vệ chân lý - ai cũng có lương. Anh làm to lương nhiều cống hiến nhiều, ai thắc mắc? Hồi trước tôi với anh cùng ở một nhà máy ngoài Bắc có bao giờ đẻ ra tệ nạn biếu xén không? Còn bây giờ…

- Thôi. Giám đốc không kìm được nữa - Anh làm thế, anh có nghĩ đến tôi không?

- Thưa anh! Tôi làm chân “gác cổng” thì chính tôi là người giữ cho anh. Cửa phòng xịch mở, cô văn thư bước vào xin chữ ký giám đốc làm gián đoạn câu chuyện. Chiếc đồng hồ treo tường hiệu “senkô” đánh hồi chuông dài điểm báo mười giờ trưa, nắng ngoài thềm cũng rút dần đứng lại. Ông Lê quay về phía ông Tiếp nét mặt đanh lên ước chừng vài phút.

- Thế là rõ rồi. Sự thật là sự thật, giám đốc đổi giọng - Hoan nghênh anh đã cho tôi rõ.

Ông Tiếp vụt đứng dậy.

- Chắc là xong việc tôi có thể về được.

- Ấy khoan, công việc là công việc chứ. Giám đốc rời khỏi cái ghế đối diện ban đầu đến đứng bên ông Tiếp, đặt tay lên vai:

- Chị và các cháu sống thế nào?

- Cám ơn anh! Ông Tiếp bắt đầu cười thành tiếng, có lẽ suốt buổi mới thấy tiếng cười đại diện cho cả hai - Chật vật lắm, nhưng bà ấy vẫn khỏe, còn các cháu đi hết rồi! Một nét thoáng buồn trên khuôn mặt già nua ấy cũng gợi cho giám đốc đôi chút xao xuyến.

- Tội nghiệp chị ấy! Có lẽ nửa năm không ra tỉnh một lần. Hôm nào về anh cho tôi gửi lời thăm chị. Đơn giản thế mà cũng chiếm được lòng ông Tiếp trong chốc lát.

- Tôi nghĩ, việc tôi làm vừa rồi sẽ được anh ủng hộ, ai dè…

- Nhưng đó là việc của tôi. Giám đốc chấp nhận dứt khoát. Tuy không trực tiếp nhưng ý kiến tôi …

- À, ra thế.

***

Sau buổi gặp gỡ “thân mật” với giám đốc, ông Tiếp được tổ chức xí nghiệp “ưu tiên” cho đi an dưỡng một tháng ở nhà nghỉ bãi biển Lăng Cô. Sau đợt tắm biển ấy ông trở về nhận quyết định của Sở Công nghiệp “Nghỉ hưu”.

- Nghỉ thì nghỉ. Ông nói vậy. Lúc sắp bước ra khỏi cổng xí nghiệp ông đứng hồi lâu nhìn lại ngôi nhà “thường trực” nơi mà sau mấy năm cuối đời người thợ ông gắn bó.

Ông Tiếp nghỉ hưu. Cổng thường trực thay người khác. Chủ nhân của ngôi nhà trực - anh thanh niên khá bảnh trai độ 25 tuổi để hàng ria con kiến trên khuôn mặt tròn, có nước da “rất thành phố”. Nghe đâu là cháu đằng vợ của ông Tú. Ngôi nhà trực được quét lại một lớp màu vàng nhạt, cánh cổng chính mở toang sẵn. Lúc nào xe ô tô ra vào chỉ cần thả sợi dây thừng là được. Tấm biển “nội quy” được treo ngay trong phòng trực, trên bàn “làm việc” đặt miếng gỗ nổi hai chữ “trực tiếp” bên cạnh cây bút bi dắt mép bìa quyển sổ. Anh ta ngồi đó cả ngày, thỉnh thoảng cũng tranh thủ làm ly cà phê ở quán trước cổng xí nghiệp. Công nhân ra vào, khách hàng hay cán bộ đến làm việc, đôi khi chỉ cần gật nhẹ một cái là, xin mời. Sự dễ dãi, tính tình cởi mở, nhẹ nhàng chẳng mấy mà anh được mọi người ưa thích. Ba tháng sau anh đã quen gần hết công nhân trong xí nghiệp, mặc dù đông tới hơn ngàn. Đêm đêm cổng thường trực sáng trưng nhờ hai bóng đèn nghìn oát hai bên trụ cổng. Phòng trực tỏa ra màu xanh nhạt của ngọn đèn nê-ông. Tiếng đàn ghi-ta bập bùng do mấy cậu thanh niên mê văn nghệ trong xí nghiệp tập trung tán gẫu. Dần dần phòng trực biến thành “câu lạc bộ buổi tối”. Nó mất hẳn tính “bảo vệ” một cách nhanh chóng. Cũng ngôi nhà ấy, cũng công việc ấy nhưng con người thay đổi nên kết quả công việc cũng thay đổi. Xí nghiệp lại xảy ra các vụ mất mát liên tục. Có tuần hai vụ, ba vụ toàn chuyện lặt vặt như áo may ô, khăn mặt, áo sợi v.v… rồi xe ô tô đậu trong ga ra mà “bay” luôn cặp đèn pha, sau đó một tuần lại bay luôn cặp lốp mới lắp. Giao ban tuần nào nghe chuyện đó ông Lê cũng chỉ biết bóp trán xoa đầu. Dọa cúp lương bảo vệ, điều đi làm việc khác, quy trách nhiệm cho các bộ phận hay mất mát bắt bồi thường… nhưng quả tang thì chịu. Ngược lại anh chàng bảo vệ mới này lại được lòng với mọi người, biết nghe lời cấp trên, vả lại cháu đằng vợ ông Tú, nên dễ gì tẩy chay.

Xí nghiệp dệt Phú Hải đang vào đoạn nước rút.

Giám đốc bận tối ngày, dồn hết cho năng suất.

Nhưng than ôi! Máy điện mất heo đầu. Kẻ nào đó công khai gạt ông ra khỏi cuộc đua “Mười năm chào mừng quê hương giải phóng”. Tưởng chừng bế tắc, song độ tuần sau máy lại hoạt động bình thường nhờ có số tiền khá lớn giúp đỡ. Nhà máy tăng giờ làm việc, giám đốc bám tận các phân xưởng sản xuất - ăn đó, ngủ đó. Hàng ngày cậu lái xe bới xách cho ông, nhưng rồi công việc cuốn cậu ta bay chỗ khác. Bà vợ ông Lê thay chân đó. Bà ta ra vào xí nghiệp như nhà của mình vậy. Trước cuộc nước rút kế hoạch, mọi người hình như không để ý tới bà, nhờ vậy mà bà đầu qua đuôi lọt nhiều chuyện. Và cũng bởi một lẽ - Bà giám đốc.

Chiếc xe Jep màu xanh lá cây tung bạt sau, chạy vượt qua ngã tư “Yết Kiêu cắt Nguyễn Trãi” dừng lại sát bên cánh cổng sắt một nhà buôn có quầy ở chợ trời mà cả thành phố ai cũng biết, lái xe và một người đàn bà chuyển hàng vào trong - Trời xui đất khiến thế nào lúc ấy có anh cảnh sát đi qua, thấy nghi vấn đã giữ số hàng lại toàn vải, áo, khăn… những mặt hàng nhà máy mới sản xuất để kịp chào mừng ngày kỷ niệm thống nhất nước nhà. Công việc bù đầu nhưng ông Lê cũng phải đến cảnh sát giao thông ký biên bản để nhận lại chiếc xe bị giữ. Sự dễ dãi, và cung cách làm việc của người bảo vệ cổng thường trực tạo ra cơ hội như một kẻ đồng lõa cho bọn xiết sản phẩm Nhà nước. Nếu đơn giản đặt con tính cộng - xí nghiệp có một ngàn rưỡi công nhân, mỗi ngày mất 500 khăn mặt hoặc chỉ cần 200 cái áo thôi sơ sơ một tháng bao nhiêu: Năng suất không chỉ do sản xuất mà còn phải quản lý tốt và nó còn liên quan tới những người bình thường không trực tiếp như anh thủ kho hay ông thường trực gác cổng.

Thời gian thấm thoắt, vèo đã hết năm. Ông Lê lo cho kế hoạch sản xuất già sọm đi trông thấy, hai hốc mắt thâm quầng thiếu ngủ, mất hẳn tác phong hoạt bát bẩm sinh ở ông.

Sau buổi tổng kết xí nghiệp tuy rằng thành tích cũng đạt mức tối thiểu nhưng ông chả thấy là bao so với thành tích “tiêu cực”, sáng kiến này, nhắc tới gần hai trang đánh máy. Nào là chỉ dấu dưới lọn tóc, áo may ô mặc chồng, cặp da lót vải, dùng phương tiện tẩu tán v.v…

Sáng nay đứng một mình bên bàn làm việc, ánh sáng ban mai dọi hắt vào cửa sổ, những hạt bụi theo tia nắng nhảy múa điên cuồng trước mặt. Ngước nhìn lên bản sơ đồ bố trí nhà máy treo choán cả bức tường, bắt đầu từ chỗ ông đứng - tỏa ra các phân xưởng, các nhà kho, nhà nghỉ, bao quanh xí nghiệp bằng bờ tường cao hai mét và rời điểm cuối của nó, ông dừng lại ngỡ ngàng - Tất cả đều qua đây: “Cổng thường trực”. Một cái thở dài hắt ra từ lồng ngực, lấy lại nhịp đập của con tim bất chợt ông nhớ tới con người giữ cổng trước đây. Giám đốc tự quyết định như hạ một mệnh lệnh cho mình:

- Ngày mai tôi sẽ về tìm anh. Ông già Tiếp ạ!

Huế, tháng 7-1985
D.P.T
(15/10-85)





Các bài mới
Ruy-đôn-phi-ô (27/05/2011)
Các bài đã đăng
Khối trầm (10/05/2011)