Tạp chí Sông Hương - Số 15 (T.10-1985)
Ấn tượng và kỷ niệm về một chuyến đi
14:36 | 30/05/2011
BỬU CHỈ (Xê-nhét 17/5 - 26/6/1985)
Ấn tượng và kỷ niệm về một chuyến đi
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Trại sáng tác họa sĩ trẻ Liên Xô 1985” được tổ chức tại nhà sáng tác của Hội Họa sĩ Liên Xô, ở thị trấn Xê-nhét-na-go-xcơ (cách thủ đô hơn một giờ đi bằng xe con). Nhà sáng tác được xây dựng bên bờ hồ Xê-nhét rộng và đẹp. Mặt hồ ngày thường phẳng lặng; nhưng về đêm hay những khi trở trời, hồ nổi sóng ầm ầm như biển. Nơi đây có nhiều hải âu. Vào những ngày nghỉ, rất đông người tìm tới đây tiêu khiển bằng thú câu cá. Tên hồ đã được dùng để đặt tên cho nhà sáng tác. Bên cạnh nhà sáng tác là một rừng bạch dương và thông. Khi tôi đến thì tuyết đã tan từ hơn nửa tháng. Thiên nhiên đang vào giữa mùa xuân. Quanh những đa-sa (biệt thự nhỏ), ven đường, hoa anh đào và hoa táo nở trắng với mùi hương kín đáo. Trên những đồi cỏ và trong rừng, hoa dại nở khắp nơi, tràn đầy lối đi. Nhiều nhất là hoa bồ công anh. Hoa bồ công anh ở đây đẹp như hoa cúc. Kể cả những loài hoa khiêm tốn như hoa me đất cũng nở rộ, gây cho tôi những thích thú bất ngờ vì tính cách nhỏ nhoi nhưng rầm rộ của chúng. Tôi vốn là người yêu thích những loài chim hót. Trong những lúc rãnh rỗi, rừng Xê-nhét là nơi thu hút tôi vì những giống chim lạ với tiếng hót hay. Lẫn trong những tiếng chim lạ đó, có cả tiếng họa mi. Có hôm tôi đã lần theo tiếng hót để tìm; nhưng không gặp. Ở đây tôi còn thấy rất nhiều sóc, chồn và quạ khoang… Thật khó để nói trong vài dòng về vẻ đẹp và những điều bất ngờ của rừng Nga vào xuân.

Đó là tất cả cái nền thiên nhiên của sinh hoạt sáng tác ở Xê-nhét. Thiên nhiên ở đây như là điểm tựa của tâm hồn con người.

Riêng phương tiện sáng tác ở đây đã được tổ chức một cách rất qui mô. Khuôn viên của nhà sáng tác rộng trên mấy mẫu tây. Ngành hội họa chiếm một nhà lầu 4 tầng (mỗi tầng gồm 5 xưởng họa rộng rãi, với đầy đủ tiện nghi). Ngành đồ họa ở gần đấy, cũng với một qui mô tương tự. Nhà sáng tác có riêng một cửa hàng cung cấp vật liệu sáng tác (đủ sức đáp ứng cho mọi nhu cầu của họa sĩ). Nhà ngủ và nhà ăn, ăn thông với khu sáng tác bởi một tiền sảnh. Mỗi họa sĩ được bố trí một phòng ngủ đầy đủ tiện nghi (đối với những người đã lập gia đình, họ có thể mang vợ con đến ở trong suốt thời kỳ trại). Ngoài ra còn có phòng chơi bi-a, phòng xem chiếu bóng, phòng xem vô tuyến truyền hình màu và hòa nhạc, quán giải khát và bệnh xá v.v… Ở Liên Xô giới họa sĩ rất được nhà nước trân trọng. Tôi để ý trong khuôn viên của nhà sáng tác, bên cạnh bờ hồ, có những xưởng họa được xây theo lối hiện đại với một đa-sa đi liền bên, dành riêng cho các họa sĩ nhân dân thay nhau đến đó sáng tác.

Tôi đến trại chậm mất hai ngày sau buổi khai mạc. Tuy vậy tôi và hai người bạn (Ni-ca-ra-goa và Xi-ry) vẫn được Ban quản trại đón tiếp một cách nồng hậu và chân tình qua một “party” truyền thống Nga. Chiều hôm ấy, ở sâu trong rừng, quanh ngọn lửa truyền thống được đốt lên bằng củi thông đẵn ngay tại chỗ, chúng tôi đã cùng nhau nhấm món thịt dê thui, xúp cá, với vốt-ka. Ban quản trại giới thiệu với chúng tôi về truyền thống hiếu khách của dân tộc Nga, về nhà sáng tác Xê-nhét. Tôi được cho biết nhà sáng tác này lớn nhất so với những nhà sáng tác khác đã được Hội họa sĩ Liên Xô xây dựng ở một số nước Cộng hòa, nơi có nhiều cảnh đẹp (ví dụ nhà sáng tác ở Ri-ga, dành cho ngành điêu khắc…) và những họa sĩ hiện đại nổi tiếng ở Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết đều đã từng một lần qua đây. Cuộc rượu kéo dài với một tinh thần rất “cô-dắc". Sự chếnh choáng là thước đo của lòng chân thành. Hôm đó, tôi đã say bí tỉ; nhưng tôi vẫn còn nghe rõ lời chúc tụng cuối cùng: “Hãy sống và làm việc ở đây như truyền thống của các họa sĩ ở các nước cộng hòa”. Có một điều rất hạnh phúc cho tôi là đã được đi một mình, và sống một mình giữa tập thể nghệ sĩ đó. Tôi đã được tiếp đón không phải thông qua “một nghi thức ngoại giao” nào. Tôi đã được sống và được cư xử như một người Liên Xô giữa những người Liên Xô. Do đó tôi đã có nhiều cơ hội để tiếp cận, để tìm hiểu bạn bè (trong những cái hay, cũng như những điều dở); cũng như bạn sẽ dễ hiểu tôi hơn. Mối tương quan của chúng tôi ở đây, không gì khác hơn là những giá trị người, những giá trị văn hoá; mà lương tâm văn hoá là một thứ ánh sáng bên trong giúp mỗi người tự thấy rõ mình, thấy rõ người khác; giúp mọi người lại gần nhau, thông cảm nhau và kính trọng lẫn nhau.

Sáng hôm sau tôi được thông báo để đi nhận vật liệu, và nắm thêm một số nội dung về trại, trước khi bắt đầu công việc sáng tác của mình.

Trại sáng tác họa sĩ trẻ năm nay được tổ chức trong khuôn khổ của một trại sáng tác định kỳ, chủ yếu dành riêng cho lực lượng họa sĩ trẻ Liên Xô. Trại được mở cho hai ngành hội hoạ và đồ họa, đã qui tụ được 70 họa sĩ (50 họa sĩ thuộc ngành hội họa, 20 họa sĩ thuộc ngành đồ họa). Các họa sĩ trẻ (gồm cả nam lẫn nữ) được cử đi từ những nước cộng hòa và những thành phố lớn (ví dụ: U-krai-này và Kiep đều có đại biểu). Họ phần đông là những họa sĩ có tên tuổi ít nhiều ở địa phương của mình. Cũng có người đã là nghệ sĩ công huân. Riêng đối với những họa sĩ nước ngoài được mời đến tham gia trại, có ba người: tôi, Juan Rivas (Nicaragoa) và Hial Aba-Zied (Xiry). Tôi cũng được biết có một họa sĩ Cuba được mời đến, nhưng vì một lý do nào đó, phút cuối anh đã không dự được. Như vậy, sự hiện diện của những trại viên nước ngoài ở đây nằm trong chiều hướng Ban tổ chức muốn tạo điều kiện và cơ hội cho họa sĩ trẻ Liên Xô tiếp xúc với họa sĩ trẻ thế giới nhằm trao đổi, rút kinh nghiệm, tìm hiểu quan niệm, kỹ thuật, cũng như xu hướng sáng tác của nhau. Tôi được bố trí làm việc chung xưởng với Oleg (một họa sĩ trẻ nổi tiếng của cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga).

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Bộ tam bản “Khát vọng hòa bình” (Đồ họa). Ở giữa, dưới là chữ ký của toàn thể trại viên.

Chủ đề sáng tác năm nay là: “Tuổi trẻ với cuộc sống và nền hòa bình của hành tinh”. (Chống chiến tranh nguyên tử, chiến thắng phát xít). Mọi quan niệm, xu hướng và hình thức biểu hiện nghệ thuật đều được chấp nhận. Trại viên làm việc tại xưởng, dựa trên những tư liệu sáng tác đã chuẩn bị từ trước. Họ được quyền mang đến trại những tác phẩm đang còn dở dang để tiếp tục hoàn chỉnh; hoặc họ có thể mang cả những tác phẩm đã làm xong ở nhà nhưng chưa có cơ hội trưng bày đến trại. Một điều tưởng cũng cần phải nhắc đến, đó là nội quy của trại khá nghiêm khắc. Cấm rượu. Chương trình làm việc chặt chẽ. Trại viên ngoại quốc và trại viên Liên Xô đều làm việc trong những điều kiện giống nhau. Mỗi tuần lại có một đợt kiểm tra của Hội đồng nghệ thuật thuộc Hội họa sĩ Liên Xô từ Matxcơva đến.

Tôi nhận thấy ở đây, lực lượng sáng tác trẻ rất được các giới chức có trách nhiệm đặc biệt quan tâm và ưu ái. Gần như không có một mâu thuẫn nào về mặt tâm lý, cũng như ý thức về vai trò giữa các lứa tuổi. Không có vấn đề “trẻ”, “già” xung đột. Lớp trẻ luôn luôn được coi là thế hệ tiếp nối, là những gì thuộc về tương lai của mỹ thuật Xô viết. Giống như bức tượng đồng biểu hiện đặt trong sân nhà sáng tác, giữa một vườn hoa Tulíp đỏ rực. Bức tượng hình dung một đôi thanh niên nam nữ quỳ gối nhìn nhau trong một tư thế rất trân trọng và chễm chệ giữa những cánh tay của họ là một chú bé con. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các bạn họa sĩ trẻ ở đây, đến đặt lên đầu chú bé chiếc vương miện xinh xinh được kết bằng hoa dại mà họ hái được ở trong rừng, hoặc trên đồi. Tuổi trẻ ở đây cũng đầy tự tin. Họ tin vào tuổi đời còn dài của mình, và họ tin vào khả năng chịu đựng mọi “thử thách nghề nghiệp” của họ. Một số không ít bạn chưa tìm ra được cho riêng mình một bút pháp. Họ cứ loay hoay tìm kiếm mãi, và đôi khi tự bất mãn với chính mình. Nhưng điều quan trọng đối với họ chính là sự làm việc cần cù, kiên nhẫn và nghiêm túc. Họ rất cầu tiến, và chịu khó tìm tòi học hỏi lẫn nhau. Tôi nghĩ đó là những đức tính cần thiết để trở thành một tác giả.

Thỉnh thoảng tôi thường đến thư viện của nhà sáng tác. Ở đây, những sách báo, dữ kiện, tư liệu về các trào lưu nghệ thuật hiện đại trên thế giới, cũng như của Liên Xô được trình bày rất đầy đủ. Phải nói là giá trị về thông tin mỹ thuật rất cao. Tôi đã thấy các bạn trao đổi cho nhau xem một cách rất thích thú những cuốn sách như “Tự điển hội họa hiện đại” (in tại Paris - Pháp) hoặc “Bách khoa tự điển về Trường phái siêu thực” (in tại Hung-ga-ri và phát hành tại Liên Xô). Mọi người bàn cãi về các vấn đề nghệ thuật một cách “nghiêm chỉnh”, nghĩa là không có chút định kiến hay thành kiến nào; trái lại, bằng một thái độ khoa học. Tôi nghĩ, có một cái gì đó thuộc về chủ trương, đường lối của ban quản trại, hay đúng hơn của Ban lãnh đạo Hội họa sĩ Liên Xô, đã để cho tuổi trẻ Liên Xô được tiếp cận và học hỏi một cách nghiêm túc các xu hướng, quan niệm sáng tác hiện hành trên thế giới. Điều quan trọng là phải giữ vững một “nội dung Liên Xô ”. Như các khuynh hướng “Surréalisme” (Siêu thực), “Semi-abstrait expressionniste” (Biểu hiện bán trừu tượng), “Romantisme documentariste” (Lãng mạn tư liệu), “Photo-réalisme” (Hiện thực nhiếp ảnh), “Hyperréalisme” (Siêu hiện thực) của phương tây rất được quan tâm ở trại sáng tác này.

Rõ ràng là vấn đề phát triển nghệ thuật tạo hình ở Liên Xô đã được đặt trên qui mô quốc tế; và bằng một nhu cầu toàn cầu; chứ không còn bó hẹp trong phạm vi của một quốc gia. Nói cách khác, Liên Xô đang cố gắng vươn tới một thứ ngôn ngữ hội họa quốc tế thực sự. Trong một số cuộc trao đổi có tính cách cá nhân, tôi đã thử đặt vấn đề về “dân tộc và hiện đại” trong ngôn ngữ hội họa. Câu trả lời đã giống như điều mà tôi đã từng suy nghĩ. Thật ra hiện đại, người ta không còn chú trọng nhiều đến vấn đề dân tộc tính một cách đơn thuần như là yếu tố cấu thành tính độc đáo và giá trị nghệ thuật của một tác phẩm. Mà thế giới đang đạt tới một sự hội nhập (intégration) giữa dân tộc tính và ngôn ngữ nghệ thuật quốc tế. Có sự phân biệt giữa “Exotisme” (khuynh hướng yêu thích những cái lạ mà mình không có) và vấn đề bản sắc của mỗi dân tộc trong ngôn ngữ nghệ thuật có tính quốc tế.

Trong khuôn khổ của Trại sáng tác Xê-nhét 85, tôi có một số nhận xét, phần lớn những họa sĩ trẻ ở đây đều rất vững tay nghề, điều mà ta thường gọi là “có métier”. Tay nghề ở đây thể hiện một sự đào tạo rất chính quy, rất “classique” ở trường ốc. Trong sáng tác, các bạn thường tỏ ra mạnh trong những nội dung thiên về tả chân cuộc sống mới qua một cách nhìn hiện thực và lãng mạn kiểu Nga. Có một cái gì đó thuộc về Répine, Sérov, Wroubel được nối dài ra. Tôi cũng bắt gặp ở đây, trong một số tác phẩm của một số tác giả cái tính chất lãng mạn siêu thực kiểu Chagall. Theo tôi xu hướng này vẫn là hiện thực. Siêu thực không phải là phi hiện thực, mà là thay đổi một cách nhìn về nội dung thực của cuộc sống. Ở đây hoàn toàn vắng bóng dấu vết của các bậc thầy Nga của nền nghệ thuật “avant garde” (tiền phong) ở Tây Âu của nửa đầu thế kỷ 20 như Kandinsky, Malévitch, Lissitzky, Poliakoff v.v… Điều này cũng đúng thôi. Tôi nghĩ ngôn ngữ hội họa trừu tượng thuần túy để thực sự đóng góp cho cuộc sống, sẽ phát triển mạnh trong lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng vào đời sống. Cái ngôn ngữ hội họa tiếp tục cưu mang số phận con người vẫn là ngôn ngữ hội họa “figuratif” (Tượng hình). Đối với các bạn, các khuynh hướng “Romantisme documentariste”, “Photo-réalisme”, “Hyperréalisme”… vẫn còn là những kiếm tìm, dò dẫm.

Thật hạnh phúc cho tôi khi có được cơ hội làm việc trong một bầu không khí, trong một môi trường nghệ thuật như ở Xê-nhét. Do chỗ đã chuẩn bị sẵn những tư liệu sáng tác từ trước, tôi đã để ra 20 ngày làm việc liên tục, và đã hoàn thành được 4 tác phẩm sơn dầu (mỗi bức có format 100x 120), trong đó có một bộ Tryptique về chiến tranh - hòa bình, và một tĩnh vật (cũng mang nội dung này). Thời gian còn lại tôi dùng để làm một loạt đồ họa gồm 20 bức, cũng cùng chủ đề nói trên.

Nói chung, những tác phẩm của tôi đã gây được sự chú ý trong toàn trại, cũng như đã gây được niềm xúc động ở mỗi người xem. Trong buổi trưng bày tổng kết, trước một hội đồng nghệ thuật gồm 12 vị thuộc Hội họa sĩ Liên Xô (từ Matxcơva đến), nhiều ý kiến tốt đẹp đã dành cho các bức tranh của tôi.

Cuối cùng tôi đã được Ban quản trại dành cho một vinh dự, trong ngày gần cuối trại, họa sĩ công huân Xtê-pan Đút-nhít (trên 60 tuổi) đã đến thăm tôi tại xưởng họa cùng với một số họa sĩ trẻ Liên Xô, và một phóng viên của hãng thông tấn Tass. Khi tạm biệt, ông đã tặng một tuyển tập tranh của ông với những lời đề tặng thân thiết.

Những kỷ niệm đẹp trong thời gian tôi ở Xê-nhét còn phải kể, đó là cuộc thăm viếng nhà chứng tích về nhà thơ Block. Trước ngôi giáo đường đổ nát, bên cạnh một khúc sông yên tĩnh, tôi rất đỗi xúc động khi được người hướng dẫn cho biết nơi đây Block đã làm lễ kết hôn; và cũng chính nơi đây trong thế chiến thứ hai là một “lò sát sinh”. Sau đó là cuộc du ngoạn ở thành phố cổ Za-go-xcơ, ngôi thánh đường “Chúa ba ngôi” với những tranh thờ do họa sĩ Nga nổi tiếng An-drê-i Ru-blép sáng tác đã gây cho tôi những ấn tượng sâu sắc.

Và cũng tại Xê-nhét, tôi đã kết một tình bạn rất đẹp với Juan Rivas (Nicaragoa). Anh thường nói với tôi: “Chúng ta có cùng chung một số phận người, cùng chung một hoàn cảnh lịch sử”. Có những đêm anh cùng tôi ngồi uống rượu trên bao lơn nhìn ra hồ (phòng của chúng tôi gần nhau), anh nói rất nhiều về đất nước của anh; và tôi đã thấy anh khóc (anh là một chiến sĩ “sandiniste”, đã từng hoạt động bí mật ở Mỹ; đã từng bị bắt và bị trục xuất ở Tây Ban Nha). Tôi cũng kể cho anh nghe những ngày đấu tranh xuống đường chống Mỹ trên thành phố quê hương tôi, rồi những năm tháng tù đày. Cả hai chúng tôi đều vừa bước ra từ một cuộc chiến tranh khốc liệt chống kẻ thù chung, và đang đứng trước những thử thách mới. Tôi nhớ mãi lời Juan Rivas nói với tôi: “Chiến tranh sẽ không bao giờ là định mệnh của con người, chiến tranh chỉ là những giai đoạn lịch sử; và mong rằng chúng ta còn được sống để bồi đắp cho cuộc đời…”

***

Với một tháng rưỡi tham gia “Trại sáng tác họa sĩ trẻ Liên Xô 85” ở Xê-nhét, với một vài dịp được đi thăm một số nơi trên đất nước Liên Xô, chừng ấy dĩ nhiên chưa đủ để tôi có thể hiểu một cách sâu xa, chính xác về đất nước xã hội chủ nghĩa rộng lớn và phong phú này. Tuy nhiên, với chừng ấy thời gian cũng đủ cho tôi hiểu rõ thêm rằng nhân loại đang tiến lại gần nhau bằng ngôn ngữ văn hoá và nghệ thuật; và rằng tuổi trẻ thế giới luôn luôn dễ dàng gần gũi nhau, dễ dàng cảm thông và đoàn kết với nhau; cũng như dễ dàng thẳng thắn nói với nhau về những điều mình mơ ước…

B.C.
(15/10-85)








Các bài mới
Các bài đã đăng
Ruy-đôn-phi-ô (27/05/2011)
Khối trầm (10/05/2011)