Qua một phận người sang, nghĩ về một sự lựa chọn, một con đường
09:37 | 16/06/2011
LTS: Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Đạm Phương nữ sử (1881- 2011), 85 năm ra đời Nữ Công Học hội Huế (15.6.1926 - 15.6.2011) do bà Đạm Phương sáng lập, ngày 18.6 tới đây, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế và Viện Văn học Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về Đạm Phương nữ sử. Đây là cuộc hội thảo về Đạm Phương nữ sử lần đầu tiên, và được tổ chức ngay tại Huế, quê hương của Bà.
Bài viết của PGS.TS Trần Ngọc Vương mà Sông Hương giới thiệu dưới đây là một dấu ấn đậm nét trong số những công trình nghiên cứu về Bà trên hành trình cuộc đời rất đẹp mà Bà đã chọn lựa để thực thi lòng yêu nước, yêu đồng bào, vốn đã thành một hằng số trong huyết quản của Bà thuở sinh thời. Xin trân trọng giới thiệu. SÔNG HƯƠNG
Qua một phận người sang, nghĩ về một sự lựa chọn, một con đường
PGS.TS.TrẦn NgỌc Vương
Phận người, xét ở chặng khởi đầu tiên nghiệm, được (hay bị) hiển thị rõ nhất là khi cá thể đang được bàn tới ấy rơi vào một trong hai cực: hoặc cao nhất hoặc thấp nhất trong trật tự đẳng cấp. Hàng ngàn năm tồn tại của xã hội chuyên chế phương Đông đã làm nên sự hình dung - mà cũng là thực tế - đối nghịch về phận vị của những cá thể nằm trong hai nhóm nhỏ, ở hai cực đối trọng, là nhóm xuất thân từ cây phả hệ “lá ngọc cành vàng” với nhóm “quan quả cô độc”, những người “dưới đáy”.
Với tuyệt đại đa số người đời, có được xuất thân từ nhóm trên cùng ấy luôn luôn là niềm mơ ước. Và đã là ước mơ, nghĩa là không phải thực tế. Mọi mơ ước kiểu ấy vĩnh viễn là sự bất thành. Những câu hỏi liên quan đến nguồn gốc ban đầu của số phận ở mọi thời đại và mọi phương trời luôn luôn là những câu hỏi không lời đáp.
Chỉ tới một thời điểm nhất định trong cuộc đời, mỗi cá nhân mới bắt đầu, và có thể, dần từng bước, làm những chuyện gì đó để tự mình xê dịch số phận của chính mình. Không quá nhiều người có thể tự mình làm xoay chuyển “những nẻo đường đời”, xoay ngược hướng đời lại càng hiếm lắm. Xoay ngược hẳn, nhìn “từ dưới lên”, hay nhìn “từ trên xuống”, thì đều đáng coi là những “sự lạ, chuyện lạ”. Kim Trọng chỉ nói để dỗ Kiều thôi, chứ “xưa nay nhân định thắng thiên” là chuyện muôn một.
Vậy mà Đạm Phương nữ sử, theo quan sát của tôi,lại có thể được ghi danh vào số những người như thế.
Nhìn gần hơn nữa mộtlý lịch xuất thân:
Thân phụ của Công nữ Đồng Canh (tức Đạm Phương nữ sử sau này) là con trai thứ 66 của Hoàng đế Minh Mạng. Vị hoàng tử này ra đời năm 1836, khi vua cha đang trị vì vào thời tạm gọi là cực thịnh của vương triều. Minh Mạng, ngoài những chuyện khác, được lưu danh trong sử sách nước nhà với tư cách là một trong hai vị “quốc chủ” giữ kỷ lục về thành tích “sinh đẻ không có kế hoạch”.
Rất nhiều chuyện rắc rối, rất nhiều quan hệ, mối liên hệ chồng chéo phức tạp trở thành những câu chuyện thâm cung bí sử nhưng lại đã ảnh hưởng không ít lên tiến trình lớn của lịch sử dân tộc có nguồn gốc từ chuyện quá nhiều vị thân vươngtồn tại đồng thời trong một cái triều đình không lấy gì làm “hoành tráng” cai trị một quốc gia không hẳn đã là mênh mông nhưng lại rơi vào một thế kỷ quá nhiều biến cố như vương triều Nguyễn nửa sau thế kỷ XIX.
Nếu tôi không nhớ nhầm, thì cho tới năm 30 tuổi, nghĩa là cho tới trước khi kế vị Gia Long để thành Hoàng đế, Hoàng Thái Tử Phúc Đảm mới chỉ là cha củamười vương tử (Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, con trai thứ 10, sinh vào tháng 12 năm 1819, Tuy Lý Vương Miên Trinh, con trai thứ 11, sinh vào tháng 2 năm 1820). Trong khoảng hai mươi năm tiếp theo, nghĩa là trong thời gian nắm giữ ngai vàng, ngài đã kịp huy động hậu cung hạ sinh thêm… ngót nghét sáu mươi vị vương tử khác, mà Miên Triện, như đã biết, theo “trật tự”, là con trai thứ 66 của vị Hoàng đế năng sản theo nhiều nghĩa này.
Chưa tính tới những vị hoàng thân quốc thích theo ngành trưởng của Hoàng Thái tử Cảnh hay hậu duệ của các vị vương tử con đẻ của Hoàng đế khai cơ Gia Long, chỉ riêng những người được chép tên ở Tôn nhân phủ theo mô thức của đế hệ thi, khởi từ chữ Miên, tới những năm 80 của thế kỷ XIX đã có con số chắc chắn không dưới trăm người. Trong khoảng trên dưới hai thập kỷ cuối thế kỷ XIX, kể từ thời điểm Dực Tông Anh Hoàng đế (Tự Đức) băng hà cho tới lúc Thành Thái bị người Pháp hạ bệ, phát phối lưu đày, thì có tới bốn thế hệ những người đàn ông thuộc “đế hệ” cùng tham gia vào quốc sự, trông chừng “quốc tộ” (Miên, Hường (Hồng), Ưng, Bửu). Tạm không bàn tới những “bà chúa”, chỉ nói riêng tới những “ông hoàng”, các sử gia từ đấy về sau đã phải dành không ít tâm sức để có thể tái hiện lại những bức tranh đại cảnh của chỉ riêng những quan hệ cung đình, những tập hợp phe nhóm thế lực, những sự chuyển hóa phức tạp và sự chi trì lẫn nhau giữa các thế lực phe nhóm đó.
Hoàn toàn không dễ dàng trong việc xác định cho đúng địa vị, vai trò, tác động lịch sử của từng người trong số họ. Hơn nữa, ngay với từng người, ở những khoảng khắc khác nhau của cuộc đại chuyển vần được gọi tên là “tuồng thiên diễn mưa Âu gió Á” đó, lại có thể đã “góp vai” theo những cách thức phức tạp, chứ không thuần túy một chiều là xấu hay tốt, tích cực hay tiêu cực, đáng ngợi ca hay đáng buộc tội, lên án, là người chủ trì hay chỉ thuộc số “a tòng”, “cuốn theo chiều gió”.
Trường hợp Hoằng Hóa quận vương Miên Triện, thân sinh của Công Tôn nữ Đồng Canh, chính cũng là một trong những “cas” cần tới sự soi tỏ đa chiều như thế.
Sau khi Dục Đức, con trai Thoại Thái Vương Hồng Y (con trai thứ 3 của vua Thiệu Trị) và là con nuôi, Thái tử kế vị của Tự Đức, bị phe Tôn Thất Thuyết -Nguyễn Văn Tường gạt khỏi ngôi vua rồi bị giam cầm, hành hạ đến chết thảm, nhóm quyền thần đắc thế ấy đưa Lãng Quốc Công Hồng Dật, em ruột Tự Đức và là con trai thứ 29 của Thiệu Trị lên ngôi. Xét về thế thứ, Hiệp Hòa (cũng như Tự Đức) là cháu gọi Miên Triện bằng chú, nhưng về tuổi tác lại cơ hồ đồng tuế. Đó có thể là một trong những lý do khiến hai người thân thiết với nhau. Bị ép phải làm vua, lại đã 37 tuổi, Hiệp Hòa không cam chịu chỉ là một thứ vua bù nhìn trong tay của hai Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường - Tôn Thất Thuyết, nên ngay từ đầu đã cố tìm cơ hội để khẳng định vương quyền thực sự của mình. Với sự đồng mưu của một nhóm hoàng thân và thân quyến họ đứng đầu là Hồng Phì (con trai Tuy Lý Vương), nhà vua toan tính một cuộc triệt bỏ vị trí của hai quyền thần nọ. Như đã biết, việc bại lộ, Hiệp Hòa bị Ông Ích Khiêm theo lệnh của hai người kia giết chết, Miên Triện trốn không thoát, bị bắt, bị hạ phẩm hàm. Quận Vương bị giam lỏng ở Huế rồi qua năm sau, bị “phát phối” và quản thúc ở Phú Yên. Gia đình của Miên Trinh cũng bị đày đi Quảng Ngãi, hai người con trai của Miên Trinh là Hồng Sâm và Hồng Tu bị giết. Nhiều thân vương khác cũng gặp họa trong biến cố này, phải đến lúc Đồng Khánh lên ngôi (tháng 10 / 1885) họ mới được gọi về Huế trở lại.
Nói gì đi nữa, thì Miên Triện chắc chắn không thuộc phái “chủ chiến” đã đành, mà còn được Đồng Khánh tín nhiệm, đề cao. Việc “hợp tác, đồng thuận” với Pháp bộc lộ rõ ràng qua sự kiện tháng Tư năm Kỷ Sửu (1889 - theo tư liệu của Lê Thanh Hiền thì là năm 1891, hẳn có nhầm lẫn - TNV) vào dịp Thành Thái lên ngôi, Hoằng Hóa quận vương là người cầm đầu sứ bộ đi Pháp. Sau chuyến đi này, ông có để lại tập “Kỷ Sửu như Tây nhật ký”.
Dẫu không được coi là nhà hoạt động nhà nước - hoạt động chính trị nổi bật nhưng Miên Triện vẫn là người bộc lộ thái độ chính trị công khai và khá rõ nét.
Ảnh hưởng của người cha đối với cô thứ nữ hẳn phải rất đậm đà. Đời sống tinh thần đa sắc, nội tâm đa cảm, lòng yêu mến văn chương, học vấn hẳn là những thứ mà Công nữ Đồng Canhđã được truyền nhận trực tiếp từ thân phụ mình. Hẳn cũng chính ông là người từ rất sớm gửi gắm cô con gái nhỏ của mình theo hầu và theo học một cách bài bản, cẩn thận ở chỗ những người bà, người cô nổi tiếng hay chữ trong Hoàng phái, như các bà công chúa Nguyệt Đình, Mai Am… Người thiếu nữ thuộc hoàng gia này đã có được một vốn liếng chữ nghĩa và tri thức đủ dày dặn vào độ tuổi còn rất trẻ. Theo nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền “... Cả thời niên thiếu Công Tôn Nữ Đồng Canh được dưỡng dục, học hành nghiêm túc cả Hán văn, Pháp văn quốc ngữ và vào phủ chúa học cầm, kỳ, thi, họa, thêu thùa, cắt may, nấu nướng… Đó là những kiến thức cơ bản sau chung đúc thành vốn văn hóa vững chắc cho Công Tôn Nữ Đồng Canh khi lớn lên vào đời bằng thực lực của chính mình”([1]).
Với một quá trình được đào tạo và nỗ lực tự đào tạo như thế, vừa có thiên tư vừa hội được những điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi như thế, thì việc sau khi đã lập gia đình, “yên bề gia thất”, một thiếu phụ thuộc Hoàng gia tuy tuổi còn trẻ đã được triều đình vời vào cung giữ một chức nữ quan, đảm trách việc giáo dục cho các phi tần cung nữ mà chắc chắn là nhiều người trong số họ trước khi được “nhập cung, nạp phi” vẫn chưa thể có được một nền giáo dục và học vấn đầy đủ là sự kiện đáng ghi nhận và đề cao, nhưng chưa phải là chuyện gì quá bất thường hay đặc biệt đột xuất. “Hòa điệu” với các tác giả nữ thuộc Hoàng phái (mà nổi bật là “bộ tứ” An Thường, Nguyệt Đình, Diệu Liên và Huệ Phố), việc Đạm Phương nữ sử viết nên vài thi tập chữ Hán cũng là điều không khó tưởng tượng.
Cũng theo lẽ thông thường, một quận chúa lá ngọc cành vàng tới tuổi cập kê trăng tròn lẻ “hạ giá” thành thân với một ông nghè tập ấm, vốn cũng thuộc dòng danh gia vọng tộc, gia cảnh cũng đang ở buổi thịnh thời hẳnkhông gây ra điều chi khác lạ.
Hơn hai chục năm trời, kể từ buổi thành gia thất ở tuổi mười sáu, mới mấy năm sau đã được vời vào cung làm một chức nữ quan, nếu cứ quen quán tính đời sống, theo nếp cũ lối xưa, hẳn Đạm Phương nữ sử sẽ tiến dần tới địa vị một mệnh phụ phu nhân, sống một đời sang trọng đủ đầy, với tiện nghi lên xe xuống kiệu, kẻ đưa người rước, phong gấm rủ là, và “sự thể ấy” hẳn cũng không làm ai “thắc mắc”. Còn suy luận theo cách “lý lịch chủ nghĩa” một thời, thì một người như bà, bị chi phối bởi những quan hệ “ba bề bốn bên” như đã có, thật khó màtrở thành một nhà hoạt động xã hội “tích cực, tiến bộ” chứ chưa nói đến khả năng trở thành một nhân vật “cách mạng”!
Vậy mà tới thời điểm năm 1918, thời điểm để một thiếu phu nhân sắp trở thành một “thái thái”, đã là mẹ đẻ của sáu người con trong đó cô trưởng nữ đã qua tuổi hai mươi, lại đã nếm trải cảnh “chồng chung” vì dẫu sao, đức lang quân đã có thêm một thứ thất với một “đàn con” nữa, dù đàn con thứ hai ấy cũng coi bà là mẹ,nữ sử Đạm Phương đột nhiên hóa thân thành một người khác, thanh tân và lạ lẫm! Tiểu sử của bà, từ đây, đã sang trang thực sự.
Điểm xem mấy sự khởi đầu:
2.1.Đối diện với vấn đề vận nước và hệ thống tri thức mới:
Nguồn gốc xuất thân của Đạm Phương nữ sử dĩ nhiên không thể thúc đẩy bà tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội mang màu sắc cách mạng và duy tân ngay thập niên đầu của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ở khoảng khắc này của lịch sử, có vài điều cũng cần nhìn nhận lại cho rõ ràng và toàn diện hơn so với những gì thường vẫn được trình bày trong các thư tịch lịch sử được coi là chủ đạo và chính thống.
Sau thất bại trên phạm vi toàn quốc của phong trào Cần Vương, trong khoảng thời gian 1896 - 1903 hầu như không có biến cố chính trịnào thể hiện nội dung yêu nước nổi bật. Từ đầu năm 1903 tới hết năm 1908 lại dồn dập nổ ra những biến cố lớn, với những sự kiện chủ yếu như việc truyền bá Tân thư (công việc này thoạt đầu dường như diễn ra một cách lặng lẽ, “hòa bình” nhưng thực chất lại đặt nền tảng cho hàng loạt những phong trào và biến cố mới), việc đề xướng Duy Tân của các chí sĩ gốc Nam - Ngãi mà các yếu nhânhàng đầu là Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng trong đó Phan Châu Trinh giữ vai trò lãnh tụ, phong trào Đông Du mà Phan Bội Châu là “Đảng trưởng”, phong trào Đông Kinh nghĩa thục mà cả Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều tích cực góp phần kiến tạo để rồi về sau đều bị chính quyền thực dân và đám quan lại Nam triều tay chân thực dân Pháp đồng thanh kết tội là “đầu sỏ”, cùnglà “đệ nhất quốc phạm”.
Tất cả các sự kiện, phong trào và biến cố chính yếu ấy đều diễn ra, lên đến cao trào rồi bị khủng bố, bị thanh trừng dữ dội chỉ trong vòng dăm năm. Cho tới đầu năm 1909 thì phong trào Duy Tân đã tan rã (sau vụ “dân biến Trung Kỳ” chống sưu thuế bị thực dân tắm máu), Đông Kinh nghĩa thục và các trường học tương tự bị giải thể, đóng cửa, phong trào Đông Du bị thực dân Pháp liên thủ với chính quyền Nhật Bản truy bức vàngăn cấm, các nhà hoạt động của các phong trào người bị giết, người bị lưu đày khổ sai và cách ly, người bị truy nã lùng bắt phải sống lưu vong sang các quốc gia lân cận… Sự quyết liệt của chính quyền thực dân ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng ở thời điểm này gây nên những tổn thất vô cùng to lớn, mang hình thức khủng bố trắng, đến mức nhiều học giả chính quốc cũng phải lên tiếng, điển hình là cuốn sách có nội dung tố cáo “Annam đẫm máu” đã được viết và in ra ở ngay tại Paris năm 1911.
Không thấy các sử gia ghi nhận hiện tượng hay sự kiện nào nổi bậttrong khuôn khổ cung đình Nam triều những năm tháng ấy. Tuy nhiên, việc người Pháp không hề lơi lỏng đề phòng các ông vua Việt Nam, dẫn đến hành động phế truất và lưu đày hết cha rồi đến con (Thành Thái - Duy Tân), “đại âm mưu” gây chính biến dẫn đến việc truất phế rồi lưu đày đối với Duy Tân và án tử đối với Thái Phiên - Trần Cao Vân, phải được coi là những bằng chứng xác thực bậc nhất của một thực tế lịch sử, đó là ngay tận thượng đỉnh của vương quyền, trong khoảng “thâm cung”, vẫn hiện hữu ý thức và khát vọng đấu tranh khôi phục chủ quyền và độc lập dân tộc. Không hề ngẫu nhiên mà mối quan hệ giữa vua Thành Thái với viên Khâm sứ Levécque lại để lại nhiều giai thoại “căng nhau” đến mức không thể chấp nhận nhau “đồng tồn tại”([2]). Cũng không phải ngẫu nhiên việc phế truất rồi lưu đày ông vua đã có “thâm niên” làm vua đến 18 năm này lại diễn ra đúng thời điểm thực dân Pháp chính thức mở cuộc khủng bố trắng đối với phong trào yêu nước và cách mạng trên phạm vi toàn quốc (1907). Việc Công Nữ Đồng Canh được ông vua yêu nước Thành Thái ấy - về “vai vế” ông vua này phải gọi bàlà bà dù rằng vua lớn hơn vài tuổi - lựa chọn làm một vị nữ quan - loại hiện tượng hy hữu trong suốt hàng ngàn năm chế độ vua quan ở Việt Nam - cũng chắc chắn không phải là sự chọn lựa ngẫu nhiên hay cảm tính.
Dường như nghịch lý, Huế là địa phương diễn ra việc tiếp xúc và tiếp thu những tư tưởng và tri thức thuộc hệ Tân thư, tân văn sớm và sâu rộng bậc nhất so với các nơi khác trên toàn quốc.
Thực ra, điều đó không có gì đáng lạ: dù sao mặc lòng, kinh đô là cửa ngõ của quốc gia, và bất cứ ai muốn tạo ra những biến cố hướng tới sự đổi thay trong cả xã hội hoặc có quy mô lớn thì trước hết đều nhắm tới tầng lớp có địa vị xã hội cao nhất, tầng lớp mà tiếng nói và hành động có ảnh hưởng, có tác dụng lớn nhất. Triều đình trung ương, quan lại cao cấp, sĩ tử có học vấn bậc nhất … những thành phần ấy đều tập trung ở Huế. Ngay cả “ngoại nhân”, chỉ xét tới những loại nhân vật điển hình, nổi trội thời bấy giờ như giáo sĩ, thương nhân, các sứ thần, sứ bộ, rồi dần về sau, quan lại thực dân cao cấp, kể cả các học giả thực dân nữa, cũng đương nhiên coi Huế là một trong những đích đến và/ hoặc nơi cư trú được ưu tiên hàng đầu. Mà “chất dẫn” của Tân thư tân văn, không ai khác, chính là họ.
Chắc chắn rằng với tư cách là ái nữ của Hoằng Hóa quận vương, Công Nữ Đồng Canh đã có điều kiện thuận lợi hơn nhiều người khác, kể cả so với một bộ phận không ít những thành viên trong Hoàng tộc, được tiếp xúc sớm và khá tự do đối với nguồn sách vở và thông tin quan trọng, mới và khác về chất với nền học vấn truyền thống. Bên cạnh những việc đời thiết yếu và quan trọng khác, người thiếu phụ Hoàng phái với tuổi đời còn rất trẻ và tư chất vượt trội bẩm sinh đã giành một lượng thời gian không ít để đào sâu nguồn học vấn này. Những gì được thể hiện ra qua hàng trăm bài báo, dăm bảy cuốn sách xuất bản vào giai đoạn sau đã gián tiếp chứng minh điều đó.
2.2. Thay đổi nhận thức về vấn đề thân phận và thái độ đối với lao động:
Ngoài việc đảm trách một chức vụ “kiêm nhiệm” có tính nhà nước với vai trò một “nữ quan” (tuy có lẽ là với một khoảng thời gian không dài), trong tiểu sử của bà suốt hơn 20 năm (1897 - 1918) không có thêm những sự kiện nổi bật nào khác. Hẳn rằngvới một thiếu phụ, cho dẫu xuất thân “lá ngọc cành vàng”, việc vừa sinh hạ vừa chăm lo quán xuyến, bảo trì, giáo dưỡng cho một đại gia đình có tới 11 người con không hề là việc nhẹ nhàng hay dễ dàng! Theo Nguyễn Khoa Diệu Biên và Nguyễn Cửu Thọ thì “Đến thời điểm này (1901), kinh tế gia đình trở nên khó khăn. Bổng lộc và lợi tức từ ruộng đất không đủ trang trải. Bà đã bàn với ông mua thêm mảnh đất bên Cồn Hến để trồng dâu. Bà nuôi tằm, kéo tơ, nhận hàng thêu thùa cho các ông hoàng bà chúa để tăng thêm thu nhập. Bà đã cố gắng chăm chỉ học nhiều nghề và cùng thực hành với những người trong gia đình để có tiền chi tiêu và nuôi con ăn học”. Với rất nhiều người phụ nữ ở vào hoàn cảnh ấy, làm được như bà cũng là chuyện dễ hình dung. Điều đặc biệt đối với riêng bà, ít nhất là khi quan sát những bước tiếp theo trong hành trạng, đó lại là “Chính từ những hiểu biết từ thực tế đó đã hình thành trong bà những quan niệm mới về nữ học, nữ công với ý thức xây dựng cuộc sống tự lập, giúp ích cho gia đình và xã hội”([3]). Làm rõ hơn ý nghĩa của chặng đời này của bà, một trong những ngườithuộc thế hệ cùng tuổi với con bà nhưng lại có điều kiện làm trợ thủ cho bà cả một thời gian khá dài về sau là bà Trần Thị Như Mân,phu nhân Giáo sư Đào Duy Anh đã viết trong mộthồi tưởng: “Thời đó, tư tưởng coi thường lao động chân tay còn rất nặng nề, nhất là đối với những gia đình trung lưu ở thành thị. Sinh trưởng trong một hoàn cảnh như bà Đạm Phương, lại biết tự mình tham gia lao động thủ công, phải nói là một việc làm hiếm có. Vì trong xã hội bấy giờ, thiếu chi người gặp khó khăn thực sự, nhưng vẫn không chịu lao động (tôi nhấn mạnh - TNV), chỉ quen sống đài các bằng sự dựa dẫm vào bà con xung quanh”([4]).
Lao động có vai trò như thế nào trong lịch sử nhân loại thì bất cứ ai cũng có thể biết, những người theo chủ nghĩa Marx lại càng biết rõ hơn nữa. Chỉ cần đọc tên một trong những tác phẩm nổi tiếng của F. Engels cũng đủ (“Vai trò của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người”). Nhưng lịch sử xã hội, lịch sử kinh tế, cả lịch sử văn hóa nữa, gắn với các quá trình phân công lao động và các loại quan niệm về lao động thì không phải là tri thức quen thuộc đối với đa số. Muốn hiểu và đánh giá đúng “chặng đời” này của một người xuất thân từ Hoàng tộc như Đạm Phương nữ sử, thiết nghĩ sẽ không thừa khi nhắc lại, dù chỉ vắn tắt, đôi nét về nhân sinh quan và những tập quán văn hóa của môi trường vốn được mệnh danh là “trung tâm của bóng tối và sự thủ cựu”, nơi bà sống những năm tháng đó.
Trong truyền thống Tam giáo, học thuyết có vai trò nòng cốt, đóng vai trò ý thức hệ lâu dài nhất, chi phối nhận thức của đa số cư dân, làm thành hệ thống quan niệm và tập quán văn hóa của xã hội Đông Á trong đó có Việt Nam, là Nho giáo. Các tầng lớp và đẳng cấp “bề trên” càng là bộ phận cư dân chịu ảnh hưởng sâu sắc hệ thống quan niệm của học thuyết này.
Ngay từ thời điểm học thuyết này hình thành, các bậc “giáo chủ” - thánh hiền tiêu biểu nhất, trước hết là Khổng Tử và Mạnh Tử, đã vạch một ranh giới “không thể rõ ràng hơn nữa” giữa hai hình thức cơ bản của lao động. Tuy xuất thân trong một gia đình quý tộc bậc trung, nhưng do hoàn cảnh riêng, (bố mẹ chênh nhau hơn bốn chục tuổi, lấy nhau theo lối “dã hợp”, không được giới thượng lưu và đại gia đình bên nội thừa nhận, bố mất từ khi ông chưa ra đời, lại mồ côi mẹ khá sớm), Khổng Tử từ nhỏ đã phải tham gia lao động để sống (“Ngô thập ngũ chí vu học….”). Chỉ mấy năm thôi, nhưng cũng đủ làm cho Khổng Tử đeo đẳng mặc cảm đến suốt đời. Khi về già, đã là bậc Phu Tử ngời ngời, lừng danh liệt quốc, trong chỗ riêng tư, khi tâm sự với đôi ba người học trò thân cận, ngài vẫn còn bùi ngùi nhớ lại: “Ta thuở nhỏ nghèo khó, cũng từng phải làm những việc thấp hèn để sống, vì thế mà cũng có biết một số điều vụn vặt”. Khổng Tử, rốt cuộc, vẫn rất nhất quán vạch ra ranh giới biệt lập giữa “kẻ trí” với “người ngu”, giữa “quân tử” với “tiểu nhân” bằng một “chùm” tiêu chí, trong đó một trong những tiêu chí nổi bật và được ưu tiên nhấn mạnh, là xem xét đối tượng thuộc hạng người tham gia loại lao động nào, biết “cày ruộng, làm vườn” hay biết “tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn Võ, hiếu cổ nhi cầu chi”. Mạnh Tử thì khẳng định dứt khoát “Lao tâm giả, trị nhân; lao lực giả; trị ư nhân”(Kẻ “lao tâm” thì trị người, kẻ “lao lực” thì bị người trị!)! Lối suy nghĩ “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” thấm thông suốt mấy nghìn năm lịch sử. Mọi ông chủ gia đình, tuy xét từ góc độ tiềm lực kinh tế, là “hàn nho”,thì đều không bao giờ chịu “rút kinh nghiệm”, vẫn kiên trì tư tưởng “Giấy rách giữ lề”, chấp nhận cảnh “Thập tải độc thư bần đáo cốt” (Mười năm đọc sách nghèo đến xương - Thơ Nguyễn Trãi), coi việc lao động chân tay, lao động mang tính chất sản xuất là “đáng xấu hổ”, là phận sự của “kẻ tiểu nhân”. Dĩ nhiên sự phát triển theo chiều hướng ngày càng phong phú đa tạp hóa của xã hội khiến cho sự phân hóa, phân công lao động không dừng lại ở lằn ranh đơn giản là “lao động chân tay” hay “lao động trí óc”, nhưng để hiểu nhà nho, Nho giáo và hệ tư tưởng do Nho giáo làm nòng cốt, để hiểu những gì đã trở thành tập quán, thành lối sống, thành nguyên tắc ứng xử của các tầng lớp và đẳng cấp xã hội trong lịch sử, thì việc nhận chân về lằn ranh giới này là một sự hiểu biết có tầm quan trọng phương pháp luận.
Vừa là thành viên của Hoàng tộc, vừa được tiếp thu - có thể là hoàn hảo bậc nhất trong nữ lưu - một nền giáo dục khởi đầu là nền giáo dục Nho giáo, lại được rèn tập kỹ lưỡng, chi ly theo hướng “Học nhi thời tập chi”, nhưng chắc chắn giai đoạn đầu đời của Công Nữ Đồng Canh chưa thể nếm trải những tình huống được dân gian mô tả trực tiếp, nôm na là “Đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, và vì thế, diện trường đời sống tinh thần của một người như vậy chưa trải ra theo hướng phản tư ngay lập tức về đời sống lao động. Trong bộ khuôn mẫu “tứ đức” (“công, dung, ngôn, hạnh”)mà Nho giáo đã đóng sẵn cho mọi người phụ nữ bất luận sang hèn, thì “công” là đòi hỏi duy nhất liên quan đến lao động. Nhưng “nữ công”, theo hình dung mang đậm tính ước lệ của truyền thống, không phải có nội dung sản xuất, hay chí ít, sản xuất không phải là nội hàm chính yếu. Dĩ nhiên, giữa những người có học, dù sao, nam giới vẫn “xa lạ” với lao động mang tính sản xuất hơn nữ giới, nhưng với tuyệt đại đa số những người phụ nữ xuất thân hay được “nhập hộ khẩu” vào những gia đình được coi là thế gia vọng tộc - chứ chưa nói Hoàng tộc - thì “công” vẫn chỉ có nghĩa là sự tháo vát trong xếp đặt việc tề gia nội trợ, những việc “gia chánh”, hoàn thành tốt chức năng “nội tướng”, nếu có “tự thân” làm những công việc cụ thể, thì nhiều lắm cũng chỉ là may vá thêu thùa, bày mâm dọn cỗ, bài trí gia thất, sai bảo người ăn kẻ làm sao cho hợp lý và có hiệu quả, chứ quyết không phải là thực hành những việc cần đến sự vất vả, cực nhọc thể xác.
Hình dung như thế rồi, mới thấy việc bà Đạm Phương thực hành một cách tự nguyện và bền bỉ lao động chân tay, rồi tiến tới chỗ suy nghĩ về loại hoạt động đó một cách có hệ thống, có sự lý thuyết hóa trên cơ sở nghiệm sinh, xa hơn nữa, tới chỗ đặt mục tiêu biến nó thành cơ chế xã hội cho “mọi người đàn bà của nước Nam này”, là một chuyển biến mang tính đột biến, và theo cảm nhận cá nhân, tôi cho rằng đó chính là điểm son rực rỡ trong tiểu sử của bà ở giai đoạn ngót hai thập niên đầu của thế kỷ XX.
Nhưng đó không phải là sự “từ bỏ địa vị”, không phải là sự ly khai hay xa rời “nguồn gốc xuất thân” như cách của một số người muốn giải thích, “vượt ra khỏi lập trường của giai cấp bóc lột” để tiến tới “lập trường của quần chúng, của nhân dân lao động”. Đó là sự mở rộng, từ chỗ hiểu đến chỗ thực hành một quan niệm, vì vậy cũng đúng đắn và xác đáng hơn, đối với nội hàm của khái niệm lao động. Trong nhận thức của bà, dần dần hình thành một “chuỗi vòng khâu khép kín” những mối quan hệ và tương tác qua lại giữa các loại hình hoạt động sống, có tác động nhân quả đối với nhau và điều rất quan trọng là chúng không loại trừ, triệt tiêu lẫn nhau, ngược lại, làm tiền đề cho nhau. Bà đã kiên trì giải thích, lặp đi lặp lại nhiều lần nhận thức quan trọng này. Đây là một trích đoạn “ngẫu nhiên”: “Trong xã hội, những người có nhiệt thành tâm huyết mong cho cuộc tiến hóa mau được vẻ vang, vẫn thường than thở về đường nữ giới giáo dục hiện còn khuyết điểm, công nghệ hiện còn sinh sơ. Lại thêm lời dư luận hàng ngày chỉ trích những người đàn bà vô nghệ là tại phần không có định nghiệp mà sinh ra cả. Đã không có định nghiệp tất không có hằng sản, đã không có hằng sản tất không có hằng tâm, xem xét lại kỹ có phải bởi một lẽ thất giáo mà ra chăng? Nếu những bậc phụ huynh trong một nhà, biết phương pháp giáo dục cho hợp thời, đúng cái trình độ buổi văn minh đời bây giờ, cần phải có sinh kế làm đầu, trong khi người con gái đương trẻ, nên xét theo tư cách mà dạy, đáng theo nghề văn chương thời cho học văn chương, đáng theo nghề nghiệp thời cho tập theo nghề nghiệp, văn chương với nghề nghiệp cũng vậy, không phải văn chương là trọng, mà nghề nghiệp là khinh (tôi nhấn mạnh - TNV). Sách có câu: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”; lại có câu: “Túng hữu lương điền vạn khoảnh, bất như bạc nghệ tùy thân”. Nên chi chẳng cứ là người nào cũng nên biết nghề nghiệp hết thảy, không những kẻ nghèo đã cần có nghề nghiệp mà làm ăn đã đành phận, dầu kẻ sang lại càng học tập công nghệ cho lắm, vì mấy người ấy mới có đủ tư bản, và tư cách chấn hưng lên được nhiều mối lợi lớn, mà trong xã hội tất là trông mong về các bậc đó (tôi nhấn mạnh - TNV). Những người đàn bà mà biết có nghề nghiệp trong tay, thường thường hay chăm lo công việc đã làm, khỏi sự nhàn du lãng phí, nhờ ở nghề nghiệp mới sinh ra tiết kiệm đặng”([5]).
Sực tỉnh táo mà nhận ra một điều chua chát: qua cải cách ruộng đất, qua các đợt tiến hành “cải tạo công thương” sau năm 1954 ở miền Bắc và sau tháng 4 năm 1975 ở miền Nam, cho chí những đợt “kiểm tra tài sản” đầu những năm tám mươi thế kỷ vừa qua, với tâm lý cào bằng của chủ nghĩa bình quân cộng sản nông dân và ấu trĩ, biết bao nỗ lực và thành quả làm giàu một cách chính đáng đã bị nghiền nát và “đánh cho tơi tả”. Mới thấy tầm nhìn của Đạm Phương nữ sử là thấu thị và minh triết làm sao!
Cũng thật đáng lưu ý rằng khi tự mình đi tiên phong có kết quả rồi mới kêu gọi, tập hợp những người đồng chí hướng “làm kinh tế” một cách có kế hoạch, Đạm Phương nữ sử không ưu tiên chọn con đường “thương nghiệp đi trước”, xa lạ với cung cách chụp giật, “giàu xổi”, vơ vét cho mình bằng mọi giá. Có thể “con người văn hóa” trong bà “cự cãi” với những phương cách tích lũy tư bản chủ nghĩa, cảm nhận thấy những phương cách đó quá phi luân, quá tàn nhẫn (thì chính F. Engels cũng từng nhận định rằng “Kinh tế là phi luân”), cũng có thể quán tính của giáo dục truyền thống, những định kiến hàng nghìn năm thẩm thấu qua di truyền xã hội vẫn còn ám ảnh tâm trí của một “môn đồ xuất sắc” cho dù người đó tỏ ra cực kỳ táo bạo, “dám nghĩ dám làm” đến mấy đi nữa. Dù sao mặc lòng, sự lựa chọn của bà, trước hết hướng tới sự sung túc của kinh tế hộ gia đình, sau đó hướng tới sự gia cường “quốc lực” đã tỏ ra là đúng đắn và căn bản, nếu nhìn sự phát triển theo yêu cầu bền vững.
Vai trò có tính quyết định, then chốt của Đạm Phương nữ sử trong việc làm cho ra đời và duy trì sự tồn tại của Nữ công học Hội Huế, thực chất của tổ chức “phi chính phủ” đầu tiên này chắc chắn là đối tượng nghiên cứu và phân tích của nhiều cao nhân khác ngay trong khuôn khổ Hội thảo, vì vậy, tự lượng sức và tự xác định giới hạn nhiệm vụ cho mình, trong bài viết này tôi xin được lướt qua không đề cập sâu thêm nữa.
2.3. Người mở ra một địa hạt đặc thù nhưng vô cùng rộng lớn cho những hoạt động xã hội và trước thuật: gia đình, nhi đồng và vấn đề phụ nữ.
Quan sát trên mặt báo và từ góc nhìn công luận xã hội, thì Đạm Phương nữ sử lựa chọn cho mình sự “xuất đầu lộ diện” và ghi dấu ấn của mình, càng về sau càng đậm nét, trước công luận xã hội rộng rãi bằng việc cất lên những tiếng nói mang tính đại diện cho những “người đàn bà nước Nam” về những vấn đề văn hóa, mà trực tiếp nhất, chủ yếu nhất là những chuyện liên quan đến chính thân phận của người phụ nữ trong bối cảnh một quốc gia đi từ một xã hội Nho giáo chuyên chế - thuộc địa hóa tới một xã hội hiện đại hóa.
Thoạt đầu, theo đúng cách thức “cổ truyền”, Đạm Phương nữ sử “làm văn”, một lối văn “tao nhã, đài các”, từng là cách “chào làng, chào hội” ở các bậc nữ lưu thuở trước. Căn cứ vào tư liệu cho tới nay đã sưu tầm được, thì những bài in báo sớm nhất của bà mang tính chất như thế (“Nhớ cảnh núi - Nhớ bạn” - thơ - Tạp chí Nam Phong số 10, tháng 4 /1918; “Tự thuật cảnh Hương Giangbuổi chiều” - tản văn - Tạp chí Nam Phong số 13, tháng 7/1918; “Ngày xuân đi chơi núi” - tản văn - Tạp chí Nam Phong số 21, tháng 5/1919). Bà còn cho công bố những “sáng tác”, cả “vận văn” và “tản văn” như thế trên Nam Phong, Hữu Thanh, Trung Bắc tân văn, Nữ lưu thư quán Gò Công… thời gian dăm mười năm tiếp theo, kể cả việc “dấn tới” viết và công bố những thiên “tiểu thuyết” như Kim Tú Cầu, Hồng phấn tương tri. Chắc chắn rằng cũng sẽ có những bài viết đi sâu tìm hiểu những tính chất và đặc điểm của những sáng tác văn học của Đạm Phương nữ sử căn cứ vào mảng tư liệu này. Về phần mình, tôi chỉ muốn nêu một ý kiến ngắn gọn: so với một số tác giả văn học nữ đương thời và muộn hơn ít nhiều, Đạm Phương nữ sĩ góp vào một giọng hợp ca trong một dàn “tốp ca” còn rất ít ỏi, nhưng chỉ về phương diện văn chương mà xét, thì sáng tác văn học của bà chưa đủ yếu tố riêng biệt để được đánh giá là một giọng “lĩnh xướng”.
Nhưng rồi khá nhanh chóng, bậc tài nữ này đã tìm thấy “giọng điệu riêng” của mình, vừa nhờ vào sự kinh lịch cá nhân phong phú, khả năng tự phản tư sâu sắc và bác nhã, sự lựa chọn chủ đề - đề tài xác đáng, đúng “sở trường”. Ở đây, “mạch” đã được khơi trúng, để rồi có sự tuôn chảy ào ạt, dường như là tự nhiên, lên tới hàng trăm bài báo có chất lượng, rồi xuất hiện những cuốn sách chuyên khảo, chuyên luận thuộc vào hàng sớm nhất, công phu và bài bản nhất giữa những công trình của các tác giả Việt Nam thời mới nhập cuộc vào đời sống học thuật khu vực và cả dòng chảy của thế giới.
Nhắc lại, vào thời điểm cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XX, chắc chắn Đạm Phương nữ sử nằm trong một thiểu số ít ỏi những người phụ nữ Việt Nam tự trang bị và được truyền thụ một nền giáo dục tốt nhất có thể, có được một vốn kiến thức xứng đáng với danh xưng bác học, và bà đã phát huy đúng thời điểm những tri thức và học vấn mà mình vừa lĩnh hội, vừa tự túc được.
Cho tới tận thời điểm hiện nay, xét từ góc độ mối quan tâm của một tác giả, có thể khẳng định không sợ sai lầm rằng chưa có một tác giả người Việt Nam nào (không chỉ là trong phạm vi “những cây bút nữ”) để lại đượcmột sự nghiệp riêng có ý nghĩa đến như Đạm Phương nữ sử theo hướng tiếp cận bản thể đối với hai thực thể xã hội cực quan trọng và to lớn là phụ nữ và nhi đồng. Với một sức nhớ đáng nể, óc quan sát tinh nhạy và toàn diện, một vốn liếng học vấn dồi dào vào bậc nhất trong số những tác giả nữ đương thời, vừa tích lũy được một lượng dữ kiện thực tế khổng lồ, vừa huy động được một khối tri thức “chuyên sâu” có xuất xứ từ cả hai nguồn Đông - Tây mà với lối viết của bà những tri thức ấy đã trở nên đặc biệt sống động và thiết dụng (nghĩa là dưới tay bà không xuất hiện những tri thức “chết”, thứ thường để chỉ chứng tỏ tác giả có “phong độ hàn lâm và bác học”). Vượt lên trước nhiều người nhờ trực giác định hướng, nên phần nào đã khắc phục được những hạn chế về kỹ năng biểu đạt do trình độ “bỡ ngỡ” của ngôn ngữ trình bày những vấn đề của khoa học, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đương thời, Đạm Phương nữ sử đã chứng tỏ một cách thực sự xuất sắc khả năng nhận thức và “tối ưu hóa” việc diễn đạt những vấn đề có ý nghĩa then chốt bậc nhất về hai đối tượng cần tìm hiểu và kiến giải đó.
Giữa các trang viết, những tập sách tới thời điểm hiện thời đã sưu tầm lại được của bà, có rất nhiều những suy ngẫm và kiến giải đạt tới độ thành thục, nghĩa là khó có thể làm hơn hay có thể vượt qua. Điều đáng tiếc lại bộc lộ ra ở chỗ, suốt cả một thời kỳ dài, Đạm Phương bị bỏ quên, vì chính các phong trào xã hội và các chủ thể cai trị - cầm quyền từng hiện hữu trên lãnh thổ Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau và từ các định hướng khác nhau đã từng bỏ quên những vấn đề đã được bà đặt ra một cách trực diện như là những mối ưu tâm thiết cốt, có tầm quan trọng hàng đầu tác động tới hiệu năng của các tiến trình, các phong trào xã hội. Nói riêng về các phong trào và chính thể cách mạng, thì dường như qua mấy cuộc chiến tranh, mối quan tâm chủ yếu đối với phụ nữ không phải là những vấn đề nữ quyền, thiên chức thuộc giới tính, mà là nỗ lực động viên và bồi dưỡng “tinh thần cách mạng”, trau dồi phẩm chất cán bộ, tức trên thực tế chỉ quan tâm đến việc đào tạo cho một thiểu số những “nữ nhân vật” để làm đầu tàu và lãnh đạo các phong trào, chứ chưa phải là nỗ lực bền bỉ để tạo ra những chuyển biến về chất cho một đa số cư dân - quần chúng. Cũng trong thực tế lịch sử, người phụ nữ bình thường sống giữa đời thường chưa hề được lưu tâm, sự chú mục mới chỉ được dành cho những “nữ điển hình tiên tiến”, mới là việc tìm kiếm những cá nhân xuất sắc để làm “lưng vốn” cho một hay những phong trào, lớn hơn, cho những cuộc cách mạng. Vậy nhưng mọi lý thuyết về xã hội, nếu là lý thuyết đạt tới trạng thái chính thường, thì đều nhắm “tạo mẫu” cho một (hay những) xã hội ổn định thay vì tìm kiếm vật hy sinh cho các biến thiên lịch sử. Với nhà “nữ học” Đạm Phương, điều chắc chắn là trước khi tham gia vào những “sự nghiệp” gì khác, người phụ nữ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để làm tròn chức vị “thủ tướng của gia đình”.
Văn hóa, truyền thống và cách mạng:
Mọi sự lựa chọn về mục tiêu và phương pháp hành động, kể cả khi hướng tới những mục tiêu xa xôi, lâu dài, đối với một cá nhân hay một quần thể, một cộng đồng xã hội bất kỳ đều sẽ là dễ dàng nếu cá nhân hay cộng đồng đó trong thực tế có rất ít variants để cân nhắc, rất ít versions để lựa chọn. K. Marx cùng F. Engels trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đã công khai và sòng phẳng lập luận rằng đối với giai cấp vô sản, trước mâu thuẫn đối kháng với giai cấp tư sản, sự lựa chọn làm cách mạng xã hội là giải pháp duy nhất, vì với họ, “không còn đường nào khác”, vì cân nhắc “điều hơn lẽ thiệt”, nếu mất, họ chỉ “mất xiềng xích” còn nếu được, thì họ “được cả thế giới”. Với những cá nhân hay cộng đồng “có cái để mà mất”, đặc biệt đối với những cá nhân hay cộng đồng “có quá nhiều cái để mà mất”, sự lựa chọn và ra quyết định trên thực tế diễn ra cay cực hơn nhiều, gian nan hơn nhiều so với một đáp án đơn giản như vừa đề cập.
Lẽ đời, phải yêu lắm mới đủ can đảm để dám đánh mất nhiều.
Đối với mọi thành viên lẫn mọi cộng đồng từ nhỏ đến lớn ở Việt Nam, vấn đề lớn nhất chi phối suy nghĩ và hành động của họ vào nửa đầu thế kỷ XIX là vấn đề ổn định và phát triển xã hội. Nhưng đối với triều đình nhà Nguyễn thì từ sau thời điểm gần như toàn bộ thủy quân của vương triều bị thủy quân Pháp tiêu diệt (1847) vấn đề vận mệnh vương triều cùng vận mệnh dân tộc đã được “bí mật” nhưng cấp bách đặt ra([6]). Bên cạnh diễn biến thực tế từ sau năm 1861 là từng bộ phận (“máu thịt” theo nghĩa đen) của Tổ quốc lần lượt bị rơi vào tay giặc, thì vấn đề bao trùm lên toàn bộ xã hội Việt Nam nói chung, đặc biệt gay gắt và cấp bách đối với vương triều nói riêng là sự khủng hoảng đường lối, sự bế tắc của những giải pháp hành xử ở tầm quốc sách. Không thể có chuyện, cả trên lý thuyết lẫn trong thực tế, một quốc gia bị xâm lăng, mất độc lập, mất chủ quyền mà dòng họ trị vì lẫn các tầng lớp “ăn theo” dòng họ đó lại tìm được cách thức để bảo vệ hữu hiệu “quyền lợi ích kỷ” từng có của họ, vậy nên không thể nói mãi theo ngôn từ của các sử gia chính thống quá đến mức giáo điều trước đây, rằng cơ hồ toàn bộ triều đình nhà Nguyễn đã “cam tâm” và “nhanh chóng” “đi từ hòa đến hàng”,dâng đất nước vào tay quân xâm lược. Nhưng trên tổng thể, giải pháp truyền thống, mang quán tính lịch sử là lựa chọn con đường kháng chiến, đấu tranh vũ trang để dành lại chủ quyền cho vương triều và độc lập cho đất nước ít nhất cũng đã tiếp tục trải qua mấy lần thất bại: Cần Vương bị tắm máu mà Ám xã, Đông du cầu ngoại viện rồi Quang phục quân cũng không thu về một kết quả cụ thể nào và quan trọng là không làm hé lộ ra một tiền đồ nào.
Vào khoảng nửa đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XX sau khi đã đàn áp dã man mọi biểu hiện khác nhau của các phong trào và tổ chức yêu nước, Thực dân Pháp vừa muốn có “sự yên ổn cần thiết” để dốc sức khai thác xứ thuộc địa mà ngay từ đầu chúng đã chắc mẩm là “béo bở”, “trù phú”, vừa đủ trải nghiệm để hiểu ra rằng không thể cai trị và khai thác xứ thuộc địa này theo cung cách “man rợ nguyên thủy” mà chúng từng triển khai ở các xứ thuộc địa khác, điển hình là ở châu Phi. “Chính sách cai trị mới” nhất thiết phải được lựa chọn và thực thi. Trong vòng dăm năm (từ 1906 đến 1911) người Pháp thay thế đến 4 Toàn quyền Đông Dương, và người “đậu lại” tương đối lâu để kịp ghi dấu ấn cá nhân của mình sau khoảng thời gian đó là Albert Sarraut.
Những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam giai đoạn này đều biết đến sự cân nhắc đường lối cai trị thuộc địa của người Pháp đã diễn ra “cam go” đến mức họ cho phép đưa ra bàn luận khá rộng rãi, thậm chí cả trên mặt báo, thậm chí chỉ giữa những người Việt Nam với nhau. Dễ hiểu rằng đa số những người thuộc hàng “tai mắt” của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ không ưa chủ trương “trực trị”, dù cũng có một bộ phận “cả tiếng dài hơi” cổ vũ cho đường lối đó khá nhiệt tình. Chính sách, hay đường lối hợp tác (politique d’association) rút cục đã được lựa chọn. Chính bởi lý do đó, mà tờ tạp chí Nam Phong đã ra đời, thay thế tầm quan trọng của Đông Dương tạp chí trước đó.
Cho tới nay, không có tư liệu nào sưu tầm được cho thấy tác giả Đạm Phương đã hợp tác với báo chí trước năm 1918, tức cũng không thấy có bài viết nào của bà được công bố trên tờ Đông Dương tạp chí, tờ báo mà ông chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh là người tích cực cổ xúy cho tư tưởng trực trị. Cần phải nói rõ hơn, rằng dựa vào tư liệu khảo cứu của mình, tôi cho rằng việc Nguyễn Văn Vĩnh, từ chỗ là một người có vai trò khá tích cực, thậm chí là quan trọng nữa, trong các hoạt động của trường Đông Kinh nghĩa thục, cơ hồ đột ngột thay đổi thái độ chính trị, chuyển sang cao giọng lớn tiếng vận động cho thuyết trực trị (chấp nhận sự cai trị trực tiếp của thực dân Pháp), từ một góc nhìn nhất định, phản ánh thái độ và lập trường của cả một số không ít những “nhân vật tai mắt” khác khi thất vọng sâu sắc trước lối hành xử đê tiện và táng tận lương tâm của một bộ phận những quan lại Nam triều đang được nhóm diều hâu nhất mà cũng có thế lực nhất trong bộ máy thực dân tín nhiệm nâng đỡ để nắm giữ những vị trí then chốt trong bộ máy hành pháp Nam triều. Chính những viên quan lại, tuy về danh phận là người của Nam triều nhưng lại rất sốt sắng và mẫn cán nịnh hót và bợ đỡ chính quyền thực dân, những tay sai đắc lực của kẻ thù này là những kẻ “tung ra” những bản án khốc liệt nhất đối với những yếu nhân của các phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX, mà bản án cuối cùng dành cho Trần Quý Cáp, bản án lần đầu dành cho Phan Châu Trinh là điển hình nhất. Nhưng rồi “hươu” đã chạy trước khi có kẻ chỉ đường, người Pháp đã chủ động lựa chọn “chính sách hợp tác”, một chính sách khôn ngoan hơn, “mềm dẻo” hơn nhưng hẳn cũng là “hiệu quả” hơn cho chính thực dân trong bối cảnh chính trị quốc tế lúc bấy giờ. Những mặt trái “khôn xiết đốn mạt” của cái bộ phận mà về phương diện sinh học vẫn cứ là “người mình” này đã sớm được Phan Châu Trinh nhận ra và “tố” lên một cách sòng phẳng trong một loạt trước tác của ông từ năm 1907 cho tới tận những năm 1913 - 1914.
Không còn, hoặc chỉ có rất ít “đất diễn” cho những hoạt động theo đường hướng kịch liệt, “thiết huyết”, khi mà Phan Châu Trinh đã bị / được đày sang Pháp, Phan Bội Châu long đong, thay đổi địa chỉ liên tục trên đất Nhật, đất Thái Lan, đất Trung Quốc, ngẫm ngợi vật vã mãi rồi cũng buộc phải viết ra “Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa” đầy day dứt, hàng loạt “yếu nhân” khác thì đang tiếp tục bị cầm chân trong những nhà tù biệt xứ. Xuất hiện trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam ở thập niên thứ hai của thế kỷ XX một khoảng chân không về đường lối phục quốc. Trong bối cảnh ấy, một thứ “chủ nghĩa yêu nước bằng đạo đức và văn hóa”, những nỗ lực tiếp tục “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” dàn trải, bằng lặng nhưng chính vì thế lại có ảnh hưởng khá sâu rộng của khá đông những người dù sao cũng phải nhận rằng thuộc “tầng trên” trong đời sống, đã được khởi xướng.
Đạm Phương nữ sử bước vào “nghề báo” trong hoàn cảnh như thế, và những chủ đề ưu tiên dưới ngòi bút của bà những năm tháng ấy chính là những chủ đề đạo đức, giáo dục, thực nghiệp với khát vọng rõ ràng: làm thế nào để dân được “khôn ra”, được giàu lên, đời sống xã hội phần nào có văn hóa hơn, bắt nhịp được với “thời nay”. Hẳn rằng cuộc tiếp kiến với Phạm Quỳnh, chủ bút tờ Nam Phong trong dịp ông này qua Huế tháng 4/ 1918 đã tác động không nhỏ đến những quyết định của bà. “Sơ kết” chặng cầm bút ấy là phần thưởng Kim Tiền của Nam triều dành cho bà “vì những thành tích văn hóa”. Tấm “mề đay” ấy được trao cho bà năm 1925.
Nhưng rồi trên đường hướng chung, ngòi bút của bà nhanh chóng trở nên “ráo riết” hơn, “chụm” hơn, có lẽ khởi lên từ ngày bà hợp tác với tờ “Hữu Thanh” - tờ báo do Ngô Đức Kế, một “quốc phạm” vừa mới rời nơi lưu đày Côn Đảo sau 14 năm trở về, làm “bỉnh bút”.
Lần lượt, các “quốc phạm” - các chí sĩ cách mạng, là linh hồn của các phong trào từ đầu thế kỷ - theo các ngả khác nhau, với những lý do khác nhau, trở lại “quốc nội”. Và Đạm Phương nữ sử, bây giờ nhìn lại, cơ hồ không “bỏ sót” cơ hội nào để “lên tiếng”, để nhanh chóng tiếp xúc, cộng tác với họ: Ngô Đức Kế, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh… Ảnh hưởng của các quan hệ tiếp xúc và “cộng tác” với các bậc chí sĩ danh tiếng lẫy lừng này trong cả thập kỷ thứ ba ở bà là đặc biệt sâu đậm và đa nghĩa.
Sự ra đời của Nữ công học Hội chắc chắn là sản phẩm của cả một quá trình nghiền ngẫm, tính toán mà ngoài bà Đạm Phương, còn rất nhiều người khác cũng tự coi mình là người hoàn toàn “trong cuộc”.([7]) Sự hiện diện của những nhân vật đại diện thuộc hàng cao cấp nhất của cả thế lực thực dân, chính quyền Nam triều trong lễ ra mắt (Khâm sứ Trung Kỳ Pièrre Paskier, Thượng thư Tôn Thất Hân, Giám đốc Sở học chính Trung Kỳ, nhiều quan chức thuộc các “Bộ , Ban, Ngành” và “đại diện các cơ quan bạn”…), sự quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông có sức nặng ngôn luận bậc nhất thời bấy giờ, sự bố trí, sắp xếp nhịp nhàng giữa bà với các lãnh tụ tinh thần của quốc dân lúc đó (Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng) trong diễn biến của các hoạt động (sự khiếm diện cố ý trong Lễ ra mắt Hội của Phan Bội Châu, cuộc thăm hỏi Hội nhân danh Viện dân biểu Trung Kỳ của Huỳnh Thúc Kháng, các cuộc hiện diện và diễn thuyết của Phan Bội Châu,việc Ủy nhiệm của Phan Bội Châu cho Đạm Phương nữ sử thay mặt mình đọc Điếu văn trong lễ truy điệu Phan Châu Trinh…) theo các cách khác nhau đều có ý nghĩa nâng cao vị thế xã hội của nữ sĩ Đạm Phương, đều chứng tỏ sự nể trọng đối với bà nhưng cũng đặt bà vào tình thế phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trong từng lời nói, trong từng hành động. Sẽ không có gì quá nếu cho rằng trong khoảng 5 năm (1925 - 1929) bà đã đóng vai trò của một lãnh tụ phụ nữ, ít nhất ở Trung Kỳ. Thời đoạn đó cũng chính là đỉnh cao trong toàn bộ hành trạng và sự nghiệp của bà. Về sau, lấy những sự kiện chính của thời đoạn này trong đời bà làm trung tâm cảm xúc mà khi nghe bà mất ở Thanh Hóa (1947), nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy viết nên lời điếu “hoành tráng”:
Văn tài nữ sử, sư phạm nữ công, e khi nữ giới yêu cầu, đi phó hội theo chân bà Trưng Nữ Khí phách nam nhi, tinh hoa Nam Việt, nhớ thuở Nam giao truy điệu, lên diễn đàn thay mặt cụ Sào Nam.
Nhưng cũng chính vào những năm tháng ấy, qua chính trong môi trường hẹp mà bà đang sống, quan sát trực tiếp và cùng hoạt động, bà đã “thấy tận mắt, nghe tận tai” sự xuất hiện và lớn dậy của một thế hệ những người yêu nước và cách mạng theo hẳn một khuynh hướng khác, một tôn chỉ khác: những người Cộng sản. Họ chính lại là con, là em, là học trò, là trợ thủ… gần gũi, thân thiết bậc nhất của bà.
Mặc dù vẫn còn nhiều những sự kiện khác diễn ra trong hành trạng cá nhân, nhiều việc lớn quan trọng khác bà vẫn tiếp tục phải làm - đã làm, một số cuốn sách hấp dẫn khác đã được viết ra (mà đáng tiếc nhất có lẽ là cuốn tiểu thuyết “Năm mươi năm về trước” bị kiểm duyệt và tiêu hủy), mặc dù vào tuổi 64 bà vẫn có uy vọng cực lớn, lớn tới mức chính phủ Trần Trọng Kim - không bàn ở đây tính chất chính trị của chính phủ này mà đến hiện nay vẫn còn gây băn khoăn tranh luận giữa các nhà sử học, nhưng không thể chối cãi rằng hầu hết các thành viên của nội các này đều là những trí thức xuất sắc bậc nhất của thời đại - mấy lần đã mời bà tham gia với cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (tuy rằng bởi nhiều lý do, chủ yếu là tuổi tác và sức khỏe, bà đã không nhận lời), nhưng nhìn trên toàn cảnh, từ sau thời điểm từ chức Hội Trưởng Nữ công học Hội, phần đời còn lại của bà gắn bó chặt chẽ với những người thân yêu nhất trong gia đình, mà nét đặc trưng là đại đa số họ đã trở thành những người khuynh tả, một số người đã trở thành người Cộng sản “gạo cội”. Có thể nói rằng cho tới Cách mạng tháng Tám năm 1945, thì cả đại gia đình bà đã trở thành một “vọng tộc Cộng sản”. Những biến cố gia đình tiếp theo từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho tới ngày bà trút hơi thở cuối cùng (10/12/1947) dẫu có đa dạng đến đâu thì trên tổng thể, vẫn theo một quỹ đạo như là “tất yếu phải thế”.
Đôi lời khép:
Lịch sử diễn ra miên viễn bất tức, để lại vô vàn bài học, vô số điều “lẽ ra”, nhưng rốt cuộc, bài học lịch sử bao giờ cũng chỉ dành cho người hiện tại và chỉ hữu ích cho tương lai. Một thái độ khách quan, trung thực trước lịch sử là cần thiết cho người hiện tại để mưu cầu sự công bằng, khách quan trong tương lai, còn đối với những người, những việc đã qua, chẳng có cách gì để thay đổi được nữa.
Bàn tới các tác nhân chủ đạo “làm nên lịch sử”, sách vở xưa nay chủ yếu quan tâm tới hai “lực lượng”, nằm ở hai cực: cá nhân (lãnh tụ) và quần chúng nhân dân. Trên thực tế, việc vạch ranh giới giữa vai trò, tác động lịch sử của cá nhân kiệt xuất tới đâu, còn vai trò, tác động của khối “quần chúng”, của “đám đông” hay “cộng đồng” tới đâu, vốn là một công việc hết sức nan giải. Bảng phong công thần của các triều đại thường xuyên gây tranh cãi, cả đương thời và cả hậu thế.
Có một công trình nghiên cứu về Việt Nam thời cận - hiện đại của một giáo sư người Pháp gốc Việt (Trịnh Văn Thảo) mang tiêu đề rất kỷ hà: “Việt Nam từ Nho giáo đến chủ nghĩa cộng sản” (Vietnam du confucianisme au communisme). Rất nhiều cá nhân trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam đã kinh qua chính lộ trình này. Dĩ nhiên, cũng đã có, và chắc chắn là đông đảo hơn, nhiều cá nhân khác, lựa chọn những lộ trình khác. Đạm Phương nữ sử Công Nữ Đồng Canh - gọi cho đủ trang trọng theo lệ ngày xưa thì phải là như thế - cũng đã trực tiếp theo con đường đó. Bà cũng đã thực thi nhiều cuộc lựa chọn nữa trên sinh lộ để làm nên sự lựa chọn cả đời kia.
Chưa thấy ai chọn bà làm “nhân vật lịch sử”, thậm chí cả ngay trong “miền đất” mà bà từng “thâm canh” rất hiệu quả, bà cũng từng bị lãng quên.
Động cơ hành động ở mọi cung đời của bà, theo thiển ý, dường như nhất quán: bà bị hút theo một ước vọng làm gì cho nước thôi yếu đuối phụ thuộc, dân thôi nghèo hèn. Để đạt tới đích ấy, bà đã chấp nhận về cho bản thân và cho cả gia đình nữa những sa sểnh, những thua thiệt, thậm chí những đảo điên, tổn thất.
Nói khác đi, chỉ lòng yêu nước, yêu đồng bào mình ở bà là một hằng số. Viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 130 sinh nhật của Đạm Phương nữ sử. Hậu học cẩn chí. T.N.V
268/06-11
([1]) Tuyển tập Đạm Phương nữ sử. Nxb Văn học 2010. tr.10.
([2]) Xem thêmTôn Thất Bình - Kể chuyện các vua Nguyễn. Nxb Thuận Hóa 1995.
([3]) Nguyễn Khoa Diệu Biên- Nguyễn Cửu Thọ - Đạm Phương nữ sử 1881 - 1947.Nxb Trẻ, 1995. tr.27.
([4]) Trần Thị Như Mân - Với nữsử Đạm Phương. T/c Sông Hương, số 12, tháng 4 năm 1985. Chuyển dẫn theoNguyễn Khoa Diệu Biên - Nguyễn Cửu Thọ. Sđd. tr. 27 - 28.
([5]) XemPhụ nhơn công nghệ, in trong Tuyển tập Đạm Phương nữ sử. Nxb Văn học2010 ; tr. 84 - 85.
([6]) Các sử gia Việt Namhiện đại dường như không mấy quan tâm đến ý nghĩa của sự kiện này. Khảo sát trong Đại Nam thực lục, (Đệ tam kỷ, Quyển LXV Hiến tổ Chương hoàng đế) có không ít ghi chép liên quan tới sự kiện này, nhưng dường như sử quan có vẻ cố tình làm nhạt bớt mức độ nghiêm trọng của các tổn thất và hậu quả của nó, khiến cho đời sau không nhận ra bản chất sự kiện. Mãi gần đây, khi tiếp xúc với công trình của sử gia Pháp Philippe Devillers Người Pháp và người Annam - bạn hay thù? (Bản tiếng Pháp in năm 1998, Nxb Denoel, bản tiếng Việt năm 2006, Nxb tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh), trên cơ sở nguồn tư liệu lưu trữ của thư khố Hải ngoại Pháp, người đọc có chuyên môn mới có thể thấy kinh ngạc về tầm mức của biến cố này. Xin trích dẫn một đoạn tiêu biểu:
“Năm 1845, một linh mục, Đức ông Lefebvre bị bắt và bị giam giữ. Đô đốc Cecille phái một chiếc tàu đến Tourane để đe dọa. Thiệu Trị cho thả vị tu sĩ này, cho ông ta một số tặng phẩm, rõ ràng là muốn tìm cách thỏa hiệp. Thế nhưng, Đức ông Lefebvre, năm 1846 lại trở lại xứ Annam một cách bất hợp pháp, bị bắt và bị kết án tử hình. Ông trốn thoát. Đầu năm 1847, được thông tin là không còn người Pháp ở Annam và không sợ bị trả đũa, chính phủ Louis - Philippe quyết định hành động chống nước Annam. Với mục đích đó, hai chiến hạm được phái đến Tourane dưới quyền chỉ huy của các ôngde Lapierre và Rigaul de Genouilly. Được báo trước, Hoàng đế Thiệu Trị đặt địa điểm này vào tình trạng phòng thủ và tập trung ở đó một hạm đội. Ngày 15 tháng Tư năm 1847, tự cho rằng mình bị đe dọa bởi những sự chuẩn bị của phía Annam (một cách giải thích sau này bị phản bác) Lapierre đánh chìm tất cả hạm đội Annam làm cho 10.000 người chết rồi rút lui….
Cuộc bắn phá Tourane này, thực sự đã phá hoại hết những cơ may cuối cùng của một cuộc hòa giải giữa nhà thờ Gia Tô giáo và triều nhà Nguyễn. Chỉ sau đó ít lâu thì Thiệu Trị mất vào ngày 4 tháng 11 năm 1847 vì một tai biến mạch máu não, và sau cái chết này mới thấy biểu hiện ra hết những hậu quả của cuộc tấn công của Pháp”.
([7]) Theo lời thuật lại của bà Trần Thị Như Mân: “Sự có mặt của cụ Phan Bội Châu ở Huế đã đem lại cho người dân ở đây một sức sống mới…Vừa được thức tỉnh qua cuộc vận động đòi ân xá cho nhà chí sĩ yêu nước, chúng tôi đều cảm thấy háo hức, muốn làm một công việc gì khác hơn cuộc sống hàng ngày để góp phần vào công cuộc cứu nước. Nhưng bấy giờ chị em chúng tôi đều mới ra đời, kinh nghiệm cuộc sống còn non nớt, nên không biết phải làm gì. Ngoài việc chờ đợi đến ngày chủ nhật, rủ nhau lên Bến Ngự nghe cụ Phan nói chuyện, để tỏ lòng ngưỡng mộ của mình, chúng tôi chưa nghĩ đến việc tổ chức một cái gì cả.
Chính trong thời gian đó bà Đạm Phương nhiều lần đến thăm cụ Phan, và có lẽ giữa hai người đã có nhiều cuộc trao đổi về phong trào phụ nữ. Sau đó bà Đạm Phương đã gặp một số chị chúng tôi, đưa ra chủ trương thành lập “Nữ công Học hội”… Với việc thành lập nữ công học hội, khái niệm về nữ công cũng được mở rộng hơn.Chị em phụ nữ tham gia Hội là để học lấy một nghề. Công việc gia chánh không chỉ là việc trong gia đình, mà còn mục đích nuôi sống bản thân mình. Muốn tham gia công việc xã hội, người phụ nữ trước hết phải biết sống tự lập về mặt kinh tế. Nhưng điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là từ nay có một nơi để thường xuyên lui tới, gặp nhau để trao đổi những băn khoăn về thời cuộc, nói lên những hoài vọng của mình, được thoát ly phần nào khỏi cuộc sống chật hẹp của gia đình”(tôi nhấn mạnh. TNV). - Bài đã dẫn. Tư liệu do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cung cấp. Năm 1999, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định đặt tên đường phố cho bà và hôm nay long trọng tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia nhân kỷ niệm 130 năm sinh của Đạm Phương nữ sử.