BỬU Ý “Cô gái Việt Nam”, tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ của Lê Thành Nhơn, có mặt tại Huế, dựng ở công viên trước mặt trường nữ lớn nhất ở đây: Trường THPT Hai Bà Trưng, trước đây là Trường Đồng Khánh, ngày 30-04-2011.
Nhà điêu khắc - họa sĩ Lê Thành Nhơn - Ảnh: hueuni.edu.vn
Ngoài giá trị nghệ thuật sẽ tồn tại mãi với thời gian, pho tượng bán thân này sẽ còn là biểu tượng đẹp đẽ của người chị, người mẹ đáng được soi chung cho mọi người, và đặc biệt cho giới nữ, tuy ở đây là cái đẹp hình thể từ mắt, má, mũi, môi cho đến chiếc khăn duyên dáng và chiếc cổ bạch ngọc, nhưng tất cả đều tiết lộ cái đẹp ẩn tàng của trái tim, của tâm hồn.
Pho tượng này được tạc vào những năm 1969 - 1970 và đặt tại 101 Nguyễn Du - Sài Gòn. Theo lời của Đinh Cường: tượng chân dung phụ nữ quấn khăn, Nhơn đặt tên là “Mẹ Việt Nam”, được chọn tham dự triển lãm Châu Á đầu tiên tại Singapore năm 1974.
[if gte mso 9]>Normal0falsefalsefalseMicrosoftInternetExplorer4Tác phẩm “Cô gái Việt Nam” - Ảnh: Lê Vĩnh Thái
Lê Thành Nhơn sinh ra, lớn lên, sáng tác, dạy học một thời gian dài ở Nam Bộ, nhưng sao ông nặng tình với Huế đến như vậy, để rồi ông tặng cho Huế ba tác phẩm điêu khắc gần như là đẹp nhất trong sự nghiệp của mình: tượng Đức Quán Thế Âm, tượng Phan Bội Châu và tượng Cô Gái Việt Nam.
Lê Thành Nhơn qua thời gian sống ở Huế, 1970-1975, đã thực sự yêu Huế.
Năm 1972, tôi trót đưa Lê Thành Nhơn lên viếng chùa Linh Mụ. Nhơn vốn người theo Công giáo, nhưng giờ đây ở trên cao, văng vẳng bên tai tiếng chuông chùa, nhìn xuống dưới kia con sông Hương trải rộng và uốn khúc, Nhơn đứng trầm ngâm như pho tượng. Và Nhơn quyết định ở Huế ăn Tết, và “làm cho Huế một cái gì”: đó là khởi đầu của pho tượng Phan Bội Châu.
Đây là một công trình dài hơi, đầy gian lao nhưng cũng đầy hứng khởi và nhiệt huyết, cùng sức mạnh tập thể của những người chung tay góp sức.
Tuyệt tác này đã gây cảm hứng ngập tràn nơi anh em bạn bè khắp nơi.
Ta hãy nghe lời của Nguyễn Hưng Quốc:
“Nhìn bức tượng Phan Bội Châu của Lê Thành Nhơn, tôi hay liên tưởng đến một đỉnh núi, ở đó, từ đôi lông mày cho đến hàm râu đều mang hình ảnh của những triền đá. Nó đẹp cái đẹp rất xương xẩu, rất cứng cáp. Cái đẹp của xương rồng. Của kim khí. Sắc và mạnh. Ngay cả khi Lê Thành Nhơn tạc tượng Đức Phật, Đức Mẹ Maria, hay một thiếu nữ nào đó, với những đường nét dịu dàng, người ta vẫn thấy có cái gì lớn lao và cuồn cuộn đằng sau: ở hai bàn tay thong thả như muốn ôm chứa cả vũ trụ; ở một vạt áo tĩnh lặng như bất chấp mọi giông tố của cuộc đời, ở cánh môi sắc nét như sắp sửa nói lên những lời yêu thương. Nhìn tượng bằng đá hay bằng đồng mà người ta cứ thấy có cái gì như có hơi thở. Phập phồng.”
Và những xúc cảm từ Nguyễn Hoàng Văn:
“Tôi lan man nghĩ đến mắt tượng Phan Bội Châu, một Phan Bội Châu uy nghi và sừng sững ánh đồng của anh vốn đã trở thành một di sản, một dấu tích không thể tách rời của Huế. Ánh mắt của nhà cách mạng tranh đấu suốt một đời và ra đi giữa lúc tắt lịm ước mơ, qua bàn tay anh, cơ hồ tỏa ra sức mạnh của cả non sông, cái non sông hùng vĩ mà anh đã dồn nén vào toàn thể hình khối. Từ hàng chân mày nhô ra như một gờ đá, gợi nhớ những vực đá cheo leo, đâu đó ở Việt Bắc heo hút mù sương hay ở Trường Sơn xanh thẳm. Từ vầng trán cao như là núi, rộng như là bình nguyên và vằng vặc như một vừng trăng. Từ những vết da nhăn cuồn cuộn, trườn mình như những triền sóng dưới hàng chân mày để rồi, với chòm râu rậm, tỏa ra và ào xuống như một thác nước, như là chòm rễ của một cội đa già hàng thế kỷ, cái chòm rễ rậm rì và dày đặc nối kết ngọn ngành vào lòng đất.”
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc: “Trán như thế, cằm như thế, mắt nhìn như thế, Ông Già Bến Ngự của Nhơn xứng đáng được toàn dân, sinh viên học sinh, công chức bãi khóa đình công để buộc thực dân Pháp phải tha tội chết cho ông.”
Thời gian ở Huế, Lê Thành Nhơn ở ngay trong trường Mỹ Thuật, trong một căn phòng do Tôn Thất Văn nhường lại, vào ra một căn nhà nhỏ trong khuôn viên trường, chỗ ở của gia đình Đinh Cường do nhà trường dành riêng. Nhơn sống gần gũi và thân thiết với các bạn, dành được tình cảm và ưu đãi của Vĩnh Phối, Giám đốc trường và là người “đứng mũi chịu sào” luôn tìm cách khôn khéo hỗ trợ cho công trình của Nhơn và vô hiệu hóa những dư luận ngược chiều.
Vĩnh Phối đã từng viết về nghệ thuật và phong cách làm việc của Lê Thành Nhơn như sau:
“Với kỹ thuật tay nghề điêu luyện tài ba, lao động sáng tạo nghệ thuật có phương pháp một cách chững chạc nghiêm túc ròng rã suốt một năm trời không mệt mỏi, suốt mùa đông lạnh buốt lẫn mùa hè nóng bức dưới một lán trại cao rộng như một công trường thủ công thời cổ đại Ai Cập với bao thợ thầy và sinh viên giúp việc bên cạnh gốc cổ thụ tại Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế; với cây trường kiếm thần kỳ dài hơn một mét là dụng cụ thay thế chiếc bay và dao của các nhà điêu khắc, anh vạch mảng hình, cắt gọt, miết mài, nhấn nhá sâu nông tạo bóng của một tác phẩm ngoài trời cần khối âm dương. Như một hiệp sĩ với đường kiếm bay bướm diệu kỳ, thỉnh thoảng tác giả đứng xa vừa tầm nhìn tổng quan sâu lắng suy tư những ý đồ để biểu đạt độc đáo chiều sâu tư tưởng của tác phẩm, thật sự là một quá trình lao động trí óc, chân tay và cái tâm của người nghệ sĩ lớn, như tôi thường gọi anh là Michelangelo Nhơn. Anh thường có thói quen thích yên tĩnh để làm việc từ năm giờ chiều đến suốt đêm”.
Đinh Cường nhắc nhở lại “không khí” làm việc giữa Lê Thành Nhơn và các bạn:
“Làm sao kể hết những kỷ niệm trong thời gian làm cái chân dung vĩ đại ấy. Một khoảng sân trường Mỹ Thuật dưới bóng mát của những cây nhãn. Góc quán cà phê ông Tôn trước cổng trường, với bao nhiêu lần bạn bè ghé qua, bao nhiêu xác chai bia. Khi hưng phấn lúc gian nan, có lúc như muốn bỏ dở, nên công lớn về phương tiện vẫn là anh Hồ Đăng Lễ, hiện ở tại San Jose, vẫn là kỹ sư công chánh tại Mỹ.”
[if gte mso 9]>Normal0falsefalsefalseMicrosoftInternetExplorer4Tượng Quan Thế Âm - Ảnh: internet
Lê Thành Nhơn là người ít nói, nhưng vui vẻ, luôn sẵn tinh thần nhập cuộc. Làm việc thì hùng hục. Có lần anh nói chuyện với Hoàng Ngọc Tuấn, nói về cách mình làm việc, quan niệm của mình về nghệ thuật:
“Ông biết không, làm art là sẵn sàng đổ máu. Chứ giỡn sao? Work, work, work, work mãi. Như đánh giặc. Như điên. Mà thấy không tới, là cạo liền. Không hề thương tiếc gì cả. Tôi bỏ ra ba tháng trời, làm việc ngày đêm cho một bức tranh. Đi mỗi đường sketch là mỗi lần thấy “đã”… Anatomie. Cuồn cuộn. Cuồn cuộn. Rồi lên màu. Từng mảng, từng mảng dày cộm. Đói. Mệt. Nhức xương. Ngày rồi đêm. Đêm rồi ngày. Như điên. Khi màu lên tới mức, là xong. Tôi để đó, đóng cửa xưởng, đi nhậu để tự thưởng. “Đã” lắm… Tôi chơi vài ngày cho giãn gân, rồi quay lại xưởng để xem lại ra sao. Ông biết không, vừa mở cửa bước vô là tôi chới với. Trên bức tranh của tôi, linh hồn Michelangelo chui ra, nhe răng cười. Toàn là ám ảnh Michelangelo. Chỗ cuồn cuộn này là ông ấy. Chỗ cuồn cuộn kia là bắp thịt ông ấy. Michelangelo. Michelangelo. Suốt ba tháng trời quá “đã” như thế, mà Michelangelo chui lổn ngổn vào hồi nào không biết. Thế là tôi đè cổ ra mà cạo. Cạo sạch trơn. Rồi phết trắng lên như mới. Rồi làm lại. Vậy đó. Rồi lại ba tháng nữa. Work, work, work. Như điên. Rồi Picasso, Klee, Miro… thò ngón tay ra chỗ này, thò ngón chân ra chỗ nọ… Lại chới với. Lại cạo. Lại tô trắng. Lại ba tháng nữa…”
Như vậy là làm việc vì Yêu, vì Tin.
Và tin yêu vượt quá bản thân, vượt bản thân nên mới xả thân, để vươn tới tầng cao hơn.
Trương Vũ, một người bạn thân của Lê Thành Nhơn, hiểu rõ điều này và đã có lần “mơ mộng”:
“Xã hội như của Việt Nam vào lúc đó (và có thể cả ngày hôm nay) rất cần trí thức hay chuyên gia có tinh thần dấn thân, hiểu và yêu nơi làm việc của mình, thông cảm với những người bất hạnh hơn mình, và thật sự yêu đất nước mình.
Xã hội Việt Nam, và đặc biệt ở miền Nam, đã dành cho giới trí thức và chuyên gia rất nhiều ưu đãi nhưng số người có những đức tính như vậy lại không nhiều và những đức tính đó nếu có lại không phải do sự đào luyện ở đại học mà có. Để đào tạo những con người toàn diện như vậy, sách vở và những bài giảng không đủ; dạy toán, lý, hóa, động vật, v.v., thật hay, không đủ. Cần có trí dục nhưng cũng cần phải có mỹ dục. Và để đảm trách tốt phần mỹ dục, cần những người thật sự sinh hoạt trong các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, v.v., có thực tài, có trình độ văn hóa cao, có tấm lòng, và có nhân cách.”
Cô Bội Trân, ở Úc, mà tôi có tiếp một lần ở Huế, phát biểu về Lê Thành Nhơn:
“Anh là bằng chứng rực rỡ nhất cho một diaspora Việt Nam sống đàng hoàng trong một nền văn hóa khác, đi vào nền văn hóa khác bằng cổng chào.”
Nhà nghiên cứu Bội Trân suy nghĩ như thế này thật xứng hợp với ông Dawn Casey, giám đốc Viện Bảo tàng quốc gia Úc, trong một bài báo của tờ The Sydney Morning Herald ra ngày 12-06-2001, đã tôn xưng Lê Thành Nhơn là anh hùng, trong cái nghĩa là người làm tốt những việc trong đời sống hàng ngày và là người góp phần làm nên lịch sử của nước Úc.
Ông CLAUDE LÉVI-STRAUSS, nhà cơ cấu luận tiếng tăm thế giới người Pháp, năm 2002, lúc bấy giờ 94 tuổi, được phỏng vấn trên truyền hình Pháp: “Giả thử mai đây xảy ra thảm họa thiêu rụi địa cầu thì ông có suy nghĩ gì?” Ông đáp: “Giả như đại nạn xảy ra thiêu rụi mọi thứ, thì sự mất mát duy nhất không thay thế được là những tác phẩm nghệ thuật.”
Ba tác phẩm của Lê Thành Nhơn ở Huế, câm lặng là thế, mà tỏa ra cái đẹp nhiều tầng và nhất là nói lên rất nhiều ý nghĩa.