Tạp chí Sông Hương - Số 268 (tháng 6)
Cái mới ở đâu?
08:27 | 12/07/2011
INRASARA Khả năng nhận diện và tâm thế đón nhận cái mới ít liên quan đến thế hệ. Dù thế hệ mới nhờ ưu thế tuổi tác, dễ làm quen với cái mới, cái xa lạ. Dễ làm quen thôi, chứ chưa chắc đã chấp nhận, nhất là với cái mới trong văn chương. Sự thể cả bốn thế hệ người viết nhận định về thơ tân hình thức và sáng tác hậu hiện đại giai đoạn qua, là minh chứng(1).
Cái mới ở đâu?
Nhà phê bình Inrasara - Ảnh: phuongnambook.com.vn
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nỗ lực làm ra cái mới cũng ít liên quan đến tuổi tác. Cho dù tâm lí tuổi trẻ là ưa tò mò khai phá, thích thử nghiệm, nhưng tuổi trẻ nơi chốn nào khác thì có thể, riêng tuổi trẻ Việt Nam trong khí hậu văn học hiện tại thì rất đáng xem lại. Mãi đến hôm nay, trong ba “loại” nhà thơ, khu vực nào người trẻ cũng có mặt đầy(2).

Vậy, cái mới ở đâu? - Cái mới được khai mở ở tâm thức kẻ sáng tạo, được nuôi dưỡng bởi giáo dục và truyền thông, cuối cùng - phát triển lớn mạnh nơi cộng đồng tiếp nhận.

Tuy thế, khác với Tây phương, truyền thống văn học Việt Nam ít chuộng sự thay đổi. Thay đổi nếu có, luôn là hệ quả của/ từ biến động của thời cuộc, chứ rất hiếm ở tự thân vận động của văn nghệ sĩ. Kẻ sáng tạo thực sự yêu chuộng và đam mê cái mới.

Thành công với lối vẽ ấn tượng thời kì đầu, đến năm 1877, Paul Cézanne đột ngột rời bỏ ấn tượng, thách thức chính không gian của các nhà ấn tượng, để vẽ theo trường phái tân ấn tượng. Pablo Picasso luôn vượt bỏ mình, đi từ hệ mĩ học này sang hệ mĩ học khác. Sự nghiệp và ảnh hưởng lên phong trào mĩ thuật thế giới thế kỉ XX của hai họa sĩ này thì miễn bàn(3). Nỗ lực của kẻ sáng tạo, dù phải chịu mấy ngáng trở từ lực lượng bảo thủ - ở đâu cũng vậy - riêng ở Tây phương, luôn có sẵn bộ phận không nhỏ người tiếp nhận chấp nhận, tìm hiểu và lí giải chúng.

Ở Việt Nam thì cái mới mang giấy khai sinh hoàn toàn khác.

Cách mạng Thơ Mới là hệ quả của nền giáo dục chế độ thực dân Pháp. Cả người sáng tác lẫn người đọc đều trải nghiệm hệ mĩ học văn chương từ nền giáo dục kia. Thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là con đẻ của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm ra đời, cơ chế giáo dục và truyền thông ưu ái tối đa, nên việc đại đa số độc giả “hiểu” và ủng hộ nó là chuyện miễn bàn. Còn thơ Đổi mới ăn theo đất nước [thời] mở cửa đổi mới, từ đó được người đọc chấp nhận. Vân vân…

Nhưng, cái mới là gì? - Là cái không biết. Biết, nếu có - thì khá mù mờ. Đã biết cái mới thế nào rồi “sáng tạo”, thì nó hết là cái mới. André Gide: “Sự độc đáo đích thực nhất là sự độc đáo không tự biết mình”(4). Mai Thảo những năm 50 của thế kỉ trước, khi hô hào đổi mới cũng đã rất mơ hồ, chỉ biết rằng cần rũ bỏ cái cũ của Thơ Mới và văn xuôi Tự lực Văn đoàn(5).

Vậy, cái mới đồng nghĩa với cái xa lạ. Đã lạ thì chưa thể biết đúng hay sai, tiến bộ hay lạc hậu. Mà trước hết và trên hết - nó phải là cái lạ. Lạ và khác cái đã từng hiện hữu trước đó. Cái lạ luôn mang trong mình khía cạnh tối nghĩa của nó. Mười yếu tố quyết định đối với tiến trình sáng tạo, thái độ “chấp nhận tối nghĩa” (tolerance of ambiquity) được cho là đức tính quan trọng nhất(6).

Hỏi ta đã sẵn sàng cho sự thể kia chưa? - Hoàn toàn chưa. Giai đoạn qua, vài người thử liều lĩnh bước ra khỏi quỹ đạo cái quen thuộc, đi tìm cái khác lạ, cái độc đáo, đều đã phải chịu chung số phận.

Nhẹ thì bị xem thường, như các cụ đồ xem thường cánh Thơ Mới; hay dè bỉu, như Xuân Diệu từng dè bỉu “thơ điên” Hàn Mặc Tử(7); hoặc bất công - như Nguyễn Hiến Lê đã nhận định về nhóm Sáng Tạo(8). Nặng hơn là bị hất hủi và cuối cùng, là bị khai tử vĩnh viễn.

Cơ chế giáo dục tiến bộ là chuẩn bị cho thế hệ tương lai biết và sẵn sàng đón nhận cái lạ khả thể. Độc giả [cả độc giả chuyên nghiệp là nhà phê bình] cần học chấp nhận cái lạ cụ thể, khi nó ra đời. Vô ích - cái mới va chạm với cái cũ. Cái cũ không cần xô đổ, cũng bị rớt lại. Thơ tiền - Thơ Mới khi Thơ Mới khai sinh là ví dụ. Cần có nhiều cái mới xuất hiện, tạo điều kiện cho chúng đấu tranh lành mạnh và sòng phẳng với nhau. Chỉ khi đó, văn đàn mới sôi động trong sự sáng tạo đúng nghĩa.

Ta đã từng nhân danh cái quen thuộc, cái đã biết để chèn ép cái chưa biết, cái xa lạ; ẩn náu trong lô cốt truyền thống để bắn phá các nỗ lực sáng tạo [có thể thành truyền thống ở thì tương lai]; ta đã từng núp dưới bóng đàn anh, bóng đại văn hào quá khứ mà rẻ rúng sự liều lĩnh khám phá cái mới của tuổi trẻ; dựa hơi tập thể để miệt thị cá tính sáng tạo đầy lạ biệt…

Chỉ khi nào ta từ bỏ mọi nỗi ấy, cái mới mới có cơ may nảy nở và lớn dậy. Còn không thì mấy “tiếp thu tinh hoa thế giới” hay “sáng tạo trên nền tảng tiếp nhận truyền thống” chỉ thuần là khẩu hiệu trống rỗng, vô nghĩa.

Sài Gòn, 14-3-2011
I.R.S.R
(268/06-11)


...............

(1) Inrasara, “Góp nhặt sỏi đá, hay Đối thoại về sai lầm lặp đi lặp lại về nhìn nhận thơ hôm nay”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, H., 2008, tr. 217-249. Cả mấy thế hệ rặt một giọng dị ứng với thơ tân hình thức và hậu hiện đại. Không phải dị ứng cụ thể, mà ở thái độ rất chung chung. Như là cách ứng xử với cái mới, cái xa lạ. Bởi thực tế, tình hình văn chương Việt Nam hôm nay, chưa bàn chuyện hay dở, chỉ có tân hình thức và hậu hiện đại là cái mới đúng nghĩa. Không là cái mơi mới, cái mới nhay nháy nhỏ lẻ ở biến thái hay thay đổi vị trí câu chữ, mà là cái mới mang tính mĩ học.
- Mai Quốc Liên: “Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây (...). Theo một bài báo của một GS Mĩ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách. Còn ở ta nó là một món hàng mới, không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta” (báo Văn nghệ, 22-4-2006)
- Từ Nữ Triệu Vương: “Tôi rất ghét cái gọi là phương pháp nghệ thuật. Những thứ như nghệ thuật viết đơn tuyến, đa tuyến, cấu trúc, sắp đặt… rồi những hậu hiện đại hay sau hậu hiện đại… đều khá buồn cười. Tôi nhận thấy các bạn trẻ hiện nay hay học đòi cách viết lạ (nhưng lạ với mình mà cũ rích với thế giới) mà quên đi rằng: Phương pháp nghệ thuật có kiểu cách thế nào đi chăng nữa vẫn thua sự giản dị. Vì người viết có giản dị tự nhiên mới có được tác phẩm Thật” (tạp chí Nhà văn, số 5, 2006).
- Lê Thiếu Nhơn: “Nhiều bạn trẻ đồng hành của tôi mải mê dồn sức lực dồi dào và quý giá nhất đời người vào những cách tân đã lỗi thời ở nước ngoài (…) như “hậu tân thi trào” đã được chôn vùi ở Trung quốc từ thập niên 80 của thế kỉ trước (…) hay hình thức thơ đã thải hồi ở phương Tây như “thơ hậu hiện đại”, “thơ dự phóng”, “thơ trình diễn” (…) hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Việt cặm cụi chịu thương chịu khó” (báo Thế thao - văn hóa, số 84, 15-7-2006).

(2) Inrasara, “Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương, số 6, 6-2010.

(3) “Trong cuộc đương đầu đó, người dũng cảm nhất là Paul Cézanne, ông hiểu rằng - vì chưa ai làm việc này trước ông - nghệ sĩ cần truyền lại cái gì mình nhìn thấy, để tái tạo bằng phương tiện thị giác, một cách lâu bền, toàn bộ cái đẹp khó tính và nhiều chiều… Cézanne biến đề tài tầm thường nhất trở nên hấp dẫn, nhờ thế đã khai mào cho một cuộc cách mạng về hình thể dẫn tới nghệ thuật hiện đại” (Wendy Beckett, Lịch sử hội họa, Lê Thanh Lộc dịch, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1996, tr. 304-308).

(4) André Gide, “Lời khuyên nhà văn trẻ”, Con đường sáng tạo, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Hồng Hà xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr. 296.

(5) Nguyễn Hưng Quốc: “Nhà văn Mai Thảo có lần tâm sự với tôi là khi hô hào đổi mới trên tạp chí Sáng Tạo vào những năm 1956 và 1957, ông chưa hình dung cụ thể cái mới đó là gì. Ông chỉ biết là văn học Việt Nam cần phải giã từ cái bến đậu cũ kỹ của Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn thời 1932-1945 để tìm kiếm một trời biển khác cho mình” (“Viết văn với… cây búa”, tạp chí Việt, Australia, số 3, 1999).

(6) “Đức tính quan trọng nhất được cho là chấp nhận tối nghĩa. Lý do là vì trong những tình huống không rõ ràng, không có đầy đủ tin tức dữ kiện, người ta phản ứng khác nhau. Có người quan tâm nhưng kèm theo sự hứng thú. Cũng có người lo lắng quá nên muốn rút lui. Đối với những người sáng tạo, cần phải có mức độ lạ lùng hay tối nghĩa lắm mới làm cho họ sợ hãi hay kinh hoàng. Cũng vì thế nên người sáng tạo tìm thấy những gì mới lạ thích thú và kích động hơn là sợ hãi, và điều đó giúp khả năng của họ phản ứng một cách sáng tạo (Phạm Phú Đức, “Khả năng sáng tạo và ước mơ Nobel”, Tienve.org, 2008; Xem thêm: John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), with contributions by Lisa B. Fiore, Understanding Creativity: The Interplay of Biological, Psychological, and Social Factors, San Francisco, John Wiley and Sons).

(7) “Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: tôi điên đây! tôi điên đây! - Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống” (Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, tái bản, NXB Hội Nhà văn, H., 2000, tr. 216).

(8)“Thời đó có một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào lập nhóm Sáng Tạo muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức, tài năng… mà cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc; và đả đảo lối viết của nhóm Tự lực trước kia, mà người cầm đầu Sáng Tạo – Mai Thảo - lại có bút pháp cầu kì, “làm duyên làm dáng”, không hợp thời chút nào, chính bọn họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng gây được tiếng vang nào cả” (Nguyễn Hiến Lê, Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, chương XXVII, vnthuquan.net).





Các bài mới
Buổi sáng (26/07/2011)
Các bài đã đăng
Suối nàng tiên (28/06/2011)