Tạp chí Sông Hương - Số 271 (tháng 9)
Thanh Tịnh và ngày khai trường
13:01 | 04/09/2011
ĐOÀN ÁNH DƯƠNG“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”…
Thanh Tịnh và ngày khai trường
Nhà thơ Thanh Tịnh - Ảnh: TL
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Mái trường thì không dấu yêu”, không biết vì sao ý nghĩ đó đến với tôi khi chợt nghe một cô bé học trò ngang qua trường cũ thốt lên câu nói thân thuộc “mái trường mến yêu” mà không một chút cảm xúc. Câu nói ấy đã quen nhàm đến rỗng nghĩa hay thực tế giáo dục học đường ngày nay không còn là môi sinh cho những cảm nghĩ như thế nữa? Hình như, một nền giáo dục hướng tới việc đào tạo những công dân chỉnh chu, chín chắn, đầy đủ tri thức và kỹ năng sống dần thành hình, bỏ quên triết lý xây dựng nền giáo dục đào tạo những người dân tự chủ, tự nhiệm lấy tình cảm, lý trí và phận sự giữa đời. Mặc lòng, chương trình giáo dục, nhất là giáo dục văn học và nhân văn, vẫn tạo cơ hội cho người học được tiếp cận, chia sẻ và đồng cảm với những trang sách chất chứa những xúc cảm, non tơ nhưng bền bỉ, nuôi dưỡng niềm hứng thú và say mê sự học. Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu… Đã có những trang sách như thế, như trích đoạn Ngày tựu trường (rút từ Cổ văn học/ Humanités, trong Sách của bạn tôi/ Le Livre de mon ami) của Anatole France với các nhà văn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là những người được giáo dục bởi nền giáo dục Pháp Việt chẳng hạn. Có lẽ đây là trích đoạn văn học có ảnh hưởng lớn tới tâm hồn họ. Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng,… đặc biệt là Thanh Tịnh, đã để lại những vần thơ, trang văn ghi dấu sự ảnh hưởng ấy. Trong tác phẩm của họ, hình ảnh chú bé A.France trong ngày tựu trường luôn khơi dậy những tình cảm trong sáng, bỡ ngỡ và êm ái của tuổi thơ. Bởi hơn đâu hết, chính những thầy giáo vỡ lòng, thông qua trang hồi kí tuyệt vời ấy, đã đánh thức ở họ những xúc cảm đầu đời: niềm đam mê học hành và tình yêu văn chương nghệ thuật.

Đã qua đi quãng thời gian ước lệ 100 năm, thời gian mà Thanh Tịnh hiện diện giữa chúng ta, văn chương ông đã và vẫn sẽ còn đọng lại trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, nhất là với truyện ngắn Tôi đi học, tác phẩm có lẽ là xuất sắc nhất ghi lại “những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”. “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”… Thanh Tịnh đã bắt đầu câu chuyện về ngày đầu cắp sách đến trường bằng những câu văn miên man cảm xúc như thế. Bởi với Thanh Tịnh, “hôm nay tôi đi học” là một sự kiện trọng đại đầu tiên mà ông trải qua. Bởi ngày đầu tiên đi học là một ấn tượng khắc sâu trong tâm khảm đến mức “hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”“lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Cái ý tưởng “ghi lên giấy” một kỉ niệm sâu sắc của tuổi thơ bắt đầu từ tâm trạng “nao nức” ấy.


Thực ra, nếu chỉ có mỗi tâm trạng nao nức thì chưa chắc đã đủ đánh thức kí ức bấy lâu bị khuất phủ. Thanh Tịnh đã rất khéo léo khi đưa ra hai “đồng minh” giúp cho dòng tâm sự ấy trỗi dậy và tràn lên trang viết. Đó là cảnh vật ảm đạm cuối thu và niềm vui rụt rè của những bé em lần đầu cắp sách đến trường. Khung cảnh u ám của ngày thu hôm nay đã khiến tác giả hồi tưởng, tiếc nuối về một khung cảnh rực rỡ đã qua - “những cảm giác trong buổi sáng ấy” - “nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Và chính hình ảnh “mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường” đã là chất xúc tác kéo gần hai cảnh huống ngỡ như rất xa nhau như thế để nảy nở hồi ức về ngày đầu đi học. Đọc đến đây, hóa ra, Thanh Tịnh không kể cho chúng ta một câu chuyệnviết ra một tự truyện. Truyện ngắn Tôi đi học, vì thế, bị tước đi phần lớn hư cấu để thuật lại nghiêm ngắn và xúc động một kỉ niệm ấu thời. Nhưng cái tài của Thanh Tịnh, cũng là cái độc đáo của tác phẩm, là đã chọn được một bút pháp thích hợp: lời văn nhẹ nhàng, thanh thoát, trang nhã và đặc biệt tinh tế. Điều này đã làm cho câu chuyện mang hơi hướng trang nghiêm trở nên giản dị và gần gũi hơn. Vẫn có một cốt truyện xuyên suốt, vẫn có những liên tưởng trữ tình ngoại đề, nhưng cái lấn át trong truyện ngắn là cảm xúc của nhân vật và chất thơ của ngôn từ. Tất cả làm nên vẻ đẹp đằm thắm, dịu êm như là một nét phong cách đồng thời cũng là sức hút riêng có của tác phẩm Thanh Tịnh.

Câu chuyện được kể lại trong Tôi đi học dường như rất mờ nhạt. Đó là buổi sáng đi học đầu tiên của nhân vật xưng tôi. Ghép nối lại cũng chỉ có ba tiết đoạn chính: trên đường tới trường, trên sân trường ngày khai giảng và trong lớp học. Mỗi  tiết đoạn cũng không có sự kiện nào thực sự nổi bật. Thậm chí, có thể nói cả truyện được hình thành theo chiều trôi chảy của thời gian và theo chiều vận động tâm lí của nhân vật. Choán hết toàn bộ tác phẩm là các biểu hiện thuộc về tâm lí. Đầu tiên, khi phát hiện ra sự hệ trọng của việc đi học, “tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn”. Một chút ghen tị, thèm thuồng với vẻ tự tin và tinh nghịch của những bạn cùng lứa gặp trên đường đã khiến “tôi” muốn tự mình mang sách vở, bút, thước như bạn bè. Ý định tập làm người lớn vừa nhen lên đã nhanh chóng tan đi bởi lòng yêu thương và cử chỉ âu yếm của mẹ. Dự định chỉ đủ “thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi” đã khiến ngay khi hòa vào bầu không khí đông đúc của sân trường, nhận ra sự khác biệt của ngôi trường so với “những buổi trưa hè đầy vắng lặng” trước kia, “lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ”. Trong trí tưởng của đứa trẻ non tơ ấy, trường học hiện lên vừa hấp dẫn vừa đáng sợ - “vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp”. Việc nép vào mẹ cũng không thể xoa dịu được nỗi lo sợ vẩn vơ này. Nó là lí do để ngay khi “một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi”, Thanh Tịnh đã đặt được một câu văn rất trúng: “Cảm thấy mình chơ vơ là lúc này”. Không tìm được sự bấu víu khi quanh mình toàn là những bạn bè đang sợ sệt như vậy. Các cậu bé cảm nhận được sự trọng đại của việc đi học, muốn đi học nhưng lại sợ hãi khi tuột khỏi vòng tay chăm bẵm của cha mẹ nên “hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi” và toàn thân “cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng”. Có lẽ, nếu không có ánh mắt “hiền từ và cảm động” của thầy giáo, “bàn tay dịu dàng đẩy tới trước” của cha mẹ thì các cậu đã khóc òa lên ngay từ khi “giật mình và lúng túng” vì thầy gọi đến tên mình… Nhưng cuối cùng các cậu vẫn khóc, khóc bởi nỗi hồi hộp và ngập ngừng không thể chia sẻ. Đó là tiếng khóc cuối cùng trước khi phải rời vòng tay cha mẹ nên cũng có thể coi là tiếng khóc từ biệt tuổi ấu thơ để trở nên chững chạc, mạnh mẽ, tự tin hơn. Và trong giây phút bật lên tiếng khóc ấy, một ý tưởng mới cũng sinh thành: “Trong thời thơ ấu tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như thế này. Tôi cũng thấy làm lạ”. Chỉ là cảm giác thôi nhưng là một cảm giác rất sâu sắc không thể cắt đặt thành hình hài. Bởi đó là cảm giác của sự trưởng thành, của việc tìm lại được sự tự tin một cách chóng vánh và bất ngờ đến nỗi “không dám tin là có thật” ở những đứa trẻ đầu óc còn vô cùng ngây thơ, trong trắng.

“hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” Ảnh: Internet


Có thể khẳng định thành công nổi bật của truyện ngắn là đã khắc họa được chân thực và sinh động tâm lí của đứa trẻ ngày đầu chập chững bước tới trường. Thanh Tịnh đã sống lại trong cảm xúc trong trẻo và thơ ngây của tuổi thơ, bắt lấy những sự việc có tác động mạnh mẽ nhất đến tâm lí để thể hiện lên trang giấy. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ, bằng bút lực tài hoa của mình, ông đã diễn tả thấu đáo và đẹp đẽ những rung động tế vi ấy. Có lẽ chưa ở đâu, thủ pháp so sánh lại được vận dụng triệt để như ở trong truyện ngắn Tôi đi học. Có điều ấy là do: thứ nhất, tác giả đã đặt nhân vật vào thời điểm có sự biến động đột ngột và sâu sắc về tâm lý, đang phải đi trên lằn ranh của cái đã biết và những điều không dự tưởng hết; thứ hai, chỉ bằng cách so sánh, những rung cảm thơ trẻ, tinh khôi mới có thể hiện hình một cách sáng sủa, rõ ràng. Hãy thử điểm qua một vài so sánh của Thanh Tịnh. Để làm nổi bật ấn tượng của ngày tựu trường, ông viết: “những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Còn khi nhấn mạnh tính chất vô tư trong suy nghĩ bất chợt của trẻ thơ: “ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”. Và để làm sáng rõ sự lo lắng, phân hóa trong tâm tưởng của bọn trẻ, ông dùng liên tiếp các so sánh: “Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ”. Nếu không xuất hiện những so sánh ấy, người đọc khó lòng có thể hình dung và cảm nhận được hết tâm trạng của nhân vật, dù cảm xúc trong ngày tựu trường đầu tiên không phải hoàn toàn xa lạ. Vì thế, chúng ta càng phải cảm ơn Thanh Tịnh vì điều này: ông đã giúp chúng ta nói rõ (và nói hay) xúc cảm của mình trong ngày tựu trường mà nhiều khi rất mong muốn, chúng ta cũng không thể diễn đạt được.

Có điều, thủ pháp so sánh của Thanh Tịnh không chỉ dừng lại ở cấp độ so sánh những sự vật, sự việc, tâm trạng thông thường như trên, so sánh còn là thủ pháp để xây dựng kết cấu truyện ngắn. Đó trước nhất là sự phân đôi giữa hiện tại và quá khứ làm thành tình huống của truyện. Từ trong hiện tại, tiếp xúc với cảnh vật và lòng người của hiện tại, tác giả hình dung lại quá vãng của mình. Sau nữa, trong ngày đầu đi học ấy, ở mỗi trường đoạn đến trường, tác giả lại đưa ra một ngầm ý đối sánh giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Trong cái tương lai được định đoạt từ giờ phút “tôi đi học”, quá khứ luôn ẩn hiện để hoặc trì níu hoặc thúc đẩy sự lựa chọn trở nên dứt khoát, quyết định trở nên sáng rõ, quyết đoán. Đó là con đường đến trường vừa quen vừa lạ, quen vì là con đường rong chơi của tuổi thơ, lạ vì là con đường ngày đầu đến trường. Đó là sân trường vừa gần gũi vừa oai nghiêm, gần gũi vì từng là nơi đi bẫy chim, lạ vì là nơi đến học chữ. Đó là bạn bè vừa lạ vừa quen, lạ vì chưa từng chơi với chúng bao giờ, quen vì chúng cùng chăm chỉ học hành như mình. Đó là cảm giác chưa bao giờ xa mẹ như lần này, bởi các lần trước chỉ là đi chơi với chúng bạn, còn lần này là tự mình đến lớp. Đó là con chim hôm nay đậu ngoài cửa sổ gọi về những kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay bên bờ sông Viêm… Bởi tất cả đang được đặt vào bước ngoặt - như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Bởi “tôi” đã ý thức được rằng: “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa”. Bởi tiếng phấn của thầy gạch mạnh trên bảng đã đưa tôi vào cảnh thật. Bởi tôi đã tìm được niềm vui trong cảnh mới: Tôi vòng tay lên chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần: Tôi đi học

“những cảm giác trong buổi sáng ấy” - “nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng” Ảnh: Internet


Phần lớn các trang viết của Thanh Tịnh đều như được dệt thành bởi lời văn nhẹ nhàng, du dương, đằm thắm và rất đỗi tinh tế. Kí ức về ngày tựu trường đã hiện lên thật non tơ trong trí tưởng của nhà văn. Ông đã ấp iu những kỉ niệm ấy suốt thời trai trẻ để giờ đây, khi đủ sức dùng ngôn ngữ diễn tả rành rọt cảm xúc của mình, mới lọc lựa chi tiết và ngôn từ để ghi lại những kỉ niệm đầu đời ấy. Ông đã hết sức thành thật khi chia sẻ: “Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết” nên tạo được tâm thế gần gũi, chân thành với bạn đọc. Chỉ có điều, khi viết truyện ngắn này, dù đã ở tuổi trưởng thành (truyện ngắn in trong tập Quê mẹ, được xuất bản năm 1941), có lẽ ông cũng không ngờ được rằng mình lại có thể sống lại những rung cảm đầu đời tinh khôi đến thế. Nói một cách khác, những cảm nhận trong trắng của tuổi thơ đã tìm được sự hô ứng với cảm xúc của lần đầu tiên nhà văn dám viết ra những hồi ức về chính những cảm nhận trong trắng ấy. Ngôn từ của truyện ngắn, vì vậy, trong trẻo và thánh thiện, vẻ đẹp của chất trữ tình như phủ bàng bạc hầu khắp tác phẩm. Cả truyện ngắn hầu như được cấu thành bởi chằng chịt những sợi tơ lòng, mà chỉ cần một xúc tiếp nhỏ, nó sẽ ngân nga trong lòng người đọc, gọi về những kỉ niệm thuở ấu thời để cùng cảm thông chia sẻ. Bởi ai cũng có một thời như thế!?

Ấy vậy mà sự học ngày nay đã khác nhiều lắm, khác từ sự khởi đầu của nó: ngày khai trường. Chỉ cần một chút để ý, một chút lắng lại giữa dòng đời xô bồ, chúng ta sẽ thấy ngay những thay đổi như thế, và cả thái độ điềm nhiên với những thay đổi ấy nữa. Như chuyện tập khai giảng xuất hiện mấy năm nay chẳng hạn. Năm trước, tôi đã ghi lại những dòng tiếp dưới đây như là một chút suy nghĩ gợn lên trong những ngày chớm bước vào năm học mới. Gần đến 2/9, tôi tranh thủ về quê, đứa cháu con người chị gái mết cậu cứ nằng nặc rủ tôi đi tập khai giảng với nó. Dù nghe tập khai giảng thấy lạ, khó hiểu, nhưng chiều đứa cháu mới bước vào lớp một, tôi đồng ý đưa đi, cũng là để ôn lại quá vãng, cảm nhận lại những rung động ngày đầu đến lớp. Nhưng đến ngày tập thứ hai thì cu cậu oải thực sự. Hóa ra khai giảng chẳng thích như mẹ cháu nói, cu cậu phụng phịu với tôi như thế, toàn xếp hàng, tập hát, tập đứng nghiêm,… Tôi chợt giật mình, trẻ con bây giờ già dặn quá, chẳng có chút bỡ ngỡ, sợ sệt nào! Gọi cho cô bạn cũ đang là giáo viên cấp hai trường huyện rủ đi chơi, cô bạn cũng cáo lỗi bận chủ nhiệm lớp đầu cấp, học trò chưa có nề nếp nên phải hướng dẫn chúng tập khai giảng. Lại tập khai giảng, lại học trò đầu cấp không nề nếp, lại cần rèn giũa… Nghe ra tự nhiên thấy hoang mang. Sao lại phải tập khai giảng nhỉ? Chúng ta cần dạy học sinh nề nếp ngay từ ngày đầu đến trường hơn hay ngày đầu cần tạo cho chúng xúc cảm yêu mến việc học hơn? Càng ngẫm kĩ lại càng thấy cái sự tập khai giảng thật là kì dị, vô lối. Nó giết những xúc cảm bồng bột của đứa trẻ mới chập chững vào đời.

“Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ...”. Ảnh: Internet


Cái gì đã khiến người ta nghĩ ra việc tập khai giảng? Phải chăng là vì ý thức thấy ý nghĩa trang trọng, cần thiết của buổi khai giảng đối với việc học tập của học sinh; vai trò của nó với việc học hành suốt năm của cả một trường, nếu buổi lễ khai giảng tốt đẹp thì nó sẽ gieo vào lòng học trò ấn tượng tốt đẹp theo suốt quá trình đi học? Có thể đấy là một lý do chính đáng? Bởi buổi lễ khai giảng thực sự có tác động rất lớn đến tâm lý và tình cảm của học sinh, đặc biệt là học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) bởi đấy là ngày đầu tiên chúng tiếp xúc với môi trường học tập mới mẻ. Ngày khai giảng là ngày mà những tâm hồn non nớt thơ ngây kia sẽ nẩy những rung động tinh khôi với một ngôi trường hoàn toàn mới mẻ đối với chúng. Cái cảm xúc trong trắng, bồng bột, phi vụ lợi có thể sẽ theo suốt cuộc đời đứa trẻ.

Ai cũng đồng ý là buổi lễ khai giảng có ý nghĩa. Ai cũng biết những năm gần đây học sinh phải đi học từ trước ngày khai giảng. Phải chăng vì thế mà người ta nghĩ việc tập khai giảng cũng không có gì là phi lí. Thực sự đã có tới hai lần sai lầm ở chỗ này: thứ nhất, việc học trước lễ khai giảng đã đánh mất của học trò cái lễ hội lớn nhất tôn vinh sự học; thứ hai, buộc phải tạo thành “nề nếp” trong ngày khai giảng sẽ giết chết nốt những rung động trong trắng, phi áp đặt (bởi đã áp đặt “nề nếp” thì còn lấy đâu ra khoảng không cho cảm xúc thăng hoa). Vậy là, tập khai giảng đã phá hủy hoàn toàn những xúc cảm với việc học, niềm say mê hứng thú một cách tự nhiên với việc đến trường, biến việc đến trường thành một trách nhiệm, một nghĩa vụ với những tâm hồn non nớt.

Trở lại Hà Nội vào dịp thu về, tự nhiên thấy cảm hoài, tự nhiên thấy lòng dâng nên nỗi buồn tủi theo từng nhịp trống báo ngày tựu trường rộn rã từ mấy ngày trước lễ khai giảng. Rồi đây trẻ em Việt Nam sẽ còn ai viết được những trang văn thấm đượm như của Thanh Tịnh. Hà Nội mấy hôm nay cũng đầy sương thu và gió heo heo lạnh, nhưng sẽ có cô cậu học trò nào sau mấy lần tập tựu trường sẽ có được ấn tượng khắc sâu trong tâm khảm đến mức sau này phải thốt lên: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”; và rồi viết thành những dòng, kiểu như: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: mấy ngày nay tôi đều đi tập khai giảng…”. Tôi không được sống trong bối cảnh giáo dục bởi các trường Pháp Việt hồi Thanh Tịnh đi học nhưng đọc văn ông tôi vẫn thấy rung cảm. Tôi cũng không biết được lý do gì đã khiến một lứa các nhà văn trước cách mạng lại có ấn tượng sâu đậm đến thế về những trang văn ngày khai trường, những Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng,… Hay bởi các nhà văn này từ buổi học vỡ lòng đã được chia sẻ cảm xúc tuyệt vời về ngày tựu trường của A.France, qua những trang văn mà đến tận bây giờ, hình ảnh và nhạc điệu cảm xúc của nó, vẫn không thôi gieo vào lòng người đọc những xúc cảm tinh khôi: “Tôi xin kể cho các bạn nghe những gì hàng năm, cái cảnh trời thu mây vần, những bữa ăn tối đầu tiên dưới ngọn đèn và những chiếc lá úa vàng trong những lùm cây rún rẩy nhắc tôi nhớ lại; tôi xin kể các bạn nghe những gì tôi trông thấy lúc đi qua vườn Luxemburg vào những ngày đầu tháng mười, khu vườn có vẻ đìu hiu và đẹp hơn bao giờ hết; vì đấy là thời lá rơi từng chiếc, từng chiếc trên vai trắng ngần của các pho tượng. Cái mà lúc bấy giờ tôi nhìn thấy trong khu vườn, đó là một chú bé, tay đút túi, cặp sách trên lưng, trên đường đi tới trường, nhảy nhót như một con chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú, vì chú bé ấy là cái bóng, cái bóng của tôi hai mươi lăm năm về trước”…

Đọc những trang văn về ngày tựu trường như thế, lại liên tưởng đến việc giảng dạy môn ngữ văn hôm nay. Trên tất cả các diễn đàn, người ta cứ tranh cãi suốt về phương pháp giảng dạy, đòi đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá nhưng có một điều đầu tiên tối quan trọng lại không ai để ý: mục đích của việc dạy văn chương là gì? Nếu là lấy kiến thức sống và phát triển trí tuệ duy lý (IQ) thì nên thúc đẩy việc thi trắc nghiệm nhưng nếu để lấy thái độ sống và phát triển trí tuệ xúc cảm (EQ) thì việc đẩy cao thi trắc nghiệm là vô cùng vô lối. Dạy văn là dạy cho trẻ làm người, cách thế làm người, đặc biệt là xúc cảm người của trẻ. Vậy mà buồn thay… Càng nhìn rộng ra các môn khác càng thấy buồn thay… Thiếu một triết lý giáo dục đúng đắn, thiếu một sự suy nghĩ chín chắn và có trách nhiệm đối với giáo dục, người ta dễ dàng đẻ ra những việc phi lý như tập khai giảng, mà tự sâu trong bản chất, là tập quen… xúc cảm.

Một trăm năm đã trôi qua, chắc Thanh Tịnh có giàu tưởng tượng đến mấy cũng khó có thể hình dung được sự học bây giờ. Tất nhiên là xã hội đi lên, và không hẳn mọi cạnh khía của giáo dục hiện nay đều cần phải đem ra chất vấn. Nhưng rõ ràng, sự thực dụng trong cách thức xây dựng nền giáo dục là điều cần phải chất vấn. Bởi đó là nguyên nhân không nhỏ hạn chế sự phát triển tự chủ của người học. Thanh Tịnh học chữ Nho ở nhà từ trước, 11 tuổi mới bước chân vào hệ thống giáo dục quốc gia, 10 năm sau, ở tuổi 21, tập truyện ngắn Quê mẹ của ông ra đời, có những trang văn Tôi đi học mà chương trình Ngữ văn 8 hiện nay trích giảng. Xét về mặt tâm lý cá nhân, có thể cái lứa tuổi đến trường, 11 của Thanh Tịnh và 6,7 của trẻ em hiện nay, làm cho những cảm nhận đầu đời có thể vênh lệch. Nhưng lứa tuổi trên mười của Thanh Tịnh tiếp nhận Ngày tựu trường của Anatole France với lứa tuổi trên mười tiếp nhận Tôi đi học của Thanh Tịnh của học sinh hôm nay là không mấy cách biệt. Văn chương có những sức mạnh kỳ lạ ở chính chỗ đó, nó bất tòng thuộc thời gian. Khoảng cách khiến những rung cảm chân thành và sâu sắc với việc học giờ còn lại là sự khác biệt giữa hai thời đại và giữa những triết lý giáo dục. Xã hội thay đổi có thể khiến lòng người thay đổi, nhưng tự sâu trong tiềm thức, bản chất của sự truyền dạy là nối tiếp cái truyền thống đẹp đẽ đã được thế hệ trước sinh thành. Vì vậy, tìm ra một triết lý giáo dục đúng đắn, chúng ta sẽ không chỉ lấp dần các khoảng cách mà còn giúp người học có cơ hội được vượt lên nhờ những tích lũy của thế hệ trước, mà trước hết, là trả lại cho giáo dục văn học bản chất khơi gợi những rung động thẩm mỹ và nhân sinh vốn có. Và như thế, tự nó, giáo dục văn học sẽ duy trì sức sống của văn chương, như cái cách mà Ngày tựu trường của A.France và Tôi đi học của Thanh Tịnh đã có và còn có, trong tâm hồn bạn đọc bao thế hệ.

Đ.A.D
(271/09-11)







Các bài mới
Sống chậm (30/09/2011)