Tạp chí Sông Hương - Số 271 (tháng 9)
Ngoại thương của Đàng Trong trong quan hệ với các nước phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ thứ XVII
15:47 | 15/09/2011
NGUYỄN VĂN TẬN - HOÀNG THỊ ANH ĐÀO Thế kỷ XV - XVII, các nước phương Tây bước vào thời kỳ tích lũy nguyên thủy tư bản, những cuộc phát kiến địa lý đã mở ra một cuộc “cách mạng thương mại” thực sự ở châu Âu và đưa đến việc thiết lập mạng lưới giao thông mậu dịch hàng hải xuyên đại dương nối liền châu Âu với phương Đông.
Ngoại thương của Đàng Trong trong quan hệ với các nước phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ thứ XVII
Người Đàng Trong ở Đà Nẵng thời Tây Sơn-Tranh của họa sĩ người Anh William Alexander (Ảnh:TL)
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Mạng lưới giao thông mậu dịch hàng hải xuyên đại dương được hình thành đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kiếm lời của thương nhân nhiều quốc gia Tây Âu có nền kinh tế công thương nghiệp phát triển như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... tìm đến nhiều vùng đất ở phương Đông để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Sự tham gia đồng thời của nhiều nước phương Tây vào thị trường khu vực đã làm cho hoạt động thương mại của các nước trong khu vực đổi sắc.

Ở Đông Nam Á, nhiều nước đã tiến hành mở cửa giao thương với các nước phương Tây như Siam, Indonesia và bán đảo Malacca là cơ hội để cho Đàng Trong tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. Trong thời gian đầu, khi Đàng Ngoài thực thi chính sách đóng cửa trong quan hệ với các nước phương Tây thì Đàng Trong lại thực thi chính sách ngoại thương cởi mở. Trong lĩnh vực đối nội, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong tạo điều kiện cho thương nghiệp phát triển và có chính sách bảo hộ đối với một số mặt hàng do chính người Đàng Trong sản xuất. Trong lĩnh vực đối ngoại, các chúa Nguyễn không những khuyến khích thương nhân nước ngoài đến buôn bán mà còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với các thương nhân phương Tây. Chính nhờ chính sách ngoại thương thông thoáng của các chúa Nguyễn mà việc buôn bán Đàng Trong ngày càng phát triển và hình thành nên những thương cảng nổi tiếng, trong đó tiêu biểu là thương cảng Hội An.

Trong số các nước phương Tây, Bồ Đào Nha là nước đầu tiên có mặt ở Đàng Trong. Theo Booc-Vút (Birdwood), người Bồ Đào Nha tiến hành các hoạt động giao lưu buôn bán với Đàng Trong vào khoảng năm 1540, thương nhân Bồ Đào Nha từ Macao hoặc Nam Dương (Indonesia) đến Hội An vào tháng chạp hoặc tháng giêng bán, mua hàng như tơ, lụa, hồ tiêu, gỗ quý, thông qua các đại lý người Hoa hay người Nhật ở Hội An rồi quay thuyền về các căn cứ trên (Macao, Nam Dương). Điều cần nhận thấy ở đây là để thiết lập quan hệ buôn bán với các nước châu Á, Bồ Đào Nha đã xây dựng nên hệ thống thương điếm trên toàn cõi châu Á nhằm tạo ra một mạng lưới thương mại hùng mạnh vào thế kỷ XVI. Tuy nhiên đối với Việt Nam, Bồ Đào Nha không thiết lập hệ thống thương điếm cho nên mọi quan hệ giao lưu buôn bán đều thông qua môi giới trung gian để gom hàng hoá hoặc giao dịch. Điều đáng lưu ý là các thương nhân Bồ Đào Nha không để lại người thường trực ở Hội An nhưng lại muốn độc quyền buôn bán với Đàng Trong. Để làm việc đó, các thương nhân Bồ Đào Nha tìm mọi cách để lấy lòng chúa Nguyễn, gửi tặng các đồ vật, và thường xuyên cạnh tranh với Hà Lan, thậm chí họ còn đề nghị chúa Nguyễn không nên buôn bán với người Hà Lan, tuy nhiên chúa Nguyễn không đồng ý mà vẫn thiết lập buôn bán với người Hà Lan. Trước tình hình như vậy, Bồ Đào Nha càng hướng sự quan tâm đến các hoạt động giao lưu buôn bán với Đàng Trong. Từ năm 1640 trở đi, quan hệ buôn bán giữa Bồ Đào Nha với Nhật Bản ngày càng giảm, trong khi đó quan hệ buôn bán với Đàng Trong lại được tăng cường. Những sản vật mà các thương nhân mua của Đàng Trong là tơ vàng, một số trầm hương, kỳ nam và một ít benzoin. Đổi lại, các thương nhân Bồ Đào Nha mang súng ống, diêm tiêu, kẽm, đồng... có thợ kỹ thuật đi cùng để bán lại cho Đàng Trong. Người Bồ Đào Nha đã dạy cho chúa Nguyễn kỹ thuật đúc súng nên được các chúa Nguyễn sủng ái và nể trọng. Sở dĩ như vậy là vì, thời kỳ này xảy ra cuộc chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài nên chúa Nguyễn rất cần mua súng đạn từ xưởng đúc súng của Bồ Đào Nha ở Macao. Điều cần nhận thấy là trong số các thương cảng của Đàng Trong thì Hội An được coi là một trong những thương cảng sầm uất nhất. Hội An là trung tâm tập trung và phân phối hàng hoá, là nơi xuất khẩu một số sản phẩm địa phương như kỳ nam và vàng, trong đó kỳ nam là một thứ dầu quý được các thương nhân Bồ Đào Nha ưa chuộng “Kỳ nam hương màu đen, có dầu và giá 50 cruzados một catty nơi người Bồ Đào Nha, trong khi tại chính nơi sản xuất, nó trị giá ngang với bạc, bao nhiêu kỳ nam hương là bấy nhiêu bạc”[1].

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Một khu buôn bán của người Bồ Đào Nha - Ảnh: internet

Có thể khẳng định rằng Đàng Trong đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Bồ Đào Nha đến giao lưu buôn bán trong đó có cả việc cho phép các thương nhân Bồ Đào Nha xây dựng những cơ sở kinh doanh ở Hội An, cho phép lập phố, xây kho như các thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc. Song do phương thức buôn bán của Bồ Đào Nha chủ yếu thông qua môi giới trung gian hoặc giao dịch nên Bồ Đào Nha không có cơ sở vững chắc tại Đàng Trong. Với tư cách là những người phương Tây đầu tiên đến Việt Nam, “người Bồ Đào Nha đã cậy có một nền hàng hải khỏe vào bậc nhất và hung hăng đến chiếm đất đai để buôn bán”[2]. Mặc dù các thương nhân Bồ Đào Nha mua đuợc nhiều hàng hoá rẻ của Đàng Trong nhưng họ đến Đàng Trong không đại diện cho bất kỳ công ty nào và không cư ngụ tại đó nên vị thế của Bồ Đào Nha ở Đàng Trong về sau bị suy giảm.

So với Bồ Đào Nha, thì các thương nhân Hà Lan đến Đàng Trong vào thời điểm muộn hơn rất nhiều. Năm 1601, người Hà Lan đã đến Đàng Trong, đặt chân đến Hội An để buôn bán. Nguyên nhân để các thương nhân Hà Lan đặt chân đến Đàng Trong là do phải duy trì nền thương mại nội Á, trong đó việc thu mua bạc Nhật là yếu tố quyết định để các thương điếm phương Đông duy trì hoạt động. Dù có nhiều cố gắng nhưng Công ty Đông Ấn Hà Lan có trụ sở chính đóng tại Batavia ở Indonesia vẫn không cung cấp đủ vốn cho thương mại châu Á nên đến đầu thế kỷ XVII, hoạt động trao đổi bạc lấy tơ lụa là trọng tâm trong hoạt động thương mại của các Công ty Đông Ấn châu Âu ở khu vực Viễn Đông. Trước khi người Hà Lan thâm nhập, buôn bán với Đàng Trong thì người Bồ Đào Nha đã triển khai lấy lụa Trung Quốc đổi bạc Nhật. Vì vậy, để có được bạc Nhật cho mạng lưới buôn bán nội Á, Công ty Đông Ấn Hà Lan cần tơ lụa Trung Quốc. Do không thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, Công ty Đông Ấn Hà Lan buộc phải mua tơ lụa Trung Quốc tại các cảng thị trung chuyển như Hội An.

Bảng 1. Loại tiền đúc VOC đem đến Đàng Trong (1633-1637)

Năm

Loại tiền

Larack

Sacca- motta

Mito

Nume

Tammary

Không xác định được

Tổng cộng

1633

930

15.420

-

-

-

-

16.530

1634

360

9.724

-

-

-

-

10.084

1635

-

41.625

-

-

-

-

41.625

1636

-

5.585

-

5.250

-

2.865

13.500

1637

-

-

2.505

-

510

21.260

24.275

Tổng cộng

1.290

72.154

2.5.5

5.250

510

24.125

106.014


Những mặt hàng mà người Hà Lan thường mang đến buôn bán là những mặt hàng Đàng Trong cần như đại bác, diêm tiêu, lưu huỳnh; dạ châu Âu loại mịn, màu đỏ và màu sẫm; đồng bạc rénaux như tiền đồng, bạc nén và bạc đúc; hạt tiêu để xuất khẩu sang Trung Quốc; vải bông Ấn Độ, gỗ đàn hương… Đổi lại, người Hà Lan mua tơ lụa và các mặt hàng thổ sản như kỳ nam hương, gỗ quý, tơ lụa, xạ hương, vàng... mang về châu Âu[3]. Trong thời gian đầu các thương nhân Hà Lan cũng được các chúa Nguyễn đón tiếp nồng hậu, thậm chí còn được triều đình ban tặng một số đặc quyền để buôn bán. Năm 1633, theo thư mời của chúa Sãi, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã có ý định đến buôn bán ở Quảng Nam và đến năm 1636, thương điếm của Hà Lan đã được thiết lập ở Hội An phố. Tuy nhiên, quá trình buôn bán giữa Đàng Trong với Hà Lan chỉ diễn ra trong 4 thập niên đầu của thế kỷ XVII, về sau do mâu thuẫn với dân bản địa các thương nhân Hà Lan buộc phải rời khỏi Hội An. Sau nhiều cố gắng của Batavia, nhưng Công ty Đông Ấn Hà Lan vẫn không duy trì được mối quan hệ thương mại với Đàng Trong.

Những chuyển biến chính trị và thương mại khu vực Đông Nam Á đầu thập niên 30 của thế kỷ XVII buộc Chính phủ Batavia chuyển hướng trọng tâm quan hệ thương mại từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài.

Rõ ràng là, trong hơn một thế kỷ thiết lập quan hệ buôn bán với Bồ Đào Nha và Hà Lan, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thực thi chính sách ngoại thương rộng mở và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan đến giao lưu buôn bán. Trong quá trình diễn ra các hoạt động giao lưu buôn bán giữa Bồ Đào Nha và Hà Lan thường xảy ra cạnh tranh, thậm chí dẫn đến xung đột, nhưng các chúa Nguyễn ở Đàng Trong vẫn thực hiện chính sách cân bằng lực lượng, không dành bất cứ sự ưu tiên nào hoặc cho Bồ Đào Nha hoặc cho Hà Lan. Nhờ vậy, quan hệ giữa Đàng Trong với Bồ Đào Nha và Hà Lan vẫn giữ được sự hòa hiếu dẫu rằng có những thời điểm xảy ra bất đồng. Ngoài ra, trong quan hệ với các nước phương Tây, chính quyền Đàng Trong đã biết sử dụng lợi thế của từng nước để phục vụ cho sự phát triển đất nước. Trong thời kỳ đầu, khi Bồ Đào Nha đang có ưu thế, chính quyền Đàng Trong đã dựa vào Bồ Đào Nha để buôn bán, đến giai đoạn sau khi Bồ Đào Nha suy yếu thì Đàng Trong lại hướng sự chú ý của mình về Hà Lan.

Điều cần nhận thấy là trong hoạt động thương mại giữa Bồ Đào Nha với Đàng Trong, người Bồ Đào Nha không thiết lập các thương điếm như ở Ấn Độ, Macao và một số nước khác trong khu vực mà chỉ sử dụng thương cảng Hội An như một trạm trung chuyển, thu mua hàng hóa để buôn bán với Nhật Bản và duy trì thương mại châu Á. Các thương nhân Bồ Đào Nha đến Hội An mua, bán hàng hóa theo từng thời điểm và không định cư lâu dài, dẫu rằng chính quyền Đàng Trong cho phép họ được lập phố, xây nhà. Ngoài ra, hoạt động buôn bán thương mại của Bồ Đào Nha đối với Đàng Trong không theo mô hình quản lý của các công ty mà chỉ dựa vào sự dũng mãnh và tính chất mạnh mẽ của những người đi biển. Trong khi đó, các thương nhân của Hà Lan lại chú trọng xây dựng các thương điếm, phát triển mạng lưới, hệ thống pháp luật và làm việc dưới sự điều hành và quản lý của Công ty ở chính quốc. Với phương cách đó, mọi hoạt động buôn bán của các thương nhân Hà Lan không chỉ chịu sự giám sát trực tiếp của giám đốc thương điếm mà còn chịu sự quản lý của Toàn quyền công ty ở Batavia. Trong vấn đề này hoạt động thương mại của Hà Lan tỏ rõ tính ưu việt, quy cũ và tổ chức chặt chẽ hơn so với hoạt động thương mại của các thương nhân Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, hoạt động thương mại của các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan vẫn có điểm chung trong việc coi thương cảng Hội An là trạm trung chuyển phục vụ cho mục đích kiếm lời nên mặc dù được chính quyền Đàng Trong cho phép và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan đến giao lưu buôn bán, nhưng do nhiều hoàn cảnh khác nhau nên đến nửa sau những năm 50 của thế kỷ XVII, hoạt động thương mại của Đàng Trong với Bồ Đào Nha và Hà Lan chính thức chấm dứt.

Tóm lại, hoạt động thương mại giữa Bồ Đào Nha và Hà Lan với Đàng Trong thế kỷ XVI – XVII được coi là đỉnh cao trong quan hệ giữa Đàng Trong với các nước phương Tây. Nhờ thiết lập được trạm trung chuyển Hội An mà Bồ Đào Nha và Hà Lan duy trì được mạng lưới buôn bán thương mại nội Á trong suốt hơn một thế kỷ từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII. Đây là một trong những đóng góp hết sức quan trọng của chính quyền Đàng Trong trong quan hệ với các nước phương Tây thời Trung đại. Trên một phương diện khác, hoạt động thương mại của Bồ Đào Nha và Hà Lan đã góp phần phá vỡ nền kinh tế tự cung tự cấp của Đàng Trong, thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa của Đàng Trong phát triển mạnh mẽ cũng như tạo điều kiện để Đàng Trong tham gia vào quá trình hội nhập thương mại quốc tế.

N.V.T - H.T.A.Đ
(271/09-11)





[1] Litana: Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế - xã hội thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Trẻ, Hà  Nội, 1999, tr. 119

[2] Thành Thế Vỹ: Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII, XIII và đầu thế kỷ XIX, Nxb Sử học, 1961, tr. 70

 [3] Litana: Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế - xã hội thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Trẻ, Hà  Nội, 1999, tr. 124

Các bài mới
Sống chậm (30/09/2011)
Các bài đã đăng