Tạp chí Sông Hương - Số 273 (tháng 11)
Thơ Tân hình thức và cái khó của người sáng tạo
16:05 | 31/10/2011
THĂNG LONG (Nhân đọc Vũ điệu không vần - Tứ khúc - và những tiểu luận khác của Khế Iêm, Nxb Văn học, 2011)
Thơ Tân hình thức và cái khó của người sáng tạo
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Sự chuyển biến của diễn ngôn và cấu trúc là một trong những yếu tố tiên quyết để xác lập nên những cuộc cách mạng trong thi ca. Mặt khác thông qua những cuộc cách mạng mang tính đột phá trong tư duy của kẻ sáng tạo mà nghệ thuật hướng thượng không ngừng. Sự đổ vỡ của một hệ hình cũ sẽ là mầm móng phôi thai nên một khuôn diện mới của một hệ hình mới kế tiếp. Kể từ những quan niệm về nghệ thuật khởi phát từ các tiên triết như Platon hay Aris- tote, cho tới nay, thi ca đã không biết bao nhiêu lần thay đổi diện mạo trên quá trình hướng thượng của mình. Nhìn một cách tổng quát thì cho đến nay thơ Tân hình thức là một trong những diện mạo mới của thi ca nhân loại và đây cũng chính là một trong những địa hạt nghệ thuật đương đại có sức quyến rũ và làm khó đối với những kẻ sáng tạo mang ý hướng cách tân. Một cái nhìn nghiêm xác, thấu đáo về thơ Tân hình thức sẽ là những hướng đạo vô cùng cần thiết cho người sáng tạo cũng như người đọc ngày nay. Đặc biệt, ở trong lòng một quốc gia tiền hiện đại thì một sự diễn giải thấu đáo về thơ Tân hình thức sẽ như một cứu cánh để đưa văn chương Việt dần bước qua trời Tây. Vũ điệu không vần – Tứ khúc và những tiểu luận khác của Khế Iêm chính là những câu chữ mang tính dẫn đạo để đưa người sáng tạo cũng như người đọc Việt bước vào cái địa hạt thi ca đầy thách đố và quyến rũ - địa hạt thơ Tân hình thức.

Tiếp xúc với văn bản chúng ta thấy rằng Vũ điệu không vần – Tứ khúc và những tiểu luận khác đã có một cái nhìn tương đối tổng quan về thi ca nhân loại nói chung và thơ Tân hình thức nói riêng. Cái nhìn tổng quan thể hiện ở chỗ Khế Iêm đã đưa người đọc lội ngược dòng thi tính để tiếp cận với những yếu tố mang tính chất khởi thủy của bản mệnh thi ca. Từ cách tìm về lịch sử để truy tìm những yếu tố cấu nên thơ, Khế Iêm đã đưa ra một cái nhìn khái quát làm nền tảng trước khi đi vào những cách tân lẫy lừng của thơ Tân hình thức, từ đó người sáng tạo cũng như người đọc thơ Việt có thể kiến giải được vì sao những điều vượt ngưỡng về sự tri nhận trong lý tính thuần túy của nghệ thuật đương đại nói chung và thơ Tân hình thức nói riêng lại được coi là nghệ thuật.

Ngày nay, đứng trước những đổ vỡ của quan niệm thẩm mỹ truyền thống, người ta không khỏi băn khoăn, thậm chí hoài nghi về những gì mà nghệ thuật đương đại đang quảng diễn. “Thế mà là nghệ thuật ư?” là câu hỏi mà những kẻ mang cảm quan thẩm mỹ cổ điển thốt lên. Và thơ Tân hình thức cũng là một trong những đối tượng không ngoại lệ. Để xoa dịu những hoài nghi về tính nghệ thuật của thơ Tân hình thức - trung tâm của mọi diễn giải trong chuyên luận, Khế Iêm đã đưa người đọc đến với những đặc trưng, những quan niệm thẩm mỹ của thi ca nhân loại qua mỗi thời kỳ để từ đó phóng chiếu một cái nhìn nghiêm túc về những cách tân trong thơ Tân hình thức. Sự lược khảo về quá khứ của thơ do vậy là những diễn giải làm nền tảng để đi sâu vào đối tượng trung tâm của chuyên luận.

Bằng cái nhìn tổng quan, Khế Iêm đã đưa người đọc đi về “Những nẻo đường quá khứ” làm nền tảng để tri nhận những cách tân của thơ Tân hình thức hôm nay. Theo tác giả, ở thời đại phục hưng người ta “thiết lập một quy trình giáo dục đặt trung tâm vào văn phạm, lý luận và thuật hùng biện từ đó hướng con người tới thời hiện đại.” Dịch chuyển qua thời lãng mạn, nghệ thuật đi vào khai phá sự nhạy cảm của các giác quan, đi tìm sự thật tuyệt đối và công lý làm thăng hoa giá trị con người. Đến chủ nghĩa tượng trưng, qua sự biện giải của diễn giả, chúng ta nhận thấy người ta mơ tới một ngôn ngữ lý tưởng để diễn đạt thế giới ngoài vật chất. Thời hiện đại là “một bức tranh hoành tráng, đầy âm thanh và cuồng nộ gắn liền với những phong trào tiền phong như chủ nghĩa ấn tượng, lập thể, trừu tượng, biểu tượng trong hội họa, chủ nghĩa hiện sinh trong triết học, Dada siêu thực trong thơ…”. Từ những sự dịch chuyển tiệm tiến đó, cảm thức nghệ thuật và nhận thức về thế giới của người sáng tạo cũng có những thay đổi; sự thay đổi này luôn là sự chuyển đổi của diễn ngôn, cấu trúc và tư duy của kẻ sáng tạo. Những sự dịch chuyển và thay đổi này được Khế Iêm trình bày một cách khái quát nhất trong cái nhìn logic của sự vận động “Từ truyền thống đến tự do”.

Trong cách nhìn của Khế Iêm thì thơ ca cổ điển luôn nằm trong những luật tắc cứng nhắc, ít khi nó vượt thoát khỏi những chế định của niêm luật. Không nằm im trong những cái khuôn định sẵn là một trong những cách thức để thi ca hướng thượng, vì thế thơ tiền chiến thoát ra khỏi luật tắc cứng nhắc của thơ cổ điển bằng cách “dùng cảm xúc” để vượt qua những niêm luật. Thơ tiền chiến vượt thoát khỏi thơ ca cổ điển nhưng không phải là một cuộc bội ước ráo hoảnh mà vẫn “giữ lại vài yếu tố như vần (thường là cước vận), trau chuốt chữ và cách đọc ngừng ở cuối dòng…”. Dĩ nhiên trong sự tiến hóa thì có những yếu tố bị vượt qua. Những nhà thơ về sau, theo Khế Iêm, họ đã “phá bỏ thể loại và vần” và từ đó dẫn tới hàng trăm sự cách tân, khai mở. Sự khai mở đánh dấu bằng cách “sử dụng thi pháp đời thường thay thế thi pháp cảm tính”. Bội ước với những giấc mộng đêm qua, thơ dần dần xác lập một hướng đi mới, dần trở thành “tự nhiên như một dòng đời sống” để vươn tới những cách tân lẫy lừng như thơ Tân hình thức hiện nay.

Với sự dẫn lược về những đặc trưng thi pháp của thơ qua mỗi thời đại, mỗi hệ hình, chuyên luận đã trang bị cho người đọc những nền tảng cơ bản để từ đó soi chiếu vào những cách tân, vượt thoát của thơ Tân hình thức, để thấy rằng mọi sự thay đổi trong thi ca luôn phải được phôi thai từ những sự biến chuyển trước đó.

Từ những khái quát mang tính tổng quan, Khế Iêm đi vào diễn giải một cách cụ thể và nghiêm xác về thơ Tân hình thức, vì thế qua mỗi chương khúc, những vấn đề cốt lõi về thơ Tân hình thức dần được hiển lộ trong văn bản. Theo Khế Iêm: “Gọi là Tân hình thức có nghĩa là lấy những thể cũ (old form) tiêu biểu cho một nền văn hóa, một truyền thống, định hướng lại mang ý nghĩa vừa hòa tan vừa kết nối, giữa thời đại này và thời đại khác… Tân hình thức nối kết nhiều truyền thống, nhiều nền văn hóa. Khi phá vỡ ranh giới giữa cá thể và tập thể, Tân hình thức là một hiện tượng tự nhiên, vượt ngoài tinh thần trường phái,… là một hiện tượng tự nhiên, ai cũng như ai, bình đẳng và cùng bị cuốn vào trong một chuyển động lớn”. Về mặt thi pháp, thơ Tân hình thức là một mặt tích cực trong nhiều mặt của thơ Hậu hiện đại: “Thơ Tân hình thức gồm ngữ điệu tự nhiên và những câu nói thông thường, vắt dòng và kỹ thuật lặp lại. Vấn đề là sử dụng kỹ thuật lặp lại làm sao để chuyển nhịp điệu từ những biến cố tự nhiên thành nhịp điệu thơ, không bài thơ nào giống bài thơ nào, điều đó tùy thuộc vào tài năng và kinh nghiệm của mỗi nhà thơ, vừa đơn giản vừa phức tạp, là một ẩn số khó ai có thể nói trước…”. Nhìn chung Vũ điệu không vần - Tứ khúc - và những tiểu luận khác đã đưa đến cho người đọc những vấn đề cốt lõi về thi ca nói chung và thơ Tân hình thức nói riêng. Chỉ khi người đọc tiếp xúc trực tiếp với văn bản thì mới có thể nhìn thấy được sự nghiêm túc và ý nghĩa của công trình này.

Về thơ Tân hình thức Việt, theo lí giải của Khế Iêm, thì đó là sự “dứt khoát với những giấc mộng đêm qua”. Do tiếp nhận một số nguyên tắc thơ tự do phương Tây, cùng với đặc tính ngôn ngữ tiếng Việt, thơ Tân hình thức Việt có những đặc trưng sau: “Ngữ điệu, cú pháp văn phạm, sự lặp lại, tính truyện, cách đếm âm tiết và kỹ thuật vắt dòng. Dùng cách lập lại hình ảnh, ý tưởng, nhóm chữ, và vắt dòng, để thay thế vần ở cuối dòng…”. Là một trường hợp đặc biệt của thơ ca đương đại Việt Nam, thơ Tân hình thức “bắt đầu tìm kiếm một căn bản mỹ học, hình thành ngữ điệu đọc cho thơ, vượt ra ngoài khuôn khổ vần điệu Tiền chiến và Đường thi…”, vượt thoát khỏi những ràng buộc từ thơ ca truyền thống, vượt trên quan điểm thẩm mỹ của tư duy tiền hiện đại, xác lập một địa hạt riêng về tư tưởng và bút pháp, từ đó kết nối với thi ca đương đại thế giới.

Thơ Tân hình thức với những đặc trưng mỹ học của nó liệu có gây nên sự dị ứng nào đó đối với thi nhân và người đọc thơ ở một quốc gia Tiền hiện đại như ở Việt Nam. Dễ dàng nhận thấy tư duy tiểu nông đang bám víu trong cảm thức nghệ thuật của một số người sáng tạo Việt, vì thế cái mới, cái vượt qua sự tri nhận của lý tính thông thường như Tân hình thức tất yếu sẽ có những phản ứng ngược chiều. Thi gia Việt hiện nay đang đứng trước những cái khó riêng. Việc chấp nhận hay không những kiểu thi pháp mới lạ đối với tư duy người viết ở Việt Nam là một điều cần bàn để thơ Tân hình thức không chỉ dừng lại là những tín hiệu nhỏ lẻ, những manh nha khó đi đến tận cùng.

Đứng trước sự hỗn chứa của nhiều trào lưu sáng tạo khác nhau trong lòng một quốc gia tiền hiện đại, người viết trẻ Việt đương nhiên phải tự đốt đuốc tìm đường. Thành bại của người viết nằm trong sự lựa chọn địa hạt để triển khai tư tưởng và tùy thuộc vào đôi cánh văn chương của họ.

Nhìn một cách tổng quan nhất thì trong vô số nhà thơ hiện nay có thể thấy rõ sự xác lập hai khuynh hướng sáng tạo khác nhau. Khuynh hướng thứ nhất là những người mang ý hướng cách tân. Họ tự đốt đuốc tìm đường, muốn vượt thoát những tư duy cũ nhằm xác lập một diện mạo mới cho nền thi ca nước nhà. Do đó Tân Hình thức là một địa hạt luôn mê dụ họ. Khuynh hướng thứ hai là những người viết trung thành với diễn ngôn cũ và hệ hình đã ăn sâu vào tiềm thức và cảm thức nghệ thuật của họ. Thế giới của họ gần gũi với số đông, ít thấy sự đột phá, nhưng thực ra đối với sự đọc ngày nay ở Việt Nam thì họ là người của công chúng. Dĩ nhiên cái thuộc về đám đông thì ít hay nhiều cũng dung chứa những điều có ý nghĩa.

Khuynh hướng nào cũng dung chứa cái khó riêng.

Cái thuộc về đám đông tất nhiên là những cái quen thuộc, những sự vật đã định hình và găm sâu vào ý thức của con người. Và chúng là những sự vật dễ dàng tri nhận. Không khó để có thể nhận thấy dấu vết của tư duy nghệ thuật tiền hiện đại trong khuynh hướng sáng tạo thứ hai. Thế giới nghệ thuật của những người theo khuynh hướng này ít khi mang tính ẩn dụ. Hình ảnh trong tác phẩm ít khi xa rời với nguyên mẫu. Bút pháp tả chân luôn trung thành với khởi thủy của hình tượng. Tuy nhiên những người sáng tác theo khuynh hướng này vẫn có những cách thức chuyên biệt để làm hình tượng lệch pha với nguyên mẫu, nhưng trong tổng thể, vẫn là sự chi phối của quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng. Và đương nhiên đây là dấu vết của các quan niệm nghệ thuật khởi phát từ những tiên triết như Platon, Aristote. Vì thế thơ ca của họ dễ dàng được đám đông chấp nhận. Người đọc bình dân có thể khóc cười với thế giới nghệ thuật của họ. Tất nhiên những tác phẩm trong khuynh hướng này thường không có đột biến trong cấu trúc cũng như trong hành ngôn mà nặng về nội dung và chức năng tải đạo của văn bản. Tư duy, lý trí, trực cảm của người bình dân có thể bấu víu vào đây. Những giọt nước mắt có thể rơi xuống trên trang viết, những nụ cười có thể phát ra ngay khi vừa đọc lần đầu văn bản. Đám đông nói với thi nhân rằng tôi nhìn thấy tôi trong thế giới chữ của anh, tác phẩm của anh là tiếng lòng của tôi và từ đó đương nhiên họ sẽ tụng ca người khiến cho cảm xúc của họ được thăng hoa.

Nhưng cái khó của những người làm thơ theo khuynh hướng này là khó có thể vượt qua rào cản của biên giới địa phương hay biên giới quốc gia. Những đứa con tinh thần này có thể nhảy múa trong địa hạt nhỏ hẹp nhưng khi tung cánh lên không trung thì đôi cánh lại trở nên yếu mềm. Đám đông ca tụng họ nhưng những siêu độc giả, kẻ đồng sáng tạo lại quay lưng với họ. Những siêu độc giả cho rằng sáng tác của những người viết theo khuynh hướng thứ hai là những câu chữ bình dân chỉ để mà vơi dịu những cảm xúc đời thường, chỉ đánh lừa được những lý trí nghèo nàn, những cảm tính đơn điệu. Khi người đọc khó tính khai phá vào chiều sâu nội tại văn bản, họ không hề nhìn thấy gì ngoài những chi tiết mùi mẫn mô phỏng một cách gượng gạo hiện thực. Họ đòi hỏi văn bản ít ra cũng phải có một cái gì đó trong cấu trúc hay hành ngôn, hình tượng… Dưới sự soi chiếu, tri nhận của những siêu độc giả thì những vần thơ như thế là hệ quả từ kiểu tư duy tiểu nông đang bám víu một cách dai dẳng trong tâm thức của người Việt nói chung và trong tư duy của người sáng tạo nói riêng. Tư duy tiểu nông bộc lộ ngay trong hành ngôn, trong những hình ảnh đơn điệu khó vươn lên tầm biểu tượng, những diễn ngôn lỗi thời không bao giờ trở thành một màn quảng diễn trò chơi ngôn ngữ của thi nhân cao tay. Vì thế đối với họ thơ Tân hình thức vô cùng xa lạ, khó lòng chấp nhận một lối chơi xa rời với tâm thức người Việt. Nói chung siêu độc giả luôn cho rằng đây là những tác phẩm nghèo nàn, hệ quả của một cách viết thiếu lý luận, thiếu sự mở rộng nhãn quan trước sự biến chuyển ồ ạt của kĩ thuật thơ Tân hình thức Tây phương.

Trở lại với khuynh hướng thứ nhất, khuynh hướng của những nhà thơ năng động, tự đốt đuốc tìm đường. Có một hệ lụy rõ ràng nhưng họ lấy làm hãnh diện vì hệ lụy đó là họ không thuộc về đám đông. Những người sáng tạo theo khuynh hướng này luôn luôn chuyển biến trong tư duy và cảm quan nghệ thuật, nói một cách nghiêm xác thì họ là những kẻ cô độc trong khu vườn sáng tạo của mình. Tác phẩm của họ lệch pha đến tận gốc rễ đối với hiện thực khách quan, vượt xa sự mô phỏng, họ khiến quan niệm nghệ thuật là sự mô phỏng rơi vào tình trạng lâm nguy. Thế giới hình tượng trong thơ của họ xa rời tính bản nguyên của sự vật, một không gian phì đại, một thế giới thậm phồn ẩn chứa ngay trong cấu trúc. Người đọc đứng trước một sự thách đố về khả năng tri nhận tác phẩm. Tác phẩm viết theo khuynh hướng này luôn nằm trong thế lấp lửng giữa những cái khả tri và những cái bất khả tri. Lý tính thuần túy, trực cảm bình dân khó lòng chạm vào được chiều sâu nghệ thuật. Thậm chí đôi khi đến cái túi khôn duy lí của người đọc cũng phải bó tay. Bước vào nghệ phẩm đồng nghĩa với sự chấp nhận quyền năng siêu nghiệm của nghệ thuật. Tác phẩm viết theo khuynh hướng này như là lối chơi khó tri nhận của trò chơi ngôn ngữ lấp lửng lưỡng thê, giống như sự biến hóa trong kính vạn hoa của người phương Đông. Đó là thế giới bất quy luật, bất khả tri nhận, một thế giới bị xé lẻ trong kết cấu phân mảnh, một thế giới luôn hoài nghi về sự hiện hữu của chân lý, đạo đức… Không có cái gọi là sự thật trần trụi hiển lộ ngay trên bề mặt văn bản. Người đọc cần tìm thấy cái không hiển lộ, cái nghiệm sinh sâu kín trong thế giới vô thức, thế giới nội cảm của những điều hoang tưởng giấu kín trong tâm thức.

Tất nhiên những người viết theo khuynh hướng thứ nhất không thuộc về đám đông. Thậm chí một số người đọc nguyền rủa họ, xem họ như là những kẻ chơi khăm, những kẻ cuồng tưởng đả phá nghệ thuật. Thế giới của họ chờ đợi những diễn giải phù hợp để đám đông thấy chúng là nghệ thuật. Những người viết này là đối tượng của những siêu độc giả, những nhà phê bình lý luận có trách nhiệm với từng con chữ của mình. Xét ra về lâu về dài thì đôi cánh của họ có thể tung bay để kết nối thơ ca Việt Nam với thơ ca thế giới, để thơ Tân hình thức không chỉ là những mảnh vỡ nhỏ lẻ mà là một dòng chảy song song với nhiều dòng chảy khác trong lòng thi ca đương đại nước nhà.

T.L

(273/11-11)


-----------------------
* Những chữ in nghiêng trong ngoặc kép được chúng tôi trích dẫn từ trong công trình này của Khế Iêm.







Các bài mới
Gởi Trinh (05/12/2011)
Các bài đã đăng