Tạp chí Sông Hương - Số 273 (tháng 11)
Cuốn sách chữ Và
09:55 | 15/11/2011
LGT: R. Grossmith sinh năm 1954 ở Dagenham thuộc London, nhận bằng tiến sĩ với luận án về Nghệ thuật tiểu thuyết của Vladimir Nabokov và hiện sống ở Glasgow, nơi ông làm việc biên soạn tự điển.
Cuốn sách chữ Và
Minh họa: THÁI NGỌC THẢO NGUYÊN
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Tiểu thuyết đầu tay giúp ông thành danh là The Empire of Lights (1990 Đế chế của những ngọn đèn). Truyện ngắn sau được in trong tập The Best of Best Short Stories 1986 - 1995. Đây là tuyển tập được chắt lọc từ 10 tập Best Short Stories do nhà xuất bản Minerva tuyển chọn hàng năm từ 1986 đến 1995. Truyện này thuộc loại metafiction (tạm dịch là “siêu truyện” hoặc “siêu hư cấu” và có thể hiểu là “truyện vượt ngoài truyện để nhìn lại truyện”). Loại này lấy chính việc sáng tác hư cấu làm đề tài mổ xẻ, qua đó đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa hư cấu và thực tại, và cũng chạm tới tính hư cấu có thể có ở thế giới bên ngoài văn chương (tức là đặt câu hỏi: thực tại có thể có tính hư cấu không?).


ROBERT GROSSMITH


Từ nguyên thủy đã có chữ và(1)
.

John 1:1

Và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và và… tôi trích dẫn từ ký ức những chữ mở đầu của cuốn Book of Ands. Trong khoảng trống giữa những liên từ này có câu chuyện của tôi, có mọi câu chuyện trên đời. Tôi xin lỗi, đây không phải là cách khởi đầu hay nhất. Hãy để tôi thử lại xem.

Tuyên bố tính hư cấu của mình đã thành qui ước cho hầu hết các truyện thời nay. Truyện của tôi, tuy nhiên, lại là có thật. Tôi sống một mình trên một căn hộ tầng thượng trong một thị trấn đại học nhỏ trong một vũ trụ mở rộng ở cả hai và(2). Thử lần nữa xem.

Một mình trong căn hộ của tôi vào một buổi chiều cách nay vài tháng (tốt hơn rồi đấy), tôi nghe một tiếng chuông cửa. Tôi mở cửa và một người lạ đứng đó. Trong chiếc khăn đội đầu sặc sỡ, mặc áo ghi lê kiểu cổ, và mang đôi xăng đan nhựa, ở anh ta có một vẻ lỗi thời. Tôi hỏi anh ta muốn gì. “Có ít sách muốn bán,” anh ta nói. “Chủ yếu là truyện hoang đường và khoa học viễn tưởng. Cái ông ở hiệu sách góc phố nói có thể anh thích”. Tôi không nén được một nụ cười. Bất cứ khi nào già Kowalski thấy mình bị quấy rầy bởi các sinh viên đang cố trút mớ sách của họ cho ông để kiếm tiền đi nghỉ hè vào cuối học kỳ hè, ông luôn luôn cho họ địa chỉ của tôi, dù ông biết sở thích của tôi là rất chuyên môn và tiền bạc của tôi có giới hạn. Tôi vẫn luôn chỉ họ trở lại chỗ ông ta mà chẳng mua cuốn nào sau khi xem xét những món hàng của họ với vẻ làm như quan tâm. Đây là một kiểu trò đùa qua lại giữa chúng tôi.

“Phải, anh tới đúng chỗ rồi,” tôi nói. “Tôi giống như một nhà sưu tập vậy.” Tôi phác tay ra phía sau chỗ những kệ sách võng xuống dọc theo các bức tường. “Thứ của hiếm gì mà anh muốn bán cho tôi vậy?”

Anh ta tháo dải rút của chiếc túi vải len anh ta đeo trên vai và trút hết các thứ bên trong ra trên tấm thảm dưới chân tôi. Trong dòng thác những cuốn sách bìa mềm quăn góc, có bìa sặc sỡ và những tựa đề lạ lùng tuôn ra cho tôi xem, mắt tôi dán vào một cuốn sách bìa cứng mỏng vẫn còn lớp bìa áo trắng bóng (dù hơi bị lem luốc và xỉn đen vì thời gian) giống như vị khách tới không đúng bữa tiệc. Lớp bìa áo mang tựa đề The Book of Ands và bên dưới nó hàng chữ in nhỏ hơn ghi tên tác giả, George Lewis Berg. “Cái gì đây?” tôi nói, nhặt nó ra khỏi đống sách hơi chôn khuất nó và lật bừa ra. Trang sách đầy những cột được chia khoảng ngay ngắn gồm toàn những chữ “và”. Tôi lật tới, rồi lật ngược trở lại trang đầu; trang nào cũng giống nhau. “Có vẻ như một kiểu trò đùa gì đó, đúng không, một trò giễu nhại chắc?” Tôi nói để giấu vẻ nản chí của mình, nghĩ đến Hemingway và Dickens, những kẻ cuồng chữ “và”.

“Phải, đại loại vậy. Nó là quà tặng của một cô gái thường đi chơi với tôi. Đó là tên tôi, ông thấy đó. À, thực ra là Andy, nhưng mọi người cứ gọi tôi là And. Tôi đoán chắc cô ấy thấy nó tức cười.”

“Da thịt làm nên từ ngữ,” tôi nói.

“Ông bảo gì?”

“Không có gì.” Tôi cứ rờ rẫm cuốn sách trong khi chúng tôi nói chuyện, vuốt ve nó, mân mê nó, nhẩm lại những quyền sở hữu của mình. Tôi thừa nhận, những món lạ lùng thế này kích thích tôi. Với vẻ giả vờ hờ hững tôi hỏi, “Vậy anh đòi tôi bao nhiêu cho kiệt tác này, cơn bệnh viêm kết mạc văn học này?”

“Tôi không bán nó với giá dưới một bảng đâu. Giá trị tình cảm đấy. Ông biết mà.”

Tôi trả giá năm mươi xu và anh ta đồng ý.

Vụ giao dịch hoàn tất, tôi mời vị khách vào nhà uống một tách cà phê. Tôi không tiếp nhiều khách đến thăm và nghĩ có thể dễ chịu khi trải qua một hai giờ nhàn rỗi để bàn luận chuyện sách vở. Để đạt mục đích này tôi đã cố moi từ vị khách của mình quan điểm của anh ta về đóng góp của nước Anh vào văn chương hoang đường, đặc biệt đề cập đến Stevenson vàWells. Thật không may anh ta có vẻ chả biết gì mấy về đề tài này - anh ta dường như lầm tưởng rằng Stevenson đã phát minh ra tên lửa - và khi anh ta hớp ngụm cà phê cuối cùng vào hàm râu rối nùi của anh ta, tôi bịa ra cái cớ có hẹn với nha sĩ và tiễn anh ta ra cửa. Thời buổi này có quá ít người mà ta có thể trò chuyện về những vấn đề quan trọng.

Một người như thế, có lẽ duy nhất trong số ít người quen của tôi, là ông bạn Kowalski bán sách của tôi, và sáng hôm sau tôi đến thăm ông ta.

“Có chọn được gì không?” Thoạt tiên tôi không hiểu ông ta nói gì. “Từ cái tay tôi giới thiệu cho anh hôm qua đó?” Có một vẻ vui đùa trong ánh mắt ông ta. “Thực ra thì tôi đã mua được của hắn một món thú vị. Thứ ngộ lắm. Một cuốn sách hết sức kỳ cục. Có từng nghe tên George Lewis Berg chưa?”

“Berg, Berg,” ông ta lặp lại. “Nghe quen quen. Thời buổi này nhiều Berger và Burgess quá. Nhưng còn Berg thì, không, tôi không nghĩ mình biết. Muốn tôi tra ELB cho anh không?”

“Elbe hả?”

“Đó là gọi tắt của Encyclopedia of Literary Biography (Bách khoa thư Tiểu sử văn học). Mười hai tập, một tập bị hư chút đỉnh. Xin mời trả giá.”

“Không phải thứ của tôi, ông biết điều đó mà. Mối quan tâm của tôi là tác phẩm, không phải cuộc đời. Nhưng được, tra tên đó giùm tôi được chứ? B-e-r-g, Berg. Tôi sẽ trông cửa hàng giúp ông.”

Ông ta bật cười. “Đừng lo. Chẳng ai vô đâu. Người ta chẳng mua sách nữa. Ít nhất là thứ sách tôi bán.”

Ông ta lang thang qua hàng đống sách nghệ thuật chất lượng cao đầy bụi và những tập thơ mỏng (thơ là niềm đam mê đặc biệt của ông ta), khuất vào một cửa vòm thấp và đi vòng một góc quầy hàng, ở đó tôi có thể nghe ông hát âm ư một mình chẳng ra nhịp điệu gì trong khi kéo cây thang xếp trên sàn gỗ và leo lên. Vài phút sau ông quay lại mang một pho sách khổ cực lớn nặng nề mở sẵn trên đôi tay, oằn xuống như một đứa bé đang ngủ.

“Berg, George Lewis,” ông đọc. “1885 đến 1949. Tiểu thuyết gia và thi sĩ. Sinh ở Andorra có hai dòng máu Đức và Anh. Chuyển đến Anh lúc…” “Ở đâu?” “Anh.” “Không, ông nói ông ta sinh ở đâu?”

“Andorra. Đây, anh có thể tự đọc.” Ông ta chuyển cuốn sách sang hai cánh tay tôi và tôi mang nó tới cửa sổ, nơi ánh sáng rõ hơn, để đọc.


Mục từ đó là một tiểu sử hai cột và một danh sách những tác phẩm chính của Berg - vài chục tiểu thuyết và tuyển tập thơ mà không cuốn nào tôi từng nghe nói tới. Tôi biết được rằng ông ta làm quản thủ thư viện phần lớn cuộc đời, cho đến khi mắt kém buộc ông phải về hưu, và ông đã đấu tranh chống phe Phát xít trong Nội chiến Tây Ban Nha. Quan trọng hơn trong khía cạnh tôi quan tâm, tôi phát hiện ra ông sống hoàn toàn ẩn dật trong mười năm cuối đời, rõ ràng đang viết tuyệt tác của mình. Tuy nhiên, sau khi ông mất, bản thảo duy nhất được tìm thấy của ông là thứ sẽ được in ra với tựa đề Cuốn sách chữ Và (một mô tả ngắn gọn về nội dung trong đó). Đã có điều khoản trong di chúc yêu cầu tác phẩm sau cùng này của ông phải được tự bỏ tiền in, nếu ông chết trước khi hoàn tất được nó, và do không có bất kỳ bản thảo nào khác, và vì tôn trọng ước nguyện của người chết, nên điều này đã được thực hiện, từ đó sản sinh ra “có lẽ là sản phẩm văn học kỳ quặc nhất trong lịch sử văn chương Anh”. Người ta cho rằng Berg đã bị nhiều cơn rối loạn tâm thần hồi trẻ, hàm ý có vẻ là vào cuối đời sự tỉnh táo sau cùng hẳn đã rời bỏ ông.

Tôi tóm tắt tất cả điều này cho Kowalski và kể cho ông nghe tôi đã mua được một bản Cuốn sách chữ Và từ anh chàng sinh viên mà ông đã giới thiệu đến chỗ tôi ngày hôm trước ra sao.

“Nghe khùng thiệt. Sao có người muốn viết một cuốn sách kiểu vậy nhỉ? Điều thú vị trong một cuốn sách như thế là ở đâu?”. “Tôi không biết, thật kỳ lạ hết sức.” Một ý nghĩ chợt đến với tôi. “Có lẽ, à, có lẽ ông ta đã viết tuyệt tác của ông ta và sau đó đơn giản bắt đầu cắt tỉa nó.” “Ý anh là sao?”

“Này, nhìn vào các sự kiện đi. Cứ cho là ông ta viết tiểu thuyết này trong mười năm. Ông có thể viết bao nhiêu chữ “và” trong mười năm? Đủ để lấp đầy nguyên cả một kệ sách. Nhưng sau khi ông ta chết, có vẻ như người ta chỉ tìm được một xấp giấy nhỏ, cho thấy rằng có vẻ ông ta đã viết chúng không lâu trước khi chết. Ông ta đã làm gì trong phần thời gian còn lại?”

“Anh đang hỏi hay nói với tôi vậy?”

“Tôi chỉ đang đoán thôi, nhưng ừ, có lẽ khi hoàn tất cuốn tiểu thuyết ông ta dần nhận thấy rằng bất kỳ tác phẩm hư cấu thông thường nào - bất kỳ thiên tự sự nào cũng gồm những danh từ, động từ, tính từ do tác giả chọn lựa - bất kỳ phong cách văn xuôi thông thường nào dứt khoát đều giới hạn trí tưởng tượng của độc giả, buộc độc giả chấp nhận cách mô tả các sự kiện của nhà văn thay vì tưởng tượng ra kiểu mô tả của riêng mình. Có lẽ ông ta đã bắt đầu bằng cách tỉa tính từ thừa chỗ này chỗ nọ, như các nhà văn vẫn làm, và việc này phát triển thành một đam mê, một phong cách, hoặc phản phong cách. Có lẽ ông ta đã cắt tỉa cuốn tiểu thuyết ban đầu của mình quá nhiều đến độ sau cùng ông ta chỉ còn lại một từ.”

“Từ ‘và’ hả?”

“Ừ, sau đó có lẽ ông ta đã vứt bản thảo cuốn tiểu thuyết đó đi và chỉ đánh máy lại một từ ông ta giữ lại, từ duy nhất vốn giải phóng thay vì giới hạn trí tưởng tượng của độc giả. Có lẽ nếu ông ta sống thêm một năm nữa cuốn sách sẽ dài hơn hai ba ngàn trang nữa. Làm cách nào có thể kết thúc một chuỗi vô tận được, và thế thôi.”

“Khoan đã, tôi không hiểu. Ý anh là ông ta muốn người đọc…”. “Đúng thế. Tự lấp đầy những khoảng trống giữa các từ”. “Nói cách khác là…”. “Tự mình hoàn tất cuốn tiểu thuyết. Chính xác là vậy. Tự đưa vào các danh từ, động từ, tính từ của riêng mình. Công cuộc hợp tác hoàn hảo giữa độc giả và nhà văn. Tính dân chủ trên trang giấy.”

“Nghe khùng thiệt,” Kowalski lặp lại. “Điều thú vị trong chuyện đó nằm ở đâu? Byron sẽ viết một cuốn như thế chăng? Keats nữa?”

“Có lẽ Berg đã coi Byron và Keats là những kẻ độc đoán. Những tay tác giả chuyên chế, những kẻ độc tài của thi ca, áp đặt những cảm xúc riêng của họ lên độc giả, bóp nghẹt những cảm xúc của độc giả.”

Ông ta lắc đầu với vẻ thương hại. “Tất cả chúng ta không thể là những nhà thơ vĩ đại, anh biết đó. Một số chúng ta bằng lòng với việc ngồi dưới chân của những bậc thầy và thưởng thức Nữ thần nghệ thuật ở bậc thứ cấp. Một số chúng ta không có ước muốn trở thành nhà văn, một số chúng ta hạnh phúc trong vai trò độc giả.” Ông ta đóng cuốn bách khoa thư bán ế đó lại và rầu rĩ ôm nó lê bước trở vào chỗ mờ tối phía sau cửa hàng. “Nếu mọi người đều viết sách,” ông ta nói vọng qua vai, “thì kẻ bán sách hèn mọn này sẽ ra sao đây?”

Nguyên lý mà tôi chợt nghĩ ra để giải thích cho kết cấu khác thường của Cuốn sách chữ Và - người đọc trong vai trò nhà văn - đã gợi trí tò mò của tôi mãnh liệt, và tôi quyết chí thử nghiệm nó. Từ chỗ Kowalski trở về, tôi pha cho mình một tách cà phê, đốt một điếu thuốc và ngồi vào bàn làm việc với Cuốn sách mở ngay trang một trước mặt, định tiếp cận nó như tôi vẫn làm với bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào khác, đọc từng trang liên tiếp, trái sang phải, trên xuống dưới, đầu đến cuối. Trong vài trang đầu sự tập trung của tôi chập chờn: các từ rung lên một cách trống rỗng trong tai tôi, tiếng lắp bắp vô nghĩa của một thằng ngốc vang vào vô tận, một khởi đầu không bao giờ đến được đoạn giữa hay đoạn kết. Nhưng khi đọc tiếp tôi nhận thấy sự chú ý của mình từ từ rời khỏi những khối chữ in đen và thay vào đó bị kéo về phía những khoảng trắng giữa các từ, như một số nhà soạn nhạc nói với chúng ta rằng những khoảng lặng giữa các nốt trong một bản nhạc thì cũng quan trọng như bản thân các nốt nhạc vậy. Tôi đọc to, to hơn nữa, nện ra các từ với nắm tay trên mặt bàn, tạo ra một nhịp điệu, giống như điệp khúc, trong đầu tôi, cho đến khi những biểu tượng trên trang giấy bắt đầu trở nên mờ đi và gần như trong suốt, như thể quanh chúng, giữa chúng, một thứ gì khác đang cố hiện lên, đang đấu tranh để hiện hữu. Và vì lý do gì không rõ tôi thấy mình đang nghĩ ngược về thời thơ ấu và ngày mẹ tôi mất, và chuyện tôi tình cờ thấy một tờ mười shilling, nhàu nát và ướt sũng nước mưa, trong một vũng nước trên đường từ trường về nhà, và vẻ đau đớn trên khuôn mặt ba tôi khi tôi ào vào nhà, ríu rít về vận may của mình, và sự chấn động khủng khiếp trong giọng nói của ông khi ông nói với tôi về tai nạn và mẹ tôi đã lên thiên đàng ra sao, và cảm giác tê liệt tôi cảm thấy, rồi nỗi giận dữ, rồi cơn sầu khổ, và những giọt nước mắt tôi tuôn trào và những đêm tôi nằm thao thức cầu nguyện Chúa mang tôi theo luôn, mang tôi theo luôn, và trời mưa xối xả như thế nào vào ngày đám tang, và những họ hàng vuốt tóc tôi, và làm hết cách để an ủi tôi, vẻ thương hại làm méo mó khuôn mặt họ, và ba tôi mặc toàn đồ đen, cắn chặt môi để không khóc, và vòng hoa tang tôi mua bằng tờ mười shilling ấy, và nó rơi khỏi tay tôi và rớt vào một vũng nước thế nào khi tôi thấy quan tài được hạ xuống lòng đất, không bao giờ trồi lên lại nữa. Và cả ngàn ký ức lặt vặt khác nữa, những hình ảnh ngẫu nhiên từ một quá khứ đã quên lãng, nối kết những chữ và, hình thành một vòng tròn, hiểu được ý nghĩa của sự thiếu vắng. Đọc Cuốn sách ngày đó, tôi đã viết nên câu chuyện cuộc đời của chính tôi. Tôi thức tới khuya để hoàn tất nó.

Qua vài tuần kế tiếp nỗi ám ảnh của tôi về Cuốn sách đã sâu thêm. Tôi thường đi quanh căn hộ với cuốn sách đó mở trên tay, đọc trong đó giống như một cuốn kinh nhật tụng. Tôi có thể đứng ngay cửa sổ như trước một bục giảng kinh và diễn thuyết hùng hồn về thông điệp của nó với người qua đường đang kinh ngạc nhìn lên và trao đổi những bình luận trên đường bên dưới. Mỗi lần mở sách ra tôi đều viết lại câu chuyện đời mình. Tôi tự hỏi làm sao một cuộc đời có thể là đề tài cho quá nhiều cách đọc khác nhau như vậy. Những lúc chín chắn hơn tôi ngẫm nghĩ làm thế nào Roland Barthes tiên liệu được đây là tiểu thuyết scriptible hơn là lisible(3). Tôi nghĩ đến việc phát triển quan điểm của tôi về Cuốn sách này thành một bài báo học thuật và gửi cho một trong những tờ báo văn chương xuất bản hàng quý, trình bày nó như một kiểu nouveau roman avant la lettre(4), độ không của lối viết, văn bản tối giản tuyệt hảo, thứ văn chương của sự cạn kiệt và im lặng. Tôi thậm chí còn có một phác thảo sơ khởi dông dài và lộn xộn trước khi bắt đầu, tất nhiên thôi, việc cắt. Tôi cân nhắc việc hủy bỏ tất cả những cuốn sách khác của tôi, về việc xóa đi tất cả trừ những chữ “và”.

Lẽ ra tôi nên hiểu những gì đang xảy ra sớm hơn, từ bỏ nó sớm hơn. Cho đến lúc tôi làm điều đó thì đã quá trễ. Tôi ngồi tại bàn làm việc sau một đêm thức trắng cực kỳ kiệt sức với Cuốn sách mà trong đó tôi một lần nữa sáng tác lại cuộc đời tôi. Khi đứng lên và đi tới cửa sổ để mở cho khí trời và ánh sáng tràn vào, tôi cảm thấy mình rơi vào một cảm giác lạ kỳ của sự phá vỡ, phân tán, mà thoạt tiên tôi không thể xác định được nguyên nhân. Tôi đứng bất động một hồi, nhìn câm lặng vào khung cửa sổ che màn, cố giữ mình toàn vẹn, nắm bắt những gì đang xảy ra. Rồi tôi chợt nghĩ ra. Nếu cuộc đời tôi có thể được viết hoặc đọc theo nhiều cách khác nhau như thế, nếu nó chứa đựng quá nhiều cốt truyện khác nhau như thế, nhiều cốt truyện cũng như nhiều cách đọc, nếu nó không đi theo cách đó, nó có thiếu bất kỳ cốt truyện nào không? Càng đi sâu vào ý nghĩ này, nó càng khiến tôi lo lắng. Xét cho cùng, cuộc đời tôi là gì, nếu không là một loạt ngẫu nhiên những sự kiện rời rạc, một mớ hỗn độn những ấn tượng tách biệt nhau được ký ức xâu lại theo một chuỗi những liên từ, được phân cho một cấu trúc ngụy tạo để hình thành ảo giác về một cái tôi nhất quán này? Trật tự đời tôi nằm ở đâu nếu không nằm ở sự sắp xếp nhất thời những mảnh vụn thời gian thành một kiểu ý nghĩa phỏng đoán, một kiểu mẫu tùy hứng và phù du như sự kết hợp tình cờ những hạt thủy tinh trong ống kính vạn hoa? Định nghĩa kỳ cục nổi tiếng về mạng lưới: “một tập hợp các lỗ hổng được giữ lại với nhau bằng một sợi dây” đó là gì? Cuộc đời tôi là gì? Vũ trụ là gì, nếu không phải là một mạng lưới như thế - một cấu trúc gồm những thiếu vắng được khiếu lại bằng ý tưởng, một sợi xích được rèn bằng tưởng tượng, Cuốn sách chữ Và đã thành da thịt?

Nếu tôi có một thái độ ít tôn kính hơn đối với cái từ được viết ra ấy, hẳn có thể tôi đã hủy hoại Cuốn sách này ngay lập tức. Nhưng tôi là một người yêu và thích sưu tầm sách thực sự: mọi cuốn sách đối với tôi là những văn bản, những cuốn kinh thần thánh, thiêng liêng. Và tôi không thể ép mình làm chuyện đó.

Thay vì thế tôi mang nó đến cho Kowalski. “Đây,” tôi nói. “Nó là của ông đó, làm ơn nhận đi.”

“A, vậy đây là Cuốn sách chữ Và nổi tiếng của anh.” Và ông ta xòe những trang giấy với ngón tay cái thành thạo. “Không,” ông ta nói. “Tôi không biết dùng thứ này vào việc gì. Ai lại đi mua một cuốn sách như vầy. Giữ lấy nó đi.”

“Làm ơn đi mà!” tôi nằn nì. “Giấu nó giùm tôi. Đâu đó mà không ai tìm thấy. Tuốt trên tầng kệ cao chỗ không ai nhìn tới. Đằng sau một cuốn sách khác. Làm ơn đi mà!”

Ông lom lom nhìn tôi với vẻ tò mò và lo âu, rồi nhún vai. “OK,” ông nói, “nếu anh muốn vậy. Điên, điên thiệt tình,” tôi có thể nghe tiếng ông lầm bầm khi lê bước đi, nhưng tôi chẳng thể xác định ông ta muốn ám chỉ cuốn sách hay tôi.

Tôi rời khỏi cửa hàng trước khi có thể thấy ông xếp nó vào dãy kệ nào. Nhưng tôi không cảm thấy thoải mái hơn sau khi làm xong chuyện này. Tôi đã mang Cuốn sách với tôi, tôi biết, và sẽ mang nó theo mãi mãi, phân bố thế giới này giữa những liên từ của nó, lắp ráp ý nghĩ của tôi vào cú pháp của nó. Tôi hiểu rằng Cuốn sách này là một cuốn sách phải được viết ra nhưng có lẽ sẽ không bao giờ được đọc, bởi vì một khi đã đọc nó người ta sẽ không bao giờ quên được nó, không bao giờ để yên nó không đọc. Giống như bản thân vũ trụ này, vô cùng nhưng bị giới hạn, nó sẽ tiếp tục mở rộng, một cách không thương tiếc.

HUỲNH KIM OANH dịch
(273/11-11)




---------------------
(1) Bản tiếng Anh của Phúc âm theo Thánh John (Gioan) là “In the beginning was the Word, and the Word was with God.” Câu này thường được dịch là “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa.” Tác giả đã bỏ dấu phẩy, không viết hoa chữ “word” và đưa chữ “and” vào câu đầu, chúng tôi dịch như trên cho sát với ý của tác giả.
(2) Tác giả chơi chữ: ông viết ‘a universe expanding at both ands ’ (một vũ trụ mở rộng ở cả hai và), thay vì ‘a universe expanding at both ends’ (một vũ trụ mở rộng ở cả hai đầu).
(3) Tiếng Pháp trong nguyên tác, dùng lại chữ của R. Barthes, nhà phê bình văn học Pháp, scriptible: viết ra được; lisible: đọc được.
(4) Tiếng Pháp trong nguyên tác, nghĩa là “tiểu thuyết mới chưa hoàn thiện.”






Các bài mới
Gởi Trinh (05/12/2011)
Các bài đã đăng