Tạp chí Sông Hương - Số 273 (tháng 11)
Thiên sứ mang sức sống vĩnh hằng của nghệ thuật
09:01 | 21/11/2011
THANH MẪN Tôi khóc những chân trời không có người bay Lại khóc những người bay không có chân trời.                                 (Trần Dần)
Thiên sứ mang sức sống vĩnh hằng của nghệ thuật
Ảnh: internet
[if !mso]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nghệ nhân và Margarita là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn thần bí Nga thế kỷ XX, M. Bulgakov. Thông qua số phận của Nghệ nhân, Bulgakov đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, không chỉ có giá trị lịch sử mà hồi quang của nó còn toả sáng mãi về sau. Đó không chỉ là vấn đề số phận của trí tuệ mà còn là số phận của tâm hồn. Sứ mạng cao cả cuốn tiểu thuyết của anh lấp lánh ánh sáng tiên tri cho thời cuộc, từ huyền thoại lịch sử xa xưa. Vậy mà, nhà nước toàn trị đã gây nên bi kịch tang thương, chế độ chuyên chế đã bóp chết và hủy diệt tâm hồn.

Bi kịch của Nghệ nhân là sự tái sinh bi kịch của Promethee thời hiện đại. Mang trong mình khát vọng cháy bỏng sáng tạo nghệ thuật, với vốn trí tuệ uyên bác, học vấn cao thâm anh đã khôi phục lại chân lý chôn vùi gần 2000 năm, đó là bi kịch của nhân loại chứa đựng ý nghĩa triết học cao siêu, mà bằng một cách thần bí, anh đã khám phá ra sự thật cụ thể của sự kiện lịch sử, về Ponti Pilat và Iesua. Quan trọng hơn là huyền thoại lịch sử ấy đã bị cuốn phăng trong tâm trí con người hiện đại, nhưng lịch sử dường như đang tuần hoàn trở lại trong một hình thức mới. Con người trở nên cằn cỗi, sỏi đá và đui mù trước lịch sử. Nghệ nhân hăm hở vén bức màn bóng đêm ấy, nhưng phần thưởng anh nhận được là gì? Là sự thờ ơ lãnh đạm, anh trở thành “người xa lạ”, như dịch hạch dưới con mắt của người nghiên cứu văn học đương thời. Họ đã công kích, vu khống và buộc tội nhà văn một cách trắng trợn. Những kẻ cơ hội trong giới phê bình mà đại diện là Latunski, Ariman, Mstislav Lavrovich... đã gọi anh là kẻ thù núp dưới bóng biên tập viên... lợi dụng sự ngây thơ dốt nát của biên tập viên, đã tìm cách tống lên mặt báo những lời biện hộ cho Jesu Christ; Mstislav Lavrovich đòi phải đánh, đánh thật mạnh vào cái chủ nghĩa Pilat và kẻ sùng chúa...

Sự tra tấn của giới nghiên cứu văn học đã khiến anh hao mòn tương huyết, hút đi tinh khí và dập tắt ngọn lửa sáng tạo. Đứa con tinh thần của anh là hiện thân của cuộc đời anh, vậy mà bị phủ nhận, bị vu khống trắng trợn. Trước mắt anh chỉ là vực thẳm tuyệt vọng đen ngòm mà tình yêu của nàng Margarita cũng không thể níu giữ anh chới với trên miệng vực. Anh trở nên sỏi đá cằn cỗi có lẽ sẽ khiến nàng dễ chịu hơn, ngược lại, nỗi buồn sáng tạo đã dẫn dụ anh vào bi kịch hủy diệt khốc liệt. Không chỉ đau đớn ném tập bản thảo vào lửa - đốt cháy khát vọng khôi phục chân lý mà ám ảnh hơn là giết chết ước mơ, cảm hứng, cuộc đời, và hơn nữa là căm ghét chính tác phẩm của mình. Không phải Nghệ nhân yếu đuối không đủ sức đương đầu với thời cuộc, không có đủ sự kiên cường như chính người đã tạo tác nên anh, mà càng đóng đinh một điều rằng sự khốc liệt của bất công, dối trả, thói ích kỷ của một bộ phận, thậm chí tầng lớp tinh hoa văn hóa đương thời (massolit). Đôi mắt khát khao sáng tạo của anh bây giờ là cả một sa mạc, tâm hồn nhạy cảm tự do và tràn ngập tình yêu bây giờ trở nên trống rỗng... Margarita đã nói đúng người ta đã hại
 anh, biến anh thành người tàn tật, nhưng đau đớn nhất đó là sự tàn tật của tâm hồn, là nhát chém hư vô khiến anh suốt đời phải quằn quại trong vũng máu đau thương và tuyệt vọng, cuối cùng, đi tìm sự giải cứu ở sức mạnh của thế giới bên kia.

Số phận của Nghệ nhân không chỉ là ảnh xạ của Bulgakov, là chiêm nghiệm của nhà văn trước một loạt những hiện tượng văn nghệ sĩ Xô viết lúc bấy giờ từ giã cuộc đời trong sự trẻ trung, đang độ sung sức và chín muồi tài năng như: A. Bloc, X. Essenin, V. Maiacovski... mà còn khái quát lên, có tính chất như một quy luật: khi chân lý nghệ thuật, chân lý cuộc sống mâu thuẫn với quyền lực chính trị thì quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ rơi vào bi kịch bi thảm nhất. Quy luật tàn nhẫn ấy không chỉ đối với riêng người nghệ sĩ mà là số phận chung của tầng lớp trí thức, không chỉ trong giới hạn địa lý không gian một quốc gia dân tộc mà mang tính chất toàn cầu, không chỉ trong thời gian hữu hạn mà đã chảy tràn kể từ khi có lịch sử. Văn học bị biến tính, sa đọa và trở thành một thứ công cụ độc ác nhất, một thứ tôi đòi cho chế độ. Khủng khiếp, tàn nhẫn và đi ngược tiến bộ với văn minh nhân loại nhưng thử hỏi ai có đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi lịch sử ấy. Khi chính trị còn “vỗ vai” văn học thì tự do sáng tạo chỉ là cái vỏ vật chất của ngôn từ được người ta lấp đầy bằng những ảo tưởng giả tạo, hoặc chỉ là tự do của một số hữu hạn nhà văn đã bị thể chế hóa. Và điều đó cũng thật đúng đắn khi M. Kundera khẳng định: “Tiểu thuyết không thể tương hợp với thế giới toàn trị”.

Tự do sáng tạo đối với người nghệ sĩ cần thiết như nước là môi trường sống duy nhất của cá vậy. Nhưng tự do không phải là xuyên tạc, vu khống hiện thực mà trong giới hạn nhất định thì nghệ thuật phải được hít thở bầu không khí riêng của nó, người nghệ sĩ có thể đứng từ nhiều góc độ để “giải phẫu hiện thực”, để giúp hiện thực ấy đạt đến chân lý và nhân bản. Bulgakov sống vào thời kỳ mà chế độ toàn trị áp đặt và hiện diện trong mọi mặt của đời sống, ông đã tìm một lối thoát riêng - cái kì ảo, cái giả tưởng như là lưỡi dao sắc bén nhất để mổ xẻ, truy tìm căn bệnh quái thai của thời đại đang ngự trị trong hình hài của ông chủ mà nọc độc của nó đang ngày càng ngấm sâu vào huyết quản của con người, giết chết đi phần tinh túy nhất, “người” nhất trong mỗi cá nhân.

Trong Nghệ nhân và Margarita, với tư cách là một nhà văn, Bulgakov đã chiêu tuyết cho nhân vật của mình, hay đó cũng là niềm tin sâu sắc vào con đường chân chính mà ông đã chọn. Bằng yếu tố kì ảo, tác phẩm của Nghệ nhân đã được tái sinh vẹn nguyên từ ánh sáng của thần Agni bất tử các bản thảo không cháy. Lời phán quyết của Voland mạnh mẽ, chắc nịch như bản thân sự sinh tồn của những giá trị bất tử. Đó là Kim tự tháp về niềm tin sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất đối với văn chương, một cứu cánh của sự sáng tạo nghệ thuật, và số phận của nhà văn được định đoạt trên hết bởi nghệ thuật, bởi tài năng và trách nhiệm của nhà văn trước nghệ thuật, trước cuộc đời. Không phải là chết đi rồi mới trở thành bất tử mà sức sống vĩnh hằng của chân lý và điều thiện vẫn bám rễ vững chắc nhất trong phần lương tri của con người... Khả năng và sức mạnh kỳ diệu của Voland không chỉ nhằm khẳng định sức sống tác phẩm của Nghệ nhân và sâu xa hơn là trao ban cho anh quyền lực để giải phóng cho nhân vật Pilat của mình. Sự tái ngộ kỳ diệu của những con người biết nhau mà chưa một lần gặp mặt ấy hay chính là sự quần tụ của nhân tâm trong môi sinh của điều thiện, trải qua bao lầm lỡ và khổ đau con người lại sống với nhau trong dạt dào của một thứ tình yêu thánh thiện là sự thứ tha và giải thoát.

Bản thân việc gặp nhân vật mà mình tạo dựng - con người huyền thoại cách đây 2000 năm lịch sử vốn đã là một điều không thể, vượt xa hơn điều không thể
 ban đầu ấy lại là siêu thực tại sống động vô cùng. Giữa không gian kì ảo trên đồi Vorobiev, trong đêm các món nợ đều được thanh toán, giữa ánh trăng rực rỡ, đối lập với những vực sâu không đáy đen ngòm, ở đó, Pilat được giải thoát: Ngài được giải phóng! Ngài được tự do! Người ta đang đợi ngài. Đó không chỉ đơn thuần là lời kết thúc tác phẩm của Nghệ nhân mà trở thành “trận sấm rền”, hủy diệt cái ác và bóng tối của thần linh và đất trời. Điều kỳ diệu bậc nhất ấy có lẽ chưa xuất hiện ở tác phẩm nào trong lịch sử văn học là nhà văn đã để cho nhân vật của mình sáng tạo một tác phẩm trọn vẹn, tuyệt tác. Vì vậy, ý nghĩa tiên khởi của nó là nhằm ca ngợi trí tưởng tượng tuyệt vời đối với nhà văn thần bí của chúng ta. Và, dường như nó cũng toát lên trách nhiệm của nhà văn trước cuộc đời, mà trước hết là đối với những gì mình sáng tạo ra. Sứ mệnh của người nghệ sĩ, lẽ sống còn của nghệ thuật là ở trách nhiệm đạo đức đó. Có căm ghét cuốn tiểu thuyết của mình thì Nghệ nhân cũng phải nói lời phán quyết cuối cùng. Điều này trở đi, trở lại trong sáng tác của Bulgakov như một ngọn hải đăng giữa bão tố của thời cuộc. Giáo sư Preobraijenski trong Trái tim chó và nhà động vật học thiên tài Persicov trong Những quả trứng định mệnh cũng là những lộ thiên và trách nhiệm nặng nề nhưng cao cả ấy: mỗi tìm tòi, mỗi phát minh khoa học đều phải đặt dưới sự kiểm soát về trách nhiệm đạo đức của nhà bác học; nếu phát minh đó vượt ra ngoài sự kiểm soát thì nó đe dọa các giá trị đạo đức mà loài người đã tạo nên, đe dọa cả người sinh ra nó và sự tồn tại nói chung của nền văn minh nhân loại.

Ý nghĩa khơi gợi của hình ảnh Nghệ nhân giải phóng cho Pilat còn đậm màu sắc tôn giáo huyền bí trong tư duy triết học nghệ thuật - tôn giáo của Bulgakov. Phải chăng trong thiên chức đó, Nghệ nhân trở thành thiên sứ và nữ thần Nghệ thuật đã có uy lực không chỉ vượt ra khỏi bóng rợp của tôn giáo mà sức mạnh của nó còn có thể giải cứu tôn giáo, thay thế tôn giáo? Nếu Homer là người đầu tiên đặt ra mối quan hệ giữa sự sáng tạo thi ca và tôn giáo, văn học và thần học thì Bulgakov là hậu sinh tiếp bước, đồng thời gắn chặt vấn đề với thời đại. Điều này có ý nghĩa lớn lao đối với văn học nghệ thuật, bởi văn học không chỉ phản ánh con người trong sự tổn thất của nó mà còn vực con người dậy từ đáy sâu tuyệt vọng, hướng đến niềm hi vọng, sự lạc quan hiện hằng và vĩnh cửu. Hơn nữa, bằng sự giả tưởng và huyền bí, văn học đã truyền đạt đến cho con người những cái thậm chí không thể truyền đạt một cách đáng tin cậy nhất, nhân bản nhất. Pilat của Bulgakov đã sống trong nỗi dằn vặt khổ đau, ngưỡng vọng tới chân lý với một niềm ăn năn sâu sắc cuối cùng đã đặt chân lên con đường ánh trăng với màu xanh huyền diệu. Khác hẳn với Pilate của Kinh thánh - kẻ vì quyền bính mà không coi trọng công lý, cuối cùng bị thủy thần trừng phạt, chết trong vũng nước của tội lỗi với những chùm tảo gớm ghiếc.

Nghệ nhân là Thiên sứ bởi ý niệm giải phóng cho nhân vật mình đã sáng tạo (Pilat) là mệnh lệnh tiên thiên, là ý niệm tuyệt đối của Chúa Quỷ tối cao mà anh đã được thụ pháp trong sự kì bí diệu vợi.

Tham vọng chân chính của Nghệ nhân là hướng đến cái Chân- Thiện- Mỹ, với Nghệ nhân và Margarita, Bulgakov đã tiếp bước, với những bước chân chắc chắn nhất, trên con đường của vòng hoàng đạo nhân sinh. Cái kì ảo xuất hiện như là vị thần hộ mệnh cho nghệ thuật, để nghệ thuật nói lên khát vọng tự do sáng tạo chân chính của mình một cách thống nhất. Đồng thời, cái kì ảo vừa như là một sự giải thoát cho Nghệ nhân đến miền yên tĩnh trong chốn nương thân muôn đời, vừa như là sự nối dài bản nguyên của nghệ thuật trong mối quan hệ đa chiều với đời sống, tôn giáo... đem đến ý nghĩa nhân sinh và sức sống vĩnh hằng cho nghệ thuật.

T.M

(273/11-11)







Các bài mới
Gởi Trinh (05/12/2011)
Các bài đã đăng