Tạp chí Sông Hương - Số 19 (T.6-1986)
Nguyễn Trãi trước những ngã ba thời đại
15:06 | 06/01/2012
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Sau này lúc về già, Nguyễn Trãi đã có lần nhắc lại hoài bão lập chí thời trẻ của mình bằng một hình tượng đẹp lạ lùng, "nhìn ánh sáng, muốn học chim phượng ca hát mặt trời lên" (Lãm huy nghi học minh dương phượng).
Nguyễn Trãi trước những ngã ba thời đại
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Ông đã sống suốt cuộc đời mình như đi hết đường bay của chim phượng hoàng, "say hết tấc lòng hồng hộc", không chút hổ thẹn với hình tượng cao cả ấy. Hoài bão lớn, tài năng lớn, tất nhiên là vậy, nhưng như thế vẫn chưa đủ để đưa ông đến hoàn tất sự nghiệp lớn; Ở Nguyễn Trãi, vấn đề còn là sự lựa chọn con đường trước những ngã ba gay gắt của lịch sử thời đại ông. Thiên tài Nguyễn Trãi, về lý tưởng và hành động, trước hết là một thiên tài định hướng.

Sự kiện Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần vào năm 1400 đã đặt những người trí thức đương thời trước một tình thế buộc phải lựa chọn: "Hoặc là... hoặc là..." Hiển nhiên ai nấy đều thấy rõ sự kiệt sức của vương triều Trần trước vận mệnh lâm nguy của tổ quốc: Chiêm Thành chiếm đóng các tỉnh phía Nam trong hàng chục năm, đốt phá kinh đô Thăng Long hàng chục lần, và các vua Trần sợ hãi Chế Bồng Nga như một hung thần bất trị; trong khi ấy, ở phía Bắc, nhà Minh đã ngang nhiên ghi tên núi Tản - sông Lô vào đền thờ các thần sông núi của Trung Quốc, thi hành chính sách áp bức và gây hấn, đẩy nhà Trần từng bước lùi đến thế đầu hàng. Hồ Quý Ly, người đã đánh bại Chế Bồng Nga, đã thực hiện nhiều biện pháp cấp tiến về kinh tế, đã thể hiện quyết tâm vũ trang bảo vệ đất nước, ít ra cũng là một giải pháp lịch sử có hy vọng, đòi hỏi sự đóng góp trách nhiệm của bất cứ ai tha thiết đến vận mệnh dân tộc. Thế nhưng, bị mê ám bởi giáo điều ngu trung của đạo Nho, hàng loạt trí thức thời Trần đã hành động một cách sai lầm: các tiến sĩ kéo nhau đi ở ẩn; một số khác, tệ hại khôn xiết, lẻn sang tận Trung Quốc, dập đầu dưới chân vua Minh, "Thề vì nước bỏ mình để đánh Quý Ly" (Bùi Bá Kỳ, thơ dâng lên vua nhà Minh). Năm ấy Nguyễn Trãi vừa hai mươi tuổi. Trong tác phẩm về sau này (Chiếu số 4), ông vạch rõ sự sa đọa của bọn quý tộc Nhà Trần, nỗi lầm than của nhân dân dưới ách bọn chúng, và kết luận rằng nhà Trần đã mất hết lòng dân, "nhân dân oán ghét mà không biết". Chính vì thế, dù là cháu ngoại thuộc dòng dõi các vua Trần, ông đã không chút e ngại búa rìu dư luận của bọn bảo thủ, ra cộng tác với Hồ Quý Ly ngay từ đầu, thi đỗ tiến sĩ và làm quan nhà Hồ. Ông biểu lộ nỗi phấn khởi mới mẻ của tâm hồn, với niềm tin rằng Hồ Quý Ly đang mang lại một sức quật khởi dân tộc để đưa đất nước ra khỏi thực trạng bế tắc: "Lại mừng nguyên khí vừa thịnh". Về sau, nhà Hồ vì có Nước mà không có dân nên rốt cuộc đã không giữ được nước, và Nguyễn Trãi đã phê phán nghiêm khắc về điểm này. Tuy nhiên, ông vẫn nhắc lại cuộc kháng chiến thất bại của họ Hồ bằng một thái độ trân trọng, "anh hùng để hận mấy nghìn năm" (Anh hùng di hận kỷ thiên niên). Điều này có thể lý giải ngược lên sự lựa chọn của Nguyễn Trãi khi ông dám bứt ra khỏi giáo điều Khổng Nho về "chữ Trung" để ra với Nhà Hồ, trên tất cả là khát vọng dân giàu nước mạnh, và trước mắt cần phải có một quân đội mạnh để bảo vệ Tổ quốc trước nguy cơ xâm lược, như ông vẫn hoài bão: "Quốc phú binh cường chăng có chước - Bằng tôi nào thuở ích chưng dân ".

Cái chiêu bài "phù Trần diệt Hồ" của bọn xâm lược nhà Minh một lần nữa làm ngu xuẩn đầu óc của bọn người cứ mãi đem lòng trung cố kết với một dòng họ và không hề có một khái niệm gì về dân tộc. Cả một lũ những con cháu của Trần Quang Khải, Mạc Đỉnh Chi, những quận chúa Nhà Trần, vẫn mai phục hận thù tận đáy lòng, đã hân hoan quỳ đón Trương phụ như cứu tinh; và cùng với bọn vô sỉ chuyên nghiệp thời nào cũng có, tất cả bọn chúng đều trở thành một "lũ gian tà bán nước cầu vinh" (Bình Ngô Đại Cáo). Nhưng ở đây vẫn còn vấn đề chọn lựa hành động giữa những người có ý thức dân tộc. Đơn giản nhất là đi làm ẩn sĩ, trốn giặc nhưng cũng lại trốn đời, trong số đó có cả những đầu óc lỗi lạc như tiến sĩ Phan Phu Tiên. Có người như Phạm Nhữ Dực, vì say mê tôn thờ Khổng Tử nên vẫn yên tâm ngồi rao giảng Thánh hiền dưới ách giặc nước, để ôm nỗi ân hận muộn màng, "thẹn mình là người truyền đạo và phân giải sự sai lầm cho học trò". Lê Cảnh Tuân lại theo đuổi một số phận bi thảm khác của người yêu nước. Căm thù giặc Minh đến tận tâm can, ông viết thư để mong đánh thức lương tâm của tên việt gian Bùi Bá Kỳ, bức thư dài một vạn chữ ấy nổi tiếng là "lòng trung át cả nhật nguyệt". Sau đó, ông cải trang làm một thầy đồ dạy học ở Thăng Long, chưa hành động gì thì sa vào tay giặc. Bị chất vấn về bức thư vạn ngôn, ông trả lời thẳng với vua Minh: "Người nước Nam mong nước Nam còn, hỏi mà làm gì?", để bị giam và chết trong ngục Kim Lăng, ôm theo nỗi u uất: "Sao kiếp này ta mãi lang thang không nhà?" (Thử sinh lãng tích khởi vô gia?). Lê Cảnh Tuân là trường hợp bi kịch của một kẻ sĩ thời đại, nồng nàn tâm huyết nhưng do dự và bế tắc trong hành động.

Chính trong bối cảnh cuộc khủng hoảng của ý thức kẻ sĩ ấy đã nổi bật lên sự lựa chọn của Nguyễn Trãi. Bắt được Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Trương Phụ đòi giết, trong khi Hoàng Phúc lại tìm cách mua chuộc ông. Nhưng cả lưỡi gươm và túi vàng của giặc Minh đều không khuất phục nổi ý chí ông, thái độ có tính nguyên tắc của ông đối với bọn giặc nước là không thỏa hiệp, không khoan nhượng: "Nghĩ thế thù khôn đội trời chung - Thề giặc nước khó cùng chung sống" (Bình Ngô Đại cáo). Không có những sử liệu cụ thể hơn giúp ta biết rõ những năm tháng Nguyễn Trãi sống ở Đông Quan. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng với chính sách đàn áp khốc liệt của chúng đối với mọi người yêu nước, và với một đối tượng lợi hại như Nguyễn Trãi đang nằm trong bàn tay chúng, giặc Minh sẵn sàng dành cho ông số phận nào; từ đó, để tồn tại và giữ vững chí hướng, Nguyễn Trãi đã phải đối phó với địch cam go, thông minh và dũng cảm biết chừng nào!

Ít lâu sau, ông thoát khỏi Đông Quan và lênh đênh khắp nơi, "mười năm xiêu giạt, thân như cánh bèo, như cỏ bồng", sống hết gian truân của đời kẻ sĩ trong nạn nước, những đêm dài chong mắt, "Ngồi ôm chăn lạnh, suốt đêm không ngủ", những bữa ăn cầm hơi tháng ngày, "Trên mâm chỉ có rau mục túc". Những tháng năm phiêu bạt ấy, ông nhận ra cái bóng mình cứ tiều tụy đi trong gương soi, "biến cố khiến người ta mau già", nhưng trái tim ông trong từng phút giây vẫn trào dâng một bầu máu nóng trai trẻ, "một tấm lòng son nóng bừng như lửa lò luyện đan", (nhất phiến đan tâm chân cống hỏa). Và trên tất cả những lao lung của cuộc sống và tâm hồn Nguyễn Trãi, là gánh nặng của vận nước, là dấu hỏi nặng trĩu của thời đại thúc dục ông phải tự mình tìm cách giải đáp: "muôn dân rên xiết là sao đây?" (Vạn tin ngao ngao khả nại hà?).

Câu giải đáp ấy không có trong sách vở, mà phải tìm kiếm trong thực tiễn của đất nước; phải tìm ngay trong đó cái lô-gích của lịch sử, cái "manh mối không phải một ngày" đã làm sụp đổ các triều đại Trần, Hồ; cũng như những nguyên nhân sâu xa đã làm chảy vô ích máu của những cuộc khởi nghĩa. Mười năm sống lẻn vào trong dân để xem xét và suy nghĩ, từ đó đúc rút một phương lược hành động có hiệu quả, đấy lại là một định hướng chính xác của Nguyễn Trãi trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Với Nguyễn Trãi đây đang là một quá trình tư duy; và cần nhấn mạnh rằng xét về phương pháp, quá trình ấy mang tính chất biện chứng rất sâu sắc và mới mẻ, trái ngược với nếp nghĩ của trí thức nho sĩ vốn chỉ biết tìm kiếm mọi cái trên sách vở kinh viện. Chính những người thân đáng kính của Nguyễn Trãi, trực hoặc gián tiếp, đều đã thú nhận sự thất bại của một đời người chỉ biết ham sách. Ông ngoại ông, tiến sĩ Trần Nguyên Đán đã bất lực kêu lên: "Ba vạn cuốn sách không còn có chỗ dùng - Bạc đầu đành phụ lòng yêu dân" (Tam vạn quyển thư vô dụng xứ - Bạch đầu không phụ hảo dân tâm). Còn chính thân sinh của Nguyễn Trãi - Nguyễn Phi Khanh - tâm huyết đến thế, rốt cuộc cũng chỉ còn lại niềm chua xót, bình sinh tự hào đi trên tơ trắng (tự sá bình sinh lý tố ty). "Đi trên tơ trắng", đúng là ông chỉ có thể tự an ủi khiêm tốn như vậy, rằng đã không đạp chân lên bùn nhơ; ngoài ra sách vở thánh hiền không giúp gì cho ông đương đầu nổi với nhiệm vụ lớn. Nguyễn Trãi cũng là người đọc sách nổi tiếng, ai cũng biết thế. Tuy nhiên, để trả lời cho những vấn nạn của lịch sử, Nguyễn Trãi đã quyết định đi tìm ông thầy Iô-gíc của mình ngay chính trong thực tiễn của nhân dân, để rồi cuối cùng, ông khẳng định như một người đại giác: "Dân dẫu ngu" (ở đây có nghĩa là không học trong sách) "nhưng rất sáng suốt" (Quân trung từ mệnh). Kết quả của những năm dài lăn lộn với dân ấy Bình-Ngô- Sách ra đời; tác phẩm chiến lược này đã thể hiện sức công phá quyết liệt của nó trên số phận của giặc Minh một khi nó được trao vào tay Nghĩa quân Lam Sơn.

Năm 1416, năm mà Lê Cảnh Tuân chết trong ngục nhà Minh, thì Nguyễn Trãi xuất hiện ở Hội Thề Lũng Nhai. Sự có mặt của ông không phải là một tình cờ lịch sử, mà là một lựa chọn quyết tâm của Nguyễn Trãi: ông đã phải cân nhắc để quyết định sẽ đứng dưới ngọn cờ nào trong cuộc chiến đấu giành độc lập. Nguyễn Trãi tìm đến Lam Sơn lúc ngọn lửa mới nhen nhóm, và thắng lợi của nghĩa quân vẫn còn ở đâu trong một ngày mai bấp bênh, xa mù; trong khi đó ông đã không có mặt trong hai cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn trước đó của nhà Hậu Trần. Không nghi ngờ gì nữa, chính Nguyễn Trãi đã nhìn thấy từ xa rằng nhiệm vụ lịch sử của Nhà Trần đã chấm dứt, ngọn cờ "Phục Trần" sẽ không còn đủ sức tập hợp lực lượng kháng chiến của toàn dân. Và quả như vậy, những nhà lãnh đạo của nó (Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng) chưa chi đã bộc lộ bản chất thoái hóa của giai cấp quý tộc, "hèn nhát, say đắm, tửu sắc", và chính Lê Lợi cũng đã tiên đoán đúng về họ, "biết là không nên việc" (Đại Việt Sử ký). Cuộc khởi nghĩa của Lê Ngã còn cung cấp thêm một kinh nghiệm lịch sử cay đắng: xuất thân là gia nô, Lê Ngã lại tự xưng là Thiên Thượng Hoàng đế, "Cháu bốn đời của Trần Duệ Tôn", nên dù có trong tay đến vài chục vạn quân, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng đi đến thất bại.

Chính lúc này, sau mười năm khổ ải tìm đường, hình tượng Nhân Dân đã nghiễm nhiên hình thành một cách gốc rễ trong lý tưởng hành động của Nguyễn Trãi. Để dễ thấy, thử nghĩ lại về hịch Tướng Sĩ Văn trước đó: thời ấy để kêu gọi xung trận, Trần Hưng Đạo đã phải nhắc nhở đến "thái ấp", "vợ con"; cũng là sức ép tất yếu của lịch sử trong khi trách nhiệm lãnh đạo cuộc kháng chiến đang được trao vào tay giai cấp quý tộc. Bình Ngô Đại Cáo, ngược lại, là Tuyên ngôn chiến đấu của những người cùng khổ: ở đây chỉ có những "dân đen" và "con đỏ" đang lảy đảy trong nước sôi lửa bỏng, và những "manh lệ(1) bốn phương" cầm gươm giáo đứng lên thành sức mạnh nòng cốt vì dân trừ bạo. Bình Ngô sách không còn, nhưng người ta có lý để tin rằng nội dung của nó được tái hiện qua Bình Ngô Đại Cáo. Và như lịch sử đã cho thấy, cái cương lĩnh triết học - chính trị "Nhân Nghĩa - Yên Dân" của nó đã giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối đánh giặc cứu nước của toàn bộ phong trào kháng Minh vào đầu thế kỷ XV, và làm đổi mới số phận của người Việt. Nguyễn Trãi đã băng qua khói lửa của các cuộc nổi dậy thời đó để tìm đến Lam Sơn. Sau này, Phan Bội Châu có dịp, đánh giá cao Lê Lợi là "biết dùng người". Nhưng như thế, trước hết phải nói rằng Nguyễn Trãi "biết nhìn người". Người, không phải chỉ là bản thân Lê Lợi, mà chính là người nông dân - nghĩa binh tập họp dưới ngọn cờ Lam Sơn.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Minh, tưởng là xong, vẫn lại đưa đến một ngã ba nguy hiểm, ở đó đến lượt lương tâm của người lữ hành lịch sử nêu câu hỏi thầm lặng: Anh sẽ lựa chọn phía nào, quyền lợi của bản thân hay hạnh phúc của nhân dân? Cuộc phấn đấu để khắc phục "cái tôi" té ra không dễ dàng gì, ngay cả ở một số người vốn bản lĩnh cao cường trong chiến đấu, đã không hề biết tiếc thân trước gươm giáo quân thù; ở ngã ba bất ngờ này, những con người như vậy đã lặng lẽ chia tay với lý tưởng để rẽ vào con đường ngoặt của chủ nghĩa cơ hội. Nêu một vài bằng chứng lịch sử: Lê Dao phụ trách cảng Vân Đồn, bị bãi chức vì ăn cắp công quỹ; Lê Vĩ cùng sứ bộ lợi dụng chức vụ để buôn bán riêng với người Minh, lại bán nhầm luôn cả giấy tờ bí mật quốc phòng; Lê Thụ nhân đám cưới con trai, đã ngang nhiên ra lệnh cho các quan trấn, lộ, huyện lấy của dân để biện đủ trâu dê mọi thứ, bọn cầu cạnh tranh nhau đi lễ đến độ "các thứ gấm thêu lĩnh là vóc lụa ở hàng phố bán hết nhẵn" (Đại Việt Sử ký); Trịnh Khắc Phục và Bùi Quốc Hưng ăn của đút để tiến cử và bao che cho người xấu vốn trước đã làm quan với giặc Minh, nay vẫn tiếp tục làm bậy. Đến như Thái phó Lê Văn Linh vốn là trí thức đã đi theo Lê Lợi ngay từ đầu, sau này thái hóa đến mức "ham mê tiền bạc, bổ người làm quan để ăn của đút, cuối cùng không có một câu nói nào nói đến chính sự của nhà nước" (Đại Việt Sử ký) v.v... Nhìn lại một số những người bạn chiến đấu của ông để thấy rõ Nguyễn Trãi đã sống chân chính biết bao nhiêu - Không phải chỉ những người đương thời như Nguyễn Mọng Tuân, Lý Tử Tấn, mà đến bây giờ chúng ta vẫn không xiết lạ lùng trước cái can đảm dám sống nghèo của Nguyễn Trãi; ông đã gạt bỏ một cách triệt để quyền hưởng thụ để tiếp tục cuộc sống mồng tơi rau muống, "no nước uống thiếu cơm ăn" của người chiến sĩ Lam Sơn những năm xưa. Không phải là nỗi hoài niệm mang chất khổ hạnh, sự chọn cách sống của Nguyễn Trãi bắt nguồn từ một đạo lý sâu xa: bài học của núi Chí Linh mãi mãi chấn động tâm hồn ông, "thấy núi này vòi vọi chừ nhớ đến gian khổ xưa" (Phú núi Chí Linh); bài học ấy vẫn tiếp tục phát huy sức mạnh của nó trên đường dài dựng nước: "ở cảnh yên vui, nghĩ đến gian nan ngày trước" (chiếu truyền ngôi), và do đó, "phải coi chừng mối họa loạn, có khi do yên ổn mà nên, phải đón ngăn ý kiến xa có khi do sung sướng mà đến" (Lam Sơn Thực Lục). Chính vì thế khi có người dâng chiếc mũ lạ cho ông vua nhỏ tuổi ham vui, thì ngự sử Nguyễn Vĩnh Tích liền can ngăn: "Nay có người tiến mũ, thì xin bệ hạ nghĩ rằng thời tiên đế chải gió, gội mưa, chưa từng có thứ mũ ấy". (Đại Việt Sử ký). Đó chính là tư tưởng của Nguyễn Trãi, và cách sống của ông mang ý nghĩa giáo huấn rất rõ rệt.

Song nghĩa lý của bài học ấy còn xa rộng hơn nữa. Ta nhớ rằng sau kháng chiến chống Nguyên Mông, dù đã xuất hiện những gia nô kiệt xuất như Yết Kiêu, thì chế độ gia nô vẫn tồn tại và vẫn là niềm kiêu hãnh đặc quyền của giai cấp quý tộc nhà Trần: "Thiên hàng nô bộc quật thiên đầu" (cây quất mọc ngàn trái như nhà có ngàn hàng nô bộc - Thơ Trần Nhân Tôn). Người gia nô chỉ được giải phóng cùng với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; và chính Nguyễn Trãi đã giải thích: "Nô bộc có nhiều, dân có khó". Đây chỉ là một thí dụ để gợi ý, nhưng từ đó người ta có thể lý giải toàn bộ "nếp sống Ức Trai": từ chối nếp sống quan triều, Nguyễn Trãi chọn sống cuộc sống của người Dân, sống cuộc đời dân, trung thành đến cả cái ăn cái mặc với niềm kính trọng và thương yêu nhân dân vốn là bản chất văn hóa của phong trào Lam Sơn qua cuộc trường kỳ kháng chiến.

Nhưng không phải ông chỉ tự trong sạch lấy một mình. Chức năng chính của ông dưới hai triều vua là soạn thảo các chính sách cai trị (hành khiển thừa chỉ), và răn can vua, đàn hặc các quan (gián nghị đại phu). Đâu phải là "quan lạnh" như ông vẫn nói khiêm tốn, chính chức năng đó đã xô ông vào nơi đầu sóng của cuộc đấu tranh cho lý tưởng nhân nghĩa chống lại xu hướng tiêu cực đang phát triển ngày càng xô bồ trong giới quan triều bấy giờ. Đọc lại một số văn kiện ban hành sau kháng chiến, người ta có thể thấy được rằng Nguyễn Trãi đã quyết tâm như thế nào trong cuộc đấu tranh chống cái xấu trong triều đình và xây dựng nhân cách cho chính nhà vua. Cuộc đấu tranh ấy càng căng thẳng dưới thời Lê Thái Tôn, với một ông vua trẻ con ham chơi dông dài, bọn hoạn quan lộng thần làm rối bời việc nước. Lịch sử còn dẫn chứng những cuộc đấu tranh trực diện giữa Nguyễn Trãi và Lê Sát về việc hình pháp hà khắc, với bọn Nguyễn Thúc Huệ về việc vét sức dân, với Lương Đăng về chế định âm nhạc, và với chính nhà vua về tư tưởng nhân nghĩa, trên một khát vọng nhất quán: "yêu thương và chăm nuôi nhân dân khiến cho trong thôn cùng xóm vẳng không có một tiếng hờn giận oán sầu"... (Đại Việt Sử ký). Suốt mười lăm năm cuối đời, Nguyễn Trãi cùng với những đồng chí tâm huyết của ông đã tiến hành cuộc đấu tranh chính đại quang minh chống cái xấu, xây dựng cái tốt trong nội bộ chính quyền thời kỳ đầu kiến thiết lại đất nước.

Cuộc chiến đấu vì nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã đưa ông đến trước mũi nhọn xung đột của những tham vọng cá nhân đang cố kết lại với nhau, và từng lúc một, bọn chúng ném vào ông những cuộc phản kích ngấm ngầm nhưng rất ác liệt. Rõ ràng ông tự đặt mình trong một thế đứng nguy hiểm, và nếu tính đến sự an nguy của bản thân thì buộc ông phải lựa chọn: - Sống ấm ớ cho qua ngày chăng? Nguyễn Trãi đã trả lời dứt khoát "Phủ ngưỡng tùy nhân, tạ bất năng" (Cúi ngửa theo người thì xin chịu, không làm nổi). - Hay là bỏ về núi? Điều này quả đã xảy đến với Nguyễn Trãi hai lần dưới hai triều vua, nhưng đều ở trong hoàn cảnh bắt buộc. Nếu quyết chí bỏ đời mà đi, thì ông đã xử sự giống như Trần Nguyên Đán ngày trước: "Làm quan ngự sử, một đi là đi mãi tận chân trời" (ô đài nhất khứ tận thiên nha). Nhưng, như ta đã thấy: cả hai lần ông đều đã trở lại. Trở lại hoàn toàn không có ý định "làm những việc xưng tụng công đức viển vông" (Chiếu số 3), để đeo đẳng chút lòng danh lợi, bởi vì không ai có thể nói rõ hơn chính Nguyễn Trãi về điều này qua thơ ông, rằng ông đã ớn cuộc làm quan đến tận cổ. Nhưng nỗi lo không yên của ông chính là "Nước chẳng còn có Sử Ngư" (Đất nước không còn người trung chính dám căn ngăn) Ông đã trở lại với đầy đủ ý thức của một người lính không thể rời bỏ vị trí chiến đấu "coi công việc của quốc gia làm công việc của mình; lấy điều lo của sinh dân làm điều lo của bản thân" và bởi vì ông không cưỡng nổi sức thúc giục nung nấu của tấm lòng lo nước thương dân, "Bởi một tấc lòng ưu ái cũ. Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng". Đó là sự lựa chọn sau cùng của Nguyễn Trãi, sự lựa chọn thấu triệt của một cái tôi nhân - nghĩa, "mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen". Cần nhấn mạnh rằng sự lựa chọn ấy không hề làm ông trở thành một Đông Ki-sốt đầu tiên của nhân loại. Lý tưởng nhân - nghĩa đã biến hóa thành sức sống sâu dày qua cuộc kháng chiến, khiến cho trên những trang sử của nhà Lê lúc này, ngày càng xuất hiện nhiều con người trung chính tham gia vào cuộc đấu tranh của Nguyễn Trãi; cái xấu bị áp đảo, những người xấu dần dần tự khắc phục hoặc bị loại bỏ; và rốt cuộc, các vua Thái Tổ và Thái Tôn lần lượt đều dành cho Nguyễn Trãi sự tín nhiệm không thể thay thế được; chính từ đó sẽ đưa đến một kỷ nguyên quang đãng mới của triều đại dưới thời Lê Thánh Tôn.

Sáu mươi năm đời người, Nguyễn Trãi đã đi hết con đường sấm sét của lịch sử, và đã phải tự mình chọn lấy con đường trước những ngã ba rối rắm của thời đại ông. Cả một thế hệ kẻ sĩ cùng thời - những Phạm Nhũ Dực, Lê Cảnh Tuân - đều đã thất bại trong cuộc lựa chọn đó, và cả đến người trí thức tâm huyết gần gũi nhất với ông chính là tiến sĩ Nguyễn Phi Khanh cũng đã cất lên một tiếng than dài đầy hoang mang: "những ngã rẽ của đường đời đều mịt mờ khói bụi" (Thế gian kỳ lộ tổng yên trần). Như một biệt lệ lịch sử, Nguyễn Trãi luôn luôn chọn đúng hướng, chính là nhờ ở sức nhậy của cái nhìn, "ai ai đều có hai con mắt"; ở chất gang thép của đôi Bàn Chân "đường đi sá lánh chông gai" và ở sức mạnh của một lương tri linh mẫn giống như kim chỉ nam luôn luôn định hướng về phía Lý tưởng Nhân dân, điều mà Phan Phu Tiên đã ngợi ca ở ông là "biết trước thời đại mình" (sinh nhi tiên giác). Lý tưởng ấy chính là mặt trời của chim phượng hoàng khiến cho ông không bao giờ bị mất chân trời. Có thể nói rằng ở trường hợp Nguyễn Trãi, sự lựa chọn là một quá trình tự phá vỡ bản thân, và rốt cuộc sự có mặt của ông vẫn mới mẻ đến ngày sau, làm cho ông trở thành một con người mạnh hơn cái chết.

H.P.N.T
(SH19/6-86)



------------------------
(1) Manh lệ: những người nghèo khổ ở nông thôn và thành thị.









Các bài mới
Quê nhà (10/02/2012)
Các bài đã đăng
Trước giờ G (27/12/2011)
Đồng chí (13/12/2011)
Thơ tám câu (09/12/2011)
Khasima Bi (09/12/2011)