Tạp chí Sông Hương - Số 274 (tháng 12)
Những mộng tưởng 'Thoạt kỳ thủy'
10:11 | 19/12/2011
NGUYỄN QUANG HUY Hình thù của văn học không thể đến từ cuộc sống; nó chỉ đến từ truyền thống văn học; và vì thế cơ bản là đến từ thần thoại.                                                  N. Frye
Những mộng tưởng 'Thoạt kỳ thủy'
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy[1] tự nó xui khiến nhiều cách đọc khác nhau. Trên nền hiện thực văn bản họa hoằn những chỉ dẫn vào cách hiểu ấy (một kiểu “giải phóng cú pháp” - G. Bachelard), chúng tôi bạo gan đi tìm những chứng lý cơ bản. Sơ khởi là viễn tượng của trăng, máu, con cú trong liên hệ với con người (Tính, dân ở bãi Nghiền Sàng) thể hiện một cách huyễn hoặc và mê đắm.

1. Tính và Trăng

Tính “vừa ra đời”, “đã thấy trăng[2]. Trăng làm Tính lạnh. Thứ bản nguyên âm tính của Tính cần đến một sự sưởi ấm. Vì sự choán chiếm sức sống của trăng, trăng đen, của bố nên Tính cần một sự cộng thông nghịch đảo. Lạnh luôn cần một hấp lực khác, cần một sự phóng chiếu khác. Khi hơi ấm trong bản thể không đủ, nó dẫn tới một khát tìm bản nguyên đối cực; khi gia đình (hơi ấm) không đủ sức nóng của máu (tổ ấm) và tình yêu (bất lực vì thiếu lực sống và sợ Hiền), Tính hướng đến giết công cống, giết kiến, đập nát đá, mong muốn được thọc dao vào cổ người khác. Khi công cống không còn nữa, sự mơ mộng của Tính hướng đến lửa (đám cháy nhà ông Điện), hướng đến máu (màu đỏ, sức sống, hơi ấm) bằng cách chọc tiết (lợn), rồi hướng đến người điên ngoài bãi Nghiền Sàng, ông Phùng.

Trăng trong Thoạt kỳ thủy là bản mệnh chết của Tính: “vừa ra đời, Tính đã thấy trăng[3] để rồi ám ảnh mãi. “Đêm. Tính không ngủ được vì trăng. Trăng làm Tính lạnh, càng bịt tai, co người, càng đau đớn, khổ sở. Trăng rơi u u, miên man, rên xiết[4]. Trạng  thái “lạnh” xuất hiện 17 lần, rét: 2 lần. Trong không khí huyền hoặc, luôn luôn xuất hiện ánh trăng, tiếng chó trucon cú, chó mở mắt như cú mèo. Trăng xuất hiện 53 lần, “trăng đen”: 11 lần, trăng vàng: 1 lần, với màu vàng: 32 lần trở nên một ma mị. Trăng trong tâm thức cộng đồng Việt là bản nguyên âm (chị Hằng Nga), trăng được ví với mẹ. Chó hằn thù với trăng, tru lên não nuột mỗi khi trăng xuất hiện. Ở đây có một sự lây nhiễm đến tức thời: khi trăng lên thì tiếng tru của chó cất lên và Tính (thấy khó chịu) lấy đá ném trăng. Sự hằn thù của chó và trăng còn ở chỗ, trong tâm thức huyền thoại, mặt trăng đã lén lấy một cái chày (biểu tượng của Linga) để giữ cho mình được trẻ mãi. Vì rằng “cái chày đá giã các thứ gia vị, trong suốt một đời người đàn bà dần dà thấm sâu các mùi thơm đến mức nó có thể đánh thức người chết dậy, làm cho người già trẻ lại, làm cho người chết thành bất tử[5]. Nhưng cuối cùng con chó đã bắt trăng nhả cái chày ra, và mỗi tháng nó phải chết một lần. Chó đã biến thành chó dữ mỗi khi thấy trăng, và trong ám ảnh của Tính là sự thống ngự của địa ngục - cái địa ngục nội tại của mỗi con người. Trong huyền thoại hay triết học phái Tân Platon xem đó là ác quỷ nội tâm. Nó chỉ có thể được giải thoát bằng hành vi tinh thần. Tiếng đàn của ông Phùng; ảnh Chúa Jesu ở nhà ông Khoa... là những hiện thân của hành vi tinh thần - nhưng điều đó đã không xâm nhập được. Và sức mạnh bản năng của Tính, Hưng... quá cằn cỗi để thẩm thấu thứ tinh thần cao thượng ấy.

Trăng hiện diện trong tâm thức đa thần giáo là bản nguyên âm của vũ trụ và của con người. Có lúc nó là em hay vợ của mặt trời nhưng số phận của nó, trong tín ngưỡng bái vật lại gắn liền với người phụ nữ - người phụ nữ sinh đẻ - Mẹ. Tuy vậy, trăng trong Thoạt kỳ thủy là một phản - tái sinh, một dự phóng của thiếu sinh khí và cằn cỗi. Trong phần này, chúng tôi xin tập trung ở sự tái lặp biểu tượng gốc trăng đen. Trước hết, trăng đen là sự song hành ý nghĩa với nàng Lilith. Trong thần thoại Hi Lạp, Lilith là hiện thân cho sự không thể hòa nhập với cuộc sống gia đình, là nơi hứa hẹn của sự tái sinh những xung năng tăm tối, những con vật ma quái hút máu. Trong Kinh Thánh, Lilith là người vợ đầu tiên của Adam nhưng vì có bộ phận sinh dục nằm trong óc, là sự bất khả xâm phạm, sự tỉnh táo trơ trẽn. Trăng đen trong liên hệ với Lilith là “hiện thân của nỗi cô đơn đến chóng mặt, của cái Riêng không tuyệt đối[6]. Trong tương quan với bóng tối và địa ngục, con người bị ám ảnh và nhiễm phải trăng đen sẽ muốn từ bỏ thế giới này, dẫu phải trả giá bằng tự hủy diệt hay hủy diệt người khác. Nó là sự nuốt chửng khủng khiếp.

Trăng đen trong Thoạt kỳ thủy xuất hiện ở các trang 51 (3 lần), 53 (1 lần), 89 (2 lần), 90 (2 lần), 142 (1 lần), 143 (1 lần), 146 (1 lần). Sự xuất hiện của nó cùng với con cú là những ám ảnh mãnh liệt của Tính về “chọc tiết” (hướng đến cái chết của người khác), về đốt cháy, về cắn cổ, và tao chọc tiết hết. Vì sự choán chiếm sức sống của trăng, trăng đen, nên Tính cần một sự sưởi ấm. Tính ngay từ cuộc sống của bào thai (của sống thuở thiên đường) đã lãnh nhận cú đạp của cha. Octavio Paz xem việc cắt đứt khỏi cuộc sống bào thai của mỗi cá thể con người như việc từ bỏ thiên đường của nó, như một quy luật tất yếu để từ đó nuôi dưỡng bản thể cô đơn trong sự ngưỡng vọng về cái thời nguyên thủy của mình ấy. Thứ bản nguyên âm tính của Tính cần đến một sự sưởi ấm. Nhưng mái ấm không đủ sức nóng của máu và tình yêu (bất lực vì thiếu lực sống và sợ Hiền), Tính hướng đến giết công cống. Khi công cống không còn nữa, sự mơ mộng của Tính hướng đến lửa (đám cháy nhà ông Điện), hướng đến máu (màu đỏ, sức sống, hơi ấm) bằng cách chọc tiết (lợn) rồi hướng đến ông Phùng, những người điên và cuối cùng khi bị trăng đen choán chiếm, Tính trở về với viễn tượng chết. Sự mơ mộng chính nguồn sống của mình đã chấm dứt cái lạnhrét: “Máu từ cổ Tính trào ra, ấm, nóng. Tính buông dao, ngón trỏ vuốt vuốt dòng máu đang tràn theo hàng khuy áo. Tính cười khoái trá, khuỵu đầu gối, mặt gục lên chiếc vại đựng nước[7]. Chỉ có hơi ấm của mình mới có thể làm cho mình tái sinh trọn vẹn. Và khi đó, “nước” (người mẹ) trở lại thuần khiết bao bọc Tính. Con cú bay lên “chẳng cần biết tới phương trời nào[8]. Sẽ không ai dám mang niềm hi vọng dù là rất ít ỏi của mình để nghĩ được rằng, có một nơi khi con cú bay mỏi sẽ dừng lại, nghỉ ngơi và hòa điệu cùng một Tính khác trong điệp khúc bất tận: điệp khúc mang những lời ca man dại, bi thiết.

2. Con cú

Con (trong Thoạt kỳ thủy) là con vật hoạt động ban đêm, có quan hệ với mặt trăng, cú không chịu đựng được ánh sáng mặt trời. “Khi cú kêu, người da đỏ chết” (Maya - Quiché). Người Aztèque coi cú là con vật tượng trưng cho thần âm phủ. “Hồn cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” (tục ngữ Việt). Tâm thức Việt nghe thấy tiếng cú kêu, hay bắt gặp nó là một dự báo cho điềm không lành, bằng sự liên lạc giữa lạnh - bóng tối - chết chóc - con cú là kẻ dẫn hồn con người về cõi chết. Con cú là hiện thân của sự chết, hiện thân của sức mạnh ma quái, là sức mạnh vô thức, điều khiển nước. Theo Chevalier, trong các hiện vật khai quật ở Pêru, hình con dao tế lễ luôn khắc loài chim đêm - cú. Bằng một cách riêng, một tay cầm con dao, một tay cầm bình đựng máu, con cú là nỗi ám ảnh hiến sinh. Trong bức tranh khắc của Goya (Paris, Thư viện Quốc gia), chiêm mộng hiện hữu giữa font màu xám và đen. Con người trong tư thế ngủ, hiện diện trong giấc mơ là con cú và con chó. Có phải vì thế chăng mà Nguyễn Bình Phương, trong  sự đồng vọng mộng mị đã sáng tạo ra Thoạt kỳ thủy, hay nói đúng hơn anh đã lấy từ “kho trời chung” về làm của riêng cho mình.          

Hơn cả biểu tượng rùng rợn về chết chóc, con cú trong Thoạt kỳ thủy đã thực sự tham dự với ý nghĩa như một năng lực huyền dụ. Nó xuất hiện một cách đầy thách thức: 44 lần, từ lúc không rõ nguyên nhân rụng xuống giữa dòng nước (ở trang 9) đến “bắt đầu có cảm giác” (ở trang 49) và “quặp chặt lấy nước”, bay đi với “nhịp cánh vỗ mạnh mẽ, sảng khoái” (ở trang 161). Mỗi cử động của nó đều dẫn đến những tai họa giáng xuống Linh Sơn. Đặc biệt là Tính. Từ lúc con cú “bắt đầu có cảm giác”, Tính cũng thể hiện bộ mặt “lạnh tanh”, “càng ngày càng ghê” (ở trang 105) với những cú “chọc tiết” (lặp lại 36 lần) và máu chảy (46 lần lặp lại) trở thành miền mộng tưởng ưa thích. Mang một sở hữu bất bình thường (điên), được cổ vũ bởi bóng tối (lặp lại 13 lần), đêm (29 lần), màu đen (13 lần), xám (10 lần), Tính trở thành đồng lõa của thần bóng đêm và chết chóc (cú). Sự bình yên ở Linh Sơn đâu chỉ có những tăm tối nhận thức và người điên đe dọa, nguy hiểm hơn, vô hình hơn chính là vô thức điên loạn đã biến thành hành động.

Con cú và Tính đã trở thành song trùng cùng nhau. Đó là “một biến cố tai hại, đôi khi là dấu hiệu của cái chết”. Kiểu song trùng này có khi được biểu hiện trong cặp đôi người - vật. Trong Thoạt kỳ thủy, hình ảnh con cú chính là “đối thủ khiêu chiến” của con người, bởi cũng từ khi con cú xuất hiện với những cử động của nó là những sự bắt đầu cho diễn biến tội lỗi, những xung lực nguyên thủy tối tăm trong con người hoành hành, đặc biệt là Tính. Ở đây, có một sự đối lập rõ rệt về tính cách và hành động của những con người trong truyện trước và sau khi gặp con cú. Không nghi ngờ gì nữa, việc con cú xuất hiện trong trạng thái không bình thường (bị thương, nằm bất động) là một ẩn ý và là biểu hiện rõ rệt tính chất song trùng của Nguyễn Bình Phương qua việc thể hiện motif này trong câu chuyện của mình, trở thành một ẩn dụ có ý nghĩa biểu tượng cho phần thú tính, cho xung lực nguyên thủy (primitive impulse) tồn tại sâu thẳm trong bản ngã con người. Kiểu song trùng này còn diễn ra trên bình diện giữa con vật và vật. Trăng đencon cú, con chótrăng trong Thoạt kỳ thủy là kiểu như vậy. Sự lấp lửng lưỡng nan đó thực sự là cuộc chơi của những kẻ “nhúng chàm” vô thức. Con đường tìm dấu vết ý nghĩa của ký hiệu trở nên nan giải để khẳng định một điều gì đó cho tương hợp. Nó tạo ra một cuộc chơi của sự liên tưởng làm hé lộ những bất ngờ đến thú vị kỳ lạ. Điều này có thể viện dẫn sự liên hệ trong Thoạt kỳ thủy. Chúng ta thấy, cùng hòa điệu với trăng đen, Tính luôn được kích thích bởi tiếng gặm chén lách tách của bố. Sự gặm đít chén (chén trống không, cạn nước (rượu)) - cạn - sức nóng - hơi ấm chính là cạn ân phúc (chén đầy - tràn trề ân phúc). Sự thèm rượu thường xuyên, được nhìn nhận như một khao khát nguồn sống, khao khát ân phúc, sự cứu độ (Phước vồ lấy chai rượu...). Nguyễn Bình Phương tạo ra một dấu mốc mới, bằng cách viết ngắn, cô lại, anh đã mang đến cho văn chương nhiều ngạc nhiên bằng thứ tiểu thuyết của hiện thực tượng trưng. Điều ngạc nhiên lớn nhất của chúng tôi có lẽ là ở chỗ này. Tiếng gặm chén “tanh tách” của bố Tính cứ khuấy động, khơi lên những kích thích rất khó chịu mỗi khi có trăng, tiếng chó sủa và cú, khiến chúng ta liên tưởng đến cái chén của Jamshad (ông vua huyền thoại Iran). Trong các nghi thức của lễ thụ pháp, cái chén này lại tượng trưng cho trái tim của người được thụ pháp. Chén cúng dâng Soma - được đồng hóa với trăng lưỡi liềm, mà cuộc sống của nó được so sánh với màu sữa hoặc máu. Độc đáo hơn là hình ảnh dâng rượu (rượu chính là thứ nước của lửa - Bachelard, sự thèm rượu của ông Phước là thứ khao khát hơi ấm, vì rượu trong liên hệ với lửa là sức nóng; cũng chính vì vậy mà làm tăng thêm một nghịch đảo bản nguyên âm cho Tính - đứa con; sự choán chiếm sinh khí sống của Tính đâu chỉ có trăng mà còn là ở người bố của mình) của Hiền cho bố Tính và ông Điện, một sáng kiến của ông Phước (theo đánh giá của ông Điện) không thể không khơi gợi người đọc liên tưởng đến một tổ hợp hình ảnh biểu trưng: chén - rượu - trái tim - trinh nữ - sự lên ngôi của một vương quyền mới. Điều này bắt nguồn từ một huyền thoại của người Celtes, một sự tích hay một huyền tích nổi tiếng về thành đô của người anh hùng, ở đó, một người con gái có sắc đẹp kỳ diệu đã dâng chén rượu cho Conn (vua Ailen) dưới sự chứng dám của thần Lug. Vì thần này tiên báo cho ông rằng nòi giống của ông sẽ trị vì đất nước này trong rất nhiều thế hệ.

Trong Thoạt kỳ thủy, hiện hữu một tương quan vênh lệch giữa một ngưng đọng thời - điểm và biến dịch thời điểm sử tính. Thời - điểm tập trung vào những biến ảo của con cú: “mười một giờ mười lăm” (ở trang 9); “mười một giờ mười bảy” (ở trang 49); “mười một giờ hai mươi” (ở trang 88); “mười hai giờ kém mười chín” (ở trang 113) và “mười hai giờ” (ở trang 160). Nhưng thời điểm sử tính không thế, Tính sinh ra và lớn lên, lấy Hiền rồi chết là một quãng khá dài. Nếu chúng ta tách ra các thời - điểm của con cú thì nó chỉ hiện diện chỉ có 45 phút (từ mười một giờ mười lăm đến mười hai giờ). Điều ám ảnh là ở chỗ, nó tham dự một cách không dè dặt vào cuộc sống của Linh Sơn, của Tính. Sự không cân xứng và vênh lệch trên bị đẩy vào tâm thức để hóa sinh những ám ảnh ma mị. Hơn cả thứ “trong mơ còn thức”, sự can thiệp của nỗi sợ hãi, của Vô thức tập thể về những bí ẩn cuộc sống, bí ẩn của vũ trụ đã hẹn gặp trong sâu thẳm nội giới người. Đó là sự hội ngộ chân thực nhất của những “kẻ di trú vĩnh cửu” với thế giới tâm hồn lắm đa đoan của con người. Và ở đây yếu tố vô thức đã được triệt để khai thác nhằm thể hiện quá trình tiệm thoái của cuộc sống.

N.Q.H
(SH274/12-11)









[1] - Nguyễn Bình Phương (2005), Thoạt kỳ thủy, Nxb Văn học, Hà Nội.

 

[2] - Như trên, tr 14, 15.

 

[3] - Như trên, tr 14.

 

[4] - Như trên, tr 26.

 

[5] - Jean Chevalier (và Alain Gheerbrant) (Nhóm tác giả dịch), (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr 153.

 

[6] - Jean Chevalier (và Alain Gheerbrant) (Nhóm tác giả dịch), (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr 941.

 

[7] - Nguyễn Bình Phương (2005), Thoạt kỳ thủy, Nxb Văn học, Hà Nội, tr 159.

 

[8] - Như trên, tr 161.

 

Các bài mới
Cuộc tìm kiếm (03/01/2012)
Các bài đã đăng
Ký ức tím (16/12/2011)