Tạp chí Sông Hương - Số 274 (tháng 12)
Đọc 'Xa Hà Nội', đồng cảm với Nhất Lâm
09:10 | 23/12/2011
NGÔ MINH Xa Hà Nội (Nxb Văn học 2011), cuốn tiểu thuyết thứ 3 và tập văn xuôi thứ 7 của nhà văn Nhất Lâm vừa ra mắt bạn đọc đầu tháng 9-2011. Tôi đọc một mạch hết 334 trang sách. Cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề thú vị về cuộc sống và thời cuộc rất đáng suy nghĩ, chiêm nghiệm.
Đọc 'Xa Hà Nội', đồng cảm với Nhất Lâm
Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Tiểu thuyết Xa Hà Nội kể lại số phận nhân vật chính Lê Quang Định cùng một số bạn bè đồng hương Thừa Thiên Huế của anh trên đất Hà Nội từ sau năm 1954 đến sau năm 1975 với bao biến cố lịch sử suốt hơn hai chục năm ròng, diễn ra trong một không gian rộng từ Hà Nội đến chiến trường Khu 5. Câu chuyện bắt đầu từ mùa hè năm 1954, Định lúc đó là bộ đội bị thương ở Phò Trạch. Vợ anh, mới dạm hỏi, tên là Dịu, bế con từ dưới Đại Lược, Thanh Hương lên thăm chồng đang nằm ở trạm xá dã chiến. Sau đó, Định được dân công cáng từ Phò Trạch ra Quảng Trị, Vĩnh Linh, Quảng Bình, tới viện quân y. Rồi Định đến Hà Nội, đi học xây dựng cảng biển, cảng sông, được sang Liên Xô thực tập, rồi về làm giám đốc một công ty lớn ở đất Cảng Hải Phòng, sau đó lên làm vụ trưởng một vụ ở Bộ. Định yêu Lụa, một cô công nhân cảng. Để hai người cưới nhau, Hội đồng hương Thừa Thiên đã xác nhận là: “Định là có vợ ở quê thật nhưng mới đi dạm hỏi, chưa cưới, và sau hai năm theo Hiệp định Giơnevơ, hai miền không thống nhất cô ấy đã đi lấy một người làm cho chính quyền Sài Gòn”. Thế là cưới. Nhưng rồi Định được trên điều “đi B” vào Vũng Rô, Phú Yên, làm tổ trưởng một tổ 3 người đi điều tra tình hình luồng lạch, hoạt động của tàu chiến địch, để lên phương án cho những chuyến tàu không số chuyển vũ khí từ miền Bắc vào Khu 5 bằng đường biển qua bến Vũng Rô. Anh phải đi bộ vượt Trường Sơn 3 tháng. Hoàn thành nhiệm vụ, tổ của anh được cấp trên trực tiếp cho đi bằng thuyền vượt biển ra Bắc. Sau năm 1975, Định đành xa Lụa cùng đứa con ba tuổi, xung phong vào xây dựng quê hương mới giải phóng. Anh được Bộ xếp lương vụ trưởng, phụ trách một công ty xây dựng làm ăn rất năng động, phát đạt, nhưng lại bị tố oan là tham ô và cố tình làm trái pháp luật. Ông tự bào chữa, Hội đồng xử án đã đuối lý, nhưng họ vẫn cho ông làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế. Họ còn tố thêm ông tội đi vào chiến trường rồi ra Bắc bằng tàu không rõ ràng. Anh em cũ đã ly tán cả. Ông Ba Thuyền chỉ huy thời ấy cho phép tổ của Định ra Bắc bằng thuyền thì đã hy sinh năm 1972. Thế là ông bị kết án 10 năm tù. Ngồi bóc lịch trong nhà giam Bảo Điền 7 năm ông mới được tha. Như thế là kể cả thời gian ngồi tù Định đã Xa Hà Nội gần 20 năm. Bây giờ anh đã thành một ông già 75 tuổi, còn đâu tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết giữa Hà Nội xưa mơ mộng...

Cùng với chuyện của Định, Dịu, Lụa, Xa Hà Nội còn có chuyện đời mộng tưởng, đau khổ của Khánh; chuyện tình nóng bỏng và hạnh phúc của Lai và Thu, đồng hương Huế ở Hà Nội. Chuyện tình yêu Tuyến - Chín Sành, những người con Phú Yên kiên cường chiến đấu, cũng là một mối tình đẹp trong chiến tranh. Chín Sành là du kích một làng biển sát chân đèo Cả. Cô có chồng đi tập kết khi mới cưới nhau chưa có con. Mười năm sau, không ngờ chồng của Chín Sành là Tuyến, người từng đi học hàng hải ở Liên Xô, bây giờ đến Vũng Rô để nghiên cứu luồng lạch trong tổ của Định. Thế là họ gặp nhau, ăn ở với nhau ngay trong căn nhà mình rất hạnh phúc, cho đến khi có mang mà bà mẹ Tuyến không biết... Câu chuyện nào cũng được tác giả xây dựng rất chăm chút, công phu.

Đọc Xa Hà Nội, ta thấy tác giả đã cung cấp cho người đọc một khối lượng kiến thức văn hóa về Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Quảng Trị, về Việt Bắc, Trường Sơn và vùng quê Phú Yên rất bổ ích, chứng tỏ người viết rất am tường về những vùng đất này. Tác giả tả mùa xuân Hà Nội: “Nắng mùa xuân thật đẹp và dễ chịu. Ban ngày khi thấy ánh nắng là ve kêu râm ran trên những cây sấu già lá xanh trong trẻo. Có lẽ bầu trời trên những phố có nhiều vòm xanh của lá sấu màu trời có sắc thái riêng hơn ở vòm trời nơi khác...”. Và đây là hình ảnh cô gái đất Cảng: “...con gái mỏ than còn thép hơn con trai ở nơi khác đến, mò lớ ngớ là dính đòn bằng những quả đấm thép chẳng kém gì cánh thợ lò. Các chị ở nhà sang tan ca ăn ngon lành một đĩa phở xào, một cặp bánh chưng, thêm ba quả trứng vịt, rồi tráng miệng bằng mấy quả chuối...”. Còn đây là chiến khu Dương Hòa, Hòa Mỹ, Ba Lòng, Đá Nổi: “...đất và rừng ở Dương Hòa, Hòa Mỹ, Ba Lòng, Đá Nổi là thánh địa của kháng chiến... Quân đội Pháp đã bao lần dùng sức mạnh, máy bay càn quét... Nhưng khi mới đến được bìa rừng là nếm mùi thất bại”. Đến vùng đất Phú Yên, Nhất Lâm nghĩ về các chúa Nguyễn: “Chúa Nguyễn khi vào Quảng Trị đóng dinh tại Ái Tử... Nhưng về mặt mở cõi thì Chúa đã sai thuộc tướng tiến đến núi Chóp Chài, rồi đến tận sông Ba. Hai thuộc tướng Nguyễn Thanh Phương và Lương Công Chánh đã giúp Chúa dựng lập làng, khai hóa vùng đất này. Bây giờ còn đó địa chỉ Đá Bia...” Đây là cảnh các cô gái Thái ở Tây Bắc tắm tiên, theo sự quan sát của Định trong một lần lên Tây Bắc công tác: “Các cô đang độ tuổi đầy đặn, tóc dài đen mượt, nước da còn trắng hơn trứng gà bóc. Từ bờ vai xuống chân là một kỳ công của tạo hóa dành cho con gái. Vai tròn, ngực đầy đặn, hai bầu vú nhô cao phía trước, không thể nào nói hết được cái đẹp bằng chữ nghĩa. Đó là sự tinh khiết của sương, của ngọc bích...”.

Tiểu thuyết Xa Hà Nội còn có những đoạn viết về nỗi bức xúc của con người trước những phán quyết ấu trĩ, cực đoan một thời. Bây giờ đọc lại, nghĩ lại mà thương đất nước. Đọc Xa Hà Nội tôi rất đồng cảm với nhà văn Nhất Lâm. Cuốn tiểu thuyết mới của anh đã giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc sống một thời đất nước chia cắt, một thời Hà Nội chiến tranh, một thời con người phải vượt lên chính mình như thế nào.

Đầu năm 2010, Nhất Lâm khởi viết Xa Hà Nội, cuối năm anh bị đau tim nặng. Tất cả các cửa máu vào tim đều bị chẹn. Bác sĩ bảo mổ, không mổ thì nguy. Nhưng anh yếu sức không dám mổ chỉ uống thuốc và chờ... Thế mà anh đã vượt qua những con đau hành hạ để hoàn thành bản thảo Xa Hà Nội. Anh quả thực là một tấm gương lao động hết mình trên những trang viết.

N.M
Huế, tháng 9 năm 2011
(SH274/12-11)







Các bài mới
Cuộc tìm kiếm (03/01/2012)
Các bài đã đăng
Hồn rừng (23/12/2011)
Cõi người ta (22/12/2011)