[if gte mso 9]> 1. Giới truyền thông vẫn chứng tỏ sự kém chú ý quan tâm, tác phong ít chủ động… khi tiếp tục bám theo những tên tuổi mà sự nổi tiếng mặc định đã được khai thác đến cũ kỹ, bệch bạc từ nhiều năm nay. Nếu chỉ nhìn vào mặt báo, sẽ thấy một không khí vui vẻ, nhàn tản của các sự kiện quảng bá, diễn xướng tác phẩm “mới” ở nhiều nơi, những lời khen ngợi hồ hởi hoặc góp ý cho “phải phép”. Thông tin xoay quanh tác giả tác phẩm hầu hết là những đánh giá cảm tính, nhiều khi có dụng ý, và vẫn gần như hoàn toàn vắng bóng những bài viết chỉ ra đâu là cái hay, là sáng tạo đóng góp cho nghề nghiệp và đời sống văn học. Mười năm, sau một số dịch chuyển về từ ngữ, một số ý tưởng về con người riêng tư lạc lõng, được hoan nghênh, vẫn lặp lại những cái đó trong “sáng tác mới” của mình, như một số nhà văn, nhà thơ hiện nay, là điều khó lòng chấp nhận. Ấn phẩm xuất bản, một trong những kênh truyền thông có khả năng mang lại hiệu quả sâu rộng, năm qua nở rộ những tuyển tập, tác phẩm mới. Series Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi, tập 3: Trái tim tỉnh thức (báo Tiền phong và Nxb Thanh Niên), Tuyển truyện ngắn các cây bút trẻ… (Nxb Thanh Niên), Anh sẽ lại cưa em nhé (Nxb Thời Đại), Hẹn gặp anh ở Hà Nội… tên gọi ướt át mùi mẫn, trình bày bắt mắt, chiếm vị trí ngon lành nhất trên các sạp phát hành phố Đinh Lễ. Có tác giả trình làng vài ba cuốn sách trong năm: Dương Thụy, với Trả lại nụ hôn, Cáo già gái già và tiểu thuyết diễm tình, Nhắm mắt thấy Paris… Nhưng khi cầm lên, đọc những truyện ngắn mới nhất của các tác giả có tiếng, như Di Li, Cấn Vân Khánh, Dương Bình Nguyên, Nguyễn Đình Tú, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy… sẽ thấy, so với những gì họ viết cách đây dăm bảy thậm chí mười năm, vẫn “hồn nhiên”, “triển vọng” và không có gì khác. Mục tiêu kinh doanh đã khiến cho nhiều đơn vị xuất bản bám theo sự nổi tiếng sẵn có, không dám “mạo hiểm” với các tác giả mới, mà thực chất là do họ không đủ khả năng thẩm định cũng như bản lĩnh để đỡ đầu. Báo chí, trong chuyên môn văn học, vốn ỷ lại hầu hết vào các tên tuổi “tiên chỉ” làng văn, càng thụ động hơn trong việc kiếm tìm, thông tin về tác giả mới, mà ít đầu tư cho sự nâng cao chính năng lực thẩm định cũng như chủ kiến của các nhà báo. Như vậy, trong khi một số người viết mới xuất hiện hoặc không thuộc dòng “chính thống” cần được có những diễn đàn để có thể công bố tác phẩm, đối thoại, trao đổi một cách bình đẳng những vấn đề trực diện về nội dung và sáng tạo, thì điều này gần như là chuyện quá xa vời. Những gì được phổ cập trên mặt báo, sách xuất bản hiện thời quá thiếu tinh thần cống hiến, thiếu những tìm tòi nghiêm túc về nghề nghiệp và tri thức. Những cuộc thi sáng tác văn học, vốn xác định mục tiêu chất lượng nghiêm cẩn, như Văn học tuổi Hai mươi (Nxb Trẻ), trong những năm gần đây, cũng có sự thay đổi về tiêu chí tuyển lựa và trao giải. Các tác giả được giải là những người kể chuyện có duyên, nắm được kỹ thuật dựng truyện, hơn là những người viết văn thực sự. Người viết văn thực sự, trước hết phải kể đến khả năng cảm xúc và rung động mãnh liệt với thế giới tâm hồn bản nguyên của con người. Khả năng này sẽ giữ cho anh ta cái nhìn trung thực về đời sống. Cùng với thời gian, sự học hỏi, người viết mài sắc cho mình năng lực cảm nhận về thế giới và con người theo một cách riêng biệt, không ai có thể bắt chước, rồi từ đó, có khả năng đưa ra một thế giới sáng tạo nghệ thuật không lặp lại, sâu sắc, làm mới mẻ những nội dung rất nhiều nhà văn khác đã viết, tạo ra một thế giới kỳ lạ không bị bó buộc vào những ranh giới sẵn có. Năm qua, có thể kể tới cố gắng của một vài công ty xuất bản như Phương Nam, nhanh chóng tập hợp, thành lập “Tủ sách Kiệt tác văn chương thế giới”, “Tinh hoa đương đại”, “Tủ sách lịch sử”… giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm văn chương cổ điển của Nhật Bản: Nỗi lòng (Natsume Soseki), Thất lạc cõi người (Dazai Osamu)… tiếp sau hiệu ứng của dòng văn học Nhật ăn khách đương đại, cũng như các tập truyện ngắn tác giả trẻ gây nhiều chú ý: Lời tiên tri của giọt sương (Nhật Chiêu), Mùi (Trần Nhã Thụy), Ngón tay út (Nhã Thuyên)… Nhà văn đàn anh Nguyễn Quang Lập “đẻ” liền 2 cuốn sách nhan đề rất hậu hiện đại, Chuyện đời vớ vẩn và Vụn ký ức. Lối viết trào lộng chua cay, cả đau xót phẫn uất gợi nhớ cụ Nguyễn Công Hoan xưa. Những bức thư tình của Trịnh Công Sơn được xuất bản, ngoài ý nghĩa tư liệu còn cho thấy nguồn năng lượng mạnh mẽ và hiện đại, ý thức văn học sâu sắc của người viết trong thời kỳ văn chương miền Nam. Cho dù lợi nhuận là mẫu số chung mà bất cứ Nxb nào cũng phải hướng tới, thì sự lựa chọn để có thể giới thiệu những giá trị văn học tinh hoa và đích thực luôn là lựa chọn khó khăn cũng như khôn ngoan, khi người làm sách buộc phải tìm ra cách thức để biến sự hấp dẫn của giá trị văn chương trở thành cái hấp dẫn một cách phổ cập. 2. Nếu như trong thời gian gần đây, dư luận có rụt rè nói đến sự tham gia ý kiến của “giới chuyên môn” văn chương, trong những trường hợp cần đến sự thẩm định khoa học, khách quan, thì vẫn cần phải đặt lại câu hỏi, “liệu đã thực sự có một giới chuyên môn” hay chưa? Giới chuyên môn ấy từ khi hình thành tới nay đã đóng góp tiếng nói của mình như thế nào? Các nhà nghiên cứu, phê bình, các nhà văn nhiều kinh nghiệm trong sáng tác cũng như thẩm định, là người đủ năng lực và uy tín để lên tiếng phân xử, ví dụ một tác phẩm có “dâm ô đồi trụy” hay có “tìm tòi về nghệ thuật” hay không. Nhưng lại chưa có một môi trường tranh luận cởi mở và thực sự tôn trọng ý kiến của những người làm nghề. Số ít người đang cầm bút, dốc lòng tận lực cho những giá trị nghề nghiệp phải được coi là “giới chuyên môn”, được tôn trọng, nhưng chính họ cũng chưa ý thức đầy đủ về điều này. Chính vì vậy, sau khi đã có ý kiến chính thức của “giới chuyên môn”, cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (Nguyễn Vĩnh Nguyên) không dâm ô, đồi trụy như bị quy kết, một nhà quản lý đã tuyên bố: “Sẽ thành lập Hội đồng thẩm định cấp Bộ để đánh giá lại (!) sao cho không để lọt những cuốn sách có sự bất thường (!) vào đời sống đọc sách của toàn dân” (dantri.com,11/ 12/ 2011). Nếu như tiêu chí để cho phép lưu hành một cuốn sách là phải “bình thường” (!) không có những biểu hiện “bất thường” thì thiết nghĩ, các nhà văn không cần phải mất công sáng tạo làm gì. Bởi vì bản chất sự sáng tạo phải là tìm ra những ý nghĩa “không bình thường” từ đời sống, giúp bạn đọc nhận thức thế giới trong những sắc thái “không bình thường”, đó mới chính là động lực để phát triển và hiểu biết về con người. Chỉ chấp nhận cái “bình thường” tức là giết chết sáng tạo. Năm 2011, lần đầu tiên có sự ra mắt, dù chưa hoàn toàn đầy đủ, bộ Sách giáo khoa văn học ở bậc Tiểu học, bộ sách tham khảo duy nhất hiện nay, ngoài sách chính thống từ Bộ Giáo dục, của nhóm soạn giả, nhà giáo Phạm Toàn. Trong khi việc dạy và học văn trong nhà trường hiện nay chỉ có thể tạo ra những “cỗ máy trả bài”, tầng lớp “người đọc” không được trang bị hiểu biết và cách thức cơ bản để tự đọc ra “thông điệp” cũng như những đặc sắc trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học, thì việc công bố một bộ sách GK có cách dạy học hoàn toàn mới là hành động thiện tâm và dũng cảm. Bằng cách trang bị cho học sinh hiểu biết về các hoạt động của cảm xúc và tư duy (đồng cảm, tưởng tượng, liên tưởng, các loại hình ngôn ngữ nghệ thuật), bộ sách hướng tới việc giúp người đọc đặt mình vào địa vị của người sáng tác, đi lại con đường mà người sáng tác đã đi, để khám phá tổ chức nghệ thuật của tác phẩm, dần dà trao cho người đọc trải nghiệm, cách thức và năng lực của người sáng tạo. Đó chính là lối dạy học cần thiết để giúp đào tạo những thế hệ người đọc mới, mặc dù về nội dung cụ thể của bộ sách, còn nhiều điểm đáng tranh cãi và bổ sung. Phê bình văn chương, hiểu theo nghĩa đầy đủ, chính là hoạt động tự ý thức của văn học. Người viết phê bình là tầng lớp tinh hoa của người đọc, nhưng đồng thời cũng đại diện cho ý thức của lớp người sáng tác. Không phải một thứ cân đo đong đếm theo những tiêu chí áp đặt từ sách vở xa lạ, mà nó chính là sự thấu hiểu và làm hiển lộ rõ ràng tư duy cũng như những mô thức của sáng tạo. Là văn chương tự định hình nó. Năm qua, ngoài các công trình phổ cập về lý luận, xuất hiện một số cuốn sách đưa đến cái nhìn mới mẻ: Thi ca nết đất (Lê Thiếu Nhơn) bình thơ, nhận định tác giả theo lối trực giác, bám theo rung động và cảm xúc, theo lối Hoài Thanh hồi đầu thế kỷ XX. Cuốn sách chưa bộc lộ được nhận định cả quyết, mang tính chuyên môn cao trong việc tuyển lựa và đánh giá tác giả. Suy tưởng, Giấc mơ, Viết… (Khánh Phương) chỉ ra những biểu hiện nghệ thuật và tiêu chí cụ thể để định hình những chuyển biến trong tư duy và tổ chức sáng tạo của các nhà văn đương đại Việt Nam cũng như thế giới. Cuốn sách còn mang tính ngẫu hứng, chưa thật đầy đủ, hệ thống trong tổ chức nội dung. Phê bình văn học, Con vật lưỡng thê ấy (Đỗ Lai Thúy), trình bày những nắm bắt của riêng tác giả với những lý thuyết văn học quan trọng của thế kỷ XX, và kết quả nghiên cứu thế giới nghệ thuật của một số nhà văn trong nước. Thể hiện công phu và đầu óc tìm tòi nghiêm túc, tôn trọng giá trị nghệ thuật của người làm phê bình thuộc hàng nghiêm túc nhất hiện nay, nhưng cuốn sách vẫn chưa nhiều sức hấp dẫn với bạn đọc bởi tiêu chí tuyển lựa nhân vật và lối viết còn điển phạm, nhiều khi cũ kỹ, chưa bộc lộ nhiều sự phóng túng của sáng tạo. Giới chuyên môn hữu năng, lớp người đọc văn chương đích thực và người phê bình sáng tạo, là ba góc độ của cùng một công việc. Đó là, phải tạo ra chỗ đứng thực chất cho tri thức và thái độ khoa học trong đời sống, cũng như tạo lập một xã hội có mục tiêu dân trí. 3. Văn học Việt Nam đang ở đâu, và là thế nào so với khu vực và thế giới? Sự tụt hậu của người viết trong nước, kể cả so với khu vực, là tụt hậu về nhận thức nghề nghiệp cũng như kiến thức. Người viết trẻ trong nước say sưa với lối miêu tả công thức sáo mòn về nỗi cô đơn, sự éo le của môi trường sống xung khắc với kiểu tâm hồn thơ mộng chết yểu, hay những cơn nổi loạn đồng bóng bế tắc, những ly kỳ quẩn quanh của đời sống thành thị chật hẹp… (văn xuôi), nhập đồng với những tuyên ngôn và hình thức vay mượn chưa đến nơi đến chốn. Phần nhiều người viết trẻ tuổi vẫn dừng ở “làm mới”, sửa đổi và xê dịch phần từ ngữ, chứ chưa sáng tạo được ý tưởng mới (thơ). Trong khi đó, sáng tác văn chương trong khu vực đã vượt qua từ lâu giai đoạn kể chuyện bằng tình tiết, thân phận, phản ánh vui buồn, cảm xúc của người viết trong sự lệ thuộc vào diễn biến của đời thực. Thơ ca hay truyện ngắn, đối với người viết trẻ trong khu vực là bộc lộ những sáng tạo mạch lạc của tư duy trong trạng thái tràn đầy cảm xúc. Sự “giải thiêng” hay băng qua tất cả những ranh giới ước lệ mà trí tuệ chừng mực của con người tự bày đặt ra, như quỷ thần, cái hiện hữu và không hiện hữu, “chủ và khách quan”… Trong khu vực có nhiều diễn đàn quốc gia và nhóm các quốc gia, để cùng trao đổi về văn học nghệ thuật cũng như giới thiệu các tác giả xuất sắc của mình, như: International Literary Award, Bintan Art Festival, The Majelis Sastra Asia Tenggara, The SEA Write Award, The Anugerah Tun Seri Lanang, (khu vực) Ubud Writers and Readers Festival, The Sagang, Art Award, The Highest Arts Awards… (Indonesia, Singapore). Thông qua các diễn đàn, những tên tuổi nhà văn, nhà thơ được quảng bá trong khu vực và tới thế giới: Marhalim Zaini, Nurhayat Arif Permana, Ahma Zaim Rofiqi, Hana Francesca, Isa Kamari, Mariano L. Kilates… Không cần bi quan, tự ti, nhưng người viết trẻ trong nước còn phải chủ động học hỏi rất nhiều điều để theo kịp mặt bằng chung trong khu vực. Trước hết, họ phải đủ bản lĩnh để không đặt ra cho mình những mục tiêu dễ dãi, đủ mẫn tuệ và cứng cỏi để tự mình lựa chọn đâu là con đường và người thầy đích thực. K.P (SH275/1-12) |