Tạp chí Sông Hương - Số 276 (T.2-12)
Tác phẩm mới tháng 2/2012
14:07 | 19/01/2012

@ Là một người hoạt động âm nhạc có bề dày nhiều năm trong kháng chiến, cho đến nay đã “hơn 40 năm bổng trầm”, nhạc sĩ Mai Xuân Hòa vừa ra mắt Tuyển tập ca khúc - ca cảnh Nỗi đợi chờ.

Tác phẩm mới tháng 2/2012

Đã bước qua ngưỡng 80 tuổi xuân, cuốn sách dày 168 trang khổ 21x18cm này có thể xem là “cống hiến trọn đời” của nhạc sĩ Mai Xuân Hòa với 42 ca khúc và 3 ca cảnh. Bên cạnh đó còn có phần Giới thiệu tác giả & tác phẩm với sự góp mặt của nhiều nhạc sĩ tài danh: Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Mai Xuân Hòa luôn mang tới cho mọi người lòng chân thành và niềm đam mê mãnh liệt, trẻ trung… tình yêu nồng nàn về con người và cuộc sống”; Nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Mai Xuân Hòa không những có công đóng góp tích cực cho đời sống âm nhạc của trẻ thơ mà còn thể hiện một tình cảm trong sáng, một tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc”.
Sách do Nxb Văn hóa - Văn nghệ cấp giấy phép tháng 11.2011. Tranh bìa của họa sĩ Đặng Mậu Tựu.
 


@ Nhà văn Nguyễn Duy Tờ - Giám đốc Nxb Thuận Hóa, Huế chính là một “biên tập viên” cho cuốn sách in từ luận án Tiến sĩ của mình vào cuối năm 2011 (dày 290 trang, khổ 14,5x20,5cm). Đúng như Gs. Hà Minh Đức đã viết: “Nguyễn Duy Tờ là người đến muộn, nhưng cánh cửa học thuật vẫn mở ra và dành cho anh một đề tài mới: Sự vận động của dòng văn học hiện thực Việt Nam 1930 - 1945.”
Những tác giả tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao... được Nguyễn Duy Tờ tham chiếu vào quá trình vận động của nền văn học nước nhà, làm bật lên nhiều giá trị nhân văn - muôn đời là sinh khí của nghệ thuật.
 


@ Trong bức tranh của họa sĩ Đinh Cường mà Thái Ngọc Thảo Nguyên chọn làm bìa cho tập thơ Bái biệt Huế (Nxb Văn học, tháng 12.2011), một hình hài gầy mòn “đội” vầng dương đỏ quạch chênh chao dưới sườn núi, bóng rớt xuống lòng sông; ấy chính là tâm thế của tác giả khi bái biệt cố hương ra đi có khi là mãi mãi… Lần theo những dấu chân của Kiêm Thêm, người đọc sẽ gặp rất nhiều những từ được lặp lại như một sự cố ý: tuyệt mệnh, hư không, tiền kiếp, tro than, di chúc, xác, liệm, chôn, mộ, âm ty, suối bạc,… Sự nuối tiếc tận cùng khi bái biệt Huế ẩn sau những con chữ có vẻ bi lụy ấy cho thấy nỗi khao khát lần trở lại thăm Huế của tác giả lớn nhường nào.
 


@ Sông Hương vẫn nhớ những câu thơ bỏng rát trong bài “Những cô gái tắm đêm 30 của Nguyễn Thánh Ngã đăng trên số Xuân năm 2008: “Những cô gái tắm bằng gáo dừa/ múc giấc mơ xối lên những chồi lửa/ cháy đêm”. Ở tập (Nxb Hội Nhà văn 2011), là một sự... hoát ngộ. Từ “quan niệm” Thiền: “kinh là thơ biệt diệu/ vừa hạ cánh vừa nghiêng vừa rực rỡ dưới cội Hoa Nghiêm”; thơ NTN đã được tắm gội trong Tâm kinh “sắc tức thị không không tức thị sắc” của Phật: “Pháp là hoa. Hoa là pháp. Trắng là đen. Đen là trắng. Là một. Dòng âm thanh bất tận trên những sườn đồi. Những chú ong tu sĩ. Có thể là những nhà sư đi khất thực. Mật”. Hay “vị sư cười như mưa/ ướt bên vai trần màu nâu/ chiếc y như bạt nắng chiều chiếu xiên bên cái bát rỗng không”. Và nhờ đó Nguyễn Thánh Ngã đã ngộ ra minh triết về sự sống: “hãy đi như một hạt bụi/ đừng đi như một ngọn tháp”.
   


@ Bút ký Về những đỉnh tuyệt mù (Nxb Văn học, tháng 12.2011) là tập văn xuôi đầu tiên của Nhụy Nguyên. Cuốn sách gồm 12 tác phẩm. Trong đấy hiện rõ “nỗi thao thức của tác giả đối với liệt sĩ Cu Lối, với cánh rừng A Lưới từng bị bom đạn Mỹ thảm sát năm xưa (Danh xưng cho một linh hồn); là nỗi đau của những số phận bị nhiễm chất độc da cam (Trên cả nỗi đau), chuyện xây mồ mả và quy hoạch các vùng ngoại vi Huế (Cửa sổ phía tây nam đô thị Huế)... Những “thông tin”, những “vấn đề” trong bút ký của Nhụy Nguyên thường được diễn tả qua cảm nhận, liên tưởng của tác giả, lại được thể hiện với một văn phong của một cây bút truyện ngắn biết chăm chút từng câu, từng chữ, nên tác phẩm có sức truyền cảm và do đó, để lại ấn tượng sâu hơn trong lòng bạn đọc” (Nhà văn Nguyễn Khắc Phê).
 


@ Tác giả cao tuổi Lê Huy Hoàng sống tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, đã in 8 đầu sách. Tập Nhàn đàm, Tùy bút và Bình thơ Ký ức, Thời gian và Cái đẹp (Nxb Văn học, 2011),  phần đầu gồm 9 bài Nhàn đàm và Tùy bút. Bài Nhà văn là sự khẳng định lại mệnh đề: “Có hội viên dứt khoát không phải là nhà văn nhưng có nhiều nhà văn chưa là hội viên”. Một bài khác cũng đã đăng trên báo Văn Nghệ số Tết. Tác giả đã khéo dẫn nhiều chuyện kẻ sĩ dùng người đời xưa nhưng vẫn là thời sự, là họa hay phúc cho dân tộc đời nay. “Thực tế cũng cho thấy: định kiến và ngược đãi một số văn nghệ sĩ, trí thức một thời đã làm mất uy tín của người phụ trách...”. Phần Bình thơ, tác giả mạnh dạn thẩm những bài thơ như “Gửi em chiếc nón bài thơ” của Sơn Tùng, “Tin thì tin, không tin thì thôi” của Nguyễn Trọng Tạo, “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của Bùi Minh Quốc v.v.. Đây quả là một việc khó.

(SH276/2-12)









 

Các bài mới
Rồng đá (20/01/2012)
Các bài đã đăng
Rừng Juliet (17/01/2012)