TÔ NHUẬN VỸ
(Kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Mỹ).
Thành công lớn nhất của các nhà văn, nhà thơ Mỹ của Trung tâm William Joiner (WJC) là, bằng lương tâm can đảm từ những ngày những người Mỹ tiến bộ còn bị “cấm vận” hết sức ngặt nghèo khi hoạt động ủng hộ Việt Nam, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy việc bình thường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và là tổ chức quan trọng nhất ở Hoa Kỳ, cho đến nay, đưa văn học Việt Nam đến với công chúng Mỹ. Nói như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, “WJC đã là cầu nối giữa hai nền văn hóa, đã là chiếc tàu phá băng giữa lúc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ còn đóng băng. Các anh đã làm được nhiều việc mà ngay các nhà chính trị cũng phải ngạc nhiên”.
Thành công này đã được nhiều người (trong đó có bản thân tôi) viết trên nhiều sách báo trong những năm qua và ngay tại cuộc gặp gỡ này. Ở đây tôi chỉ xin đề cập tới một lãnh vực hoạt động khác, khá “đặc biệt”, của WJC. Đó không chỉ là hoạt động thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mà là kiên trì “hàn gắn” sự tan nát giữa những người Việt Nam vốn đứng trong hai chiến hào đối nghịch trong chiến tranh. Bắt nguồn xúc động từ trái tim nhân ái, WJC bắt đầu công việc lớn lao mà khó khăn này từ những trái tim nhạy cảm nhất, trái tim các nhà văn Việt Nam, từ hai phía.
Vấn đề nhạy cảm này đã được WJC chú ý từ rất lâu, từ chính thực tế “xương máu” trong các hoạt động của mình, từ những năm 90 của thế kỷ trước. Các cuộc biểu tình, ẩu đả phá rối những buổi đọc thơ, đọc văn của các nhà thơ nhà văn từ Việt Nam sang, các tờ rơi đe dọa sát hại, các cuộc nghe lén điện thoại cho đến các viên đạn bắn thẳng vào nhà nào “chứa chấp nhà văn cộng sản”… của những thế lực cực đoan trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt khiến anh em WJC thực sự “toát mồ hôi” vì họ không hề quen đối phó với loại miệng hô hào dân chủ đa nguyên nhưng hành xử như những kẻ lục lâm thảo khấu. Nhiều trường hợp những nhà thơ nhà văn “đô con” như Bruce Weigl, Kevin… phải đưa thân ra đỡ đòn cho những nhà văn nhà thơ “nhỏ thó” như Nguyễn Quang Sáng, Trần Đăng Khoa… WJC cho rằng các nhà thơ, nhà văn Việt Nam trong và ngoài nước có thể và nên làm nhịp cầu tiên phong xóa bỏ vết thương hận thù đau đớn đã kéo quá dài của dân tộc Việt Nam. WJC ra sức tìm kiếm các nguồn tài trợ để tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, nghiên cứu… theo ước vọng cao cả này. Các chương trình đã mời nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà tôn giáo… trong nước và nước ngoài tham gia. Không phải chỉ gay cấn chuyện lo kinh phí, lo lên chương trình, danh sách khách mời… mà thực tế WJC phải lo từ thượng vàng đến hạ cám, từ mua các loại vé tàu bay, tàu lửa, ô tô đến chỗ ăn nghỉ “đặc biệt” tại các “khách sạn 6 sao” là chính tại nhà của các nhà văn, nhà thơ nguyên “ở bên kia chiến tuyến”. Để “hai phe” cùng ngủ, cùng ngáy, cùng uống trà buổi sáng, cùng cụng rượu nửa đêm, cùng rỉ rả tâm sự cùng đập bàn tranh luận… để rồi cùng ôm nhau mày tao ứa nước mắt thân thiết, cùng lên án những gì đã đẩy xa anh em đồng bào ở hai đầu chiến tuyến cho nhân dân đau đớn và Tổ quốc hoang tàn. Đó là việc làm tưởng đơn giản nhưng thật ra vô cùng phức tạp, nhất là gần chục năm trước đây và ngay tại những nơi nhạy cảm như ở trung tâm quận Cam, ở Washington DC…, ở những nơi mà có lúc giăng đầy cờ vàng ba sọc đỏ.
Từ Việt Nam tham gia chương trình này có các anh chị Huệ Chi, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Văn Thủy, Đặng Nhật Minh, Lý Lan, Trịnh Cung, Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ… Trong số kết quả của các cuộc gặp gỡ, nghiên cứu này có tập phỏng vấn các nhà văn nhà thơ Việt Nam hiện ở Hoa kỳ Nếu đi hết biển của Trần Văn Thủy và chuyên luận Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và hội nhập của Tô Nhuận Vỹ công bố trên liên mạng. Dù không ít người không đồng tình với một số quan điểm của các tác giả, thậm chí phản đối gay gắt, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là hai công trình này đã gây nên một chấn động đặc biệt trong cộng đồng người đọc Việt Nam ở nước ngoài và lần đầu tiên sự gặp gỡ, sự đối thoại, sự tranh luận, sự thẳng thắn đối chọi tư duy của các nhà văn, của các nhà văn hóa vốn ở “hai đầu chiến tuyến”, đã diễn ra, được chấp nhận diễn ra. Không có tranh luận, không có trao đổi không thể đi đến chân lý. Theo hướng này, WJC đã tổ chức các cuộc nói chuyện, đọc tác phẩm của Trần Văn Thủy, Đặng Nhật Minh, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Tô Nhuận Vỹ… trong các Đại học và cộng đồng người Việt, đã góp phần tích cực xóa bỏ làn ranh ngăn cách, hận thù. Tôi nhớ lại chuyến cùng Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là Hữu Thỉnh vào mùa hè 2009 thăm Hoa Kỳ theo lời mời của WJC. Trước các cuộc gặp gỡ của ông với các anh chị nhà văn nhà thơ ở Boston, Washington DC, Quận Cam… không phải không có sự e ngại từ… cả hai phía. Nhưng, những phút dè dặt bỗng vụt qua mau khi những bài thơ tình tha thiết, những tâm sự sâu thẳm về thân phận con người, về số phận khắc nghiệt của Tổ quốc… được dốc ra cùng nhau. Rõ ràng không có gì thay thế được việc gặp gỡ, trao đổi.
Có thể nói rằng, từ sau 1975 đến nay, không có bất cứ một tổ chức nước ngoài nào, kiên trì và nhiệt tâm đóng góp vào sự thông cảm, xẻ chia, hòa hợp giữa các nhà văn, nghệ sĩ, nhà văn hóa, trí thức… Việt Nam khác chính kiến, trong và ngoài nước, ngoại trừ WJC!
*
Hội thảo ở Đại học Massachusetts, từ trái qua: B.Weigl, L.Heinamann, Lady Borton, Tô Nhuận Vỹ |
Riêng với Thừa Thiên Huế, WJC có một quá trình quan hệ cũng… đặc biệt.
Đặc biệt đầu tiên là một số thành viên của WJC có quan hệ với Huế trước cả quan hệ với Hội Nhà văn Việt Nam, từ những vận động máy móc, thuốc men giúp đỡ bệnh viện TƯ Huế ngay sau năm 1975. Một trong những ấn phẩm đầu tiên của WJC, cuốn Writing Between the Lines, tuyển tập tác phẩm của các nhà văn nhà thơ Hoa Kỳ và Việt Nam đã đi thăm nhau, do Kevin Bowen và Bruce Weigl biên tập và tuyển chọn, đã ủng hộ toàn bộ số tiền nhuận bút tặng Bệnh viện TƯ Huế, giúp máy trợ thính cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Nước Ngọt, Trường tiểu học Thuận thành (cùng nhiều sách vở), cho học bổng để nhiều giảng viên tiếng Anh qua học chương trình sau đại học tại Đại học Massachusetts, trong nhiều năm đã cùng Đại học Huế tổ chức chương trình tìm hiểu văn hóa Việt Nam trong 3 tuần mỗi mùa hè, tại Huế, cho các công dân Hoa Kỳ có nhu cầu, làm cầu nối để nhóm ca Huế của Hội Văn nghệ tỉnh do nhà thơ Võ Quê dẫn đầu tham gia liên hoan dân ca quốc tế tại Lowell năm 1995 (là đoàn nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ sau chiến tranh), hết lòng cứu giúp con gái nhà văn Tô Nhuận Vỹ bị tai nạn…
Nhiều nhà thơ nhà văn ở Huế đã được WJC mời sang thăm và nghiên cứu tại Hoa Kỳ, như Lâm Thị Mỹ Dạ, Võ Quê, Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ… và nhiều nhà thơ, nhà văn của WJC đã đến thăm và sáng tác tại Huế như Kevin Bowen, Fred Marchant, Bruce Weigl, Larry Heinemann, Lady Borton, Martha Colline, Nguyễn Bá Chung… và điều rất đặc biệt là gần như tất cả các nhà thơ này đều đã có nhiều bài thơ tặng riêng cho Huế! Nhiều bài thơ trong số đó đã được in trong tập thơ đặc biệt nhân cuộc gặp gỡ lần này. Tôi cần nhấn mạnh rằng, các bài thơ đó và nhiều bài viết sâu sắc khác của các nhà thơ nhà văn thành viên WJC đã được tạp chí Sông Hương đăng tải trong nhiều năm qua cho đến số mới nhất là số 3/2012 hôm nay. Và tạp chí Sông Hương là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam đăng những bài giới thiệu khá đầy đủ hoạt động của WJC.
Tôi mong rằng, các hoạt động đầy chất lượng trí tuệ và tình cảm, đầy hiệu quả của WJC, với Hội Nhà văn Việt Nam và với các cơ quan thân thiết ở Thừa Thiên Huế, sẽ được tiếp tục, ngay sau cuộc gặp gỡ này và các niên khóa tiếp sau.
T.N.V
(SH277/3-12)