Tạp chí Sông Hương - Số 121 (tháng 3)
Linh Thái-Thúy Vân, tháp xưa dấu cũ
09:03 | 19/03/2008
Tháp Điều Ngự cho dù không uy nghi, kỳ vĩ như một tòa tháp Chăm xưa, cũng giữ được dấu ấn kỷ niệm một thời đã qua. Ba tầng tháp đứng cao trên đỉnh núi lại có một khung pháp luân chuyển động theo chiều gió, có tiếng chuông khánh rung vào thinh không như nhắc người đời nhớ đến cửa Thiền.(6)
Linh Thái-Thúy Vân, tháp xưa dấu cũ

Tôi cứ ngỡ thành Hóa Châu xưa ban đầu là một Đô-Cảng-Thị bên cửa Sình. Cửa Sình làm ngã ba cho sông Hương gặp biển. Về sau có doi cát nổi trước cửa Sình giống như một con đập chắn sóng. Doi cát ngày càng cao, hất biển ra bên ngoài để vịnh Sình nằm lại. Tất cả nước của đông Trường Sơn qua sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương đều chảy vào đầm Thủy Tú hội với nước sông Truồi rồi ào ra cửaTư Hiền (1).
Phía đông-nam cửa Tư Hiền có mũi Chân Mây từ Hải Vân Sơn lao xuống như một cái mỏ hàn đẩy nước ra ngoài biển. Nước tức, xoáy lại làm vụng sâu.
Hàng ngàn năm với hàng ngàn mùa lũ nước chở đất cát về lấp dần một phần vịnh Cầu Hai để con người đến lập làng.
Lúc đầu Linh Thái Sơn và Thúy Vân Sơn còn là hai hòn đảo đứng giữa mênh mông sóng nước. Lâu ngày bởi sự lắng đọng của phù sa, chân đảo cũng được bồi đắp cao dần.
Doi cát nổi trước cửa Sình không ngừng vươn tới gặp Linh Thái Sơn và Thúy Vân Sơn, góp phần làm cho hai hòn đảo trở thành hai ngọn núi giữ thế định hướng cửa Tư Hiền.
                "Khéo ưa thay cảnh Tư Dung
                Cửa thâu bốn biển, nước thông trăm ngòi" (2).
Vậy là từ cửa Sình thuyền bè muốn ra biển phải đi vòng khoảng trên ba mươi cây số xuống cửa Tư Hiền, nên đành nhường cảng biển cho Cảnh Dương - Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Hóa Châu trở thành đô thị làm lỵ sở cai quản nội hạt. Làng Sình bên cạnh Hóa Châu thành vẫn giữ nguyên làng tranh dân gian hàng hóa trong nhiều thế kỷ.
Đất cát dồn về triền miên, cửa Tư Hiền nông và hẹp dần. Mùa lũ nước từ đông Trường Sơn gộp với nước của Thất Thế Giới Sơn, Thương Sơn, Duệ Sơn, Động Truồi, Bạch Mã Sơn, Ngãi Lĩnh...tràn xuống. Gặp thủy triều xô ngược vào, cửa Tư Hiền nghẹn nước. Ba con sông (Hương, Bồ, Ô Lâu) quá tải đổ dồn nước vào Ngã Ba Sình. Tức nước vỡ bờ "Đập cát chắn sóng thiên tạo trước cửa Sình bị vỡ ra một quãng làm cửa Eo xả lũ. Cửa Eo tức cửa Thuận An ngày nay.
Thế là vịnh Sình trước thành Hóa Châu lại được mở cửa ra biển. Mở ra bất ngờ thì gọi là phá. Sức phá bởi nước của ba con sông nên mới có tên là phá Tam Giang.
Từ cửa Thuận An vào cửa Tư Hiền nguyên thủy là làn ranh ngoài khơi trong lộng đã lên cạn làm đường cho con người ngược xuôi, rồi làm thổ cư để làng xóm đứng lại, ghi tên những người khai canh, khai khẩn.

 

Linh Thái Sơn đứng ở mút cuối con đường bộ này, khởi thủy được nguời sở tại gọi là Độn Rùa bởi cái dáng na ná con rùa của nó. Độn Rùa lại trở thành Qui Sơn khi bước vào sách vở của các nhà nho. Đến thời Minh Mạng, Nguyễn Thánh Tổ đã đổi Qui Sơn thành Linh Thái Sơn.
                "Lạ thay tạo hóa đúc hình
                Đất bằng nổi một đỉnh xanh trước trời.
                Xa trông chất ngất am mây,
                Mái nam hạc diễu, mái tây rồng chầu" (3)
Ngọn núi con rùa linh thiêng bao la này đứng bên trái cửa Tư Hiền như một người lính ngày đêm canh giữ để trời yên biển lặng cho quốc thái dân an.
Đất có núi có biển mới làm nên sơn thủy hữu tình. Núi được người vinh thăng mới lưu danh vạn thế.
Phía sau Linh Thái Sơn có Thúy Vân Sơn giữ vị trí trừ bị. Người xưa lấy Thúy Vân Sơn làm biểu tượng con chim phượng hoàng, thì có lẽ đâu đó phía bên kia cửa Tư Hiền còn long lân mới trọn bộ "tứ linh" (long, lân, quy, phụng) cùng trấn đầu cửa sóng.
Đứng tại Linh Thái Sơn nhìn qua tháp Điều Ngự trên Thúy Vân Sơn ta nhận ra ngay đỉnh núi Bạch Mã ẩn hiện trong những áng mây trắng làm thành bức tranh thủy mặc đặt giữa nền trời. Vịnh Cầu Hai là mặt thấu kính để lung linh núi, lung linh mây, lung linh cánh chim thần. Và, từ Linh Thái Sơn vọng ngắm một vùng non nước ta mới nhận ra thế nào là huyền viễn nới mảnh đất sơn - hải giao duyên này.
Ngày xưa, người đi biển tìm Bạch Mã mà định hướng đường về, nhìn Linh Thái khi vào cửa Tư Hiền, dựa Cù Lao Chàm thì vào cửa Đại. Gắn bó một cung biển gần (Hội An - Huế) ngoài những ngọn núi ấy, còn có Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, mũi Chân Mây Đông, mũi Chân Mây Tây đã từng là nơi cho thuyền bè tránh bão.
Từ cửa Đại đi lên thành Trà Kiệu, từ cửa Tư Hiền thuyền vào Thành Lồi, như là những tuyến đường "huyết mạch" của mỗi tiểu vương quốc xưa.
Tôi nghĩ đến Amaravâti với tiểu quốc Phật giáo Đông Dương (indrapura) khi nhìn lên Thúy Vân, Linh Thái những ngôi chùa. Núi Hải Vân (Ngãi Lĩnh) gây hiểm trở gian lao cho người đi bộ nhưng lại có nơi che chở (trừ Hang Dơi) người đi thuyền. Xứ Huế, xứ Quảng, Tư Hiền, Đại Chiêm nối với nhau ân tình bằng con đường nước vậy. Thuyền thả neo dưới chân Thúy Vân Sơn và Linh Thái Sơn một thời hẳn tấp nập lắm !
Trên đỉnh núi Linh Thái ngày xưa có một ngôi tháp Chăm kỳ vĩ. Những ngày nắng đẹp dáng tháp dựng giữa trời trong như một tượng đài uy nghi hùng tráng. Người ra biển, người vào sông hẹn, chào nhau dưới chân ngôi tháp này.
                "Dập dìu buồm xuống thuyền lên
                Cánh hồng lướt gió, khách tiên nghiêng hồ.
                ...
                Đoái nhìn nọ tháp kia chùa.
                Trinh măng trên đỉnh lưng rùa khá khen
                Bửu đóng nên một hồ thiên
                Trăng thiền soi tỏ, rừng Thiền rạng thanh". (4)
Thế kỷ XIII chiến tranh chống Nguyên rồi sau đó Ô, Rí thành Thuận Hóa những công trường xây dựng đền tháp của các nghệ sĩ kiến trúc Chămpa dường như chuyển dần náo nức vào xứ Vijaya (Bình Định). Tháp Linh Thái có trước hoặc cùng thời với các đền tháp Đồng Dương? Và, nếu như thành Trà Kiệu (Duy Xuyên -Quảng Nam) làm điểm qui chiếu của thánh địa Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm thì Thành Lồi (Khu Túc) cũng là điểm qui chiếu của Vân Trạch Hòa (xã Phong Thu, huyện Phong Điền), Linh Thái Sơn. Tuổi của từng bộ ba ấy nên được xếp trong cùng thế hệ.
Nhân dân Vinh Hiền, Vinh Hải bảo rằng gần chân tháp có một giếng động sâu đáy thông ra biển. Cứ thả một quả bưởi vào tiếng ít lâu sau đã thấy nổi trôi trên mặt sóng. Chưa ai làm việc đó, nhưng vẫn cứ truyền ngôn. Chủ nhật, 13.9.1998, tôi đi lang thang bên bờ biển phía ngoài núi Linh Thái nhìn xem có quả bưởi nào không? Sóng vỗ ì oàm vào mấy độn đá bên vách núi như phả vào chân con rùa thiêng khổng lồ tưởng nó đang bơi. Tại đây tôi gặp vợ chồng chị Năm về thăm quê, cùng hai cậu con trai đi chơi biển. Chị Năm bảo hồi còn trẻ, trong một lần cắm trại trên núi chị đã nối dây múc nước ở giếng đó. Giếng sâu hun hút nhưng nước thì ngọt và rất trong.
Trời đã về chiều. Những đám mây vẫn vũ mọng nước đang chuyển nhanh về phía núi Bạch Mã. Tôi thầm nghĩ đến câu ngạn ngữ dân gian "mây bay ra biển trời nắng chang chang, mây kéo vào ngàn trời mưa rúc rích". Chị Năm có chỉ nhưng tôi không thể trở lên núi được nữa.

 

Dọc đường, tôi cứ băn khoăn về động tự nhiên hay giếng nhân tạo? Nếu đúng giếng đào thì người Chăm quả là "vua" của giếng khơi vậy! Và giếng lấy nước ở độ cao ấy đương nhiên đã được đào lúc núi còn là đảo giữa mênh mông sóng nước?
Nhiều thế kỷ nắng mưa tháp bị hư hại nặng. Tháng 4 năm Đinh Mùi (1667) Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần đã giao cho quan thủ bạ Trần Đình Ân xây một ngôi chùa gần chân tháp đặt tên là Hòa Vinh Tự (5). Trong thời kỳ hỗn chiến Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn, chùa Hòa Vinh bị tàn phá, người địa phương như luyến nhớ một thời Chùa-Tháp uy linh, đã xây thế một ngôi am nhỏ để có nơi thờ tự.
Núi cao, biển vắng, hương khói chẳng mấy người lo nên chỉ còn gió, còn mây giữa rì rào sóng vỗ!
Giá như tháp xưa còn đứng lại, giá như chùa Hòa Vinh và rừng cổ thụ còn nguyên thì Linh Thái Sơn hẳn là một địa chỉ nghỉ ngơi, du lịch lý tưởng.
Đứng phía sau Linh Thái Sơn non một cây số là Thúy Vân Sơn. Thúy Vân Sơn ban đầu có tên là Mỹ Am Sơn. Vậy là am đẹp đã làm nên tên núi. Trước ngày đại trùng kiến chùa Thiên Mụ, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đã tu sửa am cũ thành một ngôi chùa (Nhâm Thân, 1692). Cuối thế kỷ XVIII chùa bị tàn phá hoàn toàn. Mỹ Am rơi vào cõi tịch liêu hoang phế. Đến năm Minh Mệnh thứ 6 (Giáp Thân, 1825) Nguyễn Thánh Tổ đã cho dựng lại một ngôi chùa mới rồi đặt tên là Thúy Hoa Tự. Núi mang tên Thúy Hoa từ đó. Năm Minh Mệnh thứ 17 (Ất Mùi, 1836) nhân lễ đại khánh mừng thọ Thánh mẫu Thuận Thiên Hoàng Thái hậu 70 tuổi, Nguyễn Thánh Tổ lại cho sửa sang chùa Thúy Hoa, xây Đại Từ các và tháp Điều Ngự, đồng thời cho khắc bia đá nói về chùa Thánh Duyên, dựng trên núi  Thúy Hoa. Tên chùa và tên núi tách ra từ đó.
Ngày 20 tháng giêng năm Tân Sửu (11.2.1841),Nguyễn Phúc Miên Tông nhận tên mới là Nguyễn Phúc Tuyền, lên nối ngôi đặt niên hiệu: Thiệu Trị. Vì kiêng tên húy bà thân mẫu Hoàng Thái Hậu Hồ Thị Hoa, nên vị tân vương này đã đổi tên núi Thúy Hoa thành Thúy Vân.
Thúy Vân Sơn là núi mây xanh biếc để hợp với thúy ba (sóng biếc) làm nên cảnh đẹp thứ chín của đất Thần Kinh. Bài thơ "Vân Sơn thắng tích" được khắc vào bia còn đó.
Về sau có người chếnh choáng nhìn mây bay đỉnh núi cứ ngỡ là mây say mới gọi Túy Vân Sơn.
Tên núi là thế, cho dù Mỹ Am, Thúy Hoa Thúy Vân hay Độn Rùa, Qui Sơn, Linh Thái núi vẫn núi ấy nhưng dường như cũng có mạch chuyển Tháp - Am - Chùa.
Tháp Điều Ngự cho dù không uy nghi, kỳ vĩ như một tòa tháp Chăm xưa, cũng giữ được dấu ấn kỷ niệm một thời đã qua. Ba tầng tháp đứng cao trên đỉnh núi lại có một khung pháp luân chuyển động theo chiều gió, có tiếng chuông khánh rung vào thinh không như nhắc người đời nhớ đến cửa Thiền.(6)
Có thể cư dân sở tại thuở trước còn nghiêng về tư duy tôn giáo Ấn Độ mà tín ngưỡng Bà La Môn giáo, Ci Va giáo hay Phật giáo đồng hành với tượng, tháp. Tháp Điều Ngự vươn lên vị trí ấy phải chăng là cử chỉ hành xử văn hóa điều gì đã phôi pha cho gần xa, mới cũ đều có một điểm hẹn chung.
Từ Hiền cảng thị, người đến người đi đều an lòng với xứ sở biết tìm đạo mà thờ. Có điểm hướng thiện là có lương dân. Xóa đi tất cả, để mất đi tất cả thì chỉ còn lại rối ren. Tiếng chuông chùa đêm vắng vọng xa như mang thái hòa đi mọi ngả.
Tôi cứ nghĩ miên man về tên làng Đông An, Hiền Vân dưới chân núi Thúy bên chùa Thánh Duyên phải chăng cũng là ước mơ, sở nguyện. Dù không còn, rời khỏi Thúy Vân, Linh Thái tôi vẫn mang theo ý niệm những tiếng chuông chùa với bóng dáng xa xăm của một tòa tháp cổ.
----------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Cửa Tư Hiền thời Lý gọi là Ô Long, thời Trần đổi thành Tư Dung, thời Mạc kiêng húy Mạc Đăng Dung nên cải ra Tư Khách, thời Lê-Trịnh lấy lại tên Tư Dung, đến thời Nguyễn - Thiệu Trị đặt là Tư Hiền, dân gian có người vẫn gọi theo tên nôm là Cửa Ông hoặc cửa Biện.
(2) Đào Duy Từ, 1572 - 1634, Tư Dung vãn.
(3) Đào Duy Từ, Tư Dung vãn.
(4) Đào Duy từ, tư Dung vãn.
(5) Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép là Hòa Vinh, nhiều tài liệu về sau chép là Vinh Hòa, hay Vĩnh Hòa.
(6) Tầng trên thờ: Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni Phật, Tây Thiên Cực Lạc Pháp Vương.
- Tầng giữa thờ: Nhân gian Điều Ngự Phước Bị Quần Sanh Vạn Thiên Chí Tôn.
- Tầng  dưới thờ: Địa phủ Điều Ngự Minh Sát Sâm Nghiêm Diện La chủ tể.
MAI KHẮC ỨNG
(nguồn: TCSH, 3.1999)

Các bài mới
Đêm mưa (02/03/2010)
Lão Păk (01/03/2010)
Chữ “Nhàn” (26/02/2010)
Dự cảm (04/02/2010)
Các bài đã đăng