Tạp chí Sông Hương - Số 121 (tháng 3)
Trò chuyện về "Trăm hoa đua nở" với giáo sư Trần Đình Sử
09:27 | 19/03/2008
(Trò chuyện trên Sông Hương)
Trò chuyện về
Bìa một cuốn sách của GS Trần Đình Sử


 Nhóm sinh viên:
Chúng em mới lớn lên, nghe các bậc cha chú nhắc tới cụm từ "Trăm hoa đua nở". Vậy "Trăm hoa đua nở là gì?".

Đáp: - "Trăm hoa đua nở" là cụm từ dịch từ thành ngữ Trung Quốc "bách hoa tề phóng", nhằm hình dung cảnh tượng hàng trăm loại hoa cùng nở rộ, muôn hồng nghìn tía thắm tươi, các hoa đua hương, đua sắc, phong phú đa dạng của một mùa xuân mưa thuận gió hòa. Trong Tùy Đường diễn nghĩa có câu: "Bệ hạ muốn không vắng vẻ thì có khó gì! Chúng thiếp đêm nay sẽ lòng thành cầu nguyện thiên cung, để sáng mai có được cảnh "trăm hoa đua nở".

Trong ngôn ngữ hàng ngày cụm từ trên thường được dùng để chỉ cảnh tượng phồn vinh trong đời sống văn nghệ và xã hội. Với ý nghĩa này nó thường đi đôi với thành ngữ "trăm nhà đua tiếng" ("bách gia tranh minh") chỉ cảnh tượng phồn vinh, các trường phái văn học nghệ thuật đua nhau xuất hiện, như cảnh tượng thời Tiên Tần, các phái Nho, Pháp, Đạo, Mặc, Danh, Âm dương, Tung hoành, Tạp gia, Nông gia v.v... đều xuất hiện, viết sách, du thuyết nhộn nhịp một thời.

 Nhóm sinh viên: Diễn biến của "Trăm hoa đua nở" như thế nào?

Đáp: - Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng trở thành phương châm chỉ đạo văn nghệ của Đảng và nhà nước Trung Quốc từ năm 1956. Sau khi hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và tư bản công thương nghiệp, Trung Quốc muốn xúc tiến xây dựng cuộc sống văn hóa phồn vinh. Năm ấy cũng là năm Đảng cộng sản Liên Xô phê phán chủ nghĩa giáo điều  Xtalin và tệ sùng bái cá nhân. Đảng cộng sản Trung Quốc khẳng định công lao Xtalin, nhưng cũng đề ra nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều. Họ lấy khẩu hiệu trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng làm phương châm để thúc đẩy sáng tạo, khắc phục giáo điều. Về mặt triết học, chủ tịch Mao Trạch Đông giải thích như sau: "Về phép biện chứng Lênin đã từng nói": Có thể xem phép biện chứng như là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế thì có thể nắm chắc được hạt nhân của phép biện chứng. Nhưng  điều đó đòi hỏi phải giải thích và phát triển" Công việc của chúng ta là giải thích và phát triển... Lênin còn nói: "Sự thống nhất của các mặt đối lập (thống nhất như là nhất trí, đồng nhất, quân bình) là có điều kiện, nhất thời, tạm thời, tương đối. Sự đấu tranh của các mặt đối lập bài trừ nhau là tuyệt đối, cũng giống như phát triển, vận động là tuyệt đối vậy . "Xuất phát từ quan điểm đó mà chúng ta đề ra phương châm trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng". (Tuyển tập Mao Trạch Đông, Tập 5). Ngày 2 tháng 5 năm 1956 Chủ tịch Mao nêu ra phương châm trên tại Hội nghị quốc vụ tối cao. Ngày 26 tháng 5 Bộ trưởng tuyên truyền của Đảng là Lục Định Nhất phát biểu bài nói chuyện "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" trước đại biểu các giới học thuật, văn nghệ toàn Trung quốc. Một làn gió xuân giải phóng tư tưởng lan tỏa khắp nước. Cũng theo cánh giải thích của Mao Trạch Đông thì: "Các hình thức và phong cách khác nhau trong nghệ thuật đều có thể tự do phát triển, các trường phái khác nhau trong khoa học được tự do tranh luận... Các vấn đề đúng sai trong văn nghệ và khoa học đều nên thông qua thảo luận tự do trong giới văn nghệ và giới khoa học mà giải quyết, thông qua thực tiễn văn nghệ và khoa học mà giải quyết, chứ không nên giải quyết bằng các phương pháp giản đơn". (Tuyển tập Mao Trạch Đông, tập 5).

Phương châm này đã có tác động rất lớn trong việc giải phương tư tưởng, thúc đẩy sáng tác. Các nhà văn có ý thức khắc phục giáo điều, liên hệ thực tế, đột phá một số vùng cấm trong lý luận và sáng tác. Chẳng hạn khẳng định văn học là nhân học, nêu lại vấn đề nhân tính, nhân tình, vấn đề biểu hiện chân thực, phê phán tệ quan liêu, thoát li quần chúng v.v...

 Nhóm sinh viên: Nên hiểu "Trăm hoa đua nở" như thế nào cho đúng đắn?

Đáp: - Phương châm "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" của Trung Quốc trong quá trình thực hiện gặp hai trở ngại. Một là, một số cán bộ có xu hướng "tả" khuynh, giáo điều lấy làm khó chịu, cho rằng "trăm hoa đua nở" làm cho bộ mặt thời đại mơ hồ. Họ thổi phồng một số hiện tượng không thích đáng, kích động Đảng rút lại phương châm trên. Hai là, một số người mang tư tưởng hữu khuynh cũng gây nhiễu. Một số tác phẩm xấu, tình cảm thiếu lành mạnh cũng ra đời. Do tình cảm chán ghét chủ nghĩa giáo điều thường là mãnh liệt, cho nên nhiều chỗ phê phán tràn lan, thiếu công bằng, gây rối loạn, làm dấy lên phong trào chống phái hữu sau đó, làm tổn thương cục diện phát triển của văn nghệ. Tính ra phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" thực hiện sôi  nổi được gần hai năm. Mặc dù phong trào trăm hoa đua nở bị nhấn chìm trong phong trào "Đấu tranh chống phái hữu", một cuộc đấu tranh chủ yếu dựa trên các khuyết điểm bị thổi phồng, nhưng phương châm trăm hoa đua nở vẫn được khẳng định.

Năm 1979, Đặng Tiểu Bình vẫn khẳng định "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" là một phương châm mác xít (Đặng Tiểu Bình văn tuyển, bản năm 1983).

 Nhóm sinh viên: Văn học Việt có ảnh hưởng gì của "Trăm hoa đua nở" không?

Đáp: - "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" là phương châm của văn học Trung Quốc. Đảng ta không đề xướng phương châm đó, mà đề xướng phương châm khác, chẳng hạn, "Tự do sáng tác, mở rộng phê bình". Tuy nhiên khẩu hiệu của văn nghệ Trung Quốc đã dội vào ta, gây nên những cuộc thảo luận trong giới văn nghệ sĩ. Đảng ta không ai phủ nhận chính sách "trăm hoa đua nở" mà chỉ bình luận về cách hiểu nó mà thôi. Trong một bản báo cáo năm 1957 đồng chí Trường Chinh nói khi đề cập tới cuộc thảo luận ấy: "Những ý kiến đúng cho rằng tinh thần của chính sách "trăm hoa đua nở" là tự do sáng tác..."

"Trăm hoa đua nở" là một phương châm tốt đẹp có căn cứ trong triết học Mác, Lênin. Nhưng phương châm đó có thể bị lợi dụng để biểu hiện khuynh hướng tự do vô chính phủ. Rồi từ thực tế bị lợi dụng ấy mà có nơi có lúc lại xem đó là một phương châm xấu, có hại, cảnh giác với nó. Cả hai khuynh hướng ấy đều không đúng. Thực chất của phương châm đó, như đồng chí Trường Chinh chỉ ra là tự do sáng tác. Tự do tìm tòi chủ đề phong cách, hình thức nghệ thuật, tự do phát triển trường phái, tự do tranh luận để xử lý đúng sai. Còn nếu hoa độc cũng nở thì đó là việc xử lí của pháp luật và công luận. Mà pháp luật và công luận xử lí thỏa đáng hay không lại là một việc khác nữa.

Hiểu như vậy ta thấy tinh thần "trăm hoa đua nở", tức là "tự do sáng tác" phải là tinh thần căn bản của văn nghệ ta dưới lá cờ vì Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Nghệ sĩ phải tự do sáng tác mới làm giàu cho văn nghệ dân tộc, mới mở rộng bản thân quan niệm về văn nghệ. So với văn nghệ những năm 50, 60, 70, văn nghệ ta nay đã khác biệt, phong phú lên nhiều. Chỉ xin nêu một ví dụ, năm 1957, trong bản báo cáo nói trên, khi nêu vấn đề tự do tìm tòi trong văn nghệ, đồng chí Trường Chinh dặn dò: "Nhưng đừng vin vào khẩu hiệu "tìm cái mới" mà vẽ người không ra người, tạo ra những hình thù quái gở để nát người ta, thơ không ra thơ, làm chối tai bạn đọc". Thực tiễn sáng tác ngày nay đã khác so với quan niệm đó. Hội họa trừu tượng đã được thừa nhận phổ biến, và những sáng tác thơ lạ lẫm cũng đang được quen dần. Có tác phẩm thơ "như thơ dịch" cũng được giải thưởng Hội Nhà văn. Do thực tế đó ta có thể nghĩ rằng, trong tình hình đất nước đổi mới hôm nay, pháp luật ngày càng hoàn bị, dân chủ càng được phát huy thì sáng tác phải được tự do mới tự khẳng định được chính mình. Hiểu trăm hoa đua nở là tự do sáng tác thì trăm hoa đua nở vẫn là một cách nói hay.

Ngày đầu năm, 1- 1999
T.Đ.S
(121/03-99)



 

Các bài mới
Đêm mưa (02/03/2010)
Lão Păk (01/03/2010)
Chữ “Nhàn” (26/02/2010)
Dự cảm (04/02/2010)
Các bài đã đăng
Khi (19/03/2008)