Tạp chí Sông Hương - Số 121 (tháng 3)
Trước biển cả của tri thức và chữ nghĩa
10:52 | 19/03/2008
(Đọc lại "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa)Tôi đã viết vài dòng góp ý chân tình sau khi đọc lướt cuốn "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa. Nếu Khoa thực sự hiểu được vấn đề cũng như dư luận đánh giá đúng cuốn sách thì tôi không đọc lại và cũng không viết nữa làm gì.
Trước biển cả của tri thức và chữ nghĩa

(Đọc lại "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa)
Tôi đã viết vài dòng góp ý chân tình sau khi đọc lướt cuốn "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa. Nếu Khoa thực sự hiểu được vấn đề cũng như dư luận đánh giá đúng cuốn sách thì tôi không đọc lại và cũng không viết nữa làm gì. Nhưng trước việc cuốn sách thực sự đã trở thành một hiện tượng văn học 1998, còn Trần Đăng Khoa thì tự hào là đã phát minh ra được một kiểu phê bình mới; rồi qua một phóng sự trên vô tuyến truyền hình gần đây, thì có tới 99% ý kiến khen ngợi, có độc giả còn coi Trần Đăng Khoa, từ một thần đồng, nay đã trở thành một nhà bác học rồi !
Tôi thật buồn vì tiếc cho Trần Đăng Khoa. Lẽ ra Khoa cứ trong sáng một cách thực sự trong sáng, hồn nhiên một cách thực sự hồn nhiên, Khoa không đóng vai một ông trùm để phán xét toàn bộ nền văn học Việt Nam bằng cái đầu óc bé thơ nhưng lại già nua của mình; lẽ ra anh cũng không nên viết phê bình; thì tình cảm của mọi người giành cho Khoa sẽ vẫn trọn vẹn. Tôi buồn vì biết cái vầng hào quang hôm nay mà Khoa đang hạnh phúc đón nhận thực chất chỉ được hắt ra từ một mớ lửa rơm. Bởi cái số 99% người khen xuýt xoa trên kia lại chỉ là những độc giả bình thường, mà họ thích thú cũng chỉ vì tò mò, vì cái giọng điệu tếu táo mà Khoa đã sơn phết vào tác phẩm mà thôi. Còn cái số 1% bé tí ti người phủ nhận lại chính là sự phủ nhận của nghề nghiệp, của khoa học. Tôi rất mong ý kiến của họ sai, nhưng tiếc rằng ý kiến của họ lại quá đúng đắn, vì họ đều là những nhà phê bình rất có nghề, rất có uy tín; hơn nữa họ lại nhận xét rất chân tình, chứ không giống những nhà phê bình trẻ, mà ít nhiều thường cực đoan và hung hăng.
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân thật chí lý khi nhận xét rằng, hiện ở ta, cả những nhà sáng tác lẫn độc giả vẫn thường không thích nổi những tác phẩm nghiên cứu phê bình giàu tính lý thuyết, giàu tính khoa học - chính là những "tác phẩm công cụ" - mà thường chỉ thích những tác phẩm phê bình của những người sáng tác, thường có những đánh giá văn chương đầy ấn tượng bằng chính ngôn ngữ văn chương, nhưng lại hay sai lầm bởi chỉ bằng cảm tính, trực giác và ít căn cứ, không chứng minh. Tôi cũng vừa sáng tác vừa viết phê bình, nhưng phải thừa nhận đây là một sự đánh giá rất đúng đắn. Bởi chính chủ nghĩa Mác cũng đã dậy rằng, người sản xuất phải biết vấn đề quan trọng là ở chỗ công cụ như thế nào, chứ không phải ở sản phẩm như thế nào. Công cụ là cái gốc. Một công cụ tốt tất sẽ sản xuất ra được sản phẩm tốt, còn công cụ xấu thường chỉ sản xuất được những sản phẩm xấu, có tốt chăng nữa cũng chỉ là ăn may. Lâu nay người ta thường nói dư luận là quan tòa đánh giá công tâm nhất mọi thứ trên đời, nhưng riêng ở lĩnh vực tri thức cao sâu thường không hẳn vậy. Những bài toán lớn về tri thức đẩy sự phát triển nền văn minh nhân loại thực ra chỉ được giải bởi một số cá nhân đếm trên đầu ngón tay, và những người hiểu được tường tận ý nghĩa và giá trị của chúng, cũng chỉ là một số vô cùng nhỏ trong số hàng tỷ người trên trái đất này. Chính vậy mới sinh ra cái quy luật ngược đời rằng, có khi người có tài chưa chắc nổi tiếng và người nổi tiếng lại chưa chắc có tài; và những tác phẩm có giá trị có khi lại bị dư luận thờ ơ và tác phẩm dạng mua vui thì lại được đón nhận nồng nhiệt. Liệu cuốn của Trần Đăng Khoa được chào đón như vậy có phải do đã đưa ra được một phương pháp phê bình mới hiệu quả hơn những phương pháp hiện có hay không? Và chân dung nền văn học Việt đang lờ mờ trong quầng sáng tù mù của nền phê bình cũ bỗng chốc được soi sáng bằng cây bút của Trần Đăng Khoa hay không? Một cây bút hoàn toàn tự tin trước những vấn đề rất lớn, mà có đến cả viện văn học giải quyết được thỏa đáng cũng còn khó khăn.
Trần Đăng Khoa viết :"Tôi viết bằng chính kiến của tôi. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình nói. Tôi không làm cái loa, phát ngôn cho ai" (tr.190). Tất nhiên viết phê bình phải có chính kiến, toàn nhai lại ý kiến người khác thì viết làm gì cho mất công. Có điều phải biết rằng, trí tuệ của cá nhân trước biển cả tri thức thường rất hạn hẹp và nông cạn. Nên mỗi khi đánh giá một điều gì hệ trọng, người ta thường phải dựa vào cả nền tảng tri thức, từ sự so sánh đối chiếu, chứ không chỉ xuất phát từ ý kiến cảm tính, chủ quan. Người ta thường phải viện dẫn đến ông ôp, ông ép là như vậy. Đến như con mắt thần của Newton cũng chỉ mới nhận ra những quy luật cơ học trong vùng khả kiến. Phải đến thời Einstein, Rutherford, Bohr, Heisenberg, Schrodinger, Hawking... mới nhìn xa hơn, sâu hơn vào vũ trụ và lòng vật chất bí ẩn, mà đến nay vẫn còn mâu thuẫn nhau, còn nhiều điều chưa nhìn thấy, và cũng không biết đến bao giờ mới thấy hết và lý giải hết được. Vậy mà Trần Đăng Khoa khi viết phê bình lại không cần đến ai cả, không cần đến lý luân, thường chê bai người khác khi họ dùng lý luận và sự phân tích chi tiết để xác định những thành tố tạo nên sức cuốn hút và giá trị của tác phẩm. Khoa viết : "Đã không ít nhà phê bình nghiên cứu mang lý trí làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ ngơ ngác này. Có người viện đến cả thi pháp học để cố hiểu cho bằng được bài thơ, lấy thi pháp làm chìa khóa mở cánh cửa thực dụng, đi vào cõi mù mờ tâm linh này..." (tr.58). Đây là một cách nghĩ duy tâm và thần bí hóa. Bởi những con chữ chả có gì là ngơ ngác cả. Con chữ chỉ là ký hiệu thể hiện tình cảm tâm trạng, mà tình cảm tâm của con người trong tình yêu, trong chia ly gặp gỡ, trong không gian thơ mộng...tưởng như phải quá thân thuộc chứ, bởi có ai trong cuộc đời này mà không từng trải qua, vậy có gì mà "mù mờ tâm linh"?! Ngày nay người ta còn đủ sức khám phá cách thức bộ não con người "sản xuất" ra cái tâm linh này nữa cơ, vài câu thơ thì ăn thua gì! Tư tưởng không cần lý luận của Khoa còn thể hiện ở nhiều câu nói khác, cách nói khác, khi Khoa chê người khác, như: "Rồng rắn loanh quanh trong quầng lý sự tù mù" (tr 246). "Có nhà phê bình nghiên cứu viết khá dài dòng về bộ Cửa biển với bao nhiêu là lý luận rối rắm (tr 108). Về những bài viết mà tầm tri thức liên quan đến từ tư tưởng, triết học, thi pháp, mỹ học đến ngôn ngữ học... những điều cốt yếu mà nền văn học hiện đại cần phải lấy làm nền tảng, anh lại phán là vặt vãnh: "Nhiều tòa báo yêu cầu tôi trả lời... Không phải ngại va chạm. Tôi thấy cuộc tranh cãi ấy (về giải thưởng HNV và thơ hiện đại-ĐL) vặt vãnh quá" (tr 191). Khoa cho những cuộc tranh luận về đổi mới thơ là "Cãi vã ầm ĩ" (tr 194). Từ việc không cần lý luận như vậỵ, Trần Đăng Khoa cũng tự đánh giá mình : "Tôi là người ngoại đạo (về mặt lý luận, tranh luận-ĐL)" (trang 192); "Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình là nhà lý luận. Tôi viết bình luận... là do yêu cầu tòa báo. Đây là phần làm thêm" (tr 197).
Thật đáng tiếc, với quan niệm và tình trạng của Khoa về lý luận như trên, lẽ ra "do yêu cầu tòa báo" anh cứ phỏng vấn rồi ghi chép cho đầy đủ, và trong "việc làm thêm" ấy, anh đừng đóng vai một ông trùm phán xét tất cả thì có phải hay không?
Thứ nhất về những tên tuổi mà Khoa đánh giá.Tôi tán thành quan điểm không nên thần thánh hóa những tên tuổi, không nên dựng họ thành những đỉnh cao vô tận một cách siêu hình, rồi đánh giá thấp những cái mới hôm nay, cho không ai có thể vượt qua được. Với cách nhìn biện chứng, cuộc sống luôn biến đổi đi lên, mọi giá trị cũng vậy, không có gì là tất cả, và cũng không có gì là hoàn thiện cả. Có điều, ta có thể tìm ra những điểm yếu, những cái không còn phù hợp, những giới hạn... của những người đi trước, để định hướng cho sự phát triển hôm nay, nhưng không ai được phép phủ nhận sổ toẹt; không được phép đánh giá tùy tiện theo cảm tính, không chứng minh, làm sai lệch đối tượng.
Thật tiếc, trong "Chân dung và đối thoại", dù Khoa có nói không làm phê bình thì cuốn sách của Khoa vẫn là cuốn sách phê bình, bởi nhiều tên tuổi hàng đầu, những tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn, những cuộc thi văn chương quy mô toàn quốc, đã được anh mang ra đánh gia, bình phẩm.
Đọc kỹ và ngẫm nghĩ một chút, ta mới thấy bao trùm lên toàn bộ cuốn sách là cái ý Khoa muốn chê hầu hết mọi người. Nhưng vốn từng là một thần đồng, quen với tất cả, nên Khoa ngại, nhưng khổ nỗi không chê thì không chịu được, nên Khoa mới phải đưa ra cái phương pháp phê bình chưa từng có bao giờ mà tôi tạm gọi là "phương pháp vòng vèo". Đó là việc mượn người nọ chê người kia thay mình, mượn ma chê người thay mình, và đúng như nhà phê bình Vương Trí Nhàn nhận xét, trước khi Khoa chê ai, Khoa thường khen hết cỡ thì thôi. Đặc điểm chung của lối phê bình này là : không cần đúng mực, không cần chính xác, phán xét rất tùy tiện. Khoa thường đẩy sự khen chê về tận hai đầu mút của sự cực đoan, khen thì tâng bốc tận mây xanh, chê thì sổ toẹt tất cả. Với Khoa thì được anh khen hay chê đều rất hãi. Với nhà phê bình tài năng thì ngược lại, dù bị phê phán, tác giả vẫn chấp nhận, bởi sự phân tích có lý sẽ giúp cho tác giả sửa chữa và phát triển tốt hơn.
Với nhà thơ Tố Hữu, Khoa khen thơ ông là "kiệt tác", là phần lớn sẽ "bất tử", nhưng lại là kiệt tác còn "lẫn mấy câu vè" (kiệt tác là kiệt cùng hay, một bài thơ có bao nhiêu câu đâu mà lẫn đến mấy câu vè, sao còn có thể là một kiệt tác?), bất tử nhưng lại phải "nhờ lịch sử" (có phải do ít giá trị nghệ thuật nên phải ăn theo lịch sử không?)" Đặc biệt, Khoa đã sai lầm trầm trọng khi coi mấy câu khẩu hiệu của anh Trỗi hô "Hồ Chí Minh muôn năm" là : "Mấy câu khẩu hiệu khô khốc"  (tr.24). Ngay những câu khẩu hiêụ bình thường, nếu có ích, cũng không có gì là "khô khốc" cả, người ta chỉ coi mấy câu "khẩu hiệu suông", vô tích sự, là khô khốc thôi ! Huống hồ đây lại là câu khẩu hiệu của người anh hùng trước khi bị xử bắn, bày tỏ lòng tin vào thắng lợi của Cách mạng, tình yêu thiêng liêng đối với lãnh tụ kính yêu ! Thật đáng tiếc thay! Dù cho Tố Hữu có không viết câu cuối "Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần" thì câu khẩu hiệu thiêng liêng ấy vẫn là thiêng liêng. Tất nhiên, tôi biết Khoa viết vậy không phải do Khoa không yêu cách mạng, không yêu Bác Hồ, mà chỉ vì văn hóa viết lách của Khoa còn rất kém, Khoa rất chú ý đến sắc thái biểu cảm của ngôn ngữ nhưng lại rất ít để ý đến ý nghĩa của nó. Với Nam Cao, Khoa khen : "Có ai vượt qua ông ấy. Đấy là một thiên tài, cũng là niềm tự hào của cả dân tộc ta ở thế kỷ này... xét về  tài... cũng chẳng thua gì ông Sêkhôp, ông Lỗ Tấn). Nhưng rồi anh chê : "Nhưng Lỗ Tấn và SêKhôp quan tâm đến nỗi đau ở cõi tinh thần, còn Nam Cao lại phải để tâm trí nhiều đến cái bụng. Đọc ông ấy, trang nào cũng thấy đói. Mà văn học chỉ luẩn quẩn xung quanh miếng ăn cũng khó mà lớn được" (223), Văn học chỉ luẩn quẩn xung quanh miếng ăn cũng khó mà lớn được" (223). Văn học cũng như mọi lĩnh vực sáng tạo khác, trình độ nước ta còn hạn chế so với thế giới, ta không nên so sánh tùy tiện. Còn phần Khoa chê Nam Cao thì đầy sai lầm và mâu thuẫn. Đầu đoạn văn anh cho ông là "thiên tài", là "niềm tự hào" của dân tộc, cuối đoạn lại chê "luẩn quẩn" rồi "khó mà lớn". Sao đã "thiên tài" còn không "lớn"? Sao nước ta lại đi tự hào về thứ văn chương không vượt qua khỏi cái bụng? Tại sao có chỗ Khoa viết, có khi một chi tiết nhỏ thôi có thể làm nên một nhà văn lớn (chuyện con cào cào bay táp vào mặt khi bàn về Nguyễn Khắc Trường), sao Nam Cao viết về nỗi thống khổ của con người, trước nỗi thiếu thốn cái thấp nhất, cái cơ bản nhất để tồn tại, là miếng ăn, sao lại không lớn? Sao lại không tinh thần? Khoa nói Nguyễn Du chỉ nghĩ đến tinh thần vì trong tác phẩm ông không cho nàng Kiều ăn một miếng nào, nhưng tác phẩm của ông lại kể chuyện một cô Kiêù "hành nghề" ở chốn lầu xanh, nêú cũng theo cách đánh giá Nam Cao của Khoa, thì Khoa sẽ nói Nguyễn Du không vượt qua được cái gì?
Một loạt các tên tuổi khác cũng được Khoa nhìn với con mắt như vậy. Với Nguyễn Tuân, Khoa viết ông là : "nhà văn lớn, có thể "đúc tượng", là "nhà văn vĩ đại của thế kỷ XX", là "Bậc thầy của nhiều bậc thầy" (110)... nhưng lại chê : "ông cụ tả một cách nhấm nháp với vẻ đầy khoái cảm... Đưa việc chém người lên thành nghệ thuật... Nhà văn lớn ai làm thế" (113-114). Với Nguyễn Đình Thi : "Vỡ bờ" như Chiến tranh hòa bình, nhưng " tập I có khá hơn. Tập II sơ lược... nó xốp và nhiều trang minh họa quá lộ liễu". Khoa khen thơ Nguyễn Đình Thi "hay" nhưng lại ở : "đằng sau những con chữ bạc phếch" (206). Về Nguyên Hồng :"Bỉ vỏ" hay mà không lớn, "Cửa biển" lớn mà không hay". Đến Nguyễn Khải, Khoa cho là : "một bậc thầy" nhưng :"Nguyễn Khải là một nhà văn thông tấn... Ở trường phái văn chương thông tấn này, một mình ông một vị trí độc tôn, không có ai so sánh được" (122). Có lẽ không có người viết nào lại mong viết được như vậy. Nếu văn Nguyễn Khải đúng vậy thì phải chịu, có điều Khoa đánh giá không đúng. Văn Nguyễn Khải không phải là văn thông tấn, nếu sau mỗi chuyến đi ông có truyện thì cũng là truyện ông viết về những số phận, những cảnh đời ông thấy, chứ truyện của ông không phải là truyện đưa những thông tin (Khoa hãy coi lại từ điển nghĩa chữ thông tấn). Văn ông cũng không phải là văn báo chí. Nếu nói điểm tôi không thích ở Nguyễn Khải thì ở chỗ khác. Gần đây, ông thường không dựng truyện mà kể, tức là ông sử dụng vốn sống gián tiếp chứ không phải trực tiếp. Nhưng muốn dựng truyện, muốn dùng vốn sống trực tiếp, buộc người viết phải sống trực tiếp, nêú hư cấu thì cũng phải rất am hiểu tường tận mọi chuyện. Nguyễn Khải cũng như những nhà văn đã có tuổi thường khó làm được như vậy khi muốn viết nhiều, mà phải dùng đến biện pháp kể. Khi kể thì người ta có quyền nói lướt, nói ý chính, và dễ hơn.
Trong hàng trưởng lão, riêng Chế Lan Viên được Khoa chê một cách tinh vi nhất, có nghề nhất. Thứ nhất là việc ông không được Khoa "để mắt" tới. Một cuốn sách nói nhiều về những bậc tiền bối, vẽ nên những nét chính diện mạo văn học Việt mà lại không có mặt Chế Lan Viên thì cũng là cách làm tùy tiện. Thích ai, gần ai thì nói, không thì thôi, việc "lờ đi" như vậy, theo lời Xuân Diệu dậy Khoa, cũng là một cách chê: "Cái gì hay thì khen. Không hay thì im lặng, lờ đi. Im lặng cũng là một lời chê đấy" (tr 34).Tuy không được Khoa viết riêng một chương, nhưng trong bài viết về Xuân Diệu, Khoa cũng có nhắc đến Chế Lan Viên một câu. Và chỉ qua một câu đó thôi, Khoa cũng đã thể hiện được quan điểm của mình về Chế Lan Viên: "Trông ông không có gì là to lớn, bệ vệ. Cũng không có dáng vẻ lơ mơ thi sĩ-một gương mặt rất hoạt.Cặp mắt sắc, nhanh nhẹn và hết sức thông minh, nhưng là cái thông minh của một nhà thông thái hơn là một thi sĩ tài ba" (38). Tại sao một đứa trẻ con mấy tuổi đầu mà lại thấy một người đàn ông tầm vóc trung bình như Chế Lan Viên là "không có gì to lớn", sao lại phân biệt được sự thông minh của "nhà thông thái" với "thi sĩ tài ba"? Không, đây không phải là cảm nhận của một đứa trẻ con mà là một nhận xét của Trần Đăng Khoa hôm nay, về sự nghiệp của Chế Lan Viên. Và như thế cũng thật sai lầm. Dù trong số lượng khổng lồ, thơ ông cũng có nhiều bài không xuất sắc, nhưng trong số ít người được coi là "lớn" của nền văn học Việt Nam, tôi thấy Chế Lan Viên là xứng đáng nhất. Chính phẩm chất trí tuệ và bút pháp của thơ ông, chứ không phải của ai khác, gần gũi với thơ của những nhà thơ trẻ hôm nay hơn cả (những người đã có những thành tựu đổi mới đích thực), và sẽ còn ảnh hưởng dài lâu đến những thế hệ thi sĩ mai sau.
Riêng với Xuân Diệu, Khoa viết với tất cả tình yêu của mình, mang nghĩa hàm ơn, đôi chỗ thần thánh hóa, coi tư duy của ông là chuẩn mực của chân lý, mặc dù có đôi chỗ anh cũng chê, nhưng chê để khen, và chê những điều tất nhiên ai cũng có. Xuân Diệu đã có đóng góp rất lớn, ông đã mất, lẽ ra nên để ông yên giấc ở cõi ngàn thu, nhưng những quan niệm về thơ, những câu thơ nổi tiếng của ông có liên quan đến sự phát triển thơ ca hôm nay, ta không thể không bàn luận một cách khách quan và khoa học. Bài viết trước tôi đã nói phần thơ cách mạng của ông có nhiều bài quá gần lời nói thường do quan niệm "Chân chân chân thật thật thật" của ông. Nghe nói Khoa cũng không đồng tình việc tôi phân tích và đề nghị thay chữ "Đi" bằng chữ "trôi" trong hai câu : "Trái đất ba phần tư nước mắt. Đi như giọt lệ giữa không trung". Tôi vẫn bảo lưu ý kiến đó, và muốn phân tích thêm đôi điều. Động từ đi luôn gắn với sự chuyển động của người, của sinh vật hoặc máy móc có điều khiển:"Đi bằng chân, bằng bánh xe, bằng cánh quạt...Trái đất hình cầu, chuyển động bằng lực vô hình của tự nhiên, nó như trôi vô định trong không trung. Trong hai câu trên, trái đất cũng chưa được nhân cách hóa, chỉ được ví với một giọt nước mắt, tượng trưng cho nỗi buồn của chúng sinh. Vậy sao trái đất có thể đi được? Cái mà trái đất được ví là giọt nước mắt cũng làm sao mà đi được? Bên cạnh sự tương hợp với thực tại, chữ "trôi" cũng phù hợp hơn chữ "đi" trong cái khung cảnh buồn mà câu thơ muốn gợi nên.Có thể rồi Khoa sẽ lại chê tôi là sao lại dùng con dao cùn phân tích mổ xẻ những con chữ rưng rưng, vĩ đại kia, nhưng như tôi đã nói quan điểm đó của Khoa trong việc thẩm định tác phẩm là quan điểm duy tâm siêu hình. Bởi cái hay của một tác phẩm phải được bắt nguồn từ những yếu tố xác định, từ những ý tưởng, những hình ảnh, từ sự sáng tạo ngôn từ, từ cấu trúc bài thơ... chứ không phải từ những cái vô hình, những cảm xúc bốc đồng tùy tiện. Nhà phê bình phải khác độc giả thường chính ở chỗ đó, không những thấy được cái hay mà còn phải trả lời được : Tại sao hay và hay đến đâu? Chuyện Khoa kể Xuân Diêụ chữa thơ của Khoa : "Mờ mờ ông bụt ngồi nghiêm. Sợ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền" thành "...Nghĩ gì ông vẫn ngồi yên lưng dền". Khoa tấm tắc khen ông là "tinh tưởng" : "Chỉ thay một chữ "nghĩ", ông Bụt đã hóa thành cơ thể sống, đã thành sự sống" (tr 53). Theo tôi, Xuân Diệu chữa hai câu này đã làm hỏng thơ Trần Đăng Khoa. Đúng là ông đã làm thơ Khoa hay hơn thật, nhưng lại biến nó thành đồ giả, bởi nó đã mất đi sự hồn nhiên của trẻ thơ, diễn tả không đúng tâm trạng của trẻ thơ. Trẻ con trông thấy ông Bụt đúng là ":sợ" thật, còn thâý ông Bụt "nghĩ" là cách nhìn suy tư, cách nhìn trải đời của người lớn. Nếu nói thơ thiếu nhi của Khoa còn điêù không hay thì có lẽ chính là cái điều "quá hay", cái điều "quá hoàn chỉnh" ấy. Nhưng có một nghịch lý, chỉ với những cái "quá" như vậỵ, Khoa mới trở thành thần đồng. Nhưng theo tôi, Khoa cũng chỉ mới thần đồng ở chỗ tả cảnh, ví von hoàn chỉnh, chứ không có tư tưởng lớn. Có một cô bé nước ngoài nào đó, mà tôi không nhớ cả tên lẫn thơ, chỉ đại khái nhớ cô viết về chiến tranh như sau :"Thật may mà trái đất hình tròn. Bởi nếu là mặt phẳng thì không biết em sẽ núp vào đâu?" ! Một tài năng lớn phải có ý tưởng lớn như vậy.
Lớp nhà văn, nhà thơ thế hệ tiếp sau, nếu đọc lướt tưởng Khoa ưu ái một số người, nhưng thực chất không phải vậy, Khoa cũng chê tuốt, dù có khéo hơn, bởi họ đều ở sát sạt bên Khoa, có khi ngày ngày còn gặp mặt nhau, mà họ lại đều thông minh, đều có cây bút trong tay cả, hơn nữa hiện họ còn có vị trí chắc chắn hơn Khoa ở trên mọi phương diện.
Vẫn với phương pháp phê bình "tầng bốc đi liền với sổ tọet" như vậy, Khoa đã đánh giá những bậc đàn anh của mình. Về Phạm Tiến Duật: "Đấy là một thiên tài. Ông ấy còn là bậc thầy của E.Eptusencô... Đó là một nhà truyền giáo vĩ đại..."; nhưng Khoa lại bảo Phạm Tiến Duật không tự tin, mà không một thiên tài nào lại không tự tin, lại nghi ngờ tài năng của mình, sáng tác lại không dựa vào cơ sở nào, viết ra cũng không biết mình hay dở, Khoa viết Phạm Tiến Duật: "không tin...khi nào người ta bắt đầu nghi ngờ...ông ấy mới thực sự tin". Về Lê Lựu, Khoa đánh giá tác phẩm của anh là: "Vàng ròng nguyên chất" (tr 84); "Bức tranh nông thôn đặc sắc. Có nhiều trang đạt tiêu chuẩn Nam Cao" (tr 87); nhưng văn anh lại không có văn: "Câu văn lùa thùa, không sáng sủa" (tr 89); tác phẩm của anh chỉ cuốn hút bởi "người ta có thể quên văn mà nhớ chuyện đời" (Tr 89). Theo tôi, văn chương mà không có văn thì viết làm quái gì, bởi chỉ mấy cái chuyện đời thì nghe mấy bà nhà quê hay thóc mách, tọc mạch, còn có nhiều chuyện thú vị hơn Lê Lựu nhiều. Một tác phẩm xuất sắc, vàng ròng trước hết phải có văn, còn lấy tiêu chuẩn nhiều chuyện đời, tiêu chuẩn nội dung, và mức độ phản ánh hiện thực thì văn không thể so với báo chí và sử được. Khoa còn nhấn mạnh sự chê bai Lê Lựu khi bàn về cuốn "Chuyện làng Cuội": "Những điểm yếu của Thời xa vắng lại được bộc lộ hết mình... Ây là lối viết tự nhiên chủ nghĩa, nhiều chỗ tuột khỏi văn chương, vượt sang phạm trù mất vệ sinh, khiến cho người đọc cảm thấy ghê sợ vì nó cứ bẩn bẩn bẩn thế nào" (tr 95); rồi: "Văn Lê Lựu không thế. Nó là búi dây dợ luộm cuộm" (95). Quả thực, tôi chưa được đọc nhiều văn anh Lê Lựu, nhưng nếu đúng như Khoa đánh giá thì Lê Lựu được như hôm nay, chắc anh phải có những cái tài ngoài văn chương, mới biến văn chương không có văn của mình đạt được cái này cái nọ nhiều như thế; vì tôi thấy nhiều trang văn trên VNQĐ, VNTƯ của những tên tuổi còn chưa có tên tuổi gì, cũng không đến nỗi tồi tệ như văn của Lê Lựu. Với Nguyễn Khắc Trường, Khoa viết: "Hay nhất Việt . Vừa trước mắt vừa lâu dài"; rồi: "Văn Khắc Trường là thứ văn đẹp mà chắc", là "thái cực" với văn Nguyễn Khải. Nhưng "Kết cấu là một phương diện quan trọng vào bậc nhất của tiểu thuyết... Khắc Trường lại vụng. Kết cấu cuốn sách hỏng. Bởi thế mà cuốn tiểu thuyết lỏng lẻo" (125). Có cái quan trọng bậc nhất mà hỏng thì còn văn chương gì nữa! Khoa còn chê Khắc Trường không viết được nữa, có mỗi chi tiết xương sống của cuốn tiểu thuyết là chuyện đào mả, Khoa lại cho là vô lý, đến ma cũng chả tin được: "Con người...làm sao có khả năng thế... trả thù đến mức đào cả mả bố nhau lên thì khiếp thật" (123). Về Nguyễn Đức Mậu Khoa bình phẩm còn thú vị hơn nhiều.Tuy văn anh được Khoa đánh giá là thua Lê Lựu vì chưa có những trang "đạt tiêu chuẩn Nam Cao" như Lê Lựu, nhưng Khoa cũng coi anh: "Nguyễn Đức Mậu là một thi sĩ, và hơn thế, một thi sĩ có tài" (221). Nhưng khổ nỗi Khoa chỉ coi anh là thi sĩ có tài ở cấp độ quần chúng làm thơ thôi, bởi Khoa viết: "Ở cái nhà số 4 Lý Đế của ta, có rất nhiều người tài. Đấy là nhà thơ khoác áo lính. Còn Nguyễn Đức Mậu là người lính khoác áo thi sĩ" (219). Thơ Nguyễn Đức Mậu Khoa cho là thơ quần chúng, còn văn của anh thì Khoa lại cho là thơ, là chưa thành văn: "Văn của một thi sĩ... Thỉnh thoảng anh lại giật mình, đánh rơi ra cả một mảng thơ" (221). Thật là nhùng nhằng tùy tiện. Tôi phải nói thêm ra chỗ này là, không ai cấm văn có chất thơ, không ai quy định văn xuôi không có sáng tạo ngôn ngữ và sử dụng tu từ học. Những câu Khoa trích văn của Nguyễn Đức Mậu không phải là câu thơ mà là những câu văn độc đáo, có cánh nhìn riêng, có sáng tạo hình ảnh. Nếu tác phẩm văn xuôi có những câu như thế sẽ lung linh hơn, có văn hơn (có người bảo là "có tuyết"), tức là sẽ hay hơn. Có được nó phải do năng khiếu thiên bẩm chứ không học được, chính nó là tiêu chuẩn để phân biệt văn báo chí, văn thông tấn với văn có nghề. Chứ không phải như cách đánh giá văn thông tấn của Khoa. Tôi nhớ mãi câu văn của Phạm  Thị Minh Thư dù chỉ đọc một lần truyện "Có một đêm như thế": "Làm sao mà mặt trăng lại đỏ hở anh, cứ như một mặt trời được kéo ngược từ phía hoàng hôn trở về" ; Phan Thị Vàng Anh viết về nhà thơ Chế Lan Viên: "Cha sợ những quán café, nhìn chúng như nhìn những nấm mồ chôn thì giờ"; Trần Nhã Thụy trong một truyện cũng viết: "gấp thêm một nếp buồn"...
Nói chung, trong phần đánh giá văn chương, dù theo cái phương pháp ngược đời, Khoa cũng có những giá đúng, có điều cái đúng mới ở cấp độ trực giác. Khi đặt trong tổng thể của kết cấu văn bản, với sự tác động qua lại giữa các thành phần, các yếu tố với nhau, thì những điều tưởng là đúng ấy lại sai toét, có khi sai lầm nghiêm trọng.
Một điều cộm nên nữa là tính văn hóa của việc viết chân dung nhà văn. Trong "Chân dung và đối thoại", nhiều người thấy Khoa viết quá nhiều những chuyện ngoài văn chương lẽ ra không nên viết. Nguyễn Khải từng nói, những gì tinh túy nhà văn đã vắt kiệt, đã chiết hết ra cho trang sách rồi, còn đời thực chỉ là cái bã thôi, nên đứng xa mà nhìn còn được, chứ ở gần thì chối lắm. Khoa thì ngược lại, văn chương thì Khoa đứng thật xa mà nhìn, còn sinh họat đời thường nhà văn thì lại nhìn quá gần. Một cách nhìn rị mọ, thiếu quảng khoát. Dù yêu quý Xuân Diệu, nhưng qua những nét chân dung đặc tả, vô tình Khoa đã vẽ nên một Xuân Diệu tự phụ, ganh ghét, đành hanh, gia trưởng, độc đoán, thô lỗ và bủn xỉn. Lê Lựu qua ngòi bút của Khoa hiện lên không chỉ gân guốc, sù sì mà nhếch nhác, bẩn thỉu. Tất nhiên Khoa cũng có tự bôi xấu mình trước, nhưng theo kiểu của những người vĩ đại tự diễu mình, chứ không phải như viết về người khác. Liệu có một người cũng vẽ Khoa với những nét không văn hóa như vậy, không biết Khoa có chịu nổi không?
Một điều nữa không thể chấp nhận được trong "Chân dung và đối thoại" là Khoa đã lạm dụng sự tếu táo quá nhiều, viết trên giấy trắng mực đen, để xuất bản, phát hành mà như nói chỗ không người. Có người nói Khoa đã đủ tài để có tật chưa? Khoa nói Nguyễn Tuân như "đứa trẻ cao tuổi"; Khoa gọi Nam Cao là "ông ấy", cả Nguyễn Du cũng được Khoa gọi là "ông ấy". Đại từ nhân xưng nước ta khác với nhiều nước vì nó có tính biểu cảm. Cách gọi những người đã trở thành đấng, bậc, riêng Nguyễn Du có thể liệt vào hàng Tiên Tổ, với giọng điệu ngang tàng, ngang hàng phải lứa, khách quan như nói về một người xa lạ, mới quen, thì không thể chấp nhận được, không thể là tếu táo vui đùa nữa, mà đã là một sự hỗn xược, xấc láo! Ta có quyền phân tích văn thơ tìm ra những giới hạn của tiền nhân để định hướng cho sự phát triển hôm nay, nhưng xấc láo thì không được phép.
Về sự đổi mới thi ca, Khoa viết: "Thực tình, tôi rất mong có cuộc cách mạng thi ca ấy. Nhưng thực tế không có" (194). Theo tôi, trình độ của Khoa thể hiện qua "Chân dung và đối thoại" như vậy thì Khoa không thể biết được thơ ca hiện đại là như thế nào, chứ đừng nói gì đến chuyện định dạng, bình phẩm! Tôi hoàn toàn có thể chứng minh được đã có một cuộc cách mạng thi ca ở nước ta và đã có những thành tựu, có điều sự công bố còn khó khăn, mà có được công bố thì cũng chưa được nhận dạng và  được định giá thấu đáo, đúng đắn; người ta còn hay trộn lẫn nó với khuynh hướng có phần lập dị, nổi loạn. Tôi đã đang viết một bài chi tiết về điều này.
Về văn xuôi, Khoa coi Nam Cao là cao nhất, là "cận trên", là tiêu chuẩn để ví người khác, nhưng Khoa lại cho văn ông là văn chương chưa với tới cõi tinh thần, là chưa vượt khỏi cái bụng, thì không biết Khoa coi văn xuôi hôm nay như thế nào?
Tôi vốn rất yêu quý Trần Đăng Khoa nhưng không ngờ Khoa đã từng có những bài viết như thế, nếu biết trước thì tôi đã viết rồi, không đợi Khoa ra cuốn sách hôm nay. Chết nỗi, văn chương của Khoa không phải là mục tiêu tìm đọc của tôi, dù đôi lần viết, tôi vẫn phải đánh giá Khoa là nhà thơ có tài vì phải đặt anh trong một giai đoạn cụ thể, một tổng thể chung. Còn những tác phẩm mà tôi hay tìm đọc chính là những sách công cụ, là những sách mà Khoa thường chê là khô khan, và những tác phẩm được giải Noben. Đọc các tác phẩm đọat giải Noben không phải để bắt chước rập khuôn mà tìm hiểu xem thơ ca ở nơi làm ra gần như toàn bộ những phát minh làm nên nền văn minh hôm nay, họ quan tâm đến cái gì, họ thể hiện những điều ấy như thế nào, tại sao họ lại viết kiểu như thế, mình thích được điều gì, còn không thích điều gì, tại sao mình lại không thích?... Để có cách nhìn khoa học hơn về sự sáng tạo và khi viết thì cẩn thận hơn. Mỗi khi làm thơ tôi cũng luôn tự hỏi: viết câu này ra làm gì, có được tích sự gì không, và viết thế nào đây, tôi luôn vừa làm thơ vừa tự làm nhà phê bình cho thơ mình.
Trần Đăng Khoa-chú bé thần đồng, đứa trẻ nông thôn làm thơ được nền văn học Việt Nam cưng chiều nhất, sau ba mươi năm, con người anh đã lớn lên theo quy luật của sinh học, nhưng hình như trí tuệ anh vẫn vậy. Khổ nỗi anh lại không biết điều đó, nên trong đền đài nghệ thuật thiêng liêng, anh đã đóng vai hàng trưởng lão, tự tin phán xét tất thủy, tự do vung vẩy tất thẩy ý  nghĩ của mình, mà không biết rằng, bùn đất dòng sông Kinh Thầy vẫn còn lấm láp rất nhiều trong đó, đã văng ra làm lấm mặt nhiều pho tượng đặt trên bục thờ.
Thật đáng buồn khi tôi phải viết bài này vì tôi không muốn có một sự đổ vỡ. Mà không viết thì không thể được.
Bình Thạnh 1-1999
ĐÔNG LA
(
nguồn: TCSH, 3.1999) 

Các bài mới
Đêm mưa (02/03/2010)
Lão Păk (01/03/2010)
Chữ “Nhàn” (26/02/2010)
Dự cảm (04/02/2010)
Các bài đã đăng
Khi (19/03/2008)