Nếu đau thương không được xoa dịu thì con người sẽ ngã gục trước biến động cuộc sống dẫu cuộc sống ấy nằm trong một xã hội hòa bình. Bằng sứ mệnh cao cả nhất của nó, một trang văn có thể thay được hàng nghìn trang ngoại giao khô cứng. Rồi đây người ta sẽ nhìn văn chương với một tinh thần cảm khái và nể phục hơn khi mà tiếng vọng từ hai bờ chiến tuyến Mỹ - Việt đã “bắt sóng” với nhau bằng thứ ngôn ngữ tinh túy nhất của con tim...
TRẦN NGUYÊN
Mục đích xuyên suốt của Trung tâm William Joiner từ lúc thành lập đến nay là nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả chiến tranh nói chung, trong đó có chiến tranh Việt Nam. Thành viên của WJC có người từng nhận án tù bởi chống lại việc được phái sang Việt Nam phục vụ cuộc chiến phi nghĩa. Những người từng tham chiến tại Việt Nam, dẫu tay chưa nhúng chàm song khi trở về Mỹ cuộc sống của họ bị ám ảnh dữ dội, lương tâm dày vò, ân hận và sám hối. Họ đã “trở lại Việt Nam để được thanh thản” (Larry Heinemann).
Một điều có vẻ lạ, là WJC đã chọn văn chương làm mũi đột phá vào “thành trì đối nghịch”. Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa WJC và Hội Nhà văn Việt Nam, sáng ngày mùng 9 tháng 3 năm 2012, tại Trung tâm Học liệu (Huế) đã diễn ra Diễn đàn văn học Việt - Mỹ “Nhìn lại và phát triển” với sự góp mặt của hàng trăm nhà văn Việt Nam, các nhà thơ nhà văn Mỹ từng là cựu chiến binh hoặc gián tiếp có mặt trong chiến tranh tại Việt Nam. Hầu hết tham luận, những lời phát biểu tại Diễn đàn không đi vào “lý thuyết” văn chương, mà nặng trĩu nghĩa tình. Hai ngôn ngữ khác nhau nhưng chính ân tình mới là cái hồn của ngôn ngữ, là “Thiên đàng của ngôn ngữ” (Bruce Weigl), và thứ ngôn ngữ đó là “cầu nối giữa hai bờ đối nghịch” (Tô Nhuận Vỹ).
Huế là nơi để lại dấu ấn sâu đậm trong mỗi thành viên WJC. Fred Marchant từng lên thăm Đàn Nam Giao, có những dòng hồi ức thật đẹp về “một vài ánh lửa” về “những tàn thuốc còn cháy đỏ” về “một người đàn bà lớn tuổi đứng cầu nguyện ở mé thang dẫn lên bệ đá”... Xuôi dòng trên sông Hương, có lẽ chỉ lòng trắc ẩn linh thiêng hay mối thần giao cách cảm mới khiến Fred Marchant “không nghĩ tới những án thờ hay những nhà vua xa xưa; mà nghĩ tới cuộc chiến đã qua, và biết bao người Việt và Mỹ đã ngã xuống ở Huế”... Những nhà văn khác của WJC từng ở lại Huế một thời gian đều để lại tác phẩm văn học giá trị, đơn cử như Lerry Heinemann với tiểu thuyết Chuyện của Paco. Càng hiểu về bản chất thân thiện con người Việt Nam, họ càng hiểu về bản chất thâm độc của Vietnam war. Bây giờ bầu trời Việt Nam đã tản bớt khói bụi đạn bom, đã xanh hơn trong tâm hồn của những người phản chiến. Hơn bao giờ hết, trách nhiệm thanh lọc bầu trời càng cấp thời. Văn học với sứ mệnh cao cả vốn dĩ đã phát huy cao độ giá trị thực của ngôn ngữ để cất lời nghĩa khí.
Thời điểm lệnh cấm vận Việt Nam chưa được Mỹ dỡ bỏ, mối quan vẫn xem như còn đóng băng thì những người bạn Mỹ của WJC đã vén tấm mặt nạ trên khuôn mặt những người lính sẵn mang trong mình tinh thần chống chiến tranh ở cuộc chiến năm xưa. Chỉ có tinh thần và bản lĩnh của người lính mới dám thực hiện việc này. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: «Họ dám đi ngược chiều cái chết, dám cãi lại bom». Và ông hy vọng, họ - những cựu chiến binh đã cùng ngồi trên đất nước Việt Nam là những cựu chiến binh cuối cùng!
Trung tâm William Joiner, một cái tên gọi, dẫu sang trọng và mỹ miều đến mấy thì nó vẫn chỉ là trò chơi của ngôn ngữ. Điều đáng nói ở đây là những tấm lòng, những linh hồn trong «ngôi nhà» mang tâm hồn và phảng phất kiến trúc Việt ấy ; những con người rũ bỏ bao định kiến, rũ bỏ ánh nhìn kỳ thị kiểu đám đông, kiểu cá mè một lứa, mở rộng tấm lòng đón bè bạn từ Việt Nam và muôn phương xiết tay chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình và chung tay khắc phục những hậu quả chất ngất mà chiến tranh để lại… Qua đây cũng đưa ra chân lý: Một khi văn học vì tương lai nhân loại thì nó chính là «lá chắn» với bất cứ vũ khí nào.
T.N.
(SDB4-12)