THANH TÙNG
Làm việc và du lịch là hai nhu cầu lớn của mỗi người. Tuy nhiên, có nhiều quan niệm khác nhau về du lịch.
Có người đi du lịch để giải toả bức xúc, để tránh căng thẳng, tạm lánh công việc, gia đình một thời gian. Có người vì ưa thám hiểm. Có kẻ thích lang bạt kỳ hồ, thích du lịch để bổ sung kiến thức, để tìm hiểu, giao lưu văn hoá. Vì thế đi du lịch không chỉ có chơi mà còn học. Hơn thế nữa, học và làm. Nhiều người đi du lịch là đi thực tế. Với nhà văn, nhà báo là đi và viết.
Mới phát triển thành một ngành kinh tế tổng hợp trong khoảng trăm năm nay nhưng từ vài nghìn năm trước hoạt động du lịch đã đồng hành với các nền văn minh rực rỡ ở Ai Cập, La Mã, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa. Bằng chứng hùng hồn là những mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các quốc gia, giữa các châu lục, đã được lịch sử ghi nhận. Đó là những chuyến vượt biển được khởi hành từ Ai Cập cổ đại, từ châu Âu thời văn hoá phục hưng; là các tác phẩm văn học nổi tiếng phản ánh những hành trình xuyên quốc gia như anh hùng ca I li át và Ô đi xê, Nghìn lẻ một đêm.v.v...
Đọc I li át người đời sau thấy được khát vọng chiến trận, chiến công của người Hy Lạp cổ đại. Đọc Ô đi xê thấy ước mơ và khát vọng thoát khỏi thời dã man để bước sang thời văn minh với một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc. Hành trình mười năm gian khổ, hiểm nguy của Uy li xơ sau chiến thắng thành Tơ roa không chỉ là hành trình trở về quê hương, mà là một cuộc phiêu bạt, tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh của người anh hùng. Đọc Đại Đường Tây Vực ký (Bút kí Đường Tăng) người đời sau mới hiểu rằng Ngô Thừa Ân đã huyền thoại hoá một nhân vật lịch sử gắn với một thời đại có thật trong lịch sử. Thời thịnh Đường nhà sư Huyền Trang đã qua Tây Trúc thỉnh kinh. Ra đi lúc mới 26 tuổi, sau hành trình khoảng 17 năm ông đã trở về cố hương với hơn 600 bộ kinh và dành hết thời gian của 19 năm cuối đời để chuyển thể từ Phạn ngữ sang Hán ngữ. Sử ký dùng từ đi thỉnh kinh nhưng thực chất là Trần Huyền Trang đã đi du học và du lịch qua 138 nước. Đại Đường Tây Vực ký của Huyền Trang, những bản viết tay cổ và những biểu tượng được lưu giữ trong hơn 1.000 năm qua ở các thư viện, bảo tàng, chùa cổ là những bằng chứng hùng hồn cho quá trình lan toả và phát triển của Phật giáo từ Ấn Độ qua Trung Hoa; sự hoà nhập thích nghi và sự biến hoá trong đức tin ở các quốc gia, các vùng lãnh thổ.
Thời xa xưa người ta đã kết hợp nhiều mục đích trong một chuyến đi như: Thám hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, giao lưu văn hoá, kinh tế… và du lịch. Đại hội thể thao (Olimpic) đầu tiên đã được tổ chức tại Hy Lạp vài trăm năm trước công nguyên. Chắc chắn sự kiện này đã thu hút khá nhiều cổ động viên và khán giả đến từ nhiều quốc gia. Du lịch đã sớm trở thành một nhu cầu của xã hội. Nhiều người đã ghi chép lại những điều mắt thấy, tai nghe, những cảm nhận, đúc kết trong các chuyến đi in thành sách, gọi là nhật ký, du kí, tạp lục... Nhiều nhật ký, du ký về sau trở thành tác phẩm văn học, lịch sử, địa chí nổi tiếng như: Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Thượng kinh kí sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hải ngoại kỷ sự của Thiền sư Thích Đại Sán.v.v...
Đi du lịch sau tìm hiểu, khám phá là sự chia sẻ, trãi nghiệm dưới nhiều hình thức khác nhau. Đơn giản nhất là chụp ảnh, quay phim, mua hàng lưu niệm, món ăn đặc sản làm quà. Đó là những hình thức lưu giữ ký ức và truyền cảm hứng cho những người chưa đi, những người đi sau. Và đó cũng là điều người làm du lịch cần lưu ý, quan sát, xem xét, suy ngẫm. Phải chăng đó là lý do để du khách trở lại điểm đến lần hai, lần ba. Thậm chí, có người năm nào cũng quay lại, và cù rủ người khác đi theo? Du khách số đông, du khách truyền thống đã góp phần tạo nên thương hiệu cho điểm đến.
Tại hội thảo “Du lịch di sản phát triển theo hướng tăng trưởng xanh”, một nhà doanh nghiệp du lịch đến từ châu Âu chia xẻ: Dãy An pơ thu hút du khách bởi con người và phong cảnh hoang dã. Mỗi ngọn núi đều có một con đường mòn lên đỉnh do người dân địa phương tự làm để phục vụ du khách. Chỉ riêng việc làm này người dân địa phương đã trở thành hình ảnh thân thiện đối với du khách. Ông cho đó là vòng xoáy ốc tích cực. Du lịch là tạo ra sự mong đợi, gieo mong đợi trong lòng du khách. Du khách có kỳ vọng được thoả mãn thì người ta sẽ quay lại và rủ nhiều người khác cùng đi.
Nếp sống văn hoá cộng đồng của điểm đến là lợi thế thu hút du khách. Làm du lịch không chỉ xây khách sạn, mở nhà hàng, mua sắm phương tiện vận chuyển… mà cần phải làm tăng kỹ năng sống cho người dân địa phương. Đây cũng là một trong những lý do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề xuất xây dựng Huế theo mô hình thành phố nhân văn. Ông cho rằng du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh chỉ có thể bền vững trong môi trường nhân văn. Phải giữ cho được di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, làng cổ, làng nghề, nhà vườn truyền thống, nếp sống Huế… thì Huế mới thu hút được nhiều khách du lịch bằng lợi thế của chính mình.
Cũng đúng. Huế có nét không gian độc đáo, lãng mạn; con người có tính cách, đời sống nội tâm khác các vùng miền khác. Cuộc sống của người Huế, các giá trị tinh thần của người Huế cũng đã tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù. Đáng tiếc, thời hiện tại, nếp sống văn minh đô thị chưa xứng tầm. Để mất không gian văn hoá và nội hàm văn hoá là mất hết giá trị bản sắc Huế.
Tương tự, nhà nghiên cứu Thái Quang Trung đề xuất xây dựng Du lịch cộng đồng bền vững; Du lịch hiếu khách và có trách nhiệm để xứng tầm với một điểm đến di sản. Theo đó, phải thúc đẩy du lịch theo nguyên tắc: Lợi nhuận đi sau cùng; bảo vệ môi trường, ý thức cộng đồng, xây dựng thịnh vượng chung phải đi trước lợi nhuận.
Giám đốc điều hành một tập đoàn thương mại đến từ CHLB Đức chia xẻ: Mỗi năm ông đến Việt Nam khoảng tám lần. Đến Huế lần này là lần thứ hai. Ông rất thích thú khi du thuyền trên sông Hương, và đã từng bơi trên sông Hương 45 phút. Ông cho biết đã được ăn hải sản ngon nhất trên đường từ Huế vào Đà Nẵng. Tại hội thảo về du lịch xanh, ở khách sạn Indochine Palace, sau giờ giải lao ông hỏi: Tại sao lại mời khách uống cà phê Mỹ, uống trà lip ton, sản phẩm của các công ty Mỹ - Âu? Trong khi cà phê Việt Nam rất ngon. Và ở đây cũng có trà Lâm Đồng, trà Thái Nguyên. Ông thắc mắc tại sao trà Thái Nguyên rất ít khi được phục vụ ở các khách sạn 5 sao? Ông thích ở khách sạn 4 sao vì được thưởng thức hương vị địa phương nhiều hơn. Ở bên Ý, trong khách sạn 4 sao không có sản phẩm của Mỹ.
Giám đốc một công ty du lịch đến từ TPHCM bày tỏ: Chúng tôi thích một Huế khác Hà Nội, Đà Nẵng. Chúng tôi chủ trương đưa khách đến những nơi mới, lạ, ít người đến. Ở Huế có nhiều lễ hội nhưng bội thực ảo, chỉ tổ chức trong một số thời điểm. Nhiều thời điểm khác khách đến lại không có gì để thưởng thức.
Xây dựng Huế là thành phố Festival nhưng hai năm chỉ tổ chức Festival được 9 ngày như lâu nay quả là bất hợp lý. Festival Huế nên chia ra nhiều “gói” để thành phố quanh năm sống trong bầu không khí lễ hội, thay cho tổ chức Festival kiểu chiến dịch như lâu nay. Đó không chỉ là đề xuất của người viết bài này mà là sự trãi nghiệm và chia xẻ của du khách, của doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Huế.
Biến đổi khí hậu đang là tác động lâu dài, liên quan đến toàn bộ môi trường sống mà cả nhân loại phải đối phó, thích nghi, trong đó có hoạt động du lịch. Xây dựng mô hình du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại. Du lịch xanh huy động được nguồn nhân lực trong cộng đồng, gắn với nguồn nhân lực tại chỗ, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho lao động phổ thông ở nhiều địa bàn dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; các điểm đến có thêm khả năng kéo dài thời gian lưu trú của du khách… Ở một hội thảo khác, KTS Hoàng Đạo Kính đề xuất mô hình kiến trúc của Huế là đô thị di sản, phát triển theo hướng đô thị sinh thái. Các đô thị vệ tinh là những thị trấn sinh thái để ít gây tổn hại cho thiên nhiên. Các đô thị vệ tinh không bành trướng hạ tầng mà chuyển hoá không gian mềm mại, có sự cộng sinh của các thành phần di sản và thiên nhiên. Lần này, khi đề nghị phát triển du lịch xanh, Giáo sư Tay Kheng Soon (ĐH Quốc gia Singapor) đưa ra mô hình Du lịch nông thị và dựa vào cộng đồng – mô hình kết hợp hài hoà cả hai yếu tố truyền thống và hiện đại.
Được biết, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận mô hình nông thị như là một giải pháp phát triển các đô thị vệ tinh trong tương lai. Theo đó, diện tích các nông thị vừa phải, có hệ thống giao thông kết nối với các nông thị khác, với quốc lộ, tỉnh lộ, đô thị kế cận. Đường nội thị nhỏ, nhà có mái rộng ra phía lề đường để tiện đi lại khi trời mưa. Mỗi ngôi nhà đều có không gian xanh. Người ta có thể sống, làm việc, học tập ở nông thị. Các gia đình ở thành phố có thể cho con cái về nông thị ở vài tháng trong năm, hoà nhập cộng đồng và sống thân thiện với thiên nhiên để không mất gốc văn hoá. Nông thị được sử dụng năng lượng sinh học, có khu vui chơi giải trí. Bên cạnh nông thị có Resort phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, tham quan du lịch của du khách.
Huế có ưu thế vượt trội các đô thị khác về di sản văn hoá và tài nguyên thiên nhiên. Không gian văn hoá của Huế được rộng mở với hệ thống lăng tẩm, đền chùa, làng cổ, làng nghề truyền thống. Mỗi không gian văn hoá có một thương hiệu riêng để tạo ra một chuỗi giá trị gia tăng. Dù đã được mở rộng đô thị hoá nhưng hiện nay Huế vẫn là một không gian xanh. Tài nguyên xanh nâng cao giá trị di sản văn hoá. Huế đã sở hữu một điểm đến xanh tự nhiên, do được thừa hưởng màu xanh của di sản, vì thế phải nâng niu các giá trị văn hoá tiền nhân để lại, lấy đó làm nguồn năng lượng để phát triển du lịch.
Từ trải nghiệm, chia sẻ của du khách, vấn đề xây dựng sản phẩm và tìm ra sắc thái thương hiệu, sắc thái điểm đến cho thương hiệu du lịch Huế là câu chuyện không bao giờ cũ. Từ trong di sản, từ tiềm ẩn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn của Huế có quá nhiều cái hay cái đẹp, ta chọn cái gì để đột phá, tìm những lối ra mới? Đã hé mở những giải pháp cho du lịch trong mùa mưa Huế. Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh để cứu cánh cho di sản văn hoá, để kéo dài ngày khách lưu trú… Nhưng Huế thiếu sức sống về đêm xem ra vẫn chưa có lời giải hữu hiệu. Chưa khai thác tốt du lịch tâm linh là không biết phát huy thế mạnh của mình. Bạch Mã là Đà Lạt trong Huế. Là Vườn Quốc gia, đẳng cấp vượt trội, nhưng tạo sao Bạch Mã không khai thác được như Bà Nà (khu bảo tồn thiên nhiên) – là đang thờ ơ với thế mạnh của mình hay vì chưa có cách nào khác hơn?
Trải nghiệm về văn hoá bản địa ở những nước đang phát triển là xu hướng mới của du lịch toàn cầu. Dòng khách du lịch đã và đang chuyển dịch từ châu Mỹ, châu Âu sang châu Á; tâm điểm là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, có cả Việt Nam. Dòng người chuyển dịch từ Tây sang Đông là để tìm thế cân bằng. Không ít người đến Huế để khám phá chính mình, để tìm một sự tĩnh tâm. Định hướng mới của du lịch Việt Nam là phát triển trên diện rộng. Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là hướng đột phá mới. Các giá trị văn hoá và tài nguyên thiên nhiên của Huế lại được bàn thảo để được chuyển hoá thành sản phẩm du lịch có sắc thái, thương hiệu riêng. Tiến sĩ Hà Bích Liên (TPHCM) đề xuất slogan cho Du lịch xanh Huế: Huế, nơi trời và đất giao hoà; Nơi chầm chậm cho cuộc sống dài hơn.
TH.T
(SDB4-12)