GS TS TRẦN QUANG HẢI
Nhạc sĩ, Dân tộc nhạc học gia
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ HÀN MẶC TỬ (1912-1940), nữ ca sĩ CAMILLE HUYỀN cùng với nhạc sĩ WALTHER GIGER đã hiệp lực phổ nhạc trên 15 bài thơ của nhà thơ quá cố cho một CD mang tựa đề SAY TRĂNG (Moondrunk – Mondestrunken).
Việc phổ nhạc cho thơ đã có nhiều người làm nhưng hầu hết đều được thực hiện giữa những nhà thơ và nhạc sĩ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một sự phối hợp giữa những bài thơ về TRĂNG được lồng trong không gian nhạc ngũ cung Việt với sự sáng tạo đầy nhạc tính Tây phương đương đại của một nhạc sĩ tài hoa Walther Giger đã được chinh phục bởi nhạc ngữ cổ truyền Việt Nam sau vài lần viếng thăm và trình diễn tại Việt Nam và cùng với Camille Huyền lưu diễn nhiều năm qua.
Bìa đĩa CD Say trăng |
15 nhạc phẩm về TRĂNG mang 15 màu sắc âm nhạc khác nhau và dựa trên nhiều thang âm ngũ cung, cũng như phương cách diễn xuất khác biệt tạo cho người nghe một cảm xúc đặc biệt. Phương pháp viết nhạc hoàn toàn tự do, tùy theo cảm hứng, có thể kết thúc bài hát không trở về chủ âm (tonique) tạo nên một sự lơ lửng, du dương để cho người thưởng thức rơi vào thế giới ảo mộng của TRĂNG.
Bài 1: ĐÊM KHÔNG NGỦ
Camille Huyền đã dùng thể điệu ngâm thơ theo điệu hò mái đẩy, dựa theo ru con Huế, trên thang âm tứ cung (do – fa – sol – sib), trong khi tiếng đàn lục huyền cầm dùng nhiều nốt bội âm (harmoniques), đôi khi dùng cách hòa âm thời trung cô âu châu ở một vài nơi như cố ý đưa vào một khoảng không gian xa xôi của thời xa xưa.
Bài 2: SÁNG TRĂNG
Giọng hát dịu dàng, nhẹ nhàng như hơi thở được lồng trong tiếng đờn dồn dập tạo nên một nét tương phản giữa giọng hát và âm thanh nhạc cụ. Thang âm ngũ cung đặc trưng của miền Bắc là (do – re – fa – sol – la – do) nói lên sự thanh thản của ánh sáng Trăng. Hai câu chót của bài thơ
Em tôi còn ngẫm nghĩ
Chưa thấy nói năng chi...
chỉ đọc để chấm dứt như lôi kéo chúng ta trở về thực tại.
Bài 3: RƯỢT TRĂNG
Kỹ thuật Chầu Văn được sử dụng trong ca khúc này với thang âm ngũ cung (re – fa – sol – la – do – re), một thang âm diễn tả tâm trạng buồn, lo lắng, là một trong hai thang âm đặc trưng của nhạc dân tộc Việt Nam. Tiếng đàn lục huyền cầm dùng âm chõi (quãng hai trưởng cùng khảy trên 2 dây một lúc tạo thành chõi âm – dissonance).
Bài 4: SAY TRĂNG
Vẫn dùng thang âm (re – fa – sol – la – do – re) với những quãng rộng, và dựa trên chuyển hệ (métabole - dùng hai hay ba thang âm ngũ cung liên tục trong một câu nhạc), dung hòa đoạn có tiết tấu và không tiết tấu, khiến cho ta có cảm giác như bị say Đoạn 3 của bài thơ được chuyển sang giai điệu thất cung với giọng hát trong khi tiếng đờn vẫn còn say sưa trong thế giới ngũ cung.
Bài 5: VẦNG TRĂNG
Diễn tả vầng trăng với nốt nhạc chấm dứt bài lơ lửng không vào chủ âm.
Bài 6: UỐNG TRĂNG
Trong bài này Camille Huyền hơi chịu ảnh hưởng của kỹ thuật hát ca trù, nhứt là với câu:
Có ai nuốt ánh trăng vàng.
Bài 7: ANH ĐIÊN, EM ĐIÊN
Tiếng đàn của lục huyền cầm khảy từng nốt nhạc giống như tiếng đập của con tim, trong khi giọng hát có hơi hướng hát chèo qua thang âm (re – fa – sol – la – do – re). Tiếng đàn ghi ta lục huyền cầm chấm dứt bài nhạc với một nốt nhạc rung như có cảm giác ánh trăng bị lung lay . Một thế giới âm thanh không bình thản.
Bài 8: SAO, VÀNG SAO
Giọng hát a capella trên thang âm Tây phương đương đại có phản ảnh đôi chỗ thang âm ngũ cung . Đôi chỗ tiếng hát cao vút như vượt ra khỏi không gian. Kỹ thuật hát Tây phương với cách rung giọng (vibrato) trong âm vực của giọng soprano.
Bài 9: ĐỘC TẤU GHI TA LỤC HUYỀN CẦM
Walther Giger tạo màu sắc Việt Nam qua âm giai ngũ cung (do – re – fa – sol – la), nhấn mạnh qua 3 nốt nhạc fa – sol – la đặc trưng của thang âm ngủ âm được gọi là pycnon (succession de deux tons conjoints - sự đi liền của hai nốt của một quãng ba trưởng) qua những biến thể giai điệu (variations mélodiques).
Bài 10: TRĂNG VÀNG , TRĂNG NGỌC
Ca khúc này mang nhiều màu sắc của dân ca Bắc, và có thể nói là gần với dân ca Việt Nam nhất trong số 15 bài về TRĂNG. Giai điệu dựa trên thang âm (re – fa – sol – la – do – re). Chữ TRĂNG được hát lặp lại nhiều lần trước khi nói chữ TRĂNG vào cuối bài để chấm dứt như một chấm câu tuyệt diệu.
Bài 11: DALAT TRĂNG NHỚ
Tiết tấu tạo ra bởi đàn ghi ta lục huyền cầm cho bài này có tính cách khập khểnh (2 + 3) trên nhịp 5 (giống như tiết điệu của nhạc xứ Bulgarie, Roumanie mà được gọi là „rythme boîteux 2 + 3). Giọng hát trong sáng của Camille Huyền lã lướt trên giai điệu ngũ cung (do – re – mi – sol – la – do) với đoạn chót trở về thang âm thất cung của Tây phương.
Bài 12: NHỮNG GIỌT LỆ
Ghi ta lục huyền cầm sử dụng kỹ thuật đệm của đàn hạc (harpe) tạo một màu sắc nức nở hòa hợp với giọng hát nức nở với tiếng hát cao vút.
Bài 13: SAY MÁU NGÀ
Một hình thức diễn đạt giữa hát và đọc thơ tạo một không khí rùng rợn ma quái với tiếng đàn không dựa trên một chủ âm nào.
Bài 14: Ở ĐÂY THÔN VỸ DẠ
Giai điệu rất đẹp, thêu dệt trên thang âm tam cung (do – fa – sol – do) pha lẫn với những thang âm ngũ cung , thất cung , tạo một màu sắc khác biệt được nghe trong ca khúc tân nhạc Việt Nam cùng mang tên Thôn Vỹ Dạ.
Bài 15: SAO VÀNG SAO
Một cách đọc thơ chứ không phải ngâm thơ, nhẹ nhàng để cho hồn lắng vào ý thơ. Nhạc được thể hiện qua tiếng vĩ cầm và đại hồ cầm sử dụng thang âm của miền núi Tây Nguyên (do – mi – fa – sol – si – do) làm nền cho nhạc đệm xen lẫn những đoản khúc biến thể.
Một CD mới của Camille Huyền và Walther Giger là một sự phối hợp thành công giữa giọng hát thanh tao, êm ả mang màu sắc của Việt Nam và tiếng đàn ghi ta lục huyền cầm điêu luyện của thế giới Tây phương được tắm trong biển nhạc dân tộc Việt. Tôi tin rằng CD này sẽ đóng góp vào vườn hoa âm nhạc Việt Nam một bông hoa tươi thắm với mùi hương lạ.
T.Q.H
(SDB4-12)