SỬ KHUẤT
Khơi mở tiềm năng của một vùng đất giàu truyền thống
Hơn 700 năm phát triển, Hương Trà đã trở thành một vùng đất văn vật, lưu giữ nhiều giá trị truyền thống. Hương Trà được sáp nhập vào Đại Việt dưới thời Trần (1307). Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, vùng đất Hương Trà vào thời Lê có tên là huyện Kim Trà thuộc phủ Triệu Phong. Huyện này gồm 8 tổng và 72 xã được chép rõ trong Hồng Đức bản đồ dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497). Đến thời các chúa Nguyễn sau khi vào khai phá, trấn trị vùng đất này mới đổi sang tên là Hương Trà cũng thuộc phủ Triệu Phong (5 huyện), xứ Thuận Hóa. Lê Quý Đôn trong cuốn sách của mình đã nhắc lại hơn 40 vấn đề về Hương Trà về sông núi, con người và những sự kiện lịch sử. Từ đó có thể thấy đây là một vùng đất quan yếu, gắn bó mật thiết với nhiều giai đoạn lịch sử của xứ Thuận - Quảng. Mà tiêu biểu nhất có lẽ là việc chọn dinh chúa ở Kim Long dưới thời chúa Nguyễn (1636) và kinh đô Phú Xuân dưới thời các vua Nguyễn (1802 - 1945). Nhà Nguyễn là triều đại cuối cùng đóng đô trên đất làng Phú Xuân, thuộc huyện Hương Trà. Đây cũng là triều đại để lại nhiều dấu ấn trên vùng đất, định lại địa giới hành chính cho Hương Trà như ngày nay qua cuộc cải cách Minh Mạng (1831). Trong thời kì chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, nhân dân Hương Trà đã có nhiều đóng góp. Từ sau năm 1975, Hương Trà không ngừng phát triển, đạt được những thành tựu lớn về kinh tế, xã hội.
Có thể nói, Hương Trà là một vùng đất rất đặc biệt cả về địa thế lẫn vị trí chiến lược. Toàn bộ vùng đất nằm giữa hai con sông lớn của Huế là sông Bồ án ngữ phía Bắc và sông Hương án ngữ phía Nam. Phía Tây lại là vùng bán sơn địa, núi non điệp trùng rất thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt. Tính từ trung tâm Tứ Hạ về phía Đông và Đông Nam là một vùng đồng bằng màu mỡ được vun đắp bởi phù sa của hai con sông, là cái nôi nông nghiệp lâu đời của Thừa Thiên Huế.
Hương Trà có đầy đủ các dạng địa hình của dải đất miền Trung, từ địa hình vùng núi, đồng bằng cho đến vùng đầm phá, duyên hải. Nơi đây lại phong phú về tài nguyên, khoáng sản với trữ lượng lớn đã tạo cho thị xã có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp, phát triển nông-lâm- thủy sản. Đặc biệt, vùng đất Hương Trà là nơi quy tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh của tỉnh như các lăng tẩm, chùa chiền. Hương Trà lại có vị trí liền kề trung tâm du lịch, dịch vụ lớn là thành phố Huế, điều này đã tạo nên nhiều cơ hội đẩy mạnh phát triển kinh tế đa dạng các loại hình dịch vụ đô thị và dịch vụ chất lượng cao.
Với chiều lịch sử của vùng đất, Hương Trà đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử - văn hóa quan trọng gắn liền với quá trình phát triển không chỉ của vùng đất này mà cả phạm vi vùng văn hóa Huế. Có thể kể đến những địa danh như cảng sông Thanh Hà - Bao Vinh một thời là trung tâm buôn bán trao đổi với phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc, là điểm trung chuyển trong luồng thương mại thế giới hồi thế kỉ XVI - XVII. Trên địa bàn thị xã có các di tích lịch sử - văn hóa quan trọng như: lăng Minh Mạng, lăng Gia Long, điện Hòn Chén, di tích danh nhân Đặng Huy Trứ…
Ngoài ra, Hương Trà còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên như khu rừng ngập mặn Rú Chá - Hương Phong, bãi biển Hải Dương, vùng đầm phá ven biển, các khu vực cảnh quan ven sông Hương và sông Bồ, các công trình hồ thủy điện, hồ chứa nước, chốn núi non điệp trùng, hùng vĩ rất lí tưởng cho những hoạt động tham quan, dã ngoại...
Bên cạnh đó, vùng đất là nơi có nhiều sản vật và các làng nghề thủ công truyền trống, góp phần xây dựng nên vùng văn hóa Huế. Về sản vật, Hương Trà có quýt Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, củ kiệu La Chữ, chè Hải Cát... Đây là những sản vật đặc sắc, từ lâu đã có tiếng trên thị trường gần xa. Trong tương lai, những sản phẩm này được chuyên canh một cách khoa học, có sự đầu tư lớn sẽ là nguồn lợi cho một bộ phận lớn dân cư. Thanh trà Lại Bằng ngon ngọt như thế tại sao không có một chiến lược PR hoành tráng để quảng bá sản phẩm cây nhà lá vườn “rất Huế”. Có thể học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình bưởi Năm Roi, vải thiều Hưng Yên được trồng chuyên canh, đến mùa thì ở đâu cũng có, từ chợ cho đến siêu thị. Trong cơ chế thị trường, một sản phẩm có chất lượng tốt, lại có chiến lược kinh doanh chuyên nghiệp thì sự thâm nhập đến mọi ngóc ngách dân cư là điều không quá khó.
Với một tiềm năng về nghề thủ công truyền thống lâu đời, nổi tiếng không chỉ ở Huế mà lan ra xa những vùng đất khác như bún Vân Cù, cốm nếp An Thuận, mộc mỹ nghệ Hương Hồ, khảm xà cừ Bao Vinh, nón lá Triều Sơn, bột gạo La khê, gạch ngói Nam Thanh,... phục vụ nhu cầu tiêu dùng gắn với phát triển du lịch và xuất khẩu. Những năm qua, Hương Trà đã có nhiều chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống, tạo điều kiện cho một số ngành nghề truyền thống tiếp tục phát triển.
Tiến trình “trở mình” của một vùng đất
Để đạt được những tiêu chí của một thị xã, trong những năm qua, đảng bộ và nhân dân Hương Trà đã ra sức nỗ lực, phấn đấu với những thành tích vượt trội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm (2006-2010) đạt 17,7% năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.170 USD/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tỷ trọng các ngành: Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp trong GDP năm 2010 là 41,2% - 35,1% - 23,7%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ khá nhanh, bình quân 18,05%/năm, làm thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp. Hiện tại, Thị xã có hơn 5.662 hộ kinh doanh; có khoảng 115 tổ chức doanh nghiệp và 38 Hợp tác xã các ngành nghề sản xuất; các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn tập trung chủ yếu là ở Cụm công nghiệp Tứ Hạ, một số vùng phụ cận và ở các làng nghề; có hơn 20 tổ chức khai thác tài nguyên khoáng sản; tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị hóa ngày càng mạnh. Cùng với sự phát triển của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề thì việc sản xuất, chăn nuôi cũng phát triển, đời sống nhân dân ổn định, nhu cầu sinh hoạt ngày càng cao.
Với những thành quả đạt được, ngày 15/11/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về việc thành lập thị xã Hương Trà và các phường thuộc thị xã Hương Trà. Đây là một tin vui, một sự kiện quan trọng, đánh dấu thời kì phát triển mới của Hương Trà theo hướng đô thị hiện đại, xứng với những tiềm năng của vùng đất.
Trước đó, Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, đã xác định Hương Trà sẽ trở thành thị xã với chức năng trung tâm thương mại, dịch vụ; trung tâm công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực; với tiềm năng về dự trữ quỹ đất và giãn dân cho thành phố Huế. Thị xã Hương Trà sẽ trở thành khu vực phát triển công nghiệp và vành đai xanh. Vì vậy, việc thành lập thị xã Hương Trà có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội tương xứng với truyền thống, lịch sử của địa phương, ý chí nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân. Ngày 24/3, lễ mitting thành lập thị xã long trọng diễn ra tại sân vận động phường Tứ Hạ. Sự kiện này đánh dấu thời kì phát triển mới của mảnh đất Hương Trà.
Với vị trí án ngữ mặt bắc của thành phố Huế, thị xã Hương Trà là một đô thị vệ tinh quan trọng, trong tương lai góp phần nâng cao diện mạo đô thị của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời Hương Trà sẽ là đô thị mới, giải quyết tốt các vấn đề về phát triển của Thừa Thiên Huế với chức năng là một đô thị vệ tinh đầy tiềm năng. Thị xã nằm ở vị trí giữa trung độ của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; có tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua với chiều dài 12km, tuyến đường phía Tây thành phố Huế dài 19 km, có Quốc lộ 49A dài 6 km. Hương Trà có 16 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 07 phường và 09 xã; với diện tích tự nhiên là 51.853,4 ha và 118.354 nhân khẩu.
Bằng một chiến lược phát triển toàn diện, Hương Trà đã chuẩn bị những cơ sở vật chất cần thiết để phát triển đô thị. Thị xã hiện có Khu Công nghiệp Tứ Hạ - Hương Văn với diện tích 126,7 ha đang kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; cụm công nghiệp Tứ Hạ 25,5 ha đã được lấp đầy và đang mở rộng thêm 30 ha; vùng nhà máy xi măng Luks hơn 30 ha và một số nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, giấy, chế phẩm sinh học… khác trên địa bàn Tứ Hạ, Hương Văn. Đặc biệt, trên địa bàn thị xã Hương Trà là nơi xây dựng hai nhà máy Thủy điện Bình Điền công suất 44 MW và Thuỷ điện Hương Điền công suất 81 MW hòa vào lưới điện quốc gia, không những đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho thị xã.
Đáng kể nhất là các công trình giao thông đã đưa vào sử dụng như đường và cầu Ca Cút, đường Thanh Phước - Cồn Tè, cầu Tứ Phú, đường ven sông Bồ… Điều này đã tạo nên sự liên thông giữa các địa bàn toàn thị xã. Từ bất kì đâu ở Hương Trà có thể theo các con đường liên huyện, liên xã để đi đến nơi cần đến một cách thuận tiện nhất. Thời gian này, Hương Trà cũng đã chỉnh trang và mở rộng nhiều tuyến đường nội thị tạo nên một diện mạo mới của thị xã đầy tiềm năng phát triển. Trong tương lai gần, với chiến lược phát triển ổn định và quyết tâm chính trị của nhân dân thị xã, một đô thị với không gian hiện đại từ cơ sở hạ tầng giao thông, nhà cửa cho đến những cụm công nghiệp quy mô, năng động và một môi trường xanh, sạch, đẹp là điều không quá xa vời.
Hương Trà nhìn từ chiến lược phát triển
Chiến lược xây dựng và phát triển Hương Trà thành một đô thị của tương lai đã có những hướng đi phù hợp. Trước mắt, toàn thị xã sẽ được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng xây dựng đô thị hiện đại, kết hợp đảm bảo môi trường sinh thái. Đây là chính sách cần ưu tiên hàng đầu, đẩy nhanh bộ mặt cơ sở vật chất hạ tầng đô thị.
Cụ thể, đô thị Hương Trà hướng mở rộng không gian chủ yếu phát triển về 3 hướng chính phía Đông, phía Đông - Nam và phía Tây - Nam. Về phía Đông và Đông - Nam, phát triển dọc theo sông Bồ và tuyến đường quốc lộ 1A. Là khu vực tập trung đông dân cư, có tốc độ đô thị hóa cao, có quỹ đất rộng lớn và có xu hướng kết nối với thành phố Huế. Về phía Nam và phía Tây - Nam, phát triển dọc theo đường phía Tây thành phố Huế và đường liên vùng nối Tứ Hạ với Bình Điền (đường tỉnh lộ 16, giao cắt với quốc lộ 49A tại Bình Điền), có xu hướng kết nối với đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan. Về phía Tây phát triển dọc theo sông Bồ và hướng Bắc Quốc lộ 1A ; là khu vực dân cư lâu đời nhưng còn thưa, quỹ đất xây dựng đô thị còn lớn, địa hình cao ráo có xu hướng kết nối với điểm dân cư An Lỗ (huyện Phong Điền).
Để quá trình ấy thực hiện đồng bộ và đạt được tiến độ tốt, cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng nguồn lực phát triển đô thị từ chính nội lực, đồng thời khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Chiến lược lấy phát triển dịch vụ, du lịch làm mũi đột phá, làm động lực chính trong phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 là một chiến lược hoàn toàn đúng đắn. Hương Trà hội tụ những yếu tố cần thiết để hoàn thành tốt điều đó, phù hợp với xu hướng phát triển của đô thị trên thế giới hiện nay. Với vị thế và vai trò là một đô thị vệ tinh, án ngữ mặt Bắc của thành phố Huế, Hương Trà sẽ có những cơ hội tương lai để phát triển nhưng vẫn giữ vững những giá trị truyền thống của vùng đất.
Bên cạnh đó, việc tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển CN-TTCN vẫn là chính sách cần quan tâm và đầu tư thỏa đáng. Các cụm công nghiệp và cụm làng nghề được đầu tư quy hoạch mở rộng và xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu và khả năng đầu tư phát triển.
Nông nghiệp cũng được thị xã xác định là lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng. Từ đó mà có chiến lược phát triển nông nghiệp toàn diện, có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, việc phát triển các vùng chuyên canh các loại cây trồng hiện có trên địa bàn như: lúa, lạc, cao su, cây ăn quả đặc sản (thanh trà), hoa và rau các loại sẽ làm nên bộ mặt nông nghiệp mới qua sự cơ giới hóa nông nghiệp, có chuyên môn nghề nghiệp.
Một nhiệm vụ rất quan trọng và bức thiết đối với Hương Trà là sự quan tâm đào tạo nguồn nhân lực với các chính sách khuyến khích để mời gọi đội ngũ trí thức giỏi về công tác tại Thị xã. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ, quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động, giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Với những chiến lược phát triển đúng đắn, toàn diện và những thành tựu bước đầu, rồi đây Hương Trà sẽ trở thành một đô thị năng động, là trung tâm dịch vụ - công nghiệp phía Bắc của tỉnh. Việc phát triển đô thị Hương Trà cũng là động lực quan trọng, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
S.K
(SDB4-12)