Tạp chí Sông Hương - Số 278 (T.4-12)
Một trong ba trung tâm đào tạo nhân tài của cả nước
14:24 | 19/04/2012

LÊ CUNG

Kỷ niệm 55 năm thành lập Đại học Huế (1957 - 2012)

Một trong ba trung tâm đào tạo nhân tài của cả nước
Đại Học Huế - Ảnh: internet

1957-2012, Ðại học Huế tròn 55 năm xây dựng và phát triển. 55 năm - một quãng thời gian không dài so với nhiều trường đại học trong khu vực và trên thế giới(1), lại ở vào thời kỳ mà vận mệnh dân tộc đứng trước những thử thách khó khăn, nhất là ở vào các giai đoạn 1963-1975, 1979-1986 và 1990-1991, song dù trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nào, giảng viên và sinh viên Ðại học Huế vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, tranh thủ thuận lợi, từng bước xây dựng Ðại học Huế không ngừng lớn mạnh.

55 năm qua, Ðại học Huế đã cung cấp cho đất nước, trước hết là miền Trung và Tây Nguyên, một đội ngũ cán bộ hầu như đủ mọi ngành của đời sống xã hội cùng với những thành tựu về khoa học - kỹ thuật mang dấu ấn trong việc góp phần nâng cao dân trí, đẩy lùi nghèo nàn, đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của Ðại học Huế hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Giai đoạn 1957-1975, tuy không nhiều, nhưng đội ngũ giảng viên lại thừa tâm huyết, được công tác dưới mái trường đại học đậm "cốt cách quật cường, trầm lặng và chín chắn của phần dân thuộc trung bộ Việt Nam gọi một tên chung là Huế"(2), nên chỉ một thời gian ngắn, Ðại học Huế đã tạo dựng được thế đứng của mình, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, văn học, khoa học - kỹ thuật ở miền Trung, Tây Nguyên và cả miền Nam.

"Sản phẩm" của Ðại học Huế là những kỹ sư, bác sĩ, họa sĩ, văn gia, thi sĩ, nhạc sĩ,... tuy số lượng không nhiều, nhưng chắc tay trong nghề nghiệp, họ đã có mặt khắp miền Trung, từ Quảng Trị đến Bình Thuận, lên đến Tây Nguyên và ngay cả giữa lòng Sài Gòn, đông đảo nhất là đội ngũ "kỹ sư tâm hồn", được nhân dân các địa phương nơi họ đang công tác, trân trọng và tôn xưng: "Người thầy xứ Huế".

Trên lĩnh vực chính trị - xã hội, cho dù Mỹ và chính quyền Sài Gòn dùng mọi thủ đoạn cố áp đặt một nền giáo dục phục vụ cho âm mưu đẩy lùi phong trào cách mạng Việt Nam, song giảng viên và sinh viên Ðại học Huế, ở mức độ khác nhau đã nhanh chóng vượt qua những cám dỗ vật chất, những hư quyền danh lợi, hòa nhập vào dòng thác cách mạng của cả nước, tạo dựng được truyền thống yêu nước và cách mạng vô cùng vẻ vang. Việc các khoa trưởng và giảng viên Ðại học Huế đồng loạt từ chức, nghỉ việc để phản đối chính quyền Ngô Ðình Diệm thi hành chính sách kỳ thị tôn giáo trong năm 1963, hoặc họ là lực lượng trụ cột của "Hội đồng nhân dân cứu quốc", tổ chức ly khai chính quyền Sài Gòn tại Huế, trong phong trào chống chính quyền quân sự Nguyễn Khánh (1964),... Có thể kể những gương mặt giảng viên tiêu biểu, góp phần làm rạng danh Viện Ðại học Huế trước 1975 như BS. Lê Khắc Quyến (Khoa trưởng Ðại học Y khoa), BS. Bùi Duy Tâm (Khoa trưởng Ðại học Y khoa), TS. Nguyễn Hữu Trí (Khoa trưởng Ðại học Sư phạm), KS. Tôn Thất Hanh (Khoa trưởng Ðại học Khoa học),...

Nổi bật và mang tính sử thi là sự dấn thân của bao thế hệ sinh viên Huế trước năm 1975 với "những cuộc xuống đường rầm rộ" bất chấp sự đàn áp quyết liệt của bạo quyền, "những đêm không ngủ", phong trào "hát cho đồng bào tôi nghe, nghe đồng bào tôi nói",... Có lúc giảng đường đã trở thành trận địa, bục giảng là nơi lên án kẻ thù, sân trường là điểm "hội quân" để tiến công trực tiếp đối phương,... Họ làm được như vậy là nhờ một lý tưởng sống không hề lay chuyển:

"Vì giải phóng miền Nam,
Thề hy sinh tất cả"
(3).

Và có thấy hết những cám dỗ vật chất, những danh vọng hư quyền mà chính quyền Sài Gòn "dành cho" đội ngũ trí thức, cùng với những đau thương và mất mát nơi ngục tù, chiến trận,... và cả ngay trên đường phố mới nhận thức một cách đầy đủ về ý nghĩa việc dấn thân, việc xếp bút nghiên của sinh viên Huế trong những năm tháng đất nước chưa được độc lập, tự do.

Một điều như vừa là truyền thống, vừa là kinh nghiệm đối với sinh viên Ðại học Huế hôm nay là hầu hết những sinh viên tham gia kháng chiến dù ở nội đô hay thoát ly ra căn cứ, chiến khu hoặc bị giam hãm trong ngục tù đế quốc đều là những sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc; có bản lĩnh, có ý chí và dũng khí đấu tranh. Nhờ vậy, nên khi họ đề xướng hoặc phát động đấu tranh vì mục tiêu độc lập, thống nhất đất nước, đã thu hút đông đảo đồng bào và bạn bè nhập cuộc; hoặc trước những nhiệm vụ khó khăn, nặng nề được giao họ không từ chối; hoặc trước ngục tù, tra tấn, kể cả mua chuộc của bạo quyền, họ vẫn kiên trì giữ vững niềm tin vào sự toàn thắng của dân tộc. Và trong cuộc đấu tranh đầy cam go và hết sức ác liệt này, những hy sinh và mất mát là không thể tránh được. Những người con ưu tú như Ngô Kha, Trần Quang Long, Nguyễn Ðức Thuận, Nguyễn Thiết, Huỳnh Sơn Trà, Lê Minh Trường, được xem là những tấm gương tiêu biểu của sinh viên Viện Ðại học Huế trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và là niềm tự hào, kiêu hãnh đối với mọi thế hệ thầy trò Ðại học Huế hôm nay và cả trong tương lai.

Giai đoạn 1975-1994, về cơ bản các trường đại học ở Huế là những đơn vị hoạt động độc lập. Ðây là giai đoạn đất nước khó khăn nhất ở thời hậu chiến và những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Việc xây dựng và phát triển các trường đại học ở Huế, do đó cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của đất nước. Biết bao thiếu thốn và hụt hẫng "đến" với các trường đại học ở xứ Huế. Trường lớp, giảng đường, phòng thí nghiệm,... bị hư hỏng, xuống cấp. Tài liệu, giáo trình học tập,... hết sức khan hiếm. Khó khăn nhất là sự thiếu hụt nghiêm trọng về đội ngũ giảng viên. Trong gần một thập niên đầu sau giải phóng, đội ngũ giảng viên hầu hết là mới vào nghề, việc giảng dạy chủ yếu dựa vào nguồn giảng viên thỉnh giảng từ các đại học phía Bắc.

Về mặt đời sống, "có lúc cả thầy trò và cán bộ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, phải trồng khoai, trồng sắn, ăn bo bo, sắn độn cơm, thiếu cả giấy màu để vẽ, than sưởi ấm cho mẫu trong ngày đông lạnh giá, thiếu cả giây đàn và nhạc cụ, phòng học tối tăm và dột nát,... Những ngày khắc khoải và lo âu về một ngôi trường với bao chồng chất khó khăn tưởng chừng như không thể nào vượt qua nổi"(4), lao động sản xuất trở thành như một nhiệm vụ thường xuyên của giảng viên và sinh viên các trường đại học. Không chỉ trên đồng ruộng, nơi nhà máy xí nghiệp, có khi sân trường cũng biến thành nơi sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm dù là rất ít ỏi.

Kể sao cho hết những khó khăn, song đối với thầy trò các trường đại học ở Huế, "niềm tin vẫn được giữ vững". Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng bộ các trường, lại được nuôi dưỡng bằng truyền thống của một đại học "lấy đức làm mục tiêu, lấy trí làm căn bản"(5), giảng viên và sinh viên các trường đại học bằng mọi biện pháp, kiên trì, phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ mà Ðảng và Nhà nước giao phó, đáp ứng yêu cầu cấp bách về việc hàn gắn vết thương chiến tranh mà trách nhiệm trước hết dồn lên vai đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý.

Trong khoảng hơn một thập niên đầu sau giải phóng, những thế hệ sinh viên tốt nghiệp nối tiếp nhau, mang tri thức tỏa ra mọi miền đất nước, công tác và phục vụ trong các cơ quan, bệnh viện, trung tâm và viện nghiên cứu, trường học (kể cả các trường đại học và cao đẳng), hầu hết trong họ, ngày nay hoặc là những nhà giáo dục, những bác sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ vững vàng về chuyên môn; hoặc là những nhà quản lý năng động và sáng tạo được xã hội thừa nhận. Ðặc biệt, đội ngũ giảng viên trẻ có mặt ở các trường đại học Huế từ những năm tháng này, với sự dìu dắt cùng với "chính sách ươm mầm" của thế hệ đi trước, đã biết đổi lấy khó khăn bằng nỗ lực nghiên cứu, học tập không mệt mỏi, để hôm nay họ không chỉ trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Ðại học Huế và các trường, khoa thành viên, mà quan trọng hơn, họ vừa là những nhà giáo có uy tín trên giảng đường đại học, vừa là những nhà khoa học vững tay, đảm nhận được sứ mệnh đầu đàn trong nghiên cứu, với những công trình khoa học, những kết quả nghiên cứu của họ không chỉ có giá trị trong phạm vi học đường mà còn vươn ra cả nước và quốc tế. Chính đây là yếu tố có ý nghĩa chiến lược trong việc tạo dựng nên truyền thống vẻ vang của Ðại học Huế hôm nay và ngày mai.

Một vấn đề không thể không đề cập ở đây là trong gần hai thập kỷ (1976-1994), tuy là những đơn vị hoạt động độc lập, song các trường đại học ở Huế đã có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong nhiều hoạt động như về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, giảng đường, thư viện, Quan trọng hơn nữa là mối liên hệ gắn kết trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa - xã hội… Mặt khác, các trường đại học cùng đứng chân ở Huế, một thành phố giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, một trong những trung tâm văn hóa của cả nước. Tất cả chính là nền tảng vững chắc cho một Ðại học Huế thống nhất và phát triển khi thời cơ đến.

Giai đoạn 1994-2012, với đường lối đổi mới đất nước do Ðảng Cộng sản Việt Nam từ Ðại hội lần thứ VI (12-1986); đồng thời trước xu thế phát triển nền giáo dục đại học quốc tế, Ðại học Huế lại được thành lập (4-4-1994). Ðến nay, trừ Trường Ðại học Ðại cương đã giải thể (1998), Ðại học Huế có 7 trường đại học, 1 Phân hiệu Ðại học Huế tại Quảng Trị; 3 Khoa trực thuộc, 1 Viện và 6 Trung tâm. Ngoài những thuận lợi cơ bản, Ðại học Huế còn gặp không ít khó khăn xét cả mặt khách quan và chủ quan, nhất là ở buổi đầu. Âu đó cũng là quy luật "vạn sự khởi đầu nan". Song vượt lên tất cả, hoạt động của Ðại học Huế ngày càng lớn mạnh và đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực.

Về cơ sở vật chất, nếu như trước năm 1975, trừ Tòa Viện trưởng (số 3 Lê Lợi), Trường Ðại học Sư phạm và Trường Ðại học Y khoa, còn hầu hết cơ sở Ðại học Huế đều dưới dạng "mượn tạm". Trong giai đoạn các trường đại học hoạt động độc lập trực thuộc các bộ chủ quản, cơ sở vật chất có bước phát triển, song hết sức chậm chạp, thực tế không đáng là bao. Với 18 năm hoạt động (1994-2012), không gian Ðại học Huế đã được mở rộng khắp thành phố Huế. Những cơ sở cũ như Ðại học Y khoa, Ðại học Sư phạm, Ðại học Khoa học, Ðại học Nông Lâm, Ðại học Nghệ thật, Thư viện Ðại học (nay là Trung tâm Học liệu), được nâng cấp mở rộng hoặc xây dựng lại, khang trang hơn nhiều so với trước. Không chỉ ở Nội thành, cơ sở Ðại học Huế còn lan rộng ra vùng ngoại ô với những công trình như Ðại học Kinh tế, Ðại học Ngoại ngữ, Khoa Du lịch, Trung tâm Quốc phòng, Trung tâm Thi đấu, Khu chuyên gia, Ký túc xá Trường Bia, và cả tận Ðông Hà (Quảng Trị). Tất cả cho thấy tốc độ phát triển về cơ sở vật chất của Ðại học Huế trong giai đoạn 1994-2012 so với trước là rất đáng được trân trọng; chính đây là một trong những yếu tố góp phần nâng tầm Ðại học Huế lên một bước mới trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế.

Về đào tạo, Ðại học Huế cùng với các trường thành viên đã nhạy bén, bắt kịp nhu cầu xã hội, đón đầu được thời cơ. Ðiều này được tỏ rõ qua sự gia tăng nhanh ngành đào tạo, hệ đào tạo (chính quy và phi chính quy), bậc học và số lượng sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh theo học. Tính đến tháng 10-2011, Ðại học Huế có 95 ngành đào tạo đại học; 65 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 62 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II và bác sĩ nội trú; 25 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Lực lượng tham gia đào tạo, ngoài đội ngũ giảng viên tại chỗ, hàng năm Ðại học Huế còn mời gần 300 giảng viên thỉnh giảng có trình độ tiến sĩ trở lên từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia giảng dạy hệ chính quy cho mọi bậc học. Riêng đối với Trung tâm Ðào tạo Từ xa, hằng năm có khoảng 1.313 giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước được mời tham gia đào tạo. Nét mới trong đào tạo ở Ðại học Huế giai đoạn 1994-2012 còn thể hiện ở chỗ đẩy mạnh liên kết với các đại học với nước ngoài. Cho đến năm 2011, Ðại học Huế đã và đang triển khai 15 chương trình liên kết đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ với các đối tác nước ngoài.

Với tư cách là chủ sở hữu đào tạo, lớp học và giảng đường của Ðại học Huế không dừng lại ở Huế mà còn mở rộng ra khắp các địa phương trong cả nước với các ngành học, bậc học (đại học và sau đại học), các hệ đào tạo khác nhau. Kết quả, chỉ tính bậc Sau đại học, trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, Ðại học Huế đã đào tạo được 96 tiến sĩ, 4.375 Thạc sĩ. Tuy còn khiêm tốn, nhưng so với các giai đoạn trước, nó tỏ rõ sự lớn mạnh của Ðại học Huế nói chung, các trường thành viên nói riêng.

Ðiều cần nhấn mạnh là quy mô đào tạo ngày càng mở rộng về ngành nghề và bậc học cùng với sự gia tăng về số lượng người học, nhưng "sản phẩm" của Ðại học Huế ngày càng được nâng cao về chất lượng. Việc sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh với nhiều hệ đào tạo khác nhau quy tụ về Huế, không chỉ riêng miền Trung và Tây Nguyên mà còn có cả các địa phương miền Bắc hoặc tận đồng bằng sông Cửu Long; và ngược lại sự lan tỏa "tri thức Ðại học Huế" cũng đến khắp mọi miền đất nước, góp sức cùng với nhân dân xây dựng lại đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" đã tỏ rõ vị trí, vai trò của Ðại học Huế trong nền giáo dục đại học nước nhà. Ðược như vậy là nhờ Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu các trường và đội ngũ giảng viên luôn coi chất lượng là lẽ sống, là chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Ðại học Huế.

Về công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, những thành tựu của Ðại học Huế trong 18 năm qua là không nhỏ. Các hình thức nghiên cứu khoa học đa dạng, phong phú bao gồm các dự án hợp tác quốc tế; các đề tài độc lập cấp nhà nước, cấp bộ trọng điểm; nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên; các công trình nghiên cứu về chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào sản xuất và đời sống như về nông học, cải tạo và nâng cao năng suất cây trồng; các công trình nghiên cứu về địa chất, bảo vệ môi trường; nghiên cứu khoa học cơ bản về toán học hiện đại, công nghệ cao, vật lý laser, vật liệu mới, y học hiện đại và y học cổ truyền; nghiên cứu về khoa học xã hội - nhân văn như về lịch sử, tôn giáo, văn hóa, văn học và nghệ thuật; nghiên cứu về khoa học giáo dục và đổi mới nội dung và phương pháp dạy học,...

Ðối với miền Trung và Tây Nguyên, Ðại học Huế luôn đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều địa phương như Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình,... Ðối với Thừa Thiên Huế, Ðại học Huế có hằng trăm công trình nghiên cứu lớn nhỏ, đủ các lĩnh vực về vùng đất và con người Huế; mặt khác, giảng viên Ðại học Huế có mặt ở nhiều đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trong nước và một số đại học danh tiếng ở nước ngoài dưới hình thức thỉnh giảng, hoặc các hội nghị, hội thảo khoa học, hoặc các công trình nghiên cứu, các bài báo khoa học,... Tất cả góp phần quảng bá Ðại học Huế nói riêng và vùng đất cố đô nói chung đối với bạn bè trong nước và quốc tế.

Về hợp tác quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế của Ðảng, Ðại học Huế chủ trương đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế do Ðại học Huế đăng cai hoặc phối hợp với các trường đại học nước ngoài tổ chức, thu hút nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế tham gia. Các hội thảo quốc tế vừa là diễn đàn để các nhà khoa học và nhà quản lý trao đổi về chuyên môn và những vấn đề thực tiễn đặt ra, vừa tạo điều kiện để Ðại học Huế ký kết nhiều văn bản hợp tác mới cũng như tạo cơ hội cho cán bộ, sinh viên tiếp xúc với những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ của thế giới; đồng thời, việc Ðại học Huế thường xuyên tổ chức xét tặng danh hiệu giáo sư danh dự và tổ chức Festival khoa học, có tác dụng khuyến khích các nhà khoa học quốc tế đóng góp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Ðại học Huế.

Qua các chương trình, nội dung hợp tác quốc tế, Ðại học Huế đã xây dựng được mối quan hệ với nhiều tổ chức tài trợ, thực hiện được nhiều chương trình đào tạo liên kết; triển khai thành công nhiều dự án hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong khu vực và thế giới. Ðiều không kém quan trọng là qua hợp tác quốc tế, Ðại học Huế có thêm điều kiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, cải tiến nội dung và phương pháp dạy học theo chương trình đào tạo của các đại học quốc tế; mở ra khả năng đi tới các chương trình đào tạo mang tầm quốc tế.

Cần phải nói thêm rằng, trong hai giai đoạn trước, hợp tác quốc tế còn mang tính đơn điệu, một chiều. Nếu giai đoạn 1957-1975, hợp tác quốc tế của Viện Ðại học Huế chỉ dừng lại ở các nước tư bản chủ nghĩa, giai đoạn 1975- 1994, chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa, thì ở giai đoạn này (1994-2012), hợp tác quốc tế của Ðại học Huế mang tính đa chiều, với nội dung phong phú, bao gồm các nước xã hội chủ nghĩa, các nước tư bản chủ nghĩa và các nước thế giới thứ ba. "Công tác hợp tác quốc tế đã thực sự đem lại nguồn lực quan trọng, góp phần đắc lực trong việc thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học lớn, tạo ra các cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, cán bộ của Ðại học Huế và các trường thành viên"(6).

Sự hợp lực của các mặt hoạt động trên đây góp phần tích cực cho việc trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng. Năm 1997, Ðại học Huế có 1.558 giảng viên, cán bộ và công chức, trong đó có 25 giáo sư, phó giáo sư(7); đến tháng 11-2011, Ðại học Huế có 3.321 giảng viên, cán bộ và công chức và lao động hợp đồng; trong đó có 7 giáo sư, 141 phó giáo sư, 362 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, 1.009 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, 538 giảng viên cao cấp, giảng viên chính, 65 nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú. Số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm tỉ lệ gần 71,2%.

Tóm lại, trong quá trình 55 năm xây dựng và phát triển (1994-2012), Ðại học Huế đã trải qua 3 giai đoạn khác nhau. Nhưng phải khách quan mà nhận rằng dù ở giai đoạn nào chăng nữa, đối với Ðại học Huế cái khó khăn, thách thức vẫn "lấn át" cái thuận lợi, song "cái khó quyết không bó cái khôn", lớp lớp các thế hệ thầy trò Ðại học Huế nối tiếp nhau vẫn bền chí, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục đại học nước nhà, để Ðại học Huế có được "vóc dáng" như hôm nay.

Kỷ niệm 55 năm thành lập Ðại học Huế là dịp để thầy trò nhìn lại những nỗ lực đã qua, để nhớ lại những năm tháng đấu tranh hào hùng vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; rồi cùng đồng cam cộng khổ chung lưng đấu cật vượt qua những tháng ngày gian nan vất vả của thời hậu chiến; những trăn trở lo toan trong giai đoạn Ðại học Huế được thành lập và đi vào hoạt động nhằm làm tròn vai trò của mình đối với Thừa Thiên Huế, miền Trung và Tây Nguyên, xứng đáng với niềm tin của nhân cả nước và bạn bè quốc tế.

Tự hào về truyền thống là chính đáng, nhưng niềm tự hào đó chỉ có ý nghĩa trọn vẹn là khi truyền thống đó được biến thành hành động cụ thể trong một mục tiêu chung nhất đối với mọi thành viên Ðại học Huế: Xây dựng Ðại học Huế chất lượng cao trong đào tạo, sâu trong nghiên cứu, rộng trong hợp tác quốc tế; giữ vững Ðại học Huế là một trong ba trung tâm đại học lớn của cả nước, như chủ đề của Ðại hội Ðảng bộ Ðại học Huế lần thứ IV (2011) đã chỉ ra: "Nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng bộ, huy động mọi nguồn lực, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, xây dựng Ðại học Huế thành Ðại học quốc gia, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương"(8).

L.C
(SH278/4-12)

......................................
1 - Ðại học Sorbonne (Pháp) thành lập năm 1253, Ðại học Harvard (Mỹ) thành lập năm 1636, Ðại học Humbolt (Ðức) thành lập năm 1810,...
2 - Ðại học Huế, số 7, tháng 1-1959, tr. 125-126 (5-6)...
3 - Lê Chưởng, Trên những chặng đường chiến đấu (Hồi ký), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 643.
4 - Trương Bé, "Chiếc nôi của những tài năng nghệ thuật", Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 24, 1997.
5 - Tạp chí Ðại học, số 7, tháng 1-1959, tr. 125-126 (5-6).
6 - Nguyễn Văn Toàn, "Ðại học Huế nửa thế kỷ xây dựng và phát triển", Bản tin Ðại học Huế, số 60, tháng 3&4-2007.
7 - Tổng kết hoạt động Công đoàn Ðại học Huế năm học 1996 - 1997.
8 - Báo cáo chính trị Ðại hội Ðảng bộ Ðại học Huế lần thứ IV. Tài liệu đã dẫn.










 

Các bài mới
Huế khát mưa (26/04/2012)
Các bài đã đăng