Tạp chí Sông Hương - Số 278 (T.4-12)
Nhận diện con rồng Việt Nam
16:31 | 26/04/2012

LÊ QUANG THÁI

Trong 12 con giáp giữ vai trò "hành khiển" điều hành vòng quay ngày tháng, con rồng là linh vật khác hẳn với 11 loài còn lại mang tính cách hiện thực rõ nét.

Nhận diện con rồng Việt Nam
Nhà nghiên cứu Lê Quang Thái - Ảnh: Nguyên Đình

Theo Từ điển hiện đại Hán ngữ Từ Hải, rồng là một động vật thần dị trong truyền thuyết, sống trong nước, có thể bay lên trời tạo mây và làm mưa. Các dân tộc Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản đều lấy rồng làm tiêu chí cho đặc trưng văn hóa của mỗi quốc độ. Rồng trở thành biểu tượng chung của nhiều quốc gia ở Á Đông và châu Đại Dương. Người Việt Nam tôn vinh rồng làm linh thể, một trong hai vật tổ: Rồng và Tiên. Nhiều nước văn minh lấy rồng làm vật tổ, rồng trở thành điềm lành thể hiện những nét cao sang, tôn quý và an toàn. Vì vậy, quốc triều và dân gian đã lập đền miếu thờ rồng như một vị thần hộ quốc an dân. Ở trên bộ lập đền Long Thần, ở miền sông nước có đền Long Vương hoặc Long Cung. Rồng gắn liền với vượng khí núi sông, sơn hà xã tắc đã sản sinh và nuôi dưỡng ra nhân tài là nguyên khí của nước nhà.

Nội dung bài viết này chỉ khiêm tốn trình bày bản sắc của “Con rồng Việt”, xoay quanh 3 tình tiết: 1/ Chữ rồng, 2/ “Tượng” rồng, biểu tượng rồng, 3/ Nhận diện Con rồng Việt Nam.
 

Rồng thời Trần, chạm khắc trên bệ thờ đá chùa Thầy (Hà Nội), thế kỷ 13-14 - Ảnh:thethaovanhoa.vn


1. Chữ Rồng

Truyện Kiều có nhiều câu nhắc đến tên “rồng”. Tiêu biểu xin chọn 2 câu thơ lục bát 2215 - 2216:

Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.


Rồng là tiếng Nôm để gọi tên con rồng, dân gian còn gọi con long: “Làng ta phong cảnh hữu tình/ Dân cư giang khúc như hình con long”. Nét viết chữ rồng () như biểu hiện tính cách tượng trưng. Rồng biến thái từ chữ “long” (龍). Theo Lê Ngọc Trụ trong Việt ngữ chánh tả tự vị, thì cá rồng rồng = cá tràu (cá lóc) con. Tác giả còn chú thêm nghĩa chữ rồng bằng lối ví von lý thú bằng hình ảnh người chàng ràng, không có việc làm: đi rồng rồng ngoài đường. Ở miền Trung, giới sành điệu đi câu gọi ổ rồng cá tràu con là ổ rồng. Cách gọi nôm na này dựa theo hình tượng vô số cá tràu con có thân hình như một khúc ngắn que chân hương được kết dệt thành một khối có màu đỏ trông dễ thương. Người đi câu lấy từng con cá tràu con làm mồi câu cá phát lát háu ăn, dễ mắc mồi ngon.
Chữ rồng () là chữ Nôm cấu tạo theo cách hội ý. Bên trái chữ “trùng” (虫) có nghĩa là con sâu có chân, nguyên là chữ 虺 , người xưa mượn để thay chữ (蟲): loài sâu bọ, loài bò sát, thậm chí loài chim được gọi là “vũ trùng” (羽蟲), thú vật là “mao trùng” (毛蟲). Bên phải chữ “long” (竜), một cách viết khác của chữ 龍, có nghĩa con rồng, vua, mạch núi, cuộc đất.

Người Pháp dịch tiếng “rồng” là dragon, âm điệu của lời dịch biến tấu từ tiếng Tây Tạng chỉ con rồng là “druk” với tiếng “krong” của dân tộc Indonésien có nghĩa là sông nước. Từ này gần gũi từ dragon hơn thuật ngữ “prư-đông” của người Mông, có nghĩa là con thuồng luồng. Vào năm 1206, đúng trong 800 năm trước, Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare Yeshe nhìn thấy điềm lành chín rồng thiêng bay thẳng lên trời từ thánh địa Namdruk liền quyết định đặt tên dòng truyền thừa mệnh danh là “Drukpa”.

Đó là nguyên ủy con sông lớn ở Viễn Đông chảy qua 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Sông Cửu Long dài 4200 km, mà kỳ thực tính thêm từ Xương Đô đến khởi nguồn dài đến 4880km. Khúc sông thượng nguồn có tên là Lan Thương, giáo sư Phạm Tiến Phước (1939-2007), bút hiệu là Phạm Khắc, đã dày công nghiên cứu và thâm nhập thực tế để dựng thành phim Mêkông ký sự được phát hành thành 1 bộ gồm 51 đĩa và lại tinh tuyển in thành sách xuất bản năm 2009 tại Hà Nội. Từ điển Petite La Larousse do nhà xuất bản Paris, 1993 cũng đã nhầm lẫn khi viết độ dài của sông Mékông là 4200km. Sách giáo khoa ăn theo vướng phải sai sót đáng tiếc. Vô tình gây nên một tác hại dây chuyền mà người chịu thiệt nhất vẫn là học trò.

Người Trung Quốc phát âm từ “龍” (long) theo giọng Bắc Kinh là “lóng” hoặc “chóng” còn đọc là “sủng”. Tiếng Việt phiên âm là “rồng”. Người Hoa không có phụ âm “r”, họ đọc cực nhọc phụ âm này na ná như phụ âm “l” vậy. Đồng âm với chữ “long” (龍) là chữ “long” (隆); có nghĩa là cao nhất, thịnh vượng, đầy đặn, tôn quý. Vì vậy khiến cho nhiều khi chủ quan không tra chữ Hán nên vướng phải nhầm lẫn về từ và nghĩa của chữ “Long” trong địa danh, bút danh, phẩm tước. Chữ long (隆) trong các địa danh hoặc biển hiệu như Hưng Long, Phú Long, Tân Long, Long Phát, Long Phúc, Long Hưng có nghĩa là thịnh, thịnh vượng. Long Phúc vừa là tên đất, vừa là bút hiệu, vừa là lời gia huấn của dòng tộc Trần Thúc, người làng Niêm Phò, tỉnh Thừa Thiên đã ghi lại trong gia phả câu nói bất hủ của Phó bảng Trần Thúc Nhượng, anh ruột danh nhân Trần Thúc Nhẫn: “An thường thủ phận thị gia phúc” có nghĩa là sống trên đời biết an phận thì gia đình mới được hạnh phúc.

Viết bài địa danh mang tên rồng mà chỉ trích dẫn những từ ghép có chữ “long” là thiếu sót. Bãi Rồng ở tỉnh Hưng Yên là một địa danh xưa thuộc Bắc Ninh liên quan đến ngành đúc đồng mà tên gọi dân gian là làng Nôm có chiếc cầu cùng tên gọi gấy bờ nối bờ:

Đồng nát thì về cầu Nôm,
Con gái nỏ mồm về ở với cha.


Sau trận đại hồng thủy năm Kỷ Mão, 1999, làng An Hải ở gần cửa Thuận An bị xói lở trầm trọng, cư dân sống sót được cấp đất mới để lập nên làng Rồng soi bóng bên bờ biển Đông.

Rồng Việt Nam có nét khác biệt với rồng Trung Quốc. Người Hoa cũng có nhiều loại chữ Nôm khác chữ Nôm của người Việt. Họ không học chữ Nôm của dân tộc ta thì không tài nào đọc được.

Rồng Việt Nam phải mang đậm nét bản sắc của một dân tộc ngoan cường, giàu ý thức tự chủ và tràn đầy tinh thần sáng tạo: lấy máu nóng rửa vết dơ nô lệ. Sở trường của học cổ ngày xưa là học sao cho tiêu sách, phát huy nội lực để kết tập tinh hoa nhân loại biến thành sở học của mình. Một khi học không tiêu thì rước hoạ vào thân, chớ đừng nói đến chuyện hưng quốc. Lập ngôn đi liền với lập đức, lập công, cả bộ ba trở thành tam bất hủ tạo thế đứng vững vàng cho việc lập thân của giới thiện tri thức.  

2. “Tượng” rồng và biểu tượng rồng

2.1. “Tượng” rồng.

Đập vỡ chữ “Tượng” (像) ra sẽ thấy lý thú của thuật ngữ chuyên biệt thời thượng diễn tả ý niệm triết sử thấm đẫm sắc màu truyền thuyết, thần thoại để thấy được và lý giải rõ hơn phần nào về lẽ huyền diệu của thiên nhiên và vũ trụ.

Tiên hiền thời cổ đại cho rằng “rất huyền vi là Lý, rất tỏ rõ là Tượng”. Vì vậy không có gì cách ngăn giữa huyền vi và tỏ rõ. Với Lý và Tượng, cái nào có trước, cái nào có sau? Đơn giản câu trả lời rõ nét và dễ nhận ra: có Lý rồi mới có Tượng. Nói cách khác cho dễ nắm bắt là “có lẽ ấy thì có tượng ấy”. Lý là lẽ ấy; lý ở bên trong, tượng ở bên ngoài.

Tượng (像) có nghĩa là “hình tượng”. Đúng thật: “cái gì rất tỏ rõ được gọi là Tượng. Thánh nhân dựa vào “Tượng” mà đặt tên”. Nghiên cứu Kinh Dịch, Ngô Tất Tố đã lý giải rõ nét và lại dễ hiểu: “Bởi vì gọi là Tượng chỉ là mượn những vật mà mọi người cùng biết để hình dung lý của sự việc”. Như vậy, mỗi khi nói rồng, viết “long” thì chưa thật, không phải thật là con rồng.

Kiền (乾) ứng với quẻ Kiền trong Kinh Dịch là tượng trời, tượng con rồng. Nói cách khác “Kiền” lấy con tồng làm “Tượng”. Trời là tượng của quẻ Kiền. Người cổ đại nói câu bất hủ “Không có cái gì là không có lý ở bên trong” như để khai thị cho người đời sau hiểu rõ về nghĩa của chữ “Tượng”. Cực lòng phải giải chữ “Tượng” bằng cách thêm chữ “hình” hoặc thêm chữ “biểu” ở trước chữ “Tượng” hoặc chữ “Trưng” ở đằng sau chữ “Tượng” cho dễ hiểu mà thôi.

Quẻ Kiền gồm 6 vạch đều dương, tượng trưng cho vua. Tiêu biểu sách Thiên Nam Ngữ Lục đã gợi ý tưởng ấy bằng thuật ngữ “cửu trùng” ở hai câu 7909 và 7910:

Xa thư một mối thu về.
Lòng Thành xem trị, thùy y cửu trùng


Theo Sở Từ, vòng tròn có chín tầng trời. Số 9 là số lớn hàng đơn vị, từ 1 đến 9. Nhà bác học Lê Quí Đôn chú giải 9 tầng trời ấy là:

- Tôn động thiên    = Tầng 1, cao nhất
- Liệt tú thiên         = Tầng 2
- Trấn tinh thiên     = Tầng 3
- Tuế tinh thiên      = Tầng 4
- Huỳnh hoặc thiên          = Tầng 5
- Thái dương thiên = Tầng 6
- Kim tỉnh thiên      = Tầng 7
- Thủy tinh thiên    = Tầng 8
- Thái âm thiên       = Tầng 9

Chín đức của trời tượng trưng cho con rồng. Nhà vua là thiên tử, thừa mệnh trời trị vị muôn dân.

Rồng được tôn thờ như một vị thần ở Cố đô Huế. Năm Quý Dậu, 1813 miếu thờ Thần Rồng được triều đình dựng lập ở làng Dương Xuân; năm Minh Mạng thứ 3, 1822 dời về gần cửa Thuận An và đổi tên thành Nam Hải Long Vương. Năm Mậu Tuất, 1838 nhà vua sắc phong thần núi Phụ Ổ thuộc huyện Hương Trà là Chiêu Linh Phổ Trạch Sơn Long Thần.

Hình tượng rồng được chạm khắc vào Cao đỉnh trong hệ thống Cửu đỉnh đúc xong năm Minh Mạng thứ 17, 1837 được dựng trước sân Thế Tổ Miếu là quốc báu bằng đồng đang trên đường lập hồ sơ trình Unesco thừa nhận là di sản văn hóa nhân loại.

2.2. Biểu tượng rồng

Sách Trang Tử cho hay biết mẩu chuyện liên quan đến việc học nghề mổ rồng khiến người đời nay cho là lạ đời. Chắc rằng Trang Tử không nói phịa theo lối hư cấu. Chu Bình Mạn học nghề mổ rồng với thầy Chu Ly Ích sau 3 năm thì thành nghề; nhưng không có chỗ để thi thố tài năng. Cổ thi đã nhắc đến sự tích “mổ rồng” bằng hai vế đối chỉnh chu:

Kỹ quý đồ long vô sở dụng
Xảo yêu chức nữ hữu hà linh

Tạm dịch:

Giỏi nghề mổ rồng chẳng ích chi,
Yêu nàng chức nữ làm sao được?


Phải có con rồng thì mới có nghề mổ rồng. Chữ Hán gọi người hành nghề này là “đồ tể”. Đồ là mổ, là giết loài vật. Dưới thời cổ đại nghề mổ rồng là một nghề cao quý, nhưng lại vô dụng. Nghĩa rộng của nghề “đồ long” là giết được ông vua tàn ngược. Hán Cao Tổ giết được vua Tần, khiến người xưa tôn gọi là “đồ long trục lộc” có nghĩa “giết rồng đuổi hươu”, ý nói bóng gió là giết được vua Tần và bình được thiên hạ nước Tần, khiến cho Thiên hạ thái bình.

Thuật ngữ “đồ long” dùng để diễn tả ý nghĩa hiện thực lẫn ý nghĩa tượng trưng. Tác giả Kim Dung viết truyện kiếm hiệp “Cô gái Đồ Long” với dụng ý mở rộng nghĩa thuật ngữ “đồ long” là giết vua Nguyên tàn bạo. Nếu vô tình viết “Đồ Long” thì nghĩa lý khác biệt hẳn đi. Long đồ là người thầy dạy giỏi. Xưa có chức quan Long đồ cát học sĩ dạy vua hoặc viết văn thư, chế biểu ở Viện Hàn lâm. Từ đó, tự dưng “con rồng” còn mang ý nghĩa tượng trưng. Cần lưu ý là không nên mang định kiến rồng chỉ đơn thuần là con vật biểu tượng cho vua chúa thời phong kiến. Chế độ phong kiến phương Bắc nặng nề, thể chế phương Nam nhẹ nhàng hơn nhiều. Từ đó việc hình thành và cơ cấu tổ chức làng xã có nhiều nét khác biệt.

Rồng là biểu trưng cho vẻ uy nghi không những ở chốn cung đình, ở chốn thiền môn mà rồng còn thể hiện cho ý niệm tôn quý trong đời sống dân gian. Một sự bình đẳng không phân biệt đẳng cấp sang hèn: “Con vua thất thế lại ra quét chùa”.

Bằng chứng là ở thôn dã có loài cây xương rồng, tên chữ là “long cốt thụ” hoặc tên khác “cây nhân chưởng”. Nông dân trồng cây này ở bờ ruộng để ngăn ngừa trâu bò giẫm phá ruộng vườn gây tác hại cho lấy việc trồng trọt và chăn nuôi. “Long cốt thụ” là loài cây chịu hạn, sống ở vùng đất thịt hoặc đất cát khô cằn. Người xưa còn trồng cây xương rồng ở cạnh vách nhà để chống hỏa tai. Có ai ngờ là loài cây cứu đói. Mất mùa, cơm thua gạo kém, người ta lấy dao xắt mỏng thịt thân cây rồi đem luộc, vắt khô chắm muối ăn cho qua ngày đoạn tháng. Hoa xương rồng là hoa dại nhưng có nhiều sắc màu tươi tắn và nét đẹp dân dã. Thời mới, cây xương rồng lên ngôi ở chậu cảnh hội hoa Xuân.

Hoa xương rồng chỉ nở mùa gió chướng,
Còn em, hoa nở suốt bốn mùa.
                  
(Nguyễn Hữu Quang)

Đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc khuất bóng đều sống - chết với biểu tượng rồng: sống nhà, thác mồ. Rường nhà có tên chữ “long cốt”. Con trai trưởng thành, lập gia thất, xây nhà riêng là đi theo quy trình tự thân dựng nghiệp. Bước đầu dựng nhà thì phải “có cột có kèo mới gác đòn tay” để cấu tạo thành bộ dàn trò. Lễ gác đòn tay thượng lương nối liền hai nóc nhà: Con có cha như nhà có nóc. Lăng mộ đền tháp đều có chạm khắc, đắp nổi hình tượng rồng. Thành bại trong đời người còn do gặp thời hay không: May hóa long, không may xong máu.

Bốn mốc thời điểm quan trọng của đời người là sinh ra, đi học, lập gia thất, tử biệt cõi trần. Trong bốn điều quan yếu ấy, vinh hạnh nhất là hôn nhân xét về mặt lễ nghi. Cổ thi như đã khẳng định:

Gần xa nức tiếng cung trăng,
Thừa long ai kẻ đông sàng sánh đôi.


Thừa = cưỡi; long = rồng. Người thiếu nữ đi lấy chồng như cưỡi rồng lên mây. Xưa phụ nữ ở tây phòng, còn chú rể đặt giường nằm ở đông phòng, cho nên người ta thường dùng thuật ngữ đông sàng để ám chỉ người chồng hoặc người con rể.

Phận gái lấy được chồng khôn,
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng.


Xét về mặt vinh danh nở mặt nở mày giữa xã hội thì người phụ nữ lấy chồng hoặc nuôi chồng ăn học thi đỗ vượt xa việc hôn nhân. Thi đỗ là đại đăng khoa, cưới vợ mới chỉ là tiểu đăng khoa:

Cầm tay sẽ hỏi lân la,
Sân rồng buổi sáng thi ra bài gì?
                  
(Đoàn Như Khuê)

Sân rồng còn gọi là sân phong vì ở nơi cao sang tôn kính này được chọn trồng nhiều cây phong, vào tiết sương giáng thì lá phong ngả sang màu đỏ. Những sĩ tử đỗ đại khoa được ghi tên vào bảng rồng, đỗ từ Cử nhân trở xuống được ghi tên vào bảng hổ.

Long Điền Nguyễn Văn Minh soạn Từ điển văn liệu Việt Nam cho biết tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, tương truyền ở dưới núi có một cái vực sâu; vào ngày 7 tháng 4 âm lịch, các loài cá thường đến thi nhảy, con nào nhảy được cả 3 bậc thì hóa rồng. Vì vậy trong dân gian còn lưu truyền câu dân ca:

Mồng bốn cá đi ăn thề,
Mồng bảy cá về, cá vượt vũ môn.


Vũ môn còn được gọi long môn. Tương tự như hiện tượng trên, có sự tích nước sông Hồng Hà chảy xuống Long Môn, nhanh như tên bắn. Hằng năm cứ đến ngày mộ xuân tức vào cuối mùa xuân, có giống cá chép vàng bơi ngược dòng nước thì cá ngoi đầu lên, nếu được thì cá sẽ đổi đời.

Cá chép còn gọi là cá gáy, tên chữ là “” (鯉), người Nhật Bản đọc “Koi”, có nghĩa là “lời nói yêu thương của tuổi cài trâm”. Cá hóa rồng qua hội thi, cá còn là phương tiện đưa ông Táo về chầu trời theo truyền thuyết. Cái chủng tử “rồng” như đã thấm sâu vào tâm thức người Việt. Ngoài tiến cử, tuyển cử, khoa cử là lộ trình và cửa ải chuyển hóa sĩ tử thành rồng bay lên mây như thuật ngữ “hội long vân”.

Minh triết dân gian thật siêu việt đã bện dệt thành câu ca mang hồn truyền thuyết của văn minh miệt vườn ở đất phương Nam trù phú, nhân ái và tài tử:

Vĩnh Long có cặp rồng vàng,
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuấn Thần.


Bùi Hữu Nghĩa quê làng Long Tuyền, năm 28 tuổi đỗ Giải nguyên trường thi Gia Định khoa Ất Tỵ. Ông giữ chức tri huyện Trà Vinh thì bị quan trên tham nhũng cáo gian và hãm hại. Vợ là bà Nguyễn Thị Tồn đi ghe bầu ra tận kinh đô Huế đánh trống Đăng Văn ở Tam Pháp ty trong kinh thành để kêu oan cho chồng. Oái ăm thay, khi trở lại quê nhà, bà Nguyễn Thị Tồn bị bệnh, mất ở giữa đường trần lao. Tâm trạng và chí khí của ông thể hiện rõ nét qua tác phẩm nổi tiếng Kim Thạch Kỳ Duyên.

Câu thơ 8 chữ gồm 2 vế vừa liệt kê vừa tiểu đối. Tuấn Thần sánh với Hữu Nghĩa đều là tên gọi của hai danh sĩ: người họ Bùi, kẻ họ Phan. Tuấn là con ngựa hay còn gọi là ngựa ký, biểu trưng cho người tài giỏi hơn 1000 người; thần là thuật ngữ tự xưng hô của các vị quan đối với vua chúa hoặc của các cống sĩ dự thi Hội và thi Đình được phép xưng là thần trong bài viết hoặc đối đáp trong thi Đình do nhà vua hay đại thần làm chủ khảo.

Phan Tuấn Thần tức Phan Hiển Đạo (1822 - 1864) là danh sĩ đời Tự Đức. Ông đỗ Cử nhân khoa Đinh Mùi, 1847 và đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, 1856. Tuấn Thần không phải là tự hiệu hoặc bút hiệu mà là lời phong tặng của nhân dân, chỉ vì lẽ ông Phan Hiển Đạo còn là người phong nhã, tinh giỏi âm nhạc và tuyệt diệu về trình diễn ngón nghề đàn tranh một cách xuất thần trước công chúng.

Trí tưởng dân gian thật đa diện, phanh phui ra nhiều ngóc ngách thể hiện trong câu đố để trắc nghiệm sự thông minh:

Đầu rồng, đuôi phượng, ống tơ,
Lấy đầu rồng để nối nghiệp tổ tông,
Vắt lấy nước cửu bàn dân thiên hạ.


Vâng, đó là cây mía nguyên hình từ gốc rễ cho đến thân mình và ngọn ngành chổng đứng lên trời như một cái đuôi rồng vậy. Tương tợ như thế, câu đố: Đầu rồng đuôi phượng le te/ Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con, ngầm chỉ cây cau.

Nhà thơ trào phúng Học Lạc vịnh về con gà bằng 6 chữ tạo thành 3 đường nét ký hoạ: Đầu rồng/ đuôi phượng/ cánh tiên. Vào dịp Tết, con cháu dựng cây mía cạnh bàn thờ cũng vì lẽ ấy. Xem chừng, cái lối giải thích thờ cây mía để làm gậy chống cho tổ tiên là chuyện xuyên hoa hoặc tán gẫu mà thôi.

Tiên và Rồng không ở đâu xa, ở sát sườn rất gần với cuộc sống bình dị của đời thường dân dã. Trí tưởng của con cháu Rồng - Tiên thật phong phú, đa hướng, nhiều chiều khiến chẳng ai ngờ được. Rồng là gì? Tiên là gì? Người ta trả lời nhanh nhẩu như trời ban cho trí thông minh: Thanh nhàn vô sự là tiên trên đời. Do vậy, dù cho tạm gọi là “hư cấu”, dân gian vẫn tựa vào sự kiện có cơ sở, tuyệt nhiên không có “phịa” hoặc “tán gẫu” một chút nào để cho văn chương chữ nghĩa khỏi vướng phải nhiều cát sạn. Cứ lủng lơ lủng lẳng đọc một số bài “tán” về rồng, hình tượng rồng, biểu tượng rồng thì dễ dàng nhận ra dễ ợt như chơi.

3. Nhận diện con rồng Việt Nam

Thời cận đại đã phát lộ chuyện rồng xuất hiện bằng sự kiện chuyển mình của trời đất tức nghe, thấy, biết tín hiệu báo trước khác thường. Ở miền sơn cước hoặc bán sơn địa, nơi mà đồng bằng, tiếp giáp với đồi núi mà bên dưới có khe suối vực sâu hoặc trên đỉnh đồi núi có hồ nước trong veo là những nơi rồng xuất hiện. Ba tiểu mục sau đây sẽ khơi sáng cho việc nhận diện con rồng Việt Nam.

3.1. Hiện tượng rồng

Dân gian nói có cơ sở để miêu tả hiện tượng rồng phát sinh: “Sấm động ù ù, rồng bay phất phới” hoặc “Mưa tháng sáu máu rồng”, hoặc “Rồng đen lấy nước thì nắng; Rồng trắng lấy nước thì mưa” hoặc “Vực là chỗ ở của rồng”. Người xưa quan sát hiện tượng thiên văn để đoán biết thời tiết. Trời đại hạn thì cầu mưa, cầu đảo ở các linh từ, ở các miếu Đô thành hoàng ở Kinh sư, thành hoàng làng xã. Tại làng quê các vị hương hiền, bô lão phát nguyện ăn chay nằm đất cầu nguyện chí thành. Nghe tiếng sấm động từ trong núi, đó là tín hiệu báo trước trời sắp mưa. Đề thơ ở vách tường chùa Phan Dương Long, Nhạc Phi (1103-1141) viết 2 câu kết nói lên bản chất của loài rồng:

Ngã lai chúc long ngữ.
Vi vũ tế dân ưu.

Tạm dịch:

Rồng ơi, ta bảo nhé
Làm mưa lớn mau mau.


Đọc Quốc sử triều Nguyễn dễ dàng tìm gặp những tình tiết cầu đảo khi trời đại hạn thì trời sẽ mưa để cho mùa màng khỏi thất bát. Cụ thể xin trưng dẫn miếu Vũ sư ở tập Kinh sư, sách Đại Nam Nhất Thống Chí: “Ở xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy, dựng năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Chính đường, tiền đường đều 3 gian hiệp làm một tòa, chính trung thờ Vũ sư (thần mưa), phía tả thờ Vân sư (thần mây), phía hữu thờ Lôi sư (thần sấm), mỗi tháng trọng xuân trọng thu lấy ngày Tỵ sau ngày tế xã tắc mang quan nhị tam phẩm đến tế”.

Hẳn đúng như lời chiêm nghiệm của tiền nhân: “Kinh Dịch nói về vật nào, không phải là thật vật ấy, như nói rồng, không phải thật con Rồng” như lời Ngô Tất Tố đã viết. Câu nói thông tuệ ấy phảng phất hơi hướng thậm thâm vi diệu của Bát Nhã tâm kinh. Có thể xem đó là “hiện tượng Rồng” mà chúng tôi đã cố sức thâu tóm và giảm trừ ở phần trên. Gọi “hiện tượng Rồng” là để diễn đạt sao cho thanh thoát, nhẹ lẫng tâm hồn.

Một con rồng sinh động vừa có vừa không và lại không phải con “rồng chết”. Vì lẽ rồng là loài vật thiêng liêng biến hóa vô cùng. Trời là tượng của Kiền, mà Kiền lấy con rồng làm “Tượng”. Rồng đã mặc nhiên đi vào truyền thuyết: Bất khả tư nghì. Dùng trí tuệ soi sáng cũng chỉ gắng gượng thấy le lói tờ mờ. Không thể nào lấy hoạ tiết rồng, hình ảnh rồng, hình tượng rồng, biểu tượng rồng mà gọi đó là con rồng.

Vế nhóm từ “loài vật thiêng liêng biến hóa” được xem như kim chỉ nam giúp người ta đi tìm chân tướng con rồng. Các loài vật có nét tương cận với rồng Việt có con cá sấu, con thuồng luồng, con thằn lằn bay được uốn lượn trong không gian, pha phách thêm vài nét nhỏ của con chim, con cá gáy, con sư tử, con giun đất, thậm chí liên quan đến loài khủng long thời cổ đại. Mông Cổ có con địa long khác với con giun (con trùn) Việt. Đó là con giun đất mang quốc tịch Mông Cổ rất quý hiếm. Dưới tựa đề “Một cuộc đi thăm đầy tình hữu nghị và thắm tình đạo mạch”, Đại đức Thích Gia Quang ghi chép việc phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Phó Chủ tịch thường trực HĐTS/TW/GHPGVN làm Trưởng đoàn, thăm hữu nghị Trung tâm Quốc tế Phật giáo Châu Á vì hòa bình (viết tắt là ABCP) và Phật giáo Mông Cổ từ ngày 19/9 đến 27/9/1989. Có một tiểu tiết lý thú và sống động, được ghi lại ở trang 95 của Tập văn Thành Đạo số 16 tháng 01 năm 1990 như sau: “Chiều 20/9, Đoàn đáp máy bay, đến thăm sa mạc Gobi ở phía nam Mông Cổ, cách Ulanbator khoảng hơn 1000km đường bay... Khi thăm bảo tàng tự nhiên, Đoàn không ngờ được biết một đất nước được mệnh danh là đất nước của núi non và sa mạc mà lại có nhiều những động vật và thực vật đến thế như lạc đà, cừu, dê, bò, ngựa... Đặc biệt là có cả rồng đất, một loại động vật rất quý hiếm trên thế giới”.

Địa long đã đi vào sách đỏ. Đọc lịch sử văn học Việt Nam, bạn đọc nào cũng đều biết nguồn gốc dân tộc Việt Nam: Lạc Long Quân mình rồng, Âu Cơ mình rắn khác nào Phục Hy mình rồng, Âu Cơ mình rắn vậy. Nếu ai đó vô tình cho rằng rồng rắn là một thành tố trong hai tổ vật hoặc linh thể của giống Việt thì hẳn là không đúng. Và lại như vô tình công xúc đến tự tình dân tộc ta. Độc giả ngày nay có con mắt tinh anh để thẩm định ý nghĩa và chất lượng của bài viết muốn ký gởi ý tưởng theo lối chơi chữ đẩy đưa lắt léo mà thôi.

3.2. Xoay quanh chữ Thìn

Thìn (辰) là chữ tượng ý, chi thứ 5 trong 12 địa chi. Số lẻ là dương số hay thiên số. Số 5 nằm ở giữa các dương số. Gấp đôi số 5 để bao hàm cả âm lẫn dương, tạo ra 10 thiên can. Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí. Số chẵn là âm số hay địa số của Hà đồ gồm: 2,4,6,8,10.

Theo chu kỳ vòng quay một nguyên hay một chu bằng 60 năm thì có các năm: Giáp Thìn, Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn, Nhâm Thìn. Sách Thiên Nam Ngữ Lục viết theo dạng thể tài quốc sử diễn ca về thời gian trị vì của các vua nhà Đinh từ năm 968 đến 980:

Kể từ Đinh thị làm nên,
Mậu Thìn được nước, Canh Thìn mất ngôi.


Âm lịch lấy 12 thú vật hình tượng mà tên chữ là “Địa chi sở thuộc sinh tiêu” (地支所屬生肖). Chú ý đến nghĩa chữ “tiêu” là “giống” và chữ “thuộc” là “liền”, “nối”, “liên nghĩ”. Một khi viết Thìn: Rồng, không hẳn có nghĩa Thìn là con rồng. Đằng sau dấu hai châm (:) còn là bổ ngữ nhằm khơi tỏ ý hướng cần bổ sung sao cho rõ nghĩa lý.

Vì vậy, viết 辰 đọc “thìn” hoặc “thần”. Không đọc “Long” (龍) có nghĩa là con rồng. Đã có người dịch nhầm lẫn khi đăng hình hải cẩu biểu diễn viết thư pháp chữ Thìn mà dịch nghĩa là Rồng. Độc giả e khó đồng tình vì sự sai lệch ấy.

Năm 2012 là năm Nhâm Thìn. Nhâm có nghĩa là nước nguồn tuôn lẫm liệt hoặc nước ở sông hồ. Lê Quí Đôn đã viết danh phẩm Vân Đài Loại Ngữ, bộ từ điển bách khoa toàn thư. Theo sách Dương Cốc Mạn Lục, soạn giả dẫn lời: “tí, dần, thìn, ngọ, thân, tuất là dương, cho nên lấy số lẻ cùng thuộc vào đó mà đặt tên, như chuột năm ngón, hổ năm vuốt, rồng năm vuốt, ngựa một móng, hầu năm ngón, chó năm ngón”.

Xem chừng hoạ tiết, hình vẽ, hình thêu, sản phẩm điêu khắc rồng có số móng dưới con số 5 là vô tình minh hoạ cho con rồng dị tật. Khó lòng đồng thuận.

Một nhược điểm khác của loài rồng là tai nhỏ nên nghe kém và lại chậm. Một khi đến “long mạch”, “long tuyền” thì phải hiểu chữ “long” ở đây là mạch núi, mạch đất, cấu tạo địa tầng liên quan đến thổ nhưỡng, cây trồng và sinh vật cư trú kể cả con người. Dân gian gọi bằng thuật ngữ dễ hiểu và rõ nét: ngạch đất.

Có thế đất, cuộc đất “hàng long phục hổ” mà Nguyễn Trãi đã viết trong bài Du Nam Hoa Tự, - Chơi chùa Nam Hoa, ở phía nam huyện Khúc Giang thuộc phủ Thiều Châu, Trung Quốc:

Hàng long phục hổ cơ hà diệu
Vô thụ phi đài ngữ nhược tân

                              (Bài 92, Ức Trai thi tập)

Học giả Đào Duy Anh dịch:

“Hàng được rồng phục được cọp sao phép mầu nhiệm đến thế?
Không có cây, không phải đài, lời nói như mới luôn”.

Đó là suối nguồn tư duy cho việc lý giải có căn cơ về tứ tự thành ngữ “địa linh nhân kiệt” mà La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã cảm tác trong bài “Hoan Châu”.

Trung thổ nhiều tài giỏi,
Thịnh ở Diễn, Hoan châu,
 Mạch rồng chia nhánh hữu
Thế đất tiếp Mọi Lào


Xét về phong thủy, bên tả là Thanh Long, hướng Đông Bắc, bên hữu là Bạch Hổ, hướng Tây Nam. Trong 12 con vật cầm chịch của lịch số theo vòng quay của mặt trăng, rồng là linh vật vần vũ trong thiên nhiên tạo nên mưa gió, sấm chớp. Rồng đã trở thành linh dị đi vào truyền thuyết của nhân loại từ thuở hồng hoang, để lại cho hậu thế xưa nay nhiều tranh biện, thanh đàm đầy lý thú ở chốn văn đàn lẫn ngoài dân gian. Từ đó, tư duy về văn hóa tâm linh trở nên phong phú, đa chiều, đa diện.

Vào thời cổ đại đã nghe truyền thuyết mang sắc màu huyền nhiệm; trước khi Phật Tổ nhập Niết bàn, vì lòng thương cảm chúng sanh, Ngài đã yêu cầu các loài động vật đến chào từ biệt; nhưng chỉ có 12 loài đến kịp giờ. Đầu tiên là chuột, tiếp theo thứ tự là trâu, cọp, thỏ, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và lợn ụt ịt đến sau cùng. Đức Phật đã dựa vào thứ tự để đặt tên năm tháng. Theo truyền thuyết, Hy Lạp và Ai Cập cũng có 12 con giáp: dê, sơn dương, sư tử, lừa, cua, rắn, chó, chuột (Ai Cập là mèo), cá sấu, hạc, vượn và chim đại bàng. Không có con rồng, phải chăng có con cá sấu thay thế. Đã là huyền sử thì bí nhiệm. Phải chăng đối với các dân tộc Hy Lạp và Ai Cập cho rằng con rồng dữ tợn: có nhiều đầu, bắt cóc trẻ con, ăn thịt phụ nữ? Con rồng ở Á Châu lại hiền lành, độ lượng, bình đẳng. Ai đâu lý giải nổi chuyện chân lý lịch sử và đạo đức theo quan niệm ở bờ bên này hoặc bờ bên kia chung một đỉnh núi Pyrénée. Đúng sai còn tùy thuộc vào nhận thức, quan điểm của cư dân trên mỗi quốc độ khác nhau.

Như trên đã trình bày, từ xa xưa đã truyền nghề dạy mổ rồng, có thầy dạy tất nhiên có trò học đáp ứng nhu cầu. Lại nữa, trong yến tiệc cao cấp ở Cung đình có tám thức ăn cao lương mỹ vị với tên chữ “bát trân” mà đứng đầu là “gan rồng”. Các vua nhà Hạ ăn thịt rồng và nuôi rồng. Có lửa mới có khói chứ, lẽ nào hư cấu vô tội vạ đối với lịch sử đến mức tuyệt đỉnh 100% như thế. Người cầm bút giàu thiện căn không đến nỗi tán tận lương tri cho người ta ăn phải thịt rồng vẽ.

3.3. Bản sắc con rồng Việt Nam.

 Rồng Việt Nam phải là con rồng sinh động mang sắc thái dân tộc, gắn liền với sự nghiệp dựng nước, giữ nước của 54 sắc tộc anh em chung một lịch sử, một nước non nhà. Hoạ tiết về rồng, hình tượng rồng, biểu tượng rồng đòi hỏi trung thực, tuân thủ theo tiến trình văn hóa - nghệ thuật theo phương châm, định hướng hội nhập và tiến phát mà giữ cái gốc, cái bản lề như tiền nhân đã từng dạy khi vẽ cọp vậy: Hoạ hổ, hoạ bì, nan hoạ cốt. Từ “nan” có nghĩa là “khó” thể hiện tinh thần khiêm cung và nhân ái. Chúng tôi muốn dùng thuật ngữ “có thần”; mang thần thái dân tộc và văn chương chữ nghĩa nữa, vì rằng một “thìn” cũng đọc là thần, mở rộng nghĩa là thời tiết, khí hậu gắn liền với thổ nhưỡng, môi trường thiên nhiên nữa. Rồng Việt Nam độc đáo khác với hình tượng rồng của các dân tộc khác trên thế giới. Linh thể ấy là động vật với hình tướng tổng hòa một cách có duyên dáng các đặc trưng và sắc thái của các loài sinh vật khác. Vì vẩy rồng giống cá sấu, thuồng luồng; móng vuốt giống sư tử, thân có nét tựa tựa với rắn, răng nanh giống cọp, mào giống loài chim, đầu giống với nhiều loài vật như cá sấu, cọp, sư tử, ngựa, biến hóa sắc màu như con tắc kè có tên chữ “biến sắc long”. Theo truyền thuyết con ngựa cao từ 8 thước trở lên được gọi là Long mã. Tục truyền vào thời cổ đại, người Trung Quốc bắt ngựa Long Câu buộc vào rừng núi Quy Châu để cho rồng xuống giao hợp với ngựa lai giống trở thành ngựa được gọi là Long Mã. Tất cả những nét đặc trưng đậm nhạt ấy hòa hợp, cân đối, liên nghĩa và liền ý thành ra con rồng linh dị. Hình tượng rồng bất kỳ là hoạ vẽ, điêu khắc, chạm trổ, thêu thùa bất cứ bằng nguyên vật liệu nào, nhất thiết không chạy lệch ra thành những đường nét phô trương, vượt kỷ lục làm lóa mắt lên bởi ánh sáng và sắc màu hiện đại. Tiêu biểu cứ xem múa rồng, múa cờ ngày nay một cách tùy tiện. Vô tình vì động lực nào đó làm biến thái vẻ huyền diệu, bí nhiệm thành thế tục hoặc thậm chí là phàm tục. Lễ hội ngày nay có phần phục dựng đáng quý, nhưng phần hội diễn ra còn lung tung và tùy tiện. Rõ nét nhất là cờ rồng còn được dùng và treo không đúng chỗ, không đúng cách. Nguyên gốc của cờ rồng là quân kỳ của kỵ binh với đội quân lên tới 3000 con ngựa được gọi là “Tam thiên doanh”: cờ thêu con Rồng Vàng. Nhà Nguyễn chỉnh sửa biến thành quốc kỳ treo trên kỳ đài Huế trước năm 1945. Đừng biến cờ thành cờ quạt theo “lối đi xuống” mà đáng lý ra phải đẩy lên cho thăng hoa mới phải đạo. Phục cổ mà phá cổ thì uổng lắm, làm khổ cho đời sau phải mất công uốn nắn, chỉnh sửa. Căn bệnh biến tướng đến mức tràn lan gây nhức nhối vì chiêu hồn nước lệch hướng do không có minh sư chủ đạo. Và từng ngày suốt tháng cứ như thế thì làm sao mà tìm thấy chính khí, lẽ trung hòa và lý hạo nhiên trong mối tương quan giữa con người với trời đất, thiên nhiên và vũ trụ.

Dưới nhãn quan của người học Phật, cho dù chưa phải là Phật tử, thì Thiên Long thuộc chúng sinh ở trên trời, là một bộ chúng thường đến nghe Đức Phật thuyết pháp và hộ Phật pháp. Thuật ngữ nhà Phật gọi là Long Thần - Hộ pháp:

Xót thương Vô Tận Ý ni,
Với hàng tứ chúng, các vì Thiên, Long
Càn Thác Bà, Dạ Xoa chư vị,
Nhơn, Phi Nhơn, liệt vị Tu - La.
Ca Lầu La, Cẩn Na La,
Ma Hầu La đẳng, cùng là chúng sanh.

(Minh Trực Thiền sư dịch Phổ Môn phẩm, Diệu Pháp Liên Hoa kinh)

Kinh Pháp Hoa đã nói rõ Long Nữ tinh tấn tu hành trở thành Phật, thể hiện đúng lời dạy của Đức Phật: Chúng sanh là Phật sẽ thành.

Theo truyện cổ Phật giáo kể rằng có loài chim đại bàng thường bắt loài rồng ăn thịt. Loài rồng sắp tuyệt chủng mới tìm cầu cứu Đức Từ Phụ. Một hôm chim đại bàng đang truy bắt một con rồng. Rồng sợ không biết trốn ở đâu cho thoát nạn, bèn vội vàng đến cầu cứu Phật tổ. Ngài dùng áo cà sa cho rồng vào núp. Vì thế, chim đại bàng đành chịu không bắt được rồng. Từ đó về sau, áo cà sa còn được gọi là Cứu long y.

Trong Kinh, Sử, Tử, Truyện xưa nay, cả đạo lẫn đời đều nói đến con rồng, loài rồng dưới thiên hình vạn trạng. Khó lòng thu tóm hết “vì thư bất tận ngôn”. Rồng biến hóa vô cùng. Tin hay không tin tùy duyên.

Năm Nhâm Thìn, 2012 điềm lành của Rồng Việt Nam cất cánh vươn lên, vươn cao để hé lộ ở cuối đường hầm, toả hào quang xán lạn. Thần Rồng Việt Nam hoan hỷ chứng giám lòng chí thành của muôn dân con Rồng - cháu Tiên đã khai mở kỷ nguyên văn minh lúa nước, như lời Kinh Dịch đã viết:

“Rồng hiện ở ruộng, thiên hạ văn vẻ sáng sủa”.
(Hiện long tại điền, thiên hạ văn minh).

Cố đô Huế, 12 – 02 – 2012
L.Q.T
(SH278/4-12)










 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Huế khát mưa (26/04/2012)