Tạp chí Sông Hương - Số 278 (T.4-12)
Những nhà văn một thời cùng “chia tuyến đường đi đánh Mỹ”
16:10 | 27/04/2012

VIỆT HÙNG

“Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao...”*- Câu hát từ thời chống Mỹ, đã trở nên xa xăm, song giờ đây, thỉnh thoảng nó vẫn vang lên trên các sóng phát thanh...

Những nhà văn một thời cùng “chia tuyến đường đi đánh Mỹ”
Các chiến sĩ công binh Trường Sơn biên giới Việt-Lào năm xưa - Ảnh: internet

Trên đỉnh Trường Sơn ngày ấy, có thể, có những lúc, người ta chẳng để ý đến biên giới Việt - Lào, bởi khi mà “mây núi bao la, dấu chân đi bước mòn sỏi đá...”* của những anh bộ đội hai nước đang cùng chung chiến hào đánh Mỹ. Thời đó, có biết bao tác phẩm văn học ngợi ca tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào, cùng chung kẻ thù xâm lược. Những tác phẩm của nhà văn Việt Nam; những tác phẩm của nhà văn Lào, được dịch sang tiếng Việt; ta có thể dễ dàng tìm thấy ở đó, một tiếng nói chung, một sự đồng cảm. Đó là ý chí sắt đá, quyết chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do.

Ngày đó, cũng trên đỉnh Trường Sơn, có không ít những nhà văn, nhà báo của cả hai nước đang là chiến sĩ. Họ vừa cầm bút vừa cầm súng. Màu áo của họ đều ẩn hiện lẫn trong màu lá cây. Họ cũng đồng kham cộng khổ, cận kề cái chết như bao chiến sĩ khác. Họ sống trong lòng chiến tranh, viết về sự bất khuất của hai dân tộc...

Vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, đang ở tuổi niên thiếu, nhưng tôi cùng một số bạn bè cũng có đôi ba lần được gặp những anh bộ đội Lào. Họ từ chiến trường, được đưa về Hà Nội để chữa bệnh và học tập. Việt Nam đã đào tạo kỹ năng chiến đấu cho họ. Đa số những anh bộ đội Lào đều biết nói tiếng Việt, tuy không rõ lắm nhưng ta nghe vẫn hiểu. Họ kể cho chúng tôi nghe những trận chiến đấu ở Trường Sơn. Những điều ấy cũng tương tự như lời kể của các anh bộ đội Việt Nam từ miền Nam trở ra. Họ giống nhau từ những suy nghĩ đến lý tưởng và cách đánh giặc, khiến chúng tôi lắm lúc cứ mơ hồ tưởng hai là một. Quả là tình cảm Việt - Lào trong chiến đấu gắn bó như thể “Môi hở răng lạnh”...

Năm tháng qua đi, mọi việc cũng dần phôi pha. Những tác phẩm văn học Lào được dịch sang tiếng Việt từ thời chống Mỹ cũng đã lùi vào quá khứ. Những giai đoạn tiếp theo thì sao? Văn học Lào hầu như vắng bóng hẳn ở Việt Nam. Trước cơ chế thị trường, người ta cần dịch và phổ biến những tác phẩm bán chạy của Âu - Mỹ. Sách bán ít chạy sẽ không còn chỗ đứng. Thật là buồn. Vậy chúng ta có dám nói rằng, đã yêu ai thì yêu từ những cái nhỏ nhất, từ những cái bình thường nhất. Có người từng đặt câu hỏi: những nhà văn Lào hiện tại họ sống và viết ra sao, có giống nhà văn Việt Nam?

Thế rồi, tháng hai vừa qua chúng tôi cũng may mắn được diện kiến những nhà văn Lào trong chuyến đi thực tế sáng tác của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Đây cũng là dịp để hiểu thêm về những người anh em. Tại Viên Chăn, tiếp chúng tôi là một số nhà thơ, nhà văn nằm trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Lào. Nhà văn Su-Sa-Vat, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Lào đã vắn tắt cho chúng biết tình hình hoạt động của Hội trong những năm gần đây.

Tổ chức của Hội Nhà văn Lào chỉ mới được hình thành cách đây hơn 20 năm. Còn trước đó, các nhà văn đều hoạt động độc lập ở nhiều lãnh vực khác nhau. Hiện tại, Hội có khoảng 150 hội viên, đang sống ở khắp mọi miền đất nước. Cũng giống như Việt Nam, nhà văn muốn gia nhập hội phải có 2 đầu sách trở lên, và phải đạt được một số tiêu chí về chất lượng.

Ở Lào cũng đang có sự chuyển tiếp giữa các thế hệ nhà văn. Lớp nhà văn chống Mỹ nhiều người vẫn trung thành với đề tài chiến tranh; bởi họ tâm niệm, viết để lại cho lớp trẻ, mong lớp trẻ không quên truyền thống đấu tranh cách mạng. Những lớp nhà văn sau 1975 thì chú ý nhiều đến đề tài xây dựng và đổi mới đất nước trong hòa bình. Các cây bút trẻ hiện nay sáng tác rất tự do và đa dạng. Điều này cũng giống Việt Nam, nó phản ánh được sự đổi mới, giao lưu học hỏi bốn phương trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, ở Lào có rất nhiều nhà sư viết sách. Chủ trương của Hội Nhà văn Lào là động viên các nhà văn thâm nhập cuộc sống, viết để cổ vũ nhân dân vươn lên thoát khỏi nghèo đói. Họ suy nghĩ cũng như chúng ta: đã thắng được hai kẻ xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, song kẻ thù trực tiếp trước mắt là cái nghèo thì vẫn chưa thể chiến thắng.

Hoạt động in ấn, phát hành, công bố tác phẩm của các nhà văn Lào xem ra khó khăn hơn ở Việt Nam. Chúng ta còn có nhà xuất bản A nhà xuất bản B... đỡ đầu in ấn cho một số nhà văn; còn có tiền hỗ trợ đầu tư sáng tác của Chính phủ, thông qua Liên hiệp Hội để rót về các hội địa phương. Ở Lào, chỉ một số ít tác phẩm xuất sắc mới được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại, hầu hết nhà văn phải tự bỏ tiền in sách và tự phát hành. In ấn mà còn khó, nói chi đến việc giới thiệu các tác phẩm văn học Lào ra các nước khu vực, mà gần nhất là Việt Nam.

So với Việt Nam, hoạt động báo chí của Lào còn nhiều hạn chế. Chúng ta có số lượng lớn về các loại báo, và đa dạng về nội dung. Ở Lào, mặt này còn rất đơn điệu. Việt Nam thì tỉnh nào cũng có tạp chí văn nghệ địa phương, trong lúc Lào chỉ vài ba tỉnh có, mà họ còn phải lồng ghép các mặt văn hóa đời sống vào chung với văn học nghệ thuật. Một trong những khó khăn lớn của họ là giá in ấn quá cao, mọi nguyên liệu đều phải nhập.

Ở Lào, bước vào cơ chế thị trường, họ xóa bao cấp quá nhanh mà chưa có sự điều chỉnh lại. Ngay biên chế Nhà nước về nhân sự tại Văn phòng Hội Nhà văn cũng rất ngặt nghèo. Cán bộ chủ chốt của Hội đều làm việc kiêm nhiệm. Họ ăn lương ở các ban ngành khác, và vì tình yêu nghệ thuật mà gánh vác thêm trách nhiệm.

Cuối cùng, nhìn tổng quát, hoạt động của nhà văn Việt Nam thuận lợi hơn nhiều so với nhà văn Lào.

Chị Ta-A-Na, người hướng dẫn và phiên dịch cho đoàn chúng tôi trong những ngày ở Lào nói rằng, đời sống văn hóa ở Lào còn rất thấp. Chị Ta- A-Na là người Lào, nhưng sinh ra và trưởng thành tại Hà Nội, nên chị hiểu Việt Nam như người Việt. Bố mẹ chị trước đây công tác ở Đài Phát thanh tiếng nói Nhân dân Cách mạng Lào. Những năm chống Mỹ, Đài được Việt Nam giúp đỡ và đặt trung tâm tại Hà Nội. Đi với chúng tôi, trong giọng nói đầy xúc động, chị nhắc đi nhắc lại, nhân dân Lào đời đời biết ơn các anh bộ đội Việt Nam đã giúp họ giải phóng đất nước; đời đời biết ơn nhân dân Việt Nam đã giúp Lào xây dựng đất nước trong hòa bình... Hiện tại, những công trình xây dựng lớn ở Thủ đô Viên Chăn đều do Việt Nam ủng hộ và giúp đỡ xây dựng như: tòa nhà Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tòa nhà Quốc hội, tòa nhà Chính phủ, Văn phòng Bộ Công an... cùng rất nhiều trường học.

Buổi đón tiếp của Hội Nhà văn Lào dành cho đoàn chúng tôi chỉ diễn ra vài ba giờ, trong không khí giản dị nhưng đầy trọng thể, với sự có mặt của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Cuối cùng, đọng lại là những lời động viên nhau, dù khó khăn gian khổ, hãy cố gắng viết... viết vì cái đẹp của cuộc sống hai nước.

Chia tay những nhà văn Lào - những người anh em, tạm biệt Thủ đô Viên Chăn xinh đẹp, trong đầu tôi lại vẳng lên câu hát tự năm xưa - “Trên đỉnh Trường Sơn... Đi giải phóng quê nhà, nơi chiến trường xa, mỗi bước chân đi, lòng càng nhớ bao đồng chí, những người chiến sĩ yêu nước Lào”*.

V.H
(SH278/4-12)


..................................
* Lời bài hát Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn của nhạc sĩ Hoàng Hà










 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Huế khát mưa (26/04/2012)