THÁI NGỌC SAN
Người đàn ông ôm cái cặp da to tướng bước nhanh vào phòng khách vận nhà ga. Cái cặp to gần bằng nửa người ông ta so với chiều cao. Thế nhưng mọi động tác của ông đều nhanh nhẹn, linh hoạt đến láu lỉnh. Có lẽ đó là đặc tính bẩm sinh của những người lùn.
Khoảng trên bốn mươi tuổi, khuôn mặt người đàn ông mọi thứ đều nở bành ra như cái bánh bột mì rán, nhất là cái miệng. Duy có đôi mắt là thu lại, nhỏ ti hí. Vừa đi, vừa nói, vừa cười, ông ta lách khỏi tôi và, lẹ làng đến nỗi tôi không biết tự lúc nào, trong một tư thế cực kỳ cấn cái, điếu thuốc ông ta vừa rút ra khỏi bao đã cắm trên môi đồng chí trưởng phòng, vừa rồi còn cắm cúi trên cuốn sổ nhăng nhít chữ số. Rồi, " tách ", ngọn lửa xanh từ cái bật lửa ga ông ta chìa tới liền bắt điếu thuốc phực đỏ. Tất cả mọi diễn biến đó đều xảy ra trong tích tắc, như những động tác của một diễn viên xiếc thuần thục, làm cho tôi bất giác nghĩ rằng, nếu giả dụ như ông ta có đánh tôi một bạt tai chắc chắn tôi không thể nào đỡ kịp.
- Để cho mình một chỗ ngày mai- người đàn ông nói, đoạn đặt tờ giấy giới thiệu trên bàn, trên giấy công tác của tôi và dần gói thuốc lên trên - Một vài hôm nữa phải ký hợp đồng rồi, đi vô đi ra hoài mệt đến bả hơi...
Nói xong ông ta loay hoay mở nút cái cặp da và lôi ra một xấp giấy đánh máy có dấu đỏ bên dưới, kẹp trong cuốn sổ tay. Rồi ông ta cứ lật tới lật lui những tờ giấy như thể đang tìm một lời giải cho một vấn đề gì đó cực kỳ quan trọng trong sứ mạng sắp tới của ông.
- Anh để cho ngày kia đi - Đồng chí trưởng phòng từ tốn nói, vừa chỉ cho ông khách những ô có đánh dấu trong cuốn sổ - Ngày mai đã đăng ký hết cả rồi, anh xem...
- Chết! Không được đâu! - Người đàn ông vội vàng nhét tập giấy vào cặp và giọng ông ta bỗng nhiên đổi khác - Trễ một ngày là mất cả bạc triệu đấy ông biết không? Mình cần người ta chứ người ta có cần mình đâu. Mà cái xứ này thật kỳ cục, có một đường bay cứ cắt lên cắt xuống hoài…
Không biết vì cái khoản bạc triệu hay là cái gì khác, cuối cùng, cũng lẹ như khi đến, người đàn ông ôm cái cặp ra về với tấm vé nằm ghi đúng ngày hôm sau. Trên bàn chỉ còn lại gói thuốc và tờ giấy công tác của tôi.
Câu chuyện nhỏ nhặt ấy kể ra cũng có làm tôi bực bội chút ít, nhưng tôi sẽ chẳng hơi sức đâu mà nhớ mãi, nếu không có cuộc tái ngộ thật thú vị về sau.
Toàn là bạn thân cũ của tôi hồi còn ở Hà Nội. Hồi ấy tôi với hắn đều nghèo rớt mồng tơi, nghèo đến nỗi có khi không có cả 5 xu để đi tàu điện, phải nhảy cọp. Thế nhưng chúng tôi sống rất vui nhộn. Toàn là một tay láu lỉnh nổi tiếng, quanh năm suốt tháng mượn chỗ này đắp chỗ kia và cứ chen ngang tất cả các cửa hàng bằng một tấm bìa đỏ giả. Hắn làm việc ấy một cách tự nhiên, vui vẻ. Được không được thì thôi, mất gì! Ấy thế, nhưng lần nào hắn cũng được. Hoặc giả, nếu không, hắn cũng cứ cười toang toác như không có việc gì. Giải phóng, tôi với Toàn đều trở lại Huế và dĩ nhiên cuộc sống có khác đi. Toàn trở nên giàu có, một phần do thừa hưởng tài sản của gia đình, một phần do tài thao lược của hắn. Vào thành phố Hồ Chí Minh hắn lại càng như diều gặp gió, đến nỗi có người ví hắn như một ông vua nhỏ của một dây chuyền buôn bán lớn. Tôi không rõ tầm cỡ quy mô của dây chuyền này ra làm sao, nhưng chuyện buôn bán đỏ đen là có thực. Mỗi ngày hành tung hắn càng khó hiểu, nhất là từ khi vào thành phố Hồ Chí Minh. Vừa giống như một điệp viên, vừa giống một tay chơi hào hoa phong nhã, đột nhiên hắn xuất hiện ở Huế như từ trên trời rơi xuống đôi ba ngày với những cuộc đãi đằng chè chén chỗ này chỗ khác, thoắt cái là biến…
Những năm ấy là những năm lây lan một loại dịch bệnh đặc biệt, nó làm cho một số người bỗng nhiên phát phì ra hoặc teo tóp lại một cách không bình thường. Đôi khi nó sinh biến chứng làm cho một số người khác bị nhồi máu cơ tim hoặc xuất huyết não. Dịch bệnh phát tác nghiêm trọng ở một số xã vùng ven miền núi, đẩy một số thanh niên đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mạo hiểm trên tận cùng những hẻm hóc suối thẳm rừng già. Vào những giờ chạng vạng tối, những chiếc hon đa rú ga phóng như bay qua những ngõ tắt đột nhập vào thành phố. Và liên tục những chiếc xe du lịch bóng láng từ những thành phố khác đến tấp dài ngày ở các khách sạn. Ở các cửa hàng bia, vỏ chai, vỏ thuốc la liệt. Và tai nạn liên tục xảy ra ở các cửa rừng, cửa kho và cả trên bàn giấy kế toán một số cơ quan.
Toàn xin chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh vào thời kỳ cái bệnh dịch trầm kha nầy mới manh nha. Tôi không hiểu bằng cách nào hắn có thể giải quyết mọi chuyện nhanh đến như vậy. Chỉ sau một chuyến đi thăm dò trở về cả hai vợ chồng hắn đã có quyết định chuyển công tác và đồng loạt được tăng một bậc lương. Tôi hỏi, hắn cười cười: điếu thuốc, xong ngay! Cũng có thể đúng như thế thật bởi vì tài ngoại giao của hắn thuộc loại xuất chúng - Hắn biết chỗ nào cần một điếu thuốc, chỗ nào cần một két bia và chỗ nào cần phải la hét om sòm mới được việc. Có lẽ hắn là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của một thời kỳ trắng đen nhốn nháo, một thời kỳ mà chắc rằng phải vài chục năm sau mới có thể phân tỏ đâu là chân lý rõ ràng. Còn bây giờ đây mọi thứ cứ như thể đang nổi trôi trong một cuộc chơi săn hình đuổi bóng. Bởi thế cho nên, cũng vào thời kỳ này, người ta cứ đua nhau đổ vào thành phố Hồ Chí Minh như đi khám phá Châu Mỹ, hình như ở đó đang định hình một thứ tiêu chuẩn chân lý mới. Dĩ nhiên, với Toàn, hắn tách ra khỏi dòng thác kia, bởi vì tiêu chuẩn chân lý thì hắn đã có sẵn. Đối với hắn, chân lý bao giờ cũng phải cụ thể, rờ mó được ; nó có thể là chiếc xe bò lọc cọc lạch cạch có từ thời ông Bành Tổ, chứ không phải là những phi thuyền rong chơi cả tháng trên cung trăng, nếu những chiếc xe bò có thể giúp hắn đạt được điều hắn muốn.
Cuộc sống có thay đổi nhưng mối thâm giao bạn bè cũ vẫn còn, có khác chăng là bây giờ giữa tôi với Toàn mỗi đứa có một thế giới riêng hoàn toàn khác biệt - một người sống với đồng lương ba cọc ba đồng, còn một người tiền bạc vô ra như nước. Đôi khi, để tự biện hộ cho thái độ không dứt khoát của mình, tôi nghĩ âu đó là lẽ tất yếu của một thời. Bởi vậy mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh tôi đều có tạt qua chỗ Toàn và, mỗi lần như thế, như đã có giao ước sẵn, chúng tôi chỉ nói chuyện bù khú ngày xưa. Đó là cái đề tài muôn thuở thú vị và cũng là lý do duy nhất níu kéo lại quan hệ bạn bè. Thật tình, đối với tôi, nếu vứt bỏ cái phần nhăng nhít bán buôn trong con người hắn ra, Toàn là một con người thú vị, rất thú vị, một người dễ thành đạt trong mọi phương diện.
Lần này tôi ghé chỗ Toàn buổi trưa, ăn với hắn một bữa cơm gia đình trước khi ra ga lên tàu trở lại Huế. Cơm nước xong xuôi, lúc câu chuyện cũ đang rôm rã, bỗng nhiên Toàn nháy mắt ra hiệu cho tôi, rồi lẹ làng gác một chân lên bàn, đầu ngã về phía sau, mắt nhắm lại trong tư thế đang ngủ. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đã nghe tiếng kẹt cửa. Một người đàn ông ôm cái cặp da to hiện ra giữa khoảng sáng của cánh cửa mở. Ông ta có vẻ tần ngần như đang định hình làm quen với bóng tối. Tôi chưa nhìn rõ người khách bởi ánh nắng buổi trưa ngoài đường quá chói chang.
- Ông hỏi ai? - tôi hỏi.
- Anh Toàn. Có anh Toàn ở nhà không?
- Mời ông vào. Hắn có đây... đang ngủ...
Người khách bước từng bước một đến chỗ tôi như sợ gây tiếng động phá giấc ngủ của Toàn. Khi ông ta đặt cái cặp da to phình lên bàn cạnh chỗ bàn chân như bàn chân Khờ-rút-xốp của Toàn, tôi bỗng giật mình. Ồ! Đúng là ông ta rồi! Nhưng có lẽ ông ta chưa nhận ra tôi? Mà sao trông ông ta có vẻ khác thế? cái vẻ láu lỉnh trước đây như đã bị triệt tiêu không dấu vết. Ngồi cạnh tôi bây giờ không còn là một con người linh hoạt nhanh nhẩu, miệng lưỡi tay chân vận động như tia chớp nữa, mà chỉ là một khối thịt nặng nề mệt mỏi. Khuôn mặt ông ta vẫn giống như cái bánh bột mì rán, nhưng đã bị nhúng nước nhão nhẹt.
Toàn kịp thời "thức dậy" đúng vào lúc tôi bối rối không biết xử trí ra làm sao. Có lẽ hắn đã tính toán rất chính xác độ co giản thần kinh của khách.
- À! ông đấy à? Chạy cả buổi sáng mệt, mới chớp mắt được một tý... Sao, ông tính sao?
Toàn bỏ chân xuống bàn, dụi mắt và với tay uống một ngụm nước, không mời khách cũng không bắt tay ông ta.
Ông khách liếc nhìn tôi có vẻ ái ngại. Toàn biết ý.
- Người nhà cả, ông cứ nói.
- Báo anh Toàn như vầy - ông ta nói với giọng rề rề như bị đàm chận trong cổ - Tình hình bây giờ căng quá, số hàng anh em đưa tới hôm qua là tôi đã cố hết sức vừa tách trong hợp đồng chính thức, vừa nhờ anh em lái xe mỗi người một ít. Sau vụ ông Phong bị bắt, bà Hảo bỏ chạy, bao nhiêu thứ cứ rối tung lên, nhiều người đã bắt đầu đặt vấn đề với công ty...
- Này, ông nói nhanh cho, cái ông Phong bà Hảo và cả công ty của các ông nữa có dính gì tới tôi?
- Vâng, vâng, nói là để anh thông cảm vì giá cả bây giờ khác rồi, anh cố gắng nhích lên cho. Ngoài mình nay đã lên đến trên ba mươi, có khi bốn mươi, loại một. Với lại hôm qua anh em chuyên chở làm reo nên tôi đã đưa thêm cho họ… Khoản nầy đề nghị anh...
- Sao? Sao? - Toàn vụt đứng dậy mặt đỏ gay, chồm tới như muốn vồ ông khách - Vứt mẹ cái giá cả của các ông, thối như c.! Tôi hỏi các ông bỏ ra cái gì nào? Bỏ ra ba tờ giấy mà muốn ăn cho nhiều à? Bồi dưỡng cái gì? Thế cái khoản tôi đưa hôm qua và mấy két bia là bồi c. à? Muốn xin, tôi cho, đừng bày ra cái trò con nít, tôi không phải là vú em các ông đâu.
Đoạn Toàn cúi xuống kéo rộc cái hộc bàn và ném trước mặt ông khách một cọc tiền giấy trăm dày khoảng trên gang tay đã cột chặt - Xin mời ông đếm đi cho. Tôi mệt quá rồi… ngủ đây! - Hắn ngồi phịch xuống và lại gác một chân lên bàn, mắt nhắm lại.
Cái thằng mất dạy! tôi rủa thầm. Thế nhưng ông khách thì như chẳng hề hấn gì, như điếc. Khi Toàn chồm tới hung hăng ông ta chỉ hơi nhích đầu ra sau một tý, nhưng nếu hắn có dộng vào mặt ông ta một cú đấm, tôi nghĩ, chắc ông ta cũng sẵn sàng hứng lấy như một thủ tục. Ông ta với cọc tiền. Bây giờ mọi động tác của cơ bắp như được hồi sinh, mặc dù ông cố làm ra vẻ bình thản. Ông tháo dây cao su và đếm rất nhanh từng xấp thành thạo như những nhân viên chuyên nghiệp của ngân hàng. Xong, nhét vô cặp, cái cặp to phình ra như bụng con cóc đã hết sức chứa của nó.
Người khách ôm cái cặp đứng dậy, có vẻ tần ngần một chút không biết có nên chào Toàn hay không, đoạn ông quay sang tôi định bắt tay. Bỗng nhiên, khi hai ánh mắt gặp nhau, ông ta như bị chuột rút, cái cặp to và nặng quá suýt nữa rơi xuống đất. Ông vội vàng dùng cả hai tay giữ chặt và xốc lên nách, mắt quỵt xuống, chỉ lắp bắp một lời chào không rõ và bước nhanh ra cửa.
Khi cánh cửa khép lại, Toàn ngồi dậy chưởi đổng.
- Mẹ kiếp!
Tôi biết trong nỗi bực tức của Toàn còn có ý nuối tiếc về câu chuyện cũ dang dở không cách gì có thể trở lại với tôi. Còn tôi, tôi cũng chẳng còn thú vị gì về việc tiếp tục câu chuyện nữa.
- Thôi, ngủ đi, thằng trời đánh, tao đi đây! Coi chừng rồi đây ma quỷ cũng sẽ không tha mày! - Tôi cười và cũng đứng dậy bước ra cửa.
Còn đến ba tiếng nữa chuyến tàu mới khởi hành.
1986
T.N.S
(SH22/12-86)