Tạp chí Sông Hương - Số 22 (T.12-1986)
Những vòng tròn vĩnh cửu
08:11 | 10/07/2012

NGUYỄN KHẮC PHÊ
              bút ký

Hồ Tịnh Tâm lại đã đến mùa sen nở. Những cánh sen trắng khiêm tốn lấp ló giữa bạt ngàn lá xanh dịu. Mới đó, năm ngoái, sau cơn bão số 8, ngôi nhà lục bát trên hòn đảo giữa hồ bị đổ nát, cảnh hồ thật tiều tụy. Quy luật xoay vần của thiên nhiên quả là kỳ diệu.

Những vòng tròn vĩnh cửu
BS Đoàn Văn Hân tại Phòng làm việc của Viện Nghiên cứu Y học quốc gia Pháp (INSERM) năm 1992 - Ảnh: nhân vật cung cấp

Từ các hội trường Học viện Y Huế, nơi đang diễn ra Hội nghị Khoa học Sáng tạo tuổi trẻ các trường Đại học y dược toàn quốc lần thứ 3, tôi tìm đến nhà bác sĩ - nhà sáng chế Đoàn Văn Hân bên đường Tịnh Tâm. Tưởng là sẽ gặp Hân rất dễ trong hội nghị vì nghe đâu trong cùng năm 1985, anh đạt liền hai bằng sáng chế quốc gia. (Trong khi số bằng sáng chế của cả nước ta mấy năm qua chỉ có vài chục). Tôi hình dung anh sẽ có một chỗ ngồi danh dự nào đó. Nhưng tôi cứ tìm mãi. Đến lượt anh báo cáo, cũng chẳng thấy. Thì ra, vì công trình của mình đã được ủy ban Khoa học Nhà nước xếp hạng, anh không muốn làm ban giám khảo và hội nghị mất thì giờ. Mãi đến khi hội nghị sắp kết thúc, tôi mới gặp anh; không phải bên những máy móc trong phòng thí nghiệm, mà ở văn phòng Đoàn. Anh đang giúp ban tổ chức hội nghị đánh máy các giấy chứng nhận công trình sáng tạo vừa được giải thưởng trong hội nghị. Tôi nhìn anh, một thanh niên còn rất trẻ, thân hình mảnh nhỏ, cặp kính cận sáng lóa che gần nửa khuôn mặt thanh thoát, nhẹ nhõm, cố lần tìm mối liên hệ giữa nhà sáng chế và con người giản dị đang vui vẻ với công việc rất tầm thường này. Có phải anh không ham chỗ ngồi danh dự cao sang, biết tìm nguồn vui và kiên nhẫn trong từng việc nhỏ hàng ngày nên đã trở thành nhà sáng chế?

Lần tìm con đường đến với khoa học của Hân, tôi sang hồ Tịnh Tâm. Bên con đường nhỏ, sau hàng chè tàu tươi tốt, điều tôi bắt gặp trước tiên không phải là một lâu đài khoa học mà là một "đại gia đình". Gần hai chục con người ở chung trong ba gian nhà nhỏ! Bố mẹ, anh em dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại, từng ấy mối quan hệ, chung dưới một mái nhà. Không gian dành riêng cho nhà sáng chế chỉ vừa kê đủ một chiếc giường! Có mối liên hệ nào từ cái kích thước hạn hẹp này và những công trình có tính vĩnh cửu mà anh đã chế tạo? Những bộ lịch vạn niên, những vòng tròn vĩnh cửu... Đoàn Văn Hân đang đi đâu đó. Tôi cũng không định "khai thác" gì nhiều ở anh nữa. Hôm qua, tôi đã hỏi chuyện anh ở học viện và anh đã trao cho tôi bản thuyết minh và mô hình hai sáng chế của anh: Lịch vĩnh cửuLịch châm cứu vạn niên. Cụ Đoàn Văn Diệu, ông thân của Hân và anh Quýnh tiếp chuyện tôi. Bác sĩ Đoàn Văn Quýnh, Quyền Chủ nhiệm bộ môn Dược lý Học viện Y Huế; người anh cả của Hân cũng là một nhà khoa học đích thực. Anh là một "cây sáng kiến" của Học viện, đã được tặng bằng "Lao động sáng tạo". Bộ tự điển "Dược lý học Anh - Việt" của anh cùng nhiều công trình nghiên cứu khác như "Những cây thuốc và vị thuốc trong thức ăn đặc thù vùng Huế"... sắp được in. Nhà văn Nguyễn Quang Hà đã viết một bài bút ký về anh gửi đăng báo, nhưng nghe đâu có cán bộ biên tập ngại một vài chi tiết trung thực trong đó, nên đã gác lại. Ví như chi tiết anh Quýnh vì thiếu giấy đã phải gom từng rẻo giấy vụn, từng mẩu bao thuốc lá để viết nên một chồng dày các công trình khoa học... Tôi thì chắc anh bạn Quang Hà chưa viết hết nỗi gian khổ của anh Quýnh. Nhưng thôi, sau có dịp hãy kể. Chẳng phải là chúng ta thích thú tự hào về cảnh nghèo khó, điều đáng trân trọng là đời sống gian khổ đã không làm tàn lụi hoài bão và ý chí của con người. Câu chuyện cổ về người học trò nghèo phải đốt lá khô thay nến học bài vẫn lung linh sáng đến tận bay giờ. Với Đoàn Văn Hân thì anh Quýnh là một tấm gương gần gũi. Anh Quýnh còn hai người em trai nữa; một người là bác sĩ chủ nhiệm khoa sản bệnh viện Phú Lộc, một người nữa là kỹ sư thủy lợi- chàng kỹ sư trẻ này khi còn là sinh viên nhập ngũ vào bộ đội pháo năm 1979 đã có sáng kiến trong chiến đấu được tuyên dương. Khi tôi nhắc đến những người con trai đã thành tài của cụ, cụ Diệu bảo là cốt nhờ ở người anh cả - anh Quýnh. Năm 1972 từ Sài Gòn, anh Quýnh xin về Huế dạy để tiện dìu dắt hướng dẫn mấy cậu em, trong khi người khác muốn rời thành phố cực bắc không yên ổn này vào làm ăn ở Sài Gòn thì phải lo lót tốn kém... Anh Quýnh thì nhắc đến những hy sinh thầm lặng, sự đóng góp chẳng thể nào tính hết được của mẹ anh, của vợ anh- dược sĩ Trần Thị Như Mai. Cả những đứa con của anh nữa... Nhớ lại, nghĩ mà thương quá! Hồi đó, vào khoảng năm 1980...

Những câu chuyện đã qua. Dòng thời gian lưu chuyển. Mỗi thời khắc đều ghi dấu những biến động của xã hội, của cả vũ trụ nữa, tác động lên mỗi con người. Tôi như đang quay những vòng tròn tìm thời khắc trên Lịch vĩnh cửu của Đoàn Văn Hân. Chỉ cần dịch chuyển hai vòng tròn đồng tâm cầm gọn trong lòng bàn tay, là có thể tìm được ngày, tháng, thứ trong tuần từ năm thứ nhất công nguyên đến vạn vạn năm sau. Đoàn Văn Hân đã tìm ra được những hàm số giao những sincos xác định các quy luật chu kỳ thời gian, từ đó chế ra Lịch vĩnh cửu, Lịch châm cứu vạn niên cũng là những vòng tròn đồng tâm- bốn vòng tròn với những độ khắc li ti và ký hiệu các huyệt châm cứu. Những tấm lịch xưa nay thường là những tấm giấy rơi rụng theo thời gian, nhưng khởi thủy của lịch lại từ những vật thể tròn xoay vĩnh cửu trong vũ trụ: mặt trời, mặt trăng, trái đất. Từ ngàn xưa, người ta đã biến các vật thể trên trái đất - trong đó có con người đều phải chịu tất cả mọi tác động của vũ trụ. Mặt trăng là một trong những vệ tinh tác động trực tiếp lên trái đất - cụ thể là sự lên xuống của thủy triều trong ngày. Khí huyết chu lưu khắp cơ thể qua các huyệt khắp hệ kinh lạc trong ngày cũng chịu tác dụng lực này, cũng như thủy triều lên xuống, lúc thịnh, lúc suy. Từ đó y học cổ truyền đã tìm ra phương pháp Tý Ngọ lưu chú Linh quy bát pháp, điều trị châm cứu theo thời gian. Nhưng phương pháp này ít được áp dụng vì phải tính toán phức tạp theo hệ thống Thiên Can và Địa Chi với những Giáp, Ất, Bính, Đinh… và Tý, Sửu, Dần, Mão... Cũng bằng một loạt hệ thống hàm số tuần hoàn, Đoàn Văn Hân đã thay thế cách tính toán phức tạp cổ xưa bằng cách xoay mấy vòng tròn trong mấy giây đồng hồ là có thể tìm ra thời khắc châm cứu điều trị và châm tê phẫu thuật cho các loại huyệt dễ đạt hiệu quả cao nhất...
 

Lịch châm cứu vạn niên: Dùng tìm thứ trong tuần lễ, giờ ngày tháng năm theo hệ thống Can-chi âm lịch, ngày tháng dương lịch, và 72 huyệt châm cứu theo thời gian bằng hệ thống dương lịch của bất kỳ năm dương lịch nào từ năm 1 sau Công nguyên cho đến nay và hàng ngàn năm trở về sau (Tác giả: BS Đoàn Văn Hân - ngày thực hiện 10-4-83)


Việc tìm hiểu sâu Lịch chậm cứu vạn niên xin dành cho các nhà y học, có điều nhìn mấy vòng tròn quy tụ bao nhiêu mối quan hệ, với chuỗi thời gian hai chiều gần như là vô tận mà mỗi thời khắc ứng với từng điểm thịnh suy của con người, tôi lại nghĩ đến những vòng tròn ảnh hưởng đồng tâm - tâm điểm ấy là nhà sáng chế Đoàn Văn Hân.

Tôi đang quay "vòng tròn" thứ nhất - anh Quýnh, năm 1980... Hồi đó, trong gia đình, chỉ vợ chồng anh Quýnh có lương, bao nhiêu miệng ăn, kiếm đâu ra tiền mua thêm gạo cho con? Ti vi, tủ lạnh, đồ gỗ cho đến bộ lư hương bằng đồng đã bán dần hết rồi. Những đứa em thì không thể bỏ học, anh thì không thể bỏ việc, bỏ những công trình khoa học. Thiếu gạo, những đứa nhỏ cũng phải ăn bo-bo để rồi bài tiết y nguyên và chịu hậu quả không tránh khỏi: suy dinh dưỡng. Thật tội! Cả nhà, mỗi người chịu khó một ít. Nhịn ăn sáng, không cà phê, thuốc lá; anh Quýnh lại san sẻ nốt những bộ quần áo may từ trước cho mấy đứa em. Hân phải bán phiếu vải Nhà nước cấp cho sinh viên, góp thêm vào quỹ chi tiêu gia đình; và chủ nhật, với bộ quần áo cộc, kéo chiếc xe về Bao Vinh kiếm củi ở nhà chị dâu. Hân làm những việc lam lũ ấy như là một lẽ tự nhiên, với một niềm vui sâu xa. Anh không quá bận tâm và bực bội vì những khó khăn tạm thời. Từ ngày đó, từ khi còn là sinh viên Y4, Y5, anh đã dành tâm trí chuẩn bị cho những công trình tương lai. Nhà chị dâu ở Bao Vinh cũng là nhà lương y có truyền thống: cụ Trần Tiễn Hy...

Vậy là tôi đã sang một "vòng tròn" khác. Tôi xoay tìm một thời điểm. Từ ngày cụ Hy nhận lời dạy Hân chăng? Không, phải tìm về nguồn. Thế kỷ thứ 17. Năm 1636, chúa Nguyễn chọn Kim Long làm thủ phủ. Từ ngày đó đến nay vừa chẵn 350 năm, Huế là một trong những nơi hội tụ nhân tài của cả nước, trong đó có rất nhiều danh y. Chỉ riêng thời Tây Sơn danh y Nguyễn Gia Phan đã soạn gần chục bộ sách thuốc, lương y Nguyễn Hoành đã lập Cục Nam dược và viết bộ sách Nam dược trình bày 500 vị thuốc... Biết bao nhiêu là trí thức, kinh nghiệm của người xưa đã hội tụ nơi cụ Hy và trong tủ sách quý của cụ. Nhưng, như trong nhiều câu chuyện thần thoại, con đường dẫn đến kho báu thường lắm thử thách. Tôi lại nghĩ đến chàng sinh viên nghèo gầy còm gò lưng kéo xe củi nặng từ Bao Vinh về Tịnh Tâm. Chẳng phải là tôi quá chú ý đến những chi tiết khốn khó, nhưng việc đó gần với hình ảnh tượng trưng cho ý chí con người trong cổ tích. Vả lại đó cũng là con đường Hân tìm thấy chiếc chìa khóa đầu tiên mở lối vào kho báu. Anh đã biết hai ngoại ngữ Anh, Pháp, nay cần thấy phải học chữ Hán. Không biết chữ Hán, mở kho sách quý của cụ Hy thì có mắt cũng như mù. Một bác sĩ khoa nội sắp ra trường, một cán bộ Đoàn trẻ măng lại mày mò đi học chữ Hán - cái thứ chữ "âm lịch" ấy - kể cũng kỳ! Có người cho anh chàng bị thần kinh! Cũng nói luôn là sau này, khi Hân tỉ mẩn dò tìm những công thức và làm đi làm lại hàng chục lần những vòng tròn chi chít đường vạch li ti để hoàn thiện hai bộ lịch vĩnh cửu, lại có người cho là Hân "thần kinh"! Còn trong một buổi báo cáo đề tài tại Câu lạc bộ Thuận Hóa, một vị (chắc là có phần muốn chứng tỏ mình rất "lập trường") đã lớn tiếng chỉ trích Hân mê tín vì thấy anh viện đến Giáp, Ất, Bính, Đinh... và Tý, Sửu, Dần, Mão... như là thầy bói vậy! Vị ấy chắc là không biết thời sinh học đang là môn khoa học hiện đại có nhiều hứa hẹn được thế giới rất chú trọng.

Như thế là tôi đã xoay vòng tròn đến ô chuẩn là thế kỷ 20. Muốn tìm năm, tôi chỉ để ý đến hai con số cuối. Tôi nhích vòng tròn ngoài... 74... 75... Năm 1975. Cái mốc thời gian này đối với Hân cũng rất đáng kể. Hân vào học trường y năm 1974, trước giải phóng. Hồi ấy, tuyệt nhiên anh chưa nghĩ đến con đường khoa học, chỉ chọn nghề làm ăn lương thiện. Ông nội anh, cụ Đoàn Văn Huyến ở làng Dương Nổ, là "trưởng tràng" lớp học có Bác Hồ theo học hồi nhỏ, đã di chúc cho con cháu là để giữ mình trong sạch, chỉ nên làm ba nghề: thầy thuốc, dạy học và làm ruộng. Thế là anh Quýnh, rồi Hân vào trường Y, tiếng là học nghề để chữa bệnh cho người, nhưng khởi thủy lại chính là lo cho mình. Cho đến năm 1975... Với anh Quýnh thì sớm hơn, từ những năm anh tham gia "phong trào" tranh đấu trước 75, rồi tham gia quản lý nhà trường sau giải phóng ; những hoạt động ấy đã giúp anh biết hướng tới những công trình phục vụ cho mọi người, chứ không phải vì cuộc sống riêng mình. Nhận thức ấy thì đã đến với Hân trong những ngày đi lao động ở Cồn Tiên, ở công trường thủy lợi. Trải những ngày sống vất vả với mọi người, anh bỗng cảm thấy mình phải làm được cái gì đó có ích cho mọi người. Rồi những ngày trực bệnh viện, Hân đã chứng kiến bốn con người phải đau đớn từ giã cuộc sống vì sự bất lực của tây y, trong đó có bệnh nhân bị xơ gan, một chứng bệnh đông y có thể chữa trị được. Vậy là nền y học cổ truyền có những bí mật mà khoa học hiện đại cần phải khai thác.
 

Bằng sáng chế Lịch vạn niên bằng tiếng Pháp của BS Đoàn Văn Hân


Ra trường, Hân quyết định xin chuyển sang khoa y học dân tộc. Bạn bè có người can ngăn vì hình ảnh những thầy lang chẳng có gì hấp dẫn các bác sĩ trẻ. Nhưng Hân chọn con đường mình đi không phải vì thích thú riêng mà anh linh cảm thấy ở địa hạt đông y, anh có thể giúp ích cho nhiều người. Có điều phải học, khổ công mà học. Cũng như là vũ trụ, cơ thể con người còn biết bao điều bí ẩn mà ta chưa giải thích được. Anh học các bác sĩ lớp trước ở khoa y học dân tộc, học cụ lương y Trần Tiễn Hy, sục tìm trong kho sách quý của cụ. Hầu như anh chỉ có mặt ở nhà trong hai bữa ăn. Và bây giờ anh lại cắp cặp ra học thêm ở Viện Đông y Hà Nội, khi anh đã là tác giả của hai bằng sáng chế và tháng 11 năm 1985 vừa qua, anh là đại biểu các nhà sáng chế Việt Nam đi dự hội thảo về phát triển sáng chế và sáng kiến do tổ chức "Sở hữu trí tuệ thế giới" (WIPO) thuộc Liên hiệp quốc mở tại Phi-líp-pin. Nghe đâu có người lo ngại rằng để anh đi Phi-líp-pin, biết đâu rồi anh sẽ "đi luôn"! Trong con mắt những người ấy, Hân chỉ là một thanh niên trí thức xuất thân từ một gia đình công chức "ngụy", chưa từng trải thử thách, không "bảo đảm" về chính trị! Họ không biết rằng trong lao động nghiên cứu bền bỉ năm này qua năm khác, khi công trình chưa được ai thừa nhận và phải chịu đựng gian khổ thiếu thốn mọi bề thì sự thử thách con người có khi còn quyết liệt hơn trong chiến đấu. Hân đi và tất nhiên, anh đã về. Tôi hình dung như anh vừa vẽ thêm một vòng tròn nữa. Tác giả những vòng tròn vĩnh cửu làm sao có thể cắt đứt với quá khứ, với truyền thống dân tộc và cuộc sống nhân dân. Hân đã về, cũng như nhiều nhà khoa học khác. Có điều, khác với không ít người tôi được biết (sau chuyến đi nước ngoài, nhất là các nước tư bản, với đủ thứ hàng hóa mang về, họ xây nhà, sống ung dung và coi đó là đỉnh cao, đời thế là mãn nguyện). Hân lại tiếp tục chuyến đi mới, vẫn là một anh học trò nghèo. Tôi hỏi:

- Ra Hà Nội học, thời buổi đắt đỏ này, với mấy trăm đồng bạc lương, Hân sống làm sao? Có được phụ cấp gì thêm không?

- Không anh ạ, nhưng em có cách, em đã chuẩn bị. Ngày mai em sẽ lên nhà chùa mua tương nước. Tương chất đạm cũng khá, lại đỡ nấu nướng; sinh tố thì Hà Nội đã sẵn rau. Thế là ổn.

Và Hân cười. Vẫn nụ cười tự nhiên, miệng nở rộng, cởi mở, rất dễ thương. Không, lúc này thì nụ cười ấy còn gợi trong tôi một tình cảm khác. Có lẽ cũng chẳng cần nói rõ: Tình cảnh một người làm khoa học mà như thế! Hân đã cho tôi biết một số công trình anh đang kết hợp với các cơ quan ở Hà Nội nghiên cứu, thực nghiệm. Những công trình khoa học đang trên đường tìm tòi, chẳng nên vội công bố, nhưng Hân đã cho tôi xem những vòng tròn mới - những bộ lịch vĩnh cửu áp dụng cho lĩnh vực liên quan đến việc sinh tử của con người...

Như thế là tôi đã xoay "vòng tròn" sang thời điểm thuộc "thì tương lai". 1987... 1992... Và cũng có thể "ô chuẩn" phải dịch sang thế kỷ 21 mới đúng là thời điểm Hân công bố sáng chế mới. Mươi lăm năm cho một công trình cũng là chuyện thường. Nhưng có cách gì rút ngắn được quãng thời gian đó,? làm cho từng đơn vị thời gian của các nhà khoa học có chất lượng hơn? Chúng ta trân trọng hoài bão và ý chí của những con người mặc dù khó khăn và thiếu thốn, vẫn không ngừng tìm tòi sáng tạo. Nhưng là người duy vật, chúng ta không xem thường bát gà hầm với chất lượng hơn hẳn đĩa rau muống chấm nước tương. Sao tôi lại quá chú ý tới miếng ăn và so sánh với thứ cao sang vậy? Không hẳn chỉ là chuyện miếng ăn đâu ; còn những bát gà hầm (với mộc nhĩ và hạt sen nữa!) thì tôi đã được chứng kiến trong không ít bữa tiệc, người ta bỏ thừa; hẳn là vì "người ta" thường tiệc tùng luôn, hoặc "người ta" thực chất là những kẻ nhàn rỗi, chẳng nghiên cứu tìm tòi gì vất vả mà tiêu tốn ca-lo. Điều bất hợp lý này bao giờ sẽ được điều chỉnh? Chắc là cũng thuộc thì tương lai. Đây là điều tôi lạm bàn nhân việc tiết lộ "sáng kiến" chuẩn bị lọ nước tương. Còn nhà sáng chế trẻ tuổi thì tâm trí hầu như không vướng bận chút nào vì những chuyện vật chất tầm thường. Tìm hiểu nguyện vọng của anh, Hân nói, khá dè dặt:

-...Em muốn sau đợt nghiên cứu ở Hà Nội về, được đến cùng làm việc hàng ngày với cụ Hy một vài năm... Nhưng chắc là khó... Còn những anh chị em khác...

- Sao lại khó? Một người như Hân có dịp ngày ngày quan sát cách bắt mạch, bốc thuốc của một danh y như cụ Hy thì còn gì tốt bằng. Bao nhiêu kinh nghiệm quý sẽ được khai thác. Nếu Học viện không có biên chế, không có lương trả cho Hân trong trường hợp này, tôi sẽ góp tiếng nói lên Bộ. Trong khoa học, cũng như trong lĩnh vực văn học nghệ thuật không thể áp dụng chủ nghĩa bình quân.

Tôi đã nồng nhiệt nói ngay với Hân như thế. Và hôm nay, với trang báo này, tôi muốn góp chút động lực rút ngắn quãng thời gian đi tới thành công của những sáng chế. Mong là không ai nghĩ rằng tôi đòi ưu đãi cho một cá nhân. Chính là vì lợi ích của mọi người. Mỗi sáng chế đều là tài sản quốc gia, hơn thế, là giá trị mới của văn minh loài người.

***

Tôi rời căn nhà nhỏ khuất sau hàng chè tàu tươi tốt bên hồ Tịnh Tâm khi trăng vừa lên. Đêm trăng Huế bên hồ Tịnh Tâm nhưng lòng tôi không yên. Những vòng tròn trong bộ lịch mới của Hân liệu có được chứng minh qua thực nghiệm không?... Những vòng tròn quay dựa trên những quy luật vĩnh cửu. Cũng như vầng trăng kia khuyết rồi lại tròn. Bất giác, tôi ngước nhìn lên. Bầu không gian yên tĩnh, thoảng mùi sen dịu nhẹ mà tôi lại tưởng đến những quái vật thật dữ dằn. Hình như nó cũng là những vòng tròn. Những trái nổ hạt nhân trong kế hoạch SDI của Rigân dự tính sẽ đem "treo" giữa bầu trời kia. Những "vòng tròn" ấy với các vòng tròn của Đoàn Văn Hân là hai thái cực. Một đằng, dẫn tới sự tiêu hủy hàng tỷ người trong chớp mắt; còn đằng kia, vì cuộc sống vĩnh cửu của nhân loại. Sự so sánh như đã làm tôi phát hiện ra vẻ đẹp mới của nhà sáng chế trẻ tuổi.

Chầm chậm, tôi đạp xe về phía cổng Thượng Tứ. Trong dòng người đang ngược về phía hồ Tịnh Tâm, liệu có cô gái nào tìm đến ngôi nhà khuất sau hàng chè tàu mà tôi vừa được biết? Thú thực là tôi đã bất lực không dò tìm được điều "bí mật riêng" của Hân. Có đúng là vì anh mải tìm kiếm những vòng tròn vĩnh cửu, nên chưa chú ý đến những cặp mắt xanh? Nhưng chẳng lẽ một người như Hân lại chưa có cặp mắt xanh nào để ý tới? Dù chỉ mới là một phác họa, không điều tra ra điều "bí mật" này, tôi cảm thấy bức chân dung nhà sáng chế không được trọn vẹn. Nhưng thôi, có khi sự không trọn vẹn này sẽ là cái cớ để tôi "theo đuổi" anh.

Tôi hình dung có một cô gái Huế khi đọc những dòng cuối này sẽ lặng lẽ mỉm cười.

Huế - Mùa sen nở 1986
N.K.P
(SH22/12-86)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
"Sách cho các em" (01/06/2012)
Cây ngô chướng (31/05/2012)