Tạp chí Sông Hương - Số 280 (T.6-12)
Văn hóa chuỗi hạt
15:19 | 15/06/2012

THÍCH CHƠN THIỆN
                        Tùy bút

Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một bản kinh phổ biến nhất trong các nước Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền (Phật giáo thế giới) ghi: “Những người có đủ 36 dòng ái dục, họ mạnh mẽ rong ruỗi theo dục cảnh, người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài”. (câu 339)

Văn hóa chuỗi hạt
Ảnh: giacngo.vn

Đấy là lời kinh được ghi rõ trong Tăng Chi Bộ Kinh, tập II, PTS, London, 1992, p.225, rằng:

“Có mười tám tư duy bị ám ảnh bởi ái liên hệ đến nội tâm và mười tám tư duy bị ám ảnh bởi ái liên hệ đến ngoại cảnh. Thế nào là mười tám tư duy bị ám ảnh bởi ái liên hệ đến nội tâm? Này các tỳ kheo, khi nào có tư tưởng: “ta có mặt”, thì sẽ có những tư tưởng: “ta có mặt trong đời này”; “ta có mặt như vậy”; “ta có mặt khác như vậy”; “ta không thường hằng”; “ta thường hằng”; “ta phải có mặt không?”; “ta phải có mặt trong đời này không?”; “ta phải có mặt như vậy”; “ta phải có mặt khác như vậy”; “mong rằng ta có mặt trong đời này”; “mong rằng ta có mặt như vậy”; “mong rằng ta có mặt khác như vậy”; “ta sẽ có mặt”; “ta sẽ có mặt trong đời này”; “ta sẽ có mặt như vậy”; “ta sẽ có mặt khác như vậy”.

Và này các tỳ kheo, thế nào là mười tám tư duy bị ám ảnh bởi ái liên hệ đến ngoại cảnh? Khi nào có tư tưởng: do cái này ta có mặt, thì sẽ có các tư tưởng:

- “Do cái này ta có mặt trong đời này…”

- “Do cái này ta phải có mặt…”

- “Do cái này mong rằng ta sẽ có mặt…”

- “Do cái này ta sẽ có mặt…”

Những ý niệm tôi là, tôi đã là, tôi sẽ là, tôi phải là, mong rằng tôi là… sản sinh ra 36 dòng ái trên. Quá khứ có 36, hiện tại có 36, vị lai có 36, vị chi là 108 dòng ái. Chính từ ý niệm hữu ngã “tôi là” mà khởi lên tham lam, sân hận, si mê, và sợ hãi là những nhân tố gây ra những rối loạn, phiền não tâm lý của các cá nhân và xã hội. Ở đây hiện rõ: văn hóa ở đời - của các học thuyết tông giáo khác với Phật giáo - là văn hóa của “tôi là”, hay gọi là văn hóa của “I doctrine”; văn hóa của Phật giáo là văn hóa của vắng mặt ý niệm “tôi là”, hay là văn hóa của vô ngã (Non I doctrine). Chính văn hóa vô ngã này đã được biểu tượng hóa thành chuỗi hạt 18 hạt, 36 hạt, 54 hạt, hay 108 hạt mà các nhà sư Phật giáo ở các nước Phật giáo Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam - và cả Miến Điện thuộc Phật giáo Nam truyền - thường nắm ở tay hay đeo vào cổ. Các nhà sư, từ thế hệ này qua thế hệ khác đã không mệt mỏi giới thiệu với đời nền văn hóa Phật giáo vô ngã, một nền văn hóa của hòa bình, an lạc, đi ra khỏi hết thảy phiền não khổ đau, đi ra khỏi các hận thù, chiến tranh. Cũng có thể nói rằng đời là “tôi là”; đạo là “không tôi là”. Giản dị là ở đó, mà huyền bí cũng ở đó.

T.C.T
(SH280/6-12)


 



 

Các bài mới
Rủ nhau đi cầu (03/07/2012)
Các bài đã đăng