Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-12)
Nhà thơ Xuân Tâm nặng lòng với Huế
09:18 | 06/07/2012

TRẦN PHƯƠNG TRÀ

Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.

Nhà thơ Xuân Tâm nặng lòng với Huế
Nhà thơ Xuân Tâm và cuốn 'Thi nhân Việt Nam' - Ảnh: internet

Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp, sinh ngày 1.1.1916 tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lên 6 tuổi, Phan Hạp theo cha ra sống ở Huế, học ở trường Chaigneau 5 năm sau đó thi đỗ vào trường Quốc học Huế. Năm 1934, Phan Hạp đậu bằng Thành Chung. Từ cuối năm 1934 đến tháng 8.1945, ông làm việc ở Sở Kho bạc Huế, Đà Nẵng. Năm 1941, Xuân Tâm xuất bản tập thơ “Lời tim non”.

Những năm 1950-1954, tôi học Trung học Đệ nhất cấp (nay là Trung học cơ sở) tại trường Trung học Khải Định (Quốc học Huế). Chúng tôi thường chuyền tay nhau chép các bài thơ của các nhà thơ trong phong trào Thơ mới. Sắp đến hè, nhiều học sinh đọc vanh vách những câu thơ trong bài “Nghỉ hè” của nhà thơ Xuân Tâm:

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!


Qua tấm ảnh trong sách “Thi nhân Việt Nam”, tôi thuộc dáng hình của thi sĩ Xuân Tâm.

Sau hiệp định Genève 1954, tôi ra học ở miền Bắc. Duyên trời đưa tôi đến với khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đã lâu không thấy thơ Xuân Tâm, chúng tôi thắc mắc và muốn biết sau tháng 8 năm 1945 nhà thơ làm gì ở đâu. Nhiều người không rõ. Mãi đến năm 1983, cựu học sinh Quốc học Huế ở Hà Nội họp mặt tổ chức Hội đồng môn, tôi mới được gặp nhà thơ Xuân Tâm. Tôi biết ông đã từng làm Giám đốc Sở Ngân khố Liên khu 5. Đưa cả gia đình tập kết ra Bắc tháng 10.1954, Xuân Tâm là một cán bộ mẫn cán của Ban Kinh tế Chính phủ và Thư ký Ban Hợp tác Khoa học kỹ thuật với các nước Xã hội Chủ nghĩa. Năm 1978 ông về hưu. Năm 1987, tạp chí Sông Hương lập tủ sách “Sông Hương” mà cuốn đầu tiên là “Bài thơ thôn Vĩ” đăng lại thơ của nhiều nhà thơ viết về Huế trước năm 1945. Tập thơ có bài viết “Sông Thương - Sông Hương trong dòng văn học” của nhà thơ Chế Lan Viên và 96 bài thơ của 50 tác giả. Cuốn sách in với số lượng 30.000 cuốn. Xuân Tâm có 2 bài thơ “Chiều về”, “Gái hộ lăng”. Là đại diện cho Tạp chí Sông Hương tại Hà Nội, tôi đã mang sách và nhuận bút đến cho nhà thơ Xuân Tâm qua chị Phan Thị Mỹ Liên con gái út của ông. Sau đó, tôi đã được đọc một số bài thơ của Xuân Tâm. Năm 1990, khi được nhà thơ Xuân Tâm tặng tập thơ “Dòng thời gian”, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trao đổi để làm chương trình Tiếng thơ giới thiệu tập thơ mới ấy. “Dòng thời gian” do nhà thơ Tế Hanh viết lời giới thiệu. Với 47 bài thơ, “Dòng thời gian” chia làm 3 phần: “Lời tim non” (1935-1944) đăng lại một số bài thơ trong “Lời tim non”; “Hương giữa mùa” (1946-1987) và “Hoa cuối mùa” gồm những bài thơ viết từ năm 1988-1990.

Từ dạo ấy, tôi thường gặp ông và đến thăm ông. Ông mở hòm tư liệu mang ra cho tôi xem tập thơ “Lời tim non” và tập “Thi nhân Việt Nam”. Năm 1988, Nhà xuất bản Văn học đã dựa vào tập sách “Thi nhân Việt Nam” mà Xuân Tâm gìn giữ cẩn thận để tái bản tập sách, lấy lại mẫu bìa in năm 1942.

Tháng 10.1941, trong “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh - Hoài Chân khi giới thiệu nhà thơ Xuân Tâm đã viết: “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Tôi không rõ Xuân Tâm, người học trò Quảng ấy, có phải lòng một cô gái Huế không? Nhưng cảnh Huế cũng là một cô gái và cô gái này đã quyến rũ lòng non trẻ của Xuân Tâm.

…Ấy bất cứ đề gì lời thơ vẫn một giọng nhẹ nhẹ êm êm. Nó chậm chậm đi vào hồn ta như một buổi chiều Xuân Diệu”.

Những nhận xét sắc sảo đó của hai tác giả Thi nhân Việt Nam từ hơn 70 năm trước, nay đọc lại toàn bộ thơ của Xuân Tâm thấy hiện ra rất rõ.

Hơn hai mươi năm sống với Huế, nhà thơ xem Huế là quê hương thứ hai của mình. Cảnh vật và con người Huế đã xúc động trái tim non, trái tim nhạy cảm của nhà thơ. Hơn nữa ở Huế, Xuân Tâm còn gặp được người yêu, người vợ chung thủy của mình sau này vốn là một nữ sinh trường Đồng Khánh. Chàng trai Quốc học Huế Phan Hạp và cô nữ sinh Đồng Khánh Phạm Thị Mua đã đến với nhau, vượt qua mọi trở ngại. Gia đình cô Phạm Thị Mua định gả cô cho người con trai nhà giàu. Cô nữ sinh đã tuyệt thực dài ngày. Còn chàng trai Phan Hạp thì dọa đăng lính Pháp đi đánh trận. Sau 5 năm hai người được gia đình chấp thuận cho kết hôn.
 

Vợ chồng nhà thơ Xuân Tâm - Ảnh: phunutoday.vn


Năm 1991, Xuân Tâm viết trong bài thơ “Nhớ Huế”:

Ai nói đó “nhớ gì như nhớ người yêu”
Lòng tôi thấy nhớ gì như nhớ Huế
…Anh và em đã xa lắm tuổi trăng rằm
Hai mái trường vẫn chung con đường thuở trước
Hơn nửa thế kỷ dấu chân kia ai bước
Trăng lên đây che lấp vết ngày xưa?...


Đôi Quốc học - Đồng Khánh, Xuân Tâm - Phạm Thị Mua vẫn bên nhau đi họp đồng hương, họp Đồng Khánh, Quốc Học, chăm sóc nhau tận tình cho đến năm 2010, bà Phạm Thị Mua qua đời ở tuổi 95, đầu năm 2012, nhà thơ Xuân Tâm từ giã cõi đời ở tuổi 97.

Ông là thành viên tích cực của cựu học sinh Quốc học Huế. Tại cuộc họp kỷ niệm 100 năm thành lập trường Quốc học Huế (1896-1996), ông đã lên đọc thơ. Những năm đầu thế kỷ 21, ông còn đi họp Quốc học Huế. Xuân Tâm có bài thơ “Quốc học trường tôi” tham gia đặc san 100 năm trường Quốc học Huế 1896 - 1996 và bài “Đây rồi Quốc học” tham gia đặc san 105 năm trường Quốc học Huế. Thấy tôi bận rộn với công việc tổ chức cuộc họp năm 2002, ngay chiều hôm đó ông gửi thư kèm thêm 200.000đ ủng hộ quỹ đồng môn. Những năm sau, không đi dự được, nhà thơ đã nhờ người đi xe thồ mang tiền đến cho tôi. Khi biết tôi chủ biên cuốn “Quốc học Huế xưa và nay”, nhà thơ Xuân Tâm hai lần ủng hộ đến 4 triệu đồng để in sách.

Năm 2006, đồng môn Quốc học Huế mừng thọ ông tròn 90 tuổi. Xuân Tâm không đi dự được. Chúng tôi mang bức tranh sơn mài đến tận nhà để tặng ông. Tôi cũng hân hạnh được ông tặng tập song ngữ Pháp Việt “Lơ xit” (Le Cid) của Pierre Corneille mà ông đã bỏ nhiều công sức để dịch thơ.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi biên soạn tập thơ “Huế giữa lòng Hà Nội” với 260 bài thơ của 107 tác giả. Tôi chọn đăng 2 bài thơ của nhà thơ Xuân Tâm: “Hà Nội, hai buổi chiều” và “Con đường Hoàng Diệu” trong đó có đề: Tưởng nhớ cụ Hoàng Diệu, cố ngoại tôi. Xuân Tâm khắc họa hình ảnh:

Hoàng Diệu băng mình sang Võ Miếu
Lụa điều một dải mượn minh oan.
Một trăm năm lẻ đã qua rồi,
Khí tiết anh hùng tỏa sáng ngời.
Hà Nội bừng lên trên thành quách cũ
Mà lòng thương nhớ vẫn không nguôi.


Tôi đã mang sách đến nhà tặng ông. Bài thơ “Con đường Hoàng Diệu” cũng được đăng trong tập san “Với Huế” của Câu lạc bộ văn hóa Huế tại Hà Nội. Nhà thơ Xuân Tâm là một người trầm tĩnh, lịch thiệp, nói năng nhẹ nhàng và rất giàu tình cảm. Ông đã chu đáo với bạn bè. Ông đã đi thăm và viếng nhiều bạn thơ.

Ngày 1.10.2011, ông viếng nhà thơ Trinh Đường.

Khi nhà thơ Huy Cận mất, nhà thơ Xuân Tâm viết bài thơ “Nhớ tiếc bạn Huy Cận”:

Bạn ơi sao vội đi xa
Tràng Giang vẫn đẹp như là bình minh
Lăn tăn sóng gợn bao tình
Để hồn thơ mới ghi hình bạn đây
Xin bạn yên nghỉ. Đợi ngày
gặp bạn Xuân Diệu, vui vầy với thơ.


Cuốn sách “Quốc học Huế xưa và nay” có sự tham gia của hơn 600 thầy trò cũ, hơn 1000 ảnh cá nhân và tập thể, hơn 100 cặp vợ chồng Quốc học Đồng Khánh, có đôi uyên ương Phan Hạp - Phạm Thị Mua. Cuốn sách có đăng tấm ảnh hai ông bà cùng ảnh của Xuân Tâm chụp với Huy Cận và Hồ Nhật Lương tại triển lãm Vân Hồ trong Tuần Văn hóa Huế tại Hà Nội (4.1999) cùng với bài thơ “Mất mẹ” mà ông rất tâm đắc.

Tôi đã sưu tầm được 40 đôi Quốc học - Đồng Khánh ở Hà Nội và viết bài “Hà Nội có những đôi Quốc học Đồng Khánh” trong đó có đôi Xuân Tâm - Phan Thị Mua. Bài viết này được đăng trong cuốn “Nữ sinh Đồng Khánh” của nhà văn Nguyệt Tú (Nxb Chính trị Quốc gia, 2011) nhân kỷ niệm 95 năm thành lập trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng (2012) và trong tập san “Với Huế” của CLB Văn hóa Huế tại Hà Nội.

Người nữ sinh Đồng Khánh Phạm Thị Mua có tấm lòng nhân hậu vì suốt thời gian học ở Huế đã dành tiền ăn sáng để nuôi bạn gái, khi ngoài 80, 90, 95 tuổi, ông bà vẫn bên nhau không rời trong tình yêu chung thủy son sắt…

Hai trường bên nhau, chung một con đường
Con đường hẹp để cho tình mở rộng


Hà Nội, tháng 3 năm 2012
T.P.T
(SH SDB6-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng