Tạp chí Sông Hương - Số 281 (T.7-12)
Xanh xanh đồng cỏ
09:32 | 20/07/2012

NGUYỄN ĐỨC TÙNG  

Nó đến vào buổi chiều, cuối mùa hè, khi tôi chơi thả diều trên cánh đồng gần sông với Hà và mấy đứa bạn. Tôi và Hà cùng mười tuổi, sắp vào lớp năm. Nó đến bất thần. Ngang thắt lưng.

Xanh xanh đồng cỏ
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Cánh diều lượn trên không. Suốt ngày nóng hầm hập, không gian đặc lại, lá rơi không chạm đất, nhưng về chiều mát dần; trên cao dọc bờ sông gió đổi chiều, con diều bay lên, đứng im. Bỗng nó liệng dữ dội, giãn ra, lao xuống, vọt lên. Cuối cùng lao xuống nữa nhưng không lên được, như một đứa trẻ ngoài khơi, mặt trời lặn, đuối sức, chìm dần.

Tôi nhớ cánh diều khi đang ngồi trong phòng làm việc, nhìn qua cửa sổ cỏ xanh mới cắt, lúc đến thực tập với giáo sư Upton, một chuyên gia thần kinh, sau khi tiếp một bệnh nhân đặc biệt. Laura không có gì giống Hà. Phụ nữ da trắng, bốn mươi bốn tuổi, được đẩy trên xe lăn vào phòng khám, dịu dàng, mắt xanh lơ, tóc vàng, nhìn mặt không biết người bị tật, liệt không đều, chân phải yếu hơn chân trái. Tôi không để ý lắm đến người đẩy xe, một người đàn ông trạc tuổi chị; những người thiện nguyện có nhiều trong bệnh viện. Mới đầu, tôi nghĩ anh là một người như thế, về sau mới biết đó là chồng của Laura.

Kết thúc buổi khám, tôi đưa họ ra; và vì cũng hết giờ làm việc nên ngồi nán lại chỗ gần cửa, trong khi hai vợ chồng chờ làm các thủ tục. Trong những tiếp xúc thân mật ngoài lề, tôi học thêm nhiều từ bệnh nhân. Chờ vợ, người chồng trò chuyện với tôi; anh có giọng của người Ăng-lê. Tôi chăm chú nghe. Có những ngày trí nhớ của bạn tươi như cánh cửa thêm dầu mỡ, như đám mây tích điện sắp tụ thành mưa; khi mưa, bạn đứng bên đường nhìn lá sen ngửa lên hứng nước, cúi xuống rót vào mặt hồ, hết, lại ngửng lên, tiếp tục như thế, chảy mãi vào kho tàng ký ức.

Những ngày như thế của một người dựng nên lịch sử tình yêu của một người khác. Chị lấy chồng, bạn cũ thời tiểu học, năm chị hai mươi hai tuổi. Anh hai mươi bốn, vừa ra trường kỹ sư điện, nhận việc làm phía bắc tỉnh Alberta, nơi tình cờ chị đi ngang qua trong buổi cắm trại hè của trường cao đẳng. Cưới nhau, chị nghỉ học về với anh. Dự định, sau đó sẽ theo học ở một trường gần chỗ anh làm. Tuần trăng mật kéo dài, sôi nổi.

Hai năm sau, chị mắc bệnh. Một năm hai tháng sau nữa, anh mất việc. Hai người dọn về cơ ngơi mà ông nội của anh để lại khi qua đời, một căn nhà gỗ lớn giữa khu vườn rộng, bỏ không, ngoại ô Edmonton. Có những ngày không có việc làm, họ không đủ tiền để mua cả bánh mì, nửa đồng một chiếc loại bánh mì Pháp, mười lăm cents một chiếc loại bánh tròn.

Trong khi anh lái chiếc xe pick-up đỏ đi nơi này qua nơi khác kiếm việc làm trong thời kỳ suy thoái kinh tế, chị ở nhà chất đầy bụng bởi những trái dâu đen blackberries, mọc đầy trong vườn, gần hàng rào, chỗ tiếp giáp cánh đồng, phía đêm đêm tiếng chó sói sủa trăng ngoài xa vẳng lại, mỗi mùa hè vẫn cứ đâm chồi trổ hoa kết trái, ngọt lịm. Đói quá, da xanh mét, chị xuống cân, rụng tóc, tắt kinh, không thể có con.

Rồi họ chuyển nhà về Edmonton, anh trở thành người dọn vệ sinh và bảo vệ cho tòa nhà nơi họ ở. Tiền lương trừ vào tiền thuê nhà. Từ đó trong hơn hai mươi năm, anh đẩy xe đưa chị đi nơi này nơi khác. Laura xong việc giấy tờ, lăn xe đến gần bàn cà phê nhỏ, chờ chúng tôi. Chị ngồi quay nửa mặt ra ánh sáng, mái tóc thả vai; có một điều gì ở chị khiến tôi bần thần như gặp lại người bạn cũ, như khi trong đám đông bạn đang im lặng nhìn lên sân khấu chuẩn bị đón một ngôi sao bỗng nhác thấy ở góc phòng, trong chiếc bàn cuối cùng nơi ánh sáng mờ ảo của nhà hát, hay quán cà phê, không đủ sức rọi tới, một khuôn mặt nghiêm nghị, thanh thản, chăm chú nhưng hững hờ, của một người phụ nữ không quen biết, anh quay mặt đi rồi quay lại, chỉ những người quen thưởng thức tác phẩm ng- hệ thuật mới biết rằng mình đang ngồi trước một bức tranh đẹp. Có cái gì hơn thế nữa, hơn cả cái đẹp, một thứ phong cách tâm hồn mà không phải đám đông nào cũng có, nhưng khi xuất hiện thì nó lập tức tiêu biểu cho một dân tộc, như trong đáy giếng, thời gian làm rơi chiếc nhẫn ngọc sáng ngời.

Nó đến cuối mùa hè, tháng tám, xế chiều. Thoạt tiên tôi nhận ra Hà nhăn mặt, nó đau đến nỗi nước mắt chảy ra. Ho từng tiếng khan, mặt đỏ, đầy nước mũi, mới đầu cúi người xuống rồi sau cong gập lại. Trước đó vài ngày Hà cũng đã ho húng hắng nhưng tôi nghĩ là nó bị cảm sổ mũi thường. Tôi tiến lại gần, luống cuống. Hà chỉ tay vào thắt lưng. Tôi quỳ xuống, lo lắng nhìn vào mắt, thấy một bóng chim bay vụt qua. Hai cánh mũi phập phồng. Tôi buông dây để mặc con diều lăn trên không, quay lại với bạn. Hà ráng sức gượng dậy, mồ hôi lấm tấm trên trán. Những đứa khác đều dừng cả lại vây quanh. Mày bị cái gì vậy, tôi hỏi. Không có chi, nó trả lời, giọng khản đặc.

Thuở ấy Hà mới lớn, mười tuổi nhưng đã trổ mã xinh đẹp, lông tơ lún phún trên mặt, tóc mai dài, bím tóc thắt đuôi gà lộ ra cái gáy có một chỗ lõm ngộ nghĩnh. Hà không có răng khểnh, nhưng có răng sún, vì vậy nó thường hay ngượng mỗi khi cười, thỉnh thoảng quay mặt đi. Hà nghịch như con trai, không sợ đánh lộn với chúng, nhưng không hiểu sao đối với tôi lại dịu dàng. Nói chuyện, hạ giọng xuống.

Giữa những ngày chúng tôi chạy trên đồng cỏ xanh, nơi chim chìa vôi trắng đậu xuống lưng trâu phảng phất mùi bùn khô, bệnh sốt bại liệt tới. Nó lan đi nhanh, như trận dịch suốt vùng quê oi ả, đe dọa mùa tựu trường, như mụ phù thủy mặc áo choàng đen bay ngang qua trời vần vũ, khát linh hồn con trẻ.

Bởi vì trẻ con là nạn nhân. Chưa có thuốc tiêm ngừa vào thời ấy ở quê tôi. Những đứa đáng thương nhất chết ngay sau trận sốt đầu tiên vì ngạt thở, những đứa khác sau khi lành bệnh để lại di chứng liệt một chân hay một tay, đôi khi cả hai bên, không đều.

Nhà nhà đóng kín cửa, những đứa trẻ hung hắng ho, lên ban đỏ, liền bị cấm ló mặt ra đường, người lớn trùm khăn kín đầu, tránh chợ búa, nơi đông đúc ồn ào. Người y tá duy nhất trong làng, ông chú họ của tôi, gầy đét, có mái tóc bạc như cước, đạp chiếc xe đạp bấm chuông leng keng suốt ngày đi chích thuốc từ đầu làng đến cuối xóm. Chúng tôi ngủ trong bóng tối, sợ hãi. Có lần tôi bị ốm nhẹ, cũng bị mẹ tôi bắt đắp mền trùm kín đầu suốt mấy ngày. Nỗi sợ hãi cũng đến từ trong lòng tôi, như tia nắng le lói qua những sợi vải bông thưa của chiếc chăn cũ của ba tôi, có mùi sốt rét rừng. Nhưng những đứa trẻ nghịch như quỷ sứ dù bị cha mẹ cấm cách nào cũng tìm cách chạy ra ngoài đường. Trẻ con càng lớn, bệnh càng nặng. Vài ngày sau khi tiếp xúc là bệnh đã phát ngay. Đau họng, nhức đầu, nôn ói, cứng cổ.

Hà ngồi bệt xuống cỏ. Tôi sờ lên trán, nóng ran. Những đứa khác đã tản đi đâu cả. Tôi chạy xuống sông cởi áo nhúng nước rồi chạy lên đắp mặt cho Hà. Dễ chịu một chút. Từ chỗ ấy đến bờ sông khá xa. Tôi xốc nó lên vai nửa cõng nửa dìu đi từng bước, chậm chạp lê qua đám cỏ lau. Những bụi cỏ lau dại có nơi cao khuất đầu. Hà hỏi nhỏ sau vai tôi: mày có mệt lắm không. Tôi lắc đầu, an ủi. Đặt nó nằm gần bờ nước, hơi mát dịu phả lên người. Dòng sông bao quanh chợ Sãi một vòng xanh biếc. Bên bờ kia, thị xã đã lác đác lên đèn.

Buồn nôn, ho nhiều, buổi sáng khạc ra có đờm lẫn chút máu tươi như những mành chỉ đỏ, nhưng máu không lẫn vào đờm. Các dây tế bào thần kinh phồng lên, các tổn thương rộp bỏng ở vùng liên kết dưới kính hiển vi. Chúng cuộn lại vì đau, về sau teo nhỏ hóa thành những sợi xơ vô tích sự. Là những tế bào quý phái, thần kinh không tái sinh trở lại. Chúng chỉ sống một lần. Tôi dùng áo sơ mi làm khăn, thấm nước mát đắp lên trán và lau mặt cho Hà. Chiều xuống nhanh.

Tim tôi thắt lại vì cảm giác có thể mất bạn một lúc nào đó. Trong làng có sáu đứa mắc bệnh liệt phải chở lên bệnh viện tỉnh, một đứa chết trong bệnh viện, những đứa khác đều bị xuội chân khi trở về nhà. Tôi muốn mang Hà về nhà ngay nhưng nó không muốn. Nó ở với mẹ và người cha kế, nghiện rượu, suốt ngày trong quán, năm thì mười họa mới về nhà. Mẹ của Hà, một người đàn bà lam lũ, là bà con xa của tôi bên ngoại.

Tôi loay hoay một lát, cuối cùng cõng nó về. Tôi đặt Hà xuống chiếc giường gần cửa, nhìn quanh, không một bóng người, mẹ nó chưa về nhà. Tôi chạy xuống bếp, tro than lạnh, con mèo ngồi trên cửa sổ giương cặp mắt tròn xoe chực nhảy xuống. Tôi rót cho Hà ly nước lạnh, chạy về nhà liếc nhìn nồi cơm, nhặt mấy củ khoai còn nóng bỏ vào vạt áo lén ra cửa sau. Mẹ tôi chưa kịp hỏi, đã vù đi.

Trời tối dần, tôi ngồi lặng lẽ nhìn Hà nóng hầm hập nằm trên phản gỗ. Tối quá chẳng thấy gì. Trên chiếc bàn nhỏ xiêu vẹo một chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, cái bóng thủy tinh tuy mờ đục, chỉ còn cái tim bấc trơ trọi. Hà thiêm thiếp nhưng thỉnh thoảng tỉnh lại, mở mắt ra, thở mệt nhọc.

Chiếc giường tre tựa vào một cái cột nhà bằng gỗ đen bóng, phía trên gắn một chiếc sừng trâu làm chỗ mắc áo, treo lủng lẳng một cái sơ mi đàn ông màu cháo lòng, tôi tò mò cầm lên, mùi lạ vẫn còn thoảng bay, như người chủ vừa mới đi xa, mồ hôi còn để lại. Không khí hòa bình sau chín năm kháng chiến bàng bạc trong không trung, tạo cảm giác lười biếng rã rời hân hoan, nửa ngọt nửa đắng. Hà lớn lên nhanh, người nảy nở, tóc tỏa hương. Một con ruồi lớn bay rù rì ngoài cửa sổ. Buổi chiều mỗi lúc một dịu dàng, tôi ngồi trước mặt Hà, cúi xuống lau mặt cho nó bằng chiếc khăn tay nhỏ tôi vừa lục trong rương, ít khi dùng tới. Từ chỗ chúng tôi ra đến cổng, một dàn bầu sai trái buông xuống đất nặng trĩu làm oằn những thanh tre. Hà sốt cao một chập nữa rồi trán nó mát trở lại, tôi ra về.

Hà mảnh khảnh, cao, má lúm đồng tiền bên trái, mặt có vài chút tàn nhang, lúc nào cũng cười, nhẹ nhàng, đi học về là làm lụng suốt ngày, quét nhà, quét sân, đi nhặt củi dọc lũy tre quanh làng, bắc nồi cơm lên bếp khi chờ mẹ nó về nhà. Hai mẹ con ở bên nhau như hai cái bóng. Tuy e lệ nhưng vẻ tự tin ngấm ngầm của nó không phải của một đứa bé mười tuổi mà của một người phụ nữ đang đi trên đường bỗng bị một kẻ lạ mặt đẩy ngã xuống đường, lăn đi nhiều vòng, gượng lại được, đứng lên. Gã đàn ông lạ ấy là cái chết. Căn nhà của Hà trống trải, thật ra chỉ là một túp lều với khu vườn rộng. Dọc hàng rào có những cây ổi ra trái bằng đầu ngón tay, những trái dâu dại vàng óng lúc nào cũng nhiều vì không ai hái. Ngày nào tôi cũng ghé qua, xong, về nhà tắm rửa chuẩn bị cho bữa ăn gia đình đúng giờ. Tôi không hề biết rằng có nhiều ngày, những bữa ăn trên cỏ với những trái dâu vàng hay những trái mít non là bữa ăn tối của Hà, vì nhà không có gạo nấu cơm, mẹ đi đâu chưa về. Gia đình ly biệt, mỗi người tản mát một nơi, cha ruột của Hà cũng như những người đàn ông lớn lên làm lụng cày bừa, một hôm nghe tiếng gọi mơ hồ, bỏ ruộng vườn ra đi, để lại con trâu đen đứng với cái cày trên lớp đất nâu mới lật bốc hơi ấm, thở phì phò, chờ người chủ cũ không trở lại.

Nhiều lần nó run lên trong chăn. Lúc ấy mặt tái đi, xanh mét, hai gò má nhô cao, người rút lại như bộ xương. Có lúc nó mở mắt lớn, mặt bừng đỏ, môi tươi như thoa son.

Vài bữa sau Hà từ từ bình phục. Mẹ nó cũng hay vắng nhà như thường lệ, nhưng nấu sẵn một nồi cháo gạo đỏ để ở đầu giường. Những ngày này tôi trốn lớp học hè mà không báo cho ba mẹ tôi biết. Tôi dẫn Hà ra bờ sông. Buổi chiều rười rượi gió từ bên hữu ngạn thổi gợn sóng li ti. Một con cò bay vút qua chập chờn trên nước, vòng đi vòng lại rồi sà xuống bãi cát. Nó đứng im hồi lâu, bãi cát vàng, không vết bùn, hạt cát sạch mịn, lấm tấm mỗi khi tắm lên tôi chỉ cần rũ chân là sạch. Con cò đứng im phăng phắc giấu một chân vào trong cánh, đứng trên một chân. Hà bảo em cũng giống như nó, khi nào bay thì mới duỗi hai chân ra.

Mùa tựu trường tới, chúng tôi vào lớp năm. Cuối buổi học tôi vội vã chạy đi tìm, chẳng thấy Hà đâu. Hỏi không đứa nào biết. Về nhà tôi bỏ cặp chạy qua nhà Hà nhưng không có ai. Mấy ngày liên tiếp không tin tức gì. Sau mới biết mẹ dẫn nó đến chữa bệnh ở nhà một thầy pháp bên kia sông, vì người ta đồn bệnh sốt bại liệt là do ma nhập. Lên lớp mới việc học bận rộn, bệnh sốt vẫn hoành hành nhiều nơi, cha mẹ tôi cấm tôi ra khỏi nhà trừ những lúc đến trường. Trong xóm thêm ba đứa trẻ khác nữa mắc bệnh. Một tuần sau tựu trường, sinh viên Huế xuống đường biểu tình, họ chia nhau về các trường tiểu học hẻo lánh để hô hào phản đối chính phủ, kêu gọi làm cuộc cách mạng xã hội, đòi hòa bình. Tôi được nghỉ học sớm, thơ thới ra về, chẳng hề quan tâm việc chính phủ nào sắp đổ, đất nước rồi có hòa bình, thống nhất hay không, lẻn xuống bếp lục nồi cơm nguội chén đầy bụng, vội chạy qua nhà cô bé. Tôi đi khấp khởi trên đường làng, ráng chiều đỏ rực, tôi vừa đi vừa ngoái đầu lại, thỉnh thoảng vấp những bụi cỏ cú vướng chân suýt ngã.

Tôi dừng lại trước sân nhà Hà, đứng hồi lâu dưới giàn bầu. Hà đứng trong khung cửa dáng mềm mại, tựa người lên thành cửa. Hà nói: mẹ em không cho đi học nữa, mẹ chữa chạy cho em nên hết tiền, vả lại em cũng không đi lại được bình thường. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là sự buồn rầu, thất vọng. Trước mặt nhà, thửa ruộng vừa qua mùa bắp mùa đậu, rác và cỏ có ai đang dồn thành đống lớn, châm lửa đốt. Những ngày thơ ấu của tôi, cô bạn gái má lúm đồng tiền một bên, con diều, đồng cỏ xanh của tôi, thế là hết, đã cháy lên thành khói bay đi.

Thỉnh thoảng sau đó tôi vẫn gặp lại Hà nhưng nó trở nên buồn rầu tư lự, ít nói. Năm học qua đi, tôi thi đậu vào lớp Đệ thất trường trung học của tỉnh, đổi trường đổi lớp đổi bạn bè, xa dần cô bạn ngày xưa, bờ sông, con cò đứng một chân trên bãi cát, quên hẳn đi cho đến ngày gặp Laura. Người phụ nữ tóc vàng mắt xanh bị căn bệnh ác liệt đánh gục chỉ một năm sau tuần trăng mật, nửa chừng xuân thoắt gẫy nhưng còn phúc phận, có một người đàn ông đi theo bên mình suốt đời. Hà của tôi, đứng một mình trong khung cửa chiều hôm chập choạng, khập khiễng không thể đi cùng tôi trên con đường dằng dặc, nhưng có lần đã cất tiếng gọi tôi mà ngày ấy vừa quay mặt đi không nghe được, mãi đến bây giờ mới nhận ra, nghe ra, cái miệng xinh cười rực rỡ, mắt long lanh buồn rầu, lúm đồng tiền bên trái. Mỗi khi ngoái lại xa hút cuối đường tôi đều nhìn thấy hàng chè tàu, những trái bầu buông xuống đất, khung cửa, cái bóng của kí ức cắt lên ráng chiều, cánh đồng dọc bờ sông liễu rủ, đầu thu cỏ úa, lửa đốt cây bắp khô khói bay mờ tím. Tôi mơ thấy tôi và Hà đi dọc bờ sông, mùi hơi nước mát lạnh làm dịu đi hai tâm hồn bối rối, mang chúng xuống tận các chiều sâu mới.

Đôi khi Hà dừng lại ngửng đầu hất mái tóc ra sau, bất ngờ nhảy cẫng lên, quên bẵng mình đang bị bệnh, té xuống như một con hươu bị trúng tên vào bắp chân sau. Nó đau đến phát khóc, tôi dắt tay nó đứng lên, một giọt nước mắt làm tôi chững lại. Tôi còn nhỏ quá để biết đó là tình yêu, tình bạn hay một thứ tình nào khác. Đôi dép mỏng của tôi mòn vẹt đi một bên khi bước trên những hòn đá lởm chởm gần mép nước, lòng bàn chân đau nhói. Buổi chiều xuống nặng nề hơn như có ai vặn xiết cổ chân. Hà đưa dép của nó cho tôi đi. Gió vàng loang loáng trên mặt sông, muốn thổi Hà bay đi nhưng nó chẳng sợ hãi gì, dựa hẳn người vào tôi, đi bằng chân phải; chân trái kéo lê như một người bạn thân, cũ, thiệt thòi, ngập ngừng bên đường chờ hẹn.

Tôi ra tỉnh, rồi di chuyển nhiều lần theo công việc của ba tôi nay đây mai đó. Không còn gặp lại người bạn thơ ấu. Có lúc thất vọng về mình, tôi mong được như chồng của Laura có can đảm đẩy cô đi trên chiếc xe lăn, nơi này nơi khác, qua lần cửa nọ tới lần cửa kia, như một người mà kẻ khác có thể tin tưởng vào, một người mà cô bạn của tôi có thể mỉm cười nhắm mắt lại, thu nhỏ người như con chim chiền chiện đến giờ đi ngủ, thôi hót, nằm yên trong lòng tay, an tâm giao số phận của nó cho tình yêu, tình bạn, hay một thứ gì đó cao hơn các thứ khác; và bằng cách ấy mang lại sự bình an cho chính người săn sóc mình.

N.Đ.T
(SH281/7-12)








 

Các bài mới
Biển và em (03/08/2012)
Những bức ảnh (27/07/2012)
Các bài đã đăng