Tạp chí Sông Hương - Số 23 (T.1&2-1987)
Hai bài thơ xướng họa - Thêm một tư liệu mới về mối tình bạn giữa Miên Thẩm và Cao Bá Quát
08:48 | 06/09/2012

LƯƠNG AN

Như chúng ta biết, từ lâu rồi mối tình bạn giữa Miên Thẩm và Cao Bá Quát đã được xem như một quan hệ ít có, từ tri ngộ văn chương mà vượt lên sự cách biệt của hai tầng lớp xã hội, sự rẽ đôi của hai khuynh hướng tư tưởng và hai đường đời.

Hai bài thơ xướng họa - Thêm một tư liệu mới về mối tình bạn giữa Miên Thẩm và Cao Bá Quát
Bút tích của Cao Bá Quát - Ảnh: daovien.net

Nhưng cho đến nay, các tư liệu chung quanh mối tình bạn đẹp đẽ ấy hãy còn ít ỏi, chưa cho phép hình dung hết chiều sâu của nó để từ đó làm sáng rõ thêm một số điểm trong cuộc đời và trong sáng tác của Cao Bá Quát.

Gần đây, trong khi tìm hiểu về Miên Thẩm và nhân đó đọc lại một số thơ văn của Cao, chúng tôi đã may mắn gặp hai bài thơ xem như của họ xướng họa với nhau, lúc Cao từ quê nhà được gọi vào làm việc lại tại kinh đô Phú Xuân. Bài "xướng" là của Miên Thẩm, in trong tập Ngộ ngôn 13 của bộ Thương Sơn thi tập (1) nhan đề "Diễu thu ngọa bệnh, cố nhân quá phỏng, thoại cựu", viết vào một đêm "cuối thu, khi ông bị ốm, bạn cũ đến thăm, hai người cùng ngồi nhắc lại chuyện xưa". Nguyên văn bài ấy như sau:

Cố nhân kim tịch hảo phàn tầm
Bệnh nhãn tương khan ái chuyển thâm
Phong vũ nhất tôn luân tụ tán
Giang Sơn cửu nhật bãi đăng lâm
Chi cung sấu cốt tri thùy kiện
Bạt kiếm bi ca vị nhĩ ngâm
Thế sự du du kham chỉ khẩu
Tạc lai thu khí cánh tiêu sâm

Tạm dịch:

Đêm nay bạn cũ khó tìm nhau
Mắt kém cùng nhìn, thương xiết bao
Chén rượu, gió mưa, câu tán hợp
Non sông, ngày chín, chẳng lên cao(2)
Còn thân chống gậy ai người khỏe
Vì bạn vung gươm thán khúc sầu
Việc thế mịt mờ đành dạy học(3)
Từ qua, thu lại chuyển âm u.

Bài họa lại là của Cao Bá Quát, chép trong Cao Chu Thần ngâm tập, cùng in trong "Cao Chu Thần thi tập" (4), nhan đề: "Phụng họa Thương Sơn công thu dạ ủy tặng thứ vận" (Phụng họa nguyên vận bài của ông Thương Sơn, đêm thu, làm tặng và an ủi). Dưới đây, là nguyên văn:

Giang hồ tuế nguyệt dị xâm tầm
Kinh quốc trùng lai ủy biệt thâm.
Suy mấn vãn đồ sương cộng biến
Thốn đơn vĩnh dạ nhật như lâm
Sinh nhai tự chuyết tu vi lộc
Khẩu nghiệp duy vong thí đoản ngâm
Ký hướng Thố viên bồi tả vọng
Hoàng hoa thu diểu mộ âm sâm.

Tạm dịch:

Năm tháng giang hồ dễ lặng trôi
Vào kinh an ủi được riêng vui.
Đường chiều tóc rụng màu sương nhuốm
Tấc dạ đêm dài ánh nhật soi
Kế sống vụng về đành bổng nhỏ
Nghề thơ mòn mỏi chẳng ngâm dài
Hướng niềm ngưỡng vọng về vườn Thố(5)
Đóa cúc chiều thu ảm đạm trời.

Cả hai bài thơ đầu mang theo nó một thời điểm sáng tác khá, nếu không nói là rất rõ. Điều này khiến chúng ta có thể xác định thời gian Cao Bá Quát, sau khi bị thả về làng, được triều đình gọi vào Phú Xuân làm việc lại là năm 1846, trước ngày 9 tháng 9 âm lịch, chứ không phải là năm 1847 hoặc cuối năm ấy như một số bài nghiên cứu đã viết.

Nhưng điều quan trọng hơn mà hai bài thơ đã đem đến cho chúng ta, đó là nội dung mối tình bạn, là cái chết kết dính hai tâm hồn được thử thách qua hai đoạn đời lận đận của Cao. Ở Miên Thẩm, cái chất dính ấy, qua bài "Đề Cúc Đường thi hậu" (Đề sau thơ Cúc Đường), bài đầu tiên ông viết về Cao, chỉ là một tấm lòng liên tài. Nhưng tấm lòng liên tài này đã nhanh chóng biến thành một tấm lòng yêu mến, xót thương khi không bao lâu sau, Cao bị buộc phải đi "hiệu lực" tận Giang Lưu ba(6).

Những ngày ấy, trong niềm yêu thương ấy, ông đã bao lần sa nước mắt (sừng ngựa không sinh, lệ luống rơi - Mã giác bất sinh không hữu lệ) và nhìn về phương nam ngóng đợi. Đến lúc này, khi những cơn sóng trong cuộc đời của Cao đang tạm lắng xuống, khi Cao lại đến với ông thì lòng ông bỗng dậy lên một nỗi thương yêu "sâu thẳm". Cùng nhấp chén rượu khi họp mặt, Miên Thẩm không những chia mà sống trọn những nỗi buồn đau lúc lìa tan, mưa gió ngoài trời, mưa gió đời Cao cũng là mưa gió trong lòng ông. Nhưng điều đáng nói hơn cả ở đây là, niềm yêu thương sâu thẳm ấy, lúc trực tiếp với đối tượng của nó, một con người lâu nay phải chịu bao nhiêu bất công trong cuộc sống, bỗng làm nảy sinh trong lòng Miên Thẩm một nỗi bất bình khó tả, khiến ông dù đang ốm liệt vẫn muốn vì bạn, rút gươm ra, hát một khúc buồn bã, xót thương. Một yêu thương như thế làm sao có thể đo nổi chiều sâu của nó?

Đó là phía Miên Thẩm. Còn về phía Cao Bá Quát, như các bài thơ bài văn của ông đã chứng tỏ, thái độ đối với người bạn thơ có địa vị cao quý này, trước sau vẫn là trân trọng hết mực. Cao biết rất rõ Miên Thẩm là một con người không ham mê công danh lợi lộc, gần gũi và yêu thương những người lao động và vì là một nhà thơ có thực tài nên rất quý các tài năng. Cao cũng nhận thấy tất cả tấm lòng của Miên Thẩm đối với mình: trong thi xã, Miên Thẩm xem Cao ít nhất cũng ngang với mọi người, Cao hoàn toàn mặc sức cùng "gõ bát" làm thơ (ngâm xã phong lưu đồng kích bát - bài "Chuyết Hiên phò mã trạch yến tập, tức tịch thứ vận") ; hơn thế, những ngày Cao bị tù tội, Miên Thẩm đã công khai đứng về phía ông, những ngày đi hiệu lực xa đất nước, Miên Thẩm đã hàng ngày trông ngóng ông được ân xá và trở lại. Vì vậy, Miên Thẩm trong lòng Cao là một bóng hình bè bạn, một tâm hồn tri kỷ, một Bình Nguyên Quân bao dung kẻ sĩ, một Lương Hiếu Vương tấm lòng rộng mở đón khách văn chương. Và do đó mà cũng chẳng còn gì khó hiểu, khi trong cuộc gặp mặt lần này, lòng kính trọng của Cao đã nhân lên thành một niềm ngưỡng vọng.

Mọi mối tình bạn cấu tạo nên bằng một sự thông cảm, một niềm yêu thương, một thái độ quý trọng lẫn nhau như thế, tất nhiên chỉ mỗi ngày một khăng khít, tươi đẹp hơn. Tiếc rằng chúng ta chưa phát hiện được bài thơ tiếp theo của Miên Thẩm mà Cao Bá Quát đã gọi là "bài thơ hay" (hảo thi) (7) và có thể còn một số bài khác nữa trao đổi với nhau lúc Cao từ giã Phú Xuân hay lúc làm giáo thọ Quốc Oai, để hiểu thêm mối tình bạn đó.

Bởi vì chẳng lẽ tự nhiên mà bốn năm sau, khi sắp đi Quốc Oai nhận chức vụ mới, Cao đã viết, trong lời đề cuối tập thơ "Hà Thượng" của Miên Thẩm, những câu tràn đầy cảm phục và yêu thương.

Còn bởi vì mối tình bạn ấy đã nâng tư tưởng và tình cảm mỗi người, giúp cho sáng tác của họ thêm phong phú và trong sáng, từ đó, góp thêm một nét riêng vào dòng văn học giữa thế kỷ 19.

L.A.
(SH23/01-87)


-----------------------
(1) Do gia đình ông khắc in năm 1872.
(2) Ngày chín (cửu nhật): tức 9-9 âm lịch, thường gọi trùng dương hoặc trùng cửu. Ngày xưa, ngày trùng cửu, người ta thường đi lên núi để tránh tật bệnh.
(3) Chỉ khẩu: Chúng tôi dịch là dạy học, theo chữ "Khẩu giảng chỉ hoạch" (dùng miệng mà giảng, dùng tay mà vạch dẫn) trong bài "minh ở mộ Liễu Tử Hậu" của Hàn Dũ: Hành Tương dĩ nam, vị tấn sĩ giả, giai dĩ Tử Hậu vi sư, khẩu giảng chỉ hoạch (từ Hành Tương trở về phía Nam, những người đỗ Tiến Sĩ đều coi Tử Hậu là bậc thầy, miệng giảng tay vạch).
(4) Một tài liệu chép tay do Trung tâm học liệu Bộ giáo dục chính quyền Sài Gòn chụp lại và xuất bản năm 1971. Tập tài liệu này có sai sót là đưa lẫn vào rất nhiều thơ của người khác nhưng bài "Phụng họa Thương Sơn công thu dạ ủy tặng thứ vận", xét về nội dung cũng như về văn phong đúng là một tác phẩm của Cao Bá Quát.
(5)Vườn Thố: tức là vườn Lương. Đời Hán, Lương Hiếu vương xây dựng một vườn rất rộng để cùng chơi với tân khách, phần lớn là các nhà thơ.
(6) Tức Ba-ta-vi-a, ở Indonesia bây giờ.
(7) xem Thơ chữ Hán Cao Bá Quát- Nhà xuất bản Văn Học, 1976.











 

Các bài mới
Khúc nhạc rắn (10/09/2012)
Các bài đã đăng
Trong toa xe lửa (09/08/2012)
Nắng (06/08/2012)
Thư về Huế (06/08/2012)