HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
"Nói đùa thì nói, nhưng có lẽ sẽ phải mở những loại trường đặc biệt, không hạn chế tuổi cho những người đến nay chưa học được gì ngoài việc "lãnh đạo", để cho bây giờ dù đã tứ tuần, họ vẫn có thể học được một nghề có ích. Phải tổ chức việc đó trên qui mô lớn trong phạm vi cả nước".
Đó là ý nghĩ ghi trong nhật ký nằm bệnh của Mactưnôp, nhân vật nổi tiếng của Ôvetskin. Và không phải chỉ là "chuyện thường ngày ở huyện", mà ở ngay quanh ta: người ta vẫn thấy bóng dáng của những con người như vậy, cắp cặp đi hết hội trường này đến hội trường khác như không biết tiếc thì giờ là gì, phát biểu hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác trong khi chính bản thân anh ta lại không cần biết đến một thứ nghề ngỗng nào hết. Tôi cho rằng bệnh quan liêu là hậu quả tất yếu của những con người suy nhược kiểu ấy, những người mà tính cách chưa bao giờ được định hình bằng cái kỹ năng thao tác trong cuộc sống, là nghề nghiệp. Không ai mù quáng đến độ không nhìn thấy những thành tựu của nhà trường chúng ta trong nhiệm vụ trang bị văn hóa cơ bản cho các thế hệ. Mặt khác, các nhà cải cách cũng phê phán mạnh mẽ tính chất từ chương và hư văn nguy hiểm của nó... Và nếu cứ tiếp tục như vậy, thì chúng ta sẽ tạo ra những thế hệ công dân thư lại trong qui mô toàn xã hội; và những nhà "lãnh đạo" vô công rồi nghề mà Mactưnôp đã nhìn thấy, sẽ còn cắp cặp đi dài dài trong tương lai. Các nhà trường chưa tạo nổi cho con người một năng lực cần thiết để tác động lên cuộc sống, con người dở dở ương ương, thầy chẳng ra thầy, thợ không ra thợ, một sinh viên tốt nghiệp vật lý coi chừng lại không bắt nổi một cầu dao diện.
Tôi tìm đến Thúy để trao đổi một vài điều băn khoăn của tôi, cũng là để chúc mừng Thúy vừa hoàn tất xong luận án phó tiến sĩ về đề tài giáo dục hướng nghiệp, trên cơ sở thực tiễn của Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp Huế từ nhiều năm nay đã là lá cờ đầu của tất cả các trung tâm thuộc loại hình này trong cả nước. Nói trong nước có lẽ chưa diễn đạt hết triển vọng tương lai của nó ; tôi đã đọc trong cuốn sổ ấy những ý kiến đánh giá quan trọng của hàng loạt các giám đốc UNICEF tại Việt Nam, Pari, Tôkyô, Tây Đức, Nêpan, Thụy Điển, Liên Xô, BaLan vv... tất cả đã biểu lộ ý nghĩa quốc tế của Trung tâm nầy.
Tôi đến nhà Thúy vào buổi tối, nơi bộ xa lông gọn chỉ có hai ghế; và như tôi thường gặp, những người bạn khác lần lượt đến ngồi trên những chiếc ghế phụ thành một vòng cung quanh cái bàn nhỏ, với những bao thuốc lá nhãn hiệu khác nhau mà mỗi người móc từ túi ra. Không có rượu hoặc cà phê, hình như những cán bộ trẻ của Trung tâm thường tìm đến người đàn anh mà họ tin cậy này để chia sẻ niềm say mê trong công việc của họ.
- Nỗi quan tâm của thế giới hiện đại - Thúy nói là hướng nghiệp cho học sinh, làm sao để khi ra khỏi trường trung học thì học sinh đã được tiếp cận với một nghề phù hợp năng khiếu riêng của mình. Đó là khuynh hướng chung của các nước phát triển, và các nước đang phát triển thì hướng nghiệp cho học sinh cấp 2 - 3 là vấn đề cấp bách; ở đó, giáo dục nghề nghiệp chiếm đến 20% thời lượng học tập. Năm trước, tôi đi nghiên cứu ở Ấn Độ và Thái Lan theo chương trình của UNESCO thấy trong các trường đều đề cao việc dạy nghề cho học sinh, từ những trường dành cho tầng lớp thượng lưu đến hạ lưu xã hội đều khẩn trương dạy nghề, dạy nghề...
- Trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa - Thúy nói tiếp, thì từ sau Cách Mạng Tháng Mười, Lênin đã từng nêu quan điểm về "kỹ thuật tổng hợp" này mà ông gọi là "kỹ thuật bách khoa"; và từ năm 1950 trở đi đã có chương trình "kỹ thuật tổng hợp hoá" trong các trường phổ thông ở Liên Xô; ở Cộng hòa dân chủ Đức thì tất cả các trường phổ thông đều gọi tên là "Trường phổ thông kỹ thuật tổng hợp". Còn ở ta thì, Thúy cười bằng nửa khoé miệng, năm 1986 này Bộ Giáo dục đã ra văn bản nói rõ rằng " kỹ thuật tổng hợp là một trong 4 điểm xác định tính chất phổ thông của nhà trường Việt Nam.
- Như vậy là hai quan điểm khác nhau, giữa "dạy nghề" và "kỹ thuật tổng hợp"?
- Đúng như thế, và đây là cốt lõi của vấn đề. Dạy nghề, như trong hệ thống giáo dục cộng đồng kiểu Mỹ phổ biến trước đây ở miền Nam, chỉ cốt là dạy cho học sinh biết một nghề nào đó, với mục đích kiếm sống và đó là quan điểm hoàn toàn thực dụng chủ nghĩa. Ở kiểu thực dụng này, dạy nghề là nghề, nhưng nghề không phát triển lên được thành một năng lực trí tuệ, hoặc sâu thẳm hơn, không hình thành được một nhân cách. Giáo dục kỹ thuật tổng hợp nhằm mục tiêu nhân bản toàn diện hơn, nó cố gắng hình thành ở nơi trẻ em một năng lực chung phù hợp với tình hình kinh tế - khoa học - kỹ thuật thời đại nó đang sống. Với cách này, sau khi ra trường, một em có thể theo nghề này hoặc nghề khác trong một lĩnh vực rộng, cơ động, có thể thích ứng với nhiều ngành nghề biến hóa theo tính cơ động của thế giới hiện đại. Ví dụ như việc chúng tôi đưa môn Tin Học vào nhà trường, thì đó không phải là kỹ thuật thuần túy, mà là một năng lực cần thiết của mọi ngành nghề từ mậu dịch viên, cảnh sát giao thông đến cả nông trang viên trong quá trình sản xuất tự động hóa. Phải hình thành năng lực kỹ thuật ấy cho một thiếu niên khi ra trường, nếu trái lại, thì không nói đến phát triển kinh tế được. Đó là vấn đề cấp bách nhất của thế giới hiện nay, và là hòn đá tảng của cuộc cải cách giáo dục của Liên xô, kể cả trong đợt mới nhất đang diễn ra. Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp Huế nhằm giải quyết một vấn đề có tính nguyên lý như vậy, và là công cụ chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ giáo dục lao động kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn thành phố.
Thúy dứt lời. Cậu bạn ngồi cạnh trao cho tôi tờ báo Thanh Niên số mới nhất vừa mua được ngoài phố. Có một cái tin được khoanh lại như thế này: "Các em học sinh hội viên câu lạc bộ các nhà kỹ thuật trẻ thành phố Vitebsk đã thực hiện ba mươi chín loại máy phục vụ nền kinh tế quốc dân. Tại thành phố này, hàng ngàn loại hình câu lạc bộ như trên đang hoạt động trong các trường học và cung thiếu nhi tiền phong. Tác phẩm của các em đã nhiều năm đoạt huy chương tại triển lãm các thành tựu của nền kinh tế quốc dân Liên Xô... Thành phố Oulianovsk đã gửi thư cảm ơn các em về chiếc xe xúc tuyết. Sau chiếc máy cày tự động, các em đã chế tạo chiếc máy kéo tí hon "zoubrenok" và một chiếc xe có thể di chuyển trên mọi loại đường." Kèm theo bản tin là, hình chụp các em ngồi trên chiếc xe nhỏ của họ, lái xe là một chú bé mặt còn sữa, đâu còn nhỏ hơn con bé lớp bảy nhà tôi. Quả nhiên, cái nhóm các chú bé ngồi trên chiếc máy Zoubrenok kia là một mô hình của con người văn hóa tương lai của đất nước tôi, một con người làm chủ được cuộc sống của mình, tác động lên thế giới nho nhỏ quanh mình bằng kỹ thuật, trong qui mô của một xã hội điện khí hóa, cơ giới hóa. Tôi cảm thấy lo sợ trước viễn cảnh bất lực tội nghiệp của các con tôi khi chúng phải đối diện với một thế giới đã diễn biến ra như vậy, nếu ngay từ bây giờ tôi vẫn chưa tìm được một nơi nào như cái trung tâm chỗ Thúy đây để mà gởi gắm hy vọng, dù là một hy vọng còn xa vời vợi. Tôi nhắc lại Thúy về các văn bản của Bộ Giáo dục nói lúc nãy, gay gắt với Thúy một câu hỏi sốt ruột:
- Tại sao lại phải đợi mãi đến năm 1986?
- Tại vì... anh còn lạ chi cái nghèo của xứ sở mình, trang bị cho một trung tâm kỹ thuật là cực kỳ đắt; trong khi tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục là bao nhiêu thì anh quá biết (Thúy lại cười nửa miệng). Nhưng cái lẽ chính là, cũng phải trải qua mấy chục năm ngành giáo dục nước ta mới có đủ cơ sở thực tiễn để xác định tính chất đó. Quả là sự chậm trễ đáng tiếc.
Tôi ngắt lời Thúy:
- Không phải là mới đây, bốn điểm đó tôi đã từng nghe nói đi nói lại trong ngành giáo dục đã từ lâu đến bây giờ mới hợp thức hóa thành văn bản. Vậy thì cái ông bảo là "sự chậm trễ đáng tiếc" đó phải gọi đúng tên nó là sự trì trệ.
- Trì là chậm, trệ là... trễ. Chậm trễ hay trì trệ chắc không phải là hai cái khác nhau.
- Nhất trí! Có điều là chúng ta vẫn thích dùng mỹ từ pháp để nói về mình, kể cả... cái xấu!
***
Năm 1980, Trung tâm Huế ra đời như một bất ngờ, trong lúc Bộ đang loay hoay tìm mặt bằng ở một nơi khác để xây dựng thí điểm. "Sở dĩ Huế ra đời sớm như vậy là vì chúng tôi đã cưu mang, chuẩn bị cho ý đồ này từ rất lâu". Thúy giải thích. Năm 1981 và 1983, Bộ Giáo dục tổ chức liên tiếp hai Hội nghị toàn quốc đi sâu vào kinh nghiệm của Huế, để phát triển mô hình Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp này trong cả nước.
Từ đó Trung tâm đã tiến lên rất nhanh: từ 8 bộ môn ban đầu, Trung tâm Huế đã phát triển thành 29 bộ môn kỹ thuật gắn liền với tất cả hầu hết các ngành nghề sản xuất trong địa bàn tỉnh nhà, và từ trung tâm mẹ này đã sinh đẻ thêm hai trung tâm mới Thành Nội và Nguyễn Du, tất cả đó là do người, vật liệu và vốn tự có của Trung tâm mẹ đẻ ra theo kiểu "chia tế bào"; hàng năm đảm bảo giáo dục hướng nghiệp cho từ bốn đến năm nghìn học sinh lớp 8 đến lớp 12 (khoảng 60% tổng số) trên địa bàn nội thành Huế.
Đến quan sát trung tâm vào buổi chiều người ta mới cảm nhận hết cái sức sống nồng nhiệt của nó: ở tầng dưới của toà nhà là các công xưởng sập sã tiếng động của đủ các loại công cụ sản xuất trong khi các phòng của tầng trên yên tĩnh, dành cho các ngành khoa học, mỹ thuật...; và dù ở ngành nghề nào, dù đang chăm chú theo dõi màn ảnh của chiếc máy vi tính hay gò lưng trên tấm sắt nguội, những người thợ tí hon ấy đều đang cặm cụi, cần mẫn đã nắm lấy xã hội tương lai của mình bằng một vẻ quả quyết và hứng thứ hiện rõ trên nét mặt. Tôi đã qua khắp các phòng, lặng lẽ đọc nỗi say mê tự nguyện trên những gương mặt thơ dại ấy, và chợt phát hiện ra một điều làm cho tôi xúc động đến lạnh người: đúng, khuynh hướng kỹ thuật - nghề nghiệp là vốn có ở nơi mỗi con người từ thuở còn thơ bé. Còn nếu để cho chúng lớn lên vô dụng, thất nghiệp và nghèo đói, thì đó chính là tội lớn của chúng ta, đã phó mặc cho thời gian vô nghĩa thui chột mất các mầm sống sáng láng ấy của trí óc và tâm hồn chúng.
… Phòng Điện Toán có không khí của một lớp học ở các nước tiên tiến: chỉ bảy tám em học sinh chuyên toán ngồi trước chiếc máy vi tính C.64, trên đó lần lượt hiện ra những hình đồ họa nơi tấm màn ảnh nhỏ, từ đó người ta sẽ sử dụng vào nghệ thuật trang trí trên gỗ hoặc trên vải. Đúng là vào trong khu nhà yên tĩnh này, vốn trước là một tiểu chủng viện ở Huế, tôi đã gặp nhiều cái lạ. Hay nói cái mới thì đúng hơn. Thí dụ như cái máy tính này, tôi biết, ở Huế hiện mới có vài ba cái, đều dùng cho những yêu cầu nghiên cứu cấp cao. Thế mà ở đây người ta đang tìm cách đưa Tin Học và kỹ thuật máy tính vào các trường phổ thông, thế có lạ không? Thúy như đọc thấy ý nghĩ của tôi:
- Trung tâm Huế là nơi đưa kỹ thuật máy tính vào trường học đầu tiên trên cả nước. Thực tế là hiện nay, loại máy này là công cụ lao động phổ biến trên thế giới. Ở ta thì nhiều nơi như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng không còn quá xa lạ, dù bằng con đường mậu dịch, hoặc phi mậu dịch chỉ tỉnh ta mới quá hiếm hoi vì người ta không nhập. Tôi cho rằng dù muốn hay không, năm mười năm nữa, loại công cụ này sẽ tràn ngập vào cuộc sống chúng ta. Đây là đề tài đón trước tình hình phát triển của xã hội...
Bộ môn Tin Học nằm trong nhiệm vụ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của Trung tâm. Qua mấy năm xây dựng, mục tiêu này luôn luôn là sức sống sôi nổi nhất, thúc đẩy óc sáng tạo của cái tập thể khiêm tốn các thầy giáo - cô giáo ở đây. Trên một chiếc bàn ở góc tường trong phòng Nông - Sinh - Hóa, một dãy chai lọ hình ống lớn đựng các dung dịch màu sắc khác nhau: đó là nơi nuôi những loại rong tảo thu nhặt từ nhiều vùng biển của Bình Trị Thiên, dùng để chế biến thành các sản phẩm hóa chất quý. Cẩm Chi, một cô giáo dịu dàng, mở tủ lấy đưa cho tôi chiếc lọ đựng một hóa chất màu lục sẫm, chế biến từ rong mơ: đó là Algênat Natri, nguyên liệu cần thiết cho công nghiệp nhuộm, làm bột màu, chế tạo sơn. Một gói khác, đựng những sợi trắng, mỏng và khô như giấy, chính là aga-aga làm ra từ rau câu chỉ vàng của phá Tam Giang. Nếu đưa những thứ ấy vào sản xuất lớn thì tỉnh Bình Trị Thiên chúng ta sẽ thu được hàng triệu đô la mỗi năm. Đây là thành phẩm khẳng định trong một phòng thí nghiệm nhỏ, của tập thể các thầy cô giáo dạy cấp 2 như Cẩm Chi; và chính những em học sinh lớp 10 thôi, tự tay các em đã làm ra như bài tập của mình. Và đây nữa, những bao mạt cưa đã lên meo trắng mang tên những Thu Hằng, Khánh Nhi, Thanh Hương của lớp 10 trường Gia Hội. Các em không có mặt đây, chắc là đang bận học văn hóa ở trường. Không biết các em đã được thông báo chưa, thầy Hội bảo rằng chỉ cần rạch những bao mạt cưa của các em là những chùm mộc nhĩ sẽ nở ra. Tôi chúc mừng thành quả lao động của các em, về cái mà khoa nấm học hiện đại gọi là "làm nấm meo trên những giá thể nhân tạo". Hội tiếp tục giới thiệu với tôi một cố gắng mới của kỹ thuật sinh học: trong một loạt lọ hình phẫu chứa chất dịch màu trắng đục, một loài cây đã sinh ra giống như trong thiên nhiên, từ một mẩu lá bé tí nẩy ra phôi, ra rễ, thành cây có đủ cả chùm năm sáu lá dài; cây phong lan Dendrobium giống ngoại này đã ra đời trong phòng thí nghiệm. Việc nuôi cấy mô tế bào thực vật ở đây mới chỉ là một ngưỡng cửa, nhưng là một ngưỡng của không thể không vượt qua của công nghệ gen, mũi nhọn của nông học hiện đại, từ đó tiến tới khả năng tái tạo giống mới.
Tôi rất mừng gặp Thiện, trưởng ban Mỹ Nghệ của Trung Tâm. Không ngờ, Thiện là học trò cũ của tôi thời Quốc Học, nhưng điều quan trọng hơn, Thiện là gương mặt "ganêfô" mới nhất của Trung tâm Huế, vừa thành công trong việc khám phá ra bí quyết chế tạo các loại men gốm. Gốm có đã lâu đời, nhưng tự mình chế tạo gốm thì không dễ, vì cả men gốm và kỹ thuật đốt lò đều là bí quyết chân truyền của mỗi nhà, không ai chịu trao lại cho người khác. Huế hiện có vài ba xưởng gốm, đều phải đi mua men ở nơi khác mang về. Trên bàn chưng bày của bộ môn la liệt những mặt hàng mỹ nghệ ra lò từ trung tâm, chừng ba chục mẩu, gồm tất cả các loại men do chính Thiện mày mò tự tìm kiếm; suốt bốn tháng nay Thiện đốt lò cả ngày lẫn đêm da mặt xanh mét, Thiện đưa tôi vào thăm lò nung của anh, trong một căn buồng nhỏ thường khóa kín trông bí ẩn như lò luyện đan của các nhà giả kim thuật thời cổ. Thiện phân tích:
- Men tràng thạch thì thông dụng, nhưng dụng cụ nghiền quá đắt, ở đây em dùng cối chày đâm giã qua thời kỳ thí nghiệm ; làm được, nhưng Huế sản xuất khó vì đòi hỏi vốn lớn. Men tro truyền thống, chỉ cần tro trấu và vôi, lại không có độ bóng láng tốt. Em đang nghiêng về men ocxyt, tương đối đơn giản, nhưng đòi hỏi kiến thức sâu về hóa chất và phải thường xuyên tiếp xúc với chất độc.
Thiện cho tôi xem những mặt hàng tâm đắc của anh: tùy theo từng loại kim, chúng có màu đen, nâu, xanh lục hoặc đỏ sẫm, tất cả đều có sắc men trầm sâu của chất liệu cổ. Điều khiến tôi vui mừng vô kể, qua thông báo của Thiện, ấy là: toàn bộ nguyên liệu đều có sẵn tại chỗ, đất màu tự nhiên đủ loại đều nằm quanh chân núi Ngự Bình và ven sông Hương, chất lượng quý và trữ lượng hầu như vô tận.
Sứ Huế xưa vốn nổi tiếng trên thị trường đồ cổ quốc tế, người Pháp gọi là "bleu de Huế"; nghề này đã thất truyền từ sau thời thất thủ kinh đô. Tôi đọc sách, nhớ sau khoảng năm 1905 ít lâu, ông hiệu trưởng trường Bán Công Huế, người Pháp, đã tìm kiếm lại những nghệ nhân già, làm ra một chiếc bình gần như nguyên bản đem triển lãm tại Hội chợ Huế, để chứng minh là "sứ Huế có thật". Viên khâm sứ Pháp bấy giờ là Sylvaine Lévêque đã ký một ngân sách lớn định đưa sứ Huế ra xuất khẩu cạnh tranh với sứ Trung Hoa; việc không thành vì sau đó, Lévêque phải chuyển sang Ấn Độ. Nỗi vui mừng của tôi là vì lẽ đó; từ căn phòng vất vả này của Thiện, tôi lại tin rằng sứ Huế có thật, và có khả năng khôi phục lại di sản vẻ vang của nó; trước mắt gốm Huế sẽ trở thành một mặt hàng được nể vì, nếu... vâng, nếu như những nhà lãnh đạo chịu khó nhìn xa và quyết tâm trong trách nhiệm của mình.
***
Tôi phải dành thêm một khoảng riêng để nói về hai thành tựu quan trọng khác của các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp ở Huế; không nói không được, vì nó chứa đầy sức nén của bao nhiêu vấn đề xã hội ở trong đó.
Trước hết là nhóm hóa chất của Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp Nguyễn Du, đơn vị thứ 3 của Huế vừa ra đời năm 1985. Suốt hai năm cặm cụi, nhóm này đã thí nghiệm và điều chế sáu mươi hóa chất ; mười hai món trong số đó đã đoạt giải trong Triển lãm kinh tế Quốc Dân ở Hà Nội năm 1985, và sáu mặt hàng khác vừa đoạt Huy chương vàng của Triển lãm thành tựu giáo dục lao động kỹ thuật hướng nghiệp toàn quốc tháng 8-1986 này. Những hóa chất đó, đem so với những thành phẩm cùng loại của các xí nghiệp Đức Giang và Việt Trì hiện lưu hành trong tỉnh thì giá vẫn rẻ hơn từ 10% đến 50% ; và muốn cung cấp ra thị trường thì đều phải thông qua sự kiểm tra chất lượng của ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh. Không hiểu vì lý do nào, ủy ban này vẫn im lặng, không kiểm tra và cũng không có ý kiến. Chỉ mỗi lọ mực học trò là được ủy ban Khoa học Kỹ thuật cho phép sản xuất sau hơn... hai tháng "kiểm tra" chất lượng, công việc thực ra cho chỉ cần nửa tiếng đồng hồ là xong. Cuối cùng thì ông Nguyễn Đình Ngộ phải sử dụng quyền giám đốc Sở Giáo dục, thông qua sự giám định của chính ủy ban Khoa học Kỹ thuật Sở, đã quyết định cho Trung tâm sản xuất 60 món hóa chất nói trên để cung cấp cho phòng thí nghiệm của các trường ở thành phố. (60 món này nằm trong số 350 hóa chất cần thiết cho các trường phổ thông cấp 2 và cấp 3, vẫn phải mua ở ngoài).
Quan trọng nhất trong nhóm hóa chất nói trên của Trung tâm Nguyễn Du, là các chất Sulfat đồng, Ocxyt đồng, Ocxyt kẽm, Sulfat Nafri, các bon nat Calci và Sulfat kẽm, quá trình sản xuất còn sinh ra hàng loạt hóa chất phụ. Riêng chất Sulfat đồng, còn gọi là dung dịch Booc-đô (thuốc trừ nấm cho cây nhỏ, ở Bordeaux, Pháp), là thứ vật tư nông nghiệp hết sức cần thiết dùng làm phân vi lượng và thuốc trừ nấm cho nhiều loại cây như cây cà chua, ớt, hồ tiêu v.v... Nếu không có sulfat đồng thì nông dân chỉ thu hoạch ớt và cà chua đến nửa vụ là hết, nó có thì thu đến cuối mùa. Giá thị trường các nơi là 220 đ/kg, riêng Trung tâm Nguyễn Du chỉ bán với giá 70đ/kg và nếu có đối lưu Acit Sulfuaric thì chỉ cần... 40đ! Sở dĩ giá thành hạ như vậy, vì Sulfat đồng được chế biến từ xi đồng; thứ này Phường Đúc ở Huế đã thải ra từ hàng thế kỷ chỉ đem đổ xuống sông mà thôi - nghĩa là, không một nơi nào có thể tìm thấy một nguồn nguyên liệu khổng lồ đến như vậy. Khả năng sản xuất Sulfat đồng sủa Trung tâm hiện nay là 3 tấn trong một tháng, với điều kiện duy nhất là được cung cấp Acit sulfuaric (SO4H2). Anh Sáu, phụ trách nhóm Hóa, cho tôi biết:
- Trại giống rau quả thành phố Huế đã mua của chúng tôi một tấn trong năm 1986. Các công ty ở Đà Lạt đòi ký hợp đồng với chúng tôi hàng chục tấn, nhưng họ không đối lưu bằng SO4H2 nên chúng tôi đành bó tay.
Một pho sản rất quý của quá trình điều chế này là Ocxyt kẽm, giá thị trường lên tới 2.000đ/kg cần thiết trong kỹ thuật chế biến cao su, làm sơn, làm tất cả loại men gốm kể các loại ngói thanh và Hoàng lưu ly tương lai rất cần cho việc trùng tu di tích Huế. Nhưng mà tất cả đều đòi hỏi SO4H2! Trời ơi, Acit sulfuaric, mày ở đâu? SO4H2 đâu phải nhập nước ngoài, nó là hàng sản xuất nội địa, và vẫn được phân phối qua các đầu mối quản lý của tỉnh; và như là cấp quản lý trực tiếp của Trung tâm này, chính quyền thành phố có trách nhiệm đảm nhận lấy khâu trung gian nho nhỏ ấy. Tôi được biết Trung tâm đã tổ chức trưng bày 60 hóa chất tự mình làm ra, đồng chí phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp thành phố đã đến xem hết lời khen ngợi; Trung tâm nêu yêu cầu tạo điều kiện sản xuất thì đồng chí đi thẳng không bao giờ trở lại. Anh Thúy thông báo thêm:
- Tôi đã làm luận chứng cho ủy ban Thành, đảm bảo từ 1 đến 5 tấn Sulfat đồng mỗi tháng vừa thỏa mãn nhu cầu của thành phố. Nhưng ủy ban thành lại chỉ tôi qua Phòng Nông Nghiệp, và thế là lại tắc tị:
Một nhóm 3 giáo viên cấp hai mà đã làm được bấy nhiêu việc. Như anh Sáu đây, con chim đầu đàn của nhóm, là người có "bàn tay vàng". Tôi đã vào quan sát xưởng hóa chất của anh: bên cái bể chứa có một cái lò tạo không khí nóng dùng để tiêu hủy khí Sulfuarơ (SO2) thật đơn sơ; nhưng không có nó thì không sản xuất được, vì khí độc sẽ lan tràn vào các lớp học. Anh Sáu vừa làm vừa nghĩ, tạo ra một bộ thiết bị hết sức đơn giản mà kết quả thì to lớn. Ở các nơi khác cũng có thể có những người sáng chế như thế, nhưng chắc chắn là họ đã bỏ trường để ra làm ngoài; và nếu làm ngoài thì anh Sáu đã giàu lên lâu rồi, vì ở đâu nông dân cũng cần đến Sulfat đồng để trồng ớt xuất khẩu. Nhưng mà nhóm anh Sáu đã không tính kế để làm giàu riêng. Họ vẫn bền bỉ bám lấy ngôi trường xã hội chủ nghĩa của mình, tận tụy đào tạo cho một trăm học sinh đang theo nghề, và họ chỉ yêu cầu có một điều là được cung cấp SO4H2 để làm giàu cho xứ sở.
Trong khuôn khổ của chương trình quốc gia BMG(1), Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp Huế đã định hình được mô hình khí mêtan phục vụ cho hệ gia đình. Trung tâm đã thiết kế ổn định ba kiểu hầm khí phù hợp với từng dạng môi trường, đào tạo được một lực lượng kỹ thuật viên trong đội ngũ giáo viên ở các xã, và đã hoàn thiện các thiết bị bếp và đèn đảm bảo sử dụng biogaz vào việc nấu nướng và thắp sáng cho mỗi gia đình. Con người trầm lặng của Thúy bỗng nhiên đổi giọng khi nói về biogaz, sôi động, cuốn hút, hình như Thúy muốn ấn sâu vào chính tôi tất cả niềm tin nơi công việc anh đang làm:
Chương trình này, chúng tôi rất chí thú ; nó là phong trào phát triển thành quy mô quốc gia ở các nước đang phát triển. Đơn giản thôi: một gia đình 5 người và nuôi hai con heo, nếu biết cách sử dụng phân thải ra của người và vật, thêm cỏ rác trong vườn, thì chỉ cần xây một cái hầm 4,2 mét khối là đủ giải quyết việc nấu ăn và thắp sáng bằng biogaz. Một gia đình có vườn, ao, chuồng mà làm một cái hầm như thế thì được cái đốt, cái thắp và vệ sinh môi trường thì sạch rác. Chất thải của hầm sau đó lại là một nguồn phân bón mà hàm lượng dinh dưỡng cao hơn trước, mà là phân vô trùng, ví dụ dùng để tưới rau thì tuyệt vời. Nó cho anh năng lượng và trả lại cho anh phân, một nguồn năng lượng vô tận từ VAC và khép kín lại chu trình VAC - Nó thay đổi nếp văn hóa trong đời sống, vì không phải là than củi hom hem, và không thải ra khí độc CO2 và CO3 trong nhà, người ta gọi nó là năng lượng sạch. Lớn hơn nữa, là nếu lan rộng thành qui mô xã hội thì chính biogaz sẽ cứu rừng khỏi cái nạn phá rừng lấy củi. Anh đầu tư vài trăm tấn xi măng thay vì chặt phá đi vài trăm hecta rừng, thế thì chọn cái nào?
Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì tại Hội trường của Trung tâm ở bên cạnh đang diễn tiếp cuộc Hội nghị năng lượng của ngành giáo dục toàn quốc, với cán bộ chủ chốt của hai mươi chín tỉnh thành, từ Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La đến Kiên Giang, Sông Bé… Có cả đoàn thuộc Tổng cục Kỹ thuật quân đội, mục đích là để tập huấn về kỹ thuật biogaz của Huế. Vấn đề là Trung tâm của Thúy đã bước đầu đưa lửa mê tan vào phong trào, ở một loạt các trường học và hợp tác xã vùng quê.
- Tôi cho rằng tỉnh ta rất có điều kiện thuận lợi để phát triển thứ năng lượng này. Vôi, gạch, xi măng, đều là nguyên liệu tại chỗ, chỉ cần thêm vào một ít sắt thép thôi. Vậy mà tại sao biogaz lại vẫn phát triển chậm? Tôi băn khoăn.
- Trước hết, là lý do tâm lý: người nông dân vẫn ngại ngùng vì sợ không nắm được kỹ thuật, như vậy là cần một hoạt động tuyên truyền rộng lớn; thứ đến là đào tạo kỹ thuật viên cho từng xã; và sau cùng, Nhà nước cần có kế hoạch cung cấp vật liệu xây dựng cho họ: đó là vấn đề của một chương trình xã hội. Tôi đã báo cáo vấn đề với Nhà nước. Năm 85, ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh sang cùng chúng tôi hoàn thành một luận chứng về biogaz ở địa phương. Các ông đã làm tờ trình lên Thường trực ủy ban tỉnh, xin ý kiến. Một năm qua rồi, tờ trình ấy đã mất tăm, chắc là đã bị vất vào sọt rác của ủy ban tỉnh, và cả ủy ban khoa học kỹ thuật cũng không đoái hoài trở lại. Tôi nhớ lại năm 1983, một người bạn cũ của tôi, tiến sĩ Nguyễn Ba từ Tây Đức về, mang theo một ý đồ sôi nổi về việc thực hiện biogaz ở Bình Trị Thiên. Tôi định kéo anh tới Ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh, thì anh Ba dãy nẩy lên: "Tôi đã làm việc với ủy ban ấy cách đây hai năm, sơ đồ kế hoạch luận chứng đều đủ cả, không thấy động tĩnh gì cả, chắc mọi thứ đã bị mọt gặm trong đáy tủ của họ". Nguyễn Ba không phải là người đầu tiên và sau cùng đã cho tôi thực chứng về cách làm ăn ở cơ quan quản lý chất xám này. Tôi ngắt lời Thúy.
- Tôi tin rằng ủy ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh trước hết là nạn nhân của chính nó.
Thúy nói tiếp:
- Các vị cốp ở tỉnh đều đã đi xem, hoan nghênh, khen ngợi, nhưng rồi đâu lại vào đó, như là khách đến tham quan. Con đường tôi đi là thông qua các trường học để đưa biogaz về nông thôn; và dẫu là đơn thương độc mã đi nữa, đề tài này chúng tôi sẽ phải làm cho tới cuối đời.
Không hiểu sao, những ý tưởng mạnh mẽ ấy của Thúy lại gây cho tôi một chút ngậm ngùi. Tôi ngồi lặng chốc lát, rồi nói thẳng với Thúy điều tôi nghĩ:
- Đúng là cả một chương trình xã hội, và điều ấy chỉ có thể thực hiện nếu được ghi vào Nghị quyết của Tỉnh ủy. Tôi cho rằng, muốn chuyển hóa đầu óc biogaz ở người nông dân thì các cấp lãnh đạo của chúng ta phải tự chuyển hóa ở nơi mình trước tiên.
***
Thành phố Hồ Chí Minh đến nay vẫn tiếp tục duy trì một mảng lớn những trường dạy nghề của tư nhân, thấy có bảng số bảng hiệu đàng hoàng. Huế trước giải phóng cũng có những trường nghề kiểu ấy, tiếc thay trong thời kỳ cải tạo ta đã đóng cửa hết cả trong khi đáng lẽ nên giữ lại mảng này để giúp vào sự phát triển và sức khỏe xã hội. Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp đã tự sáng tạo thêm cho mình cái nhiệm vụ xã hội ấy, bằng một hệ dạy nghề cho tuổi trẻ lao động ngoài nhà trường, cho những thanh niên lớn lên thất nghiệp lang thang khao khát có một nghề để sinh sống và làm việc có ích. Trung tâm đào tạo đội ngũ giáo viên kỹ thuật để tiến hành giáo dục hướng nghiệp tại chỗ ở tất cả các trường của thành phố, dưới dạng các "phòng thực hành kỹ thuật", "phòng VAC dành cho nhà trường" v.v... Trung tâm còn trở thành xưởng nghiên cứu, thiết kế mẫu và sản xuất thiết bị trường học tổng hợp cho các ngành: đồ chơi mẫu giáo, các bộ thực tập cho cơ học, điện và từ, các tiêu bản cho sinh học, và hệ thống các bộ dụng cụ giáo dục hướng nghiệp từ cầm tay đến máy móc, cung cấp cho cả tỉnh. Thật không ngờ nổi sức tháo vát của cái Trung tâm này, tất cả được quán xuyến bởi chỉ sáu chục con người; đúng là ở đây người ta làm việc thực sự.
Niềm ngưỡng mộ riêng tôi xin dành cho Thúy, là cái chất tâm huyết khẩn thiết Thúy mang theo bao năm để đi tìm người. Tìm như người xưa đi tìm người hiền dựng nghiệp. Thường thì hồ sơ của mỗi người được chuyển đến Phòng giáo dục chỉ như thế này: sắp xếp theo lý lịch, dạy môn gì...; giữ được công bằng đến đó là tốt rồi. Nhưng nếu chỉ nhìn quan liêu hành chính theo kiểu đó thì tìm đâu ra người để xây dựng Trung tâm Hướng nghiệp này, bởi tất cả đều chỉ là giáo viên cấp 2, dạy văn hóa.
- Tôi tìm ra do kinh nghiệm cuộc đời - Thúy nói - Tôi biết rằng có những cái không ghi vào lý lịch, là những khả năng có từ cuộc sống ở nơi mỗi con người. Nhà trường chỉ đào tạo một mặt, còn cái mà cuộc sống đào tạo ra cho anh và cho tôi là lớn lắm chứ! Tôi tìm nắm lấy cái nguồn này, phát hiện, đưa về đây vun xới, họ vừa làm vừa nghiên cứu. Quả nhiên, họ có những năng lực không ngờ...
Tôi đã gặp gỡ, trò chuyện nhiều với anh em, có người đã bỏ nghề, bỏ cuộc, cũng định tung hê luôn cả tương lai của mình, nếu không gặp Thúy, tôi không nói quá. Bây giờ, họ trở thành người giỏi giang khó có người thay thế ở Trung tâm đây. Anh Thuần đã xây dựng một giáo trình khoa học cơ bản cho những môn mỹ nghệ trước nay dân gian chỉ dạy bằng kinh nghiệm tâm truyền ; nhóm của cô Nguyễn Thị Vân, duy nhất trong cả nước đã dám biên soạn chương trình Tin Học và kỹ thuật điện toán đưa vào cấp 2 ; Nguyễn Thanh Phúc, tác giả của hơn 10 loại máy công cụ ; Nguyễn Quốc Hội không biết học ở đâu, rất nhiều nghề, điện lạnh, máy nổ, tác giả trực tiếp thiết kế các kiểu hầm biogaz trên địa bàn Huế hoặc là Nguyễn Thượng Hiền, nguyên giáo viên cấp 1, lúc đầu chỉ mới gia công mộc, bây giờ làm chủ cả quy trình sản xuất mộc, từ lý thuyết, thực hành đến tổ chức kinh doanh bản lĩnh lão luyện như một kỹ sư già. Và như anh Sáu, như Thiện... Họ không tìm kiếm một thứ ưu đãi nào cả, mỗi người đã vươn qua bản thân mình rất xa chỉ vì họ thích cách sống như vậy, và vì họ tâm đắc cái giá trị sâu thẳm trong nhiệm vụ chuẩn bị con người cho tương lai.
***
Điều đáng phàn nàn là sự đối xử lạnh nhạt của các cơ quan trách nhiệm đối với đứa con ưu tú này của ngành giáo dục. Ngoài kinh phí hàng năm, tương đương với một đơn vị trường cấp 3, Sở giáo dục đã không còn khả năng tài chính để dành cho yêu cầu phát triển sự nghiệp của Trung tâm một chính sách đầu tư nào khác. Từ 8 lúc ban đầu, nó phát triển thành 29 bộ môn, từ 1 nó tự nhân lên thành 3 trung tâm (chỉ kể trang thiết bị của riêng hai trung tâm sau này đã lên đến hàng chục triệu đồng), tất cả đều cơ bản từ cái vốn ban đầu ấy mà đi, bằng vốn tự có làm ra bởi sức lao động của thầy và trò; ngoài ra cả Bộ, Tỉnh và Thành phố đều như không biết rằng một Trung tâm hướng nghiệp kiểu này còn cần đến một khoản kinh phí sự nghiệp tốn kém biết chừng nào! Tự có để tồn tại cũng là một giải pháp, nghĩ như thế cũng được đi, trong lúc tình hình tài chính của tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng tại sao lại cúp luôn cả chi tiêu kế hoạch vật tư dành cho việc dạy dỗ và học tập ở một nơi mà trẻ em bắt đầu học a.b.c. chính trên gỗ và sắt thép? Tính ra, một em học nghề tiện thì ít ra một năm phải chi phí cho nó 500đ; học mộc thì cho nó 10 mét khối gỗ, học nguội thì vài tạ sắt, chỉ để cho nó "phá" thôi.
- "Chúng tôi không xin không, chỉ xin chính quyền cho tôi một số chỉ tiêu của vật tư kỹ thuật để được mua theo giá cung cấp, thì sáu năm qua vẫn là zêrô. Tôi đi xin đến đọa đày, nhưng chưa bao giờ được phân phối chỉ tiêu kế hoạch một tấc sắt, một tấc gỗ, cả Sở, Tỉnh và Thành đều như thế!".
Có lẽ đó là lời cay đắng duy nhất tôi nghe từ Thúy qua suốt câu chuyện. Tôi vẫn đi lại nhiều nơi ở Quảng Nam Đà Nẵng, Nghĩa Bình hoặc thành phố Hồ Chí Minh, biết chính quyền địa phương đã vứt vào các trung tâm của họ bao nhiêu triệu bạc; riêng ở trung tâm Nghĩa Bình tôi đã nhìn thấy một bãi gỗ mênh mông, đều là chi tiêu kế hoạch của Tỉnh, phân phối cho con em mình; lý do là ở đâu người ta cũng nhìn thấy được tính cấp bách của loại hình giáo dục tiên tiến nhất thời đại này.
Báo chí ta cũng không biểu lộ một chút thiện cảm nào khá hơn. Báo Nhân Dân, và nhiều báo, đài phát thanh, Truyền hình quốc gia và ở thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng loạt bài vở giới thiệu Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp Huế. Cảm ơn đài Vô tuyến truyền hình Huế đã dành cho nó mười phút vào năm 1983, còn báo của tỉnh và đài của tỉnh thì hình như chưa biết đến nó bao giờ cả, kể cả một dòng tin vui ngày Trung tâm đón nhận Huân chương Lao Động. Thú thật tôi không tìm được lý do để tự mình giải thích. Tôi hiểu rằng có bao nhiêu người vẫn lặng lẽ chăm lo vun xới cho cuộc sống, và cuộc sống vẫn đi lên thôi. Nhưng sao những cái nghịch lý như vậy vẫn cứ làm cho ta tức giận? Có phải đó là biểu hiện của cái mà báo chí thành phố Hồ Chí Minh gọi là "chủ nghĩa MACKÊNÔ" Mặc-Kệ-Nó?
Tôi không nghi ngờ rằng Trung tâm này đã nhận được sự ủng hộ thành tâm của mọi ngành, mọi cấp. Nhưng nếu không có những hành động có trách nhiệm nhằm tháo gỡ những mắc míu vô nghĩa để sự ủng hộ ấy mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống, thì tôi e rằng phải cần đến một băng ghi âm cấp vũ trụ để ghi hết những lời cổ vũ...
Huế, tháng 12 năm 1986
H.P.N.T
(SH23/01-87)
--------------
(1) BMG: "Bức xạ mặt trời - Mêtan - Gió", chương trình khai thác năng lượng mới, hiện nay Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp Huế đã giúp xây dựng được một thiết bị điện gió dùng thắp sáng một ngôi trường ở rừng núi (trường Bình Thành)