Tạp chí Sông Hương - Số 282 (T.8-12)
Cùng Nhất Lâm xuống "Suối tiên tắm"
09:50 | 20/08/2012

PHẠM PHÚ PHONG

Nhất Lâm tuổi Bính Tý (1936), năm nay đã 76 tuổi, xếp vào hàng “xưa nay hiếm”, nhưng mãi đến nay anh mới đến được Suối tiên tắm (Nxb Văn học, 2012).

Cùng Nhất Lâm xuống "Suối tiên tắm"

Để đến được dòng suối Pó Thẳm có “nước nóng ấm quanh năm”, nhìn thấy “bảy sắc cầu vồng như bồng lai tiên cảnh”, chết lặng trước vẻ đẹp của tạo hóa và phải “nín thở, choáng ngợp trước da thịt, hai bầu vú no tròn mà thật thanh tao. Thề có trời đất và núi rừng Tây Bắc, tôi nhìn mà chiêm ngưỡng, không hề dung tục. Có lẽ bị bất ngờ nên sự thánh thiện trong tôi còn nguyên vẹn” (tr.10), anh đã phải miệt mài lầm lũi bước đi, qua một chặng đường dài với 4 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, 3 tiểu thuyết, 1 tập ký và 1 tập sưu tập, tiểu luận chân dung, nghĩa là ngót nghét có đến vài nghìn trang sách. Đó là chưa kể đến những bài báo, những bài viết có tính chất thông tấn, theo kiểu “mì ăn liền”. Tôi không hề có ý nói rằng, chỉ đến tập sách này, anh mới đến hoặc đã đến bến bờ đích thực của cõi văn chương hư ảo mà không hư vô, bí ẩn huyễn hoặc nhưng lung linh và sáng láng của đời người. Nhưng không hiểu sao, đọc anh, tôi có cảm giác như được cùng anh không chỉ đến bên bờ suối, mà còn đến ngâm mình trong dòng nước ấm, ngước nhìn vòm trời xanh mà “lá cây cũng ngừng thở, một sự yên tĩnh ở chốn linh thiêng khiến cả máu và tim trong người tôi cũng ngưng tuần hoàn” (tr.11).

Tập sách chưa đầy 200 trang, gồm 16 truyện, anh viết về khát vọng của con người, về lẽ sống, thiên lương, thế sự, nhân tình, tình yêu và cả những bản năng dục tính, ngay cả ở những nhân vật trong lịch sử, trong thời chiến tranh và hậu chiến... Hầu hết truyện của Nhất Lâm đều là những trải nghiệm đời sống đã qua, được người viết kể lại với tư cách là người chứng kiến hoặc có can dự vào câu chuyện với tư cách là nhân vật tôi. Do vậy thời gian vật chất được tái tạo thành hình tượng thời gian nghệ thuật chủ yếu là thời gian quá khứ. Ngoại trừ một vài truyện anh không ghi thời gian sáng tác, còn lại hầu hết là được viết vào những năm đầu của thế kỷ XXI, trong đó tập trung nhiều nhất là năm 2006. Nghĩa là những sự kiện được tái hiện trong tác phẩm, đã có một quãng lùi khá xa trong quá khứ, mà xa nhất là những chuyện lấy đề tài từ lịch sử, chuyện tình từ thời nhà Mạc (Kinh thành bỏ ngỏ), chuyện hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân bị xử chém cách đây đã gần tròn một thế kỷ (Pháp trường trắng)... Xin được nói ngay rằng có thể dễ dàng nhận ra những truyện hay trong tập, là những truyện anh sáng tác gần đây như Suối tiên tắm, Chị Phụng và tôi, Lão bán cao ngựa (đều được viết trong năm 2011). Đó không chỉ là những giá trị đột biến trong cảm quan nghệ thuật, trong quá trình tìm kiếm đề tài, mà còn có bước phát triển trong tư duy nghệ thuật, thể hiện ở kết cấu, giọng điệu và nhất là ở việc xây dựng nhân vật tương đối hoàn chỉnh cả về ngoại hình, nội tâm, hành động. Trong truyện của Nhất Lâm, điểm mạnh không phải là ở kết cấu hay các thủ pháp dựng truyện điêu luyện, đầy những nét chấm phá, những câu văn tài hoa của một năng lực tâm hồn, mà chính là ở sức mạnh của vốn sống, của sự trải nghiệm của cả một đời người, in dấu trong từng câu chữ. Một bề dày của vốn sống và trữ lượng hiện thực đầy ắp trong cõi tâm hồn, không cầm giữ được, vụt thoát ra thành câu chữ, thành văn chương. Đồng thời, đọc văn anh mới thấy sự am hiểu đến tường tận về cuộc sống ở nhiều lĩnh vực, nhiều miền quê khác nhau, không chỉ ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, mà còn cả đời sống của đồng bào vùng Tây Bắc, miền núi Bắc Trung bộ... những vỉa tầng chất liệu đời sống nặng đầy trang văn, mà không phải bất kỳ nhà văn nào cũng dễ dàng có được, được tích lũy tỷ lệ thuận với tuổi đời, được anh phơi ra dưới nắng ấm của tâm hồn luôn trĩu nặng ưu tư, vừa lãng tử, viễn du, lại vừa nồng ấm thiết tha, sẵn sàng đón nhận những hệ lụy của đời sống, chứ không trốn chạy, chối từ. Ý nghĩa nhân văn toát ra từ tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm, đó chính là sự ca ngợi vẻ đẹp của con người, cả về thể xác và tâm hồn, được thể hiện thông qua những khát vọng sống của từng nhân vật.

Nhất Lâm là nhà duy mỹ, là người hướng về phái đẹp, nên những nhân vật đáng nhớ của anh đều là nhân vật nữ, hơn thế, đó còn là những phụ nữ đẹp. Họ hầu hết đều là những nhân vật trung tâm của các tác phẩm. Cái nhìn ấn tượng đầu tiên xuất phát từ lối miêu tả phóng túng của văn học hiện đại, chú trọng đến những yếu tố nhạy cảm, theo kiểu “phong nhũ phì đồn” nhưng hiệu ứng thẩm mỹ lại chạm đến những vấn đề có ý nghĩa cách mạng thể hiện quan niệm về nữ quyền một cách hiện đại. Cùng với Cao Hạnh có tập truyện ngắn xôn xao dư luận một thời là Vú cát, Nhất Lâm cũng đã có tập thơ miêu tả có vẻ rắn hơn là Vú đá và cả trong nhiều tác phẩm văn xuôi trước đây của anh, khi miêu tả ngoại hình người phụ nữ đẹp, anh đều không quên dừng lại một cách cận cảnh để đặc tả vẻ đẹp thiên phú này. Nhưng lần này, “ông lão 76” duy mỹ không dừng lại ở miêu tả ngoại hình, mà coi ngoại hình chỉ là sự mở đầu để dẫn dắt cho nội tâm và hành động có ý nghĩa nhân sinh. Những người phụ nữ của anh không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài, mà còn biết thể hiện khát vọng sống của con người một cách chủ động, biết làm chủ hành động của mình, chứ không chỉ có bản năng, nghĩa là biết làm chủ cuộc đời và số phận mình, trước hết là trong tình yêu và cả trong sinh hoạt tình dục. Những nhân vật như Ín (Suối tiên tắm), Phụng (Chị Phụng và tôi), Tố (Khát), Yến Nhi (Người tình của vua), Thuận Châu (Con ngựa lông xám và ngôi mộ mới), Nhạn (Rừng trắng), Mạc Tuyết Lan (Kinh thành bỏ ngỏ) và cả “Con vợ ta đó” của Lão bán cao ngựa... đều là những người phụ nữ thể hiện vẻ đẹp và sức sống trong tâm hồn một cách mạnh mẽ, không che giấu giả dối, từ trong ý thức đến hành động, phô diễn một trong những vấn đề cơ bản của tuyên ngôn nữ quyền như thế giới phương Tây từng tìm kiếm và thực tế, nó đã xâm nhập không ít vào cảm hứng chủ đạo của tác giả và tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm văn học thế giới. Nhân vật nữ của Nhất Lâm mỗi người mỗi vẻ, có mỗi hoàn cảnh cuộc đời và số phận, đặt trong từng không gian, thời gian, sự kiện khác nhau, đều thể hiện những tính cách khác nhau, nhưng đặt liên hoàn nhiều hình tượng trong nhiều truyện khác nhau sẽ có sự bổ sung cho nhau, tạo nên chân dung một người phụ nữ đẹp của văn hóa phương Đông một cách rõ nét - một phương Đông thuần khiết nhưng hiện đại, một vẻ đẹp thân xác lồ lộ nhưng lại tỏa ra mùi hương thánh thiện trinh nguyên, không chỉ chiêm ngưỡng bằng thị giác, xúc giác hay thính giác... mà bằng tổng hòa của tất cả các giác quan, một kiểu giác quan đã hoàn thiện và xã hội hóa ở bậc cao, thể hiện bản chất người của con người. Ngược lại, hình tượng đối lập là thế giới đàn ông, trong đó không ít người ngỡ ngàng, thụ động, lén lút, giả dối, thậm chí được miêu tả đầy bản năng và “rớt hạng” đến mức: “Sao đi theo như một con chó đực vào nhà, rồi ngoan ngoãn lột hết quần áo làm tình với Tố trên chiếc nệm dày, vắt đến giọt tủy cuối cùng trong cơn rũ rượi đam mê” (tr.68). Không chỉ có những nhân vật nữ, thế giới nghệ thuật của Nhất Lâm còn có những người đàn ông tốt đẹp, những con người được nhìn từ những góc khuất, để nhận ra nét độc đáo, có tính cách khác thường, có lối sống khác người, có cuộc đời chìm nổi, gian nan nhưng lại là những con người có độ dư về phẩm chất làm người, như ông Vinh (Ông già kỳ lạ), ông Tiến (Đêm rượu Na Rì) hoặc ông lão nhân vật trung tâm trong Lão bán cao ngựa... Điều gây ấn tượng khó phai đối với người đọc còn thể hiện ở những hình tượng sắc nét được miêu tả từ các loài vật như con ngựa (Con ngựa lông xám và ngôi mộ mới, Con ngựa phi về trong sương), con chó (Foc kiêu ngạo), con khỉ (Người khỉ), hoặc Con tắc kè trong truyện ngắn cùng tên... Những con vật của anh có thể nửa người nửa thú như đứa bé trong Người khỉ, hoặc cũng có thể được miêu tả là những động vật bình thường, nhưng nó có thế giới tâm hồn và hành động của nó mang phẩm chất của con người, nó có một cuộc sống mang ý nghĩa nhân sinh như con người, thậm chí là con người tốt, đứng trên và đối lập với cả thế giới thù hằn, độc ác, chiến tranh... những khiếm khuyết cố hữu của con người.

Hư ảo hóa một cách nghệ thuật hơn, Nhất Lâm thường miêu tả màu sắc trở thành hình tượng nghệ thuật đặc sắc, không chỉ là sự đơn thuần là gam màu tự nhiên như nước suối trong màu ngọc bích, con ngựa có màu lông xám hoặc ông già thì tóc bạc trắng, mà có khi người viết đã nhân hóa màu sắc, phổ cả những cung bậc tâm hồn của mình vào bảng màu của đời sống, tạo cho nó có sức sống biến hóa, đa dạng mà không có kỹ thuật pha màu của bất kỳ họa sĩ nào có thể đạt được. Ví như, chỉ màu trắng thôi, Nhất Lâm đã pha thành bao nhiêu màu khác nhau như Rừng trắng, Pháp trường trắng,... hoặc da thịt người đàn bà khi thì “trắng hồng hơn cả trứng gà vừa luộc chín bóc vỏ, hai bờ vai thon với hai cánh tay trần cân đối” (tr.10), khi thì “da thịt nàng trắng nõn bày ra giữa ban ngày, giữa ban đêm sáng điện” (tr.69), khi lại chuyển sang trắng màu mỡ gà: “Trăng sáng đến độ da thịt trắng là vậy, bây giờ như mỡ gà. Tôi cách chị có thể nói là rất gần có mấy bước chân. Chị chẳng khác nào bức tượng bán thân sống động mà tôi được chiêm ngưỡng” (tr. 25)...

Như đã nói, Nhất Lâm thường quan tâm đến những con người có cá tính độc đáo. Đó chính là dấu vết xuất phát từ tư duy của một người viết ký. Vì vậy, truyện của anh, có cái là truyện ngắn, có cái là truyện xen lẫn với nhiều chất liệu của ký, cũng có cái chỉ là những ghi chép, hoặc những ký sự giản đơn (Con tắc kè, Đêm rượu Na Rì, Người khỉ, Rừng trắng). Điều đó thể hiện một nhược điểm dễ thấy trong truyện ngắn của Nhất Lâm là hầu như anh hoàn toàn không biết, hoặc không quan tâm đến kỹ thuật dựng truyện. Người viết cứ như người làm bếp nhiệt tình, có gì cứ dọn hết ra mâm, không cần tổ chức, sắp xếp tuần tự theo từng món để kích thích và khơi gợi khẩu vị của người thưởng thức theo tâm lý hưởng thụ. Có thể nói, truyện của anh không có kết cấu, hầu hết đều không có cốt truyện, không được dẫn dắt theo từng tuyến, từng hệ thống sự kiện và nhân vật. Giữa các chuyện thường được gia công gia cố nghệ thuật thành các truyện, nhưng lại thiếu vôi vữa để xâu chuỗi, liên kết các truyện lại với nhau một cách nghệ thuật. Đọc truyện anh dễ cảm nhận được sự phản ánh một cách trực tiếp gần như thô mộc, sự biểu hiện đời sống nội tâm một cách thật thà, trong sáng, chân chất đôi khi đến mức vụng về, gần với đời sống hơn là những mài dũa nghệ thuật một cách công phu. Đôi khi còn lẫn lộn giữa nghệ thuật và đời sống một cách cố ý. Truyện Đêm rượu Na Rì đang được tác giả dàn dựng công phu với câu chuyện diễn ra trên bàn rượu về cuộc đời, chiến công và nhân cách của Hứa Nam Tiến, bỗng nhiên xuất hiện con người thật là đại tướng Võ Nguyên Giáp, lại còn được phu nhân đại tướng mời cơm, đưa đi xem biểu diễn văn nghệ của đoàn nghệ thuật tổng cục chính trị cùng với nhà thơ Tố Hữu, lại còn cho xe đưa về, cho người xây dựng nhà cửa khang trang! Hoặc chuyện về con người tài năng xuất chúng trong Ông già kỳ lạ, đến gần cuối truyện tác giả bỗng nhảy xổ vào: “Lạ lắm Lâm ạ, đêm ấy bác trở về cái lán trong rừng, cái lán mà chúng mình đã vào thuở anh lên đây dịp hè. Trời cũng mưa to như thế này. Hơn một tuần sau khi người cháu thường đem tiền đến cho bác thì chẳng thấy gì cả. Gà nuôi đi đâu hết. Con khỉ... có lẽ cũng về rừng. Một ụ mối to đùng như một ngôi mộ cạnh cái bàn nước” (tr.122-123). Đúng là con khỉ đã về rừng. Và, lối viết này của Nhất Lâm là chấp tất cả những nhà lý luận về thể loại với những thứ lý thuyết màu xám của họ.

Trong dòng chảy chung của những câu chuyện tự sự pha trộn giữa truyện và ký, có kết cấu lỏng lẻo ấy, có truyện Nữ đảng viên Thanh Hằng, là truyện có số trang ngắn nhất trong tập, chỉ vỏn vẹn chưa đầy bốn trang sách (từ trang 124 đến 128) lại là truyện có dung lượng hiện thực lớn, có kết cấu và ngôn từ cô đọng và kín đáo, tạo ra những kịch tính bất ngờ, có ý nghĩa xã hội và nhân sinh sâu sắc. Lối viết của Nhất Lâm là lối viết nhẩn nha, thong thả, có sao kể vậy, vừa kết hợp giọng trần thuật, giọng miêu tả và giọng nhân vật được phân biệt một cách rạch ròi như người không có chiêu thức gì độc đáo. Người đi nhiều, biết nhiều, từng trải và bản lĩnh, kiểu như có một nội công thâm hậu, nhưng lại không có một chiêu thức võ công nào điêu luyện để thi thố nội công. Nhưng với truyện ngắn này, là một thứ men rượu nặng nồng độ, được chưng cất từ tâm hồn nhiều trải nghiệm, anh đã tạo ra một sản phẩm đặc sánh nhựa sống, thể hiện trình độ điêu luyện về thể loại nghệ thuật truyện ngắn. Nhan đề của truyện là dở, nếu không muốn nói là quá dở và sặc mùi chính trị, kiểu các mẩu chuyện về người tốt việc tốt, nhưng đó là lối ra chiêu cố ý để hở sườn để đánh lừa đối thủ. Ba trang đầu, anh tiếp tục nhử người đọc bằng cái lối dàn dựng rề rà không khác gì các truyện trước: Một cô y tá có chồng là kỹ sư được đề bạt làm phó giám đốc xí nghiệp, cô đang phấn đấu vào Đảng và chi bộ kết nạp khi cô đang đau nằm viện... nói chung cả hai vợ chồng đều xuất thân từ công nhân, từ người lao động, có phẩm chất và mục tiêu phấn đấu trong sáng, rất đáng ca ngợi; tình tiết bỗng dồn nén và bộc phát kịch tính vào những câu cuối truyện thông qua lời kể của nhân vật tôi, người giới thiệu cô vào Đảng: “Vậy mà đã mười năm, trời đất... Sao tôi lại thấy Thanh Hằng vào chiều nay! Bà phu nhân chủ tịch tỉnh đứng trên tầng ba ngôi biệt thự tân kỳ ở một đường phố lớn. Ban công đầy hoa đẹp, phong lan chậu cảnh. Áo váy lấp loáng qua nắng chiều như phát quang, kim tuyến. Thanh Hằng phát hiện ra tôi đi xe đạp chầm chậm nhìn lên nên quay vào nhà tay kéo cánh cửa kính. Chính động tác này làm tôi thấy chóe lên ánh kim loại từ vàng ngọc trên mấy ngón tay đầy nhẫn quý của phu nhân chủ tịch tỉnh” (tr.128). Chỉ một sự kiện nhỏ với vài ba chi tiết nhỏ đã chuyển bài ký tản mạn, thậm chí là một bài báo thông tấn, thành một truyện ngắn hàm chứa ý nghĩa xã hội sâu sắc. Và, quả là Nhất Lâm đã dùng vô chiêu để thắng hữu chiêu qua truyện ngắn có lối nói hàm ngôn này.

Cũng có nhiều truyện anh viết theo phương thức ẩn dụ hoặc hoán dụ như lối phản ánh có tính chất ngụ ngôn, ngoa dụ của dân gian như các truyện Foc kiêu ngạo, Người tình của vua, Kinh thành bỏ ngỏ... nhưng xem ra, ý tưởng để lộ ra từ đầu truyện nên không mấy thành công.

Nhà văn là nhà nghệ thuật ngôn từ, thậm chí, cao hơn, có người như Nguyễn Tuân, còn là nhà ảo thuật về ngôn từ. Nhất Lâm không tài hoa và có đủ bùa phép để biến hóa nhiều như thế. Nhưng anh gần với cây đại thụ trưởng bối về cảm quan duy mỹ. Chính vì yêu cái đẹp mà anh đến với trò chơi chữ nghĩa. Và, khi đã tham gia trò chơi, anh cứ chơi đến cùng, anh cứ viết, viết một cách âm thầm, chậm rãi, không cố sức với mong mỏi thành sự nghiệp này, chức phận kia, mà nhẩn nha thong thả. Anh viết như bản năng của một nghệ sĩ. Anh như người đi xe đạp thong dong, không đủ điều kiện và tốc độ để lấn đường. Thậm chí, có khi đọc những tác phẩm gần đây của anh, tôi có cảm tưởng anh giảm tốc độ chậm hơn cả người đi xe đạp, tôi ướm thử nhiều cách gọi đều không chính xác, đành phải tạm gọi đó là lối văn chương đi bộ! Ngôn ngữ văn chương của anh như được lấy trực tiếp từ đời sống, không qua chưng cất, không có sự chọn lựa, gọt dũa, bôi trơn một cách chỉnh chu, cẩn thận của người chơi. Vì vậy, giọng điệu văn chương của Nhất Lâm gần gũi với đời sống, gần với ngôn ngữ giao tiếp, anh viết như nói, văn của anh là văn nói chứ không phải văn viết, đọc văn anh dường như ta nghe được cả những âm thanh, những giọng điệu có chút thô mộc nhưng là sự kết tủa từ hơi ấm của đời sống, một cuộc sống cần lao đầy chật vật của kiếp người. Với Nhất Lâm, không thể dùng các quy luật ngữ pháp, cú pháp thông thường để soi rọi, kiếm tìm để bắt bẻ, chê bai (và quả là, ở phương diện ấy, thật lòng mà nói anh có nhiều cái để người đọc không hài lòng), mà hãy lắng nghe âm thanh và mùi vị cùng với mồ hôi của một đời sống lồi lõm, chật vật chứ không mấy bằng phẳng, thong dong.

Như đã nói, nhiều tác phẩm ra đời gần đây của Nhất Lâm đều là những tác phẩm hay, điều đó liên quan đến tốc độ chuyển dịch trong đời sống và văn chương của anh. Đi càng ngày càng chậm, anh có điều kiện quan sát, lắng nghe tiếng nói của đời sống một cách tỉ mỉ và cẩn trọng đính cài cảm xúc của mình vào từng con chữ để lùa vào trang giấy và ép mỏng nó ra, để nó sẽ trở nên sống động một cách mãnh liệt hơn. Tôi nhớ, có ai đó đã nói rằng, đối với văn xuôi, tuổi đời của tác giả luôn tỷ lệ thuận với mức độ thành công của tác phẩm, đối với Nhất Lâm quả là hoàn toàn chính xác.

P.P.P
(SH282/08-12)








 

Các bài mới
Ma Di Gô (31/08/2012)
Ba lần rơi (27/08/2012)
Mưa Huế (24/08/2012)
Các bài đã đăng
Làm dâu (16/08/2012)