Tạp chí Sông Hương - Số 282 (T.8-12)
Một số tương đồng và dị biệt giữa hát xẩm và âm nhạc nhân thanh truyền thống Huế
16:20 | 27/08/2012

NGUYỄN TẤN TÔN NỮ Ý NHI

Trong ý niệm của nhiều người từ hạng trí thức cao cho đến bình dân, ngoại trừ dân nghiên cứu dân tộc nhạc học, hát xẩm là một thể loại âm nhạc có xuất thân thấp kém, luôn gắn liền với hình ảnh của người khiếm thị và cây đàn nhị từ góc phố, sân đình hay bãi chợ. Nhắc đến hát xẩm, đa phần người ta liên tưởng ngay đến những ca từ mộc mạc, dung dị và lắm khi dung tục.

Một số tương đồng và dị biệt giữa hát xẩm và âm nhạc nhân thanh truyền thống Huế
Hát xẩm - Ảnh: internet

Là một người yêu vốn cổ, có máu bảo tồn di sản tiền nhân, tôi cũng không ngoại lệ trong cách nhìn về hát xẩm. Thế nhưng, cái duyên với bài xẩm “quyết chí tu thân” từ một người bạn đất Hà thành đã đánh thức sự tò mò trong tôi. Thoạt đầu khi nghe bài này, tâm hồn tôi như bay bổng với cung điệu. Tiếng hát “một anh hành khất khiếm thị” trong veo như làn gió thoang thoảng đã vỗ về niềm đam mê âm nhạc cổ truyền trong tôi. Trong niềm mơ hồ dịu vợi, tâm thức tôi sực bừng tỉnh với nhiều thắc mắc. “Tại sao xẩm là âm nhạc của kẻ hèn mà giai điệu lại bác học thế này?”, “Tại sao những kẻ hạ lưu của một thời lại có thể trau chuốt từ ngữ một cách hàn lâm thế nhỉ?!”, “Tại sao những người khiếm khuyết lại mơ mộng về hội long vân và hình bóng anh hào vậy?”, “tại sao…”, “tại sao…” và “tại sao???”. Và như thế, tôi đã nương theo “quyết chí tu thân” để tìm về nguồn gốc của hát xẩm, và… đã bất ngờ với những lời giải đáp.

Nguồn gốc của hát xẩm

Theo “Nghệ thuật hát xẩm” của tác giả Khương Văn Cường (2009), loại hình nghệ thuật này xuất hiện dưới thời nhà Trần. Thời đó, vua cha Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Toán là anh nhưng lười biếng, còn Đĩnh là em nhưng chăm chỉ học hành, đàn hay hát giỏi nên được vua cha yêu mến. Một hôm nọ, hai anh em vào rừng săn bắn, Đĩnh thấy viên ngọc quý định đem về dâng vua cha nhưng đã bị anh cướp công và chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Tỉnh dậy, hai mắt mù lòa nên Trần Quốc Đĩnh chỉ biết than khóc rồi thiếp đi. Trong mơ bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Ông mò mẫm làm cây đàn và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay hòa quyện với những lời hát đầy tâm sự của vị hoàng tử bạc phước nhưng uyên thâm đó đã khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. (Theo suy đoán thì đây là tiền thân của cây đàn bầu hiện nay.) Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua cho gọi ông vào hát và nhận ra con mình. Trở lại đời sống cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung. Người dân lấy ngày 22 tháng 2 và 22 tháng 8 âm lịch làm ngày giỗ của ông.

Mặc dù chưa tìm thấy một văn bản viết nào xác định nguồn gốc của hát xẩm nhưng từ hàng trăm năm nay người đời vẫn truyền miệng nhau câu chuyện của đời nhà Trần. Như vậy, nếu xét theo sự tích kể trên thì xuất thân của hát xẩm không quá thấp kém như nhiều người trong chúng ta thường nghĩ. Cha đẻ của nó, do đó, là một người có nguồn gốc cao quý và học vấn uyên thâm. Vì lẽ này, tính hàn lâm trong ca từ và sự chặt chẽ trong luật thơ của các bài xẩm xưa, dẫu rằng nó gắng liền với đời sống dân dã bình dị, cũng là không quá khó hiểu.
 

Gánh hát xẩm. Bộ ảnh độc đáo về Hà Nội xưa: Nghệ thuật Hà Nội xưa - Ảnh: TTO


Một số đặc điểm trong hát xẩm

Bàn về ca từ và nội dung bài hát xẩm, cũng như nhiều thể loại nhạc nhân thanh truyền thống khác, hát xẩm cũng có hai nguồn chính đó là xẩm khuyết danh và xẩm có tên tác giả. Những bài xẩm khuyết danh thường bắt nguồn từ dân gian, hầu hết là truyền miệng và không ai nhớ tên tác giả. Thể loại này rất phong phú vì đa phần nội dung lời ca được chắt lọc từ ca dao, tục ngữ, truyện thơ dân gian. Bên cạnh đó, những bài xẩm có tên tác giả cũng là một nét văn hóa tiêu biểu của loại hình nghệ thuật này. Tác giả của những bài xẩm này là các nho sĩ nổi tiếng như Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Hoành Sơn, Trần Trung Viên, Á Nam Trần Tuấn Khải, v.v… Phong cách xẩm này có nhịp điệu hối hả hơn và ngôn ngữ bóng bẫy hơn để phù hợp với lối sống thị thành cũng như người sáng tạo và thưởng thức nó. Và phong cách này nghiễm nhiên được mệnh danh là “dòng xẩm Hà Nội”. Đa phần, nghệ nhân xẩm sử dụng nhiều bài thơ của các danh sĩ kể trên trong quá trình diễn xướng. Do đó, nội dung xẩm không dừng lại ở ca dao, tục ngữ, hò vè mà còn cả thơ phú. Cũng vì thế, nội dung xẩm rất đa dạng với những bài trào phúng, tự sự, giáo dục luân lý, tình yêu nam nữ, lòng trung quân - ái quốc, kể chuyện thời sự, kể về điển tích, danh sĩ, v.v… Nói chung, xẩm phản ánh rõ nét mọi khía cạnh trong đời sống con người.

Một số tương đồng và dị biệt giữa hát xẩm và âm nhạc truyền thống nhân thanh Huế [1]

Âm nhạc truyền thống có nhân thanh ở Huế (dân ca và nhạc thính phòng hay còn gọi là Ca Huế) và hát xẩm đều là sản phẩm trí tuệ và tâm hồn của một thời, đánh dấu những bước phát triển về thẩm mỹ, thị hiếu âm nhạc cũng như nhân sinh quan của bao lớp tiền nhân. Cùng phát triển gần như song song suốt dòng chảy lịch sử Việt Nam, hai loại hình nghệ thuật này cũng mang trong mình những tương đồng và dị biệt cơ bản.

- Cũng như hát xẩm, âm nhạc truyền thống có nhân thanh ở Huế thông thường cũng có hai nguồn chính là khuyết danh và có tên tác giả. Hầu hết các bài dân ca Huế thường không rõ do ai sáng tác. Về Ca Huế, hầu như ít có tài liệu nào bàn về niên đại xuất hiện của các bài bản; tuy nhiên đa phần các bài ca Huế không khuyết danh. Trong số những tao nhân mặc khách góp công vào việc sáng tác lời Ca Huế, chúng ta có thể kể đến Bửu Lộc, Gia Tuân, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Á Nam Trần Tuấn Khải, v.v…

- Cũng như rất nhiều loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam khác, trong hát xẩm và âm nhạc truyền thống có nhân thanh ở Huế (dân ca và Ca Huế), người biểu diễn thường thay đổi lời bài hát vào trong các giai điệu cơ bản để diễn tả những tâm tình, trạng thái hay phản ánh những sự vật, sự việc khác nhau trong cuộc sống. Chính đặc điểm này đã khiến cho kho nội dung các loại hát xẩm, dân ca Huế và Ca Huế phong phú theo tháng năm.

- Không ít các bài bản trong hát xẩm, dân ca Huế và Ca Huế đều được gọi tên theo lời bài hát nguyên thủy của nó. Ví dụ, ở Huế có điệu lý tình tang thường được gọi là lý mười thương vì các nghệ sĩ Huế xưa nay thường hát bài ca “mười thương” trên nền nhạc của lý tình tang. Tương tự, lý tình như được gọi là lý bốn cửa quyền, lý hoài nam được gọi là lý chiều chiều; lý giang nam được gọi là lý con sáo Huế, v.v… Trong hát xẩm, chúng ta có thể thấy rằng: “Có lúc tên bài thay cho tên điệu, lúc khác tên điệu thay cho tên bài, nếu vội vàng cho rằng các nghệ nhân không khoa học, không nhất quán… thì thật sự không phải thế!” (Khương Văn Cường, 2009). Điều đó chứng tỏ rằng cả người Huế và người Hà Nội xưa đều có quan điểm rất giống nhau trong cách gọi tên các làn điệu.

- “Hát xẩm là một thể loại âm nhạc có hát, có đàn. Trong hát xẩm, “điệu” là tín hiệu âm nhạc đầu tiên và quan trọng cho sự thống nhất cữ giọng giữa người đàn và người hát. Cho dù người hát có tự cầm đàn thì khi chuẩn bị cho câu hát đầu tiên vẫn không thể thiếu những âm dạo đầu mà nghệ nhân quen gọi là đưa hơi” Khương Văn Cường, 2009). Các câu nhạc mở đầu ấy người thường ít chú trọng đến phách nhịp, mà chủ yếu chỉ là bậc và tính chất của bài chuẩn bị hát. Hình thức này thì trong hát xẩm gọi là “đưa hơi” và trong âm nhạc truyền thống Huế gọi là “dạo”.

- Như đã nêu trên, cả trong âm nhạc Huế lẫn hát xẩm đều có hình thức dựa trên ca dao, tục ngữ hay thơ phú để biểu đạt tâm tình. Bàn về vấn đề này, người viết mạn phép được đề cập đến cách phổ thơ trong hình thức thể hiện xẩm và âm nhạc truyền thống Huế. Về cách phổ thơ, cũng trong khóa luận tốt nghiệp của Khương Văn Cường, tác giả đã phân ra 3 cách, bao gồm: phổ thơ xuôi chiều, phổ thơ đảo chiều, và phổ thơ vay - trả.

a. Phổ thơ xuôi chiều: tức là trong khi hát, người hát giữ nguyên trật tự câu chữ của lời thơ. Điều đó có nghĩa là câu thơ gốc vẫn được giữ nguyên, người hát chỉ thêm thắt một số từ đệm theo dạng ngẫu hứng khi trình bày để giai điệu bớt trắc hoặc mượt mà và trầm bỗng hơn. Ví dụ, bài Giăng sáng vườn chè, thơ của Nguyễn Bính được nghệ sĩ xẩm phổ xuôi như sau:

Sáng giăng i ơ chia nửa vườn chè
Một gian nhà nhỏ i ơ đi về có nhau…


b. Phổ thơ đảo chiều: là hình thức một câu thơ không còn giữ nguyên trật tự. Thay vào đó, các từ ở cuối câu được đưa lên đầu câu, sau đó mới toàn bộ câu thơ mới được thể hiện theo đúng gốc của nó. Loại phổ thơ đảo chiều này thường được dùng trong câu lục của thơ lục bát, chẳng hạn bài thơ “quyết chí tu thân”:

Làm tài giai quyết chí tu thân,
Công danh không vội, nợ nần không lo…


nghệ sĩ xẩm sẽ đảo nghịch chiều như thế này:

Quyết chí tu thân, làm tài giai quyết chí tu thân,
Công danh không vội, nợ nần không lo…


c. Phổ thơ theo kiểu vay - trả: toàn bộ câu lục của thể thơ lục-bát trong cặp thơ sau được nghệ nhân “vay” để hát sau khi hoàn thành cặp lục-bát đầu tiên. Do đó, vay - trả xuất hiện ở cuối mỗi đoạn nhạc hay trước những câu lưu không đóng vai trò kết nối các khổ nhạc. Điển hình trong bài thơ Mục hạ vô nhân của vị Tam nguyên yên đỗ Nguyễn Khuyến:

Anh đây mục hạ vô nhân
Nghe em nhan sắc lòng xuân dạt dào
Dù em mặt phấn má đào
Dửng dưng anh chẳng thèm trông làm gì…


nghệ sĩ hát xẩm có thể hát theo kiểu vay - trả như sau:

Mục hạ vô nhân, chúng anh đây mục hạ vô nhân
Nghe em nhan sắc lòng xuân anh mấy dạt dào
Dù em mặt phấn má đào
(câu vay)
(Lưu không)

Mặt phấn má đào, dù em mặt phấn má đào (câu trả)
Dửng dừng dưng anh cũng chẳng có thèm trông làm gì…

Là một người chuyên biểu diễn và nghiên cứu Ca Huế cũng như dân ca Huế, bản thân người viết nhận thấy rằng, cả 3 cách phổ thơ nói trên đều tồn tại trong âm nhạc Huế. Ví dụ, với làn điệu hò mái nhì, cùng một đoạn thơ trong Cung oán ngâm khúc như sau của Nguyễn Gia Thiều:

Trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào…


có người thể hiện theo kiểu xuôi, nhưng cũng sẽ có người theo lối đảo chiều. Nếu hò theo kiểu xuôi thì trật tự câu thơ lục trong đoạn song thất lục bát trên sẽ không thay đổi, nhưng nếu hò theo kiểu đảo chiều thì có thể có hai cách như sau:

1.
Vách quế gió vàng, hơ… trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào…


2.
Hiu hắt gió vàng, hơ… trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào…


Như vậy, cả hát xẩm lẫn nhạc cổ truyền của Huế đều có hình thức phổ thơ kiểu xuôi và đảo chiều. Tuy nhiên, qua phân tích, chúng ta có thể thấy rằng cách đảo chiều của người Huế đa dạng và linh động hơn, tùy vào lý lẽ riêng của từng người thể hiện để có cách đảo chữ.

Với cách vay - trả, nghệ sĩ Huế cũng thể hiện như nghệ sĩ hát xẩm tuy cách này không quá phổ biến trong nhạc Huế. Cách phổ thơ này có thể thấy rất rõ trong điệu lý tử vi của Huế:

Tử vi dầu dãi nắng sương,
Huê cam, huê quýt biết thương huê nào?!
Em thương huê mận huê đào,
Còn bông huê cúc biết vào tay ai…


Với 4 câu thơ trên, nghệ sĩ Huế sẽ vay - trả như sau:

Dầu dãi nắng sương, tử vi dầu dãi nắng sương
Huê cam tình như huê quýt, biết thương huê nào?!
Em thương huê mận huê đào
(vay)
(Lưu không)

Huê mận huê đào, em thương huê mận huê đào… (trả)

Về hệ thống nhạc đệm cho lời ca thì hát xẩm và nhạc truyền thống có nhân thanh ở Huế hơi khác nhau. Khóa luận tốt nghiệp nghiên cứu về hát xẩm của Khương Văn Cường có đề cập rằng khi nghệ nhân xẩm cất tiếng hát là lúc nhạc đàn gần như dừng hẳn chỉ còn bộ gõ vẫn hoạt động với chức năng giữ nhịp. Nhạc đàn chỉ được dùng ở phần “đưa hơi” và lưu không. Ngược lại, với nhạc truyền thống Huế, nhạc đàn là sợi chỉ xuyên suốt từ đoạn dạo đến lúc hát, qua đoạn lưu không và kết bài. Điều đó đồng nghĩa với việc nghệ sĩ Huế có thể phô diễn kỹ thuật trong suốt cả bài hát, còn nghệ sĩ hát xẩm chỉ được trổ tài trong đoạn “đưa hơi” và lưu không.

Nhìn chung, tuy hát xẩm cũng như Ca Huế và dân ca Huế được ra đời trong những thời điểm có thể không hoàn toàn giống nhau, những không gian biệt lập với những chủ thể sáng tạo khác nhau, nhưng những tương đồng giữa chúng khá lớn. Qua những so sánh ban đầu, 5 điểm giống và 1 điểm khác nhau của hai thể loại âm nhạc này đã được phát hiện. Những tương đồng và dị biệt ấy chỉ mới được xét trên cơ sở phân tích xuất xứ, đặc điểm ca từ, phong cách phổ thơ, cách đặt tên làn điệu v.v, chứ chưa đi sâu vào các đặc tính âm nhạc như thang âm và điệu thức. Nếu đi sâu hơn nữa vào những điều nêu trên, có lẽ sẽ có nhiều điều thú vị hơn được tìm thấy. Bài viết này, do đó, mạn phép là một gợi ý nho nhỏ cho nhiều phân tích lớn hơn giữa hát xẩm - Ca Huế và lý Huế.

N.T.T.N.Y.N
(SH282/08-12)

 



[1]. Có nghĩa là âm nhạc có kèm theo lời ca.

 

 

Các bài mới
Ma Di Gô (31/08/2012)
Các bài đã đăng
Ba lần rơi (27/08/2012)
Mưa Huế (24/08/2012)