Tạp chí Sông Hương - Số 283 (T.9-12)
Màu khói
14:27 | 17/09/2012

NGUYỄN ĐẶNG MỪNG 

Tôi làm vợ anh tròn ba mươi năm. Nhiều đêm chiêm bao thấy hắn, thấy lại vũng Cọp Rằn, tôi ú ớ kêu rên, tỉnh ra nằm khóc ấm ức.

Màu khói
Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU

Anh hỏi tôi chuyện gì, tôi lại nói dối, thấy tụi tàn quân mặc đồ rằn ri đang hiếp một đám con gái, trong đó có tôi. Anh ôm chặt tôi, xoa nhẹ vào lưng dỗ dành, “em nín đi, anh không nhớ thì em nhớ làm gì cái điều đau đớn ấy”. Tôi đã nói dối với anh về trinh tiết của mình, rằng tôi bị đám tàn quân hiếp khi chạy về cửa Thuận An. Tôi còn dàn dựng nên những cảnh bi thương để anh ấy thương cảm mà tha cho. Trong đêm tân hôn ba mươi mấy năm về trước, anh chỉ thở dài bảo, không sao, gieo chi gặt nấy. Tôi không hiểu ý câu nói của anh, dụi đầu vào lòng anh mà khóc.

Tối nay, tôi khóc thầm sau lưng anh trên đường đi đám cưới về. Tôi đã gặp hắn trong tiệc cưới. Cái mũi đỏ hỏn to bè như trái cà chua chín, hàm râu quai nón lởm chởm của hắn như dụi vào, cứa vào ký ức tôi đau nhói. Hắn, tôi phải nói với chồng tôi đích thị hắn là thủ phạm phá đời tôi, xui tôi dối trá với chồng ba mươi năm nay. Tôi phải nói ra điều đó với chồng mình, rồi lạy anh ấy, rồi ra sao cũng được. Chồng tôi đã tha cho nhưng đâu đã hết tội, tôi phải kể thật thà, không bịa ra như đã từng. Trên năm mươi tuổi rồi, lần này không nói chắc tôi mang tội lỗi về với bên kia thế giới thôi. Tôi phải nói, về hắn, về cái buổi tối kinh hoàng đó. Có lần con gái út học lớp mười hai hỏi tôi: “Trinh tiết có ý nghĩa thế nào hở mẹ”, tôi đáp không chút ngập ngừng: “Là cái điều nếu ta mất đi là ân hận suốt đời với chồng đó con ạ, ráng mà gìn vàng giữ ngọc”. Tôi trả lời con mà nhói cả lồng ngực. May mà chồng tôi đi vắng. Con tôi bảo: “Tụi lớp con sau những ngày lễ hội, sinh nhật, sau khi uống bia với nhau là từng cặp chở vào khách sạn. Vài tháng sau thế nào cũng có đứa dính đi phá thai mẹ à”. Tôi lồng lên: “Con cũng vậy à”. Con tôi run rẩy, “Tụi con chưa lần nào. Con không chịu vào đó, anh ấy giận bỏ con rồi”. Đôi mắt còn non trẻ của nó gợn lên chút ngạc nhiên về sự giận dữ của tôi, rồi khóc òa.

*

Đại đội thanh niên chúng tôi đi khai hoang kinh tế mới trồng sắn ở trung du, nơi vùng đồi thoai thoải, ở giữa thung lũng có một vũng nước đen ngòm bởi sình lầy rác rưởi tích tụ lâu năm, gọi là vũng Cọp Rằn. Nghe kể năm 72 đây là nơi giao tranh dữ dội. Từng hố bom sâu hoắm toác miệng lởm chởm sỏi đá đỏ quạch. Phần đông thanh niên chưa quen với lao động, những đứa từ thành thị về như tôi và anh.

Đại đội là đơn vị của thanh niên xã, làng gọi là trung đội, khoảng bốn mươi đứa cả nam lẫn nữ. Mỗi lần đi khai hoang gọi là ra quân với khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Vùng trung du còn bạt ngàn lau sậy, cỏ tranh và cây dại. Mỗi lần nghe một tiếng mìn hay bom bi nổ, chúng tôi dừng tay nhìn về hướng có cột khói màu tro bảo nhau, xã A làng B nào đó dính rồi. Những chiếc võng tải thương hai người gánh chạy lúp xúp về trạm xá dã chiến, sơ cứu và chuyển đi bệnh viện. Ai chết thì gánh về làng. Đám thanh niên chúng tôi quen dần với hiểm nguy, vẫn bình thản phát tranh, cắt cỏ. Lúc đốt rẫy tụi tôi chạy ra xa, thỉnh thoảng có vài trái bom bi hay mìn nổ, nhìn nhau cười vang. Hôm nào đốt rẫy không có tiếng nổ như thấy thiêu thiếu cái gì đó.

Anh Hà là người ở vùng này cho biết, có con cọp rằn ba chân rất hung dữ, thường lẩn quẩn ở vùng này. Còn ở dưới vũng Cọp Rằn hồi năm 72 có hàng chục xác nổi lều bều, bốc mùi nặng nề. Vậy mà giao tranh hàng tuần, hai bên không ai chịu thua, phải múc nước ở đó uống, nấu cơm và tắm rửa. Mỗi lần đi lấy nước bên này lại rình bắn bên kia. Cuối cùng hai bên thỏa thuận không bắn nhau khi đi lấy nước. Nghe vậy đám con gái chúng tôi ai cũng sợ run, quấn vào nhau đắp chăn lại. Con trai một bên, con gái một bên, anh thường được chọn nằm gần tôi, nơi ranh giới âm dương mong manh mà an toàn làm sao. Có đêm nằm mơ ôm chặt anh mà hôn, sáng ra tôi thẹn cúi mặt, anh vẫn tỉnh bơ. Anh ít nói, hay buồn, mặt trắng xanh, mang kính cận. Đặc biệt là anh hay đọc sách, ghi chép gì đó. Đối với con gái tụi tôi anh đầy bí ẩn. Hơi ấm làm chúng tôi ngủ say. Mờ sáng nghe tiếng hắn la lên: “Mời anh chị dậy cho, trời sáng rồi”.

Hắn tên Bùi Thắng, trung đội trưởng kiêm hậu cần, quản lý đong đếm lương thực thực phẩm cho nhà bếp. Hắn thường ghi chép lương thực xuất nhập trên một cuốn vở dày, chữ to và đầy lỗi chính tả, rồi nhờ tôi chỉnh sửa chép lại trên một cuốn khác để báo với trên. Một tuần Thắng cùng một ai đó do hắn chọn đi chợ mua thực phẩm. Thường hắn hay chọn những o có sức khỏe, béo tốt, theo hắn để đủ sức gánh thực phẩm. Có lần con Gái theo hắn đi chợ về bỏ ăn, nằm khóc. Ai hỏi càng khóc nức nở. Gái không nói gì, nhưng linh tính phái nữ cho chúng tôi biết hắn đã làm gì Gái trên đoạn đường đi về hai mươi cây số đó.

Hắn tươm tất trong bộ đồ công nhân đường sắt, ra chiều chỉ huy lắm. Mỗi lần đi thủy lợi, khai hoang khi nào hắn cũng có trà Bắc Thái, kẹo bánh, đường Trung Quốc, những loại cao lương mỹ vị mà ai thấy hắn nhâm nhi cũng thèm nhỏ dãi. Hắn hay cho con gái bánh kẹo, ưu tiên những o mập mạp. Thời đó béo là “tiêu chuẩn” hàng đầu. Ví như con gái gặp nhau, khen nhau là: “Bữa ni mi béo ra, đẹp quá”. Hắn thường kín đáo cho tôi một vài tép lương khô sau khi khen, “bữa ni o béo lên, đẹp thiệt”. Tôi nhận tép lương khô từ tay hắn, giấu vào đáy ba lô. Tối tụi bạn ngủ hết mới mò lấy ra cắn từng chút, sợ hết. Có hôm cắn một miếng lương khô, tưởng tóc đâu nhiều thế, hóa ra kiến đã nhanh hơn xơi gần hết, kiến bò đầy miệng, đầy mặt.

Con gái con trai đói ăn đứa nào cũng ốm yếu xanh xao. Tiêu chuẩn lương thực cho thanh niên đi khai hoang phục hóa ngày mỗi teo lại. Có khi nhận về toàn sắn lát, thường gọi là sắn cà lơ, dày, sẩm mốc và cứng như đá. Nhiều đêm ngủ đói, sáng ra tìm dép dép không còn, tìm nón nón mất quai, cả áo mưa nữa. Tụi con trai nửa đêm mò dậy ăn cắp đồ của con gái đi đổi bánh bột lọc dưới xóm rú, cách lán trại hai tiếng đi về. Ra nông trường bằng chân trần đau buốt, có đứa khóc như con nít, “mạ ơi mạ, có mô mà khổ lắm ri, mạ ơi mạ…”. Bữa ăn thường là cháo rau rừng, sắn tươi bào nhuyễn thêm ít gạo, nấu lên sền sệt như cám heo. Vậy mà mỗi đứa cũng được hơn chén B 52. Con trai ăn bạo, nóng thế mà có đứa húp cái ào là xong để múc chén khác. Con gái, nhất là tôi và anh, chưa quen cách ăn nên ngày nào cũng đói vàng mắt. Cứ mỗi lần gặp hắn là run lên, nhìn bàn tay nắm chặt thì mừng, vì thế nào lúc ngửa bàn tay hắn cũng có tép lương khô hay vài cái bánh bột lọc. Hắn như là ông bụt trong truyện cổ, thường cho cái ăn vào lúc tôi đói nhất.

Mấy hôm nay không hiểu sao hắn chẳng cho cái gì, tôi đang đói lắm. Buổi chiều ăn xong ngồi tán gẫu đến tám chín giờ là bắt đầu cơn đói. Nó thót ruột, nó cồn cào lắm không diễn tả được. Một bầy đói ngủ mê mệt. Tôi không tài nào ngủ được, mở mắt nhìn hắn đi lui đi tới như canh chừng điều gì đó rồi hướng về phía tôi ra hiệu. Chỉ cần thế, tôi nhẹ nhàng ngồi dậy, đi theo hắn. Trăng non lờ mờ, tôi ra khỏi lán theo hắn như con chó theo chủ. Dừng lại dưới đám lách, hắn bảo tôi nhắm mắt lại. Khi mở mắt ra hắn đã đưa miếng lương khô tận miệng tôi. Ui chao là thích là ngon, cắn từng miếng ngọt béo đến tận cùng da thịt. Rồi tôi vừa ăn lụp cụp từng miếng, cùng lúc hắn khoác vai tôi hôn chụt lên má. Tôi nghe râm ran da thịt, cái gì như là sung sướng chạy ngang dọc không định hướng, lan ra cả người. Râu hắn không làm tôi nhột lắm. Cảm xúc tôi tập trung vào từng miếng lương khô nhai nhuyễn trôi xuống họng. Hắn bắt đầu sờ soạng ngực tôi, tôi chỉ chống cự lấy lệ vì miệng đang nhai lương khô hắn cho mà! Hắn nói thầm vào tai tôi, “cho rờ một cái, mất chi mô nờ”. Tôi ậm ự với lương khô trong miệng. Hắn lại sờ soạng phía dưới rồi cố kéo quần tôi xuống. Quần tôi cột dây nên hắn không kéo được, cùng lúc tôi nuốt ực miếng lương khô rồi vùng khỏi tay hắn chạy về lán. Tôi bò lên sạp nằm gần anh và khóc suốt đêm. Tôi nghĩ đến mạ và những cái quần mạ may, cái nào cũng cột dây. Mạ còn dặn nhớ cột quần cho kỹ khi gần con trai nghe con, mất trinh là mất hết đời con gái. Có lấy chồng thì cũng không ra gì, chồng sẽ hành hạ cả đời con ạ. Tôi sờ lên mặt anh, đôi mắt anh ướt mà vẫn nằm bất động.

Những nguy hiểm về bom mìn không làm chúng tôi sợ bằng cái đói. Mìn nổ cái ầm là xong, ai chết thì đưa về làng chôn, bị thương thì đi bệnh xá, bị thương nhẹ càng tốt vì được một thời gian nghỉ ngơi, ăn tiêu chuẩn cao hơn.

Chúng tôi làm việc suốt ngày, ăn trưa tại chỗ với phần ăn đã được anh nuôi chia đều từ sáng.

Một sáng tôi được nghỉ theo tiêu chuẩn ngày kinh nguyệt. Chúng tôi phải khai với tổ trưởng phụ nữ để đăng ký ngày của mình. Có tháng không đúng ngày, hành kinh xảy ra trước hoặc sau cũng phải chịu, chẳng ai phàn nàn chi. Ngày của tôi không trùng với ai nên thật buồn. Ra nông trường mệt mà vui, còn kiếm được nhúm rau má để nhai cho khỏi xót bụng. Ở nhà một mình buồn và đói. Khoảng chín giờ tôi đã lấy phần cơm độn sắn ít ỏi ra ăn với ruốc kho quẹt. Ăn xong còn thòm thèm, rồi lăn ra ngủ.

Một tiếng ầm thật lớn rung chuyển cả vùng đồi phía trung đội tôi đang khai hoang. Chưa bao giờ có một tiếng nổ to đến thế. Tôi bật dậy chạy ra khỏi lán. Có tiếng í ới và tiếng khóc la ghê rợn. Tôi chạy băng băng về hướng có tiếng nổ. Một cảnh tượng rùng rợn trước mắt. Quá nhiều người bị dính mìn. Hắn la lớn, “đứa mô tới giúp một tay, con Gái còn sống đây nì”. Gái ngực đầm đìa máu, thở thoi thóp. Những khuôn mặt hớt hải chạy về lán kiếm võng. Được ba cái. Hắn ra lệnh gánh Gái và hai người bị thương khác chạy về hướng đại đội, nơi có y tá sơ cứu để chuyển về bệnh viện huyện. Quay về tôi hắn bảo, “O về giữ lán. Coi chừng kho lương thực, mất gạo sắn là chết đói hết”.

Tôi chạy về lán. Nắng chiều trong khói lửa rát bỏng. Tôi nằm úp mặt lên sạp tre khóc, nghĩ về những người bạn xấu số. Tôi không sợ gì nữa. Chiến tranh đã qua đi song cái chết gần và dễ quá. Người sống còn không đủ gánh người chết và bị thương. Đêm nay tôi giữ lán một mình. Thắp ngọn đèn bão tù mù phía kho lương thực, nằm nhìn ra đêm. Cơn đói bắt đầu bò như kiến trong bụng, hoa lên mắt. Nhấp nhá trong đêm vài nhóm lửa đốt rẫy. Tiếng tác con mang nào đó như tiếng kêu đói. Tôi cũng như con mang lạc mạ, giữa vùng lau lách hoang dại này.

Tôi đến bên kho lương thực mò mẫm, hy vọng hắn quên khóa. Ổ khóa lạnh ngắt trong tay. Cơn đói làm tôi quỵ xuống. Có ánh đèn pin chiếu thẳng vào mặt tôi, hắn nói: “Mần chi đó, định phá kho hả”. Hắn cười hừ hừ, bảo: “O ăn chi chưa”. Nghe tiếng ăn là nước miếng tôi tứa ra đầy miệng.

Hắn nắm tay tôi kéo về sạp. Tôi ngồi rũ trên sạp tre, nhìn hắn, đúng ra là nhìn cái túi xách căng phồng hắn mang, mà trong đó chắc thế nào cũng có cái ăn được. Hắn bảo: “Chết mười sáu đứa, dưới làng đang cho người lên khiêng xác. Số bị thương nặng là sáu. Con Gái chắc không qua nổi. Tui về xem có ai phá kho lấy gạo không. Một chút phải trở ra canh chừng xác với anh em. O ráng thức canh giùm kho lương thực”. Hắn để tay lên vai tôi, giọng trầm xuống: “O đừng sợ, một chút tui lại về”. Tôi nấc lên, tức tưởi: “Anh giam đói tôi đó à, anh biết tôi cũng sắp chết đói đây không”. Hắn nói thì thào vào tai tôi, “Anh quên, xin lỗi”. Đoạn mò trong túi lấy ra cái gì đó dúi vào tay tôi, cùng lúc đè ngửa tôi ra. Hồi chiều tắm tôi mặc quần dây thun nên hắn tuột xuống dễ dàng. Tôi bật dậy, ngồi trần truồng nói bình thản: “Trời đánh tránh bữa ăn, anh cho tôi ăn chút đã…”. Tôi nhai ngồm ngoàm, nghẹn cổ. Tôi xin hắn hớp nước uống ực rồi nhai tiếp. Hắn dúi vào tay tôi thêm mấy cái bánh bột lọc nữa, tôi lại tiếp tục ăn, uống ừng ực. Lúc những miếng bánh cuối cùng trôi khỏi họng hắn lại vật tôi ra. Sạp tre dưới mông chích đau lắm. Và đau hơn nữa khi nó chồm lên người tôi. Sức vóc nó bao trùm tôi. Tôi chẳng rên la gì, coi như là một sự đổi chác. Tôi nghiến răng lại, nghe cơn đau từ phía dưới buốt lên tận đỉnh đầu. Hắn hành động chóng vánh, gọn gàng, dùng quần tôi lau cái của hắn, đứng lên mặc quần, không nói một lời rồi đi ra khỏi lán.

Tôi nghĩ đến mạ và các em mình, chắc giờ này ở dưới làng cũng đang lên cơn đói. Tôi không được như nàng Kiều cách đây hàng ngàn năm, bán mình chuộc cha. Tôi chỉ đổi trinh tiết được vài cái bánh bột lọc thôi, thật là vô tích sự! Tôi mò lấy cái quần dúi vào háng, nghe phía dưới chất sền sệt ri rỉ, không biết đó là kinh nguyệt hay trinh tiết, hay là cả hai hòa vào nhau tủi nhục. Tôi nghĩ đến Gái, chắc chết rồi, nó chẳng còn gì để mất đâu. Tôi mê đi, thấy mình lội xuống vũng Cọp Rằn. Nước lạnh ngắt và mùi tanh rờn rợn, tôi lội ra xa, xa hơn. Chờn vờn trước mặt tôi là xác Gái tóc lòa xòa, lao chao. Giữa hai đùi trần truồng của Gái máu chảy thành dòng, loằn ngoằn như những con rắn đỏ nhòe tan dần vào nước. Tôi hét lên, vùng dậy ngồi nhìn ra đêm. Tiếng tác con mang xa ngút vào tiếng gió xạc xào.

*

Sau thời gian vào lập nghiệp ở vùng Đông Nam bộ, làm nương rẫy, buôn bán, làm nhiều nghề để tồn tại và nuôi con ăn học, chúng tôi dọn nhà về thành phố. Chồng tôi không khi nào nói về chuyện xưa, tôi cũng thế. Hai đứa con trai ra trường, công việc ổn định. Con gái út của chúng tôi cũng chuẩn bị thi vào đại học. Tóm lại gia đình tôi thật hạnh phúc. Mỗi lần có tiệc tùng thừa mứa tôi thường nhắc chuyện đói ngoài quê. Con tôi bảo mẹ hay kể chuyện cổ tích. Chồng tôi chỉ buồn buồn nhìn đi chỗ khác, nói cộc lốc, “quên đi”.

Một hôm con gái tôi đi học về hớt hải kêu lên: “Mẹ ơi, bạn con, anh Bùi Thắng Lợi bị HIV rồi, anh uống thuốc tự tử mà không chết, đang nằm bệnh viện”. Tôi hỏi dồn “Lợi nào”, nó rưng rưng: “Bạn trai con, ảnh bạn con đây này”. Con gái đưa cho tôi tấm ảnh Lợi, bên cạnh chiếc xe hơi bóng lộn, một chàng trai cao lớn cười mãn nguyện. Tôi nghe lạnh sống lưng, khuôn mặt trong ảnh giống hệt hắn ngày xưa, cái mũi cà chua và hàm râu quai nón. Tôi cầm tấm ảnh chạy lên lầu, nơi phòng đọc sách cũng là bàn thờ tổ tiên. Chồng tôi đang thắp nhang. Tôi nói lắp bắp: “Bạn trai con mình bị HIV, ảnh nó đây này”. Anh đưa tấm ảnh ngang mày, nhìn thật kỹ rồi ngước lên, chậm rãi lắc đầu qua lại. Đôi mắt anh sau cặp kính cận sương khói nhìn hút lên trần nhà, hiển linh như lúc khấn vái trước bàn thờ, miệng nhóp nhép như đang nói thầm câu gì đó. Anh khấn gì, anh có xin vong linh tổ tiên cho con mình tai qua nạn khỏi? Tôi nhớ có lần con bé khoe bạn trai cho cái điện thoại di động đời mới nhất, nghe đâu cả chục triệu. Cái điện thoại hình chữ nhật màu khói xinh xắn trong tay nó khiến tôi cứ nghĩ về miếng lương khô ngày xưa.

N.Đ.M
(SH283/09-12)








 

Các bài mới
Mùa gió Tam Giang (28/09/2012)
Mở khóa kéo (25/09/2012)
Các bài đã đăng