HOA HẠ
Chiều vội vàng kéo tấm lưới mỏng như voan màu đỏ tía choàng xuống vùng phá Tam Giang, gió mơn man thổi nhẹ mang theo mùi chua nồng của đất, mùi ẩm mốc bốc ra từ chòi ông Bảy, mùi món cá bống kho riềng thơm phức đặc trưng rất riêng của cô Hồng ở chòi cạnh bên, mùi nước lá thơm mà dì Tư chiều nào cũng phải có để tắm cho đứa cháu đích tôn mới sinh…
Đủ thứ hương vị, tất cả quyện lại, đông đặc không thể trộn lẫn mà cho dù có đi xa bao nhiêu lâu Hạnh vẫn không thể quên được. Cái mùi mà không biết mấy lần Hoài Hương kêu trong thư gửi Hạnh trời ơi ở bên ni răng Hương nhớ mong nhớ mỏi, đến khi có dịp về biết có còn nữa không?
Như một thói quen, ngay từ hồi tóc còn lơ thơ vài sợi, quần cộc chạy nhong nhong như ngựa qua hết chòi canh này đến chòi canh khác, Hạnh thường hay ngồi trên bờ đê cạnh cái cầu khỉ bắc qua dòng mương mỗi chiều để đợi mạ đi làm về. Ba mạ quen nhau trên cái vùng đầm phá này khi chỉ mới có vài vuông tôm tự phát mà ông bà nội và ông bà ngoại kéo nhau qua be bờ mong thoát cái nghèo hồi những năm đầu giải phóng. Hai gia đình vốn thân nhau như anh em ruột thịt, chiến tranh kết thúc hai ông cụ bàn tính nhau qua vùng phá nuôi con cá con tôm. Xưa nay người ta vẫn thường đánh bắt trên đó kiếm ăn qua bữa, lâu dần nguồn lợi vơi cạn, không đủ ăn, cái nghèo đeo đuổi họ, người bỏ xứ ngày càng nhiều, không hiếm gia đính dắt díu nhau vượt biên sang trời tây làm thuê, làm mướn bên đó, đi mãi không về lại quê hương lần nào.
Ngày mới ra phá Tam Giang làm vuông nuôi tôm, ba mạ cũng trạc tuổi Hạnh bây giờ, mạ đẹp nhất vùng sông nước mênh mông này. Khi hai gia đình đã có mấy vuông tôm thì ba mạ quyết định cưới nhau, nói cưới cho có chữ có nghĩa chứ thực ra chỉ có mâm cơm đạm bạc với nồi cá kho tộ, bát canh rêu cua với món hến xào cùng cút rượu là đã kết nối tơ duyên cho đôi vợ chồng trẻ được rồi. Một đám cưới không ảnh, không hoa, không đủ đầy họ tộc nhưng lại ấm cúng hạnh phúc.
Khi Hạnh ra đời cũng là lúc mùa tôm trúng vụ, ông bà mừng quýnh, nước mắt nhòa cả khuôn mặt đứa cháu mới lọt lòng, có lẽ vì thế mà ba mạ mới đặt cho con gái đầu lòng tên Hạnh. Sau này những tưởng có đứa em trai thì kiểu gì tên nó chả là Phúc, nhưng sau ca mổ vì u nang buồng trứng, mạ không thể sinh thêm được đứa em nào cho Hạnh nữa. Hạnh trở thành niềm vui duy nhất của gia đình.
Những năm Hạnh mới 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp một, thấy vài gia đình nuôi tôm trúng mấy vụ liên tiếp, người dân vùng Thuận An kéo lên lập nghiệp. Chỉ vài năm mà hàng trăm vuông tôm lần lượt ra đời, chòi canh mọc lên như nấm, người ta trước làm tạm cái chòi con con để có chỗ ngủ, sau dần chái thêm vài gian, mua thêm cái nồi, sắm sửa thêm cái bát, kéo cả gia đình, con cái về ở để tiện làm ăn. Cũng nhờ vậy mà Hạnh mới quen thân với Hoài Hương và Mạnh. Cả ba trạc tuổi nhau, vào cấp một cũng học cùng một lớp. Hoài Hương là con một nên được ba mạ rất cưng chiều. Ba mạ Hoài Hương chỉ nuôi một vuông tôm, chủ yếu lên phố môi giới bán thuốc và thức ăn cho tôm, cá. Cũng vì thế mà gia đình Hoài Hương nổi lên như một “đại gia” của vùng đầm phá này. Cô ruột Hương vượt biên qua Mỹ cùng chồng cả chục năm không về, thỉnh thoảng lại gửi đủ thứ mĩ phẩm đắt tiền, đô la về cho gia đình anh trai có vốn làm ăn nên ngay từ lúc nhỏ, cô bạn thân của Hạnh đã biết thế nào là đầm, là váy áo đắt tiền, là nước hoa, son phấn. Còn ba mạ Hạnh nai lưng chật vật cũng chỉ đủ ăn nên Hạnh chỉ được tắm nước lá thơm. Không ai hiểu vì sao một con bé đen nhẻm, đầu khét nắng như Hạnh lại có thể chơi thân như chị em với Hoài Hương - đứa con gái lúc nào cũng sạch sẽ, xức nước hoa thơm lừng cả ngày và chẳng bao giờ biết đến sông nước.
Hạnh bơi rất giỏi, nhờ cái tài quẫy nước như rái cá ấy mà Hạnh đã cứu thoát Hoài Hương khi cô bé chân ướt chân ráo về vùng đầm phá, mải miết chơi nên trượt chân ngã xuống đầm. Hai đứa thân nhau từ đó. Hằng ngày sau giờ học, Hạnh lại cùng Hoài Hương ra cầu khỉ ngồi chơi, mặc kệ gió thốc lên mặt, thốc qua vai, mặc kệ chiều tan dần và đêm kéo xuống. Chỉ khi có tiếng í ới của mẹ Hạnh gọi từ chòi lá hai đứa mới tung tăng dắt nhau chạy về.
Gió thổi từ phá Tam Giang có vị ngọt lành đặc trưng, quyện vào đó mùi mồ hôi của biết bao con người nghèo khổ, bươn chải nên Hạnh rất thương cơn gió ấy. Nhiều đêm trăng sáng, Hạnh ra chòi ông Bảy ròm nghe ông kể chuyện chiến tranh, chuyện sông nước. Ông Bảy ròm sống một mình trong chòi canh, không biết ông bước ra từ thế giới nào mà chuyện từ thủa trời đất chưa sinh ông cũng thuộc làu làu không ai bì kịp. Ông không có con cái hay người thân nào, ông bảo ông là con trời đất, mở mắt nhìn được mặt trời là đã nằm lăn lóc trong cái tã rách bươm nơi góc vườn một ngôi chùa. Ông ở chùa được 17 tuổi thì đi vệ quốc quân, cũng vào sinh ra tử, cũng dăm lần bảy lượt vào tù ngồi chơi vui, cũng huân chương, cũng bằng khen hẳn hoi. Oai phong lừng lẫy vậy mà thời bình rồi ông lại như kẻ bất tài, không nghề, không nhà, không người thân thích. Ông bỏ xứ vào Nam được vài năm, thấy nhớ Huế quặn ruột gan lại xách túi trở về làm tạm cái chòi nơi vùng đầm phá này sống tạm. Người dân xung quanh thương ông làm giúp cho được vuông tôm be bé, năm cố gắng, trừ vốn cũng kiếm đủ bát cơm qua ngày. Hạnh thương ông từ ngày đầu mới gặp. Ông tự chế cho mình một cây đàn bằng cái ống bò sữa, vài sợi dây cước nhưng tiếng lại nỉ non, ai oán lạ thường. Tối tối ông Bảy ròm thường rủ vài người trong vùng qua chòi uống rượu, khi nghe hơi men nóng bừng nơi mặt ông khởi hứng làm vài điệu Nam Ai. Phải nói rằng mấy cô đào hát trong Nhạc viện Hoàng cung cũng chưa chắc ca Huế hay bằng ông Bảy. Mỗi lần ông ca, cả vùng sông nước Tam Giang này như lặng đi, tiếng ông lẫn vào lòng đêm huyễn hoặc, gió Tam Giang cũng vì thế mà thổi sâu hơn, mềm hơn, như nỗi lòng của ông, của những con người nơi vùng sông nước mênh mông, nghèo đói này. Ông Bảy thuộc rất nhiều điệu ca Huế, đặc biệt là những điệu ca cổ, cái thời còn vua còn quan, còn dân đen đói khổ cực cùng.
Mỗi khi đến những ngày kỷ niệm lịch sử, ông Bảy thường diện bộ quần áo bộ đội, đeo đủ loại huân huy chương lên ngực áo với đủ đầy tự hào hiện lên trên nét mặt, chòm râu rung rung, đôi mắt ông ánh lên những ký ức đẹp đẽ, oai hùng nhất trong cuộc đời. Thỉnh thoảng cũng có vài nhà nghiên cứu gì đó trên tỉnh, mấy anh nhà báo về gặp ông hỏi ngược, hỏi xuôi những chuyện thuộc về ca Huế cổ, rồi đời lính để lấy tư liệu viết sử, viết báo. Mỗi lúc như thế ông kể say sưa lắm, cố không bỏ sót bước chân nào, vùng đất nào ông đã từng đi qua, với biết bao lửa đạn. Ông cũng kể về những năm chiến tranh, người chết rất nhiều. Ông bước chân qua xác bao nhiêu người mà đau đáu tận gan ruột, trong đó có những người đã từng nhường cơm sẻ áo cho chiến sĩ cách mạng, tất cả vẫn mãi mãi nằm gọn trong ký ức đau thương nhưng ngọt ngào của ông, để rồi trăm lần kể là trăm lần ông chìm trong cơn xúc động, nước mắt tự nhiên rơi.
Ông Bảy thương Hạnh và Hoài Hương nhất, sau này có thêm Mạnh nữa, ba đứa con nít ngày nào cũng phải ghé qua căn chòi nhỏ của ông một lượt, đôi khi chẳng để làm gì, chỉ để nhìn cái khuôn mặt gầy gầy phúc hậu ấy, nghe ông đọc vài câu thơ (mà trong ba đứa chắc chẳng có đứa nào hiểu nghĩa). Chỉ có vậy. Mà cũng lạ, cứ hễ có gì ngon là ông lại để dành cho mấy đứa trẻ con, khi thì con tràu nướng lá sen thơm lừng, củ khoai vùi trong đống than cháy đen, lúc lại món cơm nếp đậu. Mẹ Hạnh cũng quý ông ra mặt, thỉnh thoảng nấu được bát canh rêu mẹ cũng bắt Hạnh mang sang cho ông bằng được.
Lớn lên, Hạnh trở thành thiếu nữ, cũng bắt đầu biết thẹn, chẳng tự nhiên có thể ngồi lên đùi ba hay bá cổ thằng bạn học, nhưng thói quen ngồi hóng gió thì vẫn y nguyên không thay đổi. Như một định lệ, những cơn gió Tam Giang giống y chang những câu ca Huế ngọt lịm của ông Bảy, hay món canh chua của mạ, không thể mất đi trong tiềm thức của Hạnh. Bởi gió nơi đây chẳng khô cháy mặt như gió Lào ở đất cằn Quảng Trị, cũng không mang cái khí heo may báo hiệu một mùa lạnh đi qua như gió chướng trong mấy câu chuyện nhà văn miền Tây. Gió của Hạnh mát rượi mỗi hè, thổi tan cơn mệt mỏi và những giọt mồ hôi rơi trên lưng người nông dân, khi đêm hè đến, thoang thoảng mang hơi ẩm lành lạnh từ những con nước mênh mông thổi vi vu vào những căn chòi lá nằm chênh vênh trên khoảng đất đắp tạm bên cạnh vuông tôm. Vào mùa đông, gió rét thổi như xé da xé thịt, ngồi trong chòi, bên chậu than đỏ lựng vẫn cảm nhận được gió thốc đủ phía. Dù hiền lành ngày thường hay dữ dằn mùa bão, Hạnh vẫn cứ yêu nó như người chị yêu đứa em ruột thịt. Hạnh thích nhất cảm giác được ngồi trong chòi canh, đung đưa chân, để mặc gió vuốt ve mái tóc dài óng, ngắm trời đầy sao và nghe từng đàn tôm nhảy lóc chóc đùa giỡn dưới mặt nước. Vào những ngày trăng sáng, mặt nước lung linh, huyền ảo đầy mê hoặc. Sau này dần dần người ta được tập huấn kĩ thuật nuôi tôm, điện lưới về tận từng nhà thì vuông tôm nào cũng lấp lánh ánh đèn neon sáng lóa, nhìn từ xa trông vùng đầm phá này chẳng khác gì một thành phố.
Nuôi tôm cũng giống như trò cá cược, được ăn cả ngã về không. Có năm dân vùng này tự nhiên được mùa kinh khủng, tôm con nào con nấy to đùng, các tay lái buôn từ khắp nơi đổ về đặt hàng, tranh nhau mua với giá cao. Người nuôi tôm trở thành thượng đế, bỗng chốc có thêm tiền sắm được cho con cái xe đạp để đi học, nhà nào khấm khá hơn cũng có được con xe máy chạy oai phải biết. Nhiều người tranh thủ sửa sang lại cái chòi cho chắc chắn để chống chọi với bão lũ, có kẻ tính xa hơn lại làm ngay một cái nhà tàm tạm trên đất cũ trước đây để lấy chỗ cho con trai lấy vợ, con gái gả chồng (phòng trường hợp nhà chàng rể nghèo quá không có đủ tiền sắm miếng đất làm nhà). Gia đình Hạnh cũng kiếm được kha khá nên ba mạ quyết định dành tiền cho Hạnh lên phố học ôn thi vào đại học, còn lại mở thêm vài vuông tôm. Lớp 12 Hạnh phải ở trọ trên phố, Hoài Hương thi thoảng vẫn cười thi cử làm chi hả Hạnh, học chỉ tổ tốn thêm tiền, bây giờ biết bao kẻ học đại học mà về nhà cày ruộng, đi làm thuê. Mà có đi làm, tưởng oai phong lắm ai dè lương chẳng đủ mua rượu với đồ nhắm. Hạnh nghĩ khác với Hương, bởi sự học là ước mơ của riêng Hạnh và cũng là lối thoát mà bố mẹ chỉ ra cho con gái. Trong vùng này cũng có khoảng chục đứa đi học nhưng chẳng ai hết lớp 9, Hoài Hương chỉ xác định học cấp ba, lấy được cái bằng tốt nghiệp là sẽ theo người cô ruột sang Mĩ. Còn anh chàng Mạnh cũng chẳng tha thiết gì với việc học lắm bởi Mạnh là trẻ mồ côi, được ông Sung dưới Thuận An cưu mang, sau theo ông lên vùng đầm phá này đi làm thuê, học giỏi nhưng không có đủ tiền. Hết lớp 9 Mạnh đã nghỉ ở nhà, ai kêu việc gì cũng làm, kiếm ít tiền mua thuốc cho cha. Khi Hạnh lên phố học, ở nhà cha nuôi của Mạnh té nước chết, ông vốn đã yếu, da bọc xương, lần đó chẳng hiểu sao ông ngồi dậy được, lê ra ngoài chòi canh, ngắm sông ngắm nước rồi té xuống con mương dẫn. Khi người ta tìm thấy xác, ông đã cứng đờ. Mạnh ốm mất mấy ngày vì buồn, người gầy rộc và ít nói hẳn đi. Ngày đó đang những ngày cuối cấp nên Hạnh nghe tin cũng không về dự đám tang được, thấy lòng có lỗi và thương cảm bời bời.
Thi tốt nghiệp xong, Hạnh cắp sách lên phố thi đại học, còn Hoài Hương cũng ráo riết đi học tiếng Anh, làm giấy tờ để xuất cảnh. Chỉ còn Mạnh ở nhà, xoay như con chong chóng giữa bốn bề mênh mông nước, lúc thì qua nhà Hạnh giúp ba mạ thu hoạch tôm, khi lại chạy lên ông Bảy sửa cái đài casset cũ kĩ, ọt ẹt để ông nghe thời sự, cái đài chưa kịp phát ra tiếng đã nghe tiếng chú Ngọc bên kia chòi canh gọi ời ời qua bốc hàng lên xe cho mấy lái buôn… Được cái khỏe mạnh, lại chăm chỉ thật thà nên trong vùng ai cũng thương Mạnh. Cái tình của những con người nơi đây mênh mông chẳng khác gì sông nước, ngọt bùi như gió Tam Giang vậy. Khi sinh ra đến khi già đi người ta đã mang sẵn trong mình cái tình lớn lao vậy rồi nên chẳng biết câu nệ là gì.
Ngày Hạnh nhận được giấy báo trúng tuyển cũng là khi mùa bão mới bắt đầu. Năm ấy mùa bão đến sớm, Huế lại chẳng mấy lần tránh được cơn thịnh nộ của ông trời. Mà kể cũng lạ, trời Huế sao lắm mưa nhiều nước, cứ hễ mưa một tý là nước đã ngập mênh mông, lai láng, đôi khi chẳng để cho người ta kịp lật ngửa bàn tay coi dơ hay sạch. Vì thế mà mấy vuông tôm gần đến kỳ thu hoạch, chưa kịp che chắn đã bị nước tràn về cuốn sạch. Mất mùa nên nước mắt người dân Tam Giang cũng vì thế mà chan hòa trong mưa. Thương nhất là khi mưa to, gió lớn, nước từ mọi nơi tuôn về, bao tấm lưng chẳng kịp mặc áo mưa đã phải chúi mình trong bão gió, cố vớt vát cứu con tôm con cá. Những cơn gió Tam Giang bình thường hiền lành là thế, đáng yêu là thế bỗng chốc như bị cuốn vào cơn giận của trời đất, thả mình như con thoi quất từng nhát xuống những con người từng yêu thương nó. Sau bão, bao mái chòi xiêu vẹo giữa trời, bước chân của con người cũng không thể thẳng đứng được nữa. Mạ Hạnh úp mặt vào lưng chồng khóc ròng, rứa là hết ông nờ, công sức cả năm theo sông theo biển trôi mất rồi, biết lấy gì mà cho con Hạnh học đây. Ba Hạnh chỉ ngồi im, đôi mắt sâu và ráo hoảnh nhìn lên mái lá rách bươm, lòng nặng trĩu. Cô Tư cũng suốt ngày thở ngắn thở dài nguyền rủa răng ông trời ác dễ sợ, một năm mà không làm mình điêu đứng được một lần chắc ông ăn không ngon ngủ không yên, giờ thì hi vọng vô nơi mô mà sống. Biết bao trăn trở rồi cũng qua đi, người ta lại tiếp tục cuộc mưu sinh mới, lại vay vốn, lại mua giống thả tôm, lại chăm sóc nâng niu như con, lại hi vọng và cầu mong trời đất thương mình.
Hạnh mấy lần suýt bỏ học nhưng ba mạ quyết không cho. Hằng ngày Hạnh phải đi làm thêm, gia sư, bán hàng kiếm thêm tiền học. Thỉnh thoảng ba mạ lại nhờ Mạnh lên phố đưa thêm ít tiền cho Hạnh. Những lúc ấy, cầm tiền mà nước mắt Hạnh rơi ướt sũng má, bảo Mạnh đừng cho ba mạ Hạnh biết Hạnh đi làm thuê kẻo ba mạ lo hí, giờ lo trả lãi ngân hàng đã khổ lắm rồi Mạnh nờ. Lại sợ Hạnh nước mắt ngắn dài, Mạnh dắt cô đi dạo trên những con phố nhỏ, đi ăn li chè bắp thơm dịu, cùng ra bờ sông Hương ngắm thuyền rồng, ngắm cầu Trường Tiền bảy màu lung linh rực rỡ. Hạnh tươi tỉnh hơn, bắt đầu biết cười duyên khoác tay Mạnh giữa dòng người qua lại. Chắc chẳng ai biết trái tim cô sinh viên vùng sông nước Tam Giang này đang dần mắc cạn, lỗi nhịp bình thường.
Hạnh lên năm hai thì Hoài Hương sang Mĩ sống, ngày tiễn đưa hai đứa cứ sụt sùi như mưa Huế. Hạnh và Mạnh đứng tần ngần nơi phi trường, khi chiếc phi cơ chỉ còn một đốm nhỏ như cánh chim và mất dạng mà Hạnh vẫn trân trân nhìn lên bầu trời xanh thẳm. Chẳng biết bên trời Tây ấy có chút gì giống nơi này không, có những cơn gió như gió Tam Giang không, có những mùa bão nổi bão chìm đay nghiến và dập tắt hi vọng của biết bao con người, có cây cầu khỉ mong manh đứng lặng bên dòng mương mà mỗi chiều hai đứa hay ngồi chơi nhìn mặt trời lặn về Tây, có ai hát ca Huế hay như ông Bảy ròm mà bao lần nghe rồi hai đứa suýt khóc, có hay không? Đến khi thời gian qua đi, Hương sẽ còn giữ lại chút gì trong lòng mình về những ký ức đẹp mà ngọt ngào, trong veo của ngày hôm qua? Cuộc sống trời Tây nghe nói xô bồ lắm, biết Hoài Hương còn có thời gian để mong nhớ về những người như Hạnh và Mạnh?
Cũng không phải chờ lâu, được mấy tuần thì Hạnh nhận được thư và quà Hoài Hương gửi, lá thư dài mấy trang giấy viết đủ thứ kỷ niệm mà khi viết chắc cô bạn ấy cũng phải tiêu tốn không ít nước mắt. Hương gửi tặng Hạnh một tấm khăn choàng cổ màu lân tinh, óng ánh. Hạnh nâng niu và chỉ choàng khi đi chơi với bạn bè. Hương cũng gửi tặng cho Mạnh một chiếc bảo tháp mô phỏng tòa Nhà Trắng của Mĩ làm kỉ niệm. Thời gian đầu thư qua thư về, mong mong nhớ nhớ, nhưng lâu dần thư bắt đầu thưa thớt, lá nào cũng ngắn cứ như hết điều để nói cùng nhau mất rồi. Hương bảo có thời gian thì gửi qua hòm thư điện tử, vừa nhanh và đỡ tốn tiền, chỉ vài tích tắc là người kia có thể nhận được. Và từ đó chẳng khi nào Hạnh còn phải trải qua cảm giác đợi chờ những lá thư tay như trước, khi cần Hạnh lại ra quán nét, kích vào hộp thư trên mạng là có thể nhận được hồi âm của Hoài Hương, nhưng những dòng thư điện tử ấy cũng vơi dần, chỉ thỉnh thoảng Hạnh mới nhận được vài dòng của bạn, ừ thì mình vẫn khỏe, công việc bình thường, mong gặp lại mọi người lắm, Tam Giang còn gió xưa không? Tam Giang vẫn còn gió xưa, chỉ có người đổi khác Hương nờ!
Ra trường Hạnh về công tác tại phòng nông nghiệp huyện, thỉnh thoảng lại về vùng Tam Giang tập huấn nuôi tôm cho dân, đi kiểm tra chất lượng con giống, chất lượng môi trường nuôi, đưa về tận nơi những kỹ thuật nuôi trồng mới, nhiều loại giống như nghêu, như sò để bà con vùng đầm phá có thể hạn chế được rủi ro. Ba mạ Hạnh tự hào lắm, mà cả dân vùng đầm phá này đều tự hào hết, vì có được đứa nào như bé Hạnh, chẳng những học hết đại học, làm kĩ sư thủy sản hẳn hoi mà nghe chừng sắp tới được ra nước ngoài để dự hội nghị, còn được đi học lên thạc sĩ nữa chứ chẳng phải giỡn. Dù bận việc nhưng Hạnh vẫn thường dành thời gian nghe ông Bảy hát ca Huế, ông cũng già lắm rồi, giọng ông đã trầm và run đi nhiều, chỉ có niềm đam mê ca Huế của ông thì vẫn chảy rần rật trong huyết mạch của người vệ quốc quân năm xưa. Nghe ca Huế, ngồi giữa mênh mông sông nước, giữa bạt ngàn gió Tam Giang, Hạnh như quên hết những mệt mỏi để trở về cùng những ký ức tuổi thơ ngày trước.
Hai năm trước Hoài Hương có về quê một lần, chạy vạy làm hộ chiếu và rủ Mạnh qua Mĩ cùng mình. Mạnh như sợ cái nghèo sẽ đeo bám mình suốt đời hay không đành lòng trước nụ cười rạng ngời của cô bạn thời thơ ấu mà bỗng dưng buông cánh tay Hạnh ra, bước lên máy bay sang quê người tìm kiếm hư vinh. Đêm trước ngày đi, Mạnh cầm lấy bàn tay Hạnh hồi lâu mới nói nổi một câu, hãy chờ Mạnh về, kiếm đủ tiền nhất định Mạnh sẽ trở về bên Hạnh. Nhưng tiền biết răng cho đủ Mạnh ơi!
Hai năm trôi qua, tin tức về Mạnh cứ ngắn dần như tuổi xuân của Hạnh, không còn đủ dài để Hạnh chong mắt mỗi đêm chờ đợi. Bao nhiêu người đàn ông thành đạt đến với cô nhưng Hạnh cứ khép lòng mình lại, bởi Hạnh còn mang nặng lời thề hứa với Mạnh năm nào. Như hiểu nỗi lòng con gái, mạ Hạnh chỉ lén nhìn con quệt nước mắt, bà có bao giờ dám nhắc đến chuyện chồng con với Hạnh đâu, sợ đời dù ngắn nhưng bàn tay chẳng kịp với.
Rồi những gì không trông mong cũng đến khi Hạnh nhận được tin Hoài Hương và Mạnh sẽ tổ chức hôn lễ bên Mĩ. Giờ Mạnh làm ăn khấm khá, có nhà hàng riêng bên trời Tây, Hoài Hương thì làm trợ lí cho công ty của người cô ruột. Hương hồn nhiên kể rằng họ sẽ làm lễ cưới tại nhà thờ ở NewYord và đi dự tuần trăng mật ở Canada, hồn nhiên đến độ không biết Hạnh ở quê nhà đang đau đáu mong chờ. Hạnh mỉm cười hồi âm chúc phúc mà nước mắt thi nhau rơi ướt má. Ngày ba mạ Hoài Hương chuẩn bị sang Mĩ dự hôn lễ, Hạnh chỉ tới để gửi lời chúc phúc, cô muốn gửi cho họ những thứ mà không gì có thể mang được, là nắng, là mưa, lá gió Tam Giang, là tấm lòng trắng trong, ngọt lịm như hoa sữa đầu mùa của cô, là những ký ức đẹp đẽ từng đi qua cuộc đời mỗi người, là những nụ cười của bao trái tim hồn hậu quê nhà, là những món ăn dân dã, thơm lừng mùi của đất, của mồ hôi, của đắng cay…
Ngày bên ấy đôi bạn thân nói câu thề nguyền và đeo nhẫn cưới trong hân hoan hạnh phúc, bên này, nơi chiếc cầu mới xây, trước đây là cây cầu khỉ thân thuộc, Hạnh ngồi im nghe gió thì thào bên má, vuốt ve, đêm ấy trăng sáng lắm, cô ngước nhìn vầng trăng vằng vặc trên bầu trời thăm thẳm, bỗng nghe tiếng đàn nhị réo rắt, có tiếng ai như tiếng ông Bảy ròm với ngàn điệu Nam Ai da diết, mùa gió Tam Giang lại ùa về…
H.H
(SH283/09-12)