NHỮNG CHIẾC THUYỀN VỎ BÒNG, Tác giả Mai Văn Hoan, Nxb Thuận Hóa, 2012. Theo như “lời thưa” của thi sỹ đầu cuốn sách thì ông xem mỗi bài thơ là một chiếc thuyền vỏ bòng thả ¬trên dòng sông cuộc đời. Mai Văn Hoan đã cùng với thơ đi qua những nỗi nhọc nhằn của cuộc sống, đã cùng với thơ cảm nhận những cung bậc khác nhau trong dòng đời không ngừng tuôn chảy.
Đọc Những chiếc thuyền vỏ bòng ta thấy được phần nào trong cuộc đời của một người yêu thơ và làm thơ. Những mẩu chuyện, những hồi ức, những kỷ niệm mà chính tác giả kể lại khiến người đọc được sống trở lại, được hòa mình vào với những bước đường mà chính nhà thơ đã đi qua. Lẽ tất yếu, kỷ niệm chỉ thuộc về quá vãng, kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng có những kỷ niệm ta vô tình để vụt mất trong chốn tiềm thức. Đối với người làm thơ nhắc lại những kỷ niệm chính là tìm đến một nguồn năng lượng sáng tạo mới. Và Mai Văn Hoan đã lục tìm lại những kỷ niệm để từ đó bước tiếp con đường làm thơ của mình trong cuộc chạy đua với thời gian và sự hữu hạn của đời người.
MẮT VỠ KHÔNG CÒN BÓNG (thơ), Tác giả Lê Vi Thủy, Nxb Hội nhà văn, 2012. Đối với thế hệ trẻ thì điều khiến họ sợ hãi nhất có lẽ là sự lặp lại bước đi của tiền nhân. Sự lặp lại đó hầu như đồng nghĩa với sự đánh mất mình và dần rơi vào tầm thường, tẻ nhạt. Lê Vi Thủy, một nhà thơ trẻ đã ý thức được điều này, vì thế trong thơ của chị chúng ta bắp gặp những cung bậc khác của một nhà thơ đang xác lập sự dấn thân của mình. Đó là sự quẫy đạp của năng lượng sống trong một không gian chật hẹp, sự tự ý thức về cái hiện hữu của mình trước tha nhân, sự lội ngược lại với ký ức để dự phóng tới những hình tượng thơ mới. Trong cái nhìn của Nguyễn Hữu Hồng Minh thì “Thơ Lê Vi Thủy như một dải băng tần bị đứt, một tiếng nói rè cất lên từ sâu thẳm. Bạo liệt quá chăng? Tôi không thể hình dung thơ nữ hôm nay lại đi xa đến thế...”
GIÓ TRẦN GIAN (thơ), Tác giả Nguyễn Văn Quang, Nxb Văn học, 2012. Nguyễn Văn Quang là một nhà thơ luôn truy vấn về sự tồn tại của trần gian. Điều này được minh chứng trong quá trình sáng tác của anh. Từ Vay mượn trần gian đến Gió trần gian là một quãng đường khá dài cho sự tiếp nối những truy vấn đó. Vẫn cư lưu trong địa hạt của tình yêu nhưng thơ Nguyễn Văn Quang luôn mở ra những biên độ mới bằng cách tìm đến những hình ảnh mang tính huyễn mộng, hồng hoang, vẽ ký ức vào những giấc mơ để từ đó kết nối với hiện sinh trần trụi. Nhà thơ ý thức được sự hữu hạn của bản thân trong dòng đời vô tận. Chính sự ý thức đó khiến thơ anh luôn chạm sâu vào những nỗi đau của tình yêu, của thân phận làm người.
ĐI TÌM NGỌN NÚI THIÊNG (bút ký), Tác giả Nguyễn Văn Dũng, Nxb Thuận Hóa, 2012. Đọc tác phẩm của Nguyễn Văn Dũng mới thấy được anh là kẻ lãng du. Một con người luôn hút nhựa sống bằng đôi chân không ngừng dấn bước và bằng cả những giác quan luôn căng ra để đón nhận ngoại cảnh. Từ Linh Sơn mây trắng đến Đi tìm ngọn núi thiêng người đọc dễ dàng nhận ra chiều sâu của chiêm nghiệm chính là ở chỗ con người phải được quẳng ném vào giữa dòng chảy của đời sống, phải dấn thân một cách thực sự mới có thể thấu cảm được linh hồn của những nơi ta đã đi qua. Cùng với lộ trình của Nguyễn Văn Dũng, chúng ta được lãng du ở châu Âu để cảm nhận được sự trẻ trung của Madrid, bí mật của lâu đài Konopiste... được thênh thang trên châu Mỹ để đắm mình trong mùa hoa anh đào trên đất Washington... được phiêu bồng ở châu Úc để lang thang trên sa mạc Australia, để nuối tiếc khi phải rời xa biển nghìn thu ở Sydney... để ngẩn ngơ ở châu Phi và cuối cùng tìm về với sự huyền nhiệm của châu Á.
MIỀN YÊU THƯƠNG (thơ thiếu nhi), Tác giả Tôn Nữ Thu Thủy, Nxb Hội nhà văn, 2012. Bước vào thế giới của Miền Yêu Thương người đọc ngỡ như tìm về với một suối nguồn yêu thương bởi những hình ảnh thân quen, bởi một lớp ngôn từ trong trẻo. Miền Yêu Thương không chỉ là tập thơ dành cho các em thiếu nhi mà chính sự suy tư của nhà thơ cũng khiến cho người lớn phải nhìn lại mình để biết mình đã đánh mất những phút giây hồn nhiên quý giá. Miền Yêu Thương không dung chứa cái xấu, cái hằn thù mà chỉ có yêu thương và lòng hướng thiện. Miền Yêu Thương là thế giới lung linh sắc màu của vạn vật được nhìn qua lăng kính của một nhà thơ giàu lòng yêu con trẻ nên nó giống như một hơi thở nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trước sự va đập của đời sống hiện tại.
(SĐB9-12)