HỒ TRƯỜNG AN
Bút ký
Giấc mơ về một vùng quê trù mật của Nam Đông có từ khi mới tái thành lập huyện năm 1990. Năm 1991, tôi đến Nam Đông. Bấy giờ vùng đất này nghèo như câu ví của người Ka Tu ở đây “nghèo như một dải khoai”. Ông Hồ Tưới, Bí thư Huyện ủy thời bấy giờ nói: “Giấc mơ của Nam Đông là làm sao xây dựng vùng nông thôn mới nơi đây thật trù mật”.
Nông thôn mới, quả nhiên vậy. Hưởng ứng chương trình kinh tế mới, người dân Phú Lộc rủ nhau lên đất mới Nam Đông. Đất tốt không phụ người, các vườn cây được lập lên xanh. Xanh nhất là vườn của người Mỹ Lợi. Họ đưa mô hình vườn Mỹ Lợi lên, vườn có cau, ổi bom và các thứ cây ăn quả khác. Nhiều vùng khu 3 Phú Lộc, các vùng khác nữa lên theo sau đó, Nam Đông hình thành với những khu vườn đồng bằng giữa núi, Huyện ủy Nam Đông hồi đó xác định, người dân tộc thiểu số phải học người Kinh trong làm kinh tế, tất cả cùng đoàn kết, học hỏi nhau để phát triển.
Trưởng phòng Nông nghiệp lúc bấy giờ là anh Hồ Thi, người của xã Hương Sơn, xã thuần người Ka Tu. Một đêm anh rủ tôi vào Hương Sơn. Đi theo đường mòn, qua suối, bản làng hiện ra trong hoàng hôn nôn nao buồn. Những đứa trẻ đón khách bằng ánh mắt nghi ngại nhìn qua ô cửa đan tre nứa trên gác nhà sàn. Cơm mời khách bấy giờ đạm bạc ngay bên bếp lửa với ánh đèn dầu, với những con cá bắt được trên suối, và đĩa rau xà lách son vừa hái cũng bên suối. Hồ Thi nói, bữa cơm của người Nam Đông còn nghèo, người Ka Tu của Hương Sơn còn nghèo hơn. Phải làm thật nhiều mô hình vườn ao chuồng như người Kinh mới may ra.
Nam Đông bấy giờ có nông trường chè và nông trường quýt. Song quýt ở đây tuy lên xanh tốt nhưng lại rất chua. Còn chè thì rất ngon, nước chè pha đậm đà, uống như ríu chân răng song không giải quyết được khâu thị trường.
Sau đó, Nam Đông tiến mạnh vào kinh tế vườn, trồng rừng. Nhiều hộ khá lên nhưng tổng thể Nam Đông vẫn chưa thông thoáng trên con đường làm giàu. Giao thông khó khăn, điện lưới khó khăn, nước sạch khó khăn...
Trên trang mạng Facebook cuối tháng 7 vừa rồi, nhóm bạn của Đội Công tác Xã hội Thanh niên Huế vừa post lên một bức ảnh tôi chụp một nhóm bạn đi tắm suối sau chuyến cứu trợ bản Tà Rầu - Chà Vò khoảng năm 1992. Sau chuyến cứu trợ đó, chiếc xe đò chở toàn Đội đi suýt lật ở đèo La Hy. Nếu lật, sẽ có 39 người chết trên đường cứu trợ trở về, trong đó có tôi. Nếu một mình đi trên đường này, thỉnh thoảng chúng ta có thể bắt gặp những con gà rừng hay có hôm nhìn thấy cả chim trĩ. Thơ mộng thật đấy nhưng mà quá nguy hiểm. Bây giờ Nam Đông có thêm một con đèo mới an toàn hơn cho lưu thông lên Nam Đông, đèo Tây Hy được mở vào phía sườn núi phía trong, đường đèo không quá quanh co khúc khuỷu và hay sạt lở vào bên trong. Vào hết con đèo La Hy, chúng ta gặp ngay xã đầu tiên của cả nước xin ra khỏi chương trình 135 là Hương Phú. Năm 2003, xã Hương Phú làm cú đột phá ghi cú sốc cực mạnh cho giới truyền thông khi viết đơn xin tự nguyện rút ra khỏi danh sách xã nghèo, không cần nhà nước trợ cấp ưu đãi theo chương trình 135, nhường suất đó cho vùng đất khác còn khó khăn hơn. Hương Phú dựa vào trồng rừng, trồng cao su và làm vườn cho thu nhập cao, từ đó làm đòn bẩy thoát nghèo. Một số người nghe chuyện cho là Hương Phú dại, chơi trội mà làm chi, cứ khai mình nghèo để được nhận một năm vài tỷ tiền dự án đầu tư có sướng hơn không?
Tư duy dự án, phết phẩy phần trăm béo bở của dự án nó mới làm cho họ nghĩ thế, một cách không có tự trọng, chứ người Nam Đông nghĩ khác.
Ông Trần Xuân Bình, Bí thư Huyện ủy Nam Đông hiện nay lý giải: Nam Đông phải làm như vậy để đẩy lùi tư tưởng trông chờ ỷ lại. Không chỉ riêng xã Hương Phú, Nam Đông bằng mọi cách đã đẩy lùi được tư tưởng ỷ lại đã thâm căn cố đế hàng bao nhiêu năm. Cái tư tưởng trông chờ ỷ lại nó khiến bà con không biết tư duy hạch toán kinh doanh, phát huy trí tuệ để làm giàu. Nếu không xóa sạch nó, thì biết bao giờ người dân Nam Đông mới biết cách tự chủ cuộc sống?
Câu chuyện lý thú này bắt đầu từ năm 2008, và diễn ra trên cánh đồng lúa.
Trước 2008, người nông dân Nam Đông làm ruộng, phân bón, thuốc trừ sâu đều được Nhà nước cấp miễn phí đến tận ô ruộng, vì vậy năng suất rất cao, 50 tạ/ha. Làm ruộng năng suất cao, nhưng kinh phí đầu tư hàng năm của Nhà nước lại quá lớn, người dân thu lãi song không nghĩ đến chuyện tích lũy tái đầu tư vì cứ nghĩ sang năm sẽ được đầu tư tiếp. Nếu như đột nhiên Nhà nước không cấp phân bón và thuốc trừ sâu miễn phí nữa, thì chuyện gì xảy ra? Làm sao để không còn trông chờ ỷ lại vào phân thuốc của Nhà nước mà cánh đồng vẫn nuôi sống được người nông dân? Có cách nào như đồng bằng, họ không được cấp phân thuốc miễn phí song vẫn làm ruộng cho năng suất 50 tạ/ha? Hàng loạt câu hỏi đó khiến Đảng bộ Huyện Nam Đông đi tới quyết tâm: giảm đầu tư phân thuốc miễn phí của Nhà nước trên cánh đồng, tăng cường thâm canh, tăng cường nếp nghĩ tái đầu tư sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại. Vụ Đông Xuân 2008 Nam Đông bắt đầu thực hiện. Huyện đề nghị tỉnh cắt giảm đầu tư phân thuốc. Người nông dân Nam Đông đã quen với việc được cấp miễn phí phân thuốc, nay không cấp nữa thì không bón không bơm. Hậu quả là một vụ mùa thất bát thảm hại, ruộng đồng không xanh tốt như mọi khi, dịch sâu quấn lá hoành hành, năng suất chỉ còn lại 30 - 40 tạ/ha. Kế hoạch đẩy lùi tư tưởng trông chờ ỷ lại có nguy cơ phá sản. Đã bắt đầu có tiếng xì xào, Nhà nước còn khả năng thì cứ để Nhà nước cấp không phân thuốc, bày đặt từ chối làm gì cho dân chết đói!
Ông Trần Xuân Bình nói: Chúng tôi không còn đường lùi, kiên quyết phải thực hiện cho bằng được. Đảng bộ Huyện Nam Đông phân công các phòng ban về tận thôn bản bám dân, bày cách cho người nông dân Nam Đông thâm canh tăng năng suất dựa vào chính mình. Phòng Nông nghiệp huyện mua phân thuốc về bán lại cho dân, tập cho dân tự mua phân thuốc để làm nông, các đồng chí đảng viên phải mua trước. Quả nhiên khi thấy đảng viên mua, dân cũng mua theo để chăm bón mùa màng. Rồi giống lúa cũng vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa giống tốt lên, bà con đăng ký mua. Năng suất từ đó cũng lên theo. Việc chăn nuôi cũng vậy. Giống con bò, giống con cá trước cấp không, nay không cấp không nữa để cho bà con tập hạch toán kinh doanh dần dần. Và theo đó, tư tưởng trông chờ ỷ lại được xóa hết.
- Đây là thành công lớn nhất của Nam Đông! - Bí thư Trần Xuân Bình nhận định.
Nam Đông xây dựng Nông thôn mới cũng bắt đầu với tâm thế như vậy. Và cũng có rất nhiều chuyện thú vị.
Nhà gươI ở huyện Nam Đông - Tranh ký họa Võ Quang Hoành |
*
Năm 2010, Nam Đông tiến hành Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015. Trong xây dựng Nông thôn mới, 19 tiêu chí được đặt ra thật sự là một thách thức lớn lao. Hôm gặp các văn nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác đề tài Nông thôn mới, ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch huyện Nam Đông đã có một báo cáo khá đầy đủ về tiến trình thực hiện của huyện. Theo ông, đến nay công tác tổ chức thực hiện đã được triển khai từ cấp huyện đến cấp thôn. Có 9/10 xã đã phê duyệt đề án chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Lộ trình xây dựng Nông thôn mới của Nam Đông, dự kiến năm 2015 sẽ có 80% xã hoàn tất. Các tiêu chí xây dựng hiện đã có những kết quả mới. Trong nông nghiệp đã hình thành các vùng chuyên canh cây cao su hơn 3.500 ha, rừng kinh tế 4.200 ha, sản xuất theo hướng hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống giao thông từ huyện đến xã đều nhựa hóa hoặc bê tông, đường liên xã đạt 78,2%. Hệ thống điện lưới quốc gia đã được phủ kín đến thôn, tỷ lệ hộ sử dụng an toàn đạt 99,8%. Hệ thống trường học được xây dựng kiên cố, đảm bảo phục vụ việc dạy và học. So với bộ tiêu chí quốc gia, toàn huyện đạt chuẩn tiêu chí này, có 13/27 trường đạt chuẩn quốc gia. Tất cả các trạm y tế, phòng khám đa khoa đều được tầng hóa, 100% trạm y tế có bác sĩ. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáng chú ý là hầu hết sản lượng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đều có tăng. Ngoài các ngành nghề hiện có như cơ khí, chế biến mủ cao su, tăm đũa tre, cau sấy khô, đá ốp lát, khai thác vật liệu xây dựng... Hiện nơi vùng núi đồi này có thêm hai nghề mới là mây tre đan và may công nghiệp. Cơ chế chính sách giảm hộ nghèo bền vững đã có nhiều cách làm hay. Đặc biệt, huyện đã vận động nhân dân tự xây dựng hơn 120 nhà ở cho người nghèo. Hiện huyện đã có 3 xã đạt chuẩn tiêu chí về nhà ở... Đến cuối năm 2011, huyện có 1 xã đạt 14 tiêu chí (xã Hương Giang), 2 xã đạt 12 tiêu chí (Hương Hòa, Hương Lộc), 1 xã đạt 11 tiêu chí (Hương Phú), 4 xã đạt 10 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí...
Một điều các nhà văn hết sức ấn tượng là con số của nhân dân Nam Đông đóng góp để xây dựng Nông thôn mới. Từ năm 2010 đến 31/3/2012, tổng vốn đầu tư cho 10 xã trên địa bàn huyện là trên 295 tỷ đồng. Trong đó đầu tư cho giáo dục là trên 65 tỷ đồng, y tế trên 184,4 tỷ đồng, giao thông nông thôn 46,6 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng khác 64,1 tỷ đồng, thủy lợi 2,9 tỷ đồng và nhân dân đóng góp thông qua hiến đất, cây trồng, ngày công... đến hơn 96 tỷ đồng.
Dân đóng góp gần 1/3 kinh phí để xây dựng nông thôn, chuyện thật khó tin.
Hương Hòa là xã đã đạt 12 tiêu chí, dự kiến cuối năm 2013, cùng với xã Hương Giang, hai xã này sẽ xây dựng đạt chuẩn Nông thôn mới. Ấn tượng lớn nhất ở Hương Hòa là ý chí của nhân dân trong vấn đề này. Ở đây, người dân tự nguyện hiến đất, hiến cây trồng để mở đường giao thông hay xây dựng công trình công cộng là chuyện thường tình. 40 hộ dân ở thôn 11 tự nguyện chặt bỏ hàng ngàn cây cao su để mở đường Hương Hòa đi Thượng Nhật giai đoạn 2. Vào nhà bà Nguyễn Thị Thơ, các nhà văn hỏi:
- Nhà mình hiến bao nhiêu?
- Mình hiến 200 cây cao su và đất để mở đường đó.
- Có tiếc không?
- Ban đầu thì tiếc, nay thì hết rồi. Nhà mình có 1,2 ha cao su. Số còn lại cũng tạm dùng. Mình nghĩ mai sau có đường mới rộng hơn, đẹp hơn, có công đóng góp của mình trong đó nên cũng vui.
Ở thôn 10 của Hương Hòa cũng vậy, hàng trăm cây cao su đang chuẩn bị khai thác được bà con tự nguyện chặt bỏ. Toàn xã Hương Hòa có hơn 100 hộ dân hiến đất và cây trồng như thế, để mở các tuyến đường dài 10km phục vụ dân sinh kinh tế. Tại xã Hương Sơn, xã Thượng Lộ, có 2 con đường, 1 nhà văn hóa và các trạm y tế được hình thành từ sự tự nguyện hiến đất, hiến vườn và đóng góp tiền của, công sức lao động của người dân và cụm dân cư.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, toàn huyện đã có 176 hộ dân hiến đất với tổng diện tích 11.800m2 và các loại hoa màu trị giá trên 300 triệu đồng.
Người ta nói nhiều về cổ tích thời hiện đại, thì chính những việc làm đó của mình, người dân Nam Đông đang kể câu chuyện cổ tích khi xây dựng Nông thôn mới.
*
Vào Hương Giang, đây là xã của bà con người thành phố Huế đi kinh tế mới lập nghiệp, một cái tên rất Huế giữa núi rừng. Cần cù và sáng tạo, những người Huế nơi vùng đất mới đã thật sự làm cho núi rừng ở đây thay da đổi thịt. Đến thời điểm này, xã Hương Giang đã đạt 14/19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đi đầu trong phong trào ở Nam Đông. Xã đang phấn đấu đạt thêm các tiêu chí về thu nhập; nhà ở và giao thông để sớm hoàn tất việc xây dựng Nông thôn mới. Chợt nhận ra nơi đây làm phong trào xây dựng Nông thôn mới có cái hay là tất cả bắt đầu từ chuyện nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt thôn xóm. Có lần, chúng tôi vào thôn Tây Linh và bắt gặp anh Nguyễn Văn Hợp đang hướng dẫn cho bà con cách phát hiện bệnh sớm trên cây lúa. Để thuyết phục mọi người, Hợp bóc tách cả cây lúa, đưa cả cái thân úa màu bên trong cây lúa ra để mọi người hình dung.
Chúng tôi vào xã Thượng Nhật. Năm 2010, Thượng Nhật được chọn là 1 trong 6 xã của Thừa Thiên Huế thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là xã kinh tế mới, đồng bào dân tộc chiếm 99%. Chỉ sau một thời gian ngắn tham gia chương trình xây dựng Nông thôn mới, Thượng Nhật đã thay đổi nhiều. Từ một xã hạ tầng cơ sở không có gì, Thượng Nhật hiện đã đạt 10 tiêu chí. Việc đầu tiên khi Thượng Nhật tham gia chương trình Nông thôn mới là ưu tiên, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn. Ngoài hệ thống điện, trạm y tế, bưu điện, trung tâm văn hóa xã, thôn và trường học đã được xây dựng tương đối hoàn thiện, đến nay, hầu hết các trục đường liên thôn, liên xóm của xã đều đã được nhựa và bê tông hóa. Một câu chuyện mà người dân thôn La Vân hay nhắc đến, đó là trước đây, vào mùa mưa, đường vào thôn đi lại rất khó khăn do ổ voi ổ gà, lại nhão nhoẹt bùn lầy. Nay thì đường đã được đổ bê tông rất đẹp, việc đi lại thuận tiện làm bà con rất vui. Xã cũng bố trí lại dân cư ở các khu vực Ta Rinh, A Tin, Ta Lu, Hợp Hòa... Trong phát triển sản xuất, xã đặt mục tiêu tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Cây chủ lực của Thượng Nhật bây giờ là cao su. Năm nay là năm thứ ba gia đình ông Hồ Minh Hương thu hoạch mủ cao su. Từ một người chỉ quen phát cốt đốt trỉa, ông Hương trở thành một nông dân làm vườn VAC, còn bây giờ, ông hay nói đùa ông là “công nhân cao su”. Mà quả là công nhân thật chứ không sai, vì ông khai thác mủ cao su đã thành thạo lắm. Nếu như ông làm ở nông trường cao su, thì đã được gọi là công nhân cao su. Ông Hương nói nhờ cây cao su ông sẽ trả hết nợ ngân hàng và sau đó tái đầu tư cho cao su phát triển tốt. Hiện Nam Đông có gần 3600 ha cao su, trong đó Hương Phú có diện tích lớn nhất 800 ha, tiếp đó là các xã Thượng Long 450 ha, Thượng Quảng 400 ha, Thượng Nhật 335 ha, Hương Hòa 300 ha. Có hơn 2.800 hộ dân có diện tích cao su, trong đó 46% là các hộ đồng bào dân tộc Ka Tu. Toàn huyện Nam Đông đã có hơn 1.500 ha cao su đang thu hoạch, mỗi năm mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Cây cao su là cây no ấm, lá cao su xanh tới đâu, sự no ấm cho người dân Nam Đông mở ra đến đó...
Nhắc đến cây cao su là phải nhắc đến Hương Phú, xã có tới 828 ha cao su, dẫn đầu toàn huyện. Hiện cao su đưa vào khai thác của Hương Phú là 110 ha, giá trị thu nhập từ cao su mỗi năm khoảng 4,5 tỷ đồng. Cần nhắc lại, cây cao su là cây khiến Hương Phú mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi xã nghèo hưởng trợ cấp của Chương trình 135 trước đây... Và bây giờ, cây cao su sẽ là cây chủ lực đưa Hương Phú sớm hoàn tất chương trình xây dựng Nông thôn mới...
Khi chúng tôi vào Hương Sơn, xã đã hoàn toàn khác trước. Không còn ánh mắt trẻ con nghi ngại nhìn khách qua ô cửa tranh nứa. Chúng nó chạy nhảy chơi đùa trên những con đường bê tông phẳng lì. Hương Sơn hiện đã đạt 9 tiêu chí, điều đó quả là đáng ghi nhận. Hương Sơn đang giảm hộ nghèo xuống dưới 2% và tăng số gia đình có đời sống khá trên 70%. Làm vườn rừng là hướng đi của Hương Sơn. Chị Hồ Thị Hèn ở thôn 5, cơ nghiệp bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Song hai bàn tay đó, cùng với sự cần cù chịu khó, ý chí làm giàu chính là gia sản tinh thần lớn lao của chị. Sau một quá trình lao động, tích lũy không biết mệt mỏi, chị là một “triệu phú” của Hương Sơn. Hiện gia đình chị có 1 ha cao su đang khai thác, 2,5 sào đất vườn cho thu nhập khá. Bên cạnh đó, chị chăn nuôi hàng chục con lợn và bò, mỗi năm đem lại nguồn lợi 80 triệu đồng. Vào những lúc rảnh rỗi, chị còn kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ bà con thôn xóm. Cộng hết các khoản, mỗi năm chị Hèn có thu nhập bình quân 100 triệu đồng. Một gương điển hình khác là anh Nguyễn Văn Sính. Anh thuộc típ người “bàn tay ta làm nên tất cả”. Anh trồng cao su, làm VAC, và có thêm nghề rèn sản xuất nông cụ. Buông cuốc là cầm búa, quai đe, và cũng thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Bữa cơm của Hương Sơn bây giờ không còn mời bên bếp củi ám khói, mà đã dọn bày trang trọng trên bàn ăn, với những chai bia rôm rả...
Những gì nghèo và buồn của Hương Sơn năm xưa, giờ đã hoàn toàn bị xóa sạch. Từ đất đai, mồ hôi và trí tuệ của người dân đã cho sản sinh cây trái trù mật.
*
Trong câu chuyện về xây dựng Nông thôn mới ở Nam Đông, Bí thư Huyện ủy Trần Xuân Bình băn khoăn mãi về chuyện chuyển đổi phi nông nghiệp. Ông nói, tiêu chí đưa ra là 35% số hộ chuyển đổi phi nông nghiệp. Hiện nếu Nam Đông tính cả những người trồng và khai thác rừng keo, trồng - khai thác - sơ chế cao su, chế biến cau khô... vào phi nông nghiệp, thì có thể đạt đến con số 35% đó. Nhưng cái khó là bây giờ những người đó sau khi hoàn tất khóa học về khai thác, chế biến lại không được cấp một giấy chứng nhận nào để tính. Vì vậy rất mong có chủ trương xác định cấp nào, ai được cấp giấy chứng nhận cho những người đã qua các lớp tập huấn phi nông nghiệp như thế. Tiêu chí đưa Internet về tận thôn bản cũng khó, vì địa hình miền núi là khá phức tạp, huyện cố lắm thì cũng đưa được về ngang trung tâm xã....
Năm 1990, Nam Đông tái lập huyện, xây dựng nông thôn mới theo nghĩa cộng đồng người bản địa và người đi xây dựng kinh tế mới cùng đoàn kết phát triển. Cũng năm đó, tốc độ tăng trưởng toàn huyện đạt 3,2%, thu nhập bình quân đầu người 1 triệu đồng/năm, thu ngân sách đạt 257 triệu đồng. Mười năm sau, năm 2001, Nam Đông xóa được tình trạng du canh du cư. Chưa đầy mười năm tiếp đó, 2008, Nam Đông xóa tư tưởng trông chờ ỷ lại. Hai mươi năm sau khi tái thành lập, Nam Đông làm một cuộc xây dựng Nông thôn mới thứ hai, lần này là theo bộ tiêu chí của quốc gia. Năm 2011, so với năm 1990, tốc độ tăng trưởng của Nam Đông tăng hơn 4,5 lần, thu ngân sách gấp 50 lần, thu nhập của người dân tăng hơn 10 lần.
Nếu nói như cựu Bí thư Huyện ủy Hồ Tưới năm xưa: “Giấc mơ của Nam Đông là làm sao xây dựng vùng nông thôn mới nơi đây thật trù mật”; thì Nam Đông đang hiện thực hóa gần hoàn tất giấc mơ ấy. Điều đáng nói là để hiện thực hóa giấc mơ đó, người dân Nam Đông đã cộng đồng đoàn kết đổ mồ hôi, công sức thực hiện với lòng nhiệt huyết và đặc biệt là lòng tự trọng.
Một xã của Nam Đông đi đầu trong việc xin rút tên ra khỏi danh sách các xã được hưởng chương trình 135. Toàn huyện Nam Đông quyết tâm xóa bỏ ý thức trông chờ, ỷ lại. Hàng ngàn người dân sẵn sàng hiến đất hiến cây để xây dựng Nông thôn mới... Tất cả đó chính là bài ca về lòng tự trọng của một vùng đất, rất đáng để nhiều người trong chúng ta suy ngẫm.
H.T.A
(SĐB9-12)