THANH HUẾ
Sinh thời vua Minh Mệnh rất hay làm thơ, nhưng ông làm thơ để chăm lo chính sự, lo cho dân.
Minh Mệnh dụ bầy tôi rằng: “Thơ trẫm làm không cần khéo léo, chỉ luôn miệng ngâm ra để nói chí mình thôi. Những bài ban cho ấy đều nói về việc kính trời lo dân, mong tạnh cầu mưa, để các khanh biết ý trẫm, không phải vụ lời văn hoa mà đua hay với văn sĩ đâu. Các khanh đã tạ trước mặt ta là đủ rồi, cần gì làm biểu, chỉ thêm văn sức. Nếu ngẫm nghĩ những bài thơ ấy mà biết trẫm khó nhọc, thì nên cảm động mà thi thố mưu mô để giúp trẫm những việc không nghĩ đến, cho chính sự tốt đẹp, trong ngoài yên vui, thế là trẫm cho thơ mới không phải là vô ích, thì trẫm vui mừng biết là nhường nào. Nếu chỉ trang sức hư văn thì sợ văn võ trên dưới sẽ chơi đùa trễ nải, không bắt chước được thói Đường Ngu nối hát vui mừng thì cũng vô ích, trẫm chẳng khen đâu. Tự sau có thơ văn gì, không phải trần tạ nữa.”
Chính vì vậy, thơ ngự chế của Minh Mệnh có đến hơn 3500 bài, được tập hợp trong Ngự chế thi từ sơ tập đến lục tập. Thơ ông phần nhiều viết về tự nhiên, như mưa nắng, việc cầu mưa cầu tạnh, lo lắng cho nền nông nghiệp nước nhà. Ngoài ra làm thơ cũng để tỏ cái chí của mình không được biếng nhác trong chính sự. Minh Mệnh làm nhiều thơ, đọc nhiều thơ của các tác gia đời trước, ông rất thích thơ Lê Thánh Tông và cho sưu tầm thơ Lê Thánh Tông để truyền lại cho đời. Vua xuống dụ: “Nước Việt ta là nước văn hiến, vua anh minh đời nào cũng có. Phép hay, chính tốt, sử sách còn chép đủ. Vả lại, khi muôn việc đã rỗi rãi, vui thích văn nghệ, sáng tác rất nhiều; những điệu hát vần thơ nghe còn sang sảng. Trẫm nghĩ đến người xưa rất là ngưỡng mộ. Tuy tác phẩm cũ lâu đời thất truyền đã hầu như tản mát hết, nhưng trong nơi rừng nho, biển học, tất còn có người bảo tàng được của báu. Nay ra lệnh Bộ Lễ tư đi Bắc thành, Thanh, Nghệ, Ninh Bình, phàm các nhà quan lại, sĩ thứ trong hạt, nếu ai có cất giữ được những di cảo thơ văn ngự chế thời Hồng Đức, mà thực là không khỏi là sách giả mạo, thì bất cứ nhiều ít nên đều đưa lên quan, tiếp tục chuyển tới kinh, giao cho người phụ trách tích trữ lại được nhiều, thì cho lên bàn in, để truyền bá khắp thiên hạ, cho được nêu tỏ cái hay của người xưa giữ lại làm cho phong nhã trong rừng văn nghệ”.
Ngoài ra ông cũng đọc thơ của các hoàng đế Trung Quốc như Đường Thái Tông hay Càn Long. Trong đó ông có phần chấp nhận thơ vua nhà Đường hơn, còn thơ của Càn Long bị Minh Mệnh chê kịch liệt. Một hôm “Vua ngự điện Văn Minh, sai thị thần là Trương Đăng Quế đọc bài thơ ngự chế và bảo rằng: “Thơ là để rèn luyện linh tính còn hơn cái sở thích khác. Nhưng việc học của đế vương khác với thư sinh, dẫu trong khi ngâm vịnh, cũng có ngụ ý làm chủ nước, yêu nuôi dân. Nếu không thế, cũng là một văn sĩ thôi, thì có quý gì? Ta xem thơ của đế vương đời xưa, duy có Đường Văn Hoàng [Thái Tông] là hơn cả. Về lời lẽ ý tứ khéo léo, đẹp đẽ, cách điệu mới mẻ lạ lùng, không phải người ta có thể theo kịp. Nhưng ở trong phần nhiều là ý vị về cảnh lâm tuyền, không phải khí tượng đế vương miếu đường, cùng tựa như bọn văn sĩ tranh lạ đua khéo thôi. Còn thơ của Càn Long đời Thanh phần nhiều ép gượng, bỉ lậu, không đáng nói đến, mà người thị tụng bấy giờ, không có một ai sửa nắn lại, đến nay đọc đến, chỉ là cái trò cười. Vì thế, ta mỗi khi trước tác, đều đem bàn với bọn khanh, đó là muốn tham khảo ý kiến của nhiều người. Mà bọn khanh không có nói ý kiến gì lạ, chả biết thơ của ta, quả đã điển nhã có thể truyền cho đời sau được hay không? Người xưa làm văn không thể thêm được một chữ, không thể bớt được một chữ làm quý, như thơ cổ có câu “Tế vũ ngư nhi xuất, vi phong yến tử tà” nghĩa là: mưa lún phún, con cá bơi ra; gió hây hẩy, chim én lượn thấp”. Người sau khen là tác phẩm hay hơn cả, tự ta xem ra, chữ “xuất” không bằng dùng chữ “thướng” [thướng nghĩa là lên] 2 chữ “nhi, tử” [đều là con] cũng là bổ thêm cho đủ chữ há chẳng là còn có thể bỏ bớt đi được ư”.
Cuối cùng Minh Mệnh viết: “Thơ văn ta làm ra không phải muốn khéo như người thợ, chỉ có một suy nghĩ rằng lấy việc kính trời yêu dân làm gốc. Lần này ban tặng thơ cho các quan cốt là để nêu lên ý đó, chứ không phải cùng với các văn sĩ tranh tưởng, độc giả hãy lượng thứ cho”.
Vậy nên, việc Minh Mệnh khen Lê Thánh Tông, chê vua Càn Long cũng là xuất phát từ cái ý yêu thương dân và cao hơn là yêu nước. Đó chính là vẻ đẹp trong thơ Minh Mệnh với tư tưởng “dĩ nông vi bản, dĩ dân vi bản”, để đất nước được thái bình.
T.H
(SĐB9-12)