NGUYỄN NGUYÊN AN
Theo bản đồ của tiến sĩ Nishimura Masanari trường Đại học Kansai (Nhật Bản) hợp tác với Đại học Khoa học Huế, chụp Thành cổ Hóa Châu (TCHC) từ vệ tinh đối trọng Hoàng thành Huế (bản duy nhất), tặng ông Đào Lý - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành, thì vua quan nhà Trần cho đến quan Đỗ Tử Bình trấn thủ TCHC, kế tiếp tướng Trương Hán Siêu, không ai có thể nghĩ rằng mấy trăm năm sau sẽ có một Hoàng thành Huế của vua Gia Long (mở đầu triều Nguyễn) mọc lên cách TCHC hơn 6km đường chim bay theo hướng Tây Nam.
Nhưng, ai cũng chắc rằng, vài chục năm nữa Thị trấn Quảng Thành sẽ rộn ràng thị tứ, nhộn nhịp một đô thị vệ tinh Huế nhờ Chương trình xây dựng Nông thôn mới khởi động năm nay cùng với sức lao động chung lưng đấu cật của bà con, phấn đấu đến năm 2014 Quảng Thành là xã Nông thôn mới. Hiện Quảng Thành đã đạt 9/19 tiêu chí: 4 - Điện, 7 - Chợ, 8 - Bưu điện, 13 - Hình thức TCSX, 14 - giáo dục, 15 - Y tế, 16 - Văn hóa, 18 - Hệ thống an ninh, 19 - An ninh trật tự.
Chúng tôi về Quảng Thành trong đợt nắng nóng cuối Hạ tuần tháng 8, bà con đang vào mùa gặt Xuân Hè, đâu đâu cũng gặt, xát lúa, đốt đồng cho vụ sau và xây kè, đổ đất làm đường, không khí cấp tập nhộn nhịp dưới sức nóng 370. Ấy vậy, những thửa ruộng rau của người dân Thành Trung vẫn mơn mởn vươn xanh. TCHC xưa kia đã là trung tâm Quân sự hành chính - kinh tế, văn hóa. Năm 1284 liên minh của hai dân tộc Việt, Chăm đã làm thất bại quân xâm lược Nguyên Mông. Năm 1306, nhà Trần gả Công chúa Trần Huyền Trân cho quốc vương Chế Mân (Jaya Sinhavarman III), từ đó Hóa Châu thành tiền đồn quan trọng của Đại Việt. Năm 1362 Đỗ Tử Bình vào tuyển quân lính và tu bổ thành Hóa Châu để trấn giữ biên giới phía Nam Đại Việt, sau này là hậu cứ vững chắc của nhà hậu Trần trong cuộc kháng chiến quân Minh. Làng Thành Trung nằm gọn trong TCHC nên có tên là Thành Trung. Đây là nơi đất cao nhất, thoáng nhất, phong thủy đề huề, có tiền có hậu, phía trước mặt làng là sông, phía sau lưng làng là lũy thành dọc. Tất cả các nhà trong làng đều quay về hướng Đông Nam, một hướng nhà tốt nhất của nhân dân ở miền Trung. Tên gọi Thành Trung thật ra là Thành Trong, nhân dân địa phương gọi “Trung” là “Trong”, có nghĩa là làng ở trong thành. Căn cứ vào 7 gia phả của các họ lớn ở trong làng là: Họ Đào, Trần Văn, Trần Hữu, Nguyễn Quang, Nguyễn Đình, Nguyễn Đông, Nguyễn Văn thì họ Đào, Trần Văn, Nguyễn Quang đến nay đã được 19 đời, tương đương khoảng trên dưới 400 năm. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: “Năm 1471 khi dẫn binh đi bình Chăm mở nước, vua Lê Thánh Tông sai phát thóc Thuận Hóa làm gạo, phục vụ cho cuộc Nam chinh”. Như vậy, vào thời điểm năm 1471, TCHC có thể là kho lương thực và làng Thành Trung không thể hình thành trong thời điểm này được. Trên cơ sở đó Thành Trung có thể hình thành khi thành Hóa Châu không còn chức năng là thành thời bấy giờ. Căn cứ vào các mốc thời điểm trên thì làng Thành Trung có thể hình thành vào thế kỷ thứ XVII.
Ở làng Thành Trung nhà nhà trồng rau, người người chăm sóc rau. Rau Quảng Thành đã có thương hiệu, các siêu thị ở Huế có bán rau Quảng Thành, với bao bì nhãn mác hấp dẫn. Người ta tự hỏi, nhờ đâu rau Quảng Thành ngon hơn rau nơi khác, có phải nhờ thổ nhưỡng hay phù sa của hai dòng sông Bồ và sông Hương tụ về cho vùng trũng Quảng Thành hằng năm? Có lẽ không ai tẩn mẩn tìm hiểu nguyên nhân, theo tôi nghĩ, rau ngon do đất đai và nguồn nước nơi đó hun đúc nên, như chè Truồi, Thanh Trà Nguyệt Biều, quýt Hương Cần, măng cụt Kim Long… Đất và nước của một làng quê thường làm nên hương vị đặc biệt của cây trái nơi ấy mà nơi khác không có được. Năm xưa, những gia đình, ông bà, vợ con theo chân người lính Trấn thủ thành Hóa Châu, trong cuộc trường chinh mở cõi, giữ nước tìm được đất rau, bằng cách nắm trong tay một nắm hạt giống, đến đâu họ rải giống đến đó, chỗ nào lên tốt họ chọn đất nơi đó lập ruộng trồng rau. Từ 1 giờ sáng mỗi ngày, tại đây có chừng 200 người trồng rau, dùng các phương tiện honda, xe đạp kể cả đôi quang gánh lên vai, lên đường từ vài chục ký đến 50 kg, đem rau đi tiêu thụ ở các chợ quanh Quảng Thành, chợ đầu mối Bãi Dâu, chợ Đông Ba… Những người dậy muộn lúc 4 giờ sáng, lặt rau, bó rau đến 5 hay 6 giờ, bán tại chỗ cho bạn hàng, một ký năm hay sáu ngàn đồng. Chị vợ anh Trần Quốc, thôn Thành Trung lọ mọ từ khi 3 giờ, đến 5 giờ được chục ký, bán ngay tại chỗ kiếm tiền chợ hàng ngày. Buổi tối 7, 8 giờ tại đây lại ồn ã bởi bạn hàng về mua rau Thành Trung. Hiện có doanh nghiệp rau an toàn Thành Trung ở chợ Tây Lộc, Huế do ông Nguyễn Đình Định người của làng làm giám đốc. Một trong những người có công phát triển làng rau Thành Trung là ông Đào Lý. Anh Lý đi bộ đội Trường Sa, đóng ở đảo Nam Yết về phục viên năm 1985 tham gia UBND xã. Năm 1994 anh kêu gọi 40 nông dân, nhờ anh Nguyễn Bá Tùng truyền thụ kiến thức cho người trồng rau, hướng dẫn, mở mô hình trồng rau an toàn, trồng la-ghim ngò, rau thơm, cải, tần ô… Toàn xã có 60 ha rau, riêng Thành Trung có 23 ha, không có ruộng lúa. Bà con trồng rau quanh năm, lụt vào hái rau, lụt ra xuống giống, chuyển vụ trái ra vụ chính.
Chúng tôi viếng chùa Thành Trung, nền chùa nằm giữa đoạn thành nội đã san bằng. Chùa xây dựng năm 1745. Vua Tự Đức trên đường tuần du phương Bắc, thấy vẻ uy nghi của chùa sắc phong “Kim Thành Tự”. Tôi vào chùa Thành Trung lễ Phật, nơi đây có thủ bút của thiền sư Nhất Hạnh, trong đợt thầy về thăm chùa, nơi chú điệu Nhất Hạnh bước vào đời tu sĩ, tập tễnh tu thiền sau đó mới lên chùa Từ Hiếu ở phường Thủy Xuân, Huế thọ giới Sa di. Thủ bút Nhất Hạnh:
“Chẳng biết rong chơi miền tịnh độ
Làm người một kiếp cũng như không”
Chùa Thành Trung có vị trí nằm ở giữa làng, cạnh đường liên thôn (Thành Trung - Kim Đôi), cách bờ sông Thành Trung khoảng 200m về phía Bắc và đặc biệt là nằm ở đoạn cuối của vòng thành nội (phía đông thành nội). Hiện nay, ngôi chùa có 04 hiện vật rất có giá trị là 01 chuông đồng và ba tượng cổ thờ ở hậu tẩm. Căn cứ vào các dòng chữ Hán khắc trên thân chuông thì chuông được đúc vào năm Thành Thái thứ 18 (1906) do các tín đồ phụng cúng. Tượng gỗ thứ nhất tạc hình người ở tư thế đứng (cao 38cm, thân rộng 17cm), tay trái giơ lên ngang vai, tay phải duỗi thẳng xuống khuôn mặt trái xoan; miệng chúm lại; tai to, dài. Trên đầu có một vòng quanh trán. Thân tượng chạm nổi một dải (thể hiện tấm vải khoác thay cho áo) vắt chéo từ bụng lên vai trái để lộ nửa vai trần bên phải, phía dưới dải là một tấm choàng quanh người kéo xuống ngang đầu gối. Toàn tượng được sơn màu nâu vàng, đặt trên một bệ nhỏ có chạm trổ các hoa văn. Đây là tượng thể hiện Đức Phật Thích Ca khi đắc đạo. Tượng thứ hai tạc hình vị thần Vishnu, một trong những vị thần bảo hộ của người Chăm. Toàn tượng cao 0,8m, vai rộng 0,27m. Khuôn mặt thanh tú; mắt nhỏ, sống mũi cao; môi dày, hơi trề. Thân tượng tròn khối, dáng khỏe mạnh, có 4 cánh tay cầm bốn vật: Một tay đưa ra phía trước, lòng bàn úp xuống cái chùy; một tay cũng đưa ra phía trước nhưng lòng bàn tay ngửa ra, cầm một cái dĩa toàn thân khắc những nét uốn lượn mềm mại như tấm áo choàng. Phía sau tượng là một tấm “dựa lưng” hình cánh bướm: dài 0,82m, rộng 0,47m; chính giữa (ngay sau phần đầu của tượng) là một vòng tròn đường kính 0,22m như thể hiện ánh hào quang cho tượng thần. Xung quanh trang trí hoa văn rồng hóa mây. Toàn tượng và tấm lưng dựa tô màu vàng nâu, riêng ở những chỗ không có hoa văn nổi tô màu đỏ. Tượng được đặt trên một bệ gỗ có trang trí hoa sen, có thể là bệ gỗ này mới làm lại về sau, còn nguyên gốc là một bệ bằng đá, có chạm trổ hoa sen, lá đề. Tượng thứ ba (bên trái) cao 0,47m, là tượng Phật Địa Tạng trong tư thế ngồi thiền: chân xếp bằng, hai tay thõng xuống úp lên đầu gối, mắt nhắm. Trang phục dạng áo choàng quanh người. Toàn tượng cũng được sơn màu vàng nâu. Chùa Thành Trung là nơi lưu giữ những giá trị về văn hóa truyền thống của cư dân địa phương, thông qua các hoạt động lễ hội, kiến trúc ngôi chùa, quy cách thờ tự… góp phần làm phong phú, đa dạng hệ thống chùa chiền ở Thừa Thiên Huế.
Theo anh Phan Đình Toan - cán bộ Văn hóa Thông tin xã Quảng Thành, chúng tôi đến cầu Thanh Hà, giáp ranh xã Hương Long, Huế. Đứng trên cầu anh chỉ về cánh đồng bên trái. Một cánh đồng lúa chín vàng sậm. Anh Toan nói: “Ở chỗ trồng chuối có một cái ao, người ta múc nước ao đó nấu rượu rất ngon”. Tôi phụ họa: “Nước là chất liệu quan trọng nhất, nếu bia Huda không dùng nước sông Hương thì không ngon, không có thương hiệu nổi tiếng như hiện nay”. Chúng tôi xuống con đường bê tông vào đình Thanh Hà. Đình còn bốn trụ biểu và án thờ xưa cổ với thời gian. Trước đình có núi Ngự Bình nên có câu: “Diện quán bình sơn diêu tác án/ Mục chiêm bồ thủy phát nguyên tường”. Hàng năm ở đây đều làm lễ Thu tế; ngày mùng bốn Tết con cháu đến dâng hương báo công, trình tổ tiên việc học tập tốt của mình. Tiếp đến chúng tôi qua Phù Lương A lúc gần bốn giờ chiều, chợ Cầu chưa vãn, lác đác vẫn còn người bán kẻ người mua. Bà Quách Thị Gái, 78 tuổi, tâm sự: “Ở đây có cực hơn thành phố nhưng được thoải mái thoáng đãng hơn nhiều. Xây dựng nông thôn mới là ý nguyện của người dân, cuộc sống người dân vững hơn, đường làng, ngõ xóm rộng hơn, vui hơn”. Phía bên phải chợ Cầu chừng 50m có miếu thờ bia Cánh Sen. Bia có khắc chữ người Chăm 2 mặt, ca ngợi sức mạnh tái sinh và hủy diệt của thần Vishnu, đất Chăm vĩnh hằng...
Ngay từ đầu năm UBND xã đã tích cực phối hợp với các ban ngành, các tổ chức dự án để tiếp tục triển khai thi công các công trình chuyển tiếp của năm 2011, đến nay đã có một số công trình đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng như: Nhà trưng bày Hóa Châu; Đường vành đai Tây Quảng Thành giai đoạn 2; Nhà Văn hóa thôn Thủy Điền; Trường tiểu học số 1; Trường tiểu học số 3. Mặt khác UBND xã đang phối hợp với các đơn vị để tiếp tục thi công các công trình như: Trạm bơm thâm điền; Kè sông Quảng Thành; Đê bao kết hợp với giao thông nội đồng An Thành - Thủy Điền - Hạ đồng; Công trình chỉnh trang đường tỉnh lộ 4 đi qua xã… Bên cạnh đó UBND xã đã tích cực tranh thủ các cấp, các ngành và bằng nhiều nguồn đầu tư, đến nay có một số công trình đã có vốn chuẩn bị khởi công như: Đường Thủy Điền - Phú Lương A; Trường mẫu giáo Phú Thanh cơ sở Thanh Hà; Nhà văn hóa 2 thôn Phú Lương A, Phú Ngạn… Đặc biệt trong sáu tháng đầu năm nhân dân đã đầu tư xây dựng nhà ở, các công trình phúc lợi, các công trình tín ngưỡng ở các khu dân cư tạo cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, trong đó nổi bật có thôn Kim Đôi. Ngoài ra một số thôn đã tiến hành huy động sự đóng góp của nhân dân để chuẩn bị tiến hành đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn như thôn Tây, Thành thôn Thành Trung. TCHC một trong những địa phương đô thị hóa từ rất sớm, thuở trước cũng như hiện nay là vùng đất có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển của những vùng lân cận. Và, cũng là địa phương mang đậm dấu ấn của một thời vàng son lịch sử.
Chia tay với Thành Trung, bài vè của anh Toan về xây dựng Nông thôn mới vang vang trong tôi:
…19 Tiêu chí Nông Thôn Mới ban ra
Làm cho Dân giàu, Nước mạnh, nhà nhà
yên vui.
Kinh tế phát triển, tệ nạn xã hội đẩy lùi
Văn hóa lành mạnh, môi trường đẹp xinh
Chính trị, Quốc phòng, An ninh
Vững mạnh toàn diện, văn minh xóm làng.
Một! Quy hoạnh thật rõ ràng
Hai! Là xây dựng, đàng hoàng giao thông
Ba! Là thủy lợi thủy nông
Bốn! An toàn điện, cộng đồng dùng
thường xuyên
Năm! Trường học khuôn viên
Sáu! Cở sở văn hóa, xã liền đến thôn
Bảy! Đạt được chợ nông thôn
Tám! Là Bưu điện, thông đường truyền thông
Chín! Nhà tường gạch mái hồng
Mười! Tăng thu nhập cộng đồng yên vui
Mười một! Chú trọng hộ nghèo
Mười hai! Lao động theo nghề - giảm nông
Mười ba! Hợp tác cờ hồng
Mười bốn! Giáo dục, học nghề, phổ thông
Mười lăm! Y tế tươi hồng
Mười sáu! Văn hóa cộng đồng văn minh
Mười bảy! Cảnh vật môi sinh
Mười tám! Chính trị đồng tình dưới trên
Mười chín! Trật tự vững bền
An toàn xã hội, Quốc phòng bình yên
“Nông thôn mới” Đồng lòng tiến lên…
Rõ ràng sức bừng lên của một thị tứ rộn ràng trong tương lai gần, một phố quê yên ả ngoại vi đô thị Huế đã và đang khởi sắc từng ngày…
Trại sáng tác VH Quảng Điền, 2012
N.N.A
(SĐB9-12)
---------------------
* Trong bài có sử dụng tư liệu từ một số bài viết của ông Đào Lý - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành.