Tạp chí Sông Hương - Số 285 (T.11-12)
Nhớ những bạn thơ từ nước Nga
15:05 | 06/11/2012

Từ khi tạp chí Sông Hương triển khai Chương trình Phát triển Không gian Văn hóa vào đầu năm 2009, bạn bè văn nghệ trên thế giới về Huế gặp gỡ, giao lưu khá nhiều. Trong số những người khách ghé lại, có một đoàn khách khiến Sông Hương hết sức cảm động, đó là đoàn các nhà văn Nga do nhà thơ Vadim Fedrovic Terekhin - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga dẫn đầu, cùng các nhà văn Bavuwkin Oleg Mtrofanovic - Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Nga, Buktop Alexecvic Linnic - Tổng Biên tập báo Ngôn Từ, nguyên Tổng Biên tập báo Pravda(Sự Thật)... ghé thăm tạp chí vào ngày 25/2/2011.

Nhớ những bạn thơ từ nước Nga
Nhà thơ Vadim cùng đoàn nhà văn Nga tại TCSH ngày 25-2-2011

Trước đó, chúng tôi chỉ nhận được tin từ Hội Nhà văn Việt Nam cho biết  có một đoàn nhà văn Nga sau khi thăm Hội Nhà văn đã muốn vào Huế ghé thăm và giao lưu cùng Tạp chí Sông Hương. Trong đoàn bạn có một thứ trưởng, nhưng ông ấy chỉ muốn đi với tư cách nhà thơ, đó chính là nhà thơ Vadim Fedrovic Terekhin - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga. Tạp chí đón nhận thông tin ấy với nhiều ngạc nhiên thú vị. Lần đầu tiên, Tạp chí Sông Hương có vị thứ trưởng một nước lớn như Liên bang Nga ghé thăm. Thứ nữa, một vị thứ trưởng mà đi với tư cách nhà thơ thì chắc chắn sẽ hết sức thú vị. Chất nghệ sỹ của nhà thơ Vadim như thế thật đáng nể, không như nhiều người đi đâu cũng muốn nhãn mác chức danh, học vị của mình được xướng lên... Cùng đi có nguyên Tổng Biên tập báo Pravda vốn rất nổi tiếng của nước Nga, khiến chúng tôi không khỏi hồi hộp.

Tuy nhiên cũng do Tạp chí Sông Hương đã đón nhiều bạn bè văn nghệ trong và ngoài nước lui tới nên chúng tôi cũng không quá lo lắng. Chúng tôi nhận thấy rằng tiếp đón bạn bè muôn phương bằng tấm lòng chân thật, thì đó cũng chính là điều mà anh em văn nghệ sỹ lúc nào cũng mong đợi nhất. Chúng tôi mời thêm anh em trong Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Sở Ngoại vụ, Hội Hữu nghị Việt - Nga cùng tham gia gặp gỡ, giao lưu.

Đúng 15giờ chiều, xe chở đoàn nhà văn Nga đến trước tạp chí. Nhà văn Đào Kim Hoa, Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, giới thiệu từng người trong đoàn. Nhà thơ Vadim Fedrovic Terekhin - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga, dáng người tầm thước, có những cử chỉ nhẹ nhàng và phóng khoáng. Nhà văn Buktop Alexecvic Linnic - Tổng biên tập báo Ngôn Từ, nguyên Tổng biên tập báo Pravda thì rất cao lớn, luôn nở nụ cười hồn hậu. Còn nhà văn Bavuwkin Oleg Mtrofanovic - Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Nga thì lại có những nét tinh tế thú vị.
 

Nhà văn Buktop Alexecvic Linnic - Tổng biên tập báo Ngôn Từ, nguyên Tổng biên tập báo Pravda nhận tặng phẩm của TCSH


Thay mặt anh em văn nghệ Huế, chúng tôi chào mừng đoàn nhà văn Nga đến thăm Tạp chí và thông tin đến các bạn Nga về các tác phẩm của văn học nước Nga Xô Viết đã được giới thiệu trên tạp chí. Từ những số báo đầu tiên (6/1983), Tạp chí Sông Hương đã là nhịp cầu nối, giới thiệu nhiều tác phẩm và sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ nước Nga đến với bạn đọc như: Lev Tolstoy, Doxtoievxki, Iosif Brodsky, Yevgeny Yevtushenko, Vladimirovich Mayakovsky, Olga Berggolts, Aitmatop, ... và nhiều bài thơ của các nhà thơ Việt Nam nói chung và Huế nói riêng viết về đất nước và những người bạn Nga. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Tạp chí Sông Hương đã kết nghĩa với Hội Nhà văn Belorutxia, và tháng 11/2010, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Hội Hữu Nghị Việt - Nga đã cùng tổ chức đêm thơ “ Nước Nga yêu mến của tôi ơi”...

Nhà thơ Vadim Fedrovic Terekhin, nhà văn Bavuwkin Oleg Mtrofanovic và nhà văn Buktop Alexecvic Linnic đã trao đổi cùng các nhà văn xứ Huế về tình hình, xu hướng sáng tác hiện nay của văn học nước Nga. Theo đó, tình hình văn học của Nga hiện có nhiều điều trăn trở. Sau Cải tổ, các nhà văn Nga gặp rất nhiều khó khăn trong sáng tác, xuất bản. Nhà nước không tài trợ cho Hội Nhà văn hoạt động, còn nhà văn lại không thể phát huy ngay vai trò trong cơ chế thị trường. Các nhà văn chân chính không sống được bằng ngòi bút. Đã diễn ra tình trạng nhiều nhà văn bị cuốn theo xu hướng viết nhằm thỏa mãn thị hiếu tầm thường, thiếu tác phẩm văn học đích thực. Đấu tranh với dòng văn học ít nhân văn quả không đơn giản, nhưng đó là mục tiêu phải làm của các nhà văn Nga - Vadim nói. Nhà thơ thông tin thêm - Nhiều độc giả trong đó có các nhà lãnh đạo cao cấp thích văn học cổ điển, không thích văn học đương đại. “Ngôn từ” là tạp chí có tên tuổi ở Nga, đăng sáng tác của các nhà văn nổi tiếng song cũng khó khăn trong bối cảnh mới.

Nhà thơ Vadim Fedorovic Terekhin cho biết: Nhiệm vụ hàng đầu của Hội Nhà văn Nga là đánh giá, chọn lọc tác phẩm có giá trị trong rất nhiều tác phẩm trên mạng và tác phẩm tự xuất bản. Hội cũng hoạch định lại chính sách đối ngoại của mình, chúng tôi sẽ đi nhiều nước để xem xét văn học Nga trên thế giới đang ra sao. Chúng tôi chọn đối tác là Việt Nam dựa trên các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Thật quý khi được biết ở Huế, văn học Nga vẫn còn có chỗ đứng trong trái tim những người yêu văn học.

Tối, chúng tôi mời đoàn nhà văn Nga cùng thưởng thức vài món ăn Huế ngay bên bờ sông Hương, con sông mà tạp chí được vinh dự mang tên. Vadim có vẻ thích thú với chi tiết đó. Alexevic Linnic lấy từ túi xách ra một chai vốt ka “Pháo hoa” của Nga. Vốt ka Nga chính hiệu quả danh bất hư truyền, câu chuyện râm ran. Chúng tôi nói về thời gian trước 1991. Vadim kể lúc đó nhà thơ đang ở trong quân ngũ, có khi hàng tuần anh tập khuân vác hành quân rất vất vả dưới trời mưa, chân ngập trong tuyết... Vadim Fedorovich Terekhin sinh năm 1963 tại làng Pesochensky vùng Tula. Ông tốt nghiệp đại học Kỹ thuật quân sự của Lực lượng tên lửa, pháo binh Mikhail Chistyakov; sau đó ông vào học ở Viện Văn học Moscow. Ông từng phục vụ tại Sân bay vũ trụ Baikonur và với uy tín trên văn đàn, thành viên của Học viện Văn học Nga (Moscow), ông trải qua các chức vụ: Thư ký của Liên hiệp Nhà văn Nga, Chủ tịch Chi nhánh khu vực Kaluga của Liên hiệp Nhà văn Nga, Thư ký của Hội đồng Văn hóa và Nghệ thuật khu vực Kaluga; Thứ trưởng - Trưởng ban Văn hóa, Nghệ thuật và Điện ảnh của Bộ Văn hóa khu vực Kaluga - Liên bang Nga. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ có giá trị: “Trong suốt thời gian” (1996), “Thất vọng giang hồ” (1997), “Thơ” (1999), “Phấn hoa là vàng” (2001), “Trong số các nguyên âm và phụ âm” (2009), “Về sự tồn tại của đời” (2009)... Anh liên tục nhận được nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng cho nhà văn trẻ Nga (1996), Giải thưởng văn học Marina Tsvetaeva (1999), Giải thưởng “Golden Walk” Nhà xuất bản Văn học (2000), Văn bằng II Philaret cuộc thi thơ ca tôn giáo trên Internet (2001), Giải thưởng văn học Nga “Cha của ngôi nhà” (2003), Giải thưởng danh dự của Diễn đàn quốc tế của thơ ca Bahrain và UAE (2007), Giải thưởng Trung ương Liên bang Văn học nghệ thuật (2009)...

Và có lẽ sự chân thật của người nghệ sỹ ẩn giấu trong chúng tôi đã bay lên cùng men vốt ka đến từ những người bạn. Chúng tôi đã không giấu giếm những trăn trở, lo âu và kể cả những niềm hoài vọng của chúng tôi về một tương lai văn học ở một đất nước bi hùng, từng gánh chịu nhiều nỗi đau, nhiều hệ lụy của lịch sử như tổ quốc chúng tôi. Khi Vadim Fedrovic Terekhin hỏi chúng tôi về tình hình của văn chương trẻ đương đại Viêt Nam thì chúng tôi bắt đầu trao đổi về những trào lưu, xu hướng sáng tác thời danh trên thế giới. Chúng tôi cho rằng bất cứ một trào lưu sáng tác nào cũng thoát thai từ những căn nguyên và gốc rễ của nó. Chúng tôi bày tỏ sự vui mừng của mình về những tín hiệu đang tìm đường của một số nhà văn, nhà thơ trẻ ở Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung, tất nhiên chúng tôi cũng không giấu giếm sự lo lắng của chúng tôi về những hiện tượng văn chương đang ồn ào khoác lên mình những tín hiệu của sự giả tạo trong những cái mà họ gọi là cách tân. Bất cứ một sự giả tạo nào trong sáng tạo cũng sẽ tự gánh lấy những hệ lụy vốn tiềm ẩn ngay trong chúng. Và hậu quả dễ thấy nhất của nó là sự chìm vào quá vãng khi tác phẩm chưa kịp cử động đôi cánh của mình. 

Sự hỗn chứa của vô số trào lưu sáng tạo khác nhau trong lòng một quốc gia thì người viết Việt không thể không thoát khỏi những hoài nghi về thang giá trị. Chúng tôi nói với những nhà thơ nước bạn rằng thực ra văn chương Việt vẫn còn “vọng cổ”, trung thành với diễn ngôn cũ và hệ hình đã ăn sâu vào lối mòn sáng tạo và cảm thức nghệ thuật của mình. Chúng tôi nói với Vadim Fedrovic Terekhin rằng hầu hết các nhà văn trẻ Việt Nam vẫn dựa dẫm quá nhiều vào kinh nghiệm bản thân, thiếu sự tưởng tượng và vượt thoát sự thật để đi đến một sự thật khác, chúng tôi vẫn đang miệt mài trên những mảnh đất đã bị xới tung hàng thập kỷ nay. Chính sự sắp đặt từ những điều mắt thấy tai nghe khiến cho văn chương chúng tôi ít có những cú nhảy đột biến, khó có thể chạm vào được thứ cảm thức của văn chương đương đại thế giới. Vì thế tác phẩm của chúng tôi dễ dàng làm vừa lòng những người dễ dãi.

Chúng tôi vẫn đang có một khoảng cách khủng khiếp với sự biến chuyển ồ ạt của kỹ thuật văn chương đương đại Tây phương và một trong những điều phải làm của Tạp chí Sông Hương là góp phần nối kết, quảng diễn cho được những trào lưu sáng tạo đương đại của thế giới đến bạn đọc. Một trong những kế hoạch của chúng tôi là sẽ tiếp tục cố gắng tổ chức những chuyên đề mang tính nghiêm xác của học thuật và sáng tạo, những cuộc thi sáng tác về các thể loại cho sinh viên và những người trẻ dám dấn thân trong nghệ thuật để mong phát hiện được những chân giá trị còn bị khuất lấp trong giới trẻ khi họ chưa bị dòng đời cuốn tan đi.

Chúng tôi cũng nói với các bạn rằng chúng tôi không phủ nhận tầm quan trọng của tầng sâu cảm thức văn hóa Đông phương. Chúng tôi cần phải đứng trên gốc rễ của mình rồi mới nhập cuộc. Dấu vết của hệ hình hiện đại trong thi ca chúng tôi đã manh nha từ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Giáng…, chính họ là những tín hiệu vui đầu về sự vượt thoát của tư duy sáng tạo người Việt. Ngày nay, chúng tôi đang nhìn lại thế giới của họ giống như những thi nhân đi tìm những niềm vui trong quá vãng để an ủi và làm sức mạnh cho thực tại sáng tạo ở những người trẻ hiện nay. Chúng tôi cũng bày tỏ với những người bạn Nga rằng chúng tôi sẽ cố gắng để chạm được vào cảm thức của nghệ thuật đương đại đích thực. Tất nhiên đường thì rất xa mà chúng tôi thì đang còn đó những khó khăn chồng chất.

Cuộc hội ngộ hoàn toàn không thấy ở các nhà thơ nước Nga dáng vẻ của một vị thứ trưởng đạo mạo hay một ông tổng biên tập nghiêm cẩn từ Vadim hay Buktop, hay sự cẩn trọng như người của trưởng ban đối ngoại Bavuwkin Oleg Mtrofanovic, tất cả như chan hòa cùng sóng nước Sông Hương êm ả ngoài kia. Đêm đó chúng tôi cùng hát những bài dân ca Nga, và Vadim cũng đọc những bài thơ của mình.

Sau đó ít lâu, Vadim gửi về cho Sông Hương những bài thơ. Chúng tôi cũng đã giới thiệu một chùm thơ của anh. Chúng tôi báo cho anh biết điều đó, và từ nước Nga xa xôi, anh email cho chúng tôi: “Thật hạnh phúc xiết bao!”

SÔNG HƯƠNG
(SH285/11-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng