Báo chí Thừa Thiên Huế: Nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới
Th.S. PHAN CÔNG TUYÊN
UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Cách đây 87 năm, kể từ khi số báo Thanh Niên đầu tiên ra đời vào ngày 21/6/1925 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh, là vũ khí tư tưởng sắc bén, tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tin cậy, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển toàn diện, Đảng ta khẳng định: “Công tác báo chí là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng”; nhiều chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật ra đời đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển của báo chí.
Thừa Thiên Huế tự hào là vùng đất giàu truyền thống báo chí cách mạng, cùng với thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; trong những năm qua, báo chí tỉnh ta đã có bước trưởng thành về mọi mặt, số lượng các đầu báo, tạp chí, ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình tăng lên khá nhanh; các phương tiện kỹ thuật và công nghệ làm báo được đầu tư hiện đại; phạm vi phát hành, địa bàn phủ sóng ngày càng tăng; nội dung ngày càng chất lượng, hình thức có nhiều cải tiến, đổi mới. Đội ngũ những người làm báo không ngừng trưởng thành, có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn
nghiệp vụ vững vàng, thể hiện rõ vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa; đã góp phần nâng cao đời sống báo chí trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng cho sự ổn định, phát triển và đi lên của tỉnh nhà.
Báo chí trên địa bàn tỉnh đã hoạt động đúng định hướng chính trị, đúng mục đích, tôn chỉ, giữ vai trò “người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể”; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các sự kiện chính trị quan trọng của quê hương, đất nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước; góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Kịp thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới. Báo chí tuyên truyền về biên giới, hải đảo, chủ quyền lãnh thổ quốc gia; đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực của xã hội, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Các cơ quan báo chí đã tích cực, nỗ lực xây dựng đơn vị vững mạnh; coi trọng công tác xây dựng Đảng, chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; đổi mới mô hình và phương thức hoạt động, bảo đảm điều kiện tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động báo chí. Những người làm báo thường xuyên đến với cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, nơi thiên tai bão lũ, các điểm “nóng” để có những đề tài mới, sinh động, phản ánh kịp thời tình hình, phục vụ hiệu quả hoạt động tuyên truyền.
Hội Nhà báo tỉnh đã có những đóng góp tích cực, đạt nhiều thành tựu mới trong hoạt động báo chí nói chung và hoạt động của Hội nói riêng. Hội tích cực tham gia vào công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xây dựng tổ chức, phát triển hội, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên. Hằng năm, đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, mang lại ý nghĩa sâu sắc làm phong phú thêm đời sống báo chí của tỉnh.
Các hội viên đã có những bước trưởng thành mới, xây dựng chi hội ngày càng vững mạnh, tham gia tuyên truyền và xây dựng nhiều chương trình, chuyên mục đem lại hiệu quả thiết thực như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các chuyên mục về “Xây dựng Đảng”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Kết luận 48 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương... Các phóng sự, điều tra, tin tức thời sự phản ánh khá toàn diện, phong phú, đa dạng; nhiều chuyên mục đảm bảo chất lượng.
Báo Thừa Thiên Huế có nhiều chuyên trang, chuyên mục khá tốt phản ánh về hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội... trên địa bàn tỉnh; số báo hằng ngày nay đã được in 4 màu, tăng trang trong các dịp lễ, các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước; số báo cuối tuần có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức được bạn đọc quan tâm và đánh giá cao. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đánh dấu bước phát triển khi sóng của Đài đã được đưa lên vệ tinh Vinasat 1; tăng thời lượng phát sóng, nâng cao chất lượng các chuyên đề, chuyên mục, duy trì ổn định hoạt động phát thanh. Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, đơn vị của Đài Truyền hình Việt Nam đóng trên địa bàn, thường xuyên quan tâm, sát cánh để tuyên truyền đậm nét các hoạt động của tỉnh; tăng thời lượng phát sóng lên 18 giờ/ngày, khẳng định được vị thế, thương hiệu của VTV Huế.
Tạp chí Sông Hương, tiếp tục xứng đáng là một trong các tạp chí văn học nghệ thuật địa phương hàng đầu, hội tụ được nhiều nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của Thừa Thiên Huế và cả nước, đạt được những kết quả bước đầu trong việc bồi dưỡng những cây bút trẻ đầy triển vọng; xuất bản thêm các số đặc biệt làm phong phú cho đời sống văn học, nghệ thuật, báo chí của miền núi Ngự, sông Hương, một vùng đất giàu truyền thống báo chí cách mạng và bản sắc văn hóa độc đáo; đồng thời góp phần cho công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tạp chí Khoa học - Đại học Huế, đã có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu khoa học tự nhiên, xã hội, xây dựng và phát triển giáo dục đào tạo ở bậc đại học và trên đại học thuộc Đại học Huế. Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, ngoài các công trình nghiên cứu chuyên sâu về khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, đã có chuyên mục tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, về biển Đông, cung cấp các cứ liệu, nghiên cứu quan trọng, góp phần khẳng định quyền và chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tạp chí Huế Xưa & Nay, với 20 năm xây dựng và phát triển, có nhiều đóng góp về nghiên cứu khoa học cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của lịch sử văn hóa Huế. Các tạp chí, tập san của Hội Nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, các đoàn thể chính trị xã hội... cũng phát hành khá đều đặn hàng qúy, hàng năm, tạo nên nét đẹp tinh thần và mang đến nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc. Các trang thông tin điện tử của các báo, tạp chí ngày càng phát triển, thông tin văn học, văn hóa, văn nghệ phản ánh nhanh nhạy, kịp thời, được độc giả trong nước và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ biết đến.
Các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí của Trung ương với đội ngũ phóng viên đông đảo, hoạt động sôi nổi, nhiệt tình và trách nhiệm, đã tạo cho đời sống báo chí của tỉnh thêm đa dạng, khởi sắc, góp phần tích cực quảng bá và giới thiệu hình ảnh Thừa Thiên Huế đến với bạn đọc gần xa, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh nhà phát triển.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV xác định: “Xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản vững vàng về tư tưởng, chính trị và nghiệp vụ, có tâm và có tầm trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập”. Trước yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, báo chí trên địa bàn tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung như sau:
Để báo chí thực sự phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đội ngũ những người làm báo không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; đạo đức nghề nghiệp; phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội, vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Không chạy theo xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí.
Thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và Nghị quyết Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, Thông báo kết luận 41 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí”, để báo chí phát huy ưu điểm và tiềm lực, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức, cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ. Không ngừng nâng cao chất lượng thông tin, tính hấp dẫn, tính chiến đấu; chủ động đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Mỗi cơ quan báo chí và nhà báo cần tự giác thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là tiếp tục hưởng ứng tích cực, hiệu quả cuộc vận động, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về tấm gương đạo đức của Bác. Cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của từng hội viên, nhà báo; có chính sách khen thưởng động viên kịp thời, khắc phục những khuyết điểm nhằm xây dựng đội ngũ những người làm báo trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, thật sự là lực lượng xung kích trên trận tuyến tư tưởng văn hóa của Đảng.
Báo chí đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng rất vẻ vang. Bước vào nhiệm kỳ mới 2012 - 2017 của Hội Nhà báo tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh sẽ có một sinh khí mới đầy khởi sắc, có nhiều đóng góp mới, hiệu quả hơn nữa trong công tác tuyên truyền để góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, thực hiện thắng lợi Kết luận 48 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.
P.C.T
(SH285/11-12)