NHỊP ĐIỆU THỜI GIAN (thơ), tác giả Nguyễn Hồng Vinh, Nxb Văn học 2012.
Qua thi phẩm của mình tác giả đã chạm sâu và những vùng sâu kín của cảm xúc. Đó là những cảm xúc thoát thai từ tình yêu quê hương đất nước của một nhà thơ luôn trăn trở và không ngừng chiêm nghiệm về giá trị trong cuộc sống. Thơ của Nguyễn Hồng Vinh dựa trên lớp ngôn từ giản dị, chân chất nhưng đằm thắm và dễ đi vào lòng người bởi những hình ảnh thân quen của quê hương nồng hậu. Tình yêu vẫn là khu vườn đầy hoa trái vẫy gọi người sáng tạo trong Nhịp điệu thời gian. Tình yêu ở đây là thứ tình yêu được kết nối giữa quá khứ và hôm nay, tình yêu đi ra từ trong hơi ấm của một con người luôn biết cách giữ những ngọn lửa để không cho chúng biến thành tàn tro.
ĐIỂM NHÌN (truyện ngắn), tác giả Lãng Hiển Xuân, Nxb Văn học 2012. Truyện ngắn của Lãng Hiển Xuân luôn đi ra từ sự thật. Sự thật về những nơi anh đã đi qua, về những người anh đã gặp và về những cảm nghiệm của anh trước tha nhân. Đọc Điểm nhìn để thấy thân phận của con người, nhất là những người nghệ sĩ trước cuộc sống hiện đại có nhiều va đập, bung vỡ. Đó là sự đối chọi giữa cái đẹp, cái tinh khiết đang trôi lạc giữa dòng đời thị phi. Con người trong Điểm nhìn bị ném vào giữa một thế giới xô bồ, con người đôi khi lạc lối và không ngừng tự vấn về mình và bản chất của sự sống cũng như mọi giá trị của nghệ thuật. Tất cả được xây dựng dựa trên một lớp ngôn từ chân thật nhưng thỉnh thoảng có pha chút suy nghiệm triết lý của một nhà văn từng trải.
ĐẮM VÀ NHỮNG TRUYỆN NGẮN KHÁC (truyện ngắn), tác giả Mai Sơn, Phương Nam Book và NXb Hội Nhà văn, 2012. Trước hết chúng ta nhìn thấy có hai lối viết khác nhau giữa truyện Đắm đuối so với những truyện ngắn khác. Có một sự chuyển dịch nào đó ở tư duy của người viết đã xảy ra trong sự cấy ghép giữa Đắm đuối với những truyện ngắn khác vào một tập truyện. Trong khi những truyện ngắn khác dường như cố bội ước với lối viết truyền thống thì Đắm đuối vẫn in hằn một cách cố tình những dấu vết của văn học hiện thực, mạch truyện được triển khai dựa trên một hệ thống nhân vật, tác giả đang cố để lột tả cuộc sống như nó vốn là. Tới Hình dung, Một chỗ chật hẹp, bữa tiệc, Phức cảm, Tâm cảnh thì lối viết của Mai Sơn chuyển sang một ngã rẽ khác. Một ngã rẽ thể hiện sự tự vấn không ngừng trong tư duy sáng tạo. Những truyện ngắn này không dung chứa sự thật, không tham vọng miêu tả ngoại giới mà hướng tới xác lập những simulacra, những hiện thực giả tạo, những bản thế vì. Mai Sơn dần đi sâu vào những vùng mờ của tâm thức, nơi túi khôn của lý trí khó mà chạm vào được.
HÀNH TRÌNH ĐI VÀO TRIẾT HỌC (chuyên luận), tác giả Trần Văn Toàn, Nxb Tri thức, 2012. Công trình này là kết quả của bài “Triết học nhập môn” do chính tác giả phụ trách tại lớp Dự bị Văn Khoa Huế, bắt đầu từ niên khóa 1961 - 1962. Đây là công trình mang tính định hướng, gợi mở cho những ai muốn tìm đường vào triết học. Bằng ngôn ngữ khúc chiết, tư tưởng rõ ràng, những vấn đề cơ bản của triết học dần hiển lộ. Triết học là gì? Đó là câu hỏi vốn có từ khởi thủy của các triết gia, nay được diễn giả nhìn lại trong sự đối sánh giữa các quan niệm của các nhà triết học. Những câu hỏi cơ bản nhất của triết học cũng được đưa ra và lý giải trong công trình nay như: Vấn đề lý tính; Vị trí của triết học; Hiện thân căn bản; Hiện thân trong vật giới, Hiện thân trong nhân giới; Ý thức về tha nhân...
HỌNG ĐÊM (thơ), tác giả Nguyễn Lãm Thắng, Nxb Văn học, 2012. Họng đêm dung chứa những cách tân về thơ của một thi sĩ mà cuộc đời luôn song hành với thi ca. Trong cái nhìn của Hoàng Vũ Thuật thì “thơ Nguyễn Lãm Thắng khởi ra từ bóng tối... thơ như mặc định một bản năng đau buồn.” Họng đêm, khơi đến tận cùng của những nỗi đau, nỗi hoảng loạn của thi nhân trong vùng mờ sáng tạo. Lẽ tất nhiên trong những nỗi đau của anh người ta nhận thấy một hơi ấm đang xuyên qua từng câu chữ. Thế giới Họng đêm là thế giới chênh chao giữa hiện thực và siêu thực. Con người ở đây khắc khoải cõng trên phận mình những nỗi sợ hãi đi về miền vô định. Không chỉ truy vấn về tha nhân, tình yêu cũng là nguồn cảm hứng của tác giả trong thi phẩm này. Đối với nữ thi sĩ Âu Thị Phục An thì “Tình yêu trong thơ của Nguyễn Lãm Thắng ngan ngát phù hoa mà cũng có khi mặn đắng ái ân, ngơ ngác thắp cho đời một chút hạnh phúc mang riêng một cõi lặng thầm...”.
ĐIỀU BẤT KHẢ, giới hạn của khoa học & khoa học của giới hạn (chuyên luận), tác giả John David Barrow, Nxb Tri thức, 2012. John David Barrow (1952 -) là nhà vũ trụ học người Anh, tiến sĩ về Vật lý vũ trụ. Những công trình của ông bao trùm nhiều lĩnh vực của vũ trụ học. Theo cách nhìn của Paul Copan, Philosophy anh Theology thì “Barrow đã viết một cuốn sách cuốn hút, thậm chí có vẽ như đùa nghịch. Ông trình bày một số “định luật” chí phối “thiên nhiên” hầu giúp chúng ta phân biệt giữa điều có thể và điều không thể... Quyển sách của Barrow làm người ta đọc mà thấy vui thích, chứa đầy thông tin, tạo nguồn hứng khởi cho người đọc suy ngẫm.” Lần lượt các vấn đề như: Điều bất khả trong nghệ thuật; Niềm hy vọng vào tiến bộ; Trở về tương lai; Tính chất con người; Những giới hạn về công nghệ; Những giới hạn vũ trụ học; Những giới hạn khó lường; Điều bất khả và chúng ta... được soi chiếu và lý giải một cách nghiêm xác, bổ ích và thú vị.
(SH285/11-12)