Tạp chí Sông Hương - Số 285 (T.11-12)
Không gian trong tác phẩm tạo hình Bắc miền Trung
09:06 | 16/11/2012

TRỊNH HOÀNG TÂN

Đến với các tác phẩm mỹ thuật khu vực IV năm 2012 được trưng bày tại thành phố Hà Tĩnh, thấy gì qua những tìm tòi khác nhau, trở lại những khuynh hướng đã qua hay xuất phát từ những điểm mới?

Không gian trong tác phẩm tạo hình Bắc miền Trung
Họa sĩ Phan Thanh Bình bên cạnh bức tranh đạt giải - Ảnh: svhttdl.hue.gov.vn

Nhìn bao quát, có lẽ yếu tố không gian là mối quan tâm chủ yếu đa phần của hầu khắp các tác phẩm. Những không gian hỗn mang đan xen với cuộc sống, hình thể sinh động đa dạng; không gian đang rộng mở, đa hướng chiếm hết toàn bộ bố cục tranh, tràn lấp mọi phía. Yếu tố không gian trong tranh toát lên nội hàm, biến tác phẩm thành cấu trúc tiềm ẩn. Sự hòa phối ánh sáng, gam màu phản chiếu đầy những cảm giác mà khi nhìn thấy không ngừng chuyển động, kỳ ảo, lôi cuộn bao tâm trạng bởi thực thể của thế giới nghệ thuật, vòng bọc của mảnh vỡ, của ảo giác, hoan hội Bắc Miền Trung. Không gian có thể do phản ứng giữa nội tâm và ngoại cảnh, tiềm thức và trí tuệ, truyền thống và hiện đại, phút giây và vĩnh hằng. Có không gian bạo liệt đến đằm thắm trần yên, sóng sôi sục cuộn thành yên ả. Cường độ rung cảm của ánh sáng quy tụ vào những lóe chớp thiền định, những mơ màng ảo giác toát ra từ không gian quý hiếm, lộng lẫy.

Có thể nhận thấy một số tác phẩm biểu đạt không gian rơi lạc hay đột ngột đậm đặc, tưởng sẽ gặp lại chúng, và trong sự ngỡ ngàng tột cùng, dõi theo một cách lạ lẫm, lưỡng lự, bay bỗng như ánh chớp.

Không gian trong tác phẩm “Biển tình” của họa sĩ Phan Thanh Bình (Thừa Thiên Huế) vọng lên vô số lời vẫy gọi, trong đó không khí và sự trong suốt giữ một vai trò chủ đạo. Đó là những khoảng sắc vàng nhức nhối, những chấm phá mang màu sắc nghệ thuật hay những bến bờ với những ánh nước rưng rưng. Một sự trầm lặng, một sự cân bằng, một chút im ắng nào đó đã ngự trị trong tác phẩm này. Các cảm xúc mang tính chất trừu xuất tượng trưng, vừa mang tính chất cường điệu với sắc thái biểu hiện của tâm trạng. Những hình thể với quan hệ tính giao không gian trong tranh “Biển tình” hiện hình như những ám ảnh về sức sống, về sự vận động và những mối tương tác vừa như ngẫu nhiên vừa như tất yếu của thực tại.

Ánh sáng phản chiếu không gian trong tác phẩm “Ngẫu 1”, “Ngẫu 2” của họa sĩ Phan Hải Bằng (Thừa Thiên Huế) thể hiện bằng chất liệu giấy tre là nét mới trong triển lãm mỹ thuật khu vực IV. Tác phẩm treo ở chỗ có ánh sáng mặt trời xuyên thủng, không gian trở nên huyền ảo, nhảy múa, tung hoành, thôi thúc nội tâm, một cảm hứng, một sự nghiền ngẫm những ý tưởng. Tác phẩm của Phan Hải Bằng biểu hiện như một sự bùng vỡ mang tính nội tại. Nó cuốn hút vào không gian của những suy tưởng, những vật vã và chiêm nghiệm.

Tại cuộc triển lãm này, tuy có tên tác phẩm cụ thể của những nhan đề nhưng đó chỉ là sự gợi ý nội dung tác phẩm vốn dĩ có cấu trúc phức tạp với không gian nội tâm. Từ đây xuất hiện những tác phẩm đậm đặc nét cọ sáng tạo liên tiếp chồng phủ lên nhau, vô số những vết tích biểu thị quá trình sáng tạo. Những đường nét mạnh mẽ, lưỡng lự, rung rẩy giăng bẫy với khoảng im ắng của trời nước, của một dấu vết trong vật thể, một hơi thở nén lại, một sự suy gẫm trầm ngâm về những biến đổi và mâu thuẫn của cuộc đời. Tác phẩm  “Để đến được sự hoàn thiện” của họa sĩ Lê Anh Ngọc (Hà Tĩnh); tác phẩm “Bản Sonat của Biển” thể hiện chất liệu Acrylic của họa sĩ Đặng Mậu Triết (Thừa Thiên Huế); “Lễ hội hoa đăng” của họa sĩ Công Huyền Tôn nữ Tuyết Mai (Thừa Thiên Huế); “Hợp xướng lam” của họa sĩ Nguyễn Hữu Dỵ (Nghệ An); “Đò” của họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn (Thừa Thiên Huế); “Dấu thời gian” của Lê Ngọc Duy (Quảng Trị)... nêm chặt không gian với những đường nét mạnh mẽ, so sánh các mối tương quan giữa những hình ảnh trong tranh tương ngộ hòa lẫn thân phận con người với tính chất đa tầng biểu xúc. Cái ấn tượng của sự vật được nhìn và các biểu hiện từ một nội dung được cảm nhận, được khẳng định một cách nguyên tắc, khả năng này làm gợi nhớ đến cái viễn cảnh lãng mạn về trạng thái tinh thần con người, bất định của thực tại. Không gian trong các tác phẩm xung động dữ dội, bao hàm mang tính cá nhân, mang tính phân tích. Mặc dù các đối tượng không phải tất cả đều liên quan chính xác một cách rõ rệt trong tranh và những màu sắc nổi lên từ sự tương tác màu sắc đứng cạnh nhau. Tuy nhiên, không gian trong các tác phẩm này, màu sắc được sắp đặt với nhau, phối hợp với nhau tạo ra phẩm chất trung thực, cá tính sáng tạo có sự khác biệt.

Bằng việc mở rộng phạm vi không gian nằm bao hàm tất cả những cái không có hình thù và thoảng qua ở trong những cái có thể thấy được, không gian nghệ thuật như làm cho bản chất được trải nghiệm trong tự nhiên. Dường như, cuộc triển lãm khu vực lần này, lớp người mới dần hình thành. Họ cuồng nhiệt, dễ thích nghi, nhạy bén với cái mới, cái hiện đại của cuộc sống không ngừng vận động, đồng thời cũng rong chơi đầy cá tính như nghệ sĩ mọi thời. Có cơ bản chắc chắn, khi thể nghiệm tìm tòi, lúc tài hoa xuất thần. Không phải ngần ấy yếu tố hội tụ đủ trong một con người trẻ tuổi bất cứ một khoảnh khắc nào - song, cũng đủ để người ta có quyền đặt lòng tin. Không gian trong tác phẩm “Những cái bóng ám ảnh”, “Trường Sơn đỏ” của họa sĩ Nguyễn Lương Sáng (Quảng Bình); “Phía sau cuộc chiến” của họa sĩ Trịnh Xuân Huy (Quảng Bình); “Trong giấc mơ tôi” của Lê Thị Thúy Hằng (Thừa Thiên Huế); “Áp lực” của Nguyễn An (Thừa Thiên Huế)... như tìm hiểu sự bí ẩn và huyền diệu. Diễn tả cảm xúc phối hợp với các yếu tố hình thể, khơi gợi, kích thích toàn bộ năng lực trí tuệ và xúc cảm, đưa con người vào một trạng thái nảy sinh trực giác toàn vẹn, nên nó cũng có khả năng dẫn đến một sự cảm hứng cả ở người sáng tạo lẫn người thưởng thức. Đó là khả năng dự báo, do tính mẫn cảm, do cách nhìn luôn luôn tổng hợp giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và thiên nhiên. Trong chừng mực nhất định, không gian nghệ thuật trong các tác phẩm của họ mục đích tự giải tỏa những niềm cảm xúc của mình, đáp ứng một nhu cầu nội tại để tìm đến một sự khuây nguôi.

Trong khi đó, không gian nghệ thuật trong tác phẩm “Vạn vật và sự sinh tồn” của họa sĩ Ngô Tâm, tác phẩm “Trầm tích” của Đặng Mậu Tựu, “Trầm tích Huế Đô” của Nguyễn Thị Mỹ Tâm, “Vọng từ chiến trường” của họa sĩ Võ Xuân Huy (Thừa Thiên Huế), “Hương đầu mùa” của họa sĩ Nguyễn Thanh Song (Quảng Trị)... được thể hiện ra dưới nhiều cấp độ khác nhau, tạo ra không gian quá khứ, vị lai, địa tầng, địa chất, cõi này, cõi khác trong khoảnh khắc một cái nhìn, có tính chất của tầng lớp không gian suy tưởng. Không gian được biến hình, ước lệ, thay đổi tính chất quăng quật, vặn vẹo, còn là những biểu hiện của sự co thắt, vật vả. Những hình ảnh giao thoa tự chúng là một tượng trưng, nhưng trong sắc thái chuyển tiếp mối tương quan của sự biến hình, sự tương tác với các yếu tố tượng trưng khác đồng hiện trong những không gian trừu tượng đã tạo nên những giá trị biểu ý, biểu cảm bất ngờ.

Một khuynh hướng không gian nữa có thể gọi là tượng trưng, các hình thể có tín hiệu hòa nhập trong một không gian không viễn cận, không tỷ lệ, lúc thì gay gắt biểu hiện, lại có lúc man mác triết lý trong sự hòa quyện với quyền năng chiếm đầy ưu thế, phong phú vì những biến sắc. Một sự trầm lặng, một sự cân bằng, một chút im ắng nào đó đã ngự trị trong các tác phẩm “Hương đất” của họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn (Thanh Hóa); “Vũ điệu xanh” của Đoàn Văn Thịnh (Quảng Bình); “Huyền thoại tàu không số” của Nguyễn Đình Dàng, “Chứng tích Bạch Đằng” của Nguyễn Ánh Dương (Thừa Thiên Huế); “Nơi đảo xa” của họa sĩ Trương Minh Luyện (Quảng Bình)...

Những ảo giác được nung nấu, cưu mang, đậm đặc lạ lùng những vết cọ sáng tạo liên tiếp chồng phủ lên nhau, đan cài vô số những vết tích biểu thị, bay bổng, lưỡng lự, rung rẩy và rơi vào không gian của trời nước, của một dấu vết, một hơi thở nén lại. Tác phẩm tạo hình là một hóa thân đẹp đẽ của những điều ấp ủ sâu kín, của những ngẫu hứng bất chợt lạ kỳ, và có khi là một rong ruổi hồn nhiên bắt nguồn từ một vệt màu loang ra trên nền tranh rất vô tình. Đó là một cuộc chơi đầy công phu và một hành trình vô tận.

Nhiều hình thức không gian tại triển lãm mỹ thuật khu vực lần này hợp trong các hội lễ và phong tục làng quê, con người và thiên nhiên ẩn dấu lẫn nhau, ẩn dấu một tâm trạng. Mặc dù đã giải thoát khỏi quỹ đạo của các đối tượng có thực trong thế giới tự nhiên, song vẫn có những thử thách mới về các tiêu chuẩn quy ước, cũng như ý thức được sự cần thiết phải có một không gian tự do cho nghệ thuật, sử dụng các yếu tố có tên gọi, có ngữ nghĩa để diễn đạt.

Sự biến đổi không gian tạo hình và sự khác biệt của các hình thức đan xen, chia cắt, thể hiện trong sự tương phản nhiều cấp độ của các yếu tố, đã tạo cho tác phẩm có cấu trúc tạo nghĩa, trừu xuất ngôn ngữ tự trị giữa không gian và thế giới đối tượng. Hiệu quả không gian được khoanh lại trong các tiêu chuẩn về tính điển hình, về tính chắt lọc, khái quát của ngôn ngữ thể hiện, tất cả, là nhằm tạo nghĩa, nhằm làm “vang nghĩa” cho tranh. Ở đây, yếu tố không gian được thúc đẩy bởi nhiều động lực khác nhau, từ ý thức cũng như từ tiềm thức, từ những gì được tích lũy lâu dài cũng như từ những ngẫu hứng bộc phát tình cờ.  

Tác phẩm “Kịch bản số 1”, “Kịch bản số 2” thể hiện bằng chất liệu bút bi của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (Thừa Thiên Huế) vượt ra ngoài mọi sự chờ đợi hay tiên đoán. Không gian ví như một khoảng trũng hút về tất cả, hiện diện rồi chìm khuất, rực rỡ hòa quyện với hình thể. Mỗi hình hiệu là một sự uy nghiêm, vừa bấp bênh, vừa như khôi hài, vừa thoang thoảng âu lo, căng thẳng bởi sắc độ đen trắng, không phải là sự ngẫu nhiên, mà là sự liên tục tạo hình sống động; không là cảnh sắc vặt vụn, là màu sắc mạnh bạo như các tác phẩm khác, cũng không phải là sự tình cờ đẹp mắt. Không gian nghệ thuật ở tác phẩm này đa dạng, muôn hình, muôn vẻ trong trí tưởng tượng của con người.

Ở mỗi thời điểm, mỗi chặng đường nghệ thuật, không gian cho một tác phẩm đã manh nha hình thành. Đó là quy tắc của sự sáng tạo, xuất phát từ sự thôi thúc nội tâm, một cảm hứng, hoặc do một sự chiêm nghiệm đã có từ trước. Đi tìm một không gian nghệ thuật, đồng nghĩa với đi tìm phong cách. Trong cái nghĩa đó, yếu tố tạo nên không gian nghệ thuật không phải trong bất cứ trường phái nghệ thuật nào. Hình tượng nghệ thuật, do vậy không phải chỉ là sự tích tụ các giá trị trực quan, thụ cảm, hơn thế, nó còn là một giá trị thẩm mỹ mới. Trên bình diện này, không gian và những hỗn mang trong tác phẩm tạo hình là đồng nghĩa với một tác phẩm có chất lượng cao, là tác phẩm mà trong đó người ta bắt gặp hình tượng mới mẽ, sống động, được sáng tạo, mang đậm dấu ấn bao quát, phát hiện, dự báo những khát vọng, khả năng mới trước thẩm mỹ của con người với hiện thực. Và rồi chính trong cuộc đối thoại với tác phẩm, dẫn đến khả năng khởi hoạt những trải nghiệm đương đại, cũng như gợi lên những ý nghĩa xúc cảm phổ quát không thể định dạng, như vậy không gian mới là một sự tương quan thẩm mỹ được diễn tả đúng mức. Dù mọi lối chia không gian khác biệt trong cách biểu hiện, phương thức làm biến đổi lại những tỷ lệ của sự vật bằng cách giản dị hóa những tỷ lệ đó đối với những kích thước ấn định, bắt nguồn từ những dữ kiện của lối nhìn được biến hóa trước tiên bởi không gian tạo hình, bởi sự suy luận kiến tạo, có sức lôi cuốn.

Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đã chọn 3 tác phẩm để trao giải chính thức B, C và 4 giải tặng thưởng sau nhiều lần tranh luận và tìm sự đồng thuận. 2 Giải B - tác phẩm “Biển tình” của họa sĩ Phan Thanh Bình và tác phẩm “Ngẫu 1”, “Ngẫu 2” của họa sĩ Phan Hải Bằng (Thừa Thiên Huế); Giải C - tác phẩm “Thư ở Đảo” của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị). Các giải Tặng thưởng gồm có: “Hoa trong thời chiến” của họa sĩ Võ Tá Lục (Hà Tĩnh); “Bác Hồ với nông dân” của họa sĩ Hồ Thuyết Trinh (Nghệ An); tác phẩm “Kêu cứu” của Trần Minh Châu (Nghệ An); tác phẩm “Kịch bản số 1”, “Kịch bản số 2” của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (Thừa Thiên Huế).

Công chúng yêu nghệ thuật vẫn chờ đợi và vẫn tin rằng, các cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực lần sau, với những xúc cảm lớn nhất định sẽ kết tinh được các giá trị nghệ thuật không gian có tính đương đại, và do đó có thể toát ra ngay từ trong kết cấu của tác phẩm mỹ thuật.

T.H.T
(SH285/11-12)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng