NGUYỄN PHÚ YÊN
Thời học sinh chúng tôi học trường Quốc Học. Thời sinh viên Bửu Chỉ học Luật khoa còn tôi học Văn khoa. Có lẽ chúng tôi sẽ không hề quen nhau nếu không có phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Huế, nói rộng hơn, nếu không có hoàn cảnh tao loạn, chiến chinh khiến mỗi chúng tôi phải nhìn lại chính mình để tìm một con đường dấn thân theo tinh thần kẻ sĩ của thời đại.
Tôi gặp Bửu Chỉ trong hoàn cảnh ấy. Một ngày theo lời hẹn tôi đến nhà Bửu Chỉ ở đường Trưng Trắc, Huế. Trong căn phòng hẹp là nơi làm việc của Chỉ, anh giới thiệu cho tôi xem những bức tranh vẽ về ngựa mà anh vừa hoàn thành, tranh của một người tự học hội họa qua sách vở. Đó là những bức tranh đầu tiên mà anh vẽ bằng bút sắt và dường như từ những nét bút ấy tỏa ra một sức mạnh kỳ lạ, điều mà tôi không thể nhận ra ở những bức tranh đẹp của các họa sĩ khác ở Huế mà tôi có dịp thưởng ngoạn. Dù mới chỉ quen nhưng tôi có thể mường tượng hiểu được anh qua những bức tranh bút sắt ấy. Có một cái gì ở Bửu Chỉ dường như thoát ra được bầu không khí văn nghệ tháp ngà kiểu cách, làm dáng, tự vuốt ve chính mình của nhiều văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Dường như Bửu Chỉ đã mạnh dạn bước ra khỏi không khí gia phong mẫu mực của các gia đình hoàng phái để đến gần thực tế khổ đau của quê hương, đến gần với anh em hơn - những người cùng trang lứa nhiều trăn trở và suy tư trước vận nước.
Bấy giờ khoảng năm 1970, Bửu Chỉ đã có được nhiều bức tranh dữ dội. Trong tranh của anh là hình ảnh những con người vùng lên với đôi bắp thịt cuồn cuộn, những xiềng xích rơi loảng xoảng, những mặt trời rực sáng, những súng đạn héo hon, những em bé tật nguyền bơ vơ trong cuộc chiến… Bửu Chỉ đã thật sự chinh phục anh em bằng những tác phẩm mạnh mẽ, dũng cảm và đầy tinh thần phản kháng như thế. Thời gian đó chúng tôi thường lui tới trụ sở Tổng hội Sinh viên Huế ở 22 Trương Định - nơi anh em vẫn thường quay về để gặp gỡ, thảo luận về tình hình đất nước và những công việc cần làm trong ngày hôm sau. Anh em chúng tôi xem nhau như đồng đội trong cuộc đấu tranh chung. Tùy theo khả năng mỗi người một việc, chúng tôi gắn bó với nhau trong đời sống, cùng ăn cùng ngủ. Đó là lúc phong trào đấu tranh bước vào những ngày tháng quyết liệt. Đêm đêm chúng tôi nằm trên sàn nhà, bên cạnh tôi là Bửu Chỉ mặc dù bên ngoài trụ sở, cảnh sát mặc thường phục qua lại, chúng tôi vẫn hát vang nhiều lần những bài ca yêu thích, đặc biệt bài Chào em cô gái Lam Hồng. Giọng Bửu Chỉ như thường lệ luôn to nhất và sôi nổi nhất. Cũng là phong cách quen thuộc của anh trong các cuộc tranh luận giữa bạn bè.
Năm 1970 là thời gian cao trào của cuộc tranh đấu, mùa hè năm ấy là lúc ra đời của Hội Sinh viên sáng tác Huế mà Bửu Chỉ là tổng thư ký. Báo chí của sinh viên, trí thức đã sôi động từ bao năm nay, nhưng còn sáng tác nghệ thuật thì sao? Anh em Huế nhiều tài năng và trong cuộc đấu tranh này, lớp văn nghệ sĩ trẻ, văn nghệ sĩ sinh viên không thể im tiếng nói. Sáng tác vốn là mặt mạnh của sinh viên học sinh Huế từ trước đây với các nhóm văn bút trong nhiều trường học, có người đã nổi tiếng; giờ đây một số cây bút trẻ ấy có mặt trong phong trào, họ nói lên tiếng nói quật cường, tiếng thét hờn căm trước lửa đạn chiến tranh, trước áp bức gông cùm của chế độ, nói lên nỗi khát vọng hòa bình cháy bỏng của nhân dân.
Hội Sinh viên sáng tác cần thể hiện tiếng nói ấy và anh em bắt tay để hình thành tác phẩm cho Hội. Mở đầu cho loạt tác phẩm trong năm là tập kịch thơ Giọt máu ta một biển hòa bình của Võ Quê, sau đó là tập ca khúc Tiếng ca giữ nước của Tôn Thất Lập và Nguyễn Phú Yên ra mắt vào mùa hè 1971. Tác phẩm gồm 14 bài hát, trong đó có sáu bài của Tôn Thất Lập và tám bài của Nguyễn Phú Yên. Bửu Chỉ trình bày bìa cho tập nhạc. Anh vẽ một bức tranh với hình ảnh của đàn em bé trong ngày hội vui rất thanh bình, chỉ có một màu đen trên nền đỏ thật ấn tượng. Bên trong là hai bức tranh vẽ trên giấy stencil: một vẽ hình cô thôn nữ với lúa vàng và cánh chim câu, và bức thứ hai với nét bút mạnh mẽ theo phong cách của anh, đó là hình ảnh người dân Việt vùng lên từ trong gông cùm, xiềng xích. Đây là hai bức tranh mang dấu ấn Bửu Chỉ, biểu hiện hai nguồn cảm hứng chủ đạo của anh vào thời điểm bấy giờ.
Sau khi tập nhạc phát hành, Bửu Chỉ tiếp tục lo trình bày tuyển tập thơ học sinh và nhiều tác phẩm của các hội viên khác. Sau mùa hè, tôi từ giã bạn bè, từ giã Huế đi dạy học song vẫn liên lạc thường xuyên với anh em, trong đó có Bửu Chỉ. Tạp chí Việt bấy giờ (năm 1972) kết nạp thêm nhiều anh em cùng chí hướng. Bửu Chỉ được mời vào phụ trách mảng hội họa, còn tôi phụ trách mảng âm nhạc. Dù ở xa nhưng tôi vẫn biết Bửu Chỉ ngày càng hoạt động phong trào tích cực hơn, những nét bút ngày xưa giờ đã trở thành tác phẩm xứng đáng trong dòng văn nghệ tranh đấu tươi trẻ và đầy sức sống. Tất cả tác phẩm rực lửa của anh giờ đây đã trở thành nỗi khiếp sợ của chế độ bởi mỗi bức tranh đều lay động lương tri nhiều thế hệ, khêu gợi tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống bất công, áp bức, tàn bạo. Thật vậy, tất cả nguồn sáng tạo của anh vào thời khắc ấy đã trở thành nỗi đam mê sâu hút, là lẽ sống lớn nhất, là máu thịt của cả đời anh.
Năm 1972, khi tôi cùng Trương Quốc Khánh (tác giả bài Tự nguyện) có mặt ở Trung tâm 3, Sài Gòn - ngưỡng cửa của trại lính khổng lồ ở miền Nam - thì hay tin Bửu Chỉ cũng bị cưỡng bức vào đây nhưng anh quyết liệt chống đối việc đi lính cho chế độ để rồi phải ra tòa nhận lãnh cái án 5 năm tù. Đằng sau song sắt nhà tù, anh vẫn tiếp tục vẽ tranh trên những mảnh giấy có được và bí mật gửi ra ngoài cho anh em, tố cáo chế độ lao tù phi nhân đã đày đọa những người yêu nước. Quả thật chế độ cũng run sợ trước nét bút của anh, trước những tác phẩm thách thức kẻ thù, trước sự hình thành một nền nghệ thuật trẻ trung đầy sức sống luôn đứng về phía nhân dân để kêu đòi cơm áo, tự do và hòa bình. Bạn bè, anh em đều nhớ mãi các bức tranh đầy ấn tượng của anh: Mặt trời tự do, Ta phải thấy mặt trời, Ca ngợi bình minh, Một tuổi thơ chưa kịp lớn, Mẹ Hòa bình, Hãy cùng bay lên với khát vọng, Các thế hệ đi đày, Phận người, Người nữ tù, Bầy quạ chiến tranh, Trái tim hòa bình… Tranh của Bửu Chỉ thật sự đã góp những mảng màu làm phong phú thêm dòng văn nghệ yêu nước của tuổi trẻ tại các đô thị miền Nam trước năm 1975.
Từ ngày thống nhất đất nước, Bửu Chỉ càng hăm hở trong sáng tạo. Anh đã thật sự chọn lựa hội họa như một nghiệp dĩ đã vận vào đời mình, vẫn sôi nổi và nhiệt tình trong hoạt động văn nghệ của quê nhà. Bất chấp những cách thưởng ngoạn và đánh giá nghệ thuật còn ấu trĩ và thô bạo của một số người trong bộ máy cầm quyền, anh vẫn vươn lên một cách tự tin và say đắm. Anh lao vào nghề một cách mạnh mẽ, khẳng định vai trò của mình trong làng hội họa của cả nước. Những tác phẩm hội họa của anh không chỉ được trưng bày ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Qua khỏi giai đoạn vẽ bút sắt, thời gian sau này anh chỉ chuyên chú vào sơn dầu, thường khai thác những mảng đề tài mang tính triết lý, bằng một bút pháp đặc trưng pha một ít chất siêu thực. Trong triển lãm cuối cùng của anh ở TP HCM vào tháng 7/2002, anh giới thiệu năm bức tranh Trăng thiên cổ, Tuổi đá buồn, Một cõi đi về, Chân dung vô thường, Tưởng niệm vẽ về Trịnh Công Sơn, vẽ một người Huế mà đồng thời vẽ được chiều sâu tinh thần của thành phố quê hương của anh. Người thưởng ngoạn cảm nhận rằng tranh sơn dầu của Bửu Chỉ ngày càng đẹp hơn, giá trị hơn từ kỹ thuật đến tư tưởng.
Bửu Chỉ có nói: “Người nghệ sĩ không chỉ nhìn cuộc đời mà sống với cuộc đời. Trước khi là cái đẹp, tác phẩm hội họa phải là sự thật”. Anh đã vẽ sự thật ấy trên quê hương mà anh đã sống, bằng cảm xúc tươi mới của tuổi trẻ mà anh đã trải nghiệm. Với tôi, từ trong sâu thẳm trái tim mình, Bửu Chỉ mãi mãi là hình ảnh một người kiêu hùng trong hội họa, nét bút sinh viên của anh luôn gắn chặt với hơi thở của thời đại. Tôi vẫn nghĩ rằng chung quanh tôi họa sĩ sơn dầu thì vô kể mà họa sĩ có tác phẩm đậm đà tính chiến đấu như Bửu Chỉ thì chỉ có một!
N.P.Y
(SĐB 7/12-12)