Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-12)
Người chiến sĩ quả cảm
10:46 | 17/12/2012

VÕ QUÊ

Cách nay mười năm, vào lúc 14 giờ 34 phút ngày 14/12/2002, người nghệ sĩ tài hoa Bửu Chỉ đã ra đi. Cuộc ra đi của một hoạ sĩ, chiến sĩ quê hương vào thế giới vĩnh hằng, để lại cho gia đình, bạn bè, những người yêu nghệ thuật tạo hình trong nước và quốc tế niềm tiếc thương vô hạn.

Người chiến sĩ quả cảm
Tranh bút sắt Bửu Chỉ

Cách nay mười năm, vào lúc 14 giờ 34 phút ngày 14/12/2002, người nghệ sĩ tài hoa Bửu Chỉ đã ra đi. Cuộc ra đi của một hoạ sĩ, chiến sĩ quê hương vào thế giới vĩnh hằng, để lại cho gia đình, bạn bè, những người yêu nghệ thuật tạo hình trong nước và quốc tế niềm tiếc thương vô hạn.

Hoạ sĩ Bửu Chỉ sinh ngày 8/10/1948 trên mảnh đất Huế thân yêu. Anh đã có một quá khứ hào hùng trong những năm tháng đấu tranh giữ nước. Ngọn bút sắt của anh ngời ánh lửa xuống đường, trong ngục tù khắc nghiệt. Sự trung thực, dũng cảm, tình yêu nước nồng nàn của anh; đôi bàn tay tài hoa của anh đã từng làm cho kẻ thù khiếp sợ: “Tranh anh đỏ máu đêm tù/ Sợ tranh anh chúng trả thù tay anh/ Dù cho điện, nước cực hình/ Quên đau anh vẫn vẽ tranh chống thù”.

Những năm 1971, 1972, trong cương vị Tổng thư ký Hội Sinh viên Sáng tác Huế, giới văn học ở Huế nói riêng, miền Nam nói chung quý trọng anh với những trang viết giàu tính hùng biện, cháy bỏng tình yêu quê nhà trên các tờ báo đấu tranh như: Nối Tay, Tiếng Gọi Sinh Viên, Giữ Đất, Mặt Trận Văn hóa Dân tộc Miền Trung, Tự Quyết... Giới nghệ sĩ mỹ thuật trân trọng anh qua những tác phẩm tâm huyết đấu tranh chống ngoại xâm trên những bức tường Huế, trong những trang báo in ronéo; giới yêu thích âm nhạc ngưỡng mộ anh khi anh cất cao giọng hát trong những giảng đường đại học với bài ca “Việt Nam trên đường chúng ta đi” của Huy Du. Giọng hát anh rực lửa mà trữ tình dân tộc. Anh say sưa hát, có khi dây đàn đứt, ngón tay anh bật máu. Quê hương này đã là cội nguồn sáng tạo mãnh liệt của anh.

Từ ngày đất nước thống nhất, là người của phong trào, anh đã sống, đã hòa nhập vào mạch sống chung của dân tộc. Lần lượt anh đã tham gia đảm nhận các vai trò lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, rồi Bình Trị Thiên, Hội Mỹ thuật Việt Nam... Anh đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng Huy chương Vì Sự Nghiệp Mỹ Thuật Việt Nam do sự nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của anh trước và sau năm 1975.

Sung sức trong lao động mỹ thuật, tư duy về không gian, thời gian, về thân phận con người trầm luân, khổ đau, hạnh phúc… trong những năm 80, 90 anh đã vẽ rất nhiều tranh sơn dầu với bút pháp lạ, thể hiện sự tìm tòi cái mới trong hình thức để chuyển tải tinh tế nội dung giàu tính nhân văn trong từng tác phẩm. Dòng tranh bút sắt của anh cũng được tiếp tục thể hiện những nội dung sâu sắc về cái thiện, cái ác cũng như mạnh mẽ lên án mọi sự giả hình trong xã hội mà tiêu biểu là chùm tranh Cáo của anh với dòng chú thích: “Bọn cáo có một thứ đạo đức riêng. Lấy sự lưu manh làm thái độ sống. Sự quỷ quyệt làm thái độ ứng xử với đời. Sự đa nghi và gian ác làm lợi khí tự vệ. Và chúng đùa giỡn với lẽ sống chết của mọi người trên hai tay...”.

Tranh của anh đã được nhiều nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước tìm mua với giá cao. Anh đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm thành công như: Triển lãm tại Liên Xô (cũ), 1986; Triển lãm tranh bao bố cùng họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận tại Huế, 1987; Triển lãm cá nhân tại Paris - Pháp, 1988; Triển lãm chung với họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận tại Huế, 1989; Triển lãm cá nhân tại Hồng Kông, 1994; Được mời tham gia cuộc triển lãm “Quyền Hy Vọng” (The right to hope) của Liên Hiệp Quốc với hoạ sĩ thuộc 47 quốc gia trên thế giới, 1995; Triển lãm chung với họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận tại Galerie Vĩnh Lợi - TP Hồ Chí Minh, 1997; Triển lãm chung với họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Galerie Tự Do -
TP. Hồ Chí Minh, 2000; Triển lãm chung với họa sĩ Đinh Cường nhân kỷ niệm 100 ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ trần, 2001; Tháng 7.2001 Triển lãm chung với họa sĩ Đinh Cường tại Galerie Tự Do - TP. Hồ Chí Minh. Đây được xem như là cuộc triễn lãm cuối cùng của người họa sĩ tài hoa Bửu Chỉ. Về sau, dù anh đã không còn nhưng tranh Bửu Chỉ cũng xuất hiện chung trong các cuộc triển lãm của bạn bè đồng nghiệp.

Hiện nay, độc giả trong và ngoài nước ghi nhận và trân trọng sự định hình măng-sét tạp chí Sông Hương trước đây mà họa sĩ Bửu Chỉ là người thể hiện. Lô-gô Tạp chí Sông Hương tạo sự cảm xúc thật với hình tượng con chim Phụng hóa thân thành dòng Hương Giang, núi Ngự Bình; đã khái quát một vùng đất trữ tình, thơ mộng, một cõi thiêng của văn hóa, mỹ thuật, văn chương, âm nhạc...

Trong bài viết “Bửu Chỉ, ám ảnh và khát vọng”, nhà thơ Thái Ngọc San, nguời bạn nghệ sĩ tâm đắc của Bửu Chỉ đã rất đúng khi khẳng định về Bửu Chỉ: “Khi chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình, Bửu Chỉ lại bùng nổ những mối ám ảnh khác, nhất là những năm về sau này. Bây giờ là những mối ám ảnh triền miên về không gian, thời gian, về sự sống và cái chết, về hạnh phúc và nỗi khổ đau của con người, của nhân loại trên trái đất...”.

V.Q
(SĐB 7/12-12)

 

 

Các bài mới
Cenerentola (03/01/2013)
Các bài đã đăng